Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Hòa giải, giấc mơ 40 năm của dân tộc - Luật sư Đặng Đình Mạnh SG

13 tháng 4 2015  
Biểu tình chống giặc ngoại xâm phương Bắc nhé? Vâng, nhưng dưới lá cờ nào nhỉ? Cờ đỏ hay cờ vàng? Cờ đỏ, hẳn là lá cờ rực sắc máu với ngôi sao vàng năm cánh hay cờ vàng ánh màu da vàng Á Đông với ba dải đỏ tượng trưng Bắc, Trung, Nam?

Cũng lạ, như một định mệnh trớ trêu, trong lá cờ đỏ lại có ánh vàng, trong lá cờ vàng lại có sắc đỏ, trong mình có ta, trong ta có mình, ta với mình đều là người Việt, mình với ta đều là đồng bào, ta với mình đều chống giặc ngoại xâm phương Bắc, nhưng mình với ta không đứng chung với nhau trong cuộc biểu tình! Và nếu buộc phải chiến đấu, liệu ta với mình có đứng chung trong một chiến hào không?
Tôi mơ hồ về câu trả lời, nhưng tôi sẽ chắc chắn hơn với câu trả lời “Có”, chỉ khi mà “ta” với “mình” đã có sự hòa giải với nhau!
Vâng, sự hòa giải đấy là vấn đề!

Nước Đức

Đối diện với mỗi vấn đề, tôi vẫn thường hướng sự suy nghĩ của mình bắt đầu từ quá khứ để biết các bài học của lịch sử. Nhưng với vấn đề hòa giải, tôi muốn bắt đầu câu chuyện từ nước Đức.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, tôi không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước tôi?
Không phải về một nước Đức phát xít của Hitler đã từng làm nhân loại kinh sợ, mà về một nước Đức thống nhất đã từng làm nhân loại phải ngả mũ kính phục. Chính là nước Đức thoát thai từ sau sự kiện bức tường Berlin bị phá bỏ năm 1989. Chính là nước Đức mà khiến tôi, một người dân nước Việt luôn luôn muốn một lần đến để chiêm ngưỡng. Chính là nước Đức mà khiến tôi, đã không thể đặt vô số câu hỏi tại sao khi đối chiếu với những vấn đề của đất nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, tôi không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước tôi? Nhưng tôi tin rằng nhờ đó, nước Đức đã không mất đi nguồn chất xám cực lớn và quý báu từ một nửa quốc gia còn lại, xã hội không bị xáo trộn và cũng không phải đau đáu về việc phải hòa giải với các cựu thù hàng mấy thế hệ, mà nay tất cả đang là những đồng nghiệp với nhau, cùng kề vai sát cánh phụng sự trong chính quyền nước Đức, vì quyền lợi dân tộc Đức.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, tôi có thể hiểu tại sao người dân Đông Đức cũ không chọn con đường đào thoát, tỵ nạn ra nước ngoài như người dân đất nước tôi! Và tôi tin rằng, hàng triệu người dân nước Đức đã không phải phiêu lưu đánh đố số phận của mình trên những chiếc ghe nhỏ giữa đại dương, với vô vàn bất trắc: bão tố, sóng biển, cá mập, hải tặc, tù đày và kể cả điều xấu nhất là cái chết trước khi đến được bến bờ mong muốn. Nhờ đó, nước Đức không phải đối diện với sự ly tán hiện hữu dai dẳng trong lòng người dân nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, tôi không rõ tại sao và như thế nào mà họ lại có thể chấp nhận một người vốn xuất thân là một đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Đức thuộc Đông Đức cũ, nhưng chỉ 15 năm sau khi thống nhất, thì người này đã có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên và trẻ nhất đắc cử vào chức vụ Thủ tướng đầy quyền lực của nước Đức thống nhất? Tôi đã thầm nghĩ, nếu người phụ nữ tài trí kiệt xuất này sống ở đất nước chúng tôi, Bà có thể đã có một tương lai rất khác, khi mà đất nước chúng tôi sau ngày thống nhất vẫn còn nguyên đó sự dè dặt trước những người có lý lịch không tương thích với chính quyền và trong quá khứ đã từng có chính kiến rất khác biệt với chính quyền.
Tại sao và tại sao? Trả lời những thắc mắc đó, tôi nghĩ mình có thể trả lời cho con cháu của tôi biết lý do tại sao ông cha của chúng hiện nay phải kêu gọi hòa giải mối bất hòa có từ những thập kỷ năm mươi và một lần nữa vào thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, giữa những người Việt có chung giòng máu Lạc Hồng, sinh từ cùng một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ?

Chia cắt

Giữa thập kỷ năm mươi, năm 1954, không phải là một quốc gia bại trận như nước Đức, trái lại, người Việt chúng tôi vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến không cân sức nhưng với tư cách là một quốc gia chiến thắng, nhưng phần thưởng cho người chiến thắng không vinh quang như chúng tôi thường nghĩ, thường thấy, mà cũng lại là sự chia cắt đất nước như nước Đức bại trận!
Giữa thập kỷ bảy mươi, năm 1975, sau cuộc chiến khốc liệt dai dẳng kéo dài hằng hai thập kỷ, trả giá bằng sinh mệnh của nhiều triệu đồng bào, cuối cùng đất nước của chúng tôi cũng có được thống nhất dưới bánh xích xe tăng nghiến trên đường phố Sài Gòn. Nhưng kể từ ngày ấy cho đến nay đã gần tròn 40 năm, đất nước tôi thống nhất nhưng lòng người dân nước tôi chưa bao giờ thống nhất!
Sự chia cắt lòng người đau đớn lắm, nó làm thân thể người mẹ Việt xanh xao yếu ớt, như vết thương mãi rỉ máu, chẳng bao giờ biết liền sẹo.
Rõ ràng, “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, trong những thời khắc quyết định của lịch sử, nếu sự lựa chọn là “chia cắt” thì có thể nào sẽ cho ra kết quả là “đồng tâm”?
Vẫn có những tồn tại không mong muốn hiện hữu ảnh hưởng đến sự liên kết, đoàn kết giữa cộng đồng người Việt, biểu thị sự chia rẽ khá lớn.
Sự chia cắt không chỉ trong phạm vi Bắc – Nam, Quốc gia – Cộng sản, Hải ngoại – Quốc nội … mà nhiều khi, còn là sự chia cắt nội tại giữa những chủ thể với nhau, như Quốc gia với nhau, Hải ngoại với nhau và Quốc nội với nhau…
Ở hải ngoại, sống trong những quốc gia phương Tây vốn có truyền thống hết sức cởi mở và tôn trọng quyền tự do lập hội, nên cộng đồng người Việt đã lập nên vô số hội đoàn để sinh hoạt, giữ gìn mối dây liên kết đồng hương với nhau, có nhiều hoạt động hướng về cố hương! Bên cạnh điều tích cực ấy, vẫn có những tồn tại không mong muốn hiện hữu ảnh hưởng đến sự liên kết, đoàn kết giữa cộng đồng người Việt, biểu thị sự chia rẽ khá lớn. Tôi thường đọc thấy những thông tin phản ảnh tình trạng bất ưng như thế nhan nhản trên các trang tin của cộng đồng người Việt, từ những cá nhân, tổ chức hội đoàn lên tiếng phê phán, đả kích, thậm chí phủ nhận nhau cho dù các tuyên bố về cứu cánh của họ trùng khớp nhau. Cứu cánh là xu hướng chống chế độ Cộng sản trong nước thì người đả kích cho rằng mình mới là chống cộng chính hiệu, đối thủ là chống cộng giả hiệu, chống cộng “cuội” hay “cò mồi” là đâm sau lưng chiến sĩ! Như đảng Việt Tân chẳng hạn, cho dù họ bị chính quyền đương thời ở Việt Nam xem như tổ chức phản động, khủng bố! Cũng tương tự như thế với Đài truyền hình SBTN hay Trung tâm Asia mang đến cho khán giả của họ tinh thần “chống cộng” đến “sặc sụa”, nhưng lời phê phán họ quyết liệt vẫn có từ những cá nhân, tổ chức tuyên ngôn rằng mình cũng “chống cộng”!
Và rồi, bất kể là những trang tin công khai cho công chúng đọc, nhưng những đối thủ cùng dòng máu Việt không ngại ngần tặng xối xả cho nhau những từ ngữ thường dùng trong đời thường khi không còn bình tĩnh! Ở đó, một phần người Việt ở hải ngoại có vẻ đang phô bày sự chia rẽ, khiến tôi chỉ ước mong rằng có ai đó chỉ giáo cho tôi biết mình đã có sự đánh giá nhầm lẫn!

Biểu tình cũng chia rẽ

Điều lo nhất khi mà những sắc thái, khuynh hướng đó cứ mong “tiêu diệt” nhau để độc chiếm sân khấu, độc quyền lòng yêu nước … không còn sự đồng tâm, nhất trí và hiệp lực.
Ở trong nước, tuy luật pháp cũng có quy định những chuẩn mực về quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu chính kiến, nhưng có nội hàm khá khác biệt so với các quốc gia phương Tây, và biểu tình là một trong những cách biểu thị quyền tự do ngôn luận ấy. Trong số ít các cuộc biểu tình tự phát hay được tổ chức trong nước với sự mặc nhiên chấp nhận của chính quyền, thì mọi người cũng dễ dàng nhận thấy bộc lộ sự chia rẽ trong một đoàn biểu tình. Có thể cuộc biểu tình có cứu cánh chung là phản đối Trung Quốc xâm lược, nhưng từng cá nhân, từng nhóm tham gia lại mang theo vào cuộc biểu tình những toan tính rất khác nhau, chính các biểu ngữ và cách tham gia bộc lộ điều ấy. Bên cạnh các biểu ngữ phản đối Trung Quốc, thì cũng có các biểu ngữ ca ngợi Đảng Cộng sản, chế độ đương quyền hay ông Hồ Chí Minh, hoặc yêu cầu trả tự do cho những người đang bị giam cầm, đả kích bán nước, đả kích tham nhũng … các nhóm tìm cách để biểu ngữ của mình che chắn các biểu ngữ của nhóm khác, hoặc giật mất các biểu ngữ, biểu tượng của các nhóm khác chính kiến.
Có vẻ như trong lòng người Việt hiện nay, hầu như có đủ các sắc thái, khuynh hướng chính trị trên thế giới, từ cực tả, trung tả, tả, đến hữu, trung hữu hay cực hữu, như một quả lắc đồng hồ dao động không ngớt, lắc lư từ thái cực này đến thái cực khác. Nhưng điều đó không đáng lo, mà điều lo nhất khi mà những sắc thái, khuynh hướng đó cứ mong “tiêu diệt” nhau để độc chiếm sân khấu, độc quyền lòng yêu nước … không còn sự đồng tâm, nhất trí và hiệp lực, điều tối cần thiết để tất cả mọi người Việt đang quan tâm đến vận mệnh quốc gia có thể thở phào rằng chúng ta đã có một sự đoàn kết, đã cùng đứng chung dưới một lá cờ hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Thế hệ trẻ sẽ hòa giải thực sự?
Ngẫm lại, quả là chúng ta đã từng có một Hội nghị Diên Hồng chói lọi trong lịch sử đoàn kết dân tộc vào thời Trần, nhưng suốt bốn ngàn năm lịch sử cho đến nay, hình như chúng ta cũng chỉ có mỗi trang sử vẻ vang nhưng lẻ loi ấy?
Chìa bàn tay hòa giải với người Việt hải ngoại, nhưng chưa bao giờ chế độ đương thời ở Việt Nam có động thái gì thực hiện sự hòa giải với người Việt quốc nội, những người có quan điểm về xây dựng và bảo vệ quốc gia khác với chế độ, họ thường tự gọi mình nhẹ nhàng là “bất đồng chính kiến”, nhưng chế độ thì đội cho họ chiếc mũ rộng vành hơn và xa xỉ hơn là “phản động”.
Khi hòa giải chưa xác định đúng và đủ đối tượng, chưa trở thành một hành vi được nỗ lực thực hiện hàng ngày, trong từng hành động, trong từng suy nghĩ, nhất quán, với tất cả sự thành thật, phục thiện và khiêm nhường … thì hòa giải chỉ là câu chuyện có tính trà dư, tửu hậu, có tính chất cơ hội, tái xuất và nở rộ vào dịp cuối tháng tư hàng năm, rồi để đó.
Hòa giải như là một chàng hoàng tử đẹp trai trong giấc mơ của cả Tấm và Cám, nhưng nếu dì ghẻ của Tấm đi làm sứ giả kết nối giấc mơ với đời thực thì có vẻ ta đã biết trước kết quả câu chuyện.
Hoặc giả, sau 100 năm kể từ thời điểm 1975, khi những con người đã từng là đạo diễn, diễn viên và khán giả của câu chuyện chia cắt lòng người khuất bóng, thì có thể con cháu của họ sẽ ngồi lại với nhau để viết nên trang sử mới của dân tộc, trang sử không còn bóng dáng của sự chia rẽ trong lòng người Việt.
Như cô Tấm mong có Ông Bụt, tôi mong dân tộc tôi có một phép mầu…
Đ.Đ.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét