Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

3 năm, hơn 260 người chết trong tù, công an không chịu trách nhiệm

Những vụ án oan sai, việc công an dùng nhục hình, tra tấn nghi can để ép nhận tội không phải do mình gây ra đã làm nóng nghị trường Quốc hội vào ngày 10/4/2015. Có những việc rất đỗi bình thường, thế nhưng ở Việt Nam lại rất đỗi lạ lẫm.

Ông Trần Văn Chiến (Tiền Giang) bị quy tội giết người, ngồi tù oan 16 năm, nhưng chẳng có “đồng chí” nào nhận trách nhiệm vì đã bỏ tù ông. Ảnh: Giáo dục Việt Nam
 
Cali Today News - Như việc có oan sai ở đâu thì người lãnh đạo ở tổ chức ấy phải chịu trách nhiệm là điều đương nhiên. Vậy nhưng, đến tận bây giờ, trong một phiên họp của Quốc hội các ông dân biểu mới nhắc đến.
 
Ngay tại phiên họp, cả ông Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra “xúc động” khi đọc báo cáo thấy con số hơn 260 người chết trong lúc bị tạm giam chỉ trong vòng 3 năm. Theo ông này, chính công an là đối tượng chính phải chịu trách nhiệm về những cái chết trên. 
 
Nhưng ông Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ nói mà thôi. Những vụ tra tấn, dùng nhục hình để ép cung nghi can đâu phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Chỉ chờ đến khi Việt Nam tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc thì những vụ tra tấn ngày càng được báo chí phanh phui càng nhiều. Trước đó, chắc chắn ông Hùng chắc không “xúc động” như bây giờ.
 
Ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quy trách nhiệm cho công an là đúng lắm, vì từ nhiều năm nay, lực lượng “thanh kiếm của đảng” này liên tục đánh chết người dân, để chối tội cho mình, họ liền dựng hiện trường giả và cho rằng nghi can “tự tử” trong đồn. Hàng ngàn vụ “tự tử” trong đồn đã được báo chí nhắc đến. Nhưng liệu công an có nhận trách nhiệm như ông Hùng nói? 
 
Vào ngày 9/4/2015, tòa án tỉnh Đắk Nông đã cho 2 tên Lê Mạnh Nam, Trần Đăng Tùng được hưởng án treo trong vụ án họ đã giết chết ông Hoàng Văn Ngài tại nhà tù thị xã Gia Nghĩa. Trước đó, ông Ngài bị bắt giam vì tội phá rừng. Bằng những chứng cứ không thể chối cãi, như: Thân thể đầy máu, vết bầm tím khắp cơ thể cho thấy ông Ngài chết do bị tra tấn. Vậy nhưng tòa không xử 2 kẻ thủ ác tội giết người, mà chỉ xử với tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Đáng nói hơn, trước đó, cả 2 người này đã bị cảnh sát điều tra của Bộ công an bắt khẩn cấp vì tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, một tội mà khi ra tòa cả 2 tên giết người trên sẽ phải nhận những bản án nặng hơn.
 
Máu me đầy người, vết bầm tìm khắp thân thể ông Ngài nhưng tòa án ở Đắk Nông vẫn cho rằng ông này chết do tự tử. Ảnh: Internet
 
Sau khi tra tấn ông Ngài đến chết, cả 2 tên này đã tạo hiện trường giả và cho rằng ông Ngài đã tự khóa cửa phòng, đập bể ổ cắm điện, tự sát bằng cách dí tay vào trong ổ điện. Tất cả những vết bầm tím trên thi thể đã không được tòa án nhắc đến. Mà đó lại là một vụ án do Bộ công an điều tra.
 
Cũng tại buôi họp, khi nói về những vụ oan sai, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc nói: “Địa phương có bao nhiêu vụ oan sai thế, mấy đồng chí lãnh đạo còn tại vị không, phải cách chức chứ”. Có lẽ, khi nói những lời này, ông Ksor Phước đang nghĩ mình đang sống ở một đất nước khác, chứ không phải ở quốc gia “dân chủ gấp vạn lần tư bản”. Từ đó đến nay, xảy ra biết bao nhiêu vụ oan sai, như: Vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, hay mới đây là vụ anh Ngô Thanh Kiều bị cả 5 tên công an thay phiên nhau tra tấn đến chết nhưng tuyệt nhiên không thấy ông lãnh đạo nào bị cách chức. Chẳng những vậy, ông Lê Đức Hoàn, giám đốc cơ quan điều tra công an thành phố Tuy Hòa trong phiên tòa sơ thẩm không hề bị quy trách nhiệm. Chỉ đến khi xét xử lại ông này mới bị Viện kiểm sát đề nghị…án treo.
 
Trước những vụ án oan sai nhiều như vậy, nhưng ông Thứ trưởng Bộ công an Lê Quý Vương lại kêu “oan ức”. Ông này than rằng, việc các đại biểu Quốc hội cứ đổ lỗi cho phía công an là bị “quy trách nhiệm oan”. Vì rõ ràng rằng, từ khâu khởi tố, bắt giam…phía cơ quan điều tra đều phải được Viện kiểm sát phê chuẩn. Vậy nên phải có cả trách nhiệm của cả Viện kiểm sát, chứ nào phải của riêng ngành công an. Chẳng những vậy, khi ra tòa, tòa tuyên án ông Chấn ở Bắc Giang, hay ông Nén ở Bình Thuận chứ nào phải do công an. Vậy nên tội ấy còn là của tòa án nữa. 
 
Ông Thứ trưởng Vương nói đúng chứ chẳng sai, rõ ràng lỗi ấy thuộc về hệ thống, nguyên cả hệ thống sai, bây giờ quy trách nhiệm cho phía công an là không đúng. Trong một chế độ mà những lãnh đạo không hề được giáo dục về đạo đức, biết nhận lãnh trách nhiệm, chỉ biết đổ lỗi cho tập thể thì những lời nói kiểu như ông Vương là điều thường thấy. Lỗi ấy là lỗi tập thể, chứ nào phải riêng của ngành công an. Nói tóm lại là, nghi can chết trong đồn cứ chết, oan sai cứ xảy ra, trách nhiệm là của tập thể, chẳng thể quy cho bất cứ ai, vì cái chế độ này nó vậy.
 
Người Quan Sát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét