Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Hương Xưa, Ngày Tháng Cũ. - Truyện Đỗ Dung


Các bạn đồng khoá chúng tôi, TV 58-65, muốn cùng nhau thực hiện một cuốn Đặc San đặc biệt ngày năm mươi năm dời trường. Hạn chót nộp bài là cuối tháng January. Hôm nay,  14/1/2015. Tôi biết viết gì đây?

Bạn? Bè? Bạn một đời? Bạn một thời? Có những người tưởng như bạn một đời, có những người tưởng chỉ là bạn một thời... Những khuôn mặt từ từ hiện lên, những kỷ niệm cũ uà về.  Bẩy năm Trung Học, mấy năm lên Đại Học, rồi tan tác, chia lià, rồi lại đoàn viên. Những Đại Hội trùng phùng cảm động, bùi ngùi nhận ra nhau, hay biết thêm về nhau nhiều hơn để tiếp tục gắn bó.

Những hỗn danh Chính Tốn, Châu Sình, Ngân Le, Dung Lu, Tí Ti, Bé Bự... đưa tôi về khoảng thời gian vui vẻ nên thơ nhất của đời người, bẩy năm Trung Học. Bẩy năm aó trắng tung tăng, mấy năm cuối với những mộng mơ, những rung động nhẹ nhàng của một thời con gái.

Một buổi sáng muà hè năm 1958, mẹ tôi chất bốn chị em chúng tôi, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa bé nhất mới lên 5, cùng ngồi với mẹ trên một chiếc xe xích lô máy đến trường Trưng Vương xem kết quả thi vào Đệ Thất. Chả hiểu sao khi tôi đem bản nháp bài thi về cho cha tôi xem thì ông đoán như đinh đóng cột là “Con bố phải đỗ”, dù là trường chỉ chọn ba trăm học sinh trong số gần ba ngàn thí sinh từ các trường Tiểu Học khắp nơi dự thi.  Mẹ tôi không dám tin chắc nhưng vì tiện xe và trường gần Thảo Cầm Viên nên cho các em tôi đi chơi một thể. Thật may mắn, loa phóng thanh mới phát ra một lúc đã thấy đọc đến tên tôi. Mấy chị em tôi đã rú lên mừng rỡ. Để cho chắc chắn mẹ tôi bắt đợi khi nhà trường đọc hết danh sách, đến dò tên ở bảng dán trên tường với số báo danh rõ ràng mới yên chí. Mấy chủ xe đưa đón học sinh xúm xít vây quanh những phụ huynh có con trúng tuyển để quảng cáo lấy khách. Mẹ tôi nói địa chỉ nhà, họ chuyển sang cô Năm-chú Sáu, hai vợ chồng chủ xe chạy lộ trình này. Mẹ trả tiền xe cho cô Năm và cô hẹn ngày khai trường sẽ đến tận nhà đón.

Ngày khai trường đến, tôi xúng xính trong chiếc áo dài ngồi đợi, hồi hộp, lo âu trong sung sướng mình đã là nữ sinh Trưng Vương. Trên xe có hai nhỏ TV ngồi sẵn, Phùng Thị Chính, Lan Phương. Đi đến gần đầu đường thêm nhỏ Thu Hà với Kim Loan. Thì ra nguyên một khúc Thành Thái này đã có bốn TV be bé. Nhà Chính ở chợ An Đông. Xe cô Năm-chú Sáu đưa rước hai trường, Trưng Vương và thêm một trường Tiểu Học Tầu trong Chợ Lớn. Mỗi ngày khi xe đưa học trò nhỏ trường Tầu về là đón TV đi học. Sau đường Trần Hưng Đạo thì trên xe chỉ còn có TV. Bích Liễu ở khu Nancy, có biệt danh là Chuột Chù Phan Văn Trị, không biết ai đặt, có lẽ tại cô nàng tuổi Tí.  Xe đón Bích Liễu là đón luôn chị Bạch Lan. Lê Thị Bảo ở Cô Bắc. Tôi còn nhớ ngoài TV 58-65 còn các TV lớp lớn hơn như Kim Chung, Bạch Lan, Tuyết Phương, Hồng Nhung, Hạnh, Hiếu...  Năm sau có thêm Bích Từ, Trần Thị Phương, Tuyết Như rồi kế tiếp là Thục Văn, Kim Tâm và mấy chị em nhà hàng len ở Lê Thánh Tôn...

Những ngày đi xe trường có nhiều chuyện thật vui. Tôi hay giành ngồi ngay đối diện cô Năm ở phía sau cùng để phụ cô làm lơ xe. Mỗi khi xe ghé đón hay thả học trò thì la lên “Cho xe ghé dzô đi” một cách khoái trá. Xúm lại chọc sao Cô Năm mà lại Chú Sáu, vậy là cô Năm lớn hơn chú Sáu hahaha.  Những ngày nghỉ thỉnh thoảng tôi đi chợ An Đông, leo lên lầu nhà Chính rồi hai đứa chui vào một xó chuyện trò. Ngày họp ĐH ở nhà hàng Paracel, sau mấy chục năm không gặp, tưởng Chính đã quên nhưng tự nó đến vỗ vai tôi mà nói, hồi đó bà cụ tao gọi mày là “Cái Tròn”. Cụ có nhắc đến mày đấy. 

Những năm đệ nhất cấp chúng tôi học buổi chiều. Ngày đầu tiên bước vào ngôi trường thân yêu ấy,  chúng tôi xếp hàng theo từng lớp dưới sân trường, chào cờ, nghe huấn từ của bà Hiệu Trưởng Tăng Xuân An; lời chỉ dạy của bà Giám Học Nguyễn Thị Phú về chương trình giáo dục; cô Tổng Giám Thị Nguyệt Minh nhắc nhở về hạnh kiểm, công dung ngôn hạnh, những nết na của người con gái và nói về những kỷ luật của nhàtrường. Trong mắt tôi lúc đó, ba bà trong Ban Giám Hiệu thật đẹp và oai nghi. Nhất là cô Tổng Giám Thị.

Giáo sư chính lớp tôi là bà An Thị Kỷ, bà Giám Thị Trí và đặc biệt tôi nhớ hai chị tuỳ phái, chị Ngọ tóc vấn khăn để trần. Chị Nụ ngoài khăn vấn quấn tròn trên đầu còn phủ thêm chiếc khăn vuông màu đen gấp chéo buộc lại phiá sau thành khăn mỏ quạ. Nhìn hai chị, tôi nhớ vú Hạnh, chị Dần nhà tôi ngoài Hà Nội, quần áo tiêu biểu chính cống Bắc Kỳ xưa.

Chúng tôi quen dần với bạn mới. Mấy em bé bé dãy bàn đầu có Tạ Bạch Mai Hương, Đan Hà, Nguyễn thị Hợp, Nguyễn Thị Minh Hà, Mai Oanh, Bích Trâm, Vân Bằng, Vân Anh, Bùi Nga, Đinh Thị Bạch Tuyết, Cấn Thị Hạnh Viên, Bùi Kim Liên... Dãy bàn nhì với Kim Khánh, Hoàng Kim Liên, Trương Kim Lan, Nguyễn Thị Hà, Phan Song Hà, Đào Dung, Đoàn Dung, Đỗ Dung. Bích Liễu hình như ngồi góc phía bên kia với Phùng Thị Chính, Kim Chinh và Trịnh Thị Thảo.  Mấy dẫy bàn phía sau có Nguyễn Hoàng Vân Hương, Đỗ Thị Hạnh, Trần thị Hương, Phạm Thị Triệu, Phạm Xuân Mai, Nguyễn thị Lan, Lê thị Ánh, Đỗ thị Anh Thư, Nguyễn thị Kim Dung, Trần Thị Nhạc Lưu, Nguyễn Lệ Hải, Nguyễn thị Kim Lan, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Lê, Phạm Thị Chúc, Hồ Thị Nhan, Trần Thị Liên, Nhẫn, Đạo, Duyên, Phạm Minh Đường, chị em Phương Khanh, Phương Thảo, Nguyễn Cung Thị Sính, Vũ Thị Minh Hà, Lê Thị Bảo... Chuyện gần sáu chục năm nên trí óc cũng cùn đi, tôi nhớ là sĩ số gần sáu mươi mà cố cũng không thể nhớ nổi hết. Tết năm đó lớp chúng tôi tập múa bài Tiếng Sáo Thiên Thai. Mới đầu Trịnh Thị Thảo là cô nàng tiên chính, đứng giữa; cuối cùng chẳng hiểu sao Vân Hương phải thay thế, cô nàng phải miễn cưỡng thế mạng phút chót nên mặt bí xị không được vui. Tôi chỉ nhớ hai cô tiên bé Tạ Bạch Mai Hương và Phạm Vân Bằng thật là xinh. Đến ngày lễ Hai Bà, thày Nguyễn Cường thiết kế xe hoa hình con công với những dải lụa dài đằng sau, một bầy nữ sinh cầm lụa múa như đuôi công. Lớp tôi cũng có vài người được tuyển chọn vào nhóm múa này. Năm đó còn có một kỷ niệm khó quên.  Lớp học trên lầu ba, một ngày, sau khi sắp hàng và được lệnh vào lớp, chúng tôi chạy rầm rập lên cầu thang, khốn nỗi cầu thang gỗ và nhiều đứa còn đi guốc nên cứ nện thoải mái.  Bà Giáo Sư chính An Thị Kỷ cho ngay cả lớp đi cấm túc ngày Chủ Nhật vì tội “Chạy ầm ầm ở cầu thang”.  Từ đó chúng tôi phải mang giày, dép cao su, nếu đi guốc phải đóng đế.

Những năm đệ nhất cấp từ từ trôi, sau ba tháng nghỉ hè, ngày tựu trường gặp lại, nhìn nhau như lớn phổng hẳn lên. 

Có một TV đã nói rằng rung động đầu đời của nữ sinh TV là yêu cô giáo.  Những “cây si” thập thò ngoài cửa lớp có cô để ngắm cô. Giờ tan trường rủ nhau theo đuôi cô như đám rước. Những cô giáo Trưng Vương thật là đáng yêu. Gần như mỗi đứa có một thần tượng cho riêng mình và nghỉ hè xa cô cũng nhớ nhung, xin địa chỉ để đến nhà cô ngồi chầu cho đỡ nhớ. Các cô có nhiều học trò mê như cô Tố Lan, cô Kim Thi, cô Hồng Diệp, cô Lệ Khanh, cô Mộng Ngọc, cô Thuý Nga, cô Ngọc Quỳnh, cô Ninh, cô Trâm, cô Vinh, cô Thái, cô Hồng, cô Lưu Kim Dung...  Còn với tôi, cô Xuân Sanh yêu quý của tôi là nhất.

Có hai giai thoại mà mỗi khi nghĩ đến tôi lại bật cười.  Những lần có quốc khách hay những ngày lễ lớn chúng tôi phải thức dậy thật sớm để xếp hàng đi đón hoặc đi tham dự. Những ngày đó chúng tôi phải mặc đồng phục với quần trắng. Có người thắc mắc: “Thưa cô, nhỡ  “bị” có được nghỉ không ạ?” Cô giáo đã mắng ngay: “Con gái... bị thì phải biết chuẩn bị”.  Nhưng mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng, vậy mà một bạn tôi đã “kẹt” làm tụi tôi phải vây xung quanh để che cảnh “mặt trời mọc”.  Và... một năm, ngày lễ Hai Bà, hai nữ sinh Gia Long và Trưng Vương được hân hạnh đóng vai Hai Bà Trưng ngồi oai nghi trên lưng voi, làm lễ xong còn phải đi diễn hành.  Các chị phải đến trường từ tờ mờ sáng, ngồi phơi nắng đến xế trưa, vừa mệt vừa phải ngồi lâu quá trên thớt voi, không giải tỏa được “bầu tâm sự”,  vừa xong buổi diễn hành tự nhiên một trong hai bà Trưng ngất xỉu, phải bế xuống và “voi đã đổ mồ hôi”.

Lên đệ nhị cấp chúng tôi chuyển sang học buổi sáng. Khu nhà tôi không có xe trường, chúng tôi phải tự túc. Thường buổi sáng tôi đón xe buýt Cây Mai-Cây Gõ ngay góc Thành Thái - Trần Bình Trọng hoặc xe lam lên bến xe trung tâm tại chợ Bến Thành rồi chuyển sang chuyến xe khác lên đường Thống Nhất ngay trước cổng sở thú rồi từ từ thả bộ tới trường. Mãi đến năm Đệ Nhất tôi mới được thừa hưởng chiếc velo solex của anh tôi đi du học để lại.

Năm Đệ Tam đã có những lúc bước chân vướng vít vạt aó dài, mặt nóng bừng khi đi qua quán Hẹn hoặc đi ngang La Pagode trong lúc rủ nhau đi bộ về chợ Bến Thành mới lên xe buýt về nhà. Từ Đệ Tam chúng tôi đã phải chọn ban thích hợp với nghề nghiệp sau này. Lớp Tam Achúng tôi có một số bạn cùng học từ lớp dưới, một số từ lớp khác và vài bạn từ trường ngoài. Đã lớn hơn một chút, chúng tôi thân nhau hơn. Ngày nghỉ đã ra dáng người lớn, không chơi rải ranh hay đánh chuyền nữa mà bắt đầu đến nhà nhau để nướng bánh kẹp, đổ bánh xèo, chiên bánh tôm, tráng bánh cuốn hay tập trang hoàng bánh kem. Đã có những lúc ngồi bên nhau tâm sự vụn. Đã biết rủ nhau đi dạo phố hay lên sân thượng để ngồi ngắm trăng. 

Năm Đệ Nhị nhiều biến động chính trị (1963), chúng tôi có những dao động mạnh. Những buổi đến trường nhưng xuống đường, bãi khóa không vào lớp học mà ùa xuống sân trường để rồi bị cảnh sát lùa như vịt, hốt hết đi. Mặc dù sau đó được thả ra nhưng cũng bị một phen hoảng sợ. Hãi hùng hơn nữa khi nghe tin những bạn bị xe bít bùng đêm đến nhà bắt đưa đi. 
 
Tú Tài Một đã qua, Tú Tài Hai lại tới. Năm Đệ Nhất để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Tuổi 17 đến 20, các bạn tôi đã trở thành những thiếu nữ xinh đẹp, tan trường đã có những chàng “Anh theo Ngọ về, đường mưa nho nhỏ”. Chàng Xuân Hạnh đã chống vespa ở cửa trường đón nàng Vũ Kim Liên.

Lớp A1 của tôi có nhiều người đẹp, Vượng, Hảo, Trịnh Thị Thảo, Trần Thị Ngọc, Mộng Hoa, Ngọc Hoa, Lê Thị Vân, Phạm Kim Thể, Đặng Thị Hoà, Dương Thị Mai, Nguyễn Thị Hà, Dậu, Chép...  Bây giờ nhìn lại thấy ai cũng đẹp, như Lệ, Liễu, Kim Chinh, Tú Khanh, Vũ Kim Liên, Minh Thu, Đỗ Thị Hạnh. Tuổi trẻ tha thướt, mộng mơ, tuổi của mắt sáng, môi hồng, má thắm. Tuổi trẻ trong sáng, xinh tươi như những bông hoa đang độ của vườn xuân trong nắng sớm. Lớp chúng tôi cũng có hai nữ sinh xuất sắc là Hoa Tâm và Năm. Sau Tú Tài cả hai đều được học bổng du học, Năm đi Úc, Hoa Tâm sang Canada.

Năm cuối cùng chúng tôi đã có những nỗi buồn vu vơ, cảm giác sắp phải xa lià bạn bè, trường lớp; những lúc bâng khuâng, nao nao, ngồi bên nhau muốn khóc. Có những lúc lại xúm nhau phá phách, chọc ghẹo bạn bè, thầy cô như muốn níu kéo lại thời gian. Đến cuối năm chúng tôi mới lo học rút, tập trung gạo bài để đi thi. Khi chúng tôi có kết quả, cả nhóm cùng đỗ Tú Tài phần hai, cha mẹ tôi mừng lắm, cho phép tổ chức ăn khao tại nhà, mời các giáo sư như Cô Ninh, Cô Mộng Ngọc, Thầy Diễn, Thầy Giảng , Thầy Tẩm, Thầy Lộc, thêm Thầy Lưu và Thầy Thọ, hai thầy không dạy TV nhưng đã coi điểm thi hộ chúng tôi. Nhóm A1 gồm Phương Ngân, Thanh Hoà, Minh Thu, Mộng Hoa, Ngọc, Nhị, Cẩm Tú, Mai Oanh, Dương Mai, Bích Liễu, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Năm.  Bữa tiệc thật vui và sau đó như bầy chim non dời tổ, những cô nữ sinh chia tay, mỗi đứa một ngã rẽ, chập chững, dọ dẫm bước vào đời.

Các bạn của tôi ơi,
Những cánh hoa sao xoay tít trên không, bầu trời trong xanh của con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai hàng cây cao vời vợi đang hiện về. Hình ảnh chúng mình đi trong lòng đường trước cổng trường. Những lúc giỡn hớt bông đùa. Những giờ thể thao vui nhộn. Những khi ăn vụng trong lớp và vòi vĩnh thầy cô để xin tiền ăn bò biá, bò khô. Những miếng xoài xanh, những cục ô mai chuyền vội nhau dưới gầm bàn. Oái oăm lại còn chơi trò ăn vụng mà bóc quít thơm lừng, cười ra nước mắt và những miếng khoai mì nuốt chửng muốn nghẹn vì thầy đang đứng viết trên bảng, bất thình lình quay lưng nhìn xuống... Những khuôn mặt bạn bè thời trẻ dại đang rõ nét trong tôi.  Bạn ơi, nhớ ơi là nhớ...
 
Đỗ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét