Phiên bỏ phiếu diễn ra sáng thứ Năm 25/6 Dự án sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đôla, đang gây nhiều tranh cãi trong nước trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn. Trong phiên họp sáng thứ Năm 25/6, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tỷ lệ tán thành gần 93%. Các báo Việt Nam cho hay trong số 461 đại biểu tham gia bỏ phiếu, có 428 ý kiến tán thành, 17 đại biểu không đồng ý, 16 người bỏ phiếu trống. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ đôla). Đầu tư giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ đôla). Mức đầu tư giai đoạn I như vậy đã giảm nhiều từ dự kiến trước đây là 7,8 tỷ đôla. Tỷ lệ bỏ phiếu tán thành cao cho thấy đồng thuận của các đại biểu Quốc hội cho "siêu dự án" này.
Quốc hội Việt Nam từng không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam khi đưa ra bỏ phiếu. Giai đoạn một của dự án có tổng chi phí được truyền thông trong nước nói 50% vốn ODA và trái phiếu chính phủ, 50% còn lại là các nguồn vốn khác. Một quan ngại khác là “Báo cáo Đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành” của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (cũng gọi là “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”) bị một số chuyên gia cho là "quá sơ sài, thiếu và sai sót ở những phần quan trọng nhất". Tuy nhiên việc Quốc hội thông qua chủ trương sân bay Long Thành nằm trong trông đợi vì quyết tâm chính trị, như trong thông báo Hội nghị Trung ương XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, ra hôm 7/5/2015. Gây nhiều tranh cãi Sân bay tọa lạc cách trung tâm thành phố 40 cây số tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) dự kiến sẽ khánh thành trước năm 2020. Việt Nam kỳ vọng với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, khi hoàn tất, đây sẽ là sân bay lớn nhất nước và là một trong những trung tâm hàng không bận bịu nhất của thế giới trong khi phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải. Công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất hiện là 20 triệu khách/năm. Chính phủ nói năm ngoái số hành khách sử dụng phi trường này lên tới 22 triệu. Chi phí đầu tư ‘khổng lồ’ cho dự án sân bay Long Thành được huy động từ Quỹ đầu tư phát triển của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài. Những người ủng hộ cho rằng phi trường này là cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong số đó có ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã hồi hưu hiện tham gia các công tác giám sát, phản biện xã hội trong tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật tại địa phương. Ông Lê Văn Cuông: "Tôi rất ủng hộ dự án sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố, giữa dân dụng và quân sự, diện tích cũng chật hẹp nên phát triển và mở rộng Tân Sơn Nhất rất khó khăn. Thời gian tới, Việt Nam phát triển cao hơn, nhu cầu khách quốc tế và nội địa tăng lên, nếu không đoán trước xu thế phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn cho các hãng hàng không. Xây sân bay Long Thành có yếu tố thuận lợi về các mặt không những giải quyết khó khăn trước mắt mà còn lâu dài cho các tỉnh khu vực phía Nam đang có nhiều xu thế phát triển, cho nên phù hợp với xu thế chung." Ngoài những thuận lợi kỳ vọng từ sân bay Long Thành, dư luận đang lo lắng trước những bất lợi trông thấy bao gồm: khoản đầu tư ‘vung tay quá trán’ làm tăng nợ công của Việt Nam vốn đang ở mức cao và để lại các món nợ lớn cho nhiều thế hệ; việc đảm bảo minh bạch thu-chi với tình trạng tham nhũng đang ở mức ‘báo động’ nhất là trong các công trình phúc lợi quy mô lớn; hiệu ứng sử dụng thực tế trước nạn thất thoát-lãng phí phát sinh từ các nhóm lợi ích tranh dành quyền lợi; và lòng tin dân chúng đối với sự quản lý nhà nước đang giảm sút trầm trọng trong nhiều lĩnh vực. "Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành’ được Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế Quốc hội gửi cho Quốc hội vào cuối tháng rồi để điều nghiên trước kỳ họp có nêu ra một số quan ngại rằng sân bay Long Thành khó cạnh tranh được với các sân bay lớn đã có trong khu vực Đông Nam Á như ở Hongkong, Singapore, Malaysia, hay Thái Lan và rằng con số 100 triệu khách mỗi năm như mong muốn là ‘không thực tế." Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác chưa được làm rõ như vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn, mức độ tác động đến tăng trưởng GDP của quốc gia khiến nhiều người xem việc thông qua dự án này là một quyết định đầy rủi ro. Tuy nhiên, cựu đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng: "Vấn đề là tính quyết đoán trong kinh tế để đón đầu và có kế hoạch dài hạn là điều mà các nước phải tính đến. Việt Nam dù đang khó khăn về nhiều mặt nhưng cũng phải có những quyết đoán để có những đầu tư thỏa đáng. Nhìn thấy những thuận lợi và khó khăn, với một dự án lớn được dư luận quan tâm như sân bay Long Thành, tôi tin rằng Quốc hội sẽ tập trung giám sát, xem xét qua từng năm, ngăn ngừa các vi phạm và tiêu cực trong quá trình thực thi dự án." Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 7/5 tuyên bố trung ương đã ‘khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành, coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia.’ Thế nhưng, làm thế nào để dự án này đạt kết quả tốt đẹp như những lời khẳng định đó, tránh những hậu quả khi đưa vào sử dụng thường thấy đối với các dự án công khổng lồ hiện nay vẫn còn là một bài toán nan giải. Nhà lập pháp được biết đến là một người thường lên tiếng thẳng thắn trong các kỳ họp Quốc hội, Lê Văn Cuông, đề xuất: "Các biện pháp quản lý quá trình xây dựng đòi hỏi Quốc hội phải có các cơ quan chuyên môn sâu, qua từng giai đoạn phải thẩm định-giám sát chặt chẽ mới ngăn chặn được thất thoát, tiêu cực, hay tham nhũng, từ đó mới tạo được niềm tin. Nhưng quan trọng là làm sao sau khi khánh thành đưa vào sử dụng thì sân bay phải phát huy được hiệu quả thực sự." Chủ trương đầu tư xây dựng phi trường quốc tế Long Thành được Quốc hội biểu quyết trong kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5 và thông qua hôm nay 25/6. Nguồn: BBC, VO (vietinfo.eu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét