Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Cựu học sinh Chu Văn An Nam California họp mặt - NV

WESTMINSTER, California (NV) - Dù mái đầu đã bạc trắng vì tuổi tác, nhưng khi Giáo sư Vũ Ngọc Ánh bước vào thì tất cả mọi người đều đứng dậy, cúi đầu và vỗ tay đón chào. Một hình ảnh đẹp về “tôn sư trọng đạo” của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Nam California mừng ngày hội ngộ hè 2015 vừa tổ chức tại nhà hàng Seafood World, Westminster, tối Chủ Nhật, 23 Tháng Tám.
Quốc Dũng/Người Việt
alt
Giáo Sư Vũ Ngọc Ánh (thứ năm từ trái) bên đồng nghiệp và học trò. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Chia sẻ về ngày hội ngộ, ông Chu Tất Tiến, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Nam California, cho biết: “Chúng tôi tổ chức ngày họp mặt để tạo cơ hội gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, chia cho nhau những kinh nghiệm sống để giúp nhau cùng hạnh phúc. Và hơn hết là được gặp lại thầy cũ. Chúng tôi chỉ còn một vài người thầy đã dạy lúc còn ở quê hương và nay gặp nhau trên xứ người. Thầy thì tuổi đã cao, chúng tôi tuổi cũng chồng chất, người nhỏ nhất cũng hơn 65 tuổi. Tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy được những người thầy, người bạn, người em của mình vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn.”
Những người thầy tận tụy
Quả vậy, Giáo Sư Vũ Ngọc Ánh nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn hăng say viết sách. Ông dạy tại trường Chu Văn An cho đến khi trường di chuyển từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, ông còn dạy nhiều trường tại Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn như Nguyễn Huệ, Bảo Long, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến… Ông còn soạn nhiều sách biên khảo, giáo khoa về văn chương, lịch sử Việt Nam và từng là thượng nghị sĩ dưới thời VNCH. Tại ngày hội ngộ, ông cũng ra mắt tập sách thứ ba “Câu Chuyện Âm Nhạc." Trước đó, ông từng ra mắt hai tập sách khác là “Đường Xưa Lối Cũ” và “Từ Hà Nội Tới Paris.”
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng năm nay đã 83 tuổi cho biết: “Tôi không thể nào nhớ hết tất cả học trò, nhưng học trò nhớ mình là quý lắm. Hồi đó tôi dạy năm lớp, mỗi lớp 30 người. Đông quá. Khi dạy thì họ còn trẻ, toàn 17-18 tuổi cả, còn tôi cũng 24-25 tuổi. Bây giờ họ cũng ngấp nghé 80 tuổi rồi. Quả thật tôi không thể nào nhớ hết được, chỉ nhớ một vài người đặc biệt. Nhưng quý lắm, xúc động lắm những gì học trò mình đã mang lại hôm nay.”
Ông cho biết, ban đầu ông dạy ba năm tại trường Quốc Học Huế, sau đó dạy hai năm ở Petrus Ký, Sài Gòn, cuối cùng ông dạy một năm tại trường Chu Văn An niên khóa 1957-1958 rồi sau đó ra làm bác sĩ và tham gia quân đội.
Giáo Sư Dương Ngọc Sum là cựu Thanh Tra Bộ Giáo Dục VNCH, phụ tá Vụ Đặc Biệt Tổng Trưởng Đặc Trách Khối Nghiên Cứu & Phát Triển Giáo Dục, cũng từng dạy nhiều trường như Sư Phạm Sài Gòn, Petrus Ký… Ông đi dạy từ năm 1958 với các môn Pháp Văn, Sử, Địa và Văn.
Ông kể: “Năm 1971 tôi lên Bộ Giáo Dục làm cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì ‘trời sập,’ Sài Gòn bị Cộng Sản Bắc Việt chiếm. Dù làm chuyên về giáo dục nhưng Cộng Sản vẫn bắt tôi đi cải tạo mấy năm liền. Sau khi ở tù về một thời gian, thiếu giáo sư nên nhà cầm quyền cho tôi đi dạy trở lại từ 1980-1990 tại trường trung học Hùng Vương ở quận 5, Sài Gòn. Rồi năm 1990 tôi sang Hoa Kỳ theo diện H.O.”
Ông chia sẻ: “Đối với các thầy ở hải ngoại, việc kết nối, giúp ích cho cộng đồng về văn hóa, giáo dục thì ai nấy đều rất sẵn sàng. Làm như vậy để tuổi già trôi qua không vô ích.”
alt
Bác Sĩ, Nguyễn Hy Vọng (trái) và Giáo Sư Dương Ngọc Sum trò chuyện. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Hội ngộ nhỏ, ý nghĩa lớn
Ông Nguyễn Văn Thu, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Nam California, nói: “Để mời được những vị giáo sư, niên trưởng, huynh trưởng gặp nhau trong ngày hội ngộ này là vinh dự của chúng tôi. Xin được cúi đầu cảm tạ quý vị và kính chúc quý vị mọi điều như ý.”
“Học sinh Chu Văn An bốn phương nhiều lắm, vì trường đào tạo quá nhiều nhân tài. Chúng tôi đã mời được rất nhiều giáo sư, sĩ quan từ năm 1954 sau khi di cư vào Nam. Chúng tôi tự hứa với lòng, bằng mọi cách anh em cũng phải gặp nhau và liên lạc nhau, để mọi người sum họp, hội ngộ bên nhau,” ông Thu chia sẻ.
Đặc biệt trong ngày hội ngộ là sự có mặt của cựu Đại Tá Không Quân Phạm Đình Cương, trưởng phòng không quân, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ông là học sinh đầu tiên của trường Chu Văn An, học tại trường từ năm 1946, đến năm 1951 thì đi sĩ quan động viên khóa 1 trường Sĩ Quan Nam Định. Ông phụ trách các loại phi cơ của VNCH cho tới ngày ngày 29 Tháng Tư, 1975, thì rời nước ra đi.
Ông Phạm Đình Cương nói: “Ngày hội ngộ có sự góp mặt của nhiều giáo sư, nhiều khóa học sinh. Đây là một thành công, vì không dễ để có thể tập hợp mọi người lại đông đủ như thế này, là dịp hội ngộ để chúng ta tâm tình, hàn huyên, giúp đỡ nhau nơi xứ người. Theo tôi, quan trọng nhất của mình là phải tập hợp, đoàn kết với nhau, đừng chia rẽ nhau thì mọi việc sẽ hanh thông.”
Còn ông Chu Tất Tiến cho biết: “Hội ngộ lần này chúng tôi đón tiếp hơn 220 người tham dự, tất cả các vị khách đều đặc biệt. Mỗi năm hội cũng tổ chức một lần hội hè và một lần tất niên hoặc tân niên. Ngoài ra có những dịp đặc biệt thì sẽ tổ chức riêng như yểm trợ bão lụt, yếm trợ thương phế binh VNCH…”
Ông Tiến nói thêm: “Khi tiếp tay để làm một chút quà nhỏ cho các thương phế binh VNCH, chúng tôi luôn biết ơn họ vì đây là những người đã hy sinh cả cuộc đời, tinh thần, và thân thể cho chúng ta ngày hôm nay được hưởng tự do và hạnh phúc.”

 Thêm vài hình ảnh: 
 photo IMG_9617_zpsckg8iicn.jpg
Trình diễn Áo dài: CNS Liên Trường THVN
 photo IMG_9619_zpsi7fuc7vs.jpg
 photo IMG_9604_zps4ms3n1ep.jpg
Vũ Khúc : Câu Lac Bộ Tinh Nghệ Sĩ
  photo IMG_9598_zpsp4uwfrdy.jpg
PK David Phùng, CVA Nguyễn Mai, GS PK Dương Ngọc Sum, PK Lâm Minh Hiệp, PK Lê Hữu Phước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét