Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

SỰ THẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM VÀO NĂM 1945 - Nguyễn-Huy Hùng (K1 trường VBQGVN)

Inline image 1



Cựu Hoàng Bảo Đại, Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.

NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 1945,
QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT,
SAU 61 NĂM BỊ THỰC DÂN PHÁP THỐNG TRỊ (1884-1945)

          Trong suốt thời gian dài hơn 60 năm qua, nhóm người Cộng sản Việt Nam theo chủ nghiã Tam Vô chuyên chính toàn trị vong nô bán nước hại dân, đã cố tình dùng những phương tiện tuyên truyền xảo quyệt gian dối lừa bịp nhân loại, bóp méo sự thật về hoàn cảnh lịch sử mà toàn dân tộc Việt Nam đã sát cánh bên nhau giành lại được Độc lập cho đất nước sau 61 năm bị Thực dân Pháp thống trị, khi Thế giới Đại Chiến II chấm dứt.

Người viết là một nhân chứng, sống trong lòng dân tộc Việt Nam trên đất nước Việt nam suốt từ Thập niên 1930 cho đến giữa Thập niên 1990, thấy có bổn phận phải ghi lại sự thật những gì đã xẩy ra trên đất nước Việt Nam, để giúp cho các thế hệ Trẻ sau này biết được sự thật về giai đoạn lịch sử này của Dân tộc Việt Nam, để thấy được những gì Cộng sản Việt Nam tiếm nhận khoe khoang phổ biến cho đến nay đều hoàn toàn không đúng với sự thật hiển nhiên đã xẩy ra.

1.    TÌNH HÌNH QUỐC TẾ KHI THẾ GIỚI ĐẠI CHIẾN II CHẤM DỨT.
 Sau khi Hoa Kỳ thả 2 quả bom nguyên tử xuống đất Nhật, san bằng 2 thành phố Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945, và Nagasaki ngày 9 tháng 8 năm 1945, Hoàng Đế  Nhật Bản phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Nhờ vậy, Thế giới Đại chiến II, do phe Trục Đức-Ý-Nhật chủ xướng từ năm 1939 được coi là chấm dứt hoàn toàn trên cả 5 Châu: Âu, Phi, Á, Úc, và Mỹ.
Hết Thế giới Đại chiến II, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Cao trào các Tiểu nhược quốc Thuộc địa trên toàn Thế giới, đang bị các nước Thực dân Đế quốc da trắng đô hộ cai trị áp bức, vùng lên giành lại Độc lập Tự do cho Dân tộc mình, để xây dựng Thể chế Chính trị theo mô thức Dân chủ Tự do Tư bản.
Khối Quốc tế Cộng sản do Liên Xô Viết Nga lãnh đạo (phe đối nghịch với khối Thế giới Tự do Tư bản) cũng nhân cơ hội này, dùng các tay sai người bản xứ lôi cuốn các nhóm công nông vô sản dùng bạo lực hăm dọa song hành với phương thức truyên truyền xảo quyệt, buộc quảng đại quần chúng dân lành phải đi theo dưới mỹ từ làm Cách mạng giải phóng quê hương, để bành trướng thế lực nhằm thực hiện sách lược Xích hoá toàn Thế giới theo chủ nghĩa Cộng sản Tam Vô chuyên chính. Tại Việt Nam có tay sai bán nước hại dân là Hồ Chí Minh và nhóm đồng chí theo Quốc tế Cộng sản.
 2.- HOÀN CẢNH DÂN TỘC VIỆT NAM VÀO NĂM 1945.
 A.- Trong nước, vào ngày Chủ Nhật 11 tháng 3 năm 1945 (hai ngày sau khi quân Nhật lật đổ Pháp nắm toàn quyền cai trị Đông Dương), Vua Bảo Đại được Vua Nhật giúp tái lập Quốc Gia Việt Nam Độc Lập (thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam) trong Khối Đại Đông Á do Nhật chủ xướng. Ông Trần Trọng Kim đã được Vua Bảo Đại cử làm Thủ Tướng thành lập chính phủ điều hành Quốc gia, và ban bố chương trình hưng quốc vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó quy định Quốc Kỳ là cờ Quẻ Ly, nền vàng giữa có biểu tượng Quẻ Ly mầu đỏ nằm dọc theo bề dài nền cờ (2 vạch dài liền, nằm song song 2 bên 1 vạch đứt quãng chính giữa, trông như chữ CÔNG của Hán tự).





 Inline image 2


Quốc Ca là bài “Việt Nam minh châu trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân.
Việt Nam minh châu trời Đông!
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng!
Non sông như gấm hoa uy linh một phương,
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi,
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.
Máu ai còn vương cỏ hoa,
Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.
Giơ tay cương quyết, Ta ôn lời thề ước.
Hy sinh tâm huyết, Ta báo đền ơn nước.
Dầu thân này nát tan tành gói da ngựa cũng cam,
Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.

Khoảng hơn 5 tháng sau, vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 (hai ngày sau khi Vua Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh do Hoa Kỳ lãnh đạo), các đoàn thể Công chức và quần chúng Việt Nam họp mít tinh trước Nhà Hát Lớn tại Hà nội, để ủng hộ ông Trần Trọng Kim tiếp tục làm Thủ Tướng. Nhưng, đã bị nhóm Việt Minh của Hồ Chí Minh trà trộn vào lèo lái biến thành cuộc xuống đường đòi Chính phủ Trần trọng Kim từ chức. Đồng thời, nhóm Hồ Chí Minh và Việt Minh cũng đưa người vào Huế làm áp lực buộc Vua Bảo Đại phải thoái vị, để nhường quyền cho nhóm Việt Minh thành lập các Ủy ban Nhân dân Cách mạng thay thế các tổ chức hành chánh của Chính phủ Trần trọng Kim.
B.- Nơi Hải ngoại, những nhà yêu nước thuộc các Phe nhóm và Đảng phái Cách mạng Nhân bản Việt Nam chống Thực dân Pháp, đang lưu vong bên Trung Hoa Lục địa (trong đó có cả nhóm Việt Minh và Hồ Chí Minh*), được Chính quyền Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch bảo trợ giúp hoàn cảnh cho ngồi lại với nhau, lập ra một tổ chức đoàn kết hợp nhất với danh hiệu VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI (VNCMĐMH) do Cụ Nguyễn Hải Thần làm Chủ Tịch.
[Ghi chú *: Hồ Chí Minh bị chính quyền tỉnh Quảng Tây bắt giam vào tháng 10 năm 1942 trong ngục tối ở Tĩnh Tây, vì hoạt động gián điệp cho Cộng sản Nga trên đất Trung Hoa Dân Quốc, đến tháng 5-1943 bị giải sang Liễu Châu. Cụ Nguyễn Hải Thần và các nhà Cách mạng Nhân bản Việt Nam chống Pháp đang lưu vong bên Trung Hoa, thấy Hồ Chí Minh và phe Việt Minh của hắn ta cũng đang hoạt động đấu tranh chống Thực dân Pháp, nên đã vì tình nghiã Đồng bào không kỳ thị khuynh hướng chính trị Cộng sản mà Hồ Chí Minh đang theo, đồng lòng vận động bảo lãnh xin cho Hồ Chí Minh được tha ra khỏi ngục tù của Trung Hoa Dân Quốc, để cùng nhau hợp tác tiếp tục công cuộc chống Pháp và Nhật giành lại quyền Tự do Độc lập cho Dân tộc và quê hương Việt Nam. Hồ Chí Minh được tha vào ngày 10 tháng 9 năm 1943.]
Vào ngày 28-8-1945, trong khi quân đội Mỹ đổ bộ lên chiếm đóng đất Nhật Bản thua trận đầu hàng, thì 5 Đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch đại diện Liên Hiệp Quốc do Tướng Lư Hán chỉ huy, cũng tiến vào Việt Nam bằng 5 ngả : Lạng Sơn, Lào kay, Lai Châu, Hà Giang, Móng Cáy, để thực hiện việc giải giới quân Phiệt Nhật tại phiá Bắc Vĩ Tuyến 16 của Bán đảo Đông Dương. Đi theo các Đạo quân Trung Hoa này, có các toán thuộc Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội về theo, để phối hợp cùng các Đoàn thể Việt Nam đấu tranh ở trong nước, thành lập Chính phủ Liên Hiệp gồm thành phần đại diện của mọi Phe nhóm Đảng phái, cũng như vận động quần chúng tham gia ứng cử và bầu cử đại diện vào Quốc Hội Lập Hiến cho Việt Nam. Mọi chuyện tiến hành êm đẹp, Hồ Chí Minh (thuộc phe Việt Minh Cộng sản chiếm đa số trong Quốc Hội)được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp, Cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, và cựu Hoàng Bảo Đại (ông Vua thoái vị) được mời làm Cố vấn cho Hồ Chí Minh Chủ Tịch Chính phủ Liên Hiệp.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí minh, đại diện Chính phủ Liên Hiệp đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, trước đông đảo Đồng bào Việt Nam tham dự cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình* ở Hà Nội. [*Vườn hoa Ba đình thời Pháp thuộc gọi là vườn hoa Con Cóc, một bùng binh (rond point) ở giữa có những tượng con cóc bằng đồng đúc, ngồi quanh một chiếc hồ phun các vòi nước từ miệng ra, được xây dựng trước Phủ Toàn quyền Pháp cũ, đã được ông Trần Huy Lai Đốc lý Hà Nội thời Chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là Quảng trường Ba Đình từ ngày 3 tháng 8 năm 1945.]
Ngày 28 tháng 1 năm 1946, quân đội Vương Quốc Anh (England) đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc, đổ bộ xuống Saigon để phụ trách việc giải giới quân Phiệt Nhật tại các vùng ở miền Nam Vĩ Tuyến 16 của Bán đảo Đông Dương. Quân Anh đã dung túng cho nhóm 200 quân Pháp tháp tùng để tái chiếm miền Nam Việt Nam, và ngày 4 tháng 2 năm 1946 Pháp đã công khai tuyên bố thành lập Chính quyền Hành chánh cai trị dưới danh xưng Nam Kỳ Tự Trị. [Trong thời Pháp thuộc từ trước năm 1945, Nam phần Việt Nam là một nhượng địa cho Pháp gọi là Cochinchine có hệ thống Hành chánh cai trị riêng biệt không lệ thuộc Hoàng triều An-Nam, y như trường hợp nhượng địa Hồng Kông của Trung Hoa cho Vương Quốc Anh vậy.]
Lợi dụng cơ hội này, Hồ Chí Minh Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp đã gian manh tổ chức TUẦN LỄ VÀNG, kêu gọi nhân dân Việt Nam đóng góp vàng để mua súng chống Pháp tái xâm lăng Việt Nam. Nhưng thực tế, Hồ Chí Minh đã dùng số vàng thu được để đút lót (hối lộ) mua chuộc Tướng Lư Hán và các Tướng, Tá trong Ban Tham mưu quân Tầu tại Hà Nội cũng như tại các thành phố có quân Tầu đang trấn đóng, làm ngơ cho phe Việt Minh và Hồ Chí Minh mở các cuộc hành quân Cảnh sát tiêu diệt thành viên các Đảng phái Quốc gia không thuận theo Cộng sản, để chiếm độc quyền cai trị dân tộc Việt theo Chế độ Cộng sản Quốc tế do Liên Xô Viết Nga lãnh đạo.
Trong cùng lúc đó, Hồ Chí Minh và nhóm Việt Minh lén lút tiếp xúc rồi ký Hiệp ước Sơ bộ với Sainteny (đại diện Pháp) vào lúc 4 giờ chiều ngày 6 tháng 3 năm 1946 tại căn nhà số 38 đường Lý Thái Tổ Hà Nội. Theo bản Hiệp ước, thì Chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo thoả thuận cho Pháp được tự do đổ quân chiếm đóng nhiều Tỉnh trọng yếu tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam (kể cả Thủ đô Hà Nội). Các đảng phái chính trị không Cộng sản trong Chính phủ Liên Hiệp tổ chức biểu tình chống đối, đã bị Hồ Chí Minh và phe Việt Minh gian manh xảo quyệt phao tin vu khống là các Đảng phái Quốc gia cấu kết với Pháp phản bội Tổ quốc, để công khai dùng Binh lực và Công An tổ chức các cuộc hành quân thẳng tay tiêu diệt các thành phần đối lập với Cộng sản, ngay tại Hà Nội và tại các Tỉnh khác mà quảng đại quần chúng sợ bị liên lụy không dám phản kháng.
Cụ Nghuyễn Hải Thần đã được anh em Đồng Minh Hội đưa trốn thoát khỏi HàNội lên thị xã Lạng Sơn, và được anh em Phục Quốc Quân tại đây hộ tống trốn sang Tầu qua cửa Ải Nam Quan tại Đồng Đăng, bản thân người viết lúc đó là một thành viên trong đoàn hộ tống cụ Nguyễn Hải Thần sang Bình Tường bên đất Trung Hoa.
Đêm 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh giữa quân Pháp và quân Việt Minh bùng nổ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, vì tranh chấp thương thảo chia chác quyền cai trị đất nước giữa Việt Minh và Pháp không êm xuôi. Quân của Hồ Chí Minh thua phải bỏ Thủ đô Hà Nội và nhiểu Thành phố trọng yếu khác để rút vào rừng vùng Việt Bắc (gọi là Bưng). Trước khi rút vào bưng, Hồ Chí Minh ra lệnh bắt buộc nhân dân Việt Nam cả thành thị lẫn thôn quê, phải thực hiện chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” (tức là phá bình địa tất cả các nhà gạch to lớn đồ sộ của tư nhân, cũng như cơ sở công cộng, Nhà Thờ, Đình, Chùa, đào đường đắp mô, phá cầu cống…) gọi là chiến lược chống Pháp tái xâm lăng. Nhưng mục đích thực sự sâu xa của việc làm này là, để thực hiện bước đầu tiên bần cùng vô sản hoá toàn dân, chuẩn bị xây dựng chế độ vô sản chuyên chính độc tài tàn bạo theo mô hình của Quốc tế Cộng sản do Liên Xô Viết Nga chỉ đạo.
Thời gian tiếp theo, dân chúng phải sống dưới cảnh một cổ 2 tròng, y như thời gian từ 1940 đến 1945 bị Pháp và Nhật song hành cai trị. Công việc làm ăn mưu sinh hàng ngày của dân chúng rất khổ cực, và luôn luôn lo lắng cho phần an ninh cá nhân và gia đình, vì hệ thống Công an của cả 2 bên Pháp và Việt Minh hoạt động khủng bố ngày đêm rất là tàn bạo.
Mãi đến giữa năm 1947, những thành phần Nhân Sĩ Quốc Gia sống sót sau chiến dịch Cộng sản tiêu diệt hồi đầu năm 1946, ngồi lại với nhau tìm giải pháp giành lại Độc Lập cho đất nước bằng đường lối hoà bình, và đã quyết định mời Cựu Hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại Hồng Kông, đứng ra thương thuyết với Chính phủ Pháp về việc tái thiết một Quốc Gia Việt Nam Độc lập Thống nhất trong Khối Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương. Năm 1946 sau khi ký Hiệp ước Sơ bộ tại Hà Nội với Sainteny, Hồ Chí Minh cũng đã sang Pháp thương thuyết nhưng đã bị thất bại ê chề.
Ngày 19 tháng 8 năm 1947 tại Hồng Kông, Cựu Hoàng Bảo Đại chấp nhận lời kêu gọi đứng ra tiếp xúc với Chính phủ Pháp, và ngày 5 tháng 6 năm 1948, Hiệp định Hạ Long được ký kết giữa Thủ Tướng Chính phủ Trung Ương Nguyễn văn Xuân đại diện Việt Nam Thống Nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam, và ông Bollaert đại diện Chính phủ Pháp (trước sự chứng kiến của Cựu Hoàng Bảo Đại) trên chiến hạm Duguay Trouin của Hải quân Pháp đậu tại Vịnh Hạ Long, Bắc phần Việt Nam. Hiệp định công nhận Quốc Gia Việt Nam Độc Lập Thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam trong Khối Liên Hiệp Pháp, có Chính phủ độc lập và Quân đội riêng, cũng như có toàn quyền thiết lập bang giao với mọi nước trên toàn Thế giới ngoài nước Pháp, về Kinh tế và Khoa học Kỹ thuật thì ưu tiên giao dịch với Pháp và các nước thuộc Khối Liên Hiệp Pháp. (Khối Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương lúc đó gồm 3 nước Việt nam, Lào, Cao Miên, và tại Phi Châu gồm các nước Algéria, Tunisia, Maroc, và Sénégal.)
Quốc Kỳ của Quốc Gia Việt Nam, được định lại là nền vàng với biểu trưng quẻ Càn mầu đỏ (3 vạch dài bằng nhau) nằm dọc chính giữa suốt bề dài  của cờ, trong dân gian thường gọi nôm na là Cờ Vàng Ba Xọc Đỏ.


Inline image 3
Quốc Ca* là bài “Tiếng gọi Công dân”, nguyên là bài “Sinh viên hành khúc” nhạc của Lưu Hữu Phước, lời do một ủy ban sinh viên Đại học Hà Nội đặt gồm 3 Đoạn và 1 Điệp khúc. Bài “Sinh viên hành khúc” được các sinh viên trình bầy hợp ca lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 3 năm 1942, trong buổi trình diễn văn nghệ do sinh viên tổ chức tại Viện Đại Học Hà Nội, để lấy tiền giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện mà sinh viên Y Khoa Đại học Hà Nội đến thực tập. (*ghi chú: Quốc Ca chỉ dùng có Đoạn I của bài “Sinh viên hành khúc” mà thôi. Tên bài hát được đổi thành “Tiếng gọi Công dân”, và các từ “Sinh viên” trong bài ca đổi thành từ “Công dân”.)
Đoạn I.
Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi!
Đồng lòng cùng đi, đi, mở đường khai lối.
Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên.
Nào anh em Bắc Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!
Hồn thanh xuân như gương trong sáng,
Đừng tiếc máu nóng, tài xin ráng!
Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,
Dầu muôn trông gai vững lòng chi sá.
Đường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,
Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.
(Điệp khúc)
Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!
Sinh viên ơi! Ta thề đem hết lòng!
Tiến lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

Đoạn II.
Này sinh viên ơi! Dấu xưa vẫn còn chưa xoá!
Hùng cường trời Nam, ghi trên bảng vàng bia đá!
Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn,
Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.
Hồ Tây tranh phong oai son phấn,
Lừng tiếng Sát Thát, Trần Quốc Tuấn.
Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam,
Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám.
Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,
Mong đến ngày vẻ vang ta thắp hương nguyền.
(trở lại Điệp khúc)…

Đoạn III.
Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng!
Hành trình còn xa, chúng ta phải cùng nhau gắng!
Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,
Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng.
Là sinh viên vun cây văn hoá,
Từ trước sẵn có nhiều hoa lá.
Đời mới kiến thiết đáp lòng những ai,
Hằng mong ta ra vững cầm tay lái.
Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi,
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
(trở lại Điệp khúc)…

Vào tháng 3 năm 1945, sau khi Nhật đảo chánh Pháp, một phong trào Thanh niên Tiền phong được tổ chức tại miền Nam Việt Nam, nhóm này lấy bài “Sinh viên hành khúc” dùng làm Đoàn Ca, nhưng đổi tên bài hát là “Tiếng gọi Thanh niên” và các từ “Sinh viên” được thay bằng từ“Thanh niên”.
Sau khi Quốc Trưởng Bảo Đại bị ông Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, miền Nam Việt Nam thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hoà, Quốc hội Lập Hiến năm 1956 đã quyết định tiếp tục dùng bài “Tiếng gọi Công dân” làm Quốc Ca (nhưng lời ca được đổi lại như ghi dưới đây), và Quốc Kỳ cũng vẫn là Cờ Quẻ Càn của thời Quốc Gia Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, và hiện nay tập thể các Cộng Đồng Người Việt lưu vong tỵ nạn Cộng sản trên toàn Thế giới vẫn tôn trọng là Quốc Ca và Quốc Kỳ chính thống gốc Việt của mình:
Này Công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng,
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dầu cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người Công dân luôn vững bền tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi,
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
(Điệp khúc)
Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bở!
Thoát cơn tàn phá vẻ vang đời sống,
Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.

Kể từ sau khi Đại diện Việt Nam và Đại diện Pháp ký Hiệp Ước Hạ Long ngày 5 tháng 6 năm 1948 trở đi, Quốc Gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại đứng đầu, được cả trăm nước trên toàn Thế giới lần lượt tuyên bố công nhận, và trao đổi cơ sở Ngoại Giao với hàng Đại Sứ. Trong khi đó Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chí Minh và phe Việt Minh cướp đoạt ôm giữ từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 cho đến lúc đó tháng 6 năm 1948, vẫn không được một nước nào trên Thế giới nhìn nhận, kể cả Liên Xô Nga và các nước trong khối Cộng sản theo Nga.
Quốc Trưởng Bảo Đại đã chính thức công khai gửi lời mời Hồ Chí Minh và nhóm Việt Minh hợp tác chấm dứt chiến tranh, để cùng toàn dân xây dựng kiến thiết đất nước mau hùng mạnh thịnh cường. Nhưng vì Hồ Chí Minh là đảng viên trung kiên của Quốc tế Cộng sản luôn luôn phải tuân hành lệnh của Quốc tế Cộng sản do Liên Xô Viết Nga chỉ đạo, nên đã từ chối và tiếp tục được Nga Xô và Trung Cộng yểm trợ đẩy mạnh chiến tranh du kích khủng bố dân lành không cho làm ăn phát triển kinh tế, đốt làng xóm, phá hoại cầu đường giao thông, và các cơ sở công cộng tiện ích xã hội do Chính phủ Quốc Gia Việt Nam xây dựng để phục vụ quảng đại quần chúng tại các thành thị và thôn quê.
 3.- ĐỂ KẾT LUẬN.
Qua các sự kiện lược kể trên đây, chúng ta thấy rõ ràng nhóm Hồ Chí Minh và Việt Cộng không hề có công đấu tranh giành lại Độc lập Tự do, hay làm cách mạng để đem lại hạnh phúc ấm no cho Dân tộc và phồn vinh cho quê hương Việt Nam. Tất cả những gì Cộng sản khoe khoang vơ vào bấy lâu nay, đều là xảo trá láo khoét, trâng tráo vô liêm sỉ của nhóm mafia vong nô tay sai của Quốc tế Cộng sản nay đã tan rã. Sự thật bao giờ cũng vẫn là sự thật, cây kim dù bọc kỹ lưỡng đến đâu, lâu ngày cũng sẽ bị rỉ sét làm lòi ra giữa ánh sáng mặt trời      
Thật đáng tiếc cho vận nước Việt Nam gặp thời bĩ cực, nếu không có bọn Quốc tế Cộng sản do Liên Xô Nga lãnh đạo thúc đẩy yểm trợ cho tên tay sai đại gian manh xảo quyệt Hồ Chí Minh và nhóm đồng chí Việt Minh Cộng sản của hắn thực hiện cái gọi là cách mạng muà Thu 1945, thì nước Việt Nam Độc lập thống nhất từ ngày 11-3-1945 dưới quyền lãnh đạo của cựu Hoàng Bảo Đại có thể đã theo thể chế chính trị Quân chủ Lập hiến như Anh quốc, Nhật bản, Thái Lan…, thì dân tộc Việt Nam đâu có phải tốn bao nhiêu xương máu của nhiều thế hệ một cách vô ích và đất nước bị bom đạn tàn phá suốt mấy chục năm chiến tranh.
Suốt 35 năm qua đất nước không còn chiến tranh nữa mà quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục sống cuộc sống khổ cực như nô lệ thời Phong kiến Thực dân, các quyền tự do nhân bản của con người trong một nước độc lập không được tôn trọng bảo vệ dưới ách cai trị chuyên chính độc đảng tàn bạo vô nhân đạo của bè lũ độc tài Việt Cộng nay đã trở thành nhóm Phong kiến Thực dân đại tư bản Đỏ vong nô bán nước hại dân !!!
Tất cả những điều trình bầy trên đây đều là những sự kiện thật đã xẩy ra, và là những dấu ấn được khắc ghi sâu đậm trong bộ não của người viết, theo thời gian chung sống hoà đồng cùng dân tộc đồng bào của mình ngay trên đất nước Việt Nam, chớ không hư cấu tưởng tượng cường điệu để tuyên truyền.
Quý Vị độc giả có toàn quyền tự do phân định giả chơn, và tự quyết định nên đứng vào hàng ngũ những người đang tranh đấu hỗ trợ quảng đại quần chúng dân tộc Việt Nam ở trong nước, đẩy mạnh cuộc đấu tranh loại trừ bè lũ Việt Cộng gian xảo vô nhân đạo, để giành lại Tự do Dân chủ Nhân quyền và cuộc sống bình đẳng ấm no hạnh phúc cho toàn dân tộc Việt Nam, đã bị bọn bạo quyền này tước đoạt từ hơn nửa Thế kỷ nay, hay vì lợi ích riêng tư vị kỷ cá nhân cố tình giả ngộ ngu ngơ tiếp tục tin theo lời tuyên truyền xảo trá gian ngoan mời gọi nịnh vuốt ngọt ngào của bè lũ phản dân hại nước Cộng sản VN này, mà hoà hợp hoà giải quên đi quá khứ tàn bạo khát máu của chúng đối với dân tộc suốt hơn 60 năm qua, và làm ăn buôn bán cộng tác tiếp tay cho chúng có thêm thời cơ kéo dài cường quyền tiếp tục bán nước hại dân lâu thêm nữa.

Phụ chú, Xin mời Qúy Vị đọc thêm bài viết dưới đây của ông Phạm Cao Dương đăng trên Diễn Đàn 1000 Elites do Tiến sĩ Ngô văn Tuấn bên Âu Châu đảm trách đưa lên ngày 23-1-2015.

Corona, Nam California, Hoa Kỳ.
NGUYỄN-HUY HÙNG.
Cựu đảng viên Phục Quốc hoạt động tại Thị xã Lạng Sơn trong thập niên 1940.
Cựu Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Phụ tá Tởng cục trưởng Chiến tranh Chí Trị, kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến.
Cựu Tù nhân Chính trị, 13 năm khổ sai trong các trại tập trung của đảng Việt Cộng và nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam sau ngày Quốc hận 30-4-1975.

Subject:
E. Lẽ Ra Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Ta Đã Có Dân Chủ - Tự Do Rồi
Date:
Fri, 23 Jan 2015 20:01:38 +0100
From:
Phong Lan 
To:
Phong Lan 

Elite 2015-01-167
_____________________________________________________________

Elite là diễn đàn khoa học quan hệ quốc tế, thường xuyên tổ chức hội nghị quốc tế, chuyên nghiên cứu về tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và vùng phụ cận, cũng như về kinh tế và xã hội trong nước, đặc biệt là nhân quyền          
                  ______________________________________________

From: Hinh KHONG TRONG 
Date: 2015-01-23 19:56 GMT+01:00
Subject: Lẽ Ra Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Ta Đã Có Dân Chủ - Tự Do Rồi
Phạm Cao Dương - Nhân dịp đầu năm Ất Mùi - 2015, một chút lịch sử gửi tuổi trẻ Việt Nam: Lẽ Ra Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Ta Đã Có Dân Chủ - Tự Do Rồi
Thứ Năm, ngày 22 tháng 1 năm 2015
Inline image 4
Hoàng Ðế Bảo Ðại
Do sự phức tạp của thời thế và sự nóng nảy muốn giành độc lập nhất thời của chính người Việt, lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đã không những không biến chuyển như mọi người  mong muốn mà còn đầy rẫy những ngộ nhận, từ đó oan khuất cần phải được giải toả và làm sáng tỏ. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn mà một cá nhân khó có thể làm nổi. Tuy nhiên, tuy gọi là khó nhưng những người quan tâm và hiểu biết ít nhiều vẫn phải làm để sau này sẽ có người tiếp tục và điều chỉnh. Vì là một khoa học, sử học luôn luôn tiến bộ. Những gì gọi là đúng ngày hôm nay có thể sẽ cần phải được ít ra là điều chỉnh và bổ khuyết ngày mai, không có gì gọi là chân lý vĩnh cửu trong môn học này. Người học sử không thể chủ quan nhất định điều mình nói, viết ra hay được học mãi mãi là đúng, là chân lý bất di bất dịch.


Trong bài này cũng như một số bài trước, người viết xin gửi tới các bạn đọc, đặc biệt là các nhà tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ, một vài nhận định về những gì Hoàng Đế Bảo Đại và vị thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim cùng với các bộ trưởng của ông, đã làm,  trong một thời gian ngắn ngủi hơn ba tháng của năm 1945, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 6 tháng 8 năm 1945, để xây dựng một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước và ban hành các quyền tự do cho người dân từ cách nay ngót 70 năm bằng những đạo luật không phải là không  tiến bộ. Đây là một việc làm mà 70 năm sau với ít nhất ba thế hệ đã qua đi một cách uổng phí, với hàng triệu sinh mạng đã bị hi sinh cùng với máu và nước mắt của người dân lành vô tội, người ta vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.

Bốn bước tiến đã được Vua Bảo Đại thực hiện trong thời gian này gồm có:
Thứ nhất:  Ban hành dụ “Dân vi Quý”
Thứ hai:  Đích thân tham khảo ý kiến của các quan lại, các thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một chính phủ mới
Thứ ba:  Thành lập các hội đồng chuyên môn để mọi người có thể tham gia việc soạn thảo hiến pháp và các sinh hoạt quan trọng của quốc gia
Thứ tư:  Ban hành các đạo dụ liên quan đến các quyền tự do cơ bản của người dân

Sau đây là những chi tiết liên hệ tới bốn bước tiến kể trên:

Khẩu hiệu “Dân Vi Quý” của Hoàng Đế Bảo Đại

Đây là khẩu hiệu của vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn mà ai đã từng học sử Việt Nam đều biết và cũng là bước tiến đầu tiên của vị hoàng đế này trên đường thực hiện chế độ dân chủ của ông.  Khẩu hiệu này được trích dẫn từ sách Mạnh Tử, một trongTứ Thư của các Nhà Nho ta thời xưa[1], nguyên văn là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” có nghĩa là “Dân là quý, sau đó là xã tắc, vua là nhẹ”, được nhà vua chính thức đưa ra trong Dụ Số 1, mở đầu cho một giai đoạn mới trong triều đại của ông.  Dụ này được ban hành ngày 17 tháng 3 dương lịch năm 1945, nguyên văn như sau:

Dương Lịch ngày 17 tháng 3 năm 1945

Nước Nhật muốn hoàn toàn thực hiện chương trình sây nền thịnh vượng chung ở Đại-Đông-Á đã giải phóng cho nước Nam ta, và Trẫm tuyên bố Việt Nam độc lập rồi.
Nay Trẫm có trách nhiệm đối với lịch sử và thần dân, nên tự cầm lấy quyền để bảo vệ lấy quyền lợi cho Tổ-quốc và giáng dụ rằng
1)      Chế độ chính trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu “DÂN VI QUÍ’
2)      Trong chính giới sẽ chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng Quốc gia cho xứng đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Đại-Nhật-Bản trong công cuộc kiến thiết Đại-Đông-Á.
3)      Trẫm sẽ tái định và tuyên bố các cơ quan chính trị để ban hành những phương pháp hợp với nguyện vọng của Quốc dân.

           Nhận định về đạo dụ này, Nguyễn Tường Phượng trong bài “Một Đạo Dụ, Một Chế Độ” đăng trên Tri Tân Tạp Chí số ra ngày 20 tháng 4 năm 1945, trên trang đầu, đã viết như sau:

           “Ba điều ban bố trên đáng ghi vào lịch sử xứ này, thật là trên thuận lòng giời, dưới đẹp lòng dân, quốc dân rất trông mong ở sự thi hành triệt để khác nào như đói mong ăn và khát mong uống vậy.
           “Nếu một khi nhà nước dùng được người tài, đức vẹn hai ra gánh vác, đảm đương những trọng trách, lại thêm vào đấy cái chính sách thân dân, thể tất đến dân nguyện thời nền tảng quốc gia xứ này có thể phục hưng.
           “Được như vậy, đạo dụ ngày 17 tháng ba đáng ghi vào trang đầu lịch sử của nước Việt-Nam độc lập.”

           Còn Luật Sư Bùi Tường Chiểu, trong bài “Đạo Dụ Số 1 Của Đức Bảo Đại Hoàng Đế” đăng trên Thanh Nghị, số 107, “Số Đặc-San Chính Trị”, ra ngày 5 tháng Năm 1945, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của đạo dụ này. Ngay những dòng mở đầu ông viết:

           “Đạo dụ trên đối với chế độ chính trị nước ta sau này có một tính cách quan trọng đặc biệt mà ta có thể nói rằng đạo dụ này đã nêu lên một cách tóm tắt những quả quyết rõ ràng những nguyên tắc kiến thiết chính thể nước Việt-Nam sau này.”
rồi nhấn mạnh hơn đến ba chữ Dân Vi Quý, ông phân tích:
           “Nay đạo Dụ số 1 đã nêu lên khẩu hiệu Dân vi quí có nghĩa là đức Bảo-Đại đã hủy bỏ cái lý thuyết cũ mà đến nay hầu hết các nước văn minh đã cho là không hợp thời. Đã lấy dân làm trọng, đã lấy quyền lợi dân để trên tất cả thì vua tất chỉ là một cơ quan tối cao trong nước điều khiển những cơ quan chính trị khác để phụng vụ quốc gia, tìm những phương pháp hợp với nguyện vọng của cả quốc dân mà thi hành.  Như thế là trong nền chính trị đức Bảo-Đại Hoàng-Đế đã định đặt quốc dân ta đi vào một con đường mới.”
           Cuối cùng đi xa hơn nữa, vị luật gia này còn nói tới hiến pháp. Ông viết:
           “Xong chúng ta có thể căn cứ vào điều thứ 3 của bản Dụ mà nói rằng đức Bảo-Đại sẽ tuyên bố các cơ quan chính trị mới mà trong câu cơ quan ấy sẽ có một cơ quan có quyền lập pháp. Muốn tổ chức một cách phân minh các cơ quan hành chính, lập pháp và tư pháp, tất nhiên phải có một đạo hiến-luật để ấn định rõ ràng những quyền hành của các cơ quan chính trị.”
           Đúng như vậy, Hoàng Đế Bảo Đại sau đó đã từng bước tiến hành những biện pháp mang tính cách dân chủ để xây dựng một thể chế mới với sự đóng góp của nhiều người thay vì của một thiểu số quan lại trong triều. Sau đây là những nét chính của những nỗ lực này.

Đặt nền tảng cho việc xây dựng chế độ mới và sửa soạn cho những công trình tái dựng đất nước lâu dài (sửa lại chính thể và toàn bộ guồng máy chính quyền)

Đây là bước tiến thứ hai trong tiến trình xây dựng chế độ dân chủ bằng cách tạo dịp cho người dân mà đại diện là các nhân sĩ, trí thức và chuyên viên các ngành được tham gia việc nước, đồng thời thực hiện khẩu hiệu Dân Vi Quý của Hoàng Đế Bảo Đại.  Bước đầu tiên là việc Vua Bảo Đại tham khảo ý kiến các quan lại, trí thức nhằm thành lập chính phủ đầu tiên cho nước Việt Nam độc lập thay thế cho Nội Các Phạm Quỳnh đã từ chức.  Với bước tiến thứ hai, vào khoảng từ trung tuần tháng sáu đến thượng tuần tháng bảy, vừa nhằm chiêu dụ nhân tài, vừa nhằm tạo cơ hội cho người dân được góp phần vào việc đặt nền tảng và thiết lập các cơ chế căn bản cho mọi phạm vi sinh hoạt lâu dài của đất nước, bốn hội đồng đã được thành lập qua ba đạo dụ và một đạo sắc. Bốn hội đồng này gồm có:

Hội Đồng Dự Thảo Hiến Pháp, do Phan Anh làm Thuyết Trình Viên gồm có các ông Phan Anh, Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hoè, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Huy Lai, Đặng Thái Mai, Vương Quang Nhường, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Sâm, Nhượng Tống, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Thinh và Nguyễn Trác (Dụ số 60 ngày 7 tháng 7 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 7 tháng 7 năm 1945).

Hội Đồng Cải Cách cai Trị, Tư Pháp và Hành Chính, do Vũ Văn Hiền làm Thuyết Trình Viên, gồm có các ông Vũ Văn Hiền, Trần Văn Ân, Trần Văn Chương, Phạm Khắc Hoè, Lê Quang Hộ, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoát, Trần Văn Lý, Trần Đình Nam, Nguyễn Khắc Niêm, Đặng Như Nhơn, Dương Tấn Tài, Nguyễn Hữu Tảo, Trịnh Đình Thảo và Phan Kế Toại (Dụ số 70 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 9 tháng 7 năm 1945).

Hội Đồng Cải Cách Giáo dục, do Hoàng Xuân Hãn làm Thuyết Trình Viên, gồm có Bà Hoàng Thị Nga, các ông Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân, Nguyên Văn Chi, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thành Giung, Ngụy Như Kontum, Bùi Kỷ, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Quang Oánh, Ưng Quả, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Thắng, Nguyễn Văn Thích, Hoàng Đạo Thúy và Nguyễn Xiển (Dụ số 71 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 10 tháng 7 năm 1945).

Hội Đồng Thanh Niên. Hội Đồng này gồm có
Chủ Tịch: Hoàng Đạo Thúy
Phó Chủ Tịch: Trần Duy Hưng, Bắc Chi Bộ
Phó Chủ Tịch: Tạ Quang Bửu, Nam Chi Bộ
Cố Vấn Bắc Chi Bộ:  Bà Nguyễn Thị Thục Viên, các ông Nguyễn Xiển, Phạm Thành Vinh, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Xuân Phương, Trần Văn Quý, Phan Huy Quát, Ngụy Như Kon-tum, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Tường Bách.
Cố Vấn Nam Chi Bộ: Bà Nguyễn Đình Chi, các ông Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Tôn Quang  Phiệt, Kha Vạng Cân, Nguyễn Tư Vinh, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Kinh Chi và Thái Can (Sắc số 65 ngày 15 tháng 6 năm 1945)[2]

Khi đọc danh sách các hội viên được đề nghị tham gia các hội đồng kể trên để trình lên Hoàng Đế Bảo Đại phê duyệt, Phạm Khắc Hoè tỏ ý thắc mắc là có tên những người ông “chưa từng thấy bao giờ” nên đã hỏi Trần Trọng Kim và được Trần Trọng Kim cho biết là các danh sách này “đã được toàn thể Nội các và nhất là các ông bộ trưởng thuyết trình viên đồng ý cả rồi, tuy chưa hỏi được ý kiến của tất cả những người hữu quan, song chắc họ vui lòng nhận cả, vì lúc này ai mà chẳng sẵn sàng ra thờ vua giúp nước” và nói thêm “Vậy ông chịu khó xin Hoàng Đế phê chuẩn đi cho kịp thời, đừng nên hỏi đi hỏi lại nữa.”  Kết quả, theo lời Phạm Khắc Hoè, là“chỉ mấy phút sau, bốn dự thảo của nội các trở thành ba đạo dụ và một đạo sắc chính thức.”[3]  Những lời đối thoại này cho ta thấy tính cách hữu hiệu và làm việc chạy theo thời gian của Trần Trọng Kim và nội các của ông dù đó mới chỉ là ban hành được những đạo dụ hay đạo sắc để làm nền tảng pháp lý cho những bước kế tiếp trong tương lai.  Nó cũng nói lên tính cách hữu hiệu của chế độ quân chủ chuyên chế và sự tin tưởng của Hoàng Đế Bảo Đại vào vị thủ tướng và nội các đương thời, vì bình thường những quyết định liên hệ đến thể chế và những cơ chế tương lai trong một quốc gia  dân chủ bình thường không thể nào có thể thực hiện được trong vòng trên dưới hai tháng tính từ ngày Nội Các Trần Trọng Kim họp phiên họp đầu tiên, ngày 8 tháng 5, đến ngày 10 tháng 7,  ngày đạo dụ cuối cùng trong bốn đạo sắc dụ này được đệ trình, rồi được vị nguyên thủ quốc gia phê chuẩn trong có“mấy phút sau”.  Một thời gian kỷ lục.  Cũng nên để ý là các vị bộ trưởng được Trần Trọng Kim nói đến ở đây là Bộ Trưởng Thanh Niên Phan Anh, Bộ Trưởng Tài Chánh Vũ Văn Hiền và Bộ trưởng Giáo Dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn.   Cả ba, ngoài bằng cấp chuyên môn, đều là những chuyên viên hàng đầu của Việt Nam thời đó.   Họ là những người từ lâu đã tìm hiểu, nghiên cứu và viết những những bài tham khảo bàn về những lãnh vực riêng của mình và là những cây bút nòng cốt của tờ Thanh Nghị, một thứ “think tank” của chính phủ đương thời.   Đây cũng là dịp để họ thi thố tài năng và thực thi hoài bão mà từ lâu họ đã từng thai nghén.  Cũng nên nhớ là thành ngữ  “thờ vua giúp nước” cho đến thời điểm này vẫn chưa trở thành lạc hậu. Thế nhưng họ vẫn bị Phạm Khắc Hoè cản trở và mỉa mai. (Chú thích)

“Tuần lễ của các Tự Do”

Đây là sự ban hành một số những đạo dụ ấn định những nguyên tắc liên hệ đến các quyền tự do căn bản của người dân.  Ba đạo dụ sau đây đã được báo Thanh Nghị số 117, ra ngày 21 tháng Bảy năm 1945[4] ghi nhận theo thứ tự thời gian gồm có:
1.     Dụ số 73, ngày 26 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 5 tháng 7 dương lịch năm 1945 về tự do lập nghiệp đoàn.
2.     Dụ số 78, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do lập hội.
3.     Dụ số 79, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do hội họp.

Cả ba đạo dụ này đã được ban hành trong một thời gian ngắn là thượng tuần tháng bảy năm 1945 và Thanh Nghị đã gọi tuần  lễ này là “Tuần của các Tự Do.”
Về chi tiết, báo Thanh Nghị tóm tắt như sau:

Tự do lập hội: Từ nay phàm người công dân Việt Nam ai nấy đều có quyền lập những hội có mục đích chính trị, văn hóa, tôn giáo hay xã hội, ngoài những hội có mục đích kiếm lợi.   Chỉ cần mục đích của hội không trái với pháp luật, luân lý hoặc là có hại đến nền duy nhất và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.  Nhưng cần phải báo trước với nhà chức trách ít nhất là 30 ngày trước khi hoạt động

Muốn phân biệt các hội do đạo Dụ số 78 với các hội có mục đích kiếm lợi phải xét xem các hội viên có chia lãi cho nhau hay không?   Nếu chia lãi thì tất phải theo những luật lệ hiện hành về các hội buôn.

Nhiều người hội họp với nhau nhiều lần cũng lại không họp thành một hội vì không có điều lệ để hội viên theo.   Cho nên trong tờ khai phải đính theo cả bản điều lệ của hội mình định sáng lập.

Hội có thể tự giải tán (theo điều lệ hay theo ý muốn toàn thể hội viên) hay bị toà án giải tán, nếu mục đích trái với pháp luật, luân lý, hại tới quốc gia, nếu không khai báo cho đúng thể lệ (chưa kể những sự trừng phạt về tội hình những người có trách nhiệm).  Tài sản của hội khi đó sẽ phân phát theo điều lệ của hội, theo quyết định của đại hội đồng của hội hay theo lệnh của toà.

Có hai thứ hội: hội thường và hội được Hội Đồng Nội Các công nhận là một hội có ích lợi chung.   Hội thường có quyền tố tụng, thu nhập tiền đóng góp của hội viên, có quyền mua, quyền sở hữu và quản lý nhà hội quán, quản trị những bất động sản mà bộ Nội Vụ và Tài Chính cho phép mua.  Còn hội được chính quyền công nhận là có ích lợi chung thì ngoài những quyền này còn có quyền được nhận những tặng dữ.

Tự do hội họp: Người dân được quyền tự do hội họp nhưng Dụ số 72 phân biệt hai thứ hội họp là hội họp trong tư gia có tính cách gia đình hay lễ nghi và các hội họp ở những nơi công cộng.

Đối với các hội họp trong gia đình hay lễ nghi hay những hội họp của các hội tư nhóm họp trong tư gia với số người tham dự không quá 30 người, người triệu tập không cần phải khai báo. Các cuộc hội họp khác cũng được tự do nhưng phải khai báo với nhà chức trách.  Tất cả các cuộc hội họp ở các nơi công cộng như họp ở ngoài đượng phố, trong các công viên hay các thị xã đều phải xin phép trước. Giờ họp không được quá 12 giờ đêm trừ khi có phép riêng. Ngoài ra một nhân viên hành chánh hay tư pháp cũng có quyền tới dự.

Tự do lập nghiệp đoàn: Việc lập nghiệp đoàn cũng được coi như quyền tự do của người dân với những quy luật được ấn định trong Dụ số 73, theo đó, để tránh không cho những hội kiếm lợi giả danh làm nghiệp đoàn với mục tiêu trốn thuế, các nghiệp đoàn bị cấm không được chia lời cho các đoàn viên và khi giải tán thì của cải không được đem chia cho các đoàn viên.  Đồng thời để bảo vệ những người trong nghề, dụ này cấm không cho nghiệp đoàn cưỡng ép những người này  phải gia nhập hay bắt đoàn viên phải ở lại trong nghiệp đoàn vĩnh viễn nhưng ngược lại cho phép nghiệp đoàn được từ chối không nhận một người làm đoàn viên theo điều lệ của mình.  Mặt khác, nghiệp đoàn có tư cách pháp nhân trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình, có quyền sở hữu các động sản hay bất động sản nếu xin phép, có quyền liên kết với nhau để thành lập các liên đoàn và về phía chính quyền, chính quyền có quyền cử nguời kiểm soát việc quản lý tài chánh của nghiệp đoàn hay liên đoàn.  Cuối cùng vì nghiệp đoàn là một tổ chức có thể dùng để tranh đấu nên người sáng lập bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam và phải ở trong nghề ít nhất một năm.

Vì ba đạo luật kể trên đã được ban hành trong thượng tuần tháng 7 năm 1945 nên tác giả của bài báo gợi ý gọi tuần lễ này là “Tuần Lễ Của Các Tự Do”.  Mặt khác nếu người ta theo dõi những cuộc hội họp của người dân ở cả hai miền Trung và Bắc đã diễn ra liên tiếp từ ngày 10 tháng 3, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, đặc biệt là ở Huế và Hà Nội với hàng vạn người tham dự một cách tự do, thoải mái, thì sự ban hành các đạo dụ này “đã làm hợp pháp một tình trạng riêng của các tỉnh ở Bắc Bộ Việt Nam vì từ  sau ngày 9 tháng 3 các hội, các đoàn mọc lên như nấm, các cuộc hội họp công khai tự do vô cùng”.[5]

Kết Luận

Tất cả các công trình lớn lao kể trên đã được Hoàng Đế Bảo Đại, Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và trong một thời gian kỷ lục chưa tới ba tháng ngắn ngủi kể từ ngày 8 tháng 5 khi chính phủ này được trình diện đến ngày 6 tháng 8 năm 1945 khi chính phủ này từ chức và được Hoàng Đế Bảo Đại cho phép, ngắn hơn nữa nếu tính đến ngày 9 tháng 7, ngày các Dụ số 78 về Tự Do Lập Hội và số 79 về Tự Do Hội Họp được nhà vua chấp nhận. Đây là một phần của một cuộc cải cách rộng lớn hơn bao trùm mọi phạm vi sinh hoạt đương thời, gọi theo Sử Gia Na Uy Stein Tonnesson là “từ trên xuống”, còn gọi theo Vũ Ngự Chiêu thì đó là một cuộc cách mạng cũng từ trên xuống: “cách mạng từ trên xuống”. Cả hai sử gia này đều có lý vì tính cách nhanh chóng ít ai có thể ngờ của nó. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao nó có thể xảy ra được trong một chế độ quân chủ chuyên chế đã từng tồn tại cả ngàn năm như vậy? Có ba sự kiện người ta có thể nghĩ tới để trả lời câu hỏi này. Đó là ý muốn của người cầm đầu hay đúng hơn vị nguyên thủ quốc gia, ước vọng và khả năng của những người lãnh nhiệm vụ thực hiện cuộc cải cách theo ý muốn của vị nguyên thủ quốc gia ấy và cuối cùng là sự đón nhận của dư luận đương thời. Cả ba sự kiện này Đế QuốcViệt Nam ở thời điểm đương thời đều có đủ. Từ Vua Bảo Đại đến Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng đều là những người được huấn luyện đầy đủ, có kiến thức và nhất là có thực tâm, tha thiết với nền độc lập và sự tiến bộ của nước nhà.  Điều đáng tiếc là biến cố 19 tháng 8 đã xảy ra, Việt Minh cướp chính quyền và tất cả đều đã bị dẹp bỏ, điển hình là ngày 22 tháng 9 năm 1945, 20 ngày sau khi tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ các nghiệp đoàn trong toàn cõi Việt Nam[6] và Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký NghịĐịnh ngày 14 tháng 9 giải tán Hội Khai Trí Tiến Đức trong khi cùng ngày lại ký một nghị định khác “cấp năng lực pháp luật”[7] cho hội “Văn Hoá Cứu Quốc Việt Nam” (Việt Minh)[8].  Cuối cùng thì sau 70 năm, cho đến tận ngày hôm nay khi bài này được viết, bất chấp mọi sự hy sinh, gian khổ, máu và nước mắt của hàng triệu đồng bào,Tự Do và Dân Chủ, Công Bằng và Bác Ái vẫn nguyên vẹn chỉ là niềm mơ ước hầu như còn lâu mới đạt được của người dân Việt.

Phạm Cao Dương
Viết để tưởng niệm các học giả Trần Trọng Kim,
Hoàng Xuân Hãn, những người đã góp phần xây
dựng nền giáo dục mới cho nước Việt Nam độc lập
và một thế hệ trí thức mới đã đứng ra làm việc nước




[1]Đoàn Trung Còn, dịch giả, Tứ Thư, Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Quyển Bảy, “Chương Sau: Tận Tâm”Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 2000, tr. 263.-  Nguyễn Đức Lân (dịch và chú giải),  Tứ
Thư Tập Chú, “Mạnh Tử, ChươngXIV, Tân Tâm, Chương Cú Hạ”. Hà nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 1999, tr. 1346.-  Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử. Saigon: Cảo Thơm, 1975; Nhà Xuất Bản Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, Los Alamitos, CA, tr. 58. – Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng Trọn Bộ. Houston: Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 463.-Bàn về khẩu hiệu này, Phạm Khắc Hoè, Ngự Tiền Tổng  Lý Văn Phòng của Vua Bảo Đại và là người thân Việt Minh nằm trong Đại Nội bên cạnh nhà vua cho là do một người nào đó “mớm” cho nhà vua chứ Bảo Đại không thể có ý tưởng đó được.   Nhận xét này nhiều phần không đúng nếu ta để ý tới căn bản giáo dục mà Bảo Đại nhận được xuyên qua Phụ Đạo Lê Nhữ Lâm từ hồi ông mới 6 tuổi rồi sau đó theo ông sang Pháp trong suốt thời gian ông ở Pháp để dạy ông về đạo làm vua theo truyền thống Việt Nam trong đó có Khổng Giáo, tiếp theo là những gì ông làm trong thời kỳ cải cách trước đó và những gì ông viết trong hồi ký sau này của ông.   Xem thêm Phạm Khắc Hoè, Từ Triều Đình Huế Đến Chiến Khu Việt Bắc. Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1987, tr. 22-23.
[2]Phạm Khắc Hoè, Từ Triều Đình Huế…, dẫn trên, tr. 41-43.
[3]  - như trên -, tr. 41.
[4]Trong mục “Đời Sống Đông Dương qua bài báo nhan đề“Mấy Đạo Dụ về Tự Do”, tr. 23-25.
[5]- như trên-, tr. 25
[6]Việt Nam Dân Quốc Công Báo, số  2, 6 Tháng Mười 1945, “Mục Lục Công Báo ngày 6 tháng 10 năm 1945”
[7]Tư cách pháp nhân
[8]Việt Nam Dân Quốc Công Báo, dẫn trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét