Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Dr Pepper "TEXAN BẢN ĐỊA" ! - Đặng Mỹ Hạnh

Image
“Chàng đẹp giai” sau quầy bar giải khát, vui lòng làm người mẫu                                  cho phó nhòm Đặng Mỹ Hạnh

Thị trấn Dublin nằm giữa Dallas và Austin, đây chính là quê hương của loại nước giải khát Dr Pepper nổi tiếng khắp nơi hiện nay. Tên của thị trấn không thay đổi trong nhiều thập kỷ - “Dr Pepper, Texas”. Hãng sản xuất Dr Pepper đầu tiên này nay đã trở thành một “bảo tàng” cho du khách thăm viếng. Bạn có thể đi ngược lại hàng 100 năm để thưởng thức một chai Dr Pepper nguyên thủy tại đây.

Dallas bắt đầu một mùa Hè rịn ướt. Những cơn mưa đã 
làm đầy lòng phố. Không hương đời, cũng chẳng hương trời - 
tôi đánh xe hơn 2 giờ đồng hồ từ Dallas đến Dublin chỉ để tìm 
lại mùi hương quá vãng của một loại nước giải khát soda đóng
chai: Dr Pepper. 
10 giờ sáng. “Tour tham quan” mở đầu ngày, chỉ lèo tèo 2 người khách. Cũng như xuất chiếu phim, cứ đúng giờ là chớp bóng. Tôi bước theo cô nàng hướng dẫn viên vào một cái nhà kho cũ kỹ. Logo Dublin mới trên cửa kiếng, một dàn thiết bị máy móc dây chuyền sản xuất nước giải khát đóng chai thập niên 1920 - đủ xưa cổ để trở thành một cái “Viện bảo tàng” nước giải khát chai lọ đầu tiên ở nước Mỹ. Những lốc nước soda đầu tiên ra đời từ đây.

“Bà đã bao giờ thử qua nước giải khát Dr Pepper chưa?” Cô nàng hướng dẫn viên trỏ tay vào cái máy nước giải khát Dr Pepper đủ hương vị. Thú thật, tôi chẳng phải là big fan của mấy cái loại nước soda đóng chai sủi bọt này. Nhưng cái thói thích đi tìm cái cũ - cho một lần biết mới đã trở thành nam châm sống bất hủ của riêng tôi.

Tôi nhoẻn một nụ cười xã giao nửa mùa, liếc qua vài loại thức uống trên cái máy: Vanilla Cream Soda, Cherry, Vintage Cola… Cái thời hoàng kim của soda sủi bọt đã qua, theo Beverage Digest, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở Mỹ đã sụt giảm đều đặn từ năm 1998, do tâm lý lo ngại của người Mỹ về nguy cơ gia tăng căn bệnh béo phì và tiểu đường từ những loại nước uống có ga.
Image
Dr. Pepper & Daughter- con gái nhỏ của ông có cái tên “Pepper”
ImageImage
 
Tôi chợt nhớ đến cái tít của bài báo đã đọc, “Có Beyonce cũng không cứu nổi nước giải khát có gas!” Là vì, dân Mỹ vẫn đang tiếp tục quay lưng với đồ uống có đường; bất chấp việc hãng Pepsi đã bỏ hẳn 50 triệu đô để mời ngôi sao bốc lửa nhạc pop Beyonce quảng cáo thương hiệu. Ðến đại diện của ba “đại gia” là Coca-Cola, PepsiCo và Dr Pepper Snapple đã phải cùng ký một cam kết dịch vụ quảng bá nhằm khuyến khích người tiêu dùng giảm lượng tiêu thụ các loại đồ uống có đường, nhằm “nâng cao nhận thức về vấn đề calorie trong dinh dưỡng.”

Cô nàng hướng dẫn viên vẻ ngoài phốp pháp, âm hưởng “Tếch xịt” đặc sệt, làu làu như đang trả bài, giải thích từng giai đoạn: máy rửa chai, máy đóng chai, bơm nước ngọt, bơm gas… Phần đóng nắp “twist-off”- mở bằng tay. Công đoạn kiểm tra phẩm chất: chai có đúng mực nước, đúng màu, nước có trong… Dr Pepper rất được yêu thích ở Mỹ, nhất là với những người lớn tuổi vì họ cho rằng nó mang một hương vị đặc thù khó thể so sánh với những sản phẩm nước giải khát khác.

Thời bấy giờ, các dược sĩ ở Mỹ thường bào chế thêm một số loại dược thảo với các hương vị khác nhau cho vào thức uống, tại các tiệm thuốc tây đều có quầy nước giải khát, và đây là nét đặc trưng trong văn hóa Mỹ.

Dr Pepper là một “Texan bản địa” - nguồn gốc ở Wade Morrison’s Old Corner Drug Store - doanh nghiệp nước giải khát lâu đời nhất ở Mỹ. Charles Alderton, một dược sĩ trẻ làm việc tại cửa hàng của Morrison, được tin là người phát minh ra loại soda nổi tiếng hiện nay. Alderton dùng hầu hết thời gian của anh để bào chế thuốc cho dân cư ở Waco, những lúc rảnh rỗi thì anh thích phục vụ thức uống có ga soda. Charles Alderton đặc biệt thích mùi thơm của xi rô hương vị trái cây hòa lẫn trong không khí. Và quyết định chế tạo một thức uống có mùi vị tuyệt vời này. Sau nhiều thí nghiệm, anh đã chế tạo thành công hỗn hợp xi rô trái cây.


  
“Tiến sĩ Pepper” ra đời…
Ðể “test” sản phẩm mới của mình, Charles Alderton giới thiệu thức uống mới với khách hàng. Và họ tỏ ra rất thích thú. Morrison đặt tên cho nó là “Dr Pepper”. Thực sự, nguồn gốc của cái tên “Tiến sĩ Pepper” này vẫn chẳng mấy rõ ràng. Bảo Tàng Viện đã thu thập cả “lô” câu chuyện khác nhau về loại nước giải khát trở thành cái tên Dr Pepper. Thời kỳ này, Dr Pepper đạt được sự ủng hộ rộng rãi của người tiêu thụ. Ðiều này, sớm nảy sinh môt vấn đề lớn đối với Alderton và Morrison. Họ không thể sản xuất tại tiệm thuốc để cung cấp đủ nhu cầu của khách hàng.
Image
Chuẩn bị đóng thùng

Robert S. Lazenby, một nhà hóa học trẻ đã nếm thử thức uống mới và rất “ấn tượng”. Morrison và Lazenby bắt tay đầu tư vào sự phát triển của Dr Pepper trở thành công ty giải khát đóng chai Pepper Company vào năm 1891. Lazenby và người con rể của mình, JB O’Hara chuyển công ty từ Waco đến Dallas vào năm 1923.

Từ năm 1910 đến năm 1914, Dr Pepper được tán thành là “Vua của nước giải khát” với biểu tượng “Old Doc” - một nhân vật “Tiến sĩ giải khát” với cái mắt kiếng và mũ cao; trở thành nhân vật chính hiệu của nhãn hiệu Dr Pepper vào những năm 1920 và 1930. Và cũng do khách hàng thích đem thức uống về nhà, nên ngành công nghiệp sản xuất nước đóng chai cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu. Khoảng 1,500 bằng sáng chế đã được cấp cho các nhà phát minh ra loại nút bần hay nắp đóng chai của nước đóng chai có ga. Tuy nhiên, các loại nút chai trên không mấy hiệu quả vì ga bị nén trong chai vẫn có thể thoát ra ngoài được. Mãi đến năm 1892, William Painter, một tay chủ cửa hàng bán máy móc tại Baltimore (Mỹ) - nhận bằng sáng chế ra loại nắp chai ngăn chặn bọt ga hữu hiệu nhất có tên gọi “Crown Cork Bottle Seal”. Voilà!

Image
Phòng sưu tầm sản phẩm Dr Pepper của Bill Kloster

Từ nhà kho, chỉ vài bước là qua đến khu “Bảo Tàng Viện” của Dr Pepper. Tôi liếc lên cái bích chương quảng cáo năm 1880 trên tường, một chai nước giải khát Dr Pepper, chỉ khoảng 5 cents thời ấy. Những cô gái trong bích chương quảng cáo của Dr Pepper nhìn rất “mốt” ở thập niên 1960 và “híp-py” ở cả thập niên 1970.

Phòng triển lãm trưng bày đầy đủ hình ảnh và hiện vật của Sam Houston Prim - giám đốc điều hành đầu tiên (1891) của xưởng đóng chai Dublin. Một cái bàn làm việc đơn sơ, cái điện thoại bàn cổ lỗ sỉ, máy đánh chữ kiểu xưa và vài giấy tờ bày biện ra vẻ bề bộn. Phòng cạnh bên, là bộ sưu tập đầy màu sắc của tay giám đốc Sam Houston Prim; từ chai lọ, nắp “phén”, kiểu mẫu đóng gói bao bìa của sản phẩm Dr Pepper… Sản phẩm Dr Pepper đã ra đời được 130 năm rồi.

Cô nàng hướng dẫn viên, liếc qua 2 cái máy ảnh cồng kềnh đang lủng lẳng trên cái vai của phó nhòm tui, cảnh báo liền, “Quý khách không được phép chụp hình ở đây!” Hẳn nhiên, bạn trả tiền vé vào Bảo tàng viện chỉ để được chiêm ngưỡng cái đẹp bằng khối óc, con tim, chứ không bằng hình ảnh!

“Bà có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào?” Cô nàng hướng dẫn viên, vừa dứt lời mời đã như dợm bước chuẩn bị kết thúc một vòng tour. Tôi nhìn quanh, thấy hàng tỷ cái dấu chấm hỏi trong đầu. Giá mà được chớp hình! May thay, cô nàng cũng vớt vát nỗi thất vọng của tôi như vớt đám bèo dưới ao, “Qua Viện Bảo Tàng cạnh bên, bà có thể thoải mái chụp hình.”

Có vậy chứ. Tác nghiệp mà thiếu đi hình ảnh, chẳng khác hột vịt lộn thiếu rau răm! Tôi làu bàu.

Phòng Bảo Tàng Viện kế bên là của một “ông chủ” kế tiếp - Bill Kloster, nhân vậtcó ảnh hưởng mạnh hơn cả tay giám đốc đầu tiên của hãng đóng chai Dublin - Sam Houston Prim. Trước khi chữ “thế chiến” có trong cuốn tự điển, Bill Kloster bắt đầu làm việc ở xưởng đóng chai khi ông ta mới lên 14 tuổi – và phải giúp mẹ và bốn anh chị em sau cái chết của cha. Việc làm của ông, cũng như những trẻ nít thời đó là lựa chai với số lương 10 cents một giờ. Khi Bill trở về từ chiến trận Ðệ Nhất Thế Chiến, ông đến nhận chức giám đốc xưởng đóng chai ở Dublin, một xưởng đã được khai triển từ năm 1891 bởi Sam Houston Prim. Những ngày ấy, tay Bill Kloster còn đang học cách làm Dr Pepper. Bill chẳng biết cóc nhái gì về cái công thức bí mật của Dr Pepper. Ổng chỉ biết dùng những vật liệu đặc biệt để làm một chai Dr Pepper lạnh thành một thứ nước uống “đã khát” cho một ngày dài nóng nực.

Image
Bill Kloster- người có ảnh hưởng lớn nhất của hãng Dr Pepper, tấm hình này trở thành hình bìa của 2000 cuốn lịch trước khi ông qua đời, thọ 89 tuổi.

Nhiều năm trôi qua. Những xưởng đóng chai Dr Pepper xuất hiện ở những khoảng cách ngày càng xa từ Waco. Sự bành trướng doanh nghiệp giải khát nước ngọt có ga của Dublin lớn đến nỗi không thể phân phối cả vùng trong một ngày. Và rồi một thay đổi lớn, Dr Pepper nối đuôi những doanh nghiệp sản xuất nước ngọt khác bằng cách đổi qua chất bắp ngọt và đường nhân tạo. Ngày trước, các giáo phái cổ điển nước giải khát “Dublin Dr Pepper” với thiết bị đóng chai vintage và đường mía thay vì fructose corn syrup.

Nhưng ở Dublin, tuyệt đối không có gì thay đổi. Bill Kloster vẫn tiếp tục điều hành xưởng Dr Pepper cũ nhất trên thế giới, làm nước ngọt y chang như từ trước đến giờ - với đường mía nguyên chất. Ông còn tuyên bố, “Nguyên một chai, không phải một, hai hớp đâu nhé!” và nhấn mạnh thêm, “Ðường, làm nên sự khác biệt! “

Ngày xanh màu miểng chai. Tôi trở vô quán giải khát của Bảo Tàng Viện Dr Pepper. Cặp kiếng đen vuông vức đóng khung trên cái vẻ mặt non choẹt của anh chàng đứng sau quầy bar giải khát. Mấy cái chai nước ngọt màu mè, chợt thu hút cái ống kính.

Phố bụi, người thưa. Tôi bóng nhẫy mồ hôi đứng nhăn răng cười trên mép phố, chụp hình với chai nước ngọt Dublin Texas Root Beer. Vị đường mía ngọt lịm đầu lưỡi, tôi nốc gọn nguyên một chai… “Không phải một, hai hớp, đâu nhé!”

Image















Tác giả ở quầy nước giải khát Dr Pepper

ĐMH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét