Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Truyện ngắn Hồn Ma Trong Bệnh Viện - BS Liêu Vĩnh Bình


hon ma

Trước khi đến bệnh viện Hồng Bàng tôi đã nghe các đàn anh nói là bệnh viện này có nhiều ma lắm. Tôi cũng đã đọc nhiều truyện ma của các bác sĩ đi trước viết từ trong bệnh viện này. 


Nhưng tôi chỉ mỉm cười, nhún vai, trong bụng nói rằng chỉ có tôi mới nhát ma người ta thôi, chớ ma nào mà dám nhát tôi. Nếu mà có ma thật như trong những truyện Liêu Trai Chí Dị thì tôi càng mong được gặp vì ít ra đời mình cũng còn có được những ngày vàng son rực rỡ bên cạnh những con ma duyên dáng xinh đẹp hiện ra chăm sóc cho mình vài hôm như trong những truyện kinh dị đó, rồi sau đó có lên thiên đàng luôn cũng được.

Bệnh viện Hồng Bàng chuyên về bệnh lao phổi, nằm ở góc đại lộ Hồng Bàng và đường Triệu Ðà. Bệnh viện rất rộng có nhiều dãy trại bệnh, mái lợp ngói đỏ cũ kỹ, 1 hoặc 2 tầng âm u lạnh lẽo cất theo kiểu Tây từ hồi Pháp còn cai trị ở VN, chỉ có 1 khu ở cuối bệnh viện mới cất sau này là rất khang trang, trang bị đầy đủ tiện nghi cho cả 4 tầng lầu sạch sẽ, lầu 2 dành cho sinh viên của các trường đại học ở Sài Gòn đến chữa bệnh, có cái cầu thang rộng rãi ngăn đôi, bên phải là khu sinh viên nam, bên trái là khu sinh viên nữ.

Trong bệnh viện có những lối đi bộ quanh co ngoằn ngoèo, nối từ trại bệnh này sang trại bệnh khác, bề ngang độ hơn 2 thước, nơi thì tráng nhựa, nơi thì trải đá mịn, nhưng tất cả đều loang lở vì không được tu bổ lâu ngày.

Hai bên những con đường nho nhỏ quanh co này là những cây còng to lớn, có cây lớn đến đổi 2 người ôm không hết, cành lá xum xê, dày đặc, che kín lối đi, ngay cả ban ngày mà cũng đã thấy rờn rợn, lạnh lẽo, âm u.

Ðây đó có những lùm bụi cao độ 1, 2 thước chen chúc nhau đủ thứ lá to lá nhỏ, lá dài lá ngắn, xanh đậm xanh lợt mọc vô trật tự… như cố tình che dấu các khu trại bệnh với tường quét vôi vàng ẩn hiện ở xa xa.

Xung quanh bệnh viện là hàng rào làm bằng những cây song sắt đen xì cao khoảng 2 thước, trên có mũi nhọn như mũi tên, chỗ còn sơn, chỗ đã rỉ sét.

Phía hàng rào ở bên đường Triệu Ðà có một cái miễu nho nhỏ xây bằng gạch đỏ, ngói xanh, dựa lưng vào bệnh viện, lư hương bên trong đó có cắm rất nhiều chân nhang đỏ còn mới, và một nải chuối xanh, một cái bình trà bằng đất nâu đen và vài cái chung nho nhỏ, trông như có vẻ được cúng kiếng thường xuyên.

Người ta nói bệnh nhân trong bệnh viện này tự tử nhiều lắm, vì các hồn ma phải kiếm người khác thay thế mới đi đầu thai sang kiếp khác được, nên họ phải thờ cúng để khỏi bị các oan hồn này quấy nhiễu.

Riêng tôi thì nghĩ là những bệnh nhân bị lao phổi tinh thần họ rất sáng suốt, nhưng biết rằng bệnh của mình (hồi đó) chữa hoài không hết, nhà cửa túng thiếu, tiền bạc không còn, mọi người xa lánh, nên phần lớn chán nản mà tìm đến cái chết để phủi sạch nợ đời.

Ðêm đó tôi trực có một mình, phải đi tới đi lui từ trại bệnh này sang trại bệnh khác dưới những hàng cây âm u lạnh lẽo đó. Lúc thường thì tôi buồn ngủ sớm lắm, nhưng tối đó tôi tỉnh táo vô cùng, vì hồi chiều trước khi vào trực tôi chiều thằng Tâm, bạn học chung lớp, để đi đến quán cà phê Thúy Vân ở đầu ngõ, có cô hàng cà phê xinh xắn mà nó mê lắm, nhưng không dám đi một mình.

Quán này chỉ có bán cà phê phin thôi, nên tôi đành phải uống một ly cà phê đắng, cắn răng nghe hết mấy bản nhạc tình buồn, thêm vào đó nhìn cái mặt u sầu, thất tình của nó, tôi càng thấy chán đời, bày đặt yêu đương làm chi cho khổ tấm thân.

Phần tôi, tôi biết chắc chắn là ly cà phê này sẽ làm cho tôi không ngủ được đêm nay, nhưng không sao, bề nào tôi cũng phải thức trực mà, điều tôi không ngờ là ly cà phê đắng này lại làm tôi tỉnh táo và sáng suốt vô cùng, cho nên chuyện tôi gặp ma không phải là chuyện mơ ngủ đâu.

Lúc đó là khoảng 12 giờ khuya, tôi được gọi sang một trại bệnh thật xa, ở cuối nhà thương, để ký giấy khai tử cho một ông già khoảng gần 60 tuổi.

Ông này bị lao phổi rất nặng, lâu ngày ăn uống không được, thân thể gầy gò, khô héo còn da bọc xương, hai ngày trước đây căn bệnh đã ăn lan vào các mạch máu trong cuống phổi, nên ông ho ra máu nhiều, do đó người nhà chở từ Bến Lức lên để vào nhập viện, ai cũng biết là ông không sống được lâu.

Nhưng đêm nay, lựa đúng cái đêm tôi trực thì ông chết, chết đúng nửa đêm, làm tôi phải đi lang thang giữa trời khuya lạnh lẽo đến cái trại bệnh xa xăm của ông để khám nghiệm, sau khi chắc chắn là tim phổi và hệ thần kinh não bộ đều đã ngưng làm việc thì mới dám ký tên vào tờ giấy khai tử để bác y công đẩy cái xác không hồn này xuống phòng lạnh, chờ đến mai thông báo người nhà đến lãnh xác về chôn.

Thế là vào giữa đêm khuya khoắt thiêng liêng và lạnh lẽo này, tôi vừa mới tiễn thêm một người sang bên kia thế giới. Cái nghề thầy thuốc này lúc nào cũng đứng cheo leo ở giữa 2 thế giới: bên nay bờ là sự sống, bên kia bờ là cõi chết.

Có người mới thấy đó mà đã vội vã đi sang bên kia, không kịp vẫy tay chào hay nói một lời vĩnh biệt.
Có người sắp chết, sắp tới bờ bên kia thì mình giành giựt kéo lại thoát tay tử thần để trở về thế giới bên này, giữa cái chết và sự sống hình như có một sự ràng buộc nối tiếp nào đó, chớ không có đơn giản như người ta thường nghĩ.

Những ý nghĩ về sống chết, về thế giới bên này, thế giới bên kia, cứ lẩn quẩn trong đầu óc tôi, bước chân tôi thì cứ thẫn thờ đi dọc theo những con đường mòn rờn rợn, âm u, quanh co trở về phòng trực.

Ðêm nay trời Sài Gòn lành lạnh, thỉnh thoảng một cơn gió thốc thổi ùa qua khua động cành lá xum xuê của những cây còng ngạo nghễ to lớn, vang lên những tiếng kêu xào xạc thì thầm, như những tiếng gọi ma quái trêu ghẹo những người nhát gan trong đêm đen.

Cách khoảng xa xa chừng mỗi 20 thước là một bóng đèn điện tròn mù mờ treo lủng lẳng dọc theo các lối đi không đủ soi sáng bước chân lần mò trên sỏi đá.

Nhưng những con đường này tôi đã quen rồi, quen cả những tiếng rên siết vặn mình của những hòn sỏi nhỏ dưới gót giày đen; trong đêm tối hình như chúng gào thét lớn hơn có khi như nguyền rủa, có khi tạo ra những tiếng cười rờn rợn như những âm binh từ cõi vô hình để nhát những người yếu bóng vía.

Trên trời cao giữa những vì sao đêm thưa thớt, buồn bã là một vầng trăng lưỡi liềm già nua không làm sáng thêm một chút nào cái bóng tối dày đặc trong bệnh viện.

Trời đêm nay ít sao, ánh sáng yếu ớt, lấp lánh như những ánh ma trơi len lỏi giữa những cành lá rậm rạp, đen sì, không ngừng run rẩy theo những cơn gió thốc chợt đến, chợt đi.

Khi tôi sắp sửa quẹo trái để trở về phòng trực, thì chợt thấy dưới ánh đèn mù mù xa xa bên tay phải có một bóng trắng ngồi trên băng đá dọc theo con đường nhỏ trước ngõ vào khu trại bệnh của sinh viên.

Tôi đứng lại nhìn, nhưng xa quá nên không thể nào nhận ra bóng trắng trên băng đá là ai? Một chị y tá hay là bác y công chứ gì!

Nhưng lúc tôi ký giấy khai tử xong thì bác y công còn ở trong trại bệnh mà, đâu có ra đây trước tôi được, có lẽ một chị y tá nào ra ngồi hóng gió mát cho khỏe mà thôi.
Tôi cất bước tiếp tục trở về phòng, mới đi có vài bước hình như tôi nghe có tiếng khóc thút thít hòa lẫn trong tiếng sỏi đá rên rỉ dưới chân tôi, tôi vội ngừng lại để lắng nghe, tiếng khóc khi đó nghe rõ hơn, đó là tiếng khóc của một người con gái, tiếng khóc chỉ nhẹ thôi, nhưng nghe thật rõ như ai đang khóc vào tai tôi, tiếng khóc nghe thật buồn, thật đau thương làm tôi thấy nhoi nhói trong tận đáy lòng.

Tôi đứng ngẩn ngơ tại chỗ phân vân không biết phải làm gì, không biết mình có giúp được gì cho người ta không, dĩ nhiên nếu người ta cần gì thì mình sẵn sàng giúp đỡ hết lòng, nhưng tôi cũng ngại lắm vì tánh tôi hồi đó nhát làm quen với mấy cô gái, nhất là gặp một cô lạ hoắc vào giữa đêm khuya khoắt như thế này thì chẳng biết phải ăn nói làm sao, nên tự bảo rằng đó là chuyện riêng tư của người ta, mình xía vô làm chi. Tôi lại tiếp tục cất bước chầm chậm ra đi.

Nhưng tiếng khóc thúc thít đó, một lần nữa dù rất nhỏ nhưng vẫn nghe thật rõ bên tai tôi, hình như nó cố tình bay theo để rót vào trong tai những lời nỉ non ai oán, thê lương từ một cõi u minh xa thẳm vọng về làm hai chân tôi không thể nào tiếp tục bước đi nổi, bước chân tôi bổng chợt chậm lại, chậm lại rồi ngừng hẳn, bóng trắng kia giờ đã khuất sau lùm cây rậm rạp nhưng tiếng khóc nỉ non vẫn tiếp tục tràn ngập đổ đầy tai tôi, lòng tôi chùn lại xót xa, tim tôi đau nhói từng hồi.

Khi đó gió từ đâu bỗng thổi tới ào ạt, liên tục, ầm ầm trên đầu tôi làm cho những chiếc lá nho nhỏ trên mấy cây còng già rơi rụng lả tả như mưa, cành lá nghiêng ngả xì xào vặn mình rên siết kẽo kẹt như trong cơn bão táp, nhưng tất cả những thứ ấy vẫn không át được tiếng người con gái khóc thút thít trong tai tôi.

Mảnh trăng lưỡi liềm yếu ớt trên trời cao bỗng dưng núp sau đám mây đen làm cho cả bầu trời tối sầm lại, bóng đèn điện mù mờ lạc lõng trong bệnh viện lắc lư theo từng cơn gió thổi khiến nó vốn đã lờ mờ lại càng mờ ảo thêm. Bầu trời như sụp xuống thấp hơn, không gian tối đen quanh tôi như càng đậm đặc thêm.

Tôi thấy như có làn gió lạnh lùa vào trong chiếc áo choàng trắng đang mặc, rồi len lỏi thấm vào trong cột xương sống làm tôi rùng mình chợt cảm thấy lạnh lẽo vô biên, y như những truyện ma quỷ nhập vào người mà tôi đã đọc hồi còn nhỏ.

Nhưng cho đến lúc đó thì tôi vẫn tin chắc rằng trên cõi đời này không thể nào có ma được, cho nên tôi rất là bình tĩnh, không để ý đến những gì xảy ra chung quanh mà chỉ tập trung ý nghĩ về người con gái cô đơn, bất hạnh đang ôm nỗi buồn đau, thút thít khóc giữa trời giông gió khuya khoắt trong bệnh viện này.

Sau một phút phân vân, tôi rảo bước quay trở lại xem sao, thử tìm hiểu xem coi mình có thể giúp được gì không?

Khi tôi đến gần bóng trắng thì tự nhiên trời quang mây tạnh, vầng trăng lưỡi liềm lại nhô ra khỏi đám mây, sáng hơn khi nãy, xung quanh là muôn ngàn vì sao lấp lánh chớp tắt mừng vui giữa trời khuya, gió cũng ngừng thổi, tôi chợt ngửi thấy mùi hoa lài thoang thoảng đâu đây làm tôi rất ngạc nhiên, vì tôi biết chắc là trong nhà thương này không có trồng cây nào có bông cả, nhất là bông thơm như hoa lài, vì thường thì bệnh nhân hay thân nhân sẽ hái hết, cây cối sẽ trụi lủi, nên họ chỉ trồng cây không hoa, không trái mà thôi.

Mùi hoa lài thì rất thân thuộc với tôi, có thể nói đó là mùi hoa duy nhất mà tôi thích, rất thân thuộc đến đỗi tôi có thể ngửi thấy mùi hoa này từ rất xa.

Lý do là vì hồi còn nhỏ trước nhà tôi có miếng vườn con con, má tôi đã trồng một cây hoa lài trong đó, tôi thường bắc ghế ngồi trong vườn đọc tiểu thuyết tình cảm, vô tình mùi hương thơm tinh khiết, ngọt ngào và nhẹ nhàng của loài hoa trắng ngây thơ này đã ngấm vào khứu giác tôi, hòa vào thân thể tôi, trở thành một với tôi và là hương thơm duy nhất trong đời mà tôi thích ngửi, nên khi lớn lên tôi không thích mùi nước hoa nào khác cả, mà tiếc thay mùi hoa lài thì chẳng thấy có tiệm mỹ phẩm nào bán.

Khi đến gần bóng trắng, mùi hoa lài êm dịu càng đậm đà hơn làm tôi cảm thấy khoan khoái, trong người lâng lâng, ngây ngất, dễ chịu vô cùng, tôi quên hết mọi cực khổ trong ngày, chợt thấy rất có cảm tình với người con gái này và bỗng dưng tôi cũng cảm thấy rất gần gũi với nàng y như là tôi đã quen với cô gái này từ lâu lắm rồi.

Tiếng khóc nức nỡ khi đó chợt nhỏ lại có lẽ bóng trắng biết là có người đến gần.
Bóng đèn điện bên đường đã ngừng lung lay cho tôi thấy rõ bóng trắng đang ngồi trên băng đá là một người con gái gầy gầy, nho nhỏ, mái tóc đen dài óng mượt không uốn, xỏa xuống đến giữa lưng, đầu nàng hơi cúi nghiêng nghiêng về phía trước, làm cả một hàng tóc rũ thẳng xuống như một bức rèm thưa đen, che mập mờ nửa khuôn mặt trái soan.

Nàng đang mặc chiếc áo bà ba trắng và chiếc quần lụa trắng mềm mại. Nhìn cách ăn mặc tôi biết nàng không phải là y tá hay nhân viên của bệnh viện, có lẽ là bệnh nhân mới nhập viện hay thân nhân có chuyện buồn nên ra đây ngồi than khóc một mình.

Khi tôi đến thật gần, mùi hoa lài càng thơm tho làm tôi thấy lòng mình thật là an tĩnh, tôi nhẹ nhàng hỏi:
– Xin lỗi… có gì làm cho… chị không vui, phải không?

Nàng từ từ ngẩng đầu lên thật chậm, nhìn tôi, tôi thấy mặt đất chung quanh tôi hơi rúng động, tôi đứng không vững lắm, vì trước mặt tôi là một người con gái đẹp tuyệt vời, tuổi chừng hai mươi, đôi mắt nàng thật buồn, màu đen huyền lóng lánh như đang chứa đựng cả ngàn vì sao lạc lõng lấp lánh trên trời cao, hai hàng lông mi dài đen, cong vút, rất ít khi thấy ở những cô gái Việt Nam.

Da mặt nàng trắng mịn màng, tôi chưa từng thấy ai không đánh phấn mà trắng như vậy bao giờ, nhưng đôi môi thì hơi nhạt màu như người thiếu máu, có lẽ nàng đang bị lao phổi nên phải vào đây chữa trị chăng?

Những sợi tóc rối vương vấn trên vầng trán cao, một vài sợi dính vào bên má hình như còn thấm nước mắt của nàng, có lẽ nàng đã ngồi đây khóc lâu lắm rồi.

Nàng chỉ nhìn tôi một chút rồi lại cúi xuống thút thít khóc, khi nãy tiếng khóc làm tôi xót xa một thì bây giờ tiếng khóc làm tôi đau đớn gấp mười lần, nhìn đôi vai gầy nho nhỏ run run dưới làn lụa trắng, mà ruột gan tôi như bị xé rách tơi bời.

Tôi buồn quá, đứng lặng yên không biết nói gì, không gian quanh tôi tưởng chừng như bị đông thành băng giá, lạnh lẽo cứng ngắc tự ngàn năm như những tảng băng ở hai cực địa cầu, chừng một lúc lâu cố moi trong đầu óc ra những câu văn trong các cuốn tiểu thuyết tình cảm mà tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tôi mới mở miệng nói được một câu:
– Thưa cô, tôi có thể làm gì được cho cô không?
Cô chỉ lắc đầu nhè nhẹ để những sợi tóc dài phất phơ nghiêng ngả, mà không nói gì.

Thấy người ta đau khổ quá thì tôi chợt nổi máu anh hùng lên để giúp đời, nên tôi trở nên dạn dĩ hẳn ra, đầu óc sáng suốt trở lại, tôi khuyên lơn nàng:
– Cô về gường nằm nghỉ đi, đừng ở ngoài này lâu, sương khuya lạnh lắm, coi chừng bị bệnh khổ lắm đó.
Khi đó nàng mới nói, giọng của nàng thật êm, thật nhẹ nhưng rất buồn:
– Em đâu có giường mà đi nằm nghỉ. Em có còn gì nữa đâu. Anh Bình ơi, em đã chết rồi.

Khi đó tôi choáng váng muốn ngộp thở, thấy cả người lao đao, đứng không vững. Không phải vì sợ nàng nhát ma tôi, cho đến giờ phút đó thì đối với tôi thế gian này vẫn không thể nào có chuyện ma quỷ được, tôi còn cười thầm trong bụng vì cô này nhè tôi mà làm bộ nhát ma thì quả thật đã chọn lầm người, tôi không nhát ma cô là may phước lắm rồi.

Tôi choáng váng là vì không biết tại sao giữa đêm khuya khoắt lại có một người con gái đẹp như tiên nga giáng thế này, tự dưng lại biết tên mình.

Tôi bỏ qua chuyện ma quỷ lẩm cẩm, vội vàng hỏi tên của cô là gì, làm sao cô lại biết tên tôi?
– Em tên là Lài, Trương Thị Lài, đang học đại học Văn Khoa năm thứ nhất thì bị bệnh, nên nằm trong khu nữ sinh viên cả tháng nay để chữa bệnh. Thấy anh thường vào thăm anh Trung, bạn của anh, nằm bên khu nam sinh viên mà anh Trung hay qua đàn cho tụi em hát nên quen, anh Trung nói anh hiền lắm nên tụi em để ý mà biết tên anh.
– Ðừng có tin ảnh, anh dữ như… cọp chớ hiền gì.
Nè, mà tại sao em khóc? Sao khuya khoắt rồi mà lại ra đây có một mình, không sợ ma sao? Trời lạnh như vầy mà không mặc áo ấm, lỡ bị bịnh thì sao. Em ngồi ở đây từ hồi nào? Có đói bụng hông, anh mang bánh ra cho ăn. Bệnh viện này có ma nhiều lắm đó nghen, muốn anh kể vài chuyện cho nghe hông. Cho anh ngồi xuống được không, suốt đêm nay, đứng với đi không mỏi chân quá rồi, mà em đem hoa lài vô đây làm chi vậy? Anh thích hoa lài lắm, mùi thơm dễ chịu lắm em biết hông.

Lài cười khúc khích:
– Anh hỏi gì mà nhiều dữ vậy, làm sao em trả lời, vậy chớ đố anh biết làm sao em khóc.
– Con gái thì cái gì cũng khóc được, làm sao anh biết mà trả lời.
– Vậy chớ con trai mấy anh khóc ít lắm hả?
– Dễ ợt, chỉ có 3 thứ làm con trai khóc thôi. Thứ nhất là thi rớt, thứ nhì là mất xe, thứ ba là mất bồ.
Lài chợt cười lớn thành tiếng, tiếng cười của nàng trong trẻo kéo dài như pha lê, làm tôi thấy mừng không tả, chỉ mong nàng đừng trở về trại bệnh nghỉ ngơi theo lời khuyên dại dột của tôi khi nãy, mà tiếp tục ngồi đây nói chuyện với tôi lâu thêm một chút nữa.
Lài cười hỏi:
– Tại sao mất bồ lại nằm hạng chót?
– Mất bồ thì có thể kiếm đứa khác, mất xe thì hết hy vọng có tiền mua chiếc nữa, thi rớt thì phải đi lính không biết ngày nào trở về, mà biết có còn sống không mà quay về, cho nên mất bồ chỉ được xếp hạng ba.
Còn em tại sao mà khóc?
– Em tủi thân, vì em đã chết rồi.
– Em đừng có nói bậy, mặt mũi đẹp đẽ như vầy thì chết làm sao được.
– Em biết là nói ra anh hổng có tin, em chết đã 3 hôm rồi, nhưng vì chưa đúng hạn kỳ nên hồn em vẫn còn vất vưởng lẩn quẩn quanh đây. Vả lại em cũng muốn gặp anh, để trả chút ơn anh chăm sóc em khi xưa.

Ðến đây tôi vẫn nghĩ là Lài cố tình đùa dai nhát ma tôi, cũng như tôi đã từng đùa dai nhát ma người khác, tôi bèn chọc lại:
– Thì anh cũng là ma đây, vì anh vừa mới chết… ở trong lòng một ít. (1)
Lài cười thút thít:
– Vậy mà anh Trung cứ nói là anh hiền lắm.
– Hiền hay dữ thì tùy người đối diện.
Lài lại khuyên tôi:
– Anh về phòng nghỉ đi, đừng có ngồi ở đây, sương khuya lạnh lắm.
– Bộ em không lạnh hả?
– Lạnh lắm chớ.

Tôi cầm lấy bàn tay Lài, bàn tay rất là mềm mại nhưng rất lạnh, y như bàn tay của những xác chết trong phòng lạnh mà tôi đã có dịp mân mê trong những giờ học khám nghiệm tử thi, nhưng tôi nghĩ là tại Lài ngồi quá lâu trong đêm khuya nên bị lạnh.

Tôi vội vàng cởi chiếc áo choàng trắng của bệnh viện đang mặc choàng quanh lưng, trùm kín lấy 2 vai nàng, nàng đưa hai bàn tay lên luồn vào mái tóc mềm mại óng ả, lùa cả suối tóc đen ra bên ngoài chiếc áo choàng trắng.
Lúc này mắt tôi đã quen với ánh sáng mờ ảo, nhìn kỹ tôi mới thấy Lài đẹp vô cùng, đẹp não nùng như những nàng tiên buồn trên thượng giới bị đày đọa xuống trần gian:
– Trời ơi, sao em để lạnh như vậy, ngồi ngoài trời lạnh như vầy mà không mặc áo lạnh lỡ bị bệnh thì sao, mặc đỡ cái áo choàng này đi, tay em lạnh lắm đó, hay là trở về trại bệnh đi.
Lài nói thật chậm rãi, tiếng nàng thật trầm, thật áo não như từ một cỏi âm ty xa thẳm vọng về:
– Em đã nói em chết thật rồi mà anh hổng chịu tin, em đâu có còn giường nữa đâu mà vô trại nằm. Hồi nãy anh hỏi em đem hoa lài vô đây làm chi vậy?
Em đâu có đem hoa lài vô đây làm gì, chẳng qua là vì tiền kiếp em vốn là đóa hoa lài, nên sau khi em chết rồi thì em trở về với kiếp trước nên em có mùi thơm của hoa lài.
Phần lớn tên gọi hay những sự việc xảy ra chung quanh không phải là ngẫu nhiên đâu, mà việc gì cũng có vô số cơ duyên hợp lại mà thành, những người đang còn sống như anh vì không có sự hiểu biết sâu sắc hay không có cơ hội tập trung thiền định để nhìn thật sâu thật kỹ những cơ duyên này cho nên cứ tưởng mọi việc tự nhiên mà có. Giống như em nè đâu phải tự dưng ba má em đặt tên cho em là Lài.

– Em phải để cho anh xét túi nếu không có hoa lài trong túi, mà em thơm thật thì anh mới tin.
– Anh cứ xét đi.
Quả thật là chẳng có gì trong túi nàng, mà cái mùi thơm hoa lài nhẹ nhàng y như cứ từ trong tóc tay, da thịt, hơi thở nàng tỏa ra.

Ðến lúc đó thì tôi tin nàng là ma thật.
Nhưng rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ chết, sẽ là ma như nàng, mà ngồi bên cạnh một con ma xinh đẹp như vậy trong đêm thanh vắng với mùi hoa lài thơm tho nhẹ nhàng dễ chịu mà tôi ưa thích từ hồi còn nhỏ như vầy thì đâu có gì đáng sợ.
Nên tôi cứ tiếp tục ngồi đó nói đủ thứ chuyện với Lài.

Nàng cho biết là tôi với nàng đã có duyên với nhau trong nhiều kiếp trước, nên đêm nay nàng mới hiện ra để gặp lại tôi. Nàng chính là đóa hoa lài trong vườn nhỏ của nhà tôi khi xưa, mà mỗi chiều tôi thường đến ngồi bên nàng, thường nâng niu và hôn nhẹ lên cánh hoa.

Lài biết tôi thích mùi thơm của nàng, nên thường khép cánh cố giữ mùi hương lại chờ đến chiều tôi về nàng mới để cho cánh hoa hé mở tỏa hương thơm ngan ngát.

Còn tôi, khi xưa thì rất yêu hoa lài, nên lúc nào cũng nhẹ nhàng cẩn thận chăm sóc tưới nước, bón phân.
Lài nói, nàng cảm kích nghĩa cử đó, nên giờ muốn gặp lại để ngỏ lời cám ơn cái duyên hội ngộ khi trước.

Khi xưa, ngồi bên nhau, dù không nói một câu gì, nhưng chúng tôi đã rất thân với nhau, đã chăm sóc và thương yêu nhau bằng một tình yêu rất nhẹ nhàng và thanh khiết.
Ðêm nay, chúng tôi ngồi kề bên nhau, kẻ âm người dương, tuy thuộc về hai thế giới rất xa xôi, nhưng không những thân xác thật gần gũi như dính chặt vào nhau, mà hai tâm hồn như đã quấn quít lấy nhau từ kiếp nào rồi, chúng tôi rất quý trọng nhau, cùng kể cho nhau nghe những buồn vui đã xảy ra trong cuộc đời, chúng tôi hợp với nhau lắm, nên suốt đêm đó nói không bao giờ dứt.

Tuy nhiên miệng tôi khi đó đắng chát, ruột gan tôi thì tan nát tơi bời vì tôi biết rằng người con gái dịu hiền xinh đẹp vừa mới gặp mà tôi thấy lòng như đã thương yêu từ bao kiếp trước này chỉ là một hồn ma và chỉ trong chốc lát nữa đây, chúng tôi sẽ xa nhau nghìn trùng, biền biệt ở hai thế giới khác, không biết bao giờ mới gặp lại nhau.

Biết tôi đang buồn, Lài mới từ từ giải thích rằng thật sự chúng tôi đã có duyên với nhau từ nhiều kiếp trước. Chúng tôi đã từng là đôi chim tung tăng suốt ngày bay lượn giữa trời cao; chúng tôi đã từng là đôi bướm lững lờ, chập chờn đuổi bắt nhau giữa rừng sâu; tôi đã từng là bóng cây đứng bên bờ suối che mát cho Lài, còn nàng là dòng suối ngọt ngào suốt ngày róc rách ca hát cho tôi nghe.

Chúng tôi đã từng gặp nhau và đã xa nhau trong nhiều kiếp nhưng vì tình cảm quá đậm đà nên chúng tôi cứ còn trở lại để gần nhau. Nhưng dù trong những lúc xa nhau chúng tôi vẫn mang theo hoài hình ảnh của người kia ở trong lòng.

Lài lấy thí dụ: tôi cũng như một tảng mây trắng lơ lững bay giữa trời xanh, còn Lài như là một dòng sông êm đềm chảy nhẹ nhàng qua bao đồng lúa, qua bao cánh rừng, dù đứng ở đâu ta cũng thấy dưới lòng sông lúc nào cũng ôm ấp chứa đựng hình ảnh của đám mây, còn mây có bay đi đến tận nơi nào thì cũng đều mang theo những giọt nước mát mẻ ngọt ngào của dòng sông.

Ðứng ở ngoài cứ tưởng dòng sông và mây trắng là hai thực thể cách biệt muôn trùng, nhưng thật ra chúng tôi đang có mặt trong nhau từng phút giây, rồi thì mây cũng sẽ trở về với dòng sông một ngày nào đó. Lài khuyên tôi đừng buồn, hãy rán giữ gìn sức khỏe, ở một kiếp lai sinh nào đó thì chúng tôi sẽ lại gặp nhau.

Ðêm đã gần tàn, tôi biết giờ chia ly cũng sắp đến, tôi cũng vừa nếm được ý nghĩa đớn đau đã nằm sẵn trong câu ngàn thu vĩnh biệt; rồi đây trong cõi đời mù mịt còn lại tôi vẫn phải tiếp tục lê những bước chân độc hành lang thang trên những con đường vắng mà nghe tiếng sỏi đá rên siết vặn mình dưới gót giày cô đơn trong đêm tối, như tôi đã bước đi trên những con đường lạnh lẽo trong đêm qua ở bệnh viện này.

Tuy nỗi buồn đang làm tan nát cả ruột gan, nhưng tôi cố gắng không biểu lộ ra ngoài, vậy mà Lài cũng hiểu, nàng khuyên tôi đừng buồn, hãy coi đây như là một chuyến đi xa, rồi mai kia mình sẽ quay về, sẽ còn gặp lại.

Trước khi từ biệt, Lài tặng tôi một bài thơ ngắn, tiếng nàng thật nhỏ, thật trầm, hình như nàng cũng buồn không kém gì tôi.

Tôi học ban toán và khoa học từ nhỏ nên rất dốt về thơ, vậy mà bài này nghe nàng đọc có một lần thôi tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.

Vẫn biết đây là cõi vô thường
Nhưng tình yêu ai cứ vấn vương
Mai mốt luân hồi em trở lại
Ngàn năm anh hỡi vẫn còn thương

Trước khi chia tay Lài cám ơn tôi đã làm cho nàng bớt buồn, tôi cám ơn Lài đã dành cho tôi một đêm thật đẹp, cho tôi ngửi lại mùi hoa thơm tho nhẹ nhàng mà tôi đã yêu thích từ hồi còn nhỏ, tôi nguyện sẽ mang những kỷ niệm này theo mãi đến cuối đời.
Tôi mong sẽ sớm gặp lại nàng trong một kiếp lai sinh.

Lài nói nàng thương má lắm và mang cái áo len mỏng màu đỏ xếp gọn gàng để bên cạnh nãy giờ nhưng tôi không nhìn thấy, trao cho tôi và nhờ tôi mang đến nhà cho má nàng, căn dặn má nàng phải mặc cho ấm trong những ngày trời lạnh…

– Ông thầy! ông thầy! ông thầy!!!

Tôi nghe như có tiếng ai gọi bên tai, mở mắt dậy thì trời đã hừng sáng, tôi thấy lạnh lắm, nhìn lên thì thấy chị y tá Hương đang trố mắt kinh ngạc đứng đó nhìn mình trừng trừng, chiếc áo choàng trắng của tôi nằm vắt bên cạnh trên thành dựa lưng của chiếc ghế đá trước đường vào khu trại bệnh sinh viên mà tôi đang ngồi.

Tôi vội đứng dậy khoác áo choàng vào cho đỡ lạnh, mùi thơm hoa lài nhè nhẹ từ trong áo bay vào mũi khiến lòng tôi ngây ngất, tôi biết Lài còn quanh quẩn đâu đây.
– Chị Hương, gọi có gì hông?
– Chèn ơi, đi kiếm ông thầy suốt đêm hông thấy, ông thầy ngồi đây lâu chưa? Em đi ngang qua đây hai ba lần sao hổng thấy.
– Bộ trong trại có bệnh nặng hả chị Hương?
– Hổng phải. Tại tụi em nấu 1 nồi chè đậu xanh ở ngoài phòng trực, tính mời ông thầy ăn chung cho vui, đi kiếm hết mọi chỗ mà hông thấy, bây giờ chắc là chè nguội hết rồi, ông thầy đi đâu vậy.
Bác Bảy y công nói ông thầy ký giấy khai tử hồi khuya xong là biến mất, hỏi chú Tư gác cổng thì cũng hổng thấy ông thầy ra khỏi bệnh viện, vào phòng trực của ông thầy thì cũng vắng ngắt, mấy chị em chia nhau đi kiếm ông thầy khắp nơi cũng không gặp, ông thầy ở đâu vậy?

Tôi cũng ngẩn ngơ:
– Tôi ngồi ở băng đá này từ hồi khuya tới giờ mà có thấy ai đi qua đâu?
– Chèn ơi, chính em đi ngang qua đây 3 lần, hai lần trước thì đi chung với chị Hà tại em sợ ma hổng dám đi một mình, bây giờ hừng sáng rồi mới dám đi một mình, ông thầy ngồi đây thiệt hả, chắc là tụi em phải đeo kiếng cận thị quá.

Tôi theo chị Hương về phòng trực, mặt mày ngơ ngác, đầu óc còn đang quay cuồng với muôn ngàn câu hỏi về hai nẻo âm dương, về một tình yêu thanh khiết đầu tiên trong đời, với một người con gái đẹp tuyệt vời… nhưng chỉ đến và đi nhanh hơn một giấc mơ, không thể nào giải thích được.

Từ lâu tôi đã cố luyện cho mình thành một người cứng cỏi, một trái tim sắt đá không thể bị xao động bởi những chuyện yêu đương vớ vẩn để lúc nào cũng vững bước hiên ngang đi vào cuộc đời như những vị anh hùng dũng cảm xa xưa, nên lòng tôi lúc nào cũng dửng dưng trước những quyến rũ của sắc đẹp.

Ðôi khi tôi còn chê trách những thằng bạn mặt mày ủ rũ thất tình, hoặc cười chọc phá những đứa mê mệt với tình yêu quên cả giờ tập họp nên thường hay bị bỏ tù lúc còn ở quân trường, như BS Trương Chí Vân, BS Nguyễn Hữu Tường, …

Phần tôi thì tâm hồn luôn thanh thản, lúc nào cũng siêng năng rèn luyện thân thể, chăm chỉ hăng hái chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm của mình, nhưng lần này thì tôi bị ngã quỵ, trái tim sắt thép của tôi bị tan rã thành một vũng nước bèo nhèo như một tảng băng giá vừa được đưa ra dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời.

Trái tim tôi đang thổn thức theo từng nhịp đập của yêu thương, lòng tôi thì nức nở mang theo một nỗi buồn áo não, tiếc thương cho một người con gái dịu hiền đẹp tuyệt trần có mùi thơm hoa lài phảng phất đã sớm về âm thế…

Tôi vừa mới bước vào phòng trực, thì mọi người lập tức yên lặng, mọi cặp mắt đều chiếu thẳng vào tôi như những cặp đèn pha sáng rực của xe hơi trong đêm tối, họ muốn biết chuyện gì đã xảy ra suốt đêm qua trên gương mặt thất thần của tôi.

Tôi chẳng nói một lời nào, lập tức ngồi xuống bàn, với tay kéo chén chè đậu xanh duy nhất còn lại ở giữa bàn, không cần phải xã giao lịch sự gì cả, bởi vì tôi thấy đói bụng khủng khiếp, phần thì lạnh quá xá, chén chè cũng đã nguội ngắt, nhưng tôi ăn một mạch sạch trơn rất là ngon lành.

Một vài tia nắng sớm yếu ớt lấp ló ngoài khung cửa sổ, có tiếng chim hót nho nhỏ xa xa trên cành cây cao báo hiệu bình minh sắp đến, tôi định thần từ từ nhìn hết mọi người, bốn cô y tá đứng cạnh nhau, đầu tóc quần áo đã sửa soạn tươm tất, chờ chút nữa giao ban xong là về nhà nghỉ ngơi, nhưng trong giờ phút này đây ai nấy cũng đang hồi hộp đợi chờ, muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi suốt đêm qua.

Chị Liễu, y tá trưởng lo lắng ấp úng hỏi:
– Ðêm qua có chuyện gì vậy ông thầy?
Tôi chưa vội trả lời, từ từ đứng dậy uể oải bước đến cái tủ lạnh lớn trong góc phòng, mở cửa đổ đầy một ly nước lạnh, uống xong một hớp lớn, tôi chậm rãi kể hết những chuyện xảy ra hồi hôm, ai nấy cũng trợn trừng mắt, há hốc mồm kinh ngạc, chị Liễu nói:

– Tội nghiệp cho cô Lài lắm, lúc vào đây cổ khóc hoài.
– Phải cô Lài ở khu nữ sinh viên không?
– Ðúng rồi, cổ chết đã 3 hôm rồi. Cổ đẹp lắm, đẹp nhất trong trại đó, nhiều cậu sinh viên trong này mê cổ lắm, mà hình như cổ hổng có để ý đến ai cả. Ông thầy trước đây có… quen với cổ không?

– Không, lần đầu tiên tôi mới gặp cổ đó.
– Vậy thì ông thầy có số đào hoa lắm đó.
– Ðào hoa cái con khỉ gì! Từ trước tới giờ lúc nào cũng lủi thủi một mình, đến chừng mới quen được một người thì người ta chết đã 3 bữa rồi…
Mắt tôi bỗng dừng lại khi thấy chiếc áo len đỏ xếp ngay ngắn trên một cái kệ kê sát bên tường, tôi bước vội đến cầm lên xem.
Ðúng rồi, chiếc áo len đỏ mà Lài đã nhờ tôi mang về cho má.

Tôi hỏi:
– Áo này của ai đây?
Chị Liễu nói không biết áo của ai để đó đã 3 hôm rồi.

Tôi mới giải thích đó là áo của Lài nhờ tôi gởi về cho má, thì ai nấy cũng lắc đầu lè lưỡi.
Tôi lật vội cuốn sổ bệnh để trên bàn trực, dò lấy tên Trương Thị Lài, đây rồi, địa chỉ nhà số… đường Trương Minh Giảng, Quận Tân Bình.

Tôi chép vào miếng giấy nhỏ, cẩn thận bỏ vào trong túi áo, xong rồi ôm chiếc áo len đỏ lững thững rời phòng trực bước ra ngoài mà nghe cõi lòng tan nát, bước chân đi như một thân xác không hồn, quên cả việc phải ở lại giao ban ngày hôm đó.

Bs Liêu Vĩnh Bình

 (1) Chú thích cho các bạn trẻ: ý dựa theo bài thơ Yêu của Xuân Diệu, hồi thời đó sinh viên học sinh ai cũng đều thuộc nằm lòng:

Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biế
t… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét