Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Nắng Chiều - Sharon Dương

                                Ordeur du temps branches de Bruèyeres  ,   
                                Et sousviens-toi que je t'attende  ...( Appolinaire ). 
                                Hương thời gian mùi Thạch-Thảo bốc hơi ,
                                Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...( Bùi Giáng dịch) .

                                                                     *   *   *
 Tôi bước lên cái sân khấu lộ thiên dưới nắng chiều rực rở của mùa Hè Ca-Li , trong ngày Hội Quảng Đà để trình bày ca khúc Nắng Chiều của nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn . . .                                                  
                                           Inline image                                              
Chung quanh tôi, những người con dân Quảng Nam - Đà Nẵng và thân hữu đã tề tựu từ  buổi sáng. Họ ngồi trong nhà chơi đối diện với sân khấu dùng làm nơi tiếp tân, bên những chiếc bàn tròn và những hàng ghế xếp.
 Một số người đứng tản mác xung quanh Hội trường, dưới những tàng cây râm bóng mát để chuyện vản cùng nhau vui ngày Hội Hè !
Nơi đây một mảng trời quê hương xứ Quảng được bày biện qua những gian hàng với những món ăn thuần túy: Mì Quảng, cao lầu Hội An, Bún chả cá, Bánh bèo, Bánh nậm, Chè các loại, nem tré, Xôi đường v...v...
 Món nào cũng đậm đà tình quê ! Những món ăn đặc sản của miền Trung đã nuôi tôi từ những ngày tấm bé cho đến bây giờ dù đã sống ở xứ người gần bốn mươi năm qua tôi cũng không bao giờ quên được.
Tiếp theo những gian hàng ăn uống, là mấy gian hàng thuộc về lảnh vực Văn học, Nghệ thuật và Y- tế.
Một cái bàn nhỏ của cô Cẩm Nhung chưng bày những đồ vật kỷ niệm của phố cổ Hội An,mà ông cậu tôi chắc cũng tốn nhiều thì giờ đẽo gọt trau chuốt cho cô những cái cột cờ treo những lá Phướn nho nhỏ,xinh xinh...

Tiếp đến là gian hàng chưng bày Đặc San, sách báo ,Thơ & Văn và những hình ảnh về quê hương Quảng- Đà, một " Kho tàng  Văn Chương " mà  Thi sĩ Mạc Phương Đình chắc đã gom góp, cất giữ khá lâu !
Từ sáng sớm tôi cũng đã giúp anh một tay để treo, dán lên tường những hình ảnh của " Xứ Quảng quê mình " xem ra cũng dồi dào và linh động.
 Đặc biệt, gian hàng triển lãm tranh của họa sĩ Đào Hải Triều. Những tác phẩm tiêu biểu và giá trị nghệ thuật được chưng bày dưới nhiều hình thức như một Gallery nho nhỏ riêng một góc trời của anh !
 Nhìn anh... ngồi vẽ thư pháp cho khách đồng hương trên những tà áo bằng sự nhẫn nại, nét mặt anh hiền hòa, mái tóc điểm sương nghiêng nghiêng bên cọ mực dưới nắng chiều lung linh...Tôi  chợt nhớ hai câu thơ bất hủ của Vũ Đình Liên mà mỗi khi đọc tới ít nhiều cũng làm xao động lòng ai:
                                                         " Những người muôn năm cũ,
                                                            Hồn ở đâu bây giờ ..."
    Inline image

 Gần bên sân khấu là bàn của Hội Khuyến Học, do B/S Diệu Liên và vài anh chị em trong Ban khuyến học lo liệu & sắp xếp.Những tấm bảng khen thưởng  được lồng khuôn tử tế và những chiếc phong bì với món tiền thưởng của Hội dành tặng cho những em học sinh con cháu Quảng Đà học giỏi, như khuyến khích tinh thần học tập của các em trong tương lai , " Hậu sinh khả úy "...
 Sân khấu với bức tranh "Chùa Cầu muôn thuở " ! được treo phía sau làm phông. Cờ  V.N.C.H. và cờ Hoa Kỳ 
 được cắm nghiêm chỉnh bên phải phía trước Ban nhạc . Anh chị em nghệ sĩ toàn " Cây nhà lá vườn "  sinh hoạt chung với nhau thật vui vẻ và đầm ấm ! Tôi thích nhất là anh M.C. Hoàng Tuấn hô Lô-Tô giọng Quảng Nam sao mà  thắm  đượm  tình quê ! Người dân quê mình ngày xưa cứ Tết đến hay lễ lộc hội hè...môn chơi giải trí vui nhất là đánh Lô Tô, hay Bài Chòi ! Hô Lô Tô như hát Vè , nhưng có vần điệu ăn khớp với nhau, không phải ai hô cũng được . Quê hương Quảng Nam đó ! như lời hát mộc mạc êm đềm....
." Quê hương tôi , gió chiều về trong nắng vàng , tang tình tang ai hò dưới ánh chiều tàn ! " 
Quảng Nam đẹp như khúc hương tình ca bở ngỡ của chuỗi ngày còn thơ mà mình chưa hề biết yêu quê hương tận tình !   Bây giờ nhìn  lại, quê hương tôi...
Huyện Hòa Vang với  ruộng vườn xanh ngát ! Nắng dịu dàng mỗi độ tiết Thu sang...Quận Điện Bàn với rẩy lúa nương dâu ,Kén cửi & nong tằm , và dòng sông Thu Bồn êm đềm` uốn khúc...đổ nước xuống sông Hàn với Đà Nẵng nên thơ ! Miền quê hương yêu kiều mà Thi sĩ Thu Bồn đã  dệt nên những lời thơ rạt rào :
                                       " Sông Thu Bồn ơi , ta nghe người đương thở.
                                          Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu... "
 Đại Lộc bòn bon và ngô khoai hai mùa mưa nắng. Quế Sơn với núi cao sim tím chập chùng !
 Hội An phố cổ, bên biển Cửa Đại thông reo với bóng dừa lơi lã  trên  cát trắng mịn màng...Tất cả những địa danh của Quảng Nam Đà Nẵng được mang lại nơi đây , trong sân trường Y.B.  bởi những người con dân của xứ Ngũ Phụng Tề Phi , lại một lần nữa cùng nhau sum họp !
                                                                            *   *   *  
                                    Inline image         
       Hôm nay tôi hân hạnh được hát giúp vui trong phần Văn Nghệ với nhạc phẩm " Nắng Chiều " của Nhạc  sĩ
Lê Trọng Nguyễn, là một sự chọn lựa có ý nghĩa và  đầy thú vị với tôi !
Vì bởi Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là một người con dân của Quận hạt Điện Bàn, thuộc tỉnh Quảng Nam. 
Nói đến nhạc phẩm Nắng Chiều như nhắc đến một giai thoại tình cảm xót xa của Lê Trọng Nguyễn, một người nghệ sĩ lãng mạn tài hoa với một người con gái Quảng Nam xinh xắn mà duyên không thành ! 
 Tôi nghe được " chuyện tình " của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ những nhân vật trong " Nắng Chiều " .
vì không ai xa lạ ,người bạn thân của tôi là con gái của người đẹp trong Nắng Chiều thuở ấy !
Chuyện kể rằng :
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thuở thiếu thời có một người bạn thân( N.T.T.) học chung trường từ tiểu học,cả hai đều quen biết với một cô gái xinh xắn ở cùng quê. Mỗi người có những tình cảm riêng tư mà chẳng ai thố lộ với ai bao giờ !  Lùi về quá khứ , thời trước 1945 đất nước Việt Nam rơi vào tình thế hổn loạn, Phong trào Việt Minh kháng chiến chống Pháp để dành Độc Lập kêu gọi những thanh niên yêu nước đi vào Chiến khu để hoạt động tại Liên Khu 5, gồm các tỉnh Quảng Nam , Quảng Ngãi , Bình Định và Phú Yên. 
 Lê Trọng Nguyễn cùng một số bạn bè đã tham gia  kháng chiến, có người bạn thân N.T.T. cũng cùng đi. 
Sau đó thời thế đổi thay, một số người tập kết ra Bắc, một số đã bỏ Chiến Khu để trở về Thành sống đời Tự do. Trong số thanh niên trí thức trở về có N. T. T.  và  Lê Trọng Nguyễn. 
Nhưng N.T.T. về Thành trước còn Lê Trọng Nguyễn về sau. 
Cô gái xinh xắn năm xưa bấy giờ là một nữ sinh của trường Đồng Khánh , Huế. Sau khi tốt nghiệp bậc Trung Học với Văn Bằng Thành Chung, cô trở về Hội An sống với gia đình và sau đó kết hôn với ông N.T.T. !
Lê Trọng Nguyễn về sau , hụt hẫng vì tình yêu đã mất, người con gái ông yêu năm xưa đã sang ngang rồi !
Từ niềm đau mất mác ấy Lê Trọng Nguyễn đã sáng tác nên ca khúc Nắng Chiều, ghi lại một giai thoại tình yêu dang dở của đời ông !                                    
                                                                                    *   *   *
                                                
                                                           Inline image
      
                                                 Hình người đẹp trong Nắng Chiều tại Hội An (1952).

 " Nắng Chiều " ra đời  bên cầu Vĩnh Điện, khi chiều xuống trên bến sông Thu Bồn.
Bằng thể điệu Rumba mượt mà , nhạc phẩm Nắng Chiều tàng trữ những tâm tình êm dịu, thiết tha chen lẫn những niềm đau tê tái, ngậm ngùi !  Bài hát cũng chuyên chở nhũng hình ảnh thân thương của quê nhà như bến nước, nương dâu , bóng tre là ngà và...sân nắng :
" Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn ! Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ...
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy ,dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh. 
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm. Má em màu ngà tóc thề nhe, vương ..."
...Đến khi ông trở về thì mọi chuyện đã vỡ lỡ :
                       .... " Nay anh về qua sân nắng. Chạnh nhớ câu thề tim tái tê !
                              Chẳng biết bây giờ người em gái...duyên ghé về đâu ?!
Trong hầu hết những tác phẩm của  Lê Trọng Nguyễn , chỉ có hình bóng duy nhất của người con gái Quảng Nam  mà ông đã yêu mến  . Như lời hát thiết tha, đau buồn trong " Bến Giang Đầu " :
                            Có phải vì anh bềnh bồng mãi trong gió sương.
                            Nên khiến đời em dưới hiên tranh khói lạc hướng?!
                            Rã rời chờ nhau tình rạn nứt duyên nát nhàu ,
                            Bến Xuân Giang Đầu nơi che lấp một niềm đau...
                                                               *
                                                      *                 *
 Mặc dù tình yêu trớ trêu dang dở, nhưng họ (ba người), vẫn giữ được tình bạn trân quý với nhau cho đến cuối đời !
 Lê Trọng Nguyễn đã mang tặng bà ( người ông yêu ) bản nhạc Nắng Chiều , sau khi bà lấy chồng một năm , và tặng bạn mình( Ông N.T.T. ) cây đàn Mandoline của ông làm .Thỉnh thoảng ông đến thăm gia đình bạn, và dùng bửa cơm thân mật do chính bàn tay khéo léo của bà nấu nướng .
 Trong số các người con của Bà, một anh con trai trưởng có cái tên của nhạc sĩ " Trọng Nguyễn "  ! 
Nhưng anh chỉ khác Họ : Nguyễn Trọng Nguyễn.
Có một lần anh đã hỏi người nhạc sĩ : "Sao con được mang cái tên giống Bác? "Người nhạc sĩ cười và trả lời anh : " Tên cháu là do Má của cháu đặt cho , làm sao Bác biết được?! " 
Thế là câu hỏi nầy cho mãi đến ngàn sau không có lời giãi đáp. Vì năm 2004 Bà đã vĩnh viễn ra đi...
                                                        *   *   *
 Từ nơi xa xăm...Lê Trọng Nguyễn đã gởi vòng hoa Phúng Điếu đến gia đình Bà với " Vô Cùng Thương Tiếc ".
Chẳng biết trong khoảnh khắc biệt-ly ấy, ông có ngồi lại với cây đàn để so phím cũ, và dạo điệu Ngũ Cung buồn cho thảnh thót lên lời hát chơi vơi :  
" Nay anh về nương dâu úa, giọng hát câu hò thôi hết đưa. Hình bóng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm ! Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà...Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh ! Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi..." 
  .
                                                         *   *   *
Tôi đã đến dự đám tang của Bà (là Má của bạn tôi). Trong cái không gian yên lắng của buổi tưởng niệm...
Tôi nghe giai thoại "Nắng Chiều" cũng được nhắc lại...qua lời người con trai của Bà ( Nguyễn Trọng Nguyễn ), khi nói về những kỷ niệm của người mẹ yêu thương.
Tôi theo chân những người thân và bạn bè sắp hàng lên viếng Bà lần cuối.
 "Đôi mắt long lanh" của người phụ nữ trong Nắng Chiều đã khép kín vĩnh viễn để yên giấc ngủ nghìn thu ! Trước di ảnh đẹp dịu hiền của Bà , tôi đã kính cẩn nghiêng mình chào vĩnh - biệt với lời cầu nguyện, cùng dòng lệ cảm xúc cũng vô tình lặng lẽ rơi...
 VÀ ,
        ... ánh  "Nắng Chiều " đã tắt   !
                                                                *   *   *
                                  Inline image

 Sân khấu dưới nắng chiều vẫn vàng ngát, mênh mông ... và người dân Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn xôn xao vui chơi ngày Hội . Ban nhạc vẫn nhịp nhàng hòa điệu Rumba ở tông Si trưởng cho tôi hát Nắng Chiều ! Nhũng nhân vật trong trang tình sử Nắng Chiều đã lần lượt ra đi...    
Nhưng nhạc phẩm Nắng Chiều và huyền thoại vẫn còn ở lại !
Tôi hát với lòng yêu và như tưởng nhớ ! Như giọng hò buông lơi của miền quê xứ Quảng trên bến sông Thu thuở nào...Áo dài và tóc tôi tung bay trong buổi chiều gió lộng. Tôi đưa tay về phía sau ra dấu cho Ban nhạc chậm lại và chuẩn bị cho tôi  Terminée ở câu hát cuối cùng :
                                          "...Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi..."

                                                 San Jose, Ngày Hội Hè Q.N.Đ.N., tháng 7 - 2015.
                                                                 Lê Thu Phong. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét