Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

HAI CÁI BẪY NGUY HIỂM CỦA “NHỚ RỪNG” - Phạm Đức Nhì


Muốn khuyên người dân xài hàng nội hoá một cô khá đẹp, giữ chức vụ cao trong chính phủ, khi trả lời phỏng vấn đã viện dẫn hai câu ca dao:
      “Ta về ta tắm ao ta
        Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”
Cô này liền bị một đấng mày râu chơi xỏ: “Xin nghiêng mình kính phục cái tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ của cô. Chỉ tiếc rằng một người đẹp như cô lại chấp nhận… ở dơ.” (Dù trong dù đục ao nhà vẫn … tắm) Phép ẩn dụ của câu ca dao trên không kín kẽ, không che chắn được hết mọi bề nên nàng yểu điệu thục nữ kia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.


Bài thơ Ngọn Cỏ cũng thế. Chọn cái tư thế đứng đái của phụ nữ để ngụ ý rằng phụ nữ có thể sánh vai cùng nam giới, bình đẳng với nam giới, là một phép ẩn dụ rất hay, rất ý nhị nhưng không kín kẽ, giống như thuốc chữa được bệnh nhưng lại có phản ứng phụ.

Phép ẩn dụ biến thể của Nhớ Rừng cũng có 2 phản ứng phụ. Đó là 2 cái bẫy đối với những ai yêu thích nó. Những ai mê cái chí lớn, cái khẩu khí Chúa Sơn Lâm của con hổ rất dễ sập 2 cái bẫy này.
1/ Con hổ trong vườn bách thú tuy vẫn khao khát tự do, vẫn mơ “giấc mộng ngàn to lớn” nhưng đã mất hết ý chí chiến đấu, đã đành bó tay cam chịu, chấp nhận thực tại phũ phàng.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưaNơi ta không còn được thấy bao giờ!
Đó là thái độ tuyệt vọng, cam chịu, rất thực tế, biết mình biết người, rất đúng với hoàn cảnh của con hổ trong vườn bách thú.
2/ Con hổ khao khát tự do. Nhưng nếu được tự do nó sẽ trở thành một bạo chúa, áp dụng chế độ độc tài với “thần dân” của nó.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắcLà khiến cho mọi vật đều im hơi.Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Cái tính muốn làm bạo chúa đã là máu thịt, đã là bản chất của loài hổ. Đó là một thực tế không thể chối cãi.
Cái khe hở của câu ca dao và Ngọn Cỏ nằm ở vế thứ nhất (tứ). Khe hở của Nhớ Rừng nằm ở vế thứ hai (ý), thông điệp kín mà tác giả muốn gởi đến, muốn nó thấm vào tâm hồn độc giả. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống - đặc biệt là của người dân Việt Nam, luôn luôn phải chịu cách đối xử áp bức, trịch thượng, bất công của ngoại bang – thái độ tuyệt vọng, cam chịu, không còn muốn chiến đấu rất dễ thuyết phục người dân, rất dễ thấm vào đầu họ bởi không đòi hỏi phải nỗ lực, nhấc tay nhấc chân, không phải đối diện với nguy hiểm, mất mát, tù tội, chết choc, hy sinh, cứ lặng lẽ sống cam chịu ngày này qua ngày khác.
Đối với tinh thần vương tướng, độc tài thì khỏi nói. Ý niệm dân chủ tự do chỉ mới xuất hiện trên bình diện chữ nghĩa. Người dân Việt chưa được sống trong một xã hội, một chính quyền thực sự dân chủ tự do. Khi thời cơ đến, người ta khó tránh khỏi sức cám dỗ của chức vị Chúa Sơn Lâm, thâu tóm quyền hành tuyệt đối về phe nhóm mình.  
Là con người, liệu “Ta có chấp nhận thái độ cam chịu, buông xuôi, tuyệt vọng như con hổ không?” Khi được thoát cũi xổ lồng ta có giống con hổ trở thành ông vua độc tài chà đạp tự do của người khác không? Nếu câu trả lời là Không thì hãy đọc Nhớ Rừng như một bài thơ hay, diễn tả hùng khí và tâm trạng tuyệt vọng của con hổ trong vườn bách thú. Đừng “ghé” vào, hoặc xúi bảo con cháu “ghé” vào bài thơ để “dây máu ăn phần”, để được “ké” tý hùng khí của nó. Cái giá phải trả để có tý hùng khí đó - đặc biệt với lớp trẻ - là rất đắt. Không thể nói ta chỉ “thưởng thức” cái chí lớn của con hổ, còn những tính xấu của nó thì ta lờ đi. Những tính xấu đó đã là máu thịt của con hổ (đặc biệt là con hổ trong vườn bách thú), đã thấm đẫm vào bài thơ, làm sao có thể tách rời ra được.
Nhớ Rừng giống như cô gái nhảy xinh đẹp, thân hình sexy, hấp dẫn nhưng mắc chứng bịnh SIDA nguy hiểm. Chứng bệnh này không có những biểu hiện rõ rệt ở bên ngoài nên rất khó nhận biết bằng mắt thường. Ai ham hố “dính vào” để được hưởng lạc thú ái ân với cô thì sẽ nhiễm HIV. Vi khuẩn HIV sẽ tiềm ẩn trong máu, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát và hậu quả sẽ khó lường.
Không biết từ lúc xuất hiện và được ngợi ca đến nay Nhớ Rừng đã khiến bao nhiêu người sập bẫy. “Cẩn tắc vô áy náy”. Hãy coi đoạn văn ngắn này như một lời cảnh báo … muộn màng.


Phạm Đức Nhì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét