Đây là bài thứ hai trăm tám mươi tám (288) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Ngày xưa khi còn trẻ, dù là phụ nữ “chân yếu tay mềm”, tôi cũng có nhiều lý tưởng, nghĩ mình là “vô địch thiên hạ”, là “trung tâm của vũ trụ”, có thể phục vụ cho nhân loại bằng con tim trí óc của mình, có thể giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng, hợp lý.
Khi ra trường HVQGHC năm 1967, với hoài bảo phục vụ cho đồng bào với những gì học hỏi được nơi nhà trường, tôi thấy những vị chỉ huy cao cấp của tôi nơi tôi làm việc sao mà lề mề, tôn trọng nguyên tắc hành chánh quá, tôi đã phải thốt lên “Xin quí vị hãy để cho bọn trẻ chúng tôi tiến lên và làm cho quí vị xem.” Tôi đã làm việc một cách hăng say quên cả giờ giấc, nhiều khi đem cả hồ sơ về nhà để giải quyết cho kịp thời, nhanh chóng để cho hồ sơ không bị ối đọng trên bàn viết của tôi vì nếu một ngày tôi chậm trể trong công việc là sẽ có hàng trăm người dân khốn khổ, thêm một ngày phải chờ đợi sự trợ cấp giúp đở của chính phủ.
Tôi thường nghĩ rằng: trong bất cứ hoàn cảnh nào, triều đại nào, chính thể nào, người dân vẫn là người đáng thương nhất, đáng được giúp đỡ nhất khi họ cần được giúp đỡ, đó mới là công đạo, là hợp với ý trời, mà những kẻ sĩ như chúng tôi phải tri hành. Trong ý nghĩ đó, tôi đã cố gắng làm việc sao cho không thẹn với lương tâm chức nghiệp của một người đã được đào tạo ra để phục vụ cho dân, cho nước. Tôi nghĩ thế!
Tuy nhiên cuộc đời đã dạy cho tôi biết rằng đôi khi lý tưởng, hoài bảo tốt đẹp đó không thể thực hiện được, vì lắm lúc “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, vì “một con én không thể làm nên mùa Xuân” và vì cơ trời vận nước.
Con người ai cũng có cái tâm tốt và cái tâm xấu luôn luôn tranh chấp nhau. Nếu cái tâm tốt thắng thế thì thiên hạ thái bình, nhưng nếu cái tâm xấu thắng thế thì tất sinh chiến tranh loạn lạc. Cái tâm tham, sân si, đã làm con người sống trong cảnh khổ triền miên.
Ngày nay trải qua bao nhiêu đau khổ sau một cuộc đổi đời, tai nghe mắt thấy những khổ đau của nhân loại vì thiên tai địa hoại, vì chiến tranh, vì nghèo đói, tôi cảm nhận rằng nếu con người bớt đi tham, sân, si thì thế giới sẽ hòa bình an lạc, nếu con người biết yêu thương nhau thì trần gian sẽ là thiên đường hạnh phúc.
Nhưng tôi làm được gì khi tôi chỉ là một con người bé nhỏ trong cái thế giới mênh mông, rộng lớn này. May mắn thay, tôi còn được một chút lòng tin rằng con người ai cũng có cái thiện tâm vì “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Con người có cái “ tâm ác” đôi khi vì hoàn cảnh xã hội đang sống trợ duyên cho “cái ác” xuất hiện, nhưng nếu được giáo dục tốt, ngăn ngừa, sửa chữa thì cái “thiện tâm” kia xuất hiện trở lại.
Thời gian trôi qua nhanh chóng, thoáng chốc mà tôi đã đến cái “tuổi không còn trẻ nữa”. Những hăng say nồng nhiệt của thời tuổi trẻ bây giờ hình như giảm bớt đi và tôi có một cái nhìn thận trọng hơn với mọi sự việc trên đời nhưng trái tim tôi vẫn còn biết rung động với những tình cảm ngọt ngào, thiêng liêng phát xuất từ những con tim của những con người chân chính.
Tôi vẫn yêu thơ thích nhạc, tôi vẫn thấy buồn man mác khi mùa Thu đến, và vui tươi sống động lúc Xuân sang. Tôi vẫn thấy xúc động trước một sự bất công hay thấy ai đó bị ngược đãi, kỳ thị. Tôi thích đọc sách, nghiên cứu những phương thức đem đến cho mình sức khỏe lành mạnh và làm thế nào để có một tinh thần an vui, tĩnh lặng, nhưng cũng không quên học hỏi thêm những kiến thức tiến bộ của khoa học kỹ thuật vì tôi vẫn thường nghĩ: “học như thuyền đi nước ngược, không tiến ắt phải lùi” và việc học không lúc nào muộn cả ở bất cứ tuổi nào. Lý tưởng phục vụ cho tha nhân của tôi vẫn còn đó nhưng được thực hiện dưới một hình thức nhẹ nhàng hơn qua thơ văn, qua những chia sẻ những kiến thức mà tôi lảnh hội được từ sách vỡ, bạn bè, qua những tình cảm thân ái trao gửi cho nhau. Tôi thường quan niệm rằng: “Nếu bạn không làm được việc gì lớn lao có ích lợi cho đồng bào, tổ quốc thì ít nhất bạn cũng không nên làm gì để hại ai cả, bạn cần phải sống và làm những gì không trái với lương tâm của mình như thế cũng tốt rồi.” Bạn có đồng ý với tôi chăng?
Một Cõi Thiền Nhàn trên Oregon Thời Báo
Đến một tuổi nào đó, bạn cũng như tôi sẽ thấy sức khoẻ và tinh thần an tĩnh là một đìều quan trọng hơn là tiền bạc và danh vọng vì trên thực tế chưa hẵn được giàu sang và có danh vọng là có hạnh phúc vì đôi khi những thứ ấy lại là cái họa cho mình nữa.
Sự đổ vỡ của nhiều gia đình giàu sang, những cái chết thê thảm của những nhà độc tài trên thế giới đã chứng minh cho ta thấy điều đó là đúng. Có phải chăng những việc làm “trên thuận với thiên lý, dưới hoà với nhân đạo” mới có thể làm cho bạn thấy đời sống tinh thần của mình được an lạc hơn chăng?
Dĩ nhiên bạn cần phải có một đời sống vật chất đầy đủ, có công ăn việc làm lương thiện, vững chắc để cho gia đình bạn, con cái bạn an tâm học hành công thành danh toại. Điều tôi muốn nói là làm sao bạn biết dừng lại đừng tham lam quá đáng. Đức Phật đã dạy tham, sân si, là nguồn gốc của biết bao tội lỗi khiến con người phải trầm luân trong vòng sinh tử luân hồi. Tuy biết là thế nhưng chúng ta vẫn chưa thể nào khắc phục đưọc ba nghiệp chướng to lớn đó, phải không bạn? Hy vọng với sự quyết tâm hành trì tu tập, theo thời gian ít nhiều gì chúng ta sẽ giảm bớt những nghiệp tội tham, sân, si.
Một điều tôi luôn luôn nghĩ đến để cho lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội của tôi vẫn còn giữ vững cho đến ngày nay là tôi phải luôn cố gắng trau dồi kiến thức của mình qua sự học hỏi nơi những người bạn của mình, qua sách vỡ, qua những phương tiện truyền thông, qua kỹ thuật khoa học tân tiến hiện đại như tôi đã nói ở trên.
Ngày xưa còn trẻ, với những thành công nho nhỏ của mình trên bước đường học vấn, tôi cứ tưởng mình là nhân vật quan trọng số một, một VIP trong cơ quan, đoàn thể mà tôi tham dự. Bây giờ theo năm tháng, tôi mới biết rằng “cao nhân tắc hữu cao nhân trị” và nếu nói theo phim truyện Đại Hàn mà tôi thường xem là “trường giang sóng sau dồn sóng trước” cho nên tôi càng phải học hỏi nhiều hơn nữa.
Nhưng “học” là một chuyện mà “hành” lại là một chuyện khác nữa, bạn ạ! Nếu bạn đem sở học của mình để phục vụ cho nhân quần xã hội sống trong an bình hạnh phúc thì là một điều tốt, nhưng nếu bạn đem tài học của mình để phục vụ cho những việc làm tàn ác có lợi cho cá nhân mình, cho đoàn thể mình, cho quốc gia của mình thì sẽ tác hại cho nhân quần xã hội biết là dường nào. Lich sử cổ kim Đông Tây đã bao lần chứng minh điều đó là đúng. “Một người có học mà không có đạo đức là một thảm họa cho nhân loại. Bạn dồng ý chứ?
Nhân chi sơ tính bổn thiện
Tóm lại, làm được một người tốt sống với lý tưởng tốt đẹp của mình quả là việc khó, phải không bạn? Nhưng tôi tin rằng Bạn và tôi sẽ làm được vì tôi vẫn tin tưởng rằng con người vẫn còn có một chút điểm lương tâm tàng ẩn trong người vì “nhân chi sinh tính bản thiện” mà lị! Nếu hội đủ duyên lành thì cái thiện tâm kia sẽ xuất hiện.
…..Con người vốn có sẵn mầm thiện ác
Tùy cơ duyên hiển lộ cái Thiện Tâm
Như hoa kia vẫn trẩy nụ âm thầm
Trong Đông lạnh chờ Xuân về hé nụ
Dưới tuyết trắng cỏ non kia im ngủ
Tuyết tan rồi cỏ sẽ hiện liền ra
Như vô minh ở nơi cõi ta bà
Trí Tuệ đến Tâm Phật kia hiển lộ …
(Thơ Sương Lam)
Người viết xin mượn một vài tư tưởng hay hay dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.
“Hạnh phúc mà bạn đang có hay nỗi đớn đau mà bạn đang mang là duy nhất, bạn hãy chấp nhận và thưởng thức
Như bạn chỉ có thể sống được ngày hôm nay, còn ngày mai, ngày mai đó chưa tới và chắc chắn, ngày mai đó vẫn sẽ tới, nhưng có thể sẽ không còn có bạn.”
Từ Bi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: Chỉ sợ rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù... Chỉ sợ lòng mình không giữ được Từ Bi, nhẫn nhục.
"Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?"
Đức Đatlai Lama trả lời:
"Con người… bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe. Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai. Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết… Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ."
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)
Mời quý anh chị thưởng thứ một Youtube hay về Thiền Nhàn để cái tâm mình lắng đọng trong dăm ba phút qua link dưới đây
Quan Thế Âm Bồ Tát- Nhạc: Nguyễn Tuấn - Thơ: Tuệ Kiên
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét