1. Đầu 1969, một năm sau Tết Mậu Thân, tôi được lệnh dẫn nửa Đại đội 202 CTCT, từ Bà Gi (Qui Nhơn) ra Bồng Sơn, xa độ 115 km, biệt phái công tác Tâm lý chiến, Dân sự vụ cho Trung đoàn 40, đóng tại Đệ Đức, cách quận Bồng Sơn 3 km, theo chiến dịch “Bình Định Phát Triển” do Sư đoàn 22 BB phát động. Địa điểm công tác là vùng Bắc Bình Định, gồm các xã thuộc chi khu Hoài Nhơn (Bồng Sơn) và quận lỵ Tam Quan, bị giặc Cộng cưỡng chiếm một thời gian, trong và sau trận Mậu Thân, và đã được quân ta giải tỏa. Nhưng ban đêm du kích vẫn lẻn về quậy phá, tuyên truyền, bắn tỉa, gài lựu đạn, đặt mìn, phục kích giết hại lính và thường dân.
Đại đội tiền phương của chúng tôi được chia làm hai toán, chỉ huy bởi hai chuẩn úy, hàng ngày, thay nhau lội theo một cánh quân Trung đoàn, hoặc bay trên trực thăng của Sư đoàn I Không Kỵ Hoa Kỳ (gọi tắt 1st Cav), thỉnh thoảng cùng với một toán Dân sự vụ Mỹ, đến những thôn ấp xa xôi và nguy hiểm. Trực thăng thả (các) toán xuống, và hẹn giờ đến đón. Có khi chở về bệnh xá quận hay trạm quân y Trung đoàn vài cụ già ốm nặng, hoặc vài em bé trúng mìn và lựu đạn do VC gài, hoặc, có lần, một cô gái bị chúng đâm lòi ruột, vì có bồ là “lính ngụy”. Tại đây, các toán tập hợp dân chúng, khám bệnh, phát thuốc, đôi khi phát tập vở, giấy, bút, kẹo bánh cho trẻ em, đồng thời, bắc loa kể tội VC, yêu cầu đồng bào không chấp chứa bọn chúng, hoặc kêu gọi con em “thoát ly” trở về với chính nghĩa quốc gia. Dân Bình Định nói chung, và Bồng Sơn nói riêng, tính tình hiền hòa, dễ mến. Tuy nhiên, ai cũng biết rõ rằng, khi quân ta rút đi, du kích theo bóng đêm trở về. Có khi du kích lại là chồng, con của những người được khám sức khỏe buổi sáng.
Ngoài công tác Tâm lý chiến, Dân sự vụ, Sư đoàn đặt ra kế hoạch “thanh lọc”, tức phân chia dân thành hai loại: theo quốc gia, và theo VC, hoặc có
Một quân nhân thuộc toán Dân sự vụ 1st Cav đang bồng một em nhỏ bị thương lên trực thăng
thân nhân theo VC. Trong ba ngày, trực thăng Mỹ và xe Trung đoàn chở về sân đình Bồng Sơn một số đối tượng “khả nghi” từ những xã mất an ninh. CTCT chúng tôi được giao nhiệm vụ lo chỗ tạm trú cho họ trong thời gian ngắn hạn: làm vệ sinh, quét dọn chung quanh, vét giếng, dựng lều dã chiến, phân phối chiếu, mùng, mền, đồ hộp và thực phẩm tươi, tất cả đều do Ban 5 Trung đoàn chở đến. Ngoài ra, còn liên lạc với bệnh xá Quận, Trung đoàn 40 và 1st Cav, để chăm lo phần sức khỏe. Việc thanh lọc dân chúng do những chuyên viên thuộc BTL Sư đoàn, hay Trung đoàn, phối hợp với Chi khu, làm việc mỗi ngày, ngay tại sân đình.
2. Một buổi trưa, tôi đi công tác trở về, cùng với Đại úy cố vấn Smith, trên chiếc trực thăng của 1st Cav –chở thêm một số đồng bào cần thanh lọc. Tôi quen Smith, năm 1967, khi dẫn một toán CTCT của Đại đội 203 Ban Mê Thuột xuống tăng phái cho Tiểu đoàn 4/44/23, đóng tại quận Thiện Giáo (Phan Thiết), mà ông là Trung úy cố vấn, giúp gọi trực thăng Mỹ tải thương.
Đi ngang qua sân, tôi thấy một nhân viên của tổ thanh lọc, mặc quân phục, nhưng không đeo phù hiệu, cấp bậc, người mập lùn, tướng hung ác, đang quát tháo, đấm đá vào mặt, ngực và thân thể của một thiếu phụ, tuổi độ 20, mà về sau tôi mới biết là vợ của một du kích xã, tay bồng đứa con sơ sinh đang khóc ngất, trong khi một Thiếu úy, chắc là tổ trưởng, ngồi ở bàn, giương mắt ngó, không ngăn cản. Lần duy nhất trong đời làm lính CTCT, tôi gặp phải một trường hợp nghiêm trọng và khó xử. Quá bất mãn, tôi đến giải thích cho viên Thiếu úy hiểu rằng “chúng ta có thể tra hỏi lý lịch, nhưng không có quyền đánh dân như thế”, và yêu cầu anh ta bảo thuộc cấp ngưng hành vi thô bạo này. Anh ta vẫn ngồi yên, có lẽ coi thường tôi. Lúc ấy không có sĩ quan nào cấp cao hơn để kịp thời nhờ can thiệp. Cố vấn Smith chỉ đứng quan sát. Tôi bèn tiến về phía gã nhân viên và can đừng đánh nữa. Nhưng gã liếc xéo tôi, thách thức: “Việc gì đến ông? Ông xê ra chỗ khác chơi cho tôi làm việc.” Nghe câu nói hỗn xược, và thực sự lo lắng cho người thiếu phụ, tôi liền rút súng Colt, lên đạn, kê vào màng tang gã, rít lên: “ĐM, anh mà đánh chị ta một cái nữa, tôi bắn anh nát óc.” Thấy mặt tôi hầm hầm và đám lính CTCT đứng vây quanh tôi, như che chở, gã cũng ớn, chùn tay. Cũng may. Bởi vì, sau này nghĩ lại, tôi phân vân tự hỏi, và chưa có câu trả lời, giả sử lúc ấy gã cứ tiếp tục, liệu tôi có “bắn nát óc” thật không, hay chỉ dọa?
Hình lấy từ Thiên Anh Hùng Ca Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Phạm Phong Dinh, nxb Vinh Danh, 2004, Canada, t. 121. Khúc sông Lại Giang này có lẽ thuộc một xã của Hoài Nhơn. Tác giả ca ngợi công tác của ĐĐ 202 CTCT tại Bồng Sơn, năm 1972, t. 123.
Đại úy Smith và một trung sĩ y tá Mỹ cùng tôi đến bên thiếu phụ, xem xét những vết thương: gương mặt trái xoan rất đẹp của chị bầm tím, và cúc áo sút ra, để lộ một bên vú sưng tấy lên, đỏ ửng. Viên y tá lấy tay ấn nhẹ vài chỗ, chị mím môi chịu đau. Anh lắc đầu, nói với Smith và tôi: “Sưng không phải vì cú đá của gã, mà vì, có lẽ, bị ung thư”. Thái độ của chị lạnh lùng, căm phẫn. Tôi bảo y tá Đại đội, trung sĩ Thám, đưa hai mẹ con vào lều, rửa bằng cồn những vết bầm, bôi dầu, và cho uốngaspirine giảm đau. Bấy giờ, chị mới quay nhìn tôi, lí nhí “cám ơn ông Thiếu úy”. Sau khi hội ý với Smith, tôi đích thân lái xe jeep, cùng với Thám đưa hai mẹ con đến bệnh viện Bồng Sơn, nhờ bác sĩ và y tá chăm sóc đặc biệt. Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại chị, nay không biết sống chết ra sao, cũng không biết cả tên của chị.
Một tháng sau, Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Văn Hiếu, một vị chỉ huy nhân từ, đức độ, ra Trung đoàn 40, để họp đúc kết công tác đợt I, cùng với các sĩ quan tham mưu SĐ và TĐ. Trung úy Phan Nhơn, đại đội trưởng ĐĐ 202 CTCT, xếp trực tiếp của tôi, và bạn anh, Trung úy Văn Khiết (chủ nhân Phở Văn, Portland, bây giờ), đại diện Phòng I SĐ, cũng từ Bà Gi theo ra. Trong buổi họp, một ông đại úy lạ hoắc, béo phì, đứng lên tố khổ Đại đội CTCT tăng phái công tác “không tích cực, không hữu hiệu”, để dân theo du kích, còn tôi đòi “bắn bỏ cán bộ thanh lọc”, cản trở công việc… May cho tôi, trước đó, Smith đã báo cáo vụ đánh dân cho BTL/SĐ và bênh vực phản ứng rất ư “cao bồi” của tôi. Bị chơi đòn bẩn, tôi nóng mặt, liền giơ tay, xin phép trả lời. Với giọng cương quyết, tôi tự biện hộ, đại ý:
- Đại đội chúng tôi đã cố gắng làm việc một cách đúng đắn, chu đáo, để giúp đỡ dân chúng tối đa với những phương tiện tối thiểu. Nếu ban đêm du kích về, và dân theo du kích, đó không phải lỗi, đúng hơn không phải trách nhiệm, của một đơn vị CTCT tăng phái nhỏ bé như chúng tôi. Bản thân tôi không bao giờ dám cản trở công việc của ai. Tuy nhiên, là một sĩ quan CTCT, tôi có nhiệm vụ can thiệp, cực chẳng đã, bằng cách này hay cách nọ, khi thấy một người dân bị ngược đãi. Theo thiển ý, đánh đập dân, dù bởi ai và ở đâu, dù họ theo ta hay theo địch, mà lại phụ nữ có con nhỏ nữa, là sai trái đối với chính sách, đường lối của CTCT, vô tình làm mất chính nghĩa của quốc gia và quân đội ta…
Nghe xong, Chuẩn tướng Tư lệnh nhìn tôi chăm chú, khẽ gật đầu, và nói:
- Tôi đã được Ban 5 TĐ 40, sĩ quan cố vấn, và Sư đoàn I Không Kỵ báo cáo rằng Đại đội CTCT tăng phái có nhiều cố gắng trong công tác và Thiếu úy chỉ huy làm việc rất tích cực.
3. Ra Bồng Sơn độ nửa tháng, một buổi chiều cuối tuần, tôi được Chuẩn úy Hoàng, phụ tá và bạn thân của tôi, rủ xuống phố Bồng Sơn, vào một tiệm giải khát, đông nghẹt lính tráng, để uống bia. Xong, anh đưa tôi lên lầu, đến trước một căn phòng và gõ nhẹ cửa. Một giai nhân xuất hiện, trong ánh nắng chan hòa hắt qua song cửa sổ trên một bờ tường, nhuộm vàng mái tóc. Thơ Thơ. Nàng và tôi cùng sững sờ, đứng nhìn nhau, bất động. Giây lâu, nàng mới “mời hai anh” ngồi chơi. Và nói, có lẽ cho tôi, rằng nàng đã mãn khóa Sư phạm và được bổ nhiệm ra dạy tại trường Tiểu học Bồng Sơn. Hoàng cười, hả hê: “Mình muốn dành cho hai người một sự ngạc nhiên kỳ thú, cho nên không báo cho bên nào biết trước cuộc tái ngộ… lịch sử này!”
Tái ngộ? Sáu tháng trước, tôi quen Thơ Thơ tại trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lần đầu, được Hoàng, anh họ của nàng, đưa đến gặp. Rồi từ đó, như bị tên độc của thần Ái Tình Cupidon, cuối tuần nào tôi cũng lái xe, cùng với Hoàng, từ Bà Gi xuống thẳng trường Sư Phạm. Chỉ để ngắm lại đôi mắt huyền mơ và nghe lại tiếng cười trong trẻo của nàng. Nàng ở nội trú, mặc dù mẹ và chị cả, mà chồng là Thiếu tá Tiểu khu Bình Định, có căn nhà ngoài phố. Mỗi lần gặp nhau, tôi và Hoàng thay phiên mời nàng đi ăn tối. Với gương mặt đẹp, dáng cao thanh thoát, rất duyên dáng, và giọng Huế Thành Nội tao nhã, ngọt ngào, nàng hớp hồn tôi, đúng hơn, bỏ bùa mê, làm cho ra ngẩn vào ngơ. Tuy nhiên, mặc dù tôi đã trổ hết nghề ăn nói, mặc dù có Hoàng tình nguyện làm nội tuyến, bơm tôi lên mấy tầng mây, và có Giám Học của Trường là anh bạn Thanh Sinh Công một thời khá thân ở Sài Gòn, nằm vùng bất đắc dĩ, nhắm mắt để tôi chở nàng đi chơi, đôi khi quá giờ, mặc dù đã một lần Hoàng đưa tôi và nàng chung xe đi thăm trại Cùi Qui Hòa, cách Qui Nhơn 10 km, viếng mộ Hàn Mặc Tử, thi sĩ ruột của nàng, mặc dù tôi không thuộc loại sứt cán gãy gọng gì, mà cuộc tình đơn phương vẫn chẳng đi tới đâu. Nửa năm rồi, vẫn giậm chân tại chỗ. Ánh mắt vẫn thản nhiên, vô tư, nàng chỉ xem tôi như một đồng đội của ông anh họ. Hoàng quả quyết nàng chưa có người yêu. Nhưng tôi không tin. Trong tình trường, tôi không kiên nhẫn, hay thông minh, đủ để nhận biết những tín hiệu thầm lặng từ “người đối diện”, hoặc để nhớ câu châm ngôn Latin thời Trung cổ: Tình yêu và cơn ho không giấu được (Amor tussisque non celatur). Quá mệt, tôi bỏ cuộc, thôi gặp nàng. Kể cả trước ngày dẫn Đại đội CTCT ra Bồng Sơn...
Gặp lại tôi, sau mấy giây ngỡ ngàng, Thơ Thơ lại vẫn vui vẻ, cười nói như không, như trước, như thường. Cho đến một lúc, nàng nhìn sâu vào mắt tôi, hỏi nhỏ: “Sao anh không từ giã em trước khi ra đây?” Vì tự ái, hay khờ dại, tôi quên rằng có yêu mới có trách, và tiếp tục im lặng, giữ nguyên bộ mặt đưa đám, lạnh tanh, hờn dỗi, từ lúc gặp lại nàng. Nhưng tự đáy tâm can, tôi thấy thương và lo cho nàng bơ vơ, thân gái dặm trường, giữa chốn ba quân, sống trên một quán nhậu. Lại còn sợ mất nàng về tay một gã si tình “lì đòn” hơn. May có Hoàng, “giám hộ” hợp pháp. Tôi đề nghị Hoàng bữa nào cùng đi tìm một tư gia gần trường có cho thuê phòng. Một tuần sau, hai đứa tôi đến giúp nàng dọn về nhà mới, kín đáo, và an toàn.
Một hôm, Đại đội rảnh, vì Trung đoàn 40 và Sư đoàn I Không Kỵ bận phối hợp hành quân diệt địch tại thung lũng An Lão, không cho CTCT đi theo, sợ vướng chân. Được Thơ Thơ mời, tôi và Hoàng đến thăm trường của nàng. Trường ốc khang trang, rộng rãi, hiệu trưởng và thầy cô đều trẻ trung, cởi mở, nhưng học sinh đa số con nhà nghèo, thiếu thốn đến cả giấy, bút, tập vở. Hai đứa tôi bỏ tiền túi, nhờ Phan Nhơn khi có dịp, mua gửi ra cho hai thùng bút, giấy, kẹo bánh và sô-cô-la, cộng thêm một ít tặng phẩm còn dư từ những chuyến công tác tại các xã, rồi chở đến dưới danh nghĩa Đại đội nhờ trường phát cho những em nghèo. Xem như một công tác Dân sự vụ, chứ chẳng phải lấy lòng nàng mà tôi biết chắc vẫn trơ trơ, không thể lay chuyển nổi, như hồi ở Qui Nhơn. Tôi chẳng hiểu sao. Mất cả lòng tự tin cố hữu.
Nhất là sau một bữa, ngồi một mình chuyện trò với nàng, trong phòng trọ, và sực nhớ lời Hoàng xúi dại mấy hôm trước, bằng cách nói khích, “lính tráng phải đánh mau, đánh mạnh, chiến tranh biết sống chết lúc nào”, lại còn đọc câu thơ của Xuân Diệu: Mau với chứ, vội vàng lên với chứ / Em em ơi tình non đã già rồi, tôi bất thần nắm đại bàn tay nàng, siết mạnh. Bị tấn công bất ngờ, nàng thoáng bối rối, mặt đỏ dần, và cố rút ra, một cách yếu ớt, miễn cưỡng, lại hỏi nhỏ: “Anh Thanh làm cái chi mà lạ rứa?” Câu nói như một phát súng ân huệ. Quê độ, tôi buông tay, xin lỗi. Và mất hứng, đứng lên, ra xe, rồ máy lao vút đi, không chào nàng.
Tôi đến bờ sông Lại, ngừng xe bên cầu, ngồi yên trên ghế, trầm ngâm, thở dài. Thất tình, khổ sở còn hơn anh con trai mới lớn, yêu lần đầu. Nhớ cá c mỹ nhân đã đi qua đời, chưa thấy ai làm khó tôi như nàng. Dưới cầu, dòng nước vẫn trôi đi, lặng lẽ. Trôi đi, như bao cuộc tình không may. Như mối tình si vừa chết, tức tưởi. Tự dưng nghe vang vọng những lời thơ buồn bã của Apollinaire: Passent les jours et passent les semaines / Ni temps passé / Ni les amours ne reviennent / Sous le pont Mirabeau coule la Seine... Qua đi những ngày và qua đi những tuần / Thời gian qua rồi / Và những cuộc tình đều không trở lại / Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi mãi... Tôi ngước nhìn cây cầu Bồng Sơn mà từ nay tôi sẽ đổi tên thành “Le pont Mirabeau”, và Lại Giang, thành “Dòng Sông Tương Tư”. Lơ đãng ngắm những cụm lục bình lững lờ trôi trên dòng nước, mang theo bóng chiều tím ngát, mà thấy lòng tái tê. Tự hứa sẽ không đến gặp nàng nữa. Dứt khoát, không bao giờ nữa
Lại Giang, Dòng Sông Tương Tư, dưới cầu xe lửa (cf Internet)
Thấm thoắt mà đã qua đi ba tháng công tác. Việc thanh lọc chấm dứt, dân chúng được trở về quê quán. Chiến dịch “Bình định Phát triển” vẫn tiếp tục. Nhưng Đại đội tôi không đi theo Trung đoàn hay Sư đoàn I Không Kỵ đến các xã thuộc chi khu Hoài Nhơn nữa, mà được lệnh chuyển hướng công tác, tùy nghi, tự túc, vào quận lỵ Tam Quan, phía Bắc Bồng Sơn, nơi Trung đoàn cho biết khá thiếu an ninh. Mỗi ngày, tôi dẫn hai toán CTCT trên hai xe dodge đến những địa điểm, mà tôi chỉ thông báo vào phút chót. Yêu cầu Chi khu yểm trợ an ninh tại chỗ, nhưng lính địa phương quân, theo tin tức, thỉnh thoảng cũng bị du kích bắn sẻ giữa ban ngày. Tôi không cho toán nào đi quá xa trung tâm thị trấn, tức cái chợ nhỏ, có nhiều quán nước, dưới chân chùa Tam Quan, và dặn hai trưởng toán phải thường xuyên liên lạc với nhau bằng máy PRC 25 và trong khi làm việc phải cử một người canh gác. Tam Quan có đặc sản nước dừa ngon tuyệt, và các cô gái đẹp như tiên sa, ăn nói ngọt xớt, dễ thương, tóc xõa đen tuyền, da trắng như trứng gà bóc –là nguồn cảm hứng cho bài hát trữ tình nổi tiếng của Đan Thọ: Anh về qua xóm nhỏ / Em chờ dưới bóng dừa / Nắng chiều lên mái tóc... Tôi dặn anh em, đa số còn trẻ, đề phòng mỹ nhân kế. Nội dung công tác vẫn không thay đổi. Đoạn đường Bồng Sơn–Tam Quan chạy dọc theo đường rầy xe lửa với những mô đất đắp cao hai bên, dài chỉ độ 7 km, mà rất nguy hiểm, vì, theo lời người dân, VC thường ra nằm phục kích. Bởi vậy, cứ khoảng ba giờ trưa, trời còn nắng, tôi đã tập họp hai toán, cho về Đệ Đức, xe chạy xả hết tốc lực, súng chĩa hai bên, sẵn sàng nhả đạn, trong tư thế tự bảo vệ. Được một tháng bình yên, vô sự, vài anh lính bắt đầu chê tôi nhát. Tôi chỉ cười, không trả lời.
Nửa tháng sau, Trung úy Võ, Đại đội phó 202 CTCT, ra thay tôi, và tôi trở thành một trưởng toán, trong khi chờ ngày trở về Bà Gi nghỉ ngơi và nắm trung đội Chính Huấn không ai trông coi. Hầu hết quân nhân trong Đại đội Tiền phương cũng được hoán đổi, đi phép. Võ hiền lành, dễ mến, ít nhậu, ít cười đùa. Tôi bàn giao Đại đội cho Võ cùng tất cả chi tiết về địa điểm, nội dung công tác và tình hình an ninh. Rồi mỗi ngày hai toán, gồm nhiều nhân sự mới, tiếp tục đến Tam Quan. Một ngày như mọi ngày. Bình thường, êm ả, nếu không muốn nói đơn điệu, nhàm chán. Nhất là đối với riêng tôi, đang buốt nhói bởi vết thương lòng chưa khỏi. Suốt một tháng, tôi cố ý không gặp Thơ Thơ, cũng không hỏi Hoàng tin tức về nàng, mặc dù, một lần, anh buột miệng nói, “trông em buồn lắm, tội nghiệp”. Tôi nghe, cảm động, mà cố làm ra vẻ dửng dưng. Tự ái giết chết tình yêu?
4. Một chiều thứ sáu, lúc ba giờ, hai toán kết thúc công tác sớm hơn thường lệ. Tôi nhắc Võ cho anh em về ngay. Nhưng anh bảo, không sao đâu, cứ đi trước, chừng nửa tiếng nữa anh sẽ dẫn toán thứ hai theo sau. Tôi chào từ giã, trở lại Đệ Đức. Đang nằm nghỉ, đọc sách, lai rai lon bia lạnh với thịt hộp, thì khoảng bốn giờ một anh lính CTCT hớt hải chạy vào báo tin:
- Thiếu úy ơi, toán của Trung úy Võ bị phục kích...
Tôi giật mình, hỏi dồn:
- Có sao không? Ở đâu? Lúc nào?
- Chết ba người và Trung úy bị thương. VC phục kích tại bờ ao, bên đường rầy xe lửa, gần cổng Trung đoàn...
Vừa mặc vội bộ quân phục, thắt vội dây giày, tôi vừa báo cáo qua máy cho sĩ quan trực Ban 3 Trung đoàn, và xin xác nhận nguồn tin. Rồi lái chíếc dodge của toán tôi ra cổng, chở theo Hoàng và vài quân nhân với đầy đủ vũ khí và lựu đạn. Trời tối nhanh. Nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập quanh chiếc ao, khá rộng. Khi tôi đến, Trung úy Võ đã được đưa về trạm xá, băng bó vết thương ở cánh tay, rất may, không trúng xương. Chiếc xe gặp nạn bị bắn nát bên phải, lật ngửa, nửa dưới nước, nửa trên bờ. Xe jeep chở Võ bể lốp. Những kẻ sống sót bị một phen hú vía. Nghe kể, từ trên xe, có vài anh em nhanh chóng bắn trả, khiến bọn du kích rút lui. Xác của ba quân nhân tử thương, tuy ngồi ở ba vị trí khác nhau, không hiểu sao lại lọt chìm chung dưới lòng ao. Đó là binh nhất Nguyễn Văn Dũng, tài xế, 19 tuổi, quê Quảng Ngãi, Trung sĩ Hồ Hiếu, toán viên, hiền lành, người Quảng Trị, vợ con ở khu gia binh Phú Tài, và Thượng sĩ Trần Hữu Nhơn, trưởng xa, người Huế, vui tính, có vợ và một đàn con nhỏ, đặc trách chương trình phát thanh của Tiểu đoàn 20 CTCT tại Qui Nhơn, lần đầu đi công tác xa với Đại đội. Tôi bảo Hoàng ở lại hiện trường, còn mình vào trại gặp sĩ quan trực Trung đoàn, xin một tốp thợ lặn ra vớt xác ba tử sĩ, và một tốp khác giữ an ninh. Ông đồng ý, nói sẽ điều động họ đi ngay, đồng thời cho hai xe GMC ra ao, nổ máy, bật đèn pha sáng rực. Tuy gấp rút, tôi cũng ghé qua bệnh xá, thăm Trung úy Võ. Xa xa, từ phía ao, vọng lại tiếng súng của một tiểu đội thuộc TĐ đang truy kích VC, và theo báo cáo sau này, đã bắn hạ hai tên. Khi tôi trở lại ao, chiếc dodge đã được kéo lên bờ, và ba thợ lặn vớt được hai xác. Còn một, không thấy đâu. Trưởng tốp lặn nói: “Đêm tối và nước đục, kiếm hoài không thấy, sáng mai tụi em sẽ lặn tiếp”. Tôi hết sức lo lắng, năn nỉ họ tiếp tục, vì để xác chết dưới ao dù chỉ qua đêm, tôi nói, sẽ tội lắm.
Cuối cùng, họ chịu ở lại, cố gắng tìm một lần chót. Còn tôi, từ bờ đất cao, để nguyên quần áo và giày trận, phóng xuống ao –mà tốp lặn cho biết là khá sâu, không sợ đầu va vào đáy. Hụp lặn một hồi, tôi chợt thấy, tại một góc gần bờ, lờ mờ hai chấm đen lay động theo mặt nước. Bơi đến nơi, thì hóa ra hai lùm cây nhỏ, lá cành đan kín. Có một anh lính cũng bơi về cùng hướng. Quả thật, xác thứ ba, vốn nhỏ con, nằm kẹt ở giữa. Các thi hài, sau đó, được quấn bằng poncho, đặt trên ba băng-ca, và chở về nhà xác.
5. Lúc ấy, đã gần mười một giờ đêm. Lên bờ, quần áo ướt sũng, tôi thấy Hoàng, sĩ quan trực Đại đội, đang đứng với ai như Thơ Thơ –thon gọn trong chiếc quần jeansxanh và áo pull trắng. Hoàng dẫn nàng đến bên tôi, và nói: “Thơ Thơ đi xe lam ra, và gặp mình ở đây. Bây giờ mình bàn giao em cho Thanh để vào trại, sắp xếp công việc canh xác”. Hoàng vừa đi khỏi, tôi chưa biết xử trí ra sao với tình huống quá bất ngờ thì nàng bước tới, ôm chầm lấy tôi, nép đầu vào vai, òa khóc như mưa. Tiếng nàng nức nở: “Nghe tin Đại đội anh bị VC phục kích, em điếng hồn. Em lo sợ cho anh, cho các anh. Em ra đây tìm anh...” Tôi đưa tay vuốt nhẹ lưng mềm, nói “cám ơn em”. Úp mặt trên dòng tóc đầy hương, mượt êm, nghe rộn rã biết bao là mộng về từ những ngày dài thiên thu không thấy nhau, cô đơn, hờn giận. Rồi ôm nàng trong vòng tay, như muốn giữ chặt tình yêu câm nín, đêm ấy, đã theo bước chân nàng chợt đến, òa vỡ cùng với niềm đau ngập hồn...
Trời đã vào khuya và gió lạnh. Quần áo tôi chưa kịp khô, và đôi giày còn đọng nước. Mọi người tản mác ra về, trừ vài anh lính thu dọn quanh ao. Tôi bảo Thơ Thơ:
- Giờ này hết xe lam, mà thị trấn đã đến giờ giới nghiêm. Hay là em ở lại trại với anh?
Nàng vừa nói “dạ” thì Hoàng từ đâu xuất hiện, gọi:
- Mời hai ông bà lên mẹc-xe-dodge vô trại.
Đến cổng, anh nói với trung sĩ trực biết tôi, nhưng chưa hề gặp nàng:
- Đây là vợ Thiếu úy Thanh, nghe tin Đại đội chúng tôi gặp nạn, ra tìm, bây giờ khuya quá, không về lại Bồng Sơn được. Xin anh cho bà vào trại.
Nghe Hoàng nói dối trơn tru, nàng nắm tay tôi và cả hai nhìn nhau, mỉm cười trong bóng tối. Vào gian phòng được cấp riêng, theo yêu cầu của tôi, cho Đại đội biệt phái –mà tôi muốn sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ sinh hoạt và ăn ở chung. Nghĩa là, trong một bối cảnh xấu hơn, sống và chết có nhau.
Hoàng sắp đặt, Thơ Thơ sẽ ngủ trong giường xếp nhà binh của tôi, sát tường, với đống gối, chăn, màn bừa bộn, còn tôi sẽ nằm kế nàng, trên chiếc giường của Hoàng nhường cho. Thay bộ đồ ướt, và lo xong mọi chuyện, tôi xuống nhà xác, tình nguyện canh gác luân phiên, như những người khác. Nàng muốn đi theo tôi, viếng ba quân nhân quá cố. Không khí u trầm, lạnh lẽo. Một bàn thờ dã chiến nhỏ, đơn sơ, với một bát hương và những ngọn nến, cọng nhang đang tàn lụn. Thơ Thơ tiến đến, lấy đốt hai cây nhang, một cho nàng, một trao cho tôi, để cùng cắm vào bát hương. Rồi mủi lòng, nàng đứng im, lệ hoen khoé mắt. Còn tôi ngậm ngùi, nguyện cầu các anh nếu linh thiêng phù hộ cho tất cả anh em được an lành trong suốt thời gian công tác còn lại và sau này. Mười phút sau, theo lời tôi dặn, Hoàng đến, đưa Thơ Thơ về nghỉ. Rồi đúng ba giờ sáng, anh trở lại, thay tôi gác xác. Về phòng, tôi đến bên giường, thấy nàng có vẻ ngủ say, hơi thở nhẹ, sau cơn xúc động mạnh từ chiều, đôi môi hồng hé mở, bình an và đẹp tựa trẻ thơ. Tôi kéo tấm chăn đắp ngực nàng, và hôn phớt lên trán, nàng hơi cựa mình...
Hôm sau, thứ bảy, là một ngày bận rộn của Đại đội và riêng tôi, được lệnh ở lại vô thời hạn, chỉ huy thay Trung úy Võ về hậu cứ dưỡng thương. Sáng sớm, tôi nhờ Hoàng chở “vợ Thiếu úy Thanh” về phố. Lúc tạm biệt, nàng khẽ nói: “Cám ơn anh yêu. Từ nay, có anh bên đời, em không còn sợ hãi điều gì nữa, và em sẽ có đủ nghị lực chống chọi với mọi gian truân, thử thách”. Tôi hẹn, chiều mai ra gặp lại nàng. Đồng thời, xin Trung đoàn cho xe chở quan tài của Nhơn và Hiếu về Qui Nhơn, có Võ và một số quân nhân tháp tùng. Còn Dũng được mẹ, chị gái và hai đồng đội cùng quê Quảng Ngãi nhận xác, đưa về bằng xe đò. Ngoài ra, còn phải cắt đặt cho một toán, do Hoàng hướng dẫn, xuống công tác tại một xã thuộc Hoài Nhơn, thay vì ra Tam Quan, nơi mà mọi hoạt động tạm thời đình chỉ bởi lệnh của TĐ.
6. Năm giờ chiều Chúa Nhật, ngày nghỉ của Đại đội. Đúng hẹn, tôi đến thăm Thơ Thơ và đưa nàng ra cầu Bồng Sơn–Mirabeau và Lại Giang–Dòng Sông Tương Tư của tôi, để mở cửa hồn nhau, trút bao nỗi niềm. Không gian thoáng mát, tĩnh mịch và thơ mộng hơn căn gác trọ quen thuộc của nàng, hay những tiệm ăn, quán nước ồn ào, mịt mờ khói thuốc. Xa xa, lác đác, vài quân nhân, chắc cũng muốn tránh không khí xô bồ của phố thị, tản bộ với người yêu, tay trong tay. Ngừng xe, tôi chọn một phiến đá nhỏ, bằng phẳng, gần cầu, ẩn sau một tàn cây lớn. Hàng liễu chung quanh tỏ vẻ ghen tuông, cùng rũ xuống, xì xào nhỏ to với nhau điều gì, rồi cùng đong đưa theo mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua, như trêu ngươi. Vốn cẩn trọng, tôi không quên đặt, trong tầm tay với, khẩu carbine tự động, báng xếp, lắp sẵn băng đạn và mở chốt an toàn. Vừa khuất xa những cặp mắt tò mò, cả hai đã vội vã ôm ghì lấy nhau. Nàng khóc, như trong đêm trùng phùng tại bờ ao, lần này bởi tình yêu, hạnh phúc vô ngần. Cuống quýt tìm môi nhau, khát khao, đắm đuối. Tôi hôn lên mắt nàng, uống giọt lệ còn đọng rèm mi, long lanh. Nàng nghẹn ngào:
- Em xin lỗi đã làm anh hiểu lầm. Nhưng anh cũng ác lắm. Giận em, anh ra đi không nói một lời, bỏ em vò võ một mình. Em chờ anh lại đến thăm em từng ngày, từng đêm, mà anh nào có hay. Em yêu anh, em nhớ anh vô vàn, từ những ngày đầu gặp gỡ ở Qui Nhơn, mà sao anh không biết chi hết?
Chiều Bồng Sơn mênh mông, xanh thẫm. Gió từ mặt sông lùa qua làn tóc rối. Tôi ngước nhìn lên không trung, tưởng thấy muôn ngàn tinh tú lấp lánh, vui mừng. Nhắm mắt, mơ một vì sao xinh đẹp nhất, tinh khiết nhất buổi chiều hôm ấy đã bỏ trời cao, lạc xuống trần gian, đến khóc trên bờ vai tôi. Như đã ngủ vùi đêm nào bên ngực anh chàng mục đồng tốt phước, trong truyện “Les étoiles” của Alphonse Daudet –mà tôi từng yêu thích.
Tôi dìu nàng ngồi xuống. Cả hai im lặng, lắng nghe tiếng chiều buông, chầm chậm. Những tia nắng vàng nhảy múa trên sóng nước lao xao như muốn kéo thêm thời gian sưởi ấm cho tình yêu từ một thuở đợi chờ quá lâu. Như trong bài serenata “Rimpianto” (Tiếc nuối), nhạc Toselli, lời Ý, đã được Phạm Duy phổ thành bản “Chiều tà” bất hủ –làm ngất ngây với những lời van vỉ thiết tha gọi tình yêu đến. Tôi đề nghị, và nàng khẽ hát, giọng cao vút: Quì dâng dưới nắng phai mờ, bên gối ơ thờ... Chiều êm êm đưa duyên về người... Người hỡi, hãy đến bên tôi nghe lời xao xuyến như chuyện thần tiên... Niềm mơ xưa là đó... Rồi tựa sát vào lòng tôi, nàng thì thầm kể lể tiếp những câu tự tình đê mê, run rẩy trong chiều dần phai. Của bài serenata đó, hay từ trái tim nàng, dành riêng cho tôi?
Một lúc sau, nàng vừa xoa tay lên ngực tôi vừa tỉ tê:
- Ôi! hạnh phúc biết bao được yêu anh và được anh yêu. Hãy hứa với em rằng anh không bao giờ giận em nữa, rằng anh sẽ không chết, anh không được chết. Anh phải sống cho tình ta, cho em, cho ngày mình thành duyên vợ chồng, cho những đứa con tương lai của chúng ta.
Dịu dàng, tôi đáp:
- Anh u mê và tự ái quá, đã không hiểu gì cả, không muốn hiểu gì cả. Anh thề sẽ không bao giờ giận em nữa. Anh hứa sẽ không chết...
Rồi chỉ xuống dòng nước miên man, tôi hỏi:
- Em có biết anh đã đặt tên con sông Lại Giang là gì không ?
- Làm sao em biết?
- Dòng Sông Tương Tư. Lần nắm lấy bàn tay em, em không chịu, anh buồn giận bỏ đi, ra đây ngồi một mình, nhớ em. Lúc đó, không đúng nghĩa tương tư, vì tư là nhớ,tương là nhau, nhớ nhau, nhưng anh đơn phương nhớ, bởi em đâu có bao giờ nhớ anh. Bây giờ, tên ấy mới hoàn toàn đúng nghĩ a.
Nàng mỉm cười, quàng vai ôm tôi, âu yếm hôn lên má, lên môi, và nói:
- Không, lúc nào cũng vẫn đúng nghĩa, vì lúc nào em cũng nhớ anh mà. Nhớ anh suốt đời và cả bên kia đời nữa, nếu một mai... Anh tin em không?
Sau đó, ngắm từng đôi chim lượn vòng trên không và ríu rít rủ nhau bay về dãy núi xa mờ, nàng chớp mắt, nói một hơi, như đã chuẩn bị từ lâu:
- Em nhớ anh. Nhớ cả mùi phong sương trên áo anh. Nhớ cả tóc anh bay theo gió bềnh bồng, những lần anh đến thăm em. Nhớ cả dáng dấp và nụ cười vừa hồn nhiên, vừa khinh bạc, vừa lãng mạn. Nhưng yêu nhau trong chiến tranh, nghĩa là trong âu lo, tan vỡ, chết chóc, em thấy khổ quá, hả anh? Em muốn, ngoài tình yêu tuyệt đỉnh, chúng ta sẽ dâng hiến trọn vẹn thân xác cho nhau chỉ sau khi đất nước thanh bình. Em muốn mình có nhiều con, nhưng không muốn chúng phải sinh ra trong cảnh ngộ của những đứa trẻ bạc phước, tội nghiệp, mà em nghe kể, đã đạp phải lựu đạn và mìn chông của du kích xã ấp trên đồng ruộng, phải chở vào bệnh xá, hoặc như bé gái mồ côi bị thương kia, không người thân thích, chỉ muốn được ôm một lần trong đời thôi, và đã gục chết trong cánh tay anh, máu ướt đỏ ngực áo trận, thảm quá! Bây giờ đã trao cho anh môi hôn si mê đầu đời, em tự xem là vợ anh rồi. Nhưng em muốn đêm tân hôn thần tiên của mình không bị phiền nhiễu bởi tiếng đại bác rền vang, bởi ánh hỏa châu rực sáng, bởi bước chân hoảng sợ của đoàn người chạy loạn tả tơi. Em nghe radio nói hòa đàm Paris đã khai diễn. Hai đứa mình còn trẻ, có thể chờ ngày thanh bình ấy đến, chắc không lâu nữa. Ngày mà chiến chinh sẽ dứt, tiếng súng sẽ im, nước mắt sẽ khô, nỗi đau sẽ cạn, vành tang trắng sẽ thôi quấn trên tóc xanh của biết bao chinh phụ và con thơ, ngày mà bi thương sẽ biến mất trên quốc gia Miền Nam yêu quý của ta –luôn bị quân thù VC dã man, vô tổ quốc, khiêu khích, xâm lăng. Riêng em không bao giờ quên thảm họa Tết Mậu Thân do chúng gây nên cho xứ Huế của em và gia đình em, không bao giờ có thể tha thứ...
Tôi gật đầu, ra chiều đồng ý. Nàng tiếp, như chuyển đề tài:
- Anh có biết tại sao buổi chiều nào em không muốn anh nắm giữ bàn tay em? Vì em linh cảm lúc ấy anh có thể tiến xa thêm, và em tự biết, nếu để lâu hơn, sẽ không cưỡng nổi đam mê, thèm muốn... Em yêu anh, nhưng luôn xem tình yêu là món quà tuyệt diệu của Thượng Đế, chỉ ban cho loài người. Những sinh vật khác không có, mà chỉ nhu cầu xác thịt tự nhiên. Em nâng niu tình yêu cao vời ấy. Làm khác đi, nghĩa là buông theo dục vọng, tình yêu sẽ mất vẻ đẹp thần thánh, sẽ héo úa như đóa hoa lìa cành, sẽ rất tầm thường. Anh sẽ chán em, chúng ta sẽ chán nhau, vì còn chi nữa mà dành cho nhau?
- Anh hiểu chuyện lúc ấy. Còn bây giờ?
- Bây giờ thì em đã cắt nghĩa cho anh rồi. Anh không phản đối, và em không sợ anh buồn em. Gìn vàng giữ ngọc cho hay / Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời. Thơ Kiều đó. Em chắc chàng Kim cũng bực mình, giống anh.
Tôi bật cười, ghẹo nàng:
- Chứ sao! Nàng Kiều ngăn cản chàng, theo bản năng tự vệ, hoặc lễ giáo. Cô giáo Thơ Thơ của anh cũng thế, hoặc còn hơn thế, vì mang thêm “bệnh” lãng mạn, trân quý một tình yêu lý tưởng, thanh cao, platonique –kiểu Laure và Pétrarque, Béatrice và Dante, Iseult và Tristan của văn chương thế giới, Loan và Dũng, Lan và Ngọc trong Nhất Linh và Khái Hưng...
Nàng ngắt lời, đáp nhanh:
- Nhưng em đâu quá lý tưởng như họ... Anh biết mà!
- Anh biết. Bởi vậy, bên em, anh thấy mình hạnh phúc nhất trần đời. Họ không bàn chuyện lấy nhau, sinh con, không hề nắm tay nhau, nói chi ôm hôn nhau. Họ là siêu nhân, không có nhu cầu. Họ yêu trong cảnh thanh bình, thơ mộng, đâu biết thảm kịch của những người phàm chúng ta –ngụp lặn trong chiến tranh triền miên, hối hả tìm nhau từng giờ, từng ngày, yêu nhau trong nỗi chết cận kề, và nhất là luôn bị dằn vặt, như triết gia Platon viết, bởi trận đấu gay go giữa lý trí và thể xác. Tuy nhiên, em nói có tình có lý, anh chịu thua. Hùng hồn, không khác gì ông thiếu úy chỉ huy Đại đội CTCT...
Nàng cũng cười theo:
- Nhưng em sẽ không bao giờ học được cái tính ngang tàng, bất cần đời và, trong một nghĩa nào, hào hùng của ông ấy. Của anh. Chuyện anh che chở, bảo vệ, bằng mọi giá, người thiếu phụ có chồng du kích, trước đây, đã được anh Hoàng, và vài cô bạn, kể lại cho em nghe. Em yêu anh vì lòng chính trực, tính khẳng khái, và hãnh diện về anh bởi phản ứng đúng lúc và đúng đắn, bởi thái độ hiên ngang, luôn ngẩng cao đầu, bất chấp mọi áp lực…
Nửa tháng sau buổi tâm sự bên Dòng Sông Tương Tư, tôi vĩnh biệt Bồng Sơn, giã từ Thơ Thơ, trở về Bà Gi cùng với Đại đội tiền phương. Công tác dân sự vụ hoàn tất, Đại đội đưọc trao bằng tưởng lục, ba tử sĩ, Phan Nhơn và Võ được lãnh Anh dũng bội tinh, riêng Võ có thêm Chiến thương bội tinh.
Tất cả đều xứng đáng. Còn tôi nhận được một huy chương quý giá nhất, đối với tôi: Thơ Thơ và tình yêu cao đẹp của nàng.“Vì anh đã có em”, tôi nói. Một tháng sau, nàng xin năm ngày phép, về Qui Nhơn thăm tôi, nhưng ở nhà bà chị. Mẹ nàng, một Phật tử, nhìn tôi không mấy thiện cảm, và tuyên bố, qua lời kể của Hoàng, rằng “mệ không muốn Thơ Thơ kết hôn với người khác đạo và không phải người Huế miềng [mình]”. Nhưng nàng nói, nhất quyết sẽ không yêu ai, lấy ai ngoài tôi. Mỗi chiều, tôi từ Bà Gi xuống, ghé thăm và đón nàng đi ăn tại các nhà hàng quen trên đường Gia Long, Võ Tánh, và dọc bờ biển, rồi đến nghe nhạc ở quán kem Tuyết Trắng, hoặc thăm bạn bè chung. Đêm cuối cùng, ngồi trên bãi cát, nhìn ánh trăng vằng vặc mà thề nguyền, nếu trời đất thương và duyên kiếp ràng buộc, sẽ thành vợ chồng
và sẽ yêu nhau cho đến lúc răng long đầu bạc. Cả hai ngầm bảo nhau, ráng đợi một thời gian ngắn nữa thôi, và phải phấn đấu lắm với chính xác thân, không đưa nhau vào motel, mời mọc, cám dỗ, vì cả hai tự biết sẽ không giữ nổi lời hứa chờ đến “đêm tân hôn thần tiên”. Mãn phép, nàng trở lại Bồng Sơn. Còn tôi bất ngờ nhận lệnh thuyên chuyển đến Đại đội 204 CTCT Nha Trang, quê tôi, rồi sau đó, đi Phnom Penh, trong Phái Đoàn Liên Lạc Quân Sự trực thuộc Bộ TTM, rồi lên trường Đại Học CTCT Đà Lạt cho đến ngày mất nước. Trong thời gian ấy, nàng cũng đổi đi Kon Tum. Bao nhiêu chuyện đời xảy đến. Xa nhau, ôi nhớ sao là nhớ! Những bức tình thư đều đặn gửi đến nhau, đầy ắp yêu thương, thở than nỗi cô đơn ngút ngàn, vì thiếu nhau. Một lần, nàng viết lên lời nuối tiếc, như từ trong tiềm thức, trái ngược với thái độ gìn vàng giữ ngọc bấy lâu: “Phải chi lúc ấy em cho anh hết. Phải chi em có một đứa con với anh, để bây giờ em bớt lẻ loi.” Lần khác, nàng hẹn đi Nha Trang, ra mắt “cha mẹ chồng của em”.
Hai năm sau, tại Phnom Penh, 1971
Nhưng rồi chiến tranh mỗi ngày mỗi leo thang, từ khi Hiệp định Paris được ký kết. Những trận đánh ác liệt diễn ra tại Cao nguyên, Ban Mê Thuột, Pleiku, và Kon Tum của nàng. Đường giao thông tắt nghẽn, xe đò trúng mìn VC, phi trường bị pháo kích, việc đi lại gian nan. Tin nhạn, cũng như những lời hẹn ước, đứt đoạn, thưa dần, và màu thư bắt đầu phai úa, theo tình hình chiến sự bi đát và khoảng cách càng lúc càng tăng trong không gian và thời gian –là những thủ phạm tàn nhẫn, đồng lõa làm chia lìa lứa đôi.
7. Tám năm sau, cuối 1976, tình cờ tôi gặp lại Hoàng, cùng khổ sai lao động trong một trại tù cải tạo miền Bắc, trên một con đường rừng. Hai đứa quăng vội bó nứa, để ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, không thốt nên lời. Hoàng quá xúc động, mắt đỏ hoe. Tôi hỏi tin về Thơ Thơ và những người quen. Sau một phút, chờ cho tâm hồn lắng đọng, Hoàng mới kể.
Tháng 4 năm 1975 bắt đầu cuộc kết thúc thảm thương. Nàng theo đoàn người di tản từ Kon Tum xuống Qui Nhơn qua ngả Phú Bổn. Trên đường, bị VC pháo kích dữ dội, rất nhiều người tử nạn, và nàng mất tích, lúc tuổi xuân vừa tròn hai mươi bảy. Nghe đến đó, tôi bật khóc, nước mắt đầm đìa, hơn cả người Giang Châu Tư Mã,cùng một lứa bên trời lận đận, mà lệ rơi chan chứa làm đẫm ướt vạt áo xanh, trên bến Tầm Dương thuở nào. Khóc cho nàng, mà cũng thương cho tôi. Thầm gọi, Thơ Thơ. Em dấu yêu. Quê hương “thanh bình” rồi đó em, như em hằng mơ ước, nhưng dưới gông cùm Cộng sản độc tài, man rợ, còn thảm khốc hơn những ngày đen tối nhất của chiến tranh. Bao nhiêu tang thương, bất hạnh. Bao nhiêu mất mát, đổ vỡ. Bao nhiêu lầm than, đói khổ. Những đứa con của chúng ta, nếu sinh ra bây giờ, trong chế độ bạo tàn, biết có được bình an, hạnh phúc hơn những em bé tội nghiệp tại những xã ấp Hoài Nhơn ngày mình còn ở đó hay không, hỡi em?
Nhiều năm sau nữa, Hoàng qua Mỹ theo diện HO, ở Cali, tôi đã gặp. Võ cũng ở Mỹ, tôi chưa kịp gọi chào thì bỗng được tin anh qua đời vì bạo bệnh, và có gửi tiền phúng điếu chung với TĐ 20 CTCT. Năm 2003, tôi lái xe lên Centralia, WA, thăm Nhơn, sau bảy năm tù, đến từ một trại tỵ nạn, trước tôi.
Trước nhà Phan Nhơn, Centralia, 2003. Nhơn, người thứ hai, từ phải
8. Bốn mươi sáu năm, kể từ cuối 1969, tôi chưa hề trở lại Bồng Sơn –nơi tôi đã tái ngộ và từ biệt Thơ Thơ– và chiếc cầu Mirabeau, trên sông Lại. Đối với tôi, Tam Quan, Bồng Sơn, hay Qui Nhơn... bây giờ không còn là những địa danh, những chấm xanh, đỏ trên bản đồ hành quân nữa. Mà là những khoảnh khắc buồn, vui, khổ lụy, hạnh phúc của đôi lứa yêu nhau. Không còn là địa danh nữa, tương tự Combray và Le Pont sur le Loir, trong cuộc đời và tác phẩm của Marcel Proust, nhà văn thần tượng mà tôi muốn bước theo cùng trong cuộc hành trình khắc khoải đi tìm thời gian đã mất. Nhưng dòng Lại Giang của một chiều xưa cũ bên nàng vẫn còn đó, trong tim mê đắm. Vẫn là Dòng Sông Tương Tư của một thời để yêu và một thời để chết. Dòng sông đó vẫn trôi biền biệt, và vô tình cuốn đi, cùng với những cánh lục bình tan tác, bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm và đau đớn của hai tình nhân –mà duyên phận bẽ bàng đã bắt đến với nhau, yêu nhau, và mất nhau trong chiến tranh, nhưng hồn còn mãi tương tư. Còn mãi tiếc nhau. Cho đến kiếp nào
Portland, tháng 4, 2015,
tưởng niệm lần thứ 40 Mùa Quốc Hận
Kim Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét