Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

SINGAPORE Xưa và Nay


Trải qua nhiều thập kỷ phát triển mạnh mẽ, Singapore vẫn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ, trồng thêm cây xanh, chấm dứt ô nhiễm nguồn nước, trở thành một quốc đảo hấp dẫn của Đông Nam Á.
Nhà thờ Hồi giáo Sultan ở phố Muscat được đặt tên theo Sultan Hussain Shah Johor. Ông có công đối với sự thành lập của Singapore hiện đại, khi ký hiệp ước với Sir Stamford Rafles, cho phép người Anh lập một cảng biển ở đây.
Theo hiệp ước, đất ở Kampong Glam được cấp cho Sultan và gia đình, ông đã xây dựng một nhà thờ hồi giáo bên cạnh cung điện của mình năm 1824. Đến nay, nhà thờ Sultan được coi như nhà thờ Hồi giáo quốc gia của Singapore.
Nhà thờ có phòng cầu nguyện sức chứa 5.000 người, được công bố là di tích quốc gia Singapore năm 1975 và được trùng tu năm 1993. Hiện nay, nhà thờ đang được trùng tu lần nữa. Ảnh trên là nhà thờ Sultan hiện nay, ảnh dưới  là nhà thờ năm 1981.
 
Kênh Rochor chảy qua nhiều khu vực trung tâm của Singapore như trung tâm thương mại Sim Lim, đường Sungei, Little India.
Hơn 30 năm trước, đây chỉ là một con kênh bốc mùi và đầy rác rưởi. Qua nhiều thập kỷ, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhiều căn hộ và trung tâm thương mại được xây dựng.
Ảnh trên là kênh Rochor chảy qua khu vực Selegie, Bukit Timah và Serangoon hiện tại, ảnh dưới là khu vực này năm 1979.
 
Câu lạc bộ Hạ sĩ quan (NCO) của Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) dọc đường Beach vốn là câu lậc bộ Britannia phục vụ quân nhân Anh từ tháng 12/1952 đến khi rút khỏi Singapore năm 1971.
Năm 1974, nó trở thành câu lạc bộ cho NCO của SAF. Hồi đó, các quân nhân có thể mua bia, thuốc lá miễn thuế, đồ điện tử, đồ gia dụng trả góp.
Năm 2001, câu lạc bộ chuyển địa điểm từ đường Beach tới tổ hợp thương mại bốn tầng Boon Lay Way và đổi tên thành Chevrons.
Ảnh dưới là câu lạc bộ Britannia năm 1952, ảnh trên là tòa nhà hiện tại.
 
Hàng trăm gia đình đã chuyển vào tòa B79 10 tầng ở Toa Payoh cuối những năm 1960. Hồi đó, để đáp ứng nhu cầu nhà ở của dân số ngày một tăng, Singapore nhanh chóng xây dựng những tòa nhà chọc trời. Hồi đó, một căn hộ ba phòng có giá khoảng 7.500 USD.
Lúc đó, Toa Payoh là thị trấn vệ tinh thứ hai của Singapore và là một dự án đầy tham vọng của Hội đồng Phát triển Nhà (HDB) nhằm cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho hơn 30.000 hộ dân.
HDB được thành lập dưới thời cố thủ tướng Lý Quang Diệu. "Chiến lược của tôi là biến Singapore thành một ốc đảo ở Đông Nam Á", ông Lý từng nói.
Theo Eco Business, trong những năm đầu của đất nước, hai phần ba dân số Singapore sống trong các khu ổ chuột, đường phố ngổn ngang rác, bụi bẩn và hôi thối. Để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, ông Lý và cộng sự quyết tâm giải quyết mọi khía cạnh của xã hội Singapore từ kinh tế đến nhà ở, y tế và môi trường.
HDB được thiết lập nhằm di dời cư dân các khu ổ chuột vào các tòa nhà cao tầng ở đô thị mới, xây dựng hệ thống thoát nước thay thế hệ thống cũ.
Toa Payoh trong tiếng Phúc Kiến và Malay có nghĩa là "đầm lớn". Cư dân thời đó sống chủ yếu trong các nhà chòi, một số bị cảnh sát áp chế kéo ra khỏi những túp lều dột nát khi xe ủi đất đến.
B79 lúc mới xây dài 296 m, là tòa nhà dài nhất Singapore, biểu tượng của sự thịnh vượng những năm 60. Tuy nhiên, nó đã bị phá hủy năm 2003, thay vào đó là 5 tòa nhà mới, cao 40 tầng.
 
Ánh hào quang tỏa ra xung quanh tòa nhà Nam Tin, hay còn gọi là khách sạn Great Southern ở khu Chinatown, nơi những ngôi sao nổi tiếng của điện ảnh Hong Kong và Trung Quốc đại lục thường đến ở.
Nam Tin nghĩa là "trời nam" trong tiếng Quảng Đông, là địa điểm hấp dẫn đối với nhiều nhà văn và họa sĩ. Công ty bất động sản Eu Yan Sang đã bán tòa nhà sáu tầng này cho tập đoàn Yue Hwa của Hong Kong năm 1992.
Sau đó, Yue Hwa đầu tư gần 100 triệu USD để biến nơi đây thành một trung tâm thương mại năm 1996, chuyên bán thuốc đông y Trung Quốc và sản phẩm y tế, đồ cổ và mỹ nghệ.
Ảnh trên là trung tâm thương mại Yue Hwa ngày nay, ảnh dưới là khách sạn Great Southern năm 1985.
 
 
Nhà hát Thủ đô mở cửa tháng 5/1930. Mặt tiền lõm vào trong nơi góc phố Stamford và North Bridge giao nhau là đặc trưng của nhà hát.
Được xây dựng bởi anh em nhà Namazie, doanh nhân người Ba Tư, tòa nhà được bán lại cho hãng phim Shaw năm 1946, và trở thành rạp chiếu phim hàng đầu tại Singapore những năm 50-60.
Hiện nay, tòa nhà đang được nâng cấp, trở thành một phần của tổ hợp liền kề Tòa nhà Stamford, một tòa nhà theo phong cách Victoria xây dựng năm 1904, trị giá 1,1 tỷ USD.
Ảnh trên là Nhà hát Thủ đô hiện nay, ành dưới là tòa nhà năm 1983.
 
 
Tòa nhà Maxwell được Sở Công chính Singapore xây dựng năm 1932, là văn phòng của Tổng cục Thuế và Hải quan, Văn phòng kiểm duyệt phim cho đến năm 1989.
Sau khi Tổng cục Thuế và Hải quan chuyển ra, tòa nhà được đặt lại tên là Nhà Trắng, và cho tư nhân thuê làm trung tâm thương mại trong vài năm.
Năm 2010, tòa nhà được đổi lại thành Maxwell, trở thành một trung tâm trọng tài quốc tế, được trang bị nhiều tiện nghi đẳng cấp thế giới.
Ảnh trên là tòa nhà Maxwell hiện tại, ảnh dưới là tòa nhà năm 1974.
 
Emerald Hill dọc đường Orchard từng là nơi ở của cộng đồng người Peranakan, tầng lớp trung lưu Singapore. Peranakan là thuật ngữ chỉ con cháu những người Trung Quốc thời Minh nhập cư vào Malaysia và Singapore thế kỷ 15-17.
Tòa nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, là tổ hợp kiến trung phong cách Âu-Á. Năm 1985, Emerald Hill được đổi tên thành Peranakan Place.
Ngày nay, đây là trung tâm phục vụ ăn uống nổi tiếng với khách du lịch và người địa phương, nằm gần con phố Orchard nhộn nhịp.
Ảnh trên là Peranakan Place ngày nay, ảnh dưới là tòa nhà những năm 80.
 
Những năm 1880, xe kéo được giới thiệu vào Singapore và phổ biến rộng rãi những năm 1900. Sau Thế chiến II, xe kéo bị thay thế bằng xe xích lô.
Đến năm 1929, xe buýt công cộng đầu tiên, chạy bằng dây điện đi vào hoạt động. Đến tận năm 1962, chúng vẫn là là phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Singapore.
Ngày nay, chúng được thay thế bằng những xe buýt hiện đại, hai tầng, có điều hòa mát rượi.
Tòa nhà bên trái là ga Jinrikisha, xây dựng năm 1903, nằm ở ngã ba đường Neil và Tanjong Pagar, từng là trụ sở đăng kiểm xe kéo. Năm 2007, ngôi sao điện ảnh Hong Kong Thành Long đã mua lại, biến nó thành tổ hợp quán rượu, karaoke, nhà hàng và văn phòng.
Ảnh trên là đường Tanjong Pagar hiện nay, ảnh dưới là con đường những năm 60.
 
MPH là tòa nhà ba tầng được xây dựng theo kiến trúc Anh thời Edward, nằm ở góc phố Stamford. Nhà sách MPH mở cửa năm 1908, là nơi đến yêu thích của nhiều thế hệ thích đọc sách của Singapore.
Năm 2001, tòa nhà MPH được bán lại cho Vanguard Interiors, trở thành một trường tư thục và hiện đang được Đại học Quản lý Singapore (SMU) thuê lại.
Ảnh trên là tòa nhà MPH hiện nay, ảnh dưới là tòa nhà năm 1983.
 
 
Cathay là rạp chiếu phim có điều hòa đầu tiên ở Singapore, mở cửa tháng 10/1939. Cao 79,5 m  với 16 tầng, đây là tòa nhà chọc trời đầu tiên của Singapore cho đến tận năm 1954.
Trong suốt Thế Chiến II, đây là đại bản doanh của chính quyền Anh và Nhật Bản. Chiến tranh kết thúc, nơi đây trở lại là rạp chiếu phim và khách sạn.
Khách sạn Cathay đóng cửa cuối năm 1970, trở thành một tòa nhà văn phòng. Năm 2000, nơi đây được trùng tu và mở cửa lại năm 2006, trở thành một tổ hợp rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm và nhà hàng.
Ảnh trên là Tòa nhà Cathay ngày nay, ảnh dưới là rạp chiếu phim Cathay những năm 60.
 
 
Cảng Clarke là bến đỗ bốc dỡ hàng hóa dọc sông Singapore từ những năm 1800. Bến cảng được đặt theo tên Sir Andrew Clarke, thống đốc Straits Settlements, vùng thuộc địa của Anh bao gồm Singapore, Penang và Malacca (Malaysia).
Dọc bến cảng là những cửa hiệu xây dựng theo kiểu Triều Châu. Trước năm 1977, sông Singapore bị ô nhiễm nặng nề. Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu lúc đó hạ quyết tâm làm sạch con sông trong vòng 10 năm.
"Chỉ có một con đường sống là giữ cho nước sạch, giữ cho mọi con sông, dòng suối, cái cống khỏi ô nhiễm. 10 năm nữa, chúng ta sẽ câu cá được trên sông Singapore và sông Kallang. Chúng ta phải làm việc này", ông Lý phát biểu tại một hội nghị tháng 2/1977.
Một kế hoạch 10 năm, bao gồm loại trừ nguồn gây ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nước sông được đặt ra. Kết quả là, sau 10 năm, sông Singapore sạch bóng ô nhiễm.
Ngày nay, cảng Clarke là một địa điểm ăn uống, vui chơi ban đêm nổi tiếng ở Singapore. Ảnh trên là cảng Clarke hiện tại, ảnh dưới là bến cảng những năm 1980.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét