Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Thói Dả Man của Những người Chủ Á Châu với Người Giúp việc

"Bà chủ chỉ cho phép tôi ngủ từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa, một ngày tôi chỉ được ngủ bốn tiếng. Chưa hết, tôi chỉ được phép đi vệ sinh ba lần một ngày. Tôi không có ngày nghỉ và không được phép làm gì khác ngoài những việc trong nhà."

Sumasri bị chủ nhà người Malaysia hành hạ. photo courtesy: Steve McCurry

Cali Today News - Một người phụ nữ Indenesia 30 tuổi làm nghề giúp việc nhà kể lại ngày lần đầu tiên bị đánh đập khi đi làm:
 
"Lần đầu tiên bà chủ đánh tôi là vào ngày trả lương. Bà ta bảo tôi ký vào một tờ giấy nhưng tôi đã hỏi tại sao tôi phải ký khi mà bà ta chưa trả tiền cho tôi? Thế là tôi bị đánh."
 
Nhưng đối với Susi, tên của người phụ nữ, quãng thời gian đen tối của cô mới chỉ bắt đầu. Trong suốt một năm trời, hầu như ngày nào người phụ nữ này cũng bị đánh đập rất tàn nhẫn. Thậm chí, người ta còn đe doạ, hành hung và giam cô lại. Tất cả những điều khủng khiếp này đều diễn ra ngay trong ngôi nhà của một người Hong Kong tên Law Wan Tung, nơi mà Susi xin vào làm người giúp việc. Susi kể tiếp:
 
"Bà chủ chỉ cho phép tôi ngủ từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa, một ngày tôi chỉ được ngủ bốn tiếng. Chưa hết, tôi chỉ được phép đi vệ sinh ba lần một ngày. Tôi không có ngày nghỉ và không được phép làm gì khác ngoài những việc trong nhà."
 
Câu chuyện của Susi chỉ là một ví dụ về nạn bạo hành thể chất và tinh thần đối với những người nước ngoài làm nghề giúp việc nhà tại các quốc gia ở châu Á và Trung Đông. Mới đây, tại Hong Kong đã có một buổi triển lãm trưng bày những bức ảnh được chụp bởi Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài. Những bức ảnh này đã phơi bày những đau đớn mà những người làm giúp việc phải gánh chịu.
 
Một nạn nhân là một người phụ nữ Indonesia lớn tuổi tên Sumasri, từng bị tưới nước sôi lên người khi làm giúp việc nhà ở Malaysia. Một người khác tên Sritak thì toàn thân bị những vết sẹo lớn nhỏ bao phủ, trong đó có một vết sẹo bị bỏng do người chủ Đài Loan đã dùng một chiếc nĩa nóng dí vào người cô.
 
Những hình ảnh trong buổi triển lãm được chụp lại bởi nhiếp ảnh gia Steve McCurry, nằm trong dự án được tổ chức bởi Tổ chức Lao động Quốc tế ILO của cơ quan Liên Hiệp Quốc. Tổ chức ILO ước tính có hơn 52 triệu người đang làm nghề giúp việc nhà trên toàn thế giới. Nhưng các nhà hoạt động cho biết pháp luật của nhiều nước vẫn chưa bảo vệ được quyền lợi cho những người này, đặc biệt là ở châu Á.
 
Trở lại câu chuyện của Susi, tên thật của cô là Tutik Lestari Ningish. Cô kể rằng mọi chuyện bắt đầu tệ hơn khi chủ nhà hù doạ sẽ giết cả gia đình của cô đang sống ở Indonesia:
 
"Bà ấy nói rằng nếu tôi dám cãi lời hoặc bỏ trốn, bà ta sẽ giết cả tôi và gia đình của tôi. Tôi đã rất lo sợ và phải cắn răng chịu đựng dù có bị đánh đập. Mỗi khi bị đánh, tôi chỉ hy vọng rằng bà ta không đánh chết mình, vì tôi vẫn còn một đứa con trai nhỏ cần đến mẹ. Đó là lần đầu tiên tôi đến Hong Kong làm việc. Tôi chẳng biết gì, thậm chí tôi còn không biết làm sao để gọi điện thoại. Tôi rất căm ghét bà chủ của mình, nhưng tôi không biết làm gì để thoát ra."
 
Cuối cùng Susi cũng trốn thoát thành công, nhưng cô không báo chuyện của mình lên cơ quan chức năng vì sợ người chủ của mình phát hiện ra. Nhưng sau đó cô nghe về chuyện một người giúp việc khác tên Erwiana Sulistyaningsih phải nhập viện vì bị hành hạ trong suốt bảy tháng trời. Thủ phạm lần này cũng là bà chủ cũ của Susi, vì vậy cô quyết định lên tiếng:
 
"Ngay lập tức, tôi quyết định mình phải lên tiếng vì tôi không muốn có những người tiếp theo cũng bị ngược đãi giống như tôi trước đây. Mặc dù rất sợ nhưng tôi vẫn muốn nói."
 
Cả Susi và Erwiana đã làm chứng thành công chống lại Law, chủ cũ của hai cô. Law bị kết án sáu năm tù giam với 18 tội danh liên quan đến giam giữ người trái phép, đe doạ và hành hung người khác.
 
Elizabeth Tang, Tổng thư ký của Liên đoàn lao động quốc tế cho biết:
 
"Ở một số nơi, những người giúp việc chỉ được trả 9 Mỹ Kim một tháng. Ở những nơi khác, họ thậm chí còn không được trả lương. Họ phải làm việc như những nô lệ thời trung cổ. Đây là lúc mà các chính phủ nên có những hành động thiết thực để bảo vệ những người như Susi và Erwiana. Pháp luật cần phải được thay đổi, những người làm giúp việc cần phải được đối xử công bằng như bao ngành lao động khác."
 
LInh Lan  (Theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét