Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Gió mới cho ngày 30/4 - BBC

2015 đánh dấu 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam
Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) là cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Theo tôi, ước mơ cho một cuộc sống tốt đẹp và một tương lai tươi sáng của người Việt Nam khắp ba miền đã bị lợi dụng bởi những chính trị gia với những con bài chủ nghĩa xã hội hay tự do dân chủ. Khởi đầu từ những ước muốn được thay đổi, người dân Việt đã chọn những con đường khác nhau để đi tới ước mơ đó. Nhưng những ước mơ đã bị đánh cắp. Những tương lai hứa hẹn đã được thay thế bằng những nỗi đau, những mất mát, những hận thù truyền đi nhiều thế hệ, những kỳ thị và phân biệt tồn tại qua hai thế kỷ.
Tôi là một du học sinh Việt Nam chưa đầy 18 tuổi, sinh ra trong một nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa bởi một gia đình Việt Nam Cộng Hòa. Tôi có những người ông đứng cả hai bên chuyến tiến trong cuộc nội chiến đó. Tôi cũng có những người bà trở thành góa phụ, một mình chèo chống nuôi nấng các con. Tôi có những người bạn có bố làm công an cho chính quyền hiện tại. Tôi cũng có những người bạn có bố vượt biên và bị bắt bỏ tù.
Ngày 30 tháng 4, tôi nên có cảm tưởng gì đây?
Ai đúng, ai sai, ai gây ra cuộc chiến, v.v. là chuyện của lịch sử. Mà lịch sử thì luôn có tranh cãi, và tranh cãi được tạo ra bởi con người. Khi người ta vẫn khư khư ôm lấy niềm tin của mình một cách tuyệt đối như một tâm linh tính ngưỡng, cuộc tranh cãi sẽ không có hồi kết. Cuộc nội chiến hai mươi năm có thể trở thành một cuộc khẩu chiến một ngàn năm. Cuối cùng chúng ta, những người Việt Nam, sẽ được gì? Nên nhớ rằng khi chúng ta lỡ tay dùng tay cầm búa đánh vào ngón tay cầm đinh thay vì cây đinh, cái tay cầm búa sẽ buông búa ra và xoa vào cái tay cầm đinh chứ tay cầm đinh không giật cây búa lại để trả thù. Đừng thay nhau giành lấy cây búa để tự làm đau mình, hãy cùng nhau tìm cách làm sao cho tương lai Việt Nam được huy hoàng.
Câu hỏi cấp thiết nhất mà chúng ta cần giải đáp là làm gì để phát triển Việt Nam thành một con hổ của châu Á và giải quyết hằng hà các vấn đề chướng tai gai mắt mà chúng ta đã nghe đi nghe lại đến phát chán từ báo đài.
Cải cách tư duy thế hệ trẻ bằng những cách làm khác?
Giới trẻ Việt Nam là chìa khóa. Giới trẻ là mục tiêu. Đa số giới trẻ không quan tâm chính trị, họ không quan tâm tự do dân chủ, không quan tâm Đảng và nhà nước, không quan tâm quyền bầu cử, không quan tâm kinh tế vĩ mô.
Giới trẻ thích thời trang, thích xem hài, thích chân dài, v.v. Vì sao? Chính trị quá chán. Chính trị là việc của những ông già thích nói, nói, nói và nói. Nói liên miên, nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện đâu đâu, chuyện không liên quan gì tới giới trẻ cả! Nói chuyện chính trị kiểu Đảng và nhà nước thì ai cũng đã nghe đầy tai rồi. Nói chuyện kiểu khác thì nhiều bạn trẻ coi là phản động, rồi tạo ra một mớ lùm xùm chửi nhau inh ỏi trên Internet.
Muốn đánh thức giới trẻ khỏi cảnh thờ ơ chính trị phải làm đúng cách. Thứ nhất là tin chính trị phải thiết thực. Thứ hai là phải vui và hấp dẫn. Thứ ba là càng súc tích càng tốt. Thứ tư là phải khách quan và trung lập.
Điều mà giới trẻ quan tâm là việc làm. Việc làm gắn liền với giáo dục và kinh tế. Nếu những vấn đề về việc làm cho nhiều đối tượng từ sinh viên đại học cho tới công nhân trẻ sẽ giúp họ quan tâm hơn về hệ thống giáo dục và nền kinh tế.
Một điều nữa là vấn đề ăn uống, sức khỏe của Việt Nam. Đây là điều báo chí lề phải có thể làm được để giúp thay đổi tình hình. Nếu các vị cứ tiếp tục đăng và nhấn mạnh tính trầm trọng của những vấn đề về ăn uống, thực phẩm với thuốc trừ sâu quá nhiều, v.v. cùng với những lời bình luận là chính phủ thiếu những cơ quan khách quan, hiệu quả, và những luật bảo vệ người tiêu dùng như những nước khác. Giới trẻ sẽ lên tiếng và chính phủ phải hành động.
Một điều quan trọng không kém để phát triển giới trẻ là phải cải cách tư duy của họ, cho họ tiếp cận thông tin, kiến thức nhiều nguồn, và phải có hệ thống thư viện hiệu quả toàn quốc.
Phải tạo cho người Việt Nam có tư duy phê phán, phải biết sử dụng nhiều nguồn để tìm hiểu, xác minh thông tinh chứ không thể mãi nghe theo một chiều và tin ngay vào nó được. Khi nghe thông tin thì họ phải thắc mắc về nguồn thông tin, số liệu được thống kê bởi ai, khảo sát bao nhiêu người. Khi đọc một bài bình luận thì họ phải thắc mắc tác giả là ai, có trình độ chuyên môn, hiểu biết tới cỡ nào, khách quan cỡ nào.
Các nhà yêu nước nên tài trợ các khóa huấn luyện tư duy này. Các nhà dịch thuật hãy dịch những sách kinh doanh, kinh tế, khoa học, công nghệ, lối sống, tư duy từ những tác giả phương Tây càng nhiều càng tốt. Các trang báo lớn hãy tạo một mục giới thiệu sách như các tờ New York Times, Wall Street Journal, Guardian vẫn thường làm. Hãy sử dụng diễn viên, ca sĩ, danh hài để giới thiệu và bình luận sơ bộ về sách. Chúng ta cần có hệ thống thư viện toàn quốc với sách hay, sách mới cập nhật. Có thể thực hiện một thư viện trực tuyến với ebook để tiết kiệm chi phí.
Có như vậy mới truyền cảm hứng và điều kiện công bằng cho mọi người trẻ Việt Nam có thể tiếp xúc với các nguồn tri thức khác nhau để khám phá và theo đuổi đam mê của mình khắp các ngành nghề từ khoa học-kỹ thuật tới công nghệ, truyền thông, hay kinh doanh nghệ thuật.
Có như vậy thì Việt Nam mới phát triển để trở thành một nơi đáng sống, một đất nước đáng tự hào và xứng với tiềm năng của mình.
Chuyện ngày 30 tháng 4 chúng ta có thể quay lại bàn sau cũng đâu có muộn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét