Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Cháu bị công an đánh chết, bác và chú phải đi tù

Vào ngày 29/12/2013, em Tu Ngọc Thạch (14 tuổi) học sinh trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh có xích mích với Lê Tấn Khỏe, người có cha làm công an ở xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Cả ngàn người đã kéo ra Quốc lộ 1A vào ngày 31/12/2013 để phản đối hành vi man rợ của công an xã Vạn Long. Ảnh: Người Lao Động

Cali Today News -Ngay sau đó, nhóm công an xã gồm: Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm đi lùng bắt em Thạch. Sau khi thấy Thạch trên đường, nhóm công an đã đánh em lên bờ xuống ruộng. Tàn nhẫn hơn, dù Thạch chỉ là học sinh lớp 9 nhưng những công an viên này đã dùng nón bảo hiểm đánh liên tục vào đầu, mặt nạn nhân. Chưa dừng ở đó, công an đã dùng còng số 8, đưa Thạch về trụ sở công an xã để tiếp tục đánh đập nạn nhân.
 
Đến chiều cùng ngày, gia đình đến bảo lãnh em Thạch về. Khi về nhà, rạng sáng ngày 30/12/2013, Thạch ói mửa, ngất đi nên gia đình đã cấp tốc đưa em đi Bệnh viện đa khoa huyện Vạn Ninh cấp cứu. Do bị đánh đập quá nặng, khi được chuyển lên trên Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa thì đã tử vong vào sáng ngày 31/12/2013.
Sau khi cháu của mình bị công an đánh đập tàn nhẫn đến chết, xác nạn nhân đang được chở về nhà, ông Nguyễn Văn Ly (43 tuổi, cậu ruột nạn nhân) và ông Mai Đình Tâm (47 tuổi, bác họ, cùng ở xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) cùng những người bà con thân thuộc và hàng trăm người dân biểu tình trước cổng Ủy ban nhân dân xã Vạn Long để gây sức ép lên chính quyền, hòng đòi lại công lý cho người thân.
 
Vừa đưa quan tài em Tu Ngọc Thạch, hai ông Ly và Tâm la lớn: “Công an đánh chết người bà con ơi!”. Đến 12 giờ cùng ngày, quá phẫn nộ trước hành vi độc ác của công an xã Vạn Long, hàng ngàn người đã tụ tập trước Ủy ban xã khiến cho giao thông ở đây bị tắc nghẽn, xe cộ không lưu thông qua lại được.
 
Sau đó, công an huyện và chính quyền xuống vận động, đến 15h30 đám đông giải tán. Gia đình đưa nạn nhân về chôn cất. 
Bà Hồ Thị Khoa (61 tuổi) bàng hoàng khi cháu mình bị công an đánh chết và con trai sắp bị đi tù.
Ảnh: Người Lao Động
 
Ngày 14/11/2014, Tòa án huyện Vạn Ninh đưa vụ án công an đánh chết học sinh lớp 9 ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt: Lê Minh Phát, công an xã Vạn Long 6 năm 9 tháng tù giam; Lê Ngọc Tâm (công an xã Vạn Long) 9 tháng tù treo.
 
Với những hành vi dã man của Phát và Tâm, gia đình nạn nhân đã phản đối là làm thủ tục kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm chỉ còn 10 ngày nữa sẽ xét xử thì bất ngờ ông Nguyễn Văn Ly và ông Mai Đình Tâm nhận được cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
 
Rất nhiều người đã cho rằng, đây là hành động trả thù của chính quyền huyện Vạn Ninh đối với gia đình nạn nhân Tu Ngọc Thạch, vì họ đã dám yêu cầu phải xử nghiêm vụ công an đánh chết học sinh, khiến cho uy tín bị giảm sút và mất điểm thành tích thi đua.
 
Ngày 2/6. Tòa án huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã xét xử hai ông Ly và Tâm. Tại tòa, cả hai bị cáo Ly và Tâm đều khẳng định khi có mặt tại Quốc lộ 1A, trước trụ sở Ủy ban xã thì đã có hàng trăm người tụ tập khiến đường bị tắc. Vì phẫn nộ trước việc cháu trai bị đánh đập tàn nhẫn đến nên hai ông ông này đã la lối: “Trời ơi! Cháu tôi bị công an đánh chết rồi” chứ không hề có hành vi xúi giục, kích động người khác. Chẳng những vậy, khi lực lượng cảnh sát cơ động đến giải tán, chính quyền vận động thì họ đã trở về nhà và mang xác nạn nhân đi mai táng.
 
Trong khi đó, ông Ly còn khai trước tòa rằng, điều tra viên tên Công đã ép cung ông này. Ông Ly đi biển đến 12 giờ mới về đến nhà, sau đó được người bà con dùng xe máy chở thằng đến Quốc lộ 1A để đón xác cháu Thạch. Lúc đó, theo ông Ly cũng phải đến hơn 12 giờ rưỡi. Vậy nhưng, điều tra viên tên Công không chịu, ép ông phải ghi là 11h39 phút.
 
Về phía luật sư bào chữa cho hai bị cáo nói trên là ông Võ An Đôn cho rằng, không hề có cơ sở để truy tố tội “gây rối trật tự công cộng”, bởi khi cả hai bị cáo đến Quốc lộ 1A thì đã có hàng trăm người tụ tập tại đây, do người dân quá phẫn nộ việc công an đánh đập đến chết một học sinh lớp 9.
 
“Khi bị cáo Tâm còn đanh đánh bắt cá ngoài biển, đã có trăm người tập trung trên Quốc lộ 1 và đường đã bị tắt. Sao lại bắt một người ở dưới biển chịu trách nhiệm một việc đang xảy ra trên đất liền?”- Luật sư bào chữa cho bị cáo Tâm đưa ra thắc mắc.
 
Dẫu vậy, phía công tố viên vẫn khẳng định rằng, chính việc la lối của hai ông Ly và Tâm đã khiến cho lực lượng có trách nhiệm không giải tán được đám đông, nên hai ông này phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. 
 
Cũng tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phạt mỗi bị cáo từ một năm ba tháng đến một năm sáu tháng cho hưởng án treo. Vậy nhưng, cuối cùng tòa đã tuyên phạt mỗi người một năm ba tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
 
Người Quan Sát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét