Chừng một năm trước đây, không ai nghĩa bà Carly Fiorina sẽ là một trong những ứng cử viên của đảng Cộng Hòa dự cuộc đua 2016.Cử tri không mấy ai biết đến bà trong khi những ông đã tuyên bố tranh cử hay sửa soạn ra tranh cử đều là những khuôn mặt lớn của chính trường quốc gia, có sẵn dàn quân yểm trợ ở nhiều địa phương, có sẵn những người giầu tiền lắm bạc cam kết sẽ hỗ trợ để dự cuộc đua chính trị tốn kém nhất thế giới. Tính đi tính lại, nếu có ra tranh cử thì bà cũng chiếm một vị trí thật khiêm nhường, may mắn nhất cũng chỉ đứng ở vị trí lưng chừng chứ không thể ở ngôi đầu bảng.Mặc dù biết rõ nhưng bất lợi đó, bà cựu Chủ Tịch Điều Hành công ty Hewlett Packard vẫn nhất định tiến tới, mong trở thành người phụ nữ đầu tiên được đảng Cộng Hòa chọn để đại diện dự vòng tổng tuyển cử, và sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành nắm chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc. Có 2 lý do để bà tin sẽ thành công: những lời tuyên bố chứa đựng nội dung chỉ trích vị tổng thống Dân Chủ đương quyền Barack Obama mà bà đưa ra trong những tháng trước đây chính là những điều cử tri đi bầu sơ bộ lắng nghe, và không ít người tin rằng bà “đủ sức” để đối phó với bà Hillary Clinton, nhân vật được dự đoán sẽ đại diện cho phía Dân Chủ để dự cuộc đua lần này.“Carly không chỉ là một phụ nữ tiêu biểu cho xã hội và cho nước Mỹ, đồng thời cũng là ứng cử viên duy nhất xuất thân từ lãnh vực thương mại, 2 điều đó giúp bà nổi bật trong chính trường” là nhận xét của bà Nicole McArthur, thành viên điều hành Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Iowa. “Bà Carly cũng có những kinh nghiệm cần thiết cho cuộc tranh cử vì hồi 2012 bà đi sát với ông Mitt Romney, trong vai trò cố vấn bà đã giúp ông rất nhiều trong cuộc đua tranh chức tổng thống và bà cũng học hỏi được rất nhiều để áp dụng cho chính mình khi dự cuộc tranh cử đầy khó khăn năm nay”.
Năm nay 60 tuổi, bà Carly Fiorina thật sự bước vào chính trường khi dự cuộc bầu cử thượng nghị sĩ của tiểu bang California hồi 2010, được đảng Cộng Hòa đề cử nhưng thua bà Barbara Boxer của đảng Dân Chủ. Sự nghiệp điều hành một đại công ty như Hewlett Packard (HP) không sáng sủa lắm – bà làm được 6 năm trước khi bị buộc phải từ chức – nhưng con đường dẫn tới vị trí quan trọng hàng đầu đó là điều được những người sinh hoạt trong lãnh vực thương mại Hoa Kỳ cũng như thế giới nói tới vì khởi đầu bà chỉ là một cô thư ký cho công ty. Khi bà được chọn để điều hành công ty HP, tờ The Wall Street Journal đăng tải một bài viết với nội dung ví bà như “cô bé lọ lem”, gọi câu chuyện từ một cô thư ký bước lên vai trò chủ công ty “là câu chuyện tiêu biểu cho nước Mỹ, quốc gia đầy cơ hội cho những người quyết chí thành công”.Thứ Hai tuần rồi khi loan báo quyết định tranh cử, bà không nói gì đến chuyện là người phụ nữ duy nhất của đảng Cộng Hòa dự cuộc đua lần này, thay vào đó bà trình bày lý do tại sao bà nghĩ sẽ được sự ủng hộ của cử tri. Trong đoạn video ngắn bà dùng để giới thiệu mình với cử tri, bà mở đầu bằng một phần đoạn video của bà Clinton, với mục đích “cho mọi người biết cử tri Hoa Kỳ đã chán ngấy khi nhìn thấy những khuôn mặt cũ kỹ của chính trường”. Trong cuộc họp báo sau đó, bà cho giới truyền thông biết những nhân vật như bà Clinton “là nhóm chính trị gia chuyên nghiệp”, điều đó có nghĩa “họ là những người không bao giờ đến gần với cử tri”. Cũng trong cuộc họp báo đó, bà nói một trong những điều sẽ làm “là tạo gạch nối giữa người dân với chính quyền” vì “dân chúng quá chán nản với những lãnh đạo đang làm việc tại Washington”.Hầu hết các quan sát viên bầu cử Hoa Kỳ không nghĩ bà Fiorina có nhiều cơ hội thành công ở vòng sơ bộ, vì bà không có kinh nghiệm điều hành guồng máy công quyền, cũng chưa có kinh nghiệm sinh hoạt trong chính trường ở đẳng cấp quốc gia. Tuy nhiên vẫn theo các quan sát viên bầu cử, sự hiện diện của bà sẽ giúp cho đảng Cộng Hòa ở một điểm quan trọng khác: để bà tấn công bà Hillary Clinton là cách hay nhất.Theo bà Liz Maiz, một nhà tư vấn chính trị của đảng Cộng Hòa, điều ngại nhất của các nam ứng cử viên là phải tấn công nữ đối thủ, “nếu không khéo sẽ bị ảnh hưởng bất lợi ngay”. Chính vì thế nên dù không nói ra “nhưng tất cả các ông (bên đảng Cộng Hòa) đều vui khi nghe tin bà Carly tranh cử, họ biết có người giúp tấn công bà Clinton”. Bà Maiz tin rằng “sớm muộn gì trận chiến giữa 2 bà Carly và Hillary sẽ diễn ra” và nếu biết lợi dụng trận chiến này, “bà Carly có thể vượt lên, đứng trong danh sách 3 ứng cử viên nổi bật nhất của đảng”, và giúp đảng Cộng Hòa “cơ hội rất tốt để thu hút lá phiếu của tập thể nữ cử tri”, lực lượng trong 2 kỳ bầu cử vừa rồi đã dồn phiếu cho ông Obama.“Bà Carly có những lợi điểm mà các ông Cộng Hòa không có”, theo nhận xét của chiến lược gia Josh Einstein, người mới vài năm trước đây từng làm việc trong Ủy Ban Tranh Cử Mitt Romney. “Đến giờ, chỉ mỗi mình bà Carly lên tiếng nói rằng trong 4 năm làm Ngoại trưởng bà Clinton không đạt được thành quả nào đáng kể, ngoài ra trong cương vị một phụ nữ, bà Carly sẽ dễ trả lời những câu hỏi mà các ông Cộng Hòa muốn né tránh, chẳng hạn như quyền phá thai của người phụ nữ, hôn nhân đồng tính…” Một yếu tố khác cũng được ông Einstein nói tới: giữa dàn cả chục ông bỗng dưng có một bà xuất hiện “chắc chắn phải được cử tri chú ý tới”.Bên Dân Chủ có vẻ chẳng nao núng gì về sự hiện diện của bà Carly Fiorina. Trong thông cáo phổ biến đầu tuần trước ở thủ đô, nữ phát ngôn viên Holly Shulman của Văn Phòng Điều Hành Dân Chủ Trung Ương nhấn mạnh đến chuyện bà Fiorina thất bại khi điều hành công ty Hewlett-Packard “cho thấy khả năng lãnh dạo của bà ta như thế nào”. Thông cáo ghi rõ dưới thời bà Carly, “công ty liên tục lỗ lã, liên tục phải giảm bớt công nhân, giá cổ phiếu tụt dốc…” và nêu thắc mắc “không biết nếu trở thành tổng thống, bà ta sẽ đẩy quốc gia vào tình huống như thế nào?”.VÀI HÀNG VỀ HAI NỮ ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNGCarly Fiorina (Cộng Hòa): từng điều khiển đại công ty Hewlett-Packard (1999-2005), đang là Chủ Tịch Hiệp Hội Bảo Thủ Hoa Kỳ (the American Conservative Union Foundation), một tổ chức vận động chính trị làm việc rất sát với nhóm Tea Party. Chưa hề giữ một chức vụ nào ở cấp tiểu bang lẫn liên bang, nhưng hồi 2010 ra tranh cử thượng nghị sĩ tiểu bang California (thua bà Barbara Boxer). Hôm mùng 4 tháng Năm, 2015, bà loan báo tranh cử tổng thống.Sinh trưởng tại Austin, Texas, bà Carly năm nay 60 tuổi, tốt nghiệp Stanford University (Medieval History and Philosophy), theo học UCLA Law School (không tốt nghiệp) University of Maryland (MBA), Massachusetts Institute of Technology Sloan School of Management (Master of Science). Bà lập gia đình với ông Frank, có 2 người con nuôi (tên Lori Ann và Traci). Tôn giáo: Tin Lành (Christian).Bà hiện cư ngụ tại Mason Neck, VirginiaHillary Clinton (Dân Chủ): được mặc nhiên công nhận là nhân vật nổi bật nhất của cuộc tranh cử lần này. Cử tri Hoa Kỳ biết đến bà vì bà từng giữ vai trò Đệ Nhật Phu Nhân, từng là thượng nghị sĩ, từng tranh cử tổng thống (2008) và là ngoại trưởng (2009-2013). Bà cũng là chính trị gia bị báo chí soi mói nhiều nhất: từ chuyện sử dụng email cá nhân lúc điều hành Bộ Ngoại Giao, cho tới chuyện dành nhiều đặc quyền cho những quốc gia bỏ tiền giúp tổ chức từ thiện do chồng là Cựu Tổng Thống Bill Clinton thành lập và điều hành. Bà tuyên bố tranh cử hôm 12 tháng Tư 2015.Sinh trưởng tại Chicago, Illinois, bà Hillary năm nay 67 tuổi, tốt nghiệp Wellesley College (Political Science), Yale University Law School (J.D.). Ông bà Clinton có 1 cô con gái (tên Chelsea). Tôn giáo: Methodist.Bà hiện cư ngụ tại Chappaqua, N.Y. và Washington, D.C.
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét