Trong bóng đá, yếu tố bất ngờ và may mắn luôn hiện diện. Nhận xét trận Mỹ thắng Đức, một bình luận viên đã nhận xét thật hay. Chiến thắng của Mỹ có phần của sự xứng đáng (deserved) nhưng cũng có phần may mắn (lucky). Nhật cũng vậy, chiến thắng của họ cũng có cả hai yếu tố đó: Xứng đáng và may mắn. Hãy chờ xem hai yếu tố này sẽ đứng về đội nào trong trận cầu vô địch nữ 2015 giữa Mỹ và Nhật!
Với chiều cao vượt trội, đội Anh nhiều lần dùng “không chiến” để tấn công đội Nhật. Photo courtesy: BBC
Cali Today News – Cứ tưởng chừng như hai đội Anh và Nhật sẽ đá thêm giờ, vì trận đấu đã vào những giây phút cuối cùng, thế nhưng ở thời điểm đó, Nhật đã thắng 2-1 nhờ cú sút vào lưới nhà của hậu vệ Anh Laura Bassett, khi cô cố phá quả bóng trước khung thành đội Anh. Bóng dội vào phía mặt trong của xà ngang, dội xuống đất, phía sau lằn ranh ngang của khung thành (goal line). Bàn thua này kết thúc giấc mơ của đội nữ Anh, đội bóng mang tên những con sư tử cái.
Đây là lần đầu tiên đội tuyển nữ của Anh vào bán kết và đây cũng là lần đầu tiên mà đội nữ Anh vụt mất cơ hội vào chung kết. Toàn cục trận đấu, đội Anh phải chịu nhiều lần không may mắn. Các “con sư tử cái” đã sút dội khung thành đến hai lần trong hiệp 2 qua cú sút của Toni Duggan và Ellen White. Ngoài ra, cú đánh đầu ra ngoài trong gang tất của Jill Scott từ một quả phạt góc cũng là điều đáng tiếc cho đội Anh. Cơ may đã không mĩm cười với đội Anh, và lỗi lầm của hậu vệ Bassett vào giây phút cuối đã làm tiêu tan giấc mơ của những cô gái đảo quốc Anh Cát Lợi.
Với trận thắng này, Nhật sẽ từ Edmonton bay về Vancouver để gặp đội Mỹ trong trận tranh chức vô địch vào chủ nhật này. Đây là hai đội kỳ phùng địch thủ. 4 năm trước Mỹ thua Nhật trong trận chung kết vì những cú sút luân lưu 11 mét.
Hai bàn thắng ở hiệp 1 là từ hai cú phạt đền và hai cú phạt này cũng đầy tranh cải. Bàn thắng đầu vào phút 33 cho đội Nhật do Miyama sút phạt đền thành công. Hậu vệ trái của Anh Claire Rafferty đã cố đuổi theo Saori Ariyoshi trong một pha bóng, và xô lưng Saori, và hậu quả là trọng tài chỉ ngay chấm phạt đền. Đây là quyết định sai của trọng tài người Tân Tây Lan là Anna-Marie Keighley, giống như trong trận Mỹ – Đức, vì truyền hình quay lại cho thấy rằng lỗi của Clair Rafferty xảy ra ngoài khu vực 16.5 mét. Đội Anh phản đối cú phạt này, nhưng trọng tài bác bỏ sự phản đối đó.
Chỉ 7 phút sau, cũng bằng quả phạt đền, Fara Williams sang bằng tỷ số cho đội Anh. Đây cũng là quả phạt đầy tranh cải. Đội trưởng đội Anh là Steph Houghton ngả trong vòng 16.5 mét do lỗi của hậu vệ Yuki Ogimi, và Williams đã chuyển thành bàn thắng, quân bình tỷ số 1-1 cho đội Anh.
Trong trận này, ngay từ đầu, đội Anh có vẻ nhĩnh hơn. Mới phút thứ nhất, tiền đạo Jodie Taylor đi bóng sắc sảo, vượt thoát khỏi hậu vệ Nhật kèm chặt cô, và cô đã tung cú sút nguy hiểm nhưng ra ngoài trong gang tất.
Nhật mất một thời gian mới tìm thấy lại phong độ, và bắt được nhịp độ trận đấu, quân bình thế trận khu trung tuyến và bắt đầu kiểm soát bóng lại như sở trường của họ.
Theo thống kê toàn trận, Nhật kiểm soát bóng 62% trận đấu so với 38% của Anh. Trong lúc đó, Anh sút cầu môn nhiều lần hơn (11 lần), so với Nhật chỉ có 4 lần. Nhật cầm bóng nhiều, bật tường và lên bóng chậm, cố tạo ra cơ hội tấn công, trong lúc đó, các cô gái Anh đi bóng dài, nhanh và tấn công chớp nhoáng hơn.
Trận đấu được xem là căng thẳng, quyết liệt, và đầy va chạm. Anh phạm lỗi 17 lần, trong lúc đó Nhật phạm lỗi 9 lần.
Trong bóng đá, yếu tố bất ngờ và may mắn luôn hiện diện. Nhận xét trận Mỹ thắng Đức, một bình luận viên đã nhận xét thật hay. Chiến thắng của Mỹ có phần của sự xứng đáng (deserved) nhưng cũng có phần may mắn (lucky). Nhật cũng vậy, chiến thắng của họ cũng có cả hai yếu tố đó: Xứng đáng và may mắn.
Hãy chờ xem hai yếu tố này sẽ đứng về đội nào trong trận cầu vô địch nữ 2015 giữa Mỹ và Nhật!
Trương Thị Hàm Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét