Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

“Đông y chữa người bệnh, còn Tây y chữa bệnh của người”

xuyen_boi_ty_ba_cao_300_nam_phuong_thuoc_quy_tri_ho_0-675x400

Khi đề cập tới vai trò của Đông y trong đời sống đương đại, cố giáo sư Nhiệm Ứng Thu – nhà lý luận Đông y nổi tiếng của Trung Quốc đã từng đưa ra một so sánh rất hay, ông nói: “Hệ thống các phương tiện giao thông hiện đại có máy bay, tầu thủy, tầu hỏa, ô tô, … nhưng cũng có cả những con lừa – là phương tiện vận tải ở vùng đồi núi. Cho dù Y học phương Tây có phát triển và hiện đại hóa thêm nữa, cũng không thể thay thế được những chú lừa bé nhỏ của Đông y.
Suy cho cùng, mỗi loại phương tiện đều vận hành theo những nguyên lý riêng, mỗi loại đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Do đó, sự khác biệt giữa Tây y và Đông y không phải là sự khác biệt giữa “khoa học” và “phi khoa học”, mà là sự khác biệt giữa phương pháp nghiên cứu và sách lược tiếp cận đối tượng.

Trước hết, Đông y và Tây y được xây dựng trên nền tảng của những triết thuyết không giống nhau. Vấn đề đầu tiên cần lưu ý đó là nhận thức của Đông y về sinh lý và bệnh lý không căn cứ vào hình trạng giải phẫu thực thể, mà xuất phát từ các chức năng.

Đối với một thầy thuốc Đông y, hình trạng và kết cấu thực thể không quan trọng bằng các chức năng. Hầu hết các khái niệm trong Đông y đều có tính “hữu danh vô hình” – nghĩa là chỉ biểu thị chức năng, không nhất thiết phải đồng nhất với một cơ quan hay tổ chức thực thể. Những khái niệm như “âm dương”, “khí huyết”, “tạng phủ”, “kinh lạc”, … trong Đông y chủ yếu được hình thành thông qua trực giác, cảm tri và thể ngộ, chứ không chỉ dựa vào thực chứng hay thực nghiệm.
e1
Ví dụ: “Kinh lạc” là những đường dẫn truyền cảm giác – khi cơ thể phát bệnh hoặc do kích thích từ phía bên ngoài; đó là “sản vật của sự cố định hóa” hiện tượng truyền cảm (chức năng) chứ không phải là một thực thể giải phẫu cụ thể nào. Nhưng cũng chính vì đặc điểm trên thường dẫn tới một số ngộ nhận.
Một ví dụ hết sức điển hình: Các thầy thuốc Đông y thường nói “tả can hữu phế” (gan ở bên trái, phổi ở bên phải).
Nghe thấy vậy một người chỉ cần hiểu biết chút ít về giải phẫu sinh lý sẽ lập tức thốt lên kinh ngạc: Đúng là điều hoàn toàn bậy bạ! Vì theo nghĩa thông thường “can” là gan, “phế” là phổi, mà ai cũng biết rằng “gan bên trái, phổi bên phải” là hoàn toàn không đúng thực tế. Có điều trong Đông y, “can” chỉ “tạng can”, “phế” chỉ “tạng phế”, mà “ngũ tạng” (5 tạng) của Đông y (tâm, can, tỳ, phế, thận) không phải là “tim”, “gan”, “lách”, “phổi” và “thận” trong giải phẫu học. Theo lý luận về “tạng tượng” của Đông y học: Mỗi một “tạng” hoặc một “phủ” thực chất là một “tổ chức kết cấu động” bao gồm những chức năng tương đồng, đồng bộ theo những tiết luật về không gian và thời gian.
Nhân – con người được ví như một “Thái cực đồ”: theo phương vị trong không gian, tạng can ở hướng Đông, phía bên trái; tạng phế ứng với hướng Tây, phía bên phải.
Nói “tả can hữu phế” là chỉ chức năng, cụ thể là chức năng “hành khí” (vận động của “khí”): Tạng can đưa khí dương lên trên từ phía bên trái, tạng phế dồn khí âm xuống dưới ở phía bên phải.
Điều đặc biệt hơn nữa là với mệnh đề này (cùng với biện pháp châm cứu, phương thuốc, …) trên lâm sàng Đông y đã chữa trị được rất nhiều chứng bệnh, mà Tây y phải chịu bó tay.

Các triết thuyết còn dẫn đến những hệ thống thực hành khác nhau. Có người nói: “Đông y chữa người bệnh, còn Tây y chữa bệnh của người“. Có người còn nói: “Đông y chỉ thấy rừng mà không thấy cây, Tây y chỉ thấy cây mà không thấy rừng“. Nói như vậy tuy có phần ngoa ngoắt phóng đại, nhưng việc Đông y coi trọng cách tiếp cận tổng quát – toàn bộ “khu rừng”, còn Tây y coi trọng những chi tiết cụ thể về từng “cái cây” thì đúng là sự thật không thể phủ nhận.

Thầy thuốc phương Tây thường tiếp cận vấn đề theo phương pháp “phân tích hoàn nguyên”, còn thầy thuốc phương Đông xét vấn đề theo phương pháp “chỉnh thể”. Đông y coi con người là một chỉnh thể không thể chia cắt, con người giống như một “vũ trụ nhỏ”.
Phương pháp tư duy hình tượng thiên về trực cảm và thể ngộ của Đông y càng thể hiện rõ trong quá trình chẩn đoán, biện chứng, chữa trị bệnh tật. Thời xưa, trong hoàn cảnh khoa học chưa phát triển, chưa có các thiết bị tinh vi như ngày nay, Đông y đã phát minh ra một hệ thống chẩn bệnh và trị bệnh độc đáo, đó là phép “BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ“.
Khi khám chữa bệnh, trước hết người thầy thuốc dùng “Tứ chẩn” (tức “vọng” (nhìn), “văn” (ngửi, nghe), “vấn” (hỏi), “thiết” (bắt mạch, sờ nắn)) để thu thập những tin tức khách quan về bệnh tình. Tiếp đó tiến hành phân tích, “biện chứng” theo “Bát cương” (8 trạng thái bệnh lý cơ bản, theo cách phân loại của Đông y) để tìm ra căn nguyên, bản chất, vị trí bệnh và tương quan giữa “chính khí” (sức chống bệnh) và “tà khí” (tác nhân gây bệnh). Sau khi biết rõ “chứng” mới xác định phương pháp và bài thuốc chữa trị cụ thể.
tcm_diagnose
Đối với bệnh tật, Đông y coi trọng “CHỨNG“, còn Tây y thì coi trọng “BỆNH“. “Chứng” trong Đông y không phải là một “triệu chứng” đơn nhất theo nghĩa thông thường, mà là một chỉnh thể, là cả “rừng cây”, có tính vĩ mô. Còn “bệnh” là một khái niệm cụ thể, là “cái cây” mang tính vi mô.
Thời xưa, thần y Hoa Đà đã từng chữa trị cho hai người cùng bị bệnh phát sốt, đau đầu. Nhưng khi kê đơn thuốc ông lại cho một bệnh nhân dùng thuốc “tả hạ” (thông đại tiện mạnh – thuốc tẩy), còn người bệnh kia cho dùng thuốc “phát hãn” (làm ra mồ hôi để giải cảm).
Có người thắc mắc: “Vì sao hai người cùng bị mắc một bệnh lại dùng những bài thuốc khác nhau như vậy?
Hoa Đà giảng giải: “Bệnh một người thuộc chứng “nội thực”, bệnh người kia thuộc chứng “ngoại thực”, vì vậy phải sử dụng những phép chữa và bài thuốc khác nhau“.
Và điều lạ lùng là 2 ngày sau cả hai người đều đã khỏi bệnh.
Một ví dụ khác, một thầy thuốc Đông y đương đại đã chữa bệnh cho hai người cùng mắc một loại bệnh mà Y học hiện đại gọi là “bệnh loét đường tiêu hoá”. Bệnh nhân thứ nhất từng bị viêm loét dạ dày và xuất huyết dạ dày, một lần do làm việc quá sức, lúc đi đường lại gặp mưa to, về đến nhà uống chút rượu nho lạnh thì đột nhiên thổ huyết liên tục; vào bệnh viện cấp cứu và chữa trị bằng Tây y 2 ngày, người bệnh vẫn thổ huyết không sao cầm được. Sợ bệnh nhân bị thủng dạ dày, bệnh viện quyết định tiến hành phẫu thuật gấp.
Người nhà bệnh nhân do dự, nửa đêm tìm đến nhà vị thầy thuốc già họ Bồ. Ngay tối đó ông cho bệnh nhân dùng bài thuốc “Trắc bách diệp thang” sắc uống. Sáng hôm sau thấy hiện tượng thổ huyết tạm ngừng, ông gia thêm hai vị “nhân sâm” và “tam thất” vào thang thuốc. Sau vài lần điều chỉnh đơn thuốc, người bệnh không còn bị thổ huyết; bệnh viêm loét dạ dày cũng khỏi và nhiều năm sau không còn tái phát.
chinese-herbal-medicine
Trường hợp thứ hai, người bệnh bị viêm loét hành tá tràng đã 13 năm, đại tiện phân lẫn máu, dạ dày đau lúc đói đau tăng thêm, … đã chữa trị khắp nơi không có kết quả. Sau khi xem mạch, thầy Bồ lại cho uống bài “Tứ nghịch tán hợp tả kim hoàn”. Sau một thời gian bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Cả hai trường hợp tuy đều bị mắc “bệnh loét tiêu hóa” (peptic ulcer) trong Y học hiện đại, nhưng lại thuộc hai “chứng” khác nhau theo phân loại chứng hậu trong Đông y, do đó thầy thuốc Đông y đã được sử dụng những phép chữa và bài thuốc khác nhau để chữa và kết quả đều cùng khỏi bệnh.
Công việc chẩn đoán và chữa trị bệnh tật của thầy thuốc Đông y, thực chất là một quá trình suy đoán về sự hoạt động của cơ thể thông qua sự nhận thức, cảm tri và thể ngộ về những biểu hiện ở người bệnh. Vì vậy, việc chữa trị bệnh tật trong Đông y có chính xác, cao minh hay không, thường phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, năng lực nhận tri và thể ngộ của người thầy thuốc.
Lương y THÁI HƯ
Theo thuocvuonnha.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét