Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

30 Tháng Tư, cô nghệ sĩ Kim Chi dứt khoát...- Ngô Nhân Dụng

Ai đọc bài viết về ngày 30 Tháng Tư của diễn viên Kim Chi mà mắt không đẫm lệ thì chắc không phải là người Việt Nam. Nỗi đau đớn của người “nghệ sĩ ưu tú” này cũng là nỗi đau của tất cả dân tộc, nhất là những người đã bị lừa gạt, đã bị nghe tuyên truyền dối trá.
Nghệ sĩ Kim Chi trước năm 1975
Kim Chi hồi tưởng lại 40 năm trước, “Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, chúng tôi vui thực sự, vui đến phát khóc.” Rồi cô kể tâm trạng ngày nay: “Bây giờ tôi mới thấy đó là niềm vui ngộ nhận. Hóa ra, niềm vui, niềm tin và những hy vọng cứ sáng lên trong tôi suốt thời chiến trường khói lửa ấy là do ‘nghệ thuật tuyên truyền...’’”

Năm 1954, Nguyễn Thị Kim Chi được đưa đi “tập kết” ra Bắc khi mới 11 tuổi, thân phụ cô đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Khi lớn lên, cô chỉ được nghe những lời “nghệ thuật tuyên truyền” của đảng Cộng Sản. Năm 21 tuổi cùng chồng là nhà quay phim Hồng Sến vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Năm 1964, đảng Cộng Sản đưa thêm quân từ Bắc vào, tăng cường độ chiến tranh để chiếm miền Nam nhanh chóng hơn. Một hậu quả là thúc đẩy chính phủ Mỹ phải đưa quân vào cứu chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian đó Mỹ vẫn còn lo lắng ngăn cản cuộc bành trướng của Trung Cộng xuống vùng Ðông Nam Á. Kim Chi tham dự cuộc chiến mà không biết mình đang đóng vai người một lính tiên phong, mở đường cho đạo “giải phóng quân” của Mao Chủ Tịch chiếm Hoàng Sa và Trường Sa sau này.
Ðọc những cảm nghĩ của Kim Chi về các đồng đội đã chết trong thời chiến ai cũng phải rớt nước mắt. Bao nhiêu con người đã hy sinh. Mà kết quả cuộc chiến là một đất nước đau buồn. Ông Võ Văn Kiệt đã công nhận ngày 30 Tháng Tư có triệu người vui cũng có triệu người buồn. Nhưng ông Kiệt là một nhà chính trị, suy nghĩ trong thế giới trừu tượng. Kim Chi là một nghệ sĩ, cô sống với những nỗi vui buồn của đồng đội. Cô đau khổ khi đối diện với thực tế sau ngày 30 Tháng Tư 75, dần dần tỉnh giấc mơ. Mọi người nên đọc toàn thể bài cô viết để chia sẻ tâm trạng “Nỗi riêng lớp lớp sóng vùi - Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.”
Là một nghệ sĩ với tấm lòng đa cảm, cô Kim Chi chỉ kể tâm trạng mình sau 40 năm thay đổi ra sao. Nhưng đọc toàn thể bài viết của cô, chúng ta có thể thấy đằng sau tâm sự đó còn chứa đựng những ý nghĩ dứt khoát. Cô Kim Chi không viết thẳng những ý kiến này, nhưng trong lòng cô đã lên án những sai lầm tác hại cho đất nước của đảng Cộng Sản.
Ðiều dứt khoát thứ nhất là: Cuộc chiến xâm chiếm miền Nam là sai. Vì những hậu quả của cuộc chiến đó Kim Chi đã nhìn thấy rõ. Cô viết: “Với tôi bây giờ 30 Tháng Tư không phải là giải phóng miền Nam. Miền Nam trước đây là mơ ước của Thái Lan, của Singapore. Vậy mà bây giờ Việt Nam ta tụt sau họ hằng thế kỷ.” Kinh nghiệm cá nhân cô là, “Những văn nghệ sĩ trên chiến trường thời ấy, cũng như tôi, ai cũng tin tưởng sau chiến tranh Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng bây giờ,... tôi lại phải khóc ‘trong nỗi đau thời cuộc,’ trong những nỗi buồn da diết!”
Lớn lên ở miền Bắc nhưng bản chất Kim Chi vẫn là “người Nam Bộ.” Cô thông cảm được ngay với nỗi đau đớn của người miền Nam. Cô đã bất bình khi chứng kiến cảnh “những kẻ chiến thắng đã cư xử với người thua cuộc tàn bạo một cách tiểu nhân.” Mà một hậu quả họ gây ra là “hàng triệu người miền Nam buộc phải trở thành thuyền nhân. Ðã hàng ngàn người chết chìm, làm mồi cho cá mập. Khi nhận ra được sự tồi tệ này tôi thấy vô cùng đau đớn.”
Năm 1975, Nguyễn Ðình Toàn đã từng khóc “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên.” Năm nay, 2015, Kim Chi viết, “Nhiều lần tôi bay vào Sài Gòn cùng đồng đội về thăm căn cứ cũ ở miền Ðông, miền Tây Nam bộ.” Cô đã trả lại tên cho thành phố Sài Gòn, không dùng cái tên mới do “Bên Thắng Cuộc” đã áp đặt mà không người Sài Gòn nào chấp nhận.
Ðiều dứt khoát thứ hai của cô Kim Chi trong bài viết về 30 Tháng Tư là: “Nô lệ Trung Cộng là sai.” Cũng như tất cả mọi người, Kim Chi nhìn thấy: “Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc một cách thảm hại cả kinh tế lẫn chính trị.” Cô nói thẳng: “Nhà nước lúc nào cũng ra rả 'bạn 16 chữ vàng' và '4 tốt.' Giờ luận điệu đó chỉ lừa được trẻ con chứ sao lừa được nhân dân.”
Cô Kim Chi cũng dư biết rằng óc “tôn thờ Trung Quốc” đã bắt đầu từ thời Hồ Chí Minh. Trả lời một nhà báo Pháp, Hồ Chí Minh giải thích lý do ông không viết sách vì “tất cả những gì cần đã có Mao Trạch Ðông viết cả rồi.” Nghĩa là, chính ông Hồ chỉ cần học tập và thi hành mà thôi. Năm 1947, chỉ năm tháng sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, Hồ Chí Minh đã gửi thư xin ý kiến đảng Cộng Sản Trung Quốc về đường lối kháng chiến. Ðiều này dễ hiểu vì ông đã từng làm thiếu tá trong Giải Phóng Quân Trung Cộng, làm một chuyên viên điện đài trong Ðệ Bát Lộ Quân. Khi đã làm chủ tịch nước Việt Nam rồi, Hồ Chí Minh cho các văn nô ca ngợi Trung Cộng bằng những câu thơ hèn hạ như: “Bên ni biên giới là nhà - Bên kia biên giới cũng là anh em” (Tố Hữu). Hồ Chí Minh đồng ý cho phổ biến câu thơ Chế Lan Viên: “Bác Mao không ở đâu xa - Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao,” chứng tỏ ông chấp nhận đóng vai một “phó bản” của Mao Trạch Ðông, một “Mao con.” Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, Lê Duẩn còn nói: “Ta đánh là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô.”
Cũng chỉ vì Cộng Sản Việt Nam sợ Trung Cộng, cô Kim Chi nhận xét: “Lãnh đạo Việt Nam sợ Trung Quốc đến nỗi cho đục bỏ cả tên tuổi của các chiến sĩ khắc trên bia đá ở biên giới (những người hy sinh trong cuộc chiến tranh 1979). Tàn nhẫn hơn là mỗi lần anh em chúng tôi tổ chức những cuộc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, ở Hoàng Sa, ở biên giới đều bị đám côn đồ quấy phá, chửi bới tục tĩu.” Nỗi sợ hãi Trung Cộng của giới lãnh đạo đảng đã truyền xuống cả hạ tầng bộ máy cai trị. Nhà văn Dương Thu Hương mới kể rằng “... các sĩ quan của Bộ Nội Vụ cấm vợ con họ ăn các loại quả ngâm thuốc bảo quản xác chết nhung không để lọt tin ra vì 'tránh làm mất lòng nước bạn.'”
Không cần nói ai cũng hiểu, chính quyền Cộng Sản sợ Trung Cộng chỉ là hậu quả, nguyên nhân là Hồ Chí Minh đã theo chủ nghĩa Cộng Sản. Suốt đời ông Hồ lúc nào cũng hãnh diện nhắc tới giờ phút quan trọng nhất đời ông là “giác ngộ chủ nghĩa Mác Lênin.” Năm 1950, đối mặt tay ba, Stalin đã “trao Việt Nam cho Mao Trạch Ðông phụ trách,” ông ông Hồ đã tuân hành. Ông Hồ vẫn răn dạy cán bộ: “Bác cháu chúng ta có thể nhầm chứ đồng chí Stalin không thể nhầm được.” Từ câu nói đó nhìn thấy số phận đau khổ của cả dân tộc.
Cho nên trong bài mới viết cho ngày 30 Tháng Tư, cô Kim Chi cho thấy một điều dứt khoát thứ ba của cô, là nhìn nhận “Chọn lựa đưa nước ta theo chế độ Cộng Sản là sai.” Chính cô đã từng sung sướng tuyên thệ gia nhập đảng Cộng Sản: “Ngày ấy tôi tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng NHÂN DÂN CÁCH MẠNG (đảng cộng sản đổi tên). Rằng “Giải phóng miền Nam để chấm dứt chiến tranh. Sẽ xây dựng một Việt Nam ẤM NO, TỰ DO, DÂN CHỦ, HẠNH PHÚC và GIÀU MẠNH.”
Ngày nay, cô mỉa mai: “Những điều nói và làm khác biệt, 'làm ngược với nói' như thế, dân Nam Bộ chúng tôi đã đúc rút: 'Nói dzậy mà hổng phải dzậy... Bây giờ mỗi lần 30 Tháng Tư, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời.’”
Vì vậy, trong bài viết của Kim Chi chứa đựng điều dứt khoát thứ tư là: Phải chấm dứt chế độ Cộng Sản! Lý do thì ai cũng đồng ý với cô: Cộng Sản là một đảng cướp, cướp của cải, ruộng đất và đàn áp dân oan. Cô viết: “Có còn xứ sở nào nhiều dân oan như ở Việt Nam không? Ðoàn Văn Vươn đã khiến dư luận trong và ngoài nước phẫn nộ... Rồi cái chết của Ðặng Ngọc Viết ở Thái Bình càng khiến dư luận xót xa. Rồi tiếp nữa Cấn Thị Thêu ở Dương Nội đang phải ở tù vì bảo vệ đất... Khắp nơi dân oan khiếu kiện bị mất đất, mất nhà. Ðau xót lắm! Căm hận lắm!”
Trong khi đó, cô viết: “Ðảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường Chủ Nghĩa Xã Hội không tưởng. (Mặc dù Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng ‘có thể trăm năm nữa Xã Hội Chủ Nghĩa cũng chưa hoàn thiện.’)” Kim Chi lên án: “Chính vì cái đường lối kỳ quái này mà hiện nay đất nước vẫn đói nghèo lạc hậu.” Cho nên phải chấm dứt chế độ Cộng Sản thì mới có hy vọng, như Kim Chi ước mơ: “Nước Việt Nam sẽ đổi mới theo cùng thời đại trên trái đất này với một thể chế chính trị thực sự hợp lòng dân, không còn ‘độc đảng sinh ra đảng trị độc đoán, chuyên quyền,’... một đất nước thực sự có tự do, dân chủ, nhân quyền.”
Sau khi đọc những lời tâm tình của Kim Chi, chúng ta thấy bốn tư tưởng dứt khoát trong suy nghĩ của cô, dù cô không viết đầy đủ: (1) Ðảng Cộng Sản gây chiến chiếm miền Nam là sai. (2) Tôn thờ, lệ thuộc Trung Cộng là sai. (3) Theo chủ nghĩa Cộng Sản, lập chế độ Cộng Sản là sai. (4) Duy trì chế độ Cộng Sản là sai; cần phải chấm dứt.
Người Việt Nam hiện nay ai cũng đồng ý với Kim Chi; nhưng ít người dám nói dứt khoát như vậy. Năm 2013, cô Kim Chi đã can đảm từ chối không chấp nhận một bằng khen có chữ ký của Nguyễn Tấn Dũng với lý do là, “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.” Năm đó, trả lời ký giả Mặc Lâm, đài RFA, cô cho biết bốn chữ “làm khổ nhân dân” là do chồng cô đề nghị thêm vào. Trong cuộc phỏng vấn này cô cũng nhớ lại các đồng đội trong cuộc chiến tranh Trung-Việt năm 1979: “Chị đã từng diễn trong lúc pháo bầy bắn tới, khán giả chết nhưng mà mình không chết. Chị di chuyển với đồng đội thì đồng đội bị bắt, bị giết, bị mổ vú, bị Tàu ăn thịt, nhưng chị vẫn còn sống.”
Kim Chi giữ một niềm tin và tính Thiện của con người: “Quan niệm đầu tiên của chị là: sống phải tử tế. Sống trung thực, không cúi đầu trước bất cứ cái gì... Chị vững tin như thế vì con người có lương tri còn nhiều lắm. Lẽ phải còn nhiều lắm vì vậy những người mong cái gì tốt đẹp cho quê hương cho đất nước vẫn còn rất nhiều.”
Chúng ta cũng đều tin tưởng của Kim Chi: “...tôi có một niềm tin mãnh liệt vào ý chí của toàn dân Việt Nam cả trong và ngoài nước, sẽ không để mặc cho những người lãnh đạo muốn làm gì cũng được. Theo xu thế văn minh tiến bộ của loài người nhất định nhân dân sẽ đòi được NHÂN QUYỀN, DÂN CHỦ. Phải có hai thứ đó thì mới mong THOÁT TRUNG. Chỉ có ‘Thoát Trung’ thì Việt Nam mới cất cánh... Tôi tin rồi sẽ tới lúc mọi người sẽ nhận ra mình phải tự cứu mình. Nhất định ngày đó sẽ tới... Khi đó, tôi ‘lại sẽ vui’ biết bao khi được đoàn tụ cùng tất cả bà con, anh chị em ở hải ngoại trở về cùng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét