Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Giới trẻ Nam California hội thảo về 30 Tháng Tư - Người Việt

Ông Bảo Nguyễn (trái) và cô Phục Nguyễn phát biểu trong đêm tâm tình dịp 30 Tháng Tư. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) “Đêm Tâm Tình Tưởng Niệm 30 Tháng Tư” với chủ đề “Bốn Mươi Năm Quốc Hận: Tuổi Trẻ Nghĩ Gì và Làm Gì,” diễn ra trong bầu không khí gia đình, do Cộng Đồng Việt Nam Nam California tổ chức,  lúc 6 giờ tối Thứ Ba, 28 Tháng Tư, tại văn phòng ở Garden Grove.


“Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho đồng hương tị nạn Cộng Sản cơ hội giải bày những uẩn khúc, đau khổ của mình, hoặc những gì được chứng kiến sau ngày mất nước,” ông Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California, mở đầu đêm tâm tình tưởng niệm 30 Tháng Tư.
“Giới trẻ chúng tôi mong được nghe những câu chuyện thật, trong một không khí rất thật, rất tình người như trong một đại gia đình, để hiểu và biết những quan tâm của thế hệ cha ông. Và để từ đó, tạo được nhịp cầu thông cảm giữa hai thế hệ,” ông nhấn mạnh.
Đặc biệt những khuôn mặt trẻ đã mạnh dạn phát biểu cảm nghĩ của mình, như anh Bảo Nguyễn, sinh năm 1975, hiện là tổng thư ký Cộng Đồng Việt Nam Nam California.
“Dù không được chứng kiến cảnh chiến tranh tang tóc, nhưng qua các phương tiện truyền thông, tôi biết rằng lúc này chúng ta phải dốc lòng, yểm trợ cho tuổi trẻ trong nước. Họ là rường cột chống đuổi ngoại xâm phương Bắc,” anh nói.
Cùng một ý nghĩ, cô Phục Nguyễn, 32 tuổi, cư dân Yorba Linda, chia sẻ: “Chúng ta đã suy nghĩ, giờ thì chúng ta phải làm. Những thử thách xảy ra hôm nay, chúng ta hãy ghi nhớ, tránh để bị Cộng Sản tuyên truyền.”
“Chúng ta phải biết làm sao để mọi người đoàn kết. Cá nhân mỗi người nên nhẫn nhịn để công cuộc chung được thành đạt. Xin hãy tha thứ cho người bên cạnh và tìm cách nắm tay nhau vì đại cuộc,” cô nói thêm.
“Thật sự, dù sinh ra tại Hoa Kỳ, em mong một ngày nào đó sẽ được về sống ở Việt Nam. Những dịp như thế này, em học hỏi  những gì bác, mẹ đã trải qua để làm sức mạnh cho mình trong tương lai,” cô Phục nói.
Người lớn tuổi, cựu Thiếu Tá Ngô Doãn Tiên, nhận xét một khía cạnh khác: “Chúng ta tranh đấu cho quê hương sớm có tự do ngôn luận, nhưng nên nhớ, không thể nào hòa giải với Cộng Sản được!”
Ông Trương Đông Kiệt, 50 tuổi, cư dân Garden Grove, tiếp nối với câu chuyện vượt biên của gia đình, khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
“Gia đình cha mẹ tôi có chín người con. Chiến tranh leo thang, mẹ tôi phải gởi tôi và ba người em về sống với bên nội. Năm người em còn lại về sống với bên ngoại ở Bạc Liêu. Gia đình tôi vượt biên nhiều lần và đi từ Ninh Kiều, Cần Thơ, trong mùa biển động (Tháng Chín) để tránh Cộng Sản để ý,” ông kể.
“Tàu tôi có 64 người và một em bé, được công an đưa ra Hòn Chông. Đêm ấy giông bão nổi lên. Em bé chịu không nổi và chết trong đêm. Sáng hôm sau chúng tôi phải thả xác em xuống biển,” ông nghẹn ngào bật khóc.
Ông kể tiếp rằng hôm sau tàu hư, cạn dầu, lên đênh ba ngày trên biển. Mọi người phải ăn củ sắn để sống và không ai biết tương lai sẽ về đâu.
“Một tàu lớn sau đó xuất hiện, cho chúng tôi thức ăn rồi bỏ đi. Năm ngày sau chúng tôi bị tàu biên phòng của Cộng Sản bắt lại, đưa về Kiên Giang. Bốn mươi năm sau, nghĩ lại đêm hôm đó tôi vẫn còn thấy hãi hùng. Từ khi qua Mỹ, tôi tìm mọi cách, qua Facebook, để đồng bào trong nước biết được bộ mặt thật của đảng CSVN, làm đạo đức suy đồi, bán đất, bán biển cho Trung Cộng. Chúng ta cần mỗi người giúp một tay cứu giúp quê hương,” ông kêu gọi.
Cô Thu Hà Trinh, 49 tuổi, cư dân Garden Grove, tiếp tục chương trình.
“Tôi còn nhớ ngày ấy tôi mới 5 tuổi, sống và lớn lên trong lòng CSVN. Bố tôi là sĩ quan Không Quân và bị đi tù 10 năm. Lúc đi học tôi luôn được nhắc là bố tôi là ngụy quân, ngụy quyền. Cho đến ngày tôi tốt ngiệp trung học cấp ba, tức lớp 12,” cô Thu Hà nói trong nỗi xúc động thấy từ mọi người hiện diện.
Cô nói: “Tôi thương nhất là số phận của người phụ nữ Việt Nam,” vì “họ chính là người mẹ, hay các bà vợ lặn lội nuôi chồng trong tù.”
“Tôi nhớ mỗi lần đi thăm nuôi, mẹ tôi hỏi tất cả nhà rằng ai có gì có thể đem bán lấy tiền, đưa cho mẹ đem bán. Thậm chí, tôi và đứa em gái phải chia nhau mặc một cái quần,” cô nói một cách chua xót.
“Chúng ta nhắc nhiều đến thù hận, nhưng ít ai để ý đến người đàn bà Việt Nam. Chính họ là người mà chúng ta nên tạc tượng cho thế hệ con cháu biết đến những gương hy sinh vô bờ bến mà chỉ có người đàn bà Việt Nam làm được,” cô nói với giọng rắn rỏi.
“Tuổi trẻ phải được biết sự thật để chúng có thể tự nhận xét và phán đoán cho mình,” cô Thu Hà khẳng định.
Ông Lê Phước Lai, 82 tuổi, cư dân Santa ngồi bên cạnh biểu đồng tình: “Đừng nói hơn thua, hãy cùng nhau nói về sư hy sinh cho việc lớn.”
Ông John Nguyễn, cư dân Garden Grove, tiếp tục với câu chuyện của ông khiến mọi người chú ý.
“Tôi không giấu diếm. Tôi từng đi bộ đội bốn năm. Sau cuộc chiến, ai cũng nhắc đến các quân nhân VNCH đi tù cải tạo, nhưng chưa hề có ai nhắc đến lớp người trẻ chúng tôi, vì hoàn cảnh đất nước phải đi thanh niên xung phong. Tôi nhớ những lần tôi đi Cambodia về, tôi không có nơi nương tựa. Tôi hiểu được Cộng Sản, tôi vượt biên,” ông John nói.
“Sau nhiều năm sinh hoạt trong cộng đồng và làm quen với đời sống ở đây, tôi xin hỏi quý vị con của quý vị có hiểu quý vị đang làm gì trong giây phút này không? Tôi chỉ mong là con kiến nhỏ bé, lấy thân làm chiếc cầu cho những con kiến khác qua sông,” ông nói thêm.
“Tôi hiểu ra được rằng chỉ có kiến thức mới thay đổi được. Tôi gởi tiền về Việt Nam nuôi cho một số em ăn học, nay là luật sư, kỹ sư. Các em suy nghĩ khác những người CSVN đang cầm quyền. Sau cùng, bây giờ tôi vượt qua được sự sợ hãi, và tôi tiếp tục làm những gì trong khả năng cho thế hệ sau, thế hệ con cháu tôi,” ông nói.
Ngoài ông Phan Văn Chính và bà Nguyễn Minh Nguyệt thuộc Hội Đồng Giám Sát, một số thành viên Hội Đồng Cố Vấn của Cộng Đồng Việt Nam Nam California cũng hiện diện và chia sẻ những câu chuyện đau buồn trong đêm tâm tình, như cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, ông Lê ngọc Diệp, ông Phan Thanh Châu, v.v...

Kết thúc, mọi người dùng bữa tối, xen kẽ là chương trình văn nghệ với những bài hát quen thuộc, như “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển,” và “Tháng Tư Đen.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét