Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Theo Dòng Nước Xoáy - Đỗ Dung


Mưa xối xả như giận dữ trút nước xuống thành phố, thỉnh thoảng sấm sét đì đùng và những lằn chớp ngoằn ngoèo trên không. Cu Chou nép mình trong lòng mẹ ngủ ngon lành. Ngọc ôm chặt thằng bé như cố gắng che chở con, mắt mông lung nhìn qua cửa sổ. Những chùm bông giấy tím trên bờ tường rào run rẩy và cây bông sứ như đứng oằn mình chịu đựng cơn dông. Nhìn khuôn mặt ngây thơ của con, hai dòng lệ ứa ra rồi nàng dụi mặt vào người con, thút thít khóc. 


Chiều hôm ấy, khi đi làm về, Khương buồn bã, chẳng nói năng gì, cất cặp sách, thay quần áo rồi ngồi thừ ra suy nghĩ, chẳng thiết đến bữa ăn. Thấy không khí nghiêm trọng Ngọc không dám lên tiếng, đợi đến tối sẽ gạn hỏi cho ra nhẽ. 

Buổi tối, sau khi cơm nước, dọn dẹp xong, hai vợ chồng đang sửa soạn cho con đi ngủ thì tiếng chuông cửa reo. Mở cửa ra, sáu người trong quân phục với súng ống lăm lăm, đứng ngay trước cổng. Ngọc hoảng hốt, sợ hãi không biết tai ương nào sắp giáng xuống gia đình nàng đây. Khương ra mở cổng, sáu người bộ đội tràn vào, dàn trận như đang hành quân bố ráp, bốn người súng AK cặp nách, hai người súng ngắn trên tay. 

Mấy người mang súng AK ngừng lại ngoài sân, hai người bộ đội có vẻ như cấp chỉ huy bước vào phòng khách cùng vợ chồng Khương, hỏi tên và một số chi tiết về cá nhân chàng rồi nói như ra lệnh: 

-
 Mời anh theo chúng tôi về Ủy Ban Quân Quản làm việc. 

Ngọc cuống quýt: 

-
 Thưa các anh, các anh cho địa chỉ để sáng nhà tôi lên trình diện các anh được không? 

Người ấy lạnh lùng: 

- Chúng tôi được lệnh đưa anh đi ngay. Khẩn trương lên! 

Trong khi Khương vào thay quần áo, Ngọc lấy một túi vải sắp một bộ đồ mặc nhà, một áo lạnh và một số vật dụng vệ sinh như bàn chải đánh răng, khăn mặt ...cho chồng, nàng nghĩ nhỡ Khương phải ở lại qua đêm. 

Nhìn chồng đi giữa những người bộ đội, bước lên chiếc xe bít bùng, dù không bị còng tay nhưng cũng bị áp giải như tội phạm, Ngọc bàng hoàng, thảng thốt. Đang đêm khuya, nhà không có phương tiện để liên lạc với bên ngoài, Ngọc điếng người vì sợ hãi, cả đêm không ngủ, nằm ôm con, miệng lâm râm niệm Phật và mong trời mau sáng để chạy về nhà mẹ hay nhà chị Lan, để rúc vào lòng mẹ hay lòng chị mà khóc, mà kể lể, mà tìm sự chở che. 

Sáng sớm tinh mơ, chị Lan đang đảo đều nếp với khoai mì trong chõ, sửa soạn cho mỗi người một chén đầy xôi khoai mì trộn chút muối mè-đậu phộng cho chắc bụng trước khi người đi học, kẻ đi làm. Nhìn chõ xôi chị bất giác thở dài, trưa hôm qua sau khi được gọi ra xếp hàng ở tổ dân phố để mua thực phẩm, chị vác về một bao khoai mì, khoai lang mà ngán ngẩm. Khoai lang đã nhiều chỗ bị sùng, khoai mì sắp chạy chỉ. Chị phải bỏ nguyên buổi tối ngồi gọt vứt những chỗ hư, chừa lại một ít nấu ăn ngay ngày sau, chỗ còn lại sắp vào cái mẹt lớn, định phơi khô để sẽ độn với gạo nấu ăn dần. Anh Luận, chồng chị, sĩ quan cấp tá đã đi trình diện học tập, tưởng một tháng thì về mà đến nay đã hơn một tháng vẫn bặt vô âm tín. Nhìn đàn con dại, bốn đứa từ 10 đến 16 tuổi, đang sức lớn, cơm chẳng đủ mà ăn, tương lai mờ mịt, biết sẽ về đâu. 

Bỗng tiếng đập cưả rồi tiếng Ngọc như rên rỉ: 

- Chị Lan!
 Chị Lan ơi...! 

Thằng Chương, con trai lớn nghe tiếng dì, chạy vội ra đỡ chiếc xe đạp mini của Ngọc, bế cu Chou đang phụng phịu vì còn ngái ngủ vào nhà. Ngọc như đổ ập vào người chị, tiếng nói đứt quãng qua tiếng nấc uất hận, nghẹn ngào: 
Đêm hôm qua...người ta...đến nhà em...bắt anh Khương đi ...chị ơi... 

Nói xong nước mắt Ngọc tuôn ra như suối, ướt đẫm vai áo chị Lan. 

- Cả đêm qua em không ngủ được phải không? Thôi vào đây nằm nghỉ, chị pha cho em ly sữa nóng, uống cho khỏe, em hãy ngủ một giấc cho lại sức. Ốm đau lại khổ! Từ từ... ta tính! 

Nói để vỗ về, an ủi em nhưng hai dòng lệ cũng chảy dài qua khoé mắt chị Lan. 

Một đêm thức trắng vì sợ hãi, qúa mệt mỏi nên sau khi uống ly sữa nóng, Ngọc nằm ngay xuống chiếc đi văng trong phòng khách nhà chị ngủ thiếp đi. Nhìn nét mặt mệt mỏi của cô em út, chị Lan thở dài, con bé được cưng chiều từ nhỏ, cả nhà yêu thương vì Ngọc xinh xắn, học giỏi và ngoan ngoãn. Khi lập gia đình lại gặp nơi tử tế, chồng quý, chồng cưng...Thế mà giờ đây gặp cơn bão tố thế này. Thật tội cho em. 

Hôm nay không có giờ dạy, Lan rút một tờ giấy trắng viết đơn cáo bịnh xin nghỉ hai ngày để ở nhà giúp Ngọc. Chị đưa lá đơn cho Chương, dặn con khi đi học nhớ ghé qua trường của mẹ nộp cho mẹ. Đợi Ngọc thức dậy Lan sẽ cùng em sang báo tin cho bố mẹ nàng, báo cho bên nội thằng cu Chou. 

Cụ Tham Minh đang cầm cây chổi lông gà phủi bụi trên những khung ảnh Ông Bà bầy trên bàn thờ bằng gỗ cẩm lai vẫn còn được đặt trang trọng trong phòng khách, nghe tiếng bi bô của thằng bé con cụ quay lại, hai cô con gái đang dắt tay thằng bé bước lên thềm. 

- Bố ạ! 
- Hai chị em có việc gì mà rủ nhau sang đây sớm thế? 

Lan ngập ngừng: 

- Thưa bố...Chú Khương bị bắt đêm hôm qua. 

Cây chổi lông gà rơi tuột khỏi tay, cụ bước vội đến chiếc tràng kỷ ngồi phịch xuống: 

- Kể cho bố nghe, sự việc thế nào? 

Lan thay Ngọc kể lại những diễn biến xảy ra tại nhà Ngọc hôm qua trong khi Ngọc ngồi bên tủi thân ôm con rấm rứt khóc. 

Mặt cụ ông như sạm lại, cụ không biết nói sao. Năm nay cụ đã hơn bảy chục tuổi, suốt đời hai cụ đã lo nuôi dạy bầy con sáu đứa đến lớn khôn, học hành thành đạt. Tưởng rằng hai cụ sẽ được hưởng những ngày tháng bình yên tuổi già, vui với mấy chậu kiểng ngoài sân, thỉnh thoảng con cháu về thăm hay có nhớ con nhớ cháu thì cụ chỉ cần ra đường vẫy chiếc xích lô là có thể đến với chúng nó. 

Bây giờ hai người con trai của cụ nhà bị niêm phong từ 30/4 đến nay, chưa biết hai gia đình đó sống chết thế nào, có đi được đến nơi, đến chốn hay không. Hai cô con gái kẹt lại, cô lớn chồng đi cải tạo không biết ngày về, cô út chồng bị áp giải đi thế này. Đúng là tai trời ách nước. Vận mệnh con người phải nổi trôi theo vận mệnh chung. 

Cụ nghĩ đến Khương, anh con rể út hợp tính, hợp nết với cụ, một thanh niên cương trực, thẳng thắn, trong sạch, nặng lòng với quê hương. Những lúc giỗ tết, trong khi đàn bà con gái lo việc cỗ bàn dưới bếp Khương hay ngồi tiếp chuyện cụ, thân tình như con trai. Anh kể cho cụ về những ngày anh mới chân ướt chân ráo đến Paris, kinh thành ánh sáng, còn ngơ ngác hoang mang đã bị những cán bộ CSBV níu kéo mua chuộc bằng những phương pháp rất tinh vi. Những thành phần quốc gia nhưng thiên tả cũng có rất nhiều, họ thu phục đám thanh niên nhẹ dạ, dời quê hương khá lâu và không am tường về hiện tình đất nước, trong khi nhân viên của toà Đại Sứ VNCH lại quá lơ là, không để ý đến cuộc sống, đến sinh hoạt của sinh viên du học. Khương còn kể với cụ rằng có lần anh đã cùng nhóm sinh viên thuộc phe VNCH chính thức đối đầu với nhóm cán bộ Cộng Sản. Sau đó phe Quốc Gia cũng mời anh vào hoạt động chính trị với họ nhưng anh đã từ chối. 

Mới đây, một anh bạn học cùng thời với Khương, về giảng dạy tại Trường Y khoa, đang âm thầm thành lập Mặt Trận Phục Quốc
, có liên lạc và thuyết phục anh hợp tác. Anh đang phân vân giữa trách nhiệm với đất nước và trách nhiệm với gia đình. Bây giờ nghe tin này, cụ chưa biết mức độ nghiêm trọng cỡ nào. Khương bị bắt oan hay anh đã nhúng tay, hợp tác với tổ chức mà anh đã có lần kể với cụ. Nghĩ thương chàng rể lại xót xa cho con gái mình. Cụ chẳng biết nói sao, nhìn lên trần nhà, một con thạch sùng giương đôi mắt nhỏ, đen láy nhìn cụ như chia sẻ rồi tặc lưỡi, quẫy đuôi bò đi. 

Lan và Ngọc sửa soạn ra về thì cụ bà tay xách giỏ chợ bằng nilon có bó rau muống thò ra khỏi miệng giỏ, đẩy cửa bước vào đon đả: 

- Hai chị em sang chơi hả? Các con đến lâu chưa? 

Cụ như khựng lại: 

- Sao hai đứa mắt đỏ hoe thế này? Có chuyện gì vậy con? 

Như được khơi nguồn, Ngọc khóc nức nở, cụ bà chạy vội đến ôm cô con út. Ngọc được thể gục vào lòng mẹ tức tưởi. Cu Chou giương đôi mắt tròn xoe nhìn mọi người rồi cũng bật lên khóc oà. Sau khi nghe con kể rõ nguồn cơn cụ bà thở dài: 

- Hai chị em ở lại ăn cơm với bố mẹ, mẹ mới mua được miếng thịt thăn ngon tính làm ruốc, thôi để mẹ rim lên cả nhà ăn với rau muống luộc, nhà cũng còn lọ dưa muối. Từ từ ta tính. 

Cụ lập lại y như những lời Lan đã an ủi em, từ từ ta tính. 

Cơm nước dọn dẹp xong xuôi, con cháu ra về hết, hai cụ ngồi nhìn nhau buồn bã. Buổi sáng
, sau khi ghé khu chợ trời bán bớt một mớ quần áo cũ của Quân và Nga, hai người con bên Pháp, cụ bà đi ngang qua nhà Vinh, anh con trưởng. Căn nhà đã được trưng dụng, mặt tiền nhà đã là cửa hàng Hợp tác xã của phường chứa đầy cá khô. Đã gần ba tháng mà chưa có tin tức chính thức nào của con, hai cụ cũng rất nóng ruột. Cụ thương anh con trưởng hiền lành như đất, chọn nghề giáo, làm tròn bổn phận giảng dậy, uốn nắn thế hệ tương lai. Chị Vinh con nhà tử tế, bạn học với Lan, cũng nhà giáo nhưng lanh lợi hơn chồng, sanh được hai thằng con khỏe mạnh, đẹp trai, thằng lớn đã vào đại học, thằng em cũng sắp xong trung học. Cụ mừng lắm, sau khi gả chồng cho Ngọc, cô gái út cụ đã định bụng khi già yếu sẽ thu xếp về với nhà anh cả nhưng nay cớ sự thế này! Nghĩ đến Khanh, con trai Út, cụ lại thương, lấy vợ mấy năm trời, vợ còn đi học nên chả dám sanh đẻ, cô vợ vừa ra trường, mới mừng rỡ báo tin với cha mẹ là sắp được làm cha thì lại trời đất tai ương thế này, cho đến nay vẫn chưa tin tức. Cuộc sống của cụ từ ngày về nhà chồng êm ả, sanh sáu người con cứ đổi đầu, một trai rồi một gái, Vinh-Lan-Quân-Nga-Khanh-Ngọc. Nghĩ đến Ngọc cụ không ngăn được dòng nước mắt xót xa, một thân một mình với đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi, Ngọc làm sao chống chọi với đời. Cụ bàn với cụ ông sang bảo mẹ con Ngọc thu xếp về nhà bố mẹ mà ở, mà nương tựa với nhau.
 
                                                 ***

Lan là cô giáo của một trường Nữ Trung Học lớn tại Saigon, sau ngày 30/4 chị đến trường trình diện ngay và ghi tên xin đi dạy lại, mong được là công nhân viên, có công việc ở thành phố để gia đình khỏi bị đi kinh tế mới.

Sau những lớp học tập chính trị cho thông suốt chủ trương đường lốí cách mạng, chị được lưu dung nhưng phải đổi sang một trường Trung Tiểu Học nhỏ tại Quận Mười Một, hàng ngày phải gò lưng đạp xe từ Tân Định sang tuốt khu Chợ Lớn với đồng lương chết đói không nuôi nổi một miệng ăn. Vì sự thay đổi cả một ý thức hệ nên mọi sinh hoạt trong trường cũng đảo lộn. Đứng trên bục giảng nhìn lũ học trò lẫn lộn trai gái; áo quần luộm thuộm, nhơm nhếch; mặt mũi ngơ ngáo, bơ phờ. Xuống phòng giáo viên những khuôn mặt đồng nghiệp xa lạ, lạnh lùng, chẳng biết tư tưởng người khác như thế nào nên mọi người đều lặng thinh, ai cũng phập phồng lo lắng và chẳng biết tin ai mà tâm sự.

Anh Luận, chồng chị, đi học tập qúa một tháng vẫn chẳng có tin tức gì. Nhìn bốn đứa con còn nhỏ dại, Chương 16, Văn 14, Nhu 12, bé Út Hiền mới 9 tuổi, không biết tương lai chúng ra sao, cuộc đời mấy mẹ con chị trôi về đâu. Làm sao một mình chị có thể cáng đáng công việc vừa làm mẹ vừa làm cha, vưà phải kiếm tiền nuôi con, vừa phải có thì giờ theo dõi, dạy dỗ, giáo dục con trong thời buổi nhiễu nhương này.  Nhất là trẻ con ở lứa tuổi mới lớn, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh như bầy con của chị.

Đồng lương không đủ sống, Lan phải gom góp đồ đạc trong nhà, bán đi những thứ không cần thiết để lo tiền chợ. Ngày nay đi dạy học không mặc áo dài nữa, chị soạn mấy chiếc áo dài cũ và một số quần áo đã chật của các con bỏ vào chiếc giỏ cói đem ra chợ trời.
-     Cô ạ!
Giọng nói quen thuộc khiến Lan quay lại.
-     Cô, em không thấy cô lên trường ...em tưởng...Cô khoẻ không?
Nhìn con bé Liên, học trò cưng ở trường cũ rưng rưng nhận cô giáo, Lan cũng nghẹn ngào.
-     Cô chuyển trường khác.  Trường mình hồi này ra sao hả em?
Liên kéo Lan vào quán cà phê nhỏ gần đó
-     Em mới nghỉ học rồi cô ạ.
-     Em đang học Lớp Mười Một mà, còn chưa đầy hai năm nữa là hết bậc Trung học sao em không cố gắng cho xong?
-     Thưa cô, ba em đi học tập, chị em xong Tú Tài có được vào Đại học đâu cô, chị xin dạy lớp mẫu giáo ở gần nhà, không biết được bao lâu. Hai thằng em trai em chắc đến tuổi cũng phải đi nghĩa vụ.  Mẹ em cực quá, em quyết định ở nhà buôn bán kiếm tiền giúp mẹ em.
Lan thở dài:
-     Em là học sinh giỏi, bỏ ngang như thế này uổng qúa.
-     Học làm gì hả cô? Vào trường chỉ lo phấn đấu để được là đối tượng đoàn. Bọn học trò ngoài Bắc vào phần nhiều hỗn xược, thày cô cũng lo trăm thứ việc bên ngoài, tối ngày lo họp, lại còn phải vào những tổ sản xuất, thi đua lao động tốt để lập thành tích... học gì cô?
Rồi cô bé hạ giọng:
-     Em lo kiếm tiền, kiếm đường đi cô ạ.  Em không thể sống dưới chế độ này.
Nhìn Liên, Lan nhớ cô học trò giỏi, ngoan, hiền mà chị thương mến, nhớ hình ảnh cô học trò mắt sáng long lanh nhìn lên bục giảng. Bây giờ em mặc bộ bà ba đen, gầy gò, phờ phạc. Một nỗi xót thương dâng trào.  Chị nghĩ đến thân phận mình và chạnh nghĩ đến bầy con.  Không biết trong những tâm hồn non trẻ đó, chúng suy nghĩ những gì.
-     Cô muốn bán những thứ gì hả cô?
Liên hỏi, Lan hé chiếc giỏ cói cho Liên xem.
-     Cô đưa em, cô ngồi đây đợi em một chút em đem bán hộ cô.  Cô lạ mặt họ ép giá.
Nhìn con bé xách chiếc giỏ thoăn thoắt bước đi, ruột Lan như quặn thắt.  Chỉ một thoáng, Liên cầm chiếc giỏ không về, dúi một nắm tiền vào tay Lan cười ngỏn ngoẻn:
-     Em đứng luẩn quẩn ở đây, ai bán gì em mua, ai mua gì em bán cô ạ, em không có hàng quán nào hết, chạy hàng thôi.
-     Sao em giỏi thế?
Lan rút vài tờ giấy bạc đưa Liên:
-     Cám ơn em, cho cô gửi.
Liên ngậm ngùi:
-     Cô ơi, cô cầm lấy, nhìn cô mặc áo bà ba, đội nón lá, đạp xe đạp, phải đi bán cả quần áo cũ là em xót xa lòng dạ lắm rồi.  Cô về đi, khi nào cần gì cô cứ ra khu này là có em.

Thày trò nắm chặt tay nhau cùng ngăn dòng nước mắt chỉ trực tuôn trào.
Chia tay Lan, hòa mình vào dòng người xuôi ngược trong khu chợ trời, Liên không cầm được nước mắt. Hình ảnh cô giáo Lan mà Liên đã tôn thờ, yêu qúy thay đổi đến thế sao. Cô giáo Lan dịu dàng, áo quần luôn tươm tất, giảng bài rất rõ ràng, dễ hiểu. Cô luôn để ý, ân cần với tất cả học trò, uốn nắn từ lời ăn, tiếng nói, cách cư xử ở đời...Cô là thần tượng của biết bao thế hệ nữ sinh.  Cô ơi, chúng em vất vả, lam lũ thì được nhưng nhìn cô như thế này em không chịu được, đau lòng lắm, cô ơi.

Đạp xe đi giữa lòng phố Sài Gòn nắng gắt nhưng lòng Lan như tê buốt. Hôm nay gặp cô học trò cũ ở hoàn cảnh này khiến Lan nhớ lại bao sự việc đau lòng mà chị đã chứng kiến.  Một hôm nhìn thấy một thày giáo dạy cùng trường đang cong lưng đạp chiếc xich lô chở khách ngược chiều gió, Lan phải lảng ngay, tránh cảnh gặp gỡ bẽ bàng của hai nhà giáo. Chị biết ông thày đó có năm đứa con thơ mà đứa bé nhất chưa đầy một tuổi.  Chỉ có lương giáo chức không thôi thì làm sao nuôi nổi từng ấy miệng ăn, thương làm sao! Rồi một lần chị gặp một cô bé trạc tuổi thằng Chương đứng thút thít ở gần cầu xa lộ, cô bé nhìn thấy chị thì oà lên khóc gọi tên cô Lan, hoá ra cô cũng là học trò nơi trường cũ chị dạy. Hỏi chuyện mới biết cô đi buôn than từ Long Thành về, bị cảnh sát kinh tế bắt được nên tịch thu hết hàng hóa, may là không bị bắt giam. Khổ quá, đúng là tính quẩn tính quanh, buôn bán lời lãí bao nhiêu với một nhúm than nếu đi chót lọt! Tuổi các em phải đang ngồi trong lớp học, bồi đắp kiến thức để sửa soạn cho tương lai. Lan lại nghĩ đến học sinh nơi trường mới, chị dạy đệ nhị cấp nhưng trường này chỉ có tới lớp Chín nên chị được xếp dạy hai lớp Tám và Chín, ngày nào loa nhà trường cũng phát động chương trình “Kế hoạch nhỏ”, các em phải từng nhóm, mỗi đứa một cái túi và một đôi que tre, đi bới gắp từng mẩu giấy vụn, từng mảnh bao ni lông rách dưới đường, trong bãi rác, trong khe rãnh...Em nào muốn đạt danh hiệu “Dũng sĩ kế hoạch nhỏ” thì về nhà vét hết sách báo cũ, thậm chí ngay cả những cuốn sách giáo khoa còn tốt nguyên đem nộp. Đầu óc đâu để học, lúc nào cũng nghĩ đến việc thi đua để làm dũng sĩ, để làm anh hùng lao động... Phận giáo chức cũng thê lương không kém, thiên chức nhà giáo bây giờ không phải là uốn nắn, dạy dỗ, vun trồng những đứa trẻ trở thành những người hữu dụng sau này.  Những khóa học chính trị nhồi nhét như vẹt để rồi thày cô lại lập lại như vẹt với học sinh, dù chính trong thâm tâm nhà giáo cũng biết đó là những điều dối trá. Dưới mắt học trò thày cô cũng eo sèo khi chia nhau từng miếng thịt, từng xâu cá lúc có loa gọi xuống nhận nhu yếu phẩm. Rồi vì sinh kế thày cũng phải chạy xe ôm, ngồi đầu đường làm nghề vá lốp xe, sửa đồng hồ, bơm bút bi. Cô lo bán qùa ở cưả trường hay đi bán quần áo cũ như Lan hôm nay. Thì giờ đâu, tâm trí đâu lo chuyện giáo dục, dạy dỗ. Còn đâu hình ảnh tốt đẹp của thày cô cho học trò chiêm ngưỡng, noi theo.

Lan nhớ đến số tiền mới có mà chị đã cẩn thận bỏ vào túi aó trong, nghĩ đến các con, chị tự nhủ, chị sẽ trích ra một chút, vào chợ mua một miếng thịt quay và ít rau, chị sẽ luộc mớ mì sợi do chị mới đổi túi bột mì được mua phân phối hôm qua, đãi các con một bữa ăn cho tươm tất. Tội nghiệp hai thằng con trai đang sức lớn phải bóp mồm bóp miệng, ăn như chẳng đủ no vì chúng nó cũng ý tứ nhìn trước nhìn sau. Không có bánh hỏi thịt quay như ngày xưa nhưng các con chị cũng sẽ có mì sợi luộc thay cho bánh hỏi.  Chị sẽ pha một tô nước mắm thật ngon với rau sống đủ thứ,  các con chị có một bữa ăn cải thiện, mì luộc thịt quay ngon lành.

Đỗ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét