Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Cúng Mẹ - Truyện Nguyễn Thị Thanh Dương - Thơ Mạc Phương Đình



( Viết thay chị V.T.M.)
Tôi gọi phone cho Lan người em kế đang sống ở Úc.  Tôi hỏi Lan :
-         Mỗi năm mùa Vu Lan và giỗ mẹ em cúng trái cây gì vậy?
-         Em “chuyên đề” cam nho táo. Mấy thứ này lúc nào cũng có sẵn ngoài chợ
Tôi bật kêu lên:
-         Chị cũng thế, chỉ cam nho táo. Hèn gì…
-         Thì sao hở chị? Cúng giỗ thì trái cây nào chả được miễn là tươi ngon.
-         Nhưng mẹ bảo là mẹ …đã ngán 3 thứ này đấy.
Tôi kể cho Lan nghe giấc mơ tối qua mẹ tôi hiện về bảo tôi là mấy năm nay chúng mày toàn cúng cam nho táo mẹ chán lắm rồi.
 Lan bật cười:
-         Gớm, mẹ mình đáo để thật, đến chết vẫn còn hiện về bắt lỗi con cái. Thế con Cúc ở Việt Nam nó cúng mẹ bằng trái cây gì nhỉ?
Cúc là đứa em út vẫn đang sống ở Việt Nam , mẹ tôi đã sống với vợ chồng nó cho đến khi qua đời:
-         Chắc là Cúc cúng những loại trái cây mà mẹ thích, nó sống với mẹ tới giây phút cuối cùng là hiểu ý mẹ rồi
Lan đùa:
-         Chị ở Mỹ xa thế mà mẹ cũng xông pha đến bằng được, hiện về để “khiếu nại”, sao mẹ không báo cho em biết luôn thể nhỉ?
-         Mẹ báo một đứa đủ rồi, ngày lễ Vu Lan sắp đến hai chị em mình sẽ mua trái cây khác như chuối nhãn, vải để cúng mẹ nhé.
-         Vâng, mẹ có 3 đứa con gái ở 3 nơi khác nhau cùng,  giỗ mẹ tha hồ cho bà vừa lòng và ấm lòng bõ công mẹ đã nuôi dưỡng chúng mình.
Mẹ tôi quê Nam Định, thời con gái đã giỏi giang việc nhà và bán buôn, cô Ninh thường ra Hà Nội cất hàng về bán chợ quê, các đồ hàng xén cô mua ở  tiệm  mẹ anh Cừ và thế là cô quen anh Cừ, mỗi lần cô đến là anh cứ luẩn quẩn bên cô mà chẳng dám nói năng gì, cô Ninh hiểu ý chủ động tấn công anh công tử Hà Nội, lần đầu tiên rủ anh đi chơi bờ hồ, cô sốt ruột đợi anh ở ngoài đầu ngõ mãi anh Cừ mới thong thả ung dung từ trên gác bước xuống và ra gặp cô, anh mặc áo len cổ quấn khăn quàng và đầu đội mũ phớt.
 Cô Ninh đã phải kêu:
- Trời hôm nay mát mẻ có gió Đông Bắc thổi về đâu mà anh khăn áo thế này?
- Tôi xin lỗi để cô đợi lâu, dù gió nào thì mẹ tôi cũng bảo nên mặc cho ấm khi đi ra đường, từ bé tôi đã quen thế rồi cô Ninh ạ..
Ngày anh Cừ đòi cưới cô Ninh chỉ một mình mẹ anh Cừ là vui vẻ chấp nhận, mẹ nào mà không hiểu con, bà biết con trai bà yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần nên cô Ninh có đủ tư cách để chồng nương tựa.
Anh Cừ dáng nhỏ nhắn yếu đuối thư sinh con nhà giàu được cưng chiều từ bé.
Cô Ninh thì trái ngược hẳn, gái quê to cao lực lưỡng mạnh khỏe, cô hơn hẳn anh một cái đầu,. hai vợ chồng đi bên nhau nhiều người không biết tưởng là hai …dì cháu hay cũng là hai chị em dù cô Ninh kém anh Cừ 2 tuổi..
Cả họ hàng nhà anh Cừ đều phản đối, từ bà cô cho đến anh em anh Cừ,. họ chê cô Ninh nhà quê ít học chữ nghĩa chưa đầy lá mít.
Khi cô Ninh về làm dâu nhà anh Cừ bà cô đã trêu chọc đứa cháu dâu khi cháu đang làm bếp:
-         Cháu này, ở Hà Nội người Hà Nội mổ cá đằng lưng đấy nhé.
Cô Ninh chẳng lạ lẫm gì cách làm cá, ở quê mỗi khi nấu cơm làm cá  cô vẫn mổ bụng cá và rửa sạch sẽ, nghe bà cô chồng nói cô Ninh ngây thơ tưởng dân Hà Nội làm thế và cô ngoan ngoãn vâng theo, mổ những con cá đằng lưng làm một phen trò cười cho nhà chồng. Họ càng cười càng thêm ghét cay ghét đắng con bé nhà quê được làm dâu nhà Hà Nội lại là nhà giàu sang.
Còn ông anh cả của chồng thì ghét cô ra mặt …chơi trò ném đá, nhà anh cả và nhà vợ chồng cô Ninh ở cạnh nhau, từ sân nhà bên cạnh anh ném gạch sang sân nhà em một ngày mấy bận, cô Ninh không chịu nổi sự phá đám của anh chồng bèn…dắt chồng đi thuê nhà nơi khác không thèm ở căn nhà mặt phố Hưng Ký của nhà chồng nữa. Cô yêu anh, cô đâu màng gì tới tiền của gia sản nhà anh.
Thời cuộc năm 1954 mẹ anh Cừ muốn lo cho các con đi Pháp nhưng anh Cừ đã  nhanh chân theo vợ di cư vào Nam, lìa quê cha đất tổ, lìa cha mẹ anh em thân thuộc.Từ đấy anh Cừ nương nhờ vợ như trước đó anh từng được mẹ chở che.
Vào Nam anh Cừ thành một công chức còn cô Ninh lại xuôi ngược bán buôn từ buôn bán  nhỏ đến lớn. Họ xây được căn nhà 3 tầng lầu nơi các con sống từ nhỏ hay ra đời và lớn lên ở đây.
Ngày tôi lên 7 lên 8 học tiểu học mỗi lần bị bạn bè bắt nạt là tôi về mách mẹ, thế là mẹ tôi đến thẳng trường, không phải để gặp cô giáo mà để gặp đứa thủ phạm đã đánh tôi, bà hăm dọa thế nào mà từ đấy trở đi không đứa bạn nào dám ăn hiếp hay gây sự với tôi nữa
Chúng nó bảo nhau là mẹ tôi dữ lắm, mẹ tôi “Bà Chằng”
. Mỗi lần đứa bạn nào muốn đến nhà tôi chúng đều hỏi thăm tình hình:
-         Ê Mai, chiều nay mẹ mày có nhà không?
-         Có anh tao, hai đứa em tao và bố tao
-         Ai cũng được miễn là không có mẹ mày, chiều tao đến nhá mày chơi nhá.
Tôi hãnh diện về người mẹ “bà chằng” của mình vì được mẹ che chở an toàn và các bạn nể sợ, nhưng chỉ vài năm sau thì tôi hiểu cái danh từ “mẹ bà chằng” chẳng hay ho gì mà trái ngược lại nên tôi mặc cảm lắm với bạn bè vì mẹ mình
Ngoài vóc dáng to cao nét mặt mẹ cũng chẳng hiền, đôi chân mày đậm đôi mắt hơi xếch . Tướng tá này mà đi đánh ghen thì các cô bồ nhí của bố tôi ( nếu có) cũng phải chạy xa một đi không trở lại. Nhưng cũng may bố tôi chẳng bao giờ có ý định yêu thương ai ngoài mẹ, người con gái quê đã giáng tiếng sét ái tình dữ dội vào đời bố.
Ngày xưa ở quê quân ăn trộm cũng phải sợ mẹ tôi, nửa đêm chúng vào sân bắt trộm gà bị mẹ phát hiện đuổi theo đến cùng dù chúng đã biết điều ném trả lại những con gà để hối hả leo qua tường, mẹ leo không kịp nên tên trộm thoát nạn nhưng bầy gà đêm một phen hoảng sợ, gà xổ lồng bay tung toé và nhào nháo khắp sân.
Ở Sài Gòn có lần mẹ tôi bị cướp giật xâu chuỗi hột đeo trên cổ tại công trường Quách thị Trang, sợi giây đứt hột rơi tung toé xuống đất, không thể lấy được gì tên cướp giật bỏ chạy nhưng bà vẫn không tha tên cướp, bà huỳnh huỵch chạy theo và lấy cán dù kéo cổ tên cướp ngã lăn quay ra đường và giữ chặt nó rồi hô hoán mọi người bắt giao tới đồn cảnh sát sau đó bà mới thong thả lượm hột lên cho đến khi xâu chuỗi đầy đủ .
 Lợi thế to con khỏe mạnh bà đã trấn áp tên cướp dễ như trò chơi trẻ con..
Nghe mẹ kể lại hai câu chuyện bắt trộm cướp này chúng tôi phục mẹ lắm và tôi đã dè dặt hỏi:
-         Trộm cướp chưa lấy được món gì của mẹ sao mẹ không tha ….làm phước còn truy đuổi đến cùng?
Mẹ quắc mắt mắng tôi:
- Mẹ chỉ làm phước cho người tử tế, quân bất lương thì nó phải trả gía…
Mẹ làm giàu từ hai bàn tay trắng nuôi chồng nuôi con sung sướng, lương của bố chỉ để nhà xài vặt, bố vẫn là công tử Hà Nội dù đã xa Hà Nội nhiêu năm, được mẹ hầu cơm hầu nước thương yêu và trân trọng.
Chắc đã quen được mẹ chiều lại đến vợ chiếu, bố kiểu cách và khó tính khác người.
Buổi sáng bố điểm tâm bằng tô phở nhưng phải là tô phở đến đúng lúc, nghĩa là khi bố ngồi vào bàn thì mẹ đã mua tô phở từ ngoài tiệm về đến nơi, không sớm hơn và không trễ hơn.
Tôi có lần phải đi mua phở về cho bố, bưng tô phở đặt trên cái đĩa mà tôi vẫn lóng cóng sợ tô phở nóng đổ ra tay, rón rén đi mãi mới về đến nhà tôi bị mẹ mắng ngay:
-         Con ngủ ở tiệm phở hay sao mà lâu thế?
Dĩ nhiên tô phở ấy bố tôi không ăn vì là “tô phở không đúng lúc”, bố thà nhịn đói chứ không ăn tô phở dù chỉ bớt nóng đi một chút. Thế là từ hôm ấy trở đi mẹ tôi “độc quyền” đi mua phở cho bố điểm tâm.
Mẹ đã tự tin nói với các con :
- Thả bố chúng mày ra đường chẳng cô nào thèm nhặt, vì ai mà chiều nổi bố chúng mày ngoài mẹ .
Mỗi khi bố mẹ đi ra phố bố chưa biết cầm dù che vợ là gì vì mẹ đã làm chuyện ấy, che cho bố khi trời nắng lúc trời mưa. Bố nói đùa với mẹ :
- Bà khỏi cần che ô che dù làm gì, tôi đi bên cạnh bà, bóng bà to lớn đủ che chắn cho tôi rồi
Và bố cũng từng nửa đùa nửa thật trước mặt vợ con:
-         Nếu bà chết trước thì tôi sẽ sống ra sao đây.
Mẹ gắt yêu:
-         Ông đừng nói gỡ. Nhưng nếu thế thì tôi sẽ là người chết sau để lo cho ông đến khi mồ yên mả đẹp rồi tôi chết ngay lập tức cũng vui lòng..
Chúng tôi cũng ước nguyện như mẹ, bố khó tính thế chúng tôi không đứa nào dám gần., mẹ tuy cũng khó tính nhưng vẫn cởi mở và gần gũi các con.
Mẹ làm mấy nghề một lúc, cho vay lời, cầm chủ hội, bán vải, cầm cố đồ đạc nhà cửa, những nghề cần bản lĩnh này đã thích hợp với mẹ, hầu như không ai dám trây lì hay quỵt tiền nợ của mẹ.
Có một con nợ cầm căn nhà mặt tiền không có khả năng trả nợ, thay vì xiết nợ căn nhà mẹ thương cảm cho cảnh nhà người ấy sa cơ thất thế đã gia hạn thêm để giúp người ấy tiếp tục kinh doanh nơi căn nhà mặt tiền, tiếp tục trả góp cho mẹ.
Nhà bà Tư trong xóm lao động gần nhà mang nợ mẹ dai như đỉa đói, nợ cũ chưa dứt lại chồng thêm nợ mới, lần đó bà Tư sai hẹn không trả tiền lời, mẹ tưởng bị bà Tư qua mặt, mẹ tức giận xồng xộc đến nhà bà Tư định sẽ mắng cho bà ta một trận và từ giờ trở đi đừng hòng bén mảng đến nhà mẹ để vay tiền nữa.. Khi đến nơi thấy ông Tư nằm trên chiếc phản xiêu vẹo ngoài nhà, mình đắp chiếc chăn cũ rách như tổ đỉa và rên hừ hừ, bên cạnh ông vài ba đứa trẻ mặt nhem nhuốc và ngơ ngác sợ hãi khi thấy người đàn bà lạ bước vào với vẻ mặt dữ dằn đòi gặp mẹ chúng thì mẹ tôi đã chạnh lòng.
Bà dịu giọng hỏi lũ trẻ:
-         Mẹ chúng mày đâu?
Một đứa mếu máo đáp:
-         Má con đi qua nhà dì Hai mượn gạo chưa về.
Mẹ tôi quay về nhà và đến một cửa hàng gạo mua hẳn một tạ gạo nhờ chủ tiệm mang đến tận nhà bà Tư.
Mẹ bán vải bỏ sỉ, những xúc vải để đầy trong nhà không những anh chị em tôi muốn may gì thì may mà các bạn tôi đến chơi nhà, mẹ thấy đứa nào trầm trồ trước đống vải mới tinh đủ màu sắc mẹ tôi liền bảo:
-         Cháu thích thì bác cho, bác cắt vải cháu may cái áo giống Mai nhé
Các bạn tôi thích mê, không phải chỉ thích vải mà thích cả mẹ tôi, trông tướng tá bà oai vệ như đàn ông mà sao dịu dàng hiền hậu thế.
Các bạn của anh tôi cũng được yêu chiều như thế, đến chơi nhà là được mẹ giữ lại nấu cơm cho ăn no nê mới ra về,.các anh thân thiện và tự nhiên, có anh đến nhà tôi vừa vào đến cửa đã hỏi đùa:
-         Mai ơi, nhà còn cơm nguội không cho anh ăn với
Mẹ tôi nghe được đã vồn vã:
-         Sao lại thế cháu, để bác đặt nồi cơm điện mà ăn cho nóng sốt chứ.
Các bạn thời tiểu học của tôi khi ấy còn bé dại tưởng mẹ tôi dữ dằn, chúng không hiểu sau cái nhan sắc đàn ông “đáng sợ” ấy mẹ tôi là một phụ nữ giàu tình cảm rất đáng yêu. Các bạn của chúng tôi sau này đã hiểu thế, đã qúy mến mẹ biết bao.
Làm ăn mấy nghề như thế nhưng mẹ vẫn ôm đồm thêm khi có cơ hội, thấy một tiệm sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự cần sang lại gía rẻ vì chủ tiệm đi xa mẹ đã sang lại ngay.
Anh chị em chúng tôi đều phản đối, nhà toàn phụ nữ, bố đi làm còn anh tôi đã là phi công bay bướm đời nào chịu làm anh thợ sửa xe gắn máy.. Bố tôi cũng răn đe cho có lệ vì biết mẹ đã quyết định là đâu vào đó khó mà thay đổi được:
-         Nhà này không ai biết sửa xe gắn máy đâu nhé.
Mẹ gạt đi :
-         Ông chỉ khéo lo, chưa biết thì làm cho biết, cả Sài Gòn này có bao nhiêu là xe gắn máy tha hồ kiếm tiền ông ạ.
Rồi mẹ nói đùa:
-         Tôi mà có vốn to thì buôn cả tàu bè máy bay nữa đấy
Anh tôi nhận xét:
-  Mẹ mà đi lính chắc cũng xông pha khắp 4 vùng chiến thuật, cũng lên cấp chỉ huy. ..
 Những ngày đầu mẹ bảo chị em tôi thay phiên nhau lúc rỗi rảnh ra trông tiệm để “câu khách” vì khách sửa xe toàn là đoàn ông, các anh khách hàng đến sửa xe đã gặp cô Mai, cô Lan cô Cúc và không thể nào không đến tiệm lần nữa khi xe bị hỏng. Mẹ tâm lý giỏi thật.
Chưa có tiệm sửa xe gắn máy nào ở Sài Gòn độc đáo như tiệm nhà tôi toàn là phụ nữ trông coi
Nhưng người trông coi tiệm chủ yếu vẫn là mẹ, có các thơ chính thợ phụ sửa chữa hẳn hòi mà tay chân mẹ ít nhiều cũng dính dầu nhớt, dần dần mẹ thành thạo hầu hết những bệnh thông thường của xe gắn máy, khách mang xe đến tiệm sửa chỉ tả sơ sơ mẹ đã định xong bệnh chiếc xe và ra gía, gía cả phải chăng nên cửa tiệm càng được tín nhiệm đông khách.
Mẹ làm chủ hội, tính nhẩm mà vanh vách, hội non, hội gìa, tiền ai hốt hội tiền ai đóng hội không sai sót bao giờ, nhiều khi tôi muốn giúp mẹ mang giấy bút ra cộng trừ chưa xong thì mẹ đã ra đáp số rồi
Không ngờ một người phụ nữ nhà quê ít học chỉ xong bậc tiểu học trường làng mà lại tính toán nhanh nhẹn đến thế.
Anh cả tôi lái máy bay phi đoàn cảm tử, phi đoàn 219 chuyện chở lính biệt kích Mỹ.  Phi cơ anh lái là một trong hai chiếc máy bay bị rơi trong một chuyến bay thả biệt kích Mỹ xuống vùng ngã ba biên giời Việt Miên Lào tháng Tư năm 1969. Anh mất tích không tìm thấy xác.
Mẹ tôi một thân một mình ra tận Đà Nẵng vào phi đoàn để hỏi thăm tin tức của anh, mẹ không cho bố tôi đi vì sợ ông yếu sức yếu lòng không chịu đựng nổi nỗi đau này. Mẹ gánh vác cả nỗi đau cho bố..
Tin tức về con trai càng ngày càng mù mịt, ai cũng hiểu là máy bay rơi đồng nghĩa với phi công chết tan xác cùng với mảnh vụn máy bay trong buị bờ nào đó, có người mẹ nào không đau đớn khi nghĩ đến từng mảnh vụn thịt xương con mình hoang lạnh nơi rừng sâu núi thẳm.
Mẹ tôi để hình anh Tùng trên bàn thờ hương khói, ngày máy bay rơi là ngày giỗ anh và thường than khóc gọi tên con : “Tùng ơi, con ở đâu? Sao con chết thảm thế con ơi…” rồi mẹ quay ra chửi từ đầu nguồn đến cuối nguồn vẫn là thằng Việt Cộng, mày vào xâm chiếm miền Nam Việt Nam con bà phải đi lính, mày bắn rơi máy bay con bà, mày giết con bà.”.
Mỗi năm cứ đến ngày giỗ anh Tùng là có vài đồng đội cùng phi đoàn 219 đến thắp nhang cho anh, nhìn thấy bạn của con, nhìn thấy những bộ quân phục như con mình đã từng mặc mẹ tôi và cả nhà lại rưng rưng nước mắt thương nhớ người thân của mình..
Biến cố 1975 mẹ châm chân không đưa gia đình đi thoát như 1954, những nhà cửa tài sản kinh doanh của gia đình bị mất trắng chỉ còn lại căn nhà đang ở..
Mẹ tôi lại lặn lội bán buôn nhỏ ở chợ An Đông để kiếm sống, mẹ ngồi giữa chợ đông bán gà vịt, công việc vất vả và nhếch nhác cả ngày.
Đầu sóng ngọn gió nào cũng có mẹ xông pha. Đúng như anh tôi đã nhận xét.
Vợ chồng con cái tôi đi diện HO đến Mỹ, gia đình em Lan đi vượt biển và đến Úc định cư, còn lại gia đình em Cúc ở lại với bố mẹ.
Bố tôi đã qua đời trước mẹ như mẹ và chúng tôi mong ước. Chúng tôi định bảo lãnh mẹ sang Mỹ hay Úc nhưng mẹ tôi từ chối và muốn ở với vợ chồng con gái út đến cuối đời..
                 ****************
Hôm nay ngày lễ Vu Lan tôi đi chùa lễ Phật đọc kinh báo hiếu Vu Lan. Khi cài lên áo bông hồng trắng tôi lại ngậm ngùi thương nhớ mẹ.
Tôi đã mua đủ thứ hoa qủa miễn là không có cam nho táo như mấy năm qua  Tôi muốn làm cho mẹ vui dù chỉ là một điều nhỏ bé, dù chỉ là điều mơ hồ đến từ trong một giấc mơ...
Đặt hoa qủa lên bàn thờ tôi cúng mẹ với tất cả niềm yêu thương và hãnh diện. Người mẹ nhà quê của chúng tôi chữ nghĩa không đầy lá mít đúng như các người bên nội tôi đã chê bai khinh thường, nhưng người mẹ ấy đã bôn ba tất bật cả cuộc đời để bao bọc nuôi nấng  chồng con một cuộc sống ấm no và hạnh phúc
Bà nội tôi đã chọn không sai nàng dâu. Bà nội đã có một nàng dâu tuyệt vời..
Đêm nay, đêm mai tôi lại mong gặp mẹ hiện về trong giấc mơ, tôi tin mẹ sẽ mỉm cười hài lòng ..
  
Nguyễn Thị Thanh Dương
   ( Vu Lan,  2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét