Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

MÙA XUÂN TUYỆT VỜI - Truyên Trương Duy Cuờng



                                                           - 1 -
 Qua khung cửa sổ, Phương nhìn ra khu vườn. Những cây mai đầy nụ hoa vàng. Những chậu hoàng cúc, những chậu thượt dượt , chậu hồng đã lần lượt khoe sắc hương.
Ngôi biệt thự “villa Phi-Anh” nằm cuối con đường Courbet  nhìn ra kho dầu  hãng Shell bên bờ Sài-giang  này do bố Phương mua lại của cụ Hường Sáu, một Hồng lô tự khanh  bán lại khi cụ nghỉ hưu và muốn trở về sống gần cố đô Huế.

Khu vườn khá rộng trồng rất nhiều loại cây ăn quả như xoài tượng, nhãn lồng, thanh trà, ổi xá lị, lê-ki-ma, lê, mận, mít,  dứa...
Phía sau khu vườn là một cái ao thiên nhiên có rất nhiều cá rô, cá tràu, tôm và ốc bươu.  Bao quanh ba mặt của ao là những hàng tre  già ngợp bóng và những bụi trúc xanh vàng vươn cao. Mỗi mùa hè, khi mùa nước cạn, mọi người trong nhà cùng các bạn hướng đạo của Phương hẹn nhau một ngày rảnh rỗi, cùng nhau lấy đất và bùn đắp những bờ đê ngăn ao cá thành từng ô nhỏ, dùng gàu sòng và gàu giai tác cạn nước.... rồi lội  xuống  ao  tha hồ bắt cá, tôm nhất là lượm ốc bươu. Có năm bắt  được ba bốn thùng thiếc ốc bươu. Ðôi khi cũng tóm được hàng chục chú ếch bà mập. Ốc bươu và ếch là hai món ăn khoái khẩu nhất của Phương.
Phía bên phải ngôi nhà nhìn ra vườn là một hồ sen nhân tạo trồng nhiều sen hồng. Một giàn nho leo trên  che phủ hồ sen có những chùm nho xanh, vàng, nâu lẫn lộn thòng xuống trông rất bắt mắt. Bố của Phương luôn luôn nhắc nhở bà con, bạn bè phải trông chừng rắn lục (cùng màu với lá nho) mỗi khi muốn hái  vài chùm nho rất ngọt để ăn chơi. Có một buổi trưa hè, ông bố bắt võng nằm đọc sách duới bóng cây gần giàn nho đã thấy hai con rắn lục ẩn hiện trong lá nho cùng màu. Ông báo động, trai bạn trong nhà đều chạy ra vườn để đuổi rắn đi chứ không thể bắt rắn được vì rắn ở trên vị trí cao và di chuyển lẹ lắm.
Phương thích nhất là cây ngọc lan cao lớn ngày ngày cho nhiều hoa thơm ngát và hai cây nhãn rất sai trái và ngọt như đường phèn.
Cuối tuần được nghỉ học, các bạn hướng đạo sinh thường đến nơi này để họp bạn và sinh hoạt thanh niên với anh em Phương. Lại là dịp  trái cây trong vườn được các bạn trẻ tận tình chiếu cố.
Phương lấy làm lạ vì theo ý nghĩ của chàng thì những dái mít non mới nẩy ra trên cành mít, chỉ to bằng ngón tay cái, vị chác, có gì ngon đâu thế mà các cô bạn gái của Phương cũng ngắt xuống rồi chấm với đường cát mà nhâm nhi. Trông miệng với đôi môi  xinh xinh của các cô khi thưởng thức loại trái cây này cũng làm Phương rệu nước bọt theo vì thèm thuồng.
Riêng cây ngọc lan, hàng ngày được các cô thanh thiếu nữ láng giềng đến làm quen với người quản gia chăm sóc vườn xin hái vài hoa ngọc lan  để ngửi mùi thơm nhè nhẹ của loại hoa này. Theo các cô mùi thơm của loại hoa thiên nhiên này các cô thích hơn mùi nước hoa “Rêve  d’or” nữa. Nhờ biết được chuyện này, nên Phương không còn ngạc nhiên như những lần trước đây khi đến gần chuyện trò với mấy cô gái trẻ xinh đẹp và “thơm tho” này nữa. Như vậy mùi thơm mà Phương nhận thấy từ thân thể các cô tỏa ra  mà theo vài ông văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ thời bấy giờ ca tụng “ mùi trinh nữ” giống mùi thơm dễ chịu của hoa ngọc lan  không phải chính  thân thể các cô sản xuất mà vay ở cây ngọc lan của nhà chàng. Chàng nghĩ “đã vay thì mang nợ, mà mắc nợ thì phải trả!” theo luật nhân quả. Như vậy trong số các cô này có người phải trả nợ cho chủ nợ. Mà người đại diện cho chủ nợ chính là Phương. Nhưng cuộc chiến dai dẳng  nhiều năm trên  quê hương, đã xóa bỏ món nợ vô hình này khi mỗi cô bạn láng giềng lần lượt dời chỗ ở đi nơi khác theo nhu cầu sinh sống hoặc đến  vùng an toàn hơn.
Phía bên trái ngôi villa của bố Phương là một biệt thự rất đồ sộ của một người Pháp. Ngôi nha này kiến  trúc theo lối dinh thự bên Âu châu trông rất hùng vĩ và rất mỹ thuật. Sống gần nhau nhiều năm mà gia đình Phương chưa người nào có dịp qua thăm ngôi nhà đó để thấy bên trong như thế nào. Khu vườn nhà này rộng gần gấp đôi bên vườn của Phương. Ngày ngày chỉ thấy ra vào một cặp Ông Tây, bà Ðầm cao tuổi  và một hai người giúp việc, không có con cái gì vì Phương chẳng thấy cậu tây con hay cô đầm nhí nào xuất hiện theo mong ước của chàng. Vườn chỉ trồng nhiều cây cùng một lọai   ngô đồng mà người địa phương gọi tên cây vông đồng. Thân cây  to, cao có nhiều gai nhọn như vỏ quả mít và cho cành lá rất sum sê. Một kỷ niệm làm Phương nhớ đời đó là lần Phương bị mấy người trẻ tuổi xa lạ đi ngang qua khu nhà Tây này xúi dại Phương nhặt vài trái ngô đồng này ăn.
Anh ta bảo: “ trái này  ăn rất ngon và béo”.
Phương nghe bùi tai nên ăn thử hai hột. Thấy beo béo, nhưng sau đó bị “Tào Tháo” đuổi, chạy không kịp, suýt chết. Làm bố Phương phải chở Phương đi bệnh viện cấp cứu vì bị chứng tháo dạ (tiêu chảy). Những năm về sau Phương mới biết hạt ngô đồng trong đông y là loại thuốc hoạt trường (thuốc xổ).
Vài ba năm kế tiếp, không rõ chủ nhân người Pháp này dọn đi chỗ nào khác hay về lại cố hương.
Một đêm lửa bốc cháy thiêu rụi ngôi biệt thự và trong những năm khu vườn này bỏ hoang, người ta đồn  khu vườn ấy có ma. Không những ma hiện ra lúc trời bắt đầu tối cho đến sáng sớm mà có người còn kể lại thấy ma hiện ban ngày nữa, nhất là những buổi trưa đúng giờ Ngọ.
Thuở đó Phương là con mọt sách, thích đọc những truyện ma như Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh do cụ Ðào Trinh Nhất dịch, truyện ma của nhà văn Phạm Cao Củng, truyện đường rừng của nhà văn Lan Khai, truyện trinh thám của nhà văn Thế Lữ, truyện ma và kinh dị của Edgar Poe nên  chàng khoái ma lắm. Nhất là ma nữ xinh đẹp  đa tình diễn tả  trong bộ Liêu Trai. Phương mong ước có ngày hoặc đêm nào đó được nhìn  ma qua đôi kính cận thị rất dày của chàng,  phải sờ thân thể ma để biết ma như thế nào mà mấy ông văn sĩ đề cao quá.  Chờ mãi mà không gặp. Hai năm kế, gia đình Phương dọn đi chỗ khác. Tiếc thật!
Phải  cả chục năm sau,  khi đã là sĩ quan có Colt-12 và xe  Jeep, Phương mới nhìn thấy  được con ma nữ  mang tên Pháp là ma femme, gốc Hà Nội  xâm nhập hái trộm hoa ngọc lan trong ngôi nhà từ đường của dòng họ chàng ... ma này quyến rũ hớp hồn chàng và ghen dữ lắm may mà chàng có thụ huấn qua khóa huấn luyện võ thuật  cận chiến, xáp lá cà, xung phong... ở trường võ bị nên  chàng dùng atêmi hạ knock out, bắt được con ma này và chiêu hồi thành người nhà. Thế mà quân đội không tuyên dương công trạng của chàng trước toàn thể quân đội với ADBT nhành Dương Liễu mà chỉ cho hưởng thêm lương “nội tướng thực thụ” mà thôi.
 ***                                                             - 2 -

Những ngày cuối mùa đông của tháng chạp âm lịch năm Mậu Tý 1948 chậm chậm trôi qua. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là đón Xuân mới Kỷ Sửu.
Như thường lệ hàng năm bố mẹ của Phương thường nhận quà của anh em, bạn bè ở xa gửi về cho gia đình Phương vui Tết .
Bà thím  từ lâu sang lập nghiệp ở Hương Cảng,  mở công ty xuất nhập cảng, gửi  cho nhiều cân lạp xưởng ướp rượu Mai quế lộ, nhiều cân hạt dưa, hồng khô, táo tàu khô cùng những bánh pháo toàn hồng khoanh tròn dài mười  mét đốt lên  tiếng nổ rất lớn.
Anh em Phương thích nhất là những phong pháo tiểu  còn gọi là pháo chuột chế tạo bên Hongkong  tặng riêng cho anh em Phương  vui xuân . Món hàng này lúc đó chưa nhập cảng vào Việt Nam, nên bạn bè của Phương  đều  dặn Phương lúc nào đốt pháo thì nhớ  ới một tiếng cho bạn bè đến  xem chung vui.
Bà cô ở đường Hải Thượng Lãn Ông Phan Thiết năm nào cũng không quên quà cho các cháu bằng thổ sản địa phương như nước mắm, khô mực,  mứt chà là, mứt me và dưa hấu.
Nhưng món quà mà anh em Phương mong nhất lại không phải là do các người bà con trong tộc họ gửi về mà do một người bạn thân của bố gửi cho. Món quà của ông Bác  này là  ước mơ tuổi thơ đến từ ông già Nô-en trong truyền thuyết  vậy.
**
Năm 1947, ông Trúc Viên từ thành phố Phan Thiết lần đầu tiên ra Hội-An thăm các bạn thường giao dịch buôn bán với ông từ nhiều năm trước. Hai bên chỉ giao dịch bằng thư từ hoặc điện đàm, chưa có dịp diện kiến để bàn bạc công chuyện làm ăn. Một bên chuyên cung cấp thổ sản của tỉnh Bình Thuận như mắm, cá khô, nước mắm Phan Thiết, gạo chở ra bằng những chiếc ghe bầu. Rồi sau khi giao hàng lại chở  thổ sản tỉnh Quảng Nam như quế Trà Mi, cau khô Tiên Phước, lòn bon Ðại Lộc, Yến sào cù lao Yến, chiếu cói Bàn thạch về lại Bình Thuận. Lối trao đổi thổ sản địa phương này đã diễn ra nhiều năm giữa hai công ty thương mại lớn của hai tỉnh miền Trung.
 Thời gian này Việt Minh không quấy phá, tình hình chiến sự tương đối bình yên, nên gần Tết dân chúng đi lại an toàn khắp vùng quê.
Lần đầu có bạn  từ xa đến chơi,  bố của Phương đón  ông bạn Trúc  Viên   về villa Phi-Anh ở và những ngày kế tiếp mời ông bạn làm một chuyến du lịch  bằng thuyền ra khơi thăm cù lao Chàm, cù lao Yến là một trong những nơi thu hút du khách từ mọi miền  mỗi khi đến phố cổ Hội An.
Từ sáng sớm, mẹ của Phương đã thức dậy sớm vo gạo nấu cơm. Hôm nay bà làm món “cơm lát”.  Phương thấy mẹ  nấu cơm nhiều hơn thường ngày. Cơm chín, bà đổ cơm ra rổ. Bà lấy tấm khăn bằng vải trắng trải ra trên bàn. Lấy tấm vải thưa đặt lên trên. Dùng muỗng lớn múc cơm đổ lên trên lớp vải thưa rồi cuộn tròn lại. Nắm và nhồi cơm  thật chặt  thành hình tròn dài như đòn bánh tét. Khi nào ăn thì dùng dao cắt từng lát cơm ra như cắt bánh tét hay cắt bánh mì baguette vậy. Các lát cơm này cầm ăn  với cá hộp  sardine à l’ huile et à la tomate  chính hiệu chế tạo nhập cảng từ  Maroc khi lênh đênh trên biển, gió biển thổi mát lành lạnh làm cho du khách cảm thấy đói bụng nên cảm thấy ngon hơn ăn với bánh tây nữa.
Bố của Phương chuẩn bị các cần câu cá và mồi câu. Ông có biệt tài câu cá. Hàng ngày ông câu được nhiều cá ở sông cũng như ở biển.
Một lò than hồng đặt trên thuyền để nướng các con cá vừa câu được, tỏa ra mùi cá nướng  rất thơm.
Trên hải trình, gặp những thuyền đánh cá từ ngoài khơi trở về, bố Phương hỏi mua những con mực ống rồi cho luộc ngay để ăn với nước mắm pha gừng.
 Những chai bia lùn  chế tạo theo gu bia Ðức mang nhãn hiệu  Kronenbourg nhập cảng, sản  xuất từ vùng  Alsace-Lorraine  giữa Pháp và Ðức được khui ra nhậu với cá nướng, khô mực, mực luộc... thật hết  ý. Khách và chủ cụng ly giờ này qua giờ khác quên hết  đời là bể khổ!  mà chỉ thấy một tình bạn tuyệt vời.
Giữa biển trời mênh mông, chiếc thuyền gió căng buồm tiến rất nhanh. Những đoàn “cá Vượt” bơi đua với thuyền không biết chán và mệt. Sở dĩ loại cá này mang tên cá Vượt vì thích bơi đua với ghe thuyền trên biển và lúc nào cũng vượt lên phía trước ghe thuyền.  Thỉnh thoảng một vài con cá chuồn flying fish bay lên khỏi mặt nước biển xanh, có lúc rơi vào thuyền.
Khoảng gần trưa thì thuyền cập bến cù lao Chàm. Mọi người lên bãi biển xem sinh hoạt của những người chuyên sống về nghề biển. Những trái dừa mới hái từ trên cây xuống, nước ngọt lịm. Những con cua, tôm, cá, con mực ống , cá thu nấu vừa chín cuốn với bánh tráng và rau sống, ăn thật ngon.
Ban đêm cả nhà kéo ra bãi biển, gom củi, cây khô rồi đốt lên như những hướng đạo sinh  chơi  trò cắm trại. Lửa hồng rực sáng tỏa hơi nóng ấm .Khô mực, nghêu , cá ... nướng trên  lửa than đỏ hồng, mùi thơm bay lan rất xa.
Ngày hôm sau khi ăn điểm tâm xong, mọi người lại xuống thuyền đi đến cù lao Yến để xem sinh hoạt của những người chuyên môn trèo vào các hang động để lấy yến sào (tổ yến).
Những công nhân chuyên môn này trèo vào những lỗ hang thiên nhiên trên cao rồi lách vào những khe núi, dùng dây buộc chặt  thân  người để đu đưa vào hai bên vách núi gở những tổ yến bám chặt vào  vách. Họ làm rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, thao tác dễ dàng và hiệu quả.
Sau một ngày ghé thăm cù lao Yến gia đình Phương cùng người bạn trở về đất liền.
Chuyến đi chơi hải đảo  cù lao Chàm và cù lao Yến  lần này thật đáng nhớ đời.


Khi gặp bố Phương, ông bạn Trúc Viên đề nghị:
“Tôi với ông cùng họ, tuy không phải là bà con cùng huyết thống, nhưng tôi muốn chúng ta kết nghĩa làm anh em  cùng họ, ai cao tuổi hơn là anh, ai kém tuổi là em, ông bạn có đồng ý không?”
Bố Phương vui vẻ nhận sáng kiến này ngay. Và nhận ông Trúc Viên làm ông anh  họ vì ông Trúc  Viên lớn hơn vài tuổi.
Từ sau đó, năm nào gần dịp Tết đến, bác Trúc Viên không bao giờ quên gửi quà ra cho Phương, đứa cháu họ thông minh  có nhiều tài vặt như đàn mandoline  khá hay, vẽ phác họa rất  nhanh, đẹp và học giỏi được bác thương nhất.
Quà của Bác Trúc Viên  gửi ra bằng phong bao đầy tiền lì xì “ mừng tuổi” rất xộp với món tiền kếch  xù!
Phương xem Bác Trúc Viên   như  “ông già Noel rộng lượng” vì trong năm, Phương muốn mua sắm thứ gì thì ghi vào giấy trước để khỏi quên, khi nhận tiền lì xì của bác Trúc  Viên thì đem mua ngay.
Năm nay, nhờ bác Trúc Viên không quên Phương, nên Phương được  làm chủ  một cuốn tự điển từ lâu Phương thường mơ ước:  Le Petit LAROUSSE Illustré cùng  bộ Sách Hồng  do các nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn viết.
Từ tiệm bán sách về nhà, không kịp làm việc gì cần khác, Phương mở ngay cuốn tự điển Larousse ngắm những lá cờ, những hình vẽ, những  bản đồ đầy màu sắc rực rỡ ... in trong các trang sách ....rồi  nhìn những hình ảnh  tháp Eiffel, cầu Golden Gate, Thành phố Shanghai, những nhà chọc trời ở New York, đường phố đầy nước  như  dòng sông nhỏ xinh đẹp, thơ mộng của thành phố Venice in trong tự điển ...Phương mơ một chuyến đi du lịch khắp thế giới  khi chàng trưởng thành... thật tuyệt vời.
Mùa xuân  năm này đến sớm hơn, ngự trong lòng  phấn khởi của một cậu bé trong tuổi thanh xuân cách đây gần sáu mươi năm.
Có những kỷ niệm hoặc ước mơ rất giản dị nhưng thật tuyệt vời mà suốt đời không  làm sao quên được.

©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét