Vào giữa tháng 6, nhà xuất bản Non Nước Toronto tái bản sách Việt Sử Đại
Cương tập I do tác giả Trần Gia Phụng biên soạn. Sách nầy in lần đầu năm 2004,
nay in lần thứ hai. Trong lần tái bản, tác giả hiệu đính, bổ túc, và thêm vài
chương mới cùng nhiều hình ảnh.
Khi xuất bản lần đầu, tác giả cho biết rằng bộ Việt Sử Đại Cương (VSĐC)
sẽ gồm 5 tập, từ khởi thủy cho đến năm 1975. Nhiều độc giả nhận thấy lúc đó
VSĐC tập I mà đã gần 500 trang, thì 5 tập phải lên tới 2.500 trang. Một bộ sách
2.500 trang không phải là chuyện nhỏ, một người khó có thể biên soạn cho được.
Trước tác giả TGP, cũng đã có nhiều người hứa hẹn bộ sách của họ gồm nhiều tập,
nhưng mới xuất bản được một hay hai tập thì chấm dứt luôn, không viết tiếp nữa.
Vì vậy, lúc đó nhiều người nghĩ rằng tác giả TGP hứa hẹn 5 tập thì biết có thực
hiện được hay không, và biết bao giờ ông viết cho xong?
Thế mà cuối cùng, tác giả TGP đã cặm cụi thực hiện đúng dự tính, soạn bộ
Việt sử đại cương từ khởi thủy đến năm 1975, không phải gồm 5 tập mà gồm 7 tập
với hơn 3.500 trang. Năm 2013, tác giả xuất bản VSĐC tập 7 về chiến tranh Việt
Nam kết thúc năm 1975. Tập 7 là tập cuối trong bộ Việt Sử của ông. Vậy là VSĐC
gồm 7 tập do ông soạn ròng rã trong 10 năm.
Bộ VSĐC chỉ là một phần trong công trình biên soạn của tác giả TGP, vì từ
khi ra nước ngoài năm 1995 cho đến nay (20 năm), ông đã xuất bản tất cả là trên
20 quyển sách về lịch sử, trong đó có bộ Aùn Tích Cộng Sản Việt Nam được giải
nhất Giải Văn học năm 2002 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do.
Theo phần tiểu sử tác giả ở cuối sách VSĐC I tái bản, tác giả TGP tốt
nghiệp Ban Sử Địa Đại học Sư phạm Huế, và cử nhân giáo khoa Sử Học ĐH Văn khoa
Huế cùng năm 1965. Sau đó, ông dạy môn Việt sử ở các lớp trung học trong 10
năm, cho đến năm 1975. Có thể nhờ vậy, ông trình bày lại Việt sử có hệ thống
mạch lạc, dễ theo dõi. Khi còn ở trong nước, ông Phụng đã từng soạn sách
giáo khoa sử địa lớp Đệ Nhất (lớp 12), mà phần Việt sử được in trong sách của
nhà xuất bản Trường Thi ở Sài Gòn năm 1974. Như thế có nghĩa là từ khi còn dạy
học ở trong nước, tác giả TGP đã đi vào biên soạn lại lịch sử, và được
NXBTrường Thi mời hợp tác.
Khi xét một bộ sử, người ta chú trọng nhiều nhất là giai đoạn đầu và giai
đoạn cuối của lịch sử nước đó. Trong Việt sử chúng ta, giai đoạn đầu và giai
đoạn cuối lại càng quan trọng và càng được chú trọng, vì giai đoạn đầu của Việt
sử, nhất là thời tiền sử, chưa được nghiên cứu đầy đủ và giai đoạn cuối là
chiến tranh 1945 – 1975 mà người Việt vừa trải qua, khá phức tạp, nhất là về chính
trị, nên rất khó trình bày.
Trong sách VSĐC tập I tái bản, chương sơ lược thời tiền sử Việt Nam đề
cập đến những công trình nghiên cứu về tiền sử Việt của Trường VIỄN ĐÔNG BÁC
CỔ. Đây là lần đầu tiên một bộ sử Việt đề cập đến Trường Viễn Đông Bác Cổ, là
cơ quan có công lớn trong việc nghiên cứu những người đầu tiên trên đất Việt.
Chính những công trình của cơ quan nầy giúp dựng lại thời tiền sử Việt,
Tôi thích thú nhất là chương nầy và chương sau là chương “Hình chim trên
trống đồng Lạc Việt”. Chương nầy không có trong VSĐC tập I khi in lần đầu. Theo
những nghiên cứu trước đây, hình chim trên trống đồng Lạc Việt là chim lạc,
nhưng theo VSĐC tập I tái bản thì chim lạc không có trong tự điển Việt và không
có trong thiên nhiên Việt Nam. Quan sát hình ảnh khắc ghi trên trống đồng, sách
VSĐC đưa ra phỏng đoán hoàn toàn mới rằng hình chim trên trống đồng Lạc Việt là
chim cò.
Theo sách nầy, chim cò là loại chim thân thiết với nông dân Việt Nam từ
thời cổ sơ cho đến ngày nay, lại có mặt ở khắp nước ta. Dầu chưa có thể kết
luận giả thuyết nầy như thế nào, ít nhất tác giả cũng đã có sáng kiến trong
việc nghiên cứu cổ sử Việt, đưa ra một giả thuyết mới, và nhất là không lệ
thuộc vào tự điển Trung Hoa.
Thông thường, các bộ sử trước đây, đều cho rằng các viên thứ sử và thái
thú Tàu có công khai hóa và dạy người Việt cày cấy. Tuy nhiên, chương “Cổ Việt
bị xâm lăng” thì cho rằng các nhà cai trị Tàu chẳng qua là những người thi hành
chính sách bóc lột của vua chúa Tàu, và nhất là tác giả đã đưa ra những chứng
liệu cụ thể để kết luận rằng chính người Việt dạy người Tàu cày cấy chứ không
phải người Tàu dạy người Việt, vì trung tâm văn minh lúa nước trên thế giới
phát khởi từ Hòa Bình ở Bắc Việt Nam.
Cũng thế, trong các chương kế tiếp, tác giả đưa ra những cách nhìn hết
sức mới mẻ của mình trong Việt sử. Ví dụ chuyện Hai Bà Trưng, tác giả trình bày
đầy đủ hoạt động của Hai Bà Trưng, và cuối cùng, tác giả đề cao công trình khám
phá của sử gia Nguyễn Phương, theo đó, chồng bà Trưng không phải tên Sách mà là
tên Thi và Hai Bà đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, chứ không nhảy xuống
sông Hát tự vận.
Riêng về vấn đề Lê Long Đĩnh, thì lại là cách nhìn lại lịch sử hết sức
táo bạo của tác giả VSĐC. Trước đây, sách vở thường mô tả rằng Lê Long Đĩnh là
một hôn quân, bạo chúa, dâm đảng đến độ “ngọa triều”, tức nằm mà chủ tọa triều
đình, và nhất là tàn ác, giết hại sư sãi Phật Giáo… Theo tác giả VSĐC, trong
phần biên niên, bộ sử cũ Đại Việt sử ký cho thấy rằng Lê Long Đĩnh đã cử em
ruột của mình qua Trung Hoa thỉnh kinh Phật Giáo và thỉnh hai bộ Tứ Thư và Ngũ
Kinh của Nho Giáo để về giáo hóa dân chúng, và Lê Long Đĩnh còn đi đánh trận
cho đến cuối đời. Vì vậy, theo tác giả VSĐC, không thể cho rằng Lê Long Đĩnh
ngọa triều hay độc ác. Tác giả VSĐC giải thích rằng Lê Long Đĩnh bị Lý Công Uẩn
đảo chánh. Lý Công Uẩn được một thầy tu Phật Giáo là sư Vạn Hạnh ủng hộ. Phật
Giáo lúc đó rất thịnh hành. Nhà Lý kiếm cách làm cho giới Phật Giáo bất bình Lê
Long Đĩnh, nhằm biện minh cho lý do đảo chánh của Lý Công Uẩn. Nhà Lý lại cầm
quyền trong 200 năm, quá lâu để nhà Lý đủ thời gian bôi đen Lê Long Đĩnh.
Đọc VSĐC tập I tái bản, độc giả sẽ tìm thấy nhiều chuyện lý thú mới phát
hiện. Lần tái bản nầy, VSĐC tập I kết thúc bằng một chương mới là “Văn minh
nước Việt từ thời lập quốc đến thời Lý Trần”. Chương nầy tổng hợp nhiều nét đặc
trưng trong nền văn minh Việt Nam thời mới lập quốc, như về nguồn gốc văn minh,
tổ chức cai trị, sinh hoạt kinh tế, xã hội, tâm linh, học thuật, văn chương,
nghệ thuật, kiến trúc…
Ngoài bài vở, sách nầy còn có khoảng trên 70 tấm hình về lăng tẩm vua
chúa, các công trình kiến trúc ngày trước, chùa chiền, đền đài, làm cho sách
tươi mát, và đọc sách nầy, xem những tấm hình trong sách, người đọc sẽ có cảm
giác như đi du lịch về vùng đất xưa rất thú vị. Đây cũng là một điểm khác biệt
lớn với sách VSĐC tập I xuất bản năm 2004. Ai đã có VSĐC tập I in lầu đầu, cũng
nên tìm thêm sách nầy để tham khảo. Cuối sách, còn có danh mục, là mục đặc biệt
chỉ có trong các sách sử do tác giả Trần Gia Phụng biên soạn.
Các bộ Việt sử xưa viết đã khá lâu, cách đây ít nhất là hơn 40 năm. Xưa
nhất là bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim cũng khoảng 80 năm. Lúc đó ở
trong nước, tài liệu nghiên cứu chưa được phong phú. Còn các bộ sử hiện nay ở
trong nước thì viết theo quan điểm và lập trường cộng sản. Riêng tác giả VSĐC
may mắn ra nước ngoài, nghiên cứu thêm được nhiều tài liệu mới, nên tác giả
viết bộ VSĐC vừa công phu vừa khoa học, lối viết trong sáng, chú thích cụ thể,
nhất là lập trường dân tộc không cộng sản. Đây là bộ sử rất cần thiết cho các
gia đình, nhất là gia đình ở hải ngoại, trong việc hướng dẫn con em, thanh
thiếu niên tìm về nguồn cội dân tộc Việt.
Sách dày gần 500 trang, giá 25 Mỹ kim, đã có bán ở các hiệu sách, hoặc
liên lạc với tác giả tại địa chỉ email:trangiaphung@gmail.com.
Nguyễn
Đức
(California, tháng 6-2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét