Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Cụ bà 93 tuổi lướt Facebook, vẽ nghìn bức tranh


IMG-0851-5191-1440724274.jpg
Ở tuổi 93, chiếc máy tính là "người bạn" thân thiết của cụ Thi mỗi ngày. ảnh: Hoàng Phương.
Ban đầu cụ Thi học dùng máy tính để viết tiểu thuyết, sau quen dần thì "chơi" Yahoo, Skype rồi đến Facebook.
Trong căn phòng yên tĩnh ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội), cụ bà Lê Thi thong thả ngồi lướt mạng Internet. Mọi ồn ào, xô bồ của phố thị dường như bị ngăn lại bên ngoài cửa. Năm nay đã 93 tuổi, tóc bạc, lưng còng nhưng cụ còn rất minh mẫn, vào mạng mà không cần dùng kính.

Chiếc máy tính đã cũ, những chữ cái, con số trên bàn phím được cụ dùng bút màu trắng tô lại cho to hơn. Sau khi chăm chú đọc tin tức rồi mở Facebook, cụ xem bảng tin, like ảnh của người này, comment trạng thái của người kia.
Có thói quen ghi chép nhật ký nhưng tuổi cao, tay run không viết được nên năm 2007 cụ Thi bảo các cháu dạy cách dùng máy tính. Dù gõ chậm, đọc chậm nhưng thấy tiện hơn là viết tay nên cụ khá say mê. Định dùng máy tính để viết tiểu thuyết, sau quen dần, bà cụ bắt đầu "chơi" Yahoo, Skype rồi đến Facebook. "Thấy chúng nó ở cách xa nửa vòng trái đất mà vẫn lên mạng trò chuyện, nhìn thấy mặt nhau như ở nhà, thế là mình cũng dùng", cụ hóm hỉnh giải thích.
Tài khoản Skype của cụ do cháu nội Phan Phương Cường đi học ở bên Nga lập cho. Ngày nào hai bà cháu cũng nói chuyện với nhau. Bà cụ thường hỏi anh hôm nay có phải đi đâu không, ăn uống, sinh hoạt thế nào. Anh thường gửi ảnh phong cảnh nước Nga về cho bà cụ xem. Cụ Thi rất vui vẻ vì "hôm nào thằng cháu nội cũng phải trình diện". Bạn bè, người thân ở bên Nga khá nhiều nên cụ thường xuyên nói chuyện, lúc nào không gặp thì nhắn tin.
Các cháu ở khắp nơi, người tận Bạc Liêu, Kon Tum, Huế, Vinh. Cụ muốn thường xuyên nhìn thấy họ nên chuyển qua dùng Facebook cho tiện. Giờ cụ vào mạng xã hội mỗi ngày để xem các cháu đang làm gì, đi những đâu. Cụ có ít bạn già vì người bằng hoặc ít tuổi hơn đều không quen dùng máy tính, chủ yếu là con cháu hoặc bạn bè của họ quý mến bà cụ "xì tin".
Hôm mới lập tài khoản, nhìn thấy trên dòng thời gian có ô chữ Bạn đang nghĩ gì?, cụ gõ ngay một bài thơ do mình sáng tác. Bài thơ được con cháu, bạn bè vào like và comment nhiệt tình. "Có lần, tôi giả đò uống rượu say rồi nằm ngủ. Thế là chúng nó chụp lại rồi đưa ảnh của tôi lên mạng. Con cháu khắp nơi thấy thế nhao nhao gọi về, rồi like, comment vui lắm", cụ vừa nhai trầu, mắt hấp háy kể.
Trên trang cá nhân, cụ Thi thường hay viết thơ, lời nhắn cho các cháu, ai ở xa thì vào mục nhắn tin để nói chuyện. "Chờ chúng nó về tụ tập mỗi năm được một lần, có đứa còn không về, nhớ lắm", cụ bảo và cho rằng ban đầu thấy Facebook là một sân chơi tốt. Nhưng sau cũng nhận thấy một số bất tiện vì có một số người hình như sử dụng không đúng mục đích khi đưa những lời ăn tiếng nói, hình ảnh không phù hợp lên trang cá nhân hoặc ở bình luận ở "tường" nhà người khác.
"Nhiều lúc tôi cũng tự cười mình, bà già lạc hậu nhất trong nhà nhưng lại dùng điện tốn nhất. Quạt, điều hòa, máy tính dùng cả ngày, vẽ tranh cũng phải dùng điện thắp sáng. Có lẽ vì thế nên tôi cảm thấy không tách rời cuộc sống bên ngoài nhiều lắm", cụ bà chia sẻ.
IMG-0844-8957-1440724274.jpg
Bà cụ lên mạng ghi nhật ký, lướt facebook, trò chuyện với người thân. Ảnh: Hoàng Phương.
Ngoài dùng máy tính, cụ Thi còn vẽ hàng nghìn bức tranh ghi lại cảnh sắc nơi từng sống hoặc đi qua. Thích vẽ từ bé, nhưng cuộc sống khó khăn nên cụ đành gác lại ước mơ cho đến hơn 70 tuổi mới cầm cọ. Ngày nào cụ cũng vẽ, có bức chỉ một ngày là xong, có bức vài ngày, cũng có bức vẽ hàng chục lần vẫn không ưng ý. Số tranh cụ vẽ hiện nay lên đến hàng nghìn. Mảng màu trong tranh tươi sáng, mang đậm nét sinh hoạt bình dị của người thôn quê.
Cũng có khi cụ vẽ lại cảnh đẹp từ bức ảnh cô cháu gái đi công tác ở Cao Bằng chụp hay hình ảnh tuyết trắng ở nước Nga xa xôi mà cháu trai gửi cho. Giải thích về lý do vẽ dòng sông Nhuệ, ngôi chùa, cánh đồng Xa La hồi nhà cửa còn chưa mọc lên san sát..., cụ bảo phải vẽ lại, ghi lại cảnh sắc nơi mình sống, nơi mình đã đi qua vì cuộc sống luôn đổi thay, biết đâu sau này không còn được nhìn thấy những cảnh đẹp ấy nữa.
Cụ Thi tự nhận thích sống với hồi ức đẹp của thời niên thiếu nên tranh thường mang bóng dáng cảnh sắc, con người quê nhà xứ Thanh. "Tôi thường vẽ về xứ Thanh yêu mến của lòng tôi bằng những ký ức thời thơ bé. Đây Lạch Trường, kia Diêm Phố, Sầm Sơn, ngã ba Voi, 99 ngọn núi trùng điệp ở Đò Lèn, hay mái tranh nghèo những năm đi sơ tán. Bao nhiêu năm trôi qua, cảnh sắc đổi thay nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Trong mắt tôi, chỗ nào từng đi qua cũng rất đẹp. Bọn trẻ bây giờ sống gấp nên bỏ qua rất nhiều thứ đẹp đẽ trên đường đi", cụ nói.
Cụ Lê Thi vốn sinh ra ở làng Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, nay là Hạc Thành, TP Thanh Hóa. Cha đậu cử nhân, làm chức quan nhỏ nên hồi nhỏ cô bé Thi thường theo cha đi khắp nơi trong tỉnh. Những địa danh nổi tiếng, cảnh đẹp của xứ Thanh in sâu trong trí nhớ của bà. Sau này lớn lên, bà lập gia đình với một giáo viên cùng quê. Vợ chồng sống với nhau được hai năm thì ông mất vì trúng bom. Bà ở vậy nuôi con trai duy nhất mới 7 tháng tuổi.
Cách mạng Tháng Tám thành công, bà tham gia nhiều hoạt động để xây dựng chính quyền mới, từng là Thường vụ Cứu quốc tỉnh Thanh Hóa, chủ nhiệm hợp tác xã. Sau này cuộc sống có nhiều biến động, bà làm đủ mọi việc để duy trì gia đình nhỏ, từ dệt vải, làm ruộng, đi bứt lá làm chổi, buôn chè, buôn mắm, làm bánh, đan len… 
1-3421-1440724275.jpg
Bức tranh "Cảng cá Diêm Điền" mà cụ Thi vẽ lại trong một lần về thăm. Ảnh chụp lại.
Từng trải qua nhiều năm gian khó, nhưng cụ Thi luôn sống lạc quan. Ngoài vẽ tranh, cụ còn thích ghi lại nhật ký, viết hồi ức, tiểu thuyết.Năm 84 tuổi, cụ hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên là Ngược dòng. Cuốn truyện là hồi ức đẹp của người con gái vùng nông thôn Thanh Hóa, thích đọc chữ, học văn nhưng sinh ra giữa thời kỳ biến động nên chịu nhiều thiệt thòi. Năm 2010, tiểu thuyết ấn hành hơn 1.000 cuốn, được nhiều người đọc đón nhận.
"Tôi hay cô Tám như con cá bơi ngược dòng, gặp nước lũ đẩy xuống lại trồi lên, cuối cùng đã về đến đích với tấm thân trầy da trớt vảy... Giờ đây, đã gần 90 năm sống trong cuộc đời, tôi vẫn khát khao, vẫn yêu thương những con người tâm hồn trong trắng ngây thơ, vẫn thích kết bạn với lứa tuổi mới lớn. Lòng tin yêu cuộc sống còn nguyên vẹn. Vẫn muốn hát 'Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này' (Trịnh Công Sơn)", cụ đúc kết cuộc đời mình trong tiểu thuyết Ngược dòng.
Hơn 90 tuổi nhưng cụ Thi hầu như tự túc sinh hoạt, không muốn phiền đến vợ chồng con trai và các cháu. Cụ tâm niệm "quần áo không giặt được hết thì giặt cái khăn tay". Hôm nào cao hứng cụ còn làm những món bánh xưa cho các cháu ăn. Cụ bảo, sở dĩ tâm trí luôn sống với những ký ức ngày xưa bởi đó là cuộc sống 'thần tiên, thanh sạch'. Cuộc sống hôm nay như một vòng xoáy cuốn hết con người vào trong, nhất là những người trẻ. Nhưng đó là lẽ thường không ai tránh khỏi, cho dù người không muốn nhưng đời vẫn xô đi. 
"Chính tôi cũng bị cuốn vào trong vòng xoáy đó nên cần những khoảng xa xôi, tĩnh lặng để nhìn lại mình", cụ chia sẻ. Chiều thu, trong căn phòng vắng, tiếng bà cụ vang lên đều đều, da diết:
Xôn xao thế giới vào cầu
Xanh xanh đỏ đỏ muôn mầu đua chen
Bà Còng vẫn cái quần đen
Vẫn manh áo cánh vẫn quen nhai trầu
Lưng còng chẳng dám ngồi lâu
Đông người mắt trước mắt sau là chuồn
Quanh năm chẳng bước ra đường
Ngồi trong nhà vắng nhớ thương dông dài
Nhớ nước chảy nhớ thuyền trôi
Nhớ sương chiều xuống nhớ mai nắng về
Nhớ tảng đá nhớ bờ khe
Nhớ bờ tre nhỏ ven đê quanh làng
Muốn thành bờ cỏ miên man
Muốn thành mây trắng lang thang chân trời
Suốt đời chỉ thích rong chơi
Khổ đau chẳng muốn buồn vui chẳng màng
Việc đời trả lại nhân gian
Nghe lang thang, nghĩ lang thang dông dài.
 Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét