“Đưa sách Việt đến gần người Việt”Nhóm Chủ Trương:UYÊN THAOTRẦN PHONG VŨLÊ THỊ NHỊĐÀO TRƯỜNG PHÚCLINH VANGHOÀNG VI KHAHOÀNG SONG LIÊMNGUYỄN THU THỦYNGUYỄN MẠNH TRINHTRỊNH BÌNH AN Mục Lục. Thư Gửi Bạn. 9 Sách Nên Đọc:- Sisterhood of War (sách tiếng Anh – tự truyện – Kim Heikkila)- Confucius Never Said (sách tiếng Anh – tự truyện – Helen Raleigh)- Tử Tội (tự truyện – Chóe / Nguyễn Hải Chí)- Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội (hồi ký – Tân Tử Lăng)- Huyền Sử Việt – Thánh Gióng (truyện tranh – Hoàng Vi Kha)- Hải Chiến Hoàng Sa (sưu khảo – Ủy Ban Hoàng Sa)- Tiền Cổ Việt Nam (sưu khảo – Lục Đức Thuận & Võ Quốc Ky)- Truyện, Kiều: Tác Giả, Nhân Vật Và Luân Lý (biên khảo – Đặng Cao Ruyên)- Hoài Hương (tuyển tập Thơ – Đỗ Hữu Tài). 3 Sách Nên Biết:- Đại Vệ Chí Dị (tuyển tập truyện ngắn – Người Buôn Gió)- Những Mảnh Đời Trôi (tuyển tập truyện ngắn – Nguyễn Lê Hồng Hưng)- Không Phải Chỉ Là Truyện Con Cọp (tiểu thuyết – Cung Thị Lan). Bài Điểm Sách:- Thâm Tình (Tuyển tập Thơ – Lãm Thúy). Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại:- Nhà Xuất Bản Viet ToonThư Gửi BạnTIN SÁCH do Tủ Sách Tiếng Quê Hương & Book Club Nhà Việt Nam thực hiện nhằm giới thiệu các tác phẩm giá trị trong nước cũng như hải ngoại, kể cả các tác giả ngoại quốc. TIN SÁCH được phổ biến qua 3 hình thức: Giấy in, bản PDF và eBook.Rất mong được quý bạn đọc, quý tác giả và cơ sở xuất bản tham gia cùng TIN SÁCH bằng cách gởi tác phẩm cần giới thiệu và các chi tiết cần nêu về tác phẩm cũng như góp ý về công việc.Mọi giao dịch xin vui lòng email về:tiengquehuongbookclub@gmail.comhay gởi thơ về:Tủ Sách TIẾNG QUÊ HƯƠNGP.O. Box 4653 – Falls Church – VA 22044 – USA9 Sách Nên Đọc“Tin Sách không nói với bạn đọc về những cuốn sách đã có. Bạn đọc đã biết sách vẫn luôn có. Tin Sách nói với bạn đọc cuốn sách nào sẽ trở thành bạn của bạn đọc.”Tin Sách (2014) Sisterhood of War: Minnesota Women in VietnamTự truyện – Kim Heikkila“Sisterhood of War” gồm tự truyện của 15 trong số cả ngàn thiếu nữ Hoa Kỳ từng có mặt trong Chiến Tranh Việt Nam. Phần đông các nữ quân nhân này là những cô gái hiền hòa vùng nông thôn nước Mỹ, tham gia quân đội với mong muốn được phục vụ đất nước và học nghề y tá. Thế nhưng khi đến “Nam” họ đã phải chịu các áp lực và hiểm nguy không kém những nam quân nhân như thời tiết nóng ẩm nhiệt đới, phải làm việc dưới lằn bom đạn và có lúc không được nghỉ ngơi. Họ từng chứng kiến cảnh đau đớn tột cùng của những thân xác đứt lìa, hay ôm trong tay những chiến binh đang lịm dần vào cõi chết. Họ đứng giữa cuộc chém giết nhưng không được quyền mất bình tĩnh để có thể hoàn thành nhiệm vụ mang lại sự sống. Họ đã làm việc với tất cả khả năng và lương tâm.Thế nhưng khi trở về nhà, lại bị đối xử bằng thái độ ghẻ lạnh và thiếu thông cảm của chính những người chung quanh đến mức rất nhiều người không bao giờ nhắc đến trải nghiệm của họ tại Việt Nam. Và một số những “chị em của chiến cuộc” của tiểu bang Minnesota đã tìm đến với nhau, chữa lành vết thương cho nhau, và hơn thế, cùng tiến hành thực hiện một đài tưởng niệm các nữ quân nhân, đó là tượng đài “The Vietnam Women's Memorial”.Tiểu sử tác giả Kim HeikkilaLà cư dân thành phố St. Paul, tiểu bang Minnesota. Có bằng tiến sĩ về American Studies trường University of Minnesota năm 2002. Hiện là giáo sư Sử Học về chiến tranh, những năm 60, lịch sử Hoa Kỳ tại trường Đại Học St. Catherine University tại St. Paul.“The Vietnam Women's Memorial” và Diane Carlson Evans1Lt. Diane Carlson Evans - ANC RVN (Army Nurse Corps-Registered Veterinary Nurse), sinh năm 1946 tại Minneapolis, Minnesota. Năm 21 tuổi, Diane gia nhập quân đội và phục vụ một năm (1968-1969) ở Vũng Tàu. Gợi hứng từ tượng đài “Vietnam Veteran's Memorial” với hình ba nam quân nhân, Diane thành lập dự án xây dựng tượng đài “Vietnam Women's Memorial” để tưởng niệm 11.000 nữ quân nhân từng phục vụ tại Việt Nam. Mất hơn bảy năm với nhiều khó khăn, dự án mới được chấp thuận. Hơn 300 điêu khắc gia tham dự cuộc thi thiết kế tượng đài, và mẫu của Glenna Goodacre được chọn. Tháng 11/1993 tượng đài được khánh thành, nằm chung trong khuôn viên “The Vietnam Veterans Memorial” tại Thủ Đô Hoa Kỳ - Washington DC.Sisterhood of War: Minnesota Women in VietnamNXB Minnesota Historical Society Press - 232 trang – giá 15.80 USDMua sách tiếng Anh trên trang Amazon.comConfucius Never SaidTự truyện – Helen RaleighCâu chuyện bốn đời của một gia đình Trung Hoa. Bắt đầu từ người ông cố sinh tại tỉnh Sơn Đông, vùng đất phát xuất triết gia lỗi lạc: Khổng Phu Tử. Dù giàu có nhờ cả đời làm lụng cực nhọc, ông vẫn bị Đảng Cộng Sản đấu tố và chết trong nghèo đói. Tới đời ông nội, dù đã hiến tặng tài sản là chiếc thuyền đánh cá cho Đảng, ông vẫn bị đày xuống làm công nhân quét dọn. Tới người cha, trốn khỏi làng để tránh nạn đói, ông trở nên một người có học thức cao nhưng nhất định không chịu vào Đảng nên bị bắt vào trại tù cải tạo. Người con – tác giả, sinh ra tại Hoa Lục nhưng đến được Hoa Kỳ. Cuối cùng, đời thứ tư của đại gia đình, mới tìm được tự do và hạnh phúc nhưng không phải trên quê hương mình. Helen nhận định: “The history of China’s “land reform” was written in the tears and blood of landowners like my great-grandfather. But the 300 million poor Chinese farmers were victims too. They gave the Communist Party their popular support, hoping to improve their living standards by taking property away from landowners. Instead, they became stepping stones for the Party to abolish private property rights once and for all.”(Lịch sử cuộc “Cải Cách Ruộng Đất” của Trung Hoa đã được viết bằng máu và nước mắt của những địa chủ như ông cố tôi. Nhưng 300 triệu nông dân nghèo Trung Hoa cũng vẫn là nạn nhân. Họ đã ủng hộ nhiệt tình Đảng Cộng Sản, hy vọng cải thiện được cuộc sống bằng cách lấy đất từ tay các địa chủ. Thế nhưng, họ lại trở thành những hòn đá lót đường để cho Đảng hủy bỏ hoàn toàn quyền sở hữu đất đai của người dân).Bởi vì Khổng Tử chẳng hề nói cá nhân là quan trọng và mọi người sinh ra đều bình đẳng nên mới tạo ra nếp nghĩ phục tùng lãnh đạo, phục tùng tập thể để rồi bị Đảng Cộng Sản lợi dụng cho một chủ nghĩa độc tài tàn bạo chưa từng có trong lịch sử loài người.Tiểu sử tác giả Helen RaleighSinh tại tại Hoa Lục. Hiện đang sống tại Denver, Colorado. Là chủ nhân tổ hợp tài chính Red Meadow Advisors, LLC. Còn là một văn gia và diễn giả chuyên nghiệp.Confucius Never SaidNXB CreateSpace Independent Publishing Platform - 224 trang – giá 12.90 USDMua sách tiếng Anh qua trang Amazon.comTử TộiTự Truyện – Chóe/Nguyễn Hải Chí“Tử Tội” bao gồm nhiều bài viết, thơ, nhạc và tranh vẽ của họa sĩ Chóe - người đã được cả thế giới biết đến qua những tác phẩm biếm họa chính trị từ năm 1969 đến 1975. Tuy nổi danh nhưng Chóe vẫn khiêm tốn cho rằng ông chỉ là một anh “hề vẽ”. Ông giải thích: “Nghe tôi gọi “hề vẽ” có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên? Gọi chính xác đấy! Khi bạn muốn bước vào cái nghề nghiệp này, xin bạn hãy đi thử máu xem mình có thuộc nhóm máu hài hước không? Và cũng nên thử lòng mình xem tấm lòng ấy có phải tấm lòng hài hước không? Cuối cùng, bạn cũng nên sẵn sàng một tinh thần hài hước để đón nhận lời khen, tiếng chê và những thứ linh tinh khác do những sản phẩm hài hước của mình phản hồi”.“Tử Tội” là tác phẩm duy nhất gom được các tư liệu đầy đủ nhất về Chóe. Hiếm hoi là những kinh nghiệm về nghề vẽ biếm họa, nhưng quý giá hơn chính là những lời tâm sự của một nghệ sĩ chân chính phải gắng nhịn nhục trong gọng kìm cộng sản nhưng lòng luôn luôn hướng về một vùng trời tự do với nguyện vọng được một lần nữa được đem nét vẽ của mình vào công cuộc đấu tranh chống bạo quyền áp bức.Nghe trên www.cothommagazine.com những nhạc phẩm của Chóe: “Bên Vườn Nhà Em”Tiểu sử họa sĩ ChóeTên thật Nguyễn Hải Chí. Sinh năm 1943 tại Chợ Mới, An Giang. Sau đó chuyển về Châu Đốc. Gia đình rất nghèo nên phải nghỉ học đi làm kiếm sống từ năm 9 tuổi. Làm đủ nghề: Đập đá, đốn củi, chăn bò... Năm 1960, bị cán bộ cộng sản ép lên núi hoạt động du kích nên bỏ trốn về Mỹ Tho, xin làm việc tại một phòng vẽ quảng cáo và học vẽ tại đây. Năm 1971, cộng tác với báo Sóng Thần. Nổi tiếng từ mùa hè năm 1972. Các tranh biếm của ông được các báo danh tiếng như The New York Times, Newsweek... chọn đăng. Năm 1976-1985, bị bắt đi học tập cải tạo cùng với các văn nghệ sĩ miền Nam. Vượt biên nhưng bị bắt vào lại tù. Năm 1997, Choé bị đột quỵ, dẫn đến bại liệt một thời gian. Từ năm 1998-2001, hai lần sang Pháp điều trị nhưng không thuyên giảm. Từ năm 2001, ông bắt đầu đi đứng khó khăn, mù mắt trái, mờ mắt phải, từ đó không vẽ nữa mà chuyển qua làm thơ, viết nhạc. Cuối năm 2002, được bạn bè giúp đỡ đưa sang Hoa Kỳ chữa bệnh. Ngày 12 tháng 3 năm 2003, Chóe qua đời tại bệnh viện Fairfax, Virginia.Tử TộiNXB Tủ Sách Tiếng Quê Hương - 395 trang – giá 25.00 USDMua sách: VLAC / TS Tiếng Quê Hương, P.O Box 4653, Falls Church, VA 22044, USAEmail: uyenthaodc@gmail.com , hoặc trên trang Amazon.Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công TộiHồi ký – Tân Tử LăngNguyên tác “Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông – Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội”. Chương 1 bắt đầu từ “Muốn trở thành lãnh tụ phong trào Cộng Sản Quốc Tế”, và chương cuối 40 kết thúc bằng “Mao chết, Giang tù”. Tham vọng của Mao được nhân rộng bởi tham vọng của đám tay sai đàn em tạo thành một hệ thống quyền lực tàn bạo và dơ bẩn tới mức tột cùng, trong đó các phe nhóm sẵn sàng trừ khử nhau bằng mọi thủ đoạn đê tiện nhất: “Phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng”, “Hai đảng lớn Trung-Xô từ bạn thành thù “, “Chu Ân Lai bị tước quyền lãnh đạo kinh tế”, “Địa ngục trần gian”, “Nhân vật số 4 đại bại dưới chân Giang Thanh”, “Kết cục bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ”, “Nhân dân run rẩy trong cuộc khủng bố đỏ”, “Lâm Bưu đắc ý, lăm le kế tục”, “Mao - Lâm quyết đấu ở Lư Sơn”, v.v.Tới nay, dù đã hơn ba mươi năm cùng sống chung với thế giới văn minh, Trung Cộng vẫn không bớt tàn bạo, ngược lại, ngày càng hung hãn hơn với tham vọng bá quyền trên Biển Đông. Điều mà Tân Tử Lăng không tiếc lời ca ngợi đường lối “cải cách – mở cửa” do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, giờ đây, thực tế đã chứng minh hy vọng của ông về sự cải tổ Đảng CSTC chỉ là ước mơ hão huyền, những kẻ nối quyền Mao vẫn ôm chặt quyền thống trị, vẫn thẳng tay triệt hạ lẫn nhau, vẫn lăm le cướp đất cướp biển các nước láng giềng. Cái tội của Mao khi xây dựng nên một lũ cướp quả đúng là lưu đến thiên thu!Tiểu sử tác giả Tân Tử LăngNguyên là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại Học Viện Quân Sự Cấp Cao, Đại Học Quân Chính, Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc. Ông nhập ngũ năm 1950, từng tham gia các phong trào chính trị do Mao phát động. Năm 1993, một năm trước khi rời chức vụ giám đốc biên tập tại Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc để về hưu với cấp bậc đại tá, Tân Tử Lăng đã hoàn thành tác phẩm “Mao Trạch Đông Toàn Truyện”. Bước vào tuổi bảy mươi, Tân Tử Lăng vẫn không thể yên tâm khi thấy còn nhiều lời lẽ xảo trá, đổi trắng thay đen để đề cao Mao Trạch Đông với chủ đích đẩy đất nước trở lại thời chủ nghĩa xã hội bạo lực. Trước thực cảnh đáng buồn biểu hiện một tình trạng u mê nguy hiểm, Tân Tử Lăng quyết định viết cuốn sách thứ hai “Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông”.Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công TộiNXB Tủ Sách Tiếng Quê Hương – 360 trang với 48 trang hình màu – giá 20.00 USDMua sách: VLAC / TS Tiếng Quê Hương, P.O Box 4653, Falls Church, VA 22044, USAEmail: uyenthaodc@gmail.com, hoặc, tiengquehuongbookclub@gmail.comHuyền Sử Việt – Thánh GióngTruyện tranh – Hoàng Vi KhaThánh Gióng hay gọi là Phù Đổng Thiên Vương hay Xung Thiên Thần Vương là một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Thánh Gióng là người "trời" đầu thai làm đứa trẻ tuy lên ba mà không biết nói cười, đi đứng. Nhưng khi có bộ tộc khác (truyền thuyết ghi là giặc Ân) tràn xuống thì cất tiếng gọi mẹ nhờ ra gọi sứ giả của nhà vua, rồi bỗng chốc vươn vai thành một thanh niên cường tráng đi đánh giặc. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông bay về trời. Nơi ông hóa chính là núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.“Huyền Sử Việt – Thánh Gióng” là một trong số truyện tranh lịch sử và huyền sử Việt Nam của Hoàng Vi Kha - Viet Toon nhằm mục đích giúp các em thiếu nhi người Mỹ gốc Việt hiểu biết thêm về lịch sử đất nước. Truyện tranh có nét vẽ tròn trịa với màu sắc tươi sáng; dù là Thánh Gióng hay Giặc Ân đều mang hình ảnh vui vẻ, dễ thương. Lời kể giản dị, ngắn gọn thích hợp cho các em mới học tiếng Việt dễ hiểu, dễ nhớ. Hai trang cuối dành cho phần tóm tắt huyền sử Thánh Gióng được viết bằng Anh ngữ.Huyền Sử Việt – Thánh GióngNxb Viettoon - 16 trang hình màu trên giấy láng, bìa cứng - giá XXXLiên lạc: Viet Toon - P.O. BOX 230010, Centreville, VA 20120, USA.Đ.T.: 888-NET-VIET (888-638-8438) – Web Site: www.viettoon.comHải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974Sưu khảo – Ủy Ban Hoàng SaNgày 19 tháng 1 năm 1974, để ngăn chận ngoại bang lấn chiếm Hoàng Sa, một quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua, chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã khai chiến với chiến hạm Trung Cộng. Trận hải chiến lịch sử nầy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn 30 phút. Kết quả là Trung Cộng đã chiếm được Quần Đảo Hoàng Sa. Hiện nay, lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam ngày càng bị mất về tay Trung Cộng; do đó, nhu cầu về một nghiên cứu đầy đủ và trung thực diễn tiến trận hải chiến Hoàng Sa càng trở nên khẩn thiết. Ngày 5 tháng 12 năm 2004, Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa ra đời với nhiệm vụ soạn thảo cuốn Hải Chiến Hoàng Sa. Ngoài việc sưu tầm tài liệu, hình ảnh, chứng từ, nỗ lực chính yếu của Ủy Ban là thực hiện các cuộc phỏng vấn những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ đến trận hải chiến; đặc biệt là các vị hạm trưởng các chiến hạm tham chiến. Ngoài ra, cũng phỏng vấn một số chiến hữu thuộc các quân binh chủng bạn cùng các chuyên gia về lãnh vực chính trị, lịch sử, luật pháp liên quan đến vấn đề Hoàng Sa.Sách gồm có ba phần: Phần I trình bày đại cương về Hoàng Sa. Rất phong phú những bản đồ cổ, tài liệu, hình ảnh minh chứng chủ quyền của VN trên quần đảo này. Phần II trình bày chi tiết trận hải chiến. Tóm lược tương quan lực lượng giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân TC, trình bày các diễn biến trước, trong và sau trận hải chiến với nhiều điều chưa từng được tiết lộ như kế hoạch đánh bom các chiến hạm Trung Cộng của Không Quân VNCH, tài liệu Trung Cộng nói về trận hải chiến, tài liệu giải mật Hoa Kỳ, quan điểm của CS Bắc Việt. Phần III đính kèm nội dung các cuộc phỏng vấn và phụ bản.Các tác giả trình bày những điểm thuận lợi hay bất lợi, điểm mạnh cũng như điểm yếu từ việc quyết định của trung ương cũng như trong kỹ thuật tác chiến do địa phương định đoạt. Cuốn tài liệu không phô trương Hải Quân VNCH, nhưng chứng tỏ sự can trường và tinh thần trách nhiệm của những người lính Hải Quân đã xả thân bảo vệ đất nước. Phần lớn số tiền thu được sẽ trích ra yểm trợ gia đình các chiến sĩ anh hùng đã hi sinh xương máu bảo vệ giang sơn Việt Nam trong trận hải chiến Hoàng Sa. Phần còn lại sẽ dùng trong việc chuyển dịch cuốn sách sang ngoại ngữ dùng làm tài liệu tham khảo trong giới văn học cũng như góp phần minh định chủ quyền Việt Nam trên Quần Đảo Hoàng Sa trước thế giới.Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974Xuất bản bởi Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải VNCHSách đóng bìa cứng, dày 515 trang, gồm có 64 bản đồ và 146 hình ảnh – giá 30.00 USDMua sách: Phạm Văn Thanh, 2535 Midway Drive, PO Box 83013, San Diego, CA 92138 ĐT: (734) 730-6428 - Email: phamvanthanhusa@yahoo.comỦy Ban Hoàng Sa : PO Box 6005 - Torrance, CA 90504, ubhs@ubhoangsa.orgTiền Cổ Việt Nam - Không Do Triều Đình ĐúcSưu khảo – Lục Đức Thuận & Võ Quốc KySách về tiền cổ Việt Nam bàn đến những loại tiền do triều đình đúc, sử thần chịu tốn bút mực viết, thì rất nhiều. Tuy nhiên, với những đồng tiền cổ mà không hiểu được do ai đúc và có vào lúc nào, cái thứ tiền được gọi là “niên đại bất tri phẩm” hay “vô khảo phẩm”.Sách gồm 6 Chương: Chương 1-Ứng dụng của kim thạch học, khoáng vật học, phân tích thành phần hợp kim, và kim tướng học trong việc nghiên cứu tiền cổ VN; Chương 2-Tiền kẽm; Chương 3-Tiền gián ( 間 錢 ); Chương 4-Tiền đồng thau; Chương 5- Tiền không chính triều; Chương 6- Những bài viết nhỏ: cái vi tiền, tiền chì, tiền thiếc, tiền sắt, tiền sềnh, tiền đồng bạch.Đồng tiền cổ của một thời phản ảnh nền kinh tế suy tàn hay thịnh vượng của thời đó. Sắc dạng của đồng tiền nói lên kỹ thuật gia công. Chất liệu và chi tiết hoa văn nói lên kiến thức về kỹ thuật luyện kim. Hiểu rõ về đồng tiền, còn giúp thấu hiểu những trang lịch sử Việt cặn kẽ hơn. Có ai hiểu rõ nổi lòng của các chúa Trịnh khi phải đúc tiền với tên vua, thay vì tên chúa, khiến tiền tệ không đủ lưu hành trong đời Lê Trung Hưng? Có ai thắc mắc vì sao triều đình vua Tự Đức đúc bạc Thất Tiền Nhị Phân để trả nợ Hòa Ước 1862 mà Pháp vẫn không chấp nhận? Hơn thế nữa, đồng tiền còn gắn liền vào sinh hoạt hằng ngày thời xưa như thói tục tìm cho được đồng tiền Chu Nguyên đeo vòng quanh cổ các cháu bé để chỏm, mong trừ ác khử tà; cùng như đồng tiền con cò gắn liền với câu ca dao “Cưới em bằng bạc con cò / Đâu phải hẹn hò, nói chuyện đẩy đưa”. Tóm lại, đồng tiền cổ là cổ vật phong phú có giá trị lớn trong việc tìm hiểu nhiều lãnh vực như lịch sử, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, mỹ thuật, v.v.Tiểu sử tác giả Lục Đức Thuận và Võ Quốc KyLục Đức Thuận sinh năm 1948 tại Gia Định. Tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn 1972. Là biên tập viên của tạp chí Revue de la Société de Numismatique Asiatique. Cộng tác với các tạp chí Xưa Và Nay (Sài Gòn), Thế Kỷ 21 (California) và các website www.charm.ru, www.zeno.ru, www.viettouch.com. Hiện sống tại tiểu bang Virginia (USA). Đã xuất bản: Tản Mạn Về Tiền Cổ Việt Nam (Nxb Giáo Dục, Đà Nẵng, 2005).Võ Quốc Ky sinh trưởng tại Quy Nhơn. Hiện đang làm chuyên viên vật lý trị liệu tại Bệnh Viện Quy Nhơn. Từng nhiều năm nghiên cứu cổ vật và tiền cổ.Tiền Cổ Việt Nam - Không Do Triều Đình ĐúcTác giả tự xuất bản – 350 trang – giá 50.00 USDLiên lạc Lục Đức Thuận - Email: tiencovietnam@gmail.comTruyện Kiều: Tác Giả, Nhân Vật và Luân LýBiên khảo – Đặng Cao RuyênVới 70 trang dành cho tiểu sử Nguyễn Du (1765-1820) và hơn 200 trang dành cho việc phân tích các nhân vật (đặc biệt là Thúy Kiều và Từ Hải, từ đời thật cho đến vào truyện), tác phẩm đưa bạn đọc đào sâu vào những uẩn khúc của tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”. Các nhân vật chính như Đạm Tiên, Thúy Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Từ Hải, Thúy Vân, và ba nhân vật tử tế (Giác Duyên, Tam Hợp, mụ Quản gia) được giải nghĩa tên theo chữ Hán và chiết tự.Về tác giả, luận về lòng nhân của Nguyễn Du qua đối chiếu Kim Vân Kiều Truyện với cuốn thơ phóng tác Đọan Trường Tân Thanh, tác giả đưa ra những so sánh để chứng minh là Nguyễn Du giàu lòng nhân nên bản thơ quốc ngữ không theo sát nguyên tác hán văn. Về luân lý, dư luận từng có bên khen và bên chê Truyện Kiều. Bên chê, trước đây đứng trên quan điểm chính trị chống Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế; Trương Tửu; còn bên khen, bênh vực văn chương và đạo đức có Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Tường Tam. Một cuộc tranh luận dài trong thập niên 1920-30 đã nổ ra giữa Pham Quỳnh và Ngô Đức Kế, giữa Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng. Tác giả giảng rộng nghĩa luân lý và tóm tắt: Luân thường, luân lý có thể hiểu là cái đạo làm người phù hợp với cái lẽ đương nhiên của trời đất. Ông còn đặt câu hỏi: “Phải chăng những câu thơ tình không nên giảng?” Nói rõ hơn là có nên giảng, nên tán rộng những câu thơ bị coi như dâm ô, tục tĩu?Tiểu sử tác giả Đặng Cao RuyênSinh năm 1927. Từng phục vụ lâu năm tại Trường Văn Hóa Quân Đội và dạy tại trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn. Sau 1975, trải qua nhiều năm trong trại tù Cộng Sản, đã định cư tại Hoa Kỳ. Được xem là một nhà biên khảo nổi tiếng về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Các tác phẩm đã xuất bản: Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du (2002), Truyện Kiều: Nghệ Thuật và Lan Tỏa (2010). Ngoài ra, một tác phẩm to lớn khác còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, đó là “Thư Mục Phân Tích Về Nguyễn Du và Truyện Kiều” gồm hơn 6.000 mục, hơn 2000 trang, đã đăng báo nhưng chưa xuất bản thành sách.Truyện Kiều: Tác giả, Nhân Vật và Luân LýTổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ - 420 trang – giá 25.00 USDMua sách: Cành Nam - 2607 Military Road, Arlington, VA 22207Email : canhnam@dc.net / ĐT: (703) 525-4538Hoài HươngTuyển tập thơ – Đỗ Hữu Tài“Hoài Hương” là tên người một người con gái. Nàng như một thiên thần đáp xuống cuộc đời tác giả lúc còn là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai nhưng chưa biết làm thơ. Hai người yêu nhau, nhưng rồi vì hoàn cảnh tị nạn đã phải xa nhau. Nàng tới Úc Châu, chàng tới Hoa Kỳ. Ngoài thử thách xa cách, chàng còn phải chịu một thử thách khác: Bệnh bại liệt, nó đã biến người thanh niên đầy sức sống trở nên toàn thân bất toại. Hoài Hương sau khi biết hung tin, vẫn giữ vẹn tình yêu. Dù hai người không thành đôi lứa, nhưng họ vẫn mãi mãi nghĩ tới nhau. Trong ánh sáng đức tin, anh phấn đấu cùng nghịch cảnh, dùng miệng ngậm cây que để gõ phím làm thơ.Thơ của Đỗ Hữu Tài không bi quan, yếm thế, mà đầy sự lạc quan, tin tưởng – có khi dí dỏm, hài hước nữa. Thơ là những lời ngợi ca mầu nhiệm Đức Tin, là tâm tình thương nhớ của con tới mẹ (mẹ tác giả hiện đang sống ở Quận 8, Sài Gòn). Thơ còn là nỗi thương nhớ quê hương khôn nguôi, là niềm trân trọng đầy trìu mến về cuộc tình dang dở nhưng tuyệt đẹp với người con gái tên Hoài Hương.Tôi thao thức miên man cùng dĩ vãngNằm trong tim lãng đãng chẳng phai mờNhìn bóng tối dật dờ đời di tảnNhưng lòng tôi chưa nản chí bao giờ.Kể từ độ dấn thân làm lữ thứMấy mươi năm xa xứ kiếp nặng nềNhìn hoa trắng ê chề moi quá khứNgắm tuyết rơi mà cứ ngỡ xuân về.Mời nghe trên YouTube thơ phổ nhạc: Có Những ĐêmTiểu sử tác giả Đỗ Hữu TàiSinh năm 1957 tại Sài Gòn. Vượt biên tới Mã Lai, rồi định cư tại Mỹ năm 1982. Lâm trọng bệnh khiến toàn thân bị tê liệt dần vài năm sau đó. Trong những năm an dưỡng tại Alexandria, tiểu bang Virginia, ông đã viết hơn ngàn bài thơ. Thi tập đầu tiên “Có Những Đêm” đã được phát hành năm 2008.Hoài HươngNXB Yên Thanh – 350 trang – giá 25.00 USDMua sách: Nhà Phát Hành PLS - 8515 Ralstons Ridge Drive, Houston, TX 77083Email: yenthanh6838@aol.com - Phone: (713) 270-6071 hay (832) 798-59833 Sách Nên BiếtĐây là những tác phẩm đã được phát hành từ các nhà xuất bản, các tổ chức và các tác giả. Tin Sách chưa kịp giới thiệu nên xin coi đây như một thông tin giúp bạn theo dõi sinh hoạt sách báo hiện nay.Tóm hết công việc ở trong một thân thời chỉ có Ngôn với Hạnh.Ngôn phải Hữu Vật - Hạnh phải Hữu Hằng.Ngôn nghĩa là nói, là lời hoặc tự mình diễn giải ra, hoặc ứng đáp với mọi người. Đã ngôn thì phải Hữu Vật, nghĩa là phải có thực lý, thực sự, chứ không nói suông.“Chu Dịch” – Phan Bội ChâuĐại Vệ Chí Dị Tuyển tập truyện ngắn – Người Buôn GióNxb Giấy Vụn & Nxb Trẻ - XX trang – giá 15.00 USD3202 N. Shiloh Rd., Garland, TX 75044Tel: (972) 675-4383 ; Email: dallas@trenews.net / info@trenews.netVới kết cấu, cách hành văn và các nhân vật theo lối truyện Tàu cổ, "Đại Vệ Chí Dị" mô tả diện mạo xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Không cần giải thích, ai cũng hiểu “Nước Vệ triều nhà Sản” tức là nước Việt Nam thời Cộng Sản. Còn với câu: “Hơn hai mươi năm nay khi Bạch suy yếu. Vệ quay ra thần phục Tề, dâng đất đai làm lễ chư hầu. Tề Vương mới lên ngôi tên là Tạp Cặn”, ai cũng biết Bạch là Liên Xô, Tề là Trung Cộng, và Tạp Cặn không ai khác hơn chính là Tập Cận Bình. Tác giả Người Buôn Gió là một blogger đang bị nhà cầm quyền sách nhiễu dọa nạt. Tháng Tư, 2014, ông đã đến thành phố Weimar của Đức qua một chương trình học bổng.Những Mảnh Đời TrôiTuyển tập truyện ngắn – Nguyễn Lê Hồng HưngNxb Cái Đình – Email: info@caidinh.com - 180 trang – 12.00 EUCái Đình, Tosca 11, 8265 SL KAMPEN, The Netherlands (Pays-Bas)Tuyển tập 16 truyện ngắn của Nguyễn Lê Hồng Hưng – một tác giả Việt tại Hòa Lan, được xây dựng trên những gì anh đã nghe và thấy trong những năm hải hành trên tàu viễn dương đi khắp thế giới. Những mẩu chuyện tuy xảy ra ở Ba Tây, Libië, Đức, Nga, Việt Nam… nhưng đều mang chung một mẫu số là nói lên thân phận của những cuộc đời vì hoàn cảnh đẩy đưa mà phải trôi dạt sang xứ lạ kiếm sống. Đọc “Những Mảnh Đời Trôi” để thấy rằng tuy cuộc đời đắng cay nhưng mỗi người đều có những giây phút hạnh phúc và chút hy vọng cuộc đời ngày sẽ khá hơn.Không Phải Chỉ Là Truyện Con CọpTiểu thuyết – Cung Thị LanTác giả tự xuất bản - 240 trang – giá 15.00 USDLiên Lạc Email: cunglan@yahoo.comCung Thị Lan - 1604 Windham Lane – Silver Spring – MD 20902Truyện cổ tích là một thiếu nữ bị người yêu ruồng bỏ phải trốn chạy vào rừng, cô gặp và cứu thương một con cọp và được nó che chở để sinh nở và nuôi dưỡng đứa con không cha. Còn truyện thực là thiếu nữ tên Hạ, sinh trưởng tại miền Nam tự do và trở thành cô giáo dưới chế độ cộng sản. Dưới mái trường “xã nghĩa” Hạ vẫn cố gắng giữ trọn lương tâm một người thày, yêu thương chan hòa các cô cậu học sinh nghịch ngợm, chia sẻ thân tình với bạn bè, nhưng Hạ vẫn biết chống trả một cách khôn ngoan những quyết định phi lý của đám cán bộ nhà trường ngu dốt. Cô gái trong truyện “Con Cọp” ngày nhỏ được mẹ kể nay bước ra khỏi cổ tích, đương đầu với khó khăn, thử thách và cuối cùng nuôi lớn đứa con nên người – biểu hiện của sự trưởng thành bản thân.Bài Điểm Sách: Thâm TìnhTuyển tập Thơ – Lãm ThúyGiới thiệu: Trịnh Bình AnCó những người làm thơ để tỏ chí, có những người làm thơ để tỏ tình, Lãm Thúy làm thơ cũng để tỏ tình, đó là những mối tình sâu nặng với gia đình, với bạn bè và văn hữu. Tuyển tập thơ “Thâm Tình” có tất cả 111 bài thơ chia ra trong bốn phần: Phần I – Từ Phụ, Phần II – Thâm Tình, Phần III – Từ biệt Ngô Thị Lệ Hằng, Phần IV – Thân Tình.Thi phẩm “Từ Mẫu” được dành riêng tặng mẹ, mẹ của người thơ nhưng tiêu biểu cho biết bao nhiêu người mẹ Việt Nam gian lao khó nhọc chẳng nề, hy sinh chịu đựng với tình thương chồng con vô bờ bến.Cứ thấy đứa nào vừa đủ lớn / Vội vàng. Mẹ lại gửi đi xa / Chắt chiu từng cắc, cho tiền bánh / Dạy rằng: “Ráng học với người ta!” / / Rồi lại nách mang, nuôi đứa nhỏ / Nuôi chồng bệnh hoạn một tay mình / Mẹ ơi ! Còn biết bao gian khổ / Lời nào con kể hết điêu linh?Còn thi phẩm “Thâm Tình” là niềm trìu mến tha thiết tới cha. Qua 27 bài thơ trong “Từ Phụ”, chân dung người cha được khắc họa một cách dịu dàng nhưng hết sức sinh động qua chân tình một đứa con; Lãm Thúy không ngại kể ra những khuyết điểm của cha, nhưng chính nhờ vậy bạn đọc cảm thấy càng gần gũi hơn với ông vì có ai trong đời từng sống mà không có khiếm khuyết?Khi Cha còn trẻ thường lơ đễnh / Ít lo cho mẹ, ít thương con / Nên bầy con không nhiều quyến luyến / Chỉ Mẹ mà thôi, Mẹ choáng hồn / / Hay con còn nhỏ nên chưa hiểu / Những tình thương giấu kín trong tim / Bởi Ba cơ cực và đau yếu / Vẫn cố nuôi đàn con lớn lên /…/ Nhưng rồi, cứ chất chồng năm tháng / Dường như Ba sợ nỗi cô đơn / Ngó lại đời mình, Ba hốt hoảng / Tóc sầu, trông muối đã nhiều hơn! (“Nỗi Lòng Của Cha”)Một điều dễ thấy về Lãm Thúy, đó là một người quá giàu tình cảm. Tình cảm chan hòa tới tất cả mọi người thân trong gia đình. Thơ viết về mẹ, về cha rất thường thấy, nhưng viết về con rể, em trai, em dâu thì rất hiếm, tới khi Lãm Thúy có thơ mới thấy vòng tay gia đình người Việt chúng ta đã mở rộng ra đến dường nào. Điểm đặc biệt là dù Lãm Thúy viết dành riêng cho người trong nhà nhưng cùng lúc như chia sẻ tới tất cả chúng ta những suy tư về nỗi sinh ly tử biệt, về nghĩa vụ, về sự tận tụy hy sinh…Nghe con ngủ ít, buồn nhiều / Vuốt xiêm áo cũ / Ra chiều tiếc thương / Nghe con / Ngồi soạn giày / Buồn / Nhớ chân xưa / Những đoạn đường đã chung / Bao năm chăn gối / Mặn nồng / Nó đi / Trống vắng vô cùng, / Dĩ nhiên. (“An Ủi Con Rể”)Cha mẹ già thường sinh cáu gắt / Cũng đừng hờn giận. Chị xin em / Mỗi ngọn lửa hờn em dập tắt / Là một hồng ân trên phước duyên. / / Có lẽ chiều nay trời trở lạnh / Xui lòng nhớ quá nắng chiều quê / Xót Út chốn quê mùa quanh quẩn / Trách nhiệm hai vai gánh nặng nề. /…/ Út à. Giờ cha mẹ già yếu / Chuyện nhà phó thác một tay em / Nhân sinh hữu hạn, mong em hiểu / Gắng giữ dùm nghe, những ngọn đèn! (“Thư Cho Út Phủ”)Em là con gái thị thành / Chịu về thôn dã cũng đành vì yêu / Như em tình nặng nghĩa nhiều / Một lần chấp nhận, muôn điều phải cam / / Chị không được phước ở gần / Cha già mẹ yếu trăm phần nhờ em / Sớm khuya tối lửa tắt đèn / Đừng nề khổ nhọc, đừng phiền gian lao. (“Lời Tạ Cô Em Dâu Út”)Lòng chung thủy, tinh thần hy sinh vốn từng được coi là những đức tính cao đẹp của người Việt nhưng gần đây đang bị dao động và thử thách bởi đời sống vật chất cùng những trào lưu tư tưởng mới. Một câu hỏi đặt ra là: “Tìm đâu ra sức mạnh cho những thủy chung, những chịu đựng, những hy sinh ấy khi chung quanh dường như tràn ngập bởi cái tôi vật chất và sự thỏa mãn cá nhân?” Câu trả lời của Lãm Thúy khá rõ: Cuộc đời chưa bao giờ hết những điều tốt đẹp, những điều ấy luôn khích lệ và mời gọi chúng ta chọn ra con đường sáng.Cuộc sống nhiều khi cùng quẫn vậy / Phải đâu vô lộ, hết đường đi / Cây đời vẫn nở hoa nhân ái / Lòng người đơm những nụ từ bi / / Chỉ có tử vong là tuyệt lộ / Con người còn sống, còn tương lai / Dẫu tài hoa lụy, hồng nhan khổ / Cũng chẳng riêng ai những đọa đày. (“Gởi Lộc Tân Niên”)Đời sống gối chăn mòn mỏi vậy / Đôi khi ngao ngán cuộc sum vầy / Tử sinh chới với trên bờ vực / Chợt mừng còn áp má, kề vai / / Cái chết làm đau thương, thảm khốc / Mà cũng thăng hoa sự sống còn / Có từng nếm trải bao tang tóc / Mới thêm yêu quý cuộc sinh tồn. (“Chia Nỗi Hân Hoan”)“Thâm Tình” hiểu theo nghĩa hẹp là tình cảm với những người thân nhất, gần gũi nhất như cha mẹ, chồng con, bạn bè; hiểu theo nghĩa rộng là những tình cảm sâu xa nhất, có thể đó là tình yêu thương, lòng nhung nhớ, nhưng cũng có thể là mối suy tưởng không cùng về sự hợp tan, về kiếp nhân sinh. Tuy thơ Lãm Thúy không nặng tư duy triết lý nhưng chính những suy tư sâu thẳm về kiếp người – sau khi người thơ đã trải qua biết bao nỗi đoạn trường – đã khiến thơ trở nên những mối tình thâm sâu dành tặng cho đời, cho người: “Trong nhung lụa, giữ tâm lành - Giữa đời luân chuyển, giữ tình nguyên sơ.”Tiểu sử tác giả Lãm ThúyQuê quán làng Nhơn Ái, quận Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ. Từng dạy học ở Phong Điền, Cần Thơ . Định cư tại tiểu bang Maryland (USA) từ năm 1992. Cộng tác với các báo: Làng Văn, Đẹp, Trầm Hương, Kỷ Nguyên Mới. Tác phẩm đã xuất bản: “Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi (2000)”.Thâm Tình & Từ MẫuTác giả tự xuất bản – 215 trang – giá 15.00 USDLiên lạc qua Email: lamthuyp@aol.com Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Hải NgoạiVới khao khát gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa tốt đẹp của tổ tiên, người Việt hải ngoại đã thành lập nhiều Trung Tâm Văn Hóa ở khắp nơi. Đó có thể là những nhà xuất bản sách, hay những trung tâm sinh hoạt cộng đồng, hay đài phát thanh, tòa báo, v.v... Tất cả đều hướng tới việc duy trì các sinh hoạt văn học nghệ thuật không thể thiếu vắng trong đời sống tha hương, cũng đồng thời duy trì và chuyển tiếp văn minh Việt Nam tới những thế hệ tiếp nối.Tin Sách hy vọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại khắp năm châu, ngõ hầu giúp sức cho các sinh hoạt văn học nghệ thuật ấy ngày càng khởi sắc hơn.Nhà xuất bản Viet ToonViet ToonViet Toon bắt đầu được thành lập năm 2010 bởi một nhóm bạn trẻ người Mỹ gốc Việt tại Washington DC (Hoa Kỳ). Họ vốn là những người yêu thích lịch sử Việt Nam và các câu chuyện dân gian trong kho tàng văn học Việt Nam, từ đó ấp ủ hoài bão mang lịch sử, văn hóa Việt Nam phổ biến đến thế hệ trẻ sinh trưởng tại hải ngoại qua một hình thức sinh động vui tươi là truyện tranh.Hoàng Vi Kha là người ôm ấp giấc mơ và ý tưởng thực hiện một bộ tranh về các anh hùng lịch sử Việt Nam đã gần 20 năm nay. Công Xuân Tùng giảng dạy môn tiếng Việt và lịch sử Việt Nam tại trường Việt Ngữ Thăng Long (Virginia, Hoa Kỳ). Hai người bạn từ thời trung học nay đến với nhau vì có cùng mơ ước "tạo ra một bước đi mới trong việc sáng tác truyện tranh dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và thông qua đó nhằm khích lệ tinh thần tự hào dân tộc và góp phần vào tư liệu giảng dạy tiếng Việt ở hải ngoại”. Vì đối tượng phục vụ của Viet Toon là trẻ em Việt Nam tại hải ngoại và người ngoại quốc, với mục đích khêu gợi sự hiếu kỳ để rồi yêu thích và tìm đến đọc lịch sử Việt Nam, Viet Toon quyết định vẽ tranh theo các lối vẽ hiện đang thịnh hành của truyện tranh Mỹ (DC Comics, Fantasy Art, Digital Art) để tạo sức lôi cuốn.Cho tới nay, Viet Toon đã thực hiện được bộ truyện tranh anh hùng lịch sử Việt Nam với nội dung ghi lại trên 64 anh hùng liệt nữ của dân tộc trải suốt từ thời Hồng Bàng dựng nước cho đến thời Cần Vương chống Pháp. Đồng thời phát hành trọn bộ sách lịch sử song ngữ Anh-Việt (gồm 7 cuốn) đi kèm với bộ tranh, bộ tranh văn hóa Việt với chủ đề Việt Nam Tinh Hoa, bao gồm các bức họa giới thiệu các loại nhạc cụ cổ truyền dân tộc được giới thiệu tại nhiều hội chợ Tết. Ngoài ra, còn có bộ truyện tranh nhiều kỳ mang tiêu đề “Cậu Bé Kỳ Tài”, “Rồng Nam – Tiên Mai”, “Huyền Sử Việt” dành riêng cho lứa tuổi nhi đồng.Liên lạc: Viet Toon Publisher - P.O. BOX 230010, Centreville, VA 20120, USA.Phone: 888-NET-VIET (888-638-8438) – Web Site: www.viettoon.comĐịa chỉ địa chỉ điện thư, số điện thoại, trang nhà đã được Ban An Ninh đồng ý cho đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét