Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Cảm nhận cuốn bút ký "Theo Vận Nước Nổi Trôi" của bà Thảo Hoàng - Bích Huyền

alt
Mời dự buổi ra mắt Bút ký của bà Thảo Hoàng
tại Hội Trường VNCR, lúc 11:00am ngày 29.3.2015
 
~~~~~~~~~~~~
Cảm nhận cuốn bút ký "Theo Vận Nước Nổi Trôi"
của bà Thảo Hoàng Bài của Bích Huyền

Biến cố năm 1975 đã xua đuổi người ta ra khỏi quê hương yêu dấu, lang bạt khắp bốn phương trời. Dù có an cư lạc nghiệp nơi xứ người nhưng những người ra đi vẫn mang nặng hai điều: Chia ly và mong ước trở về. Mong ước trở về có nghĩa là vẫn còn lưu lạc. Như vậy thật sự chỉ còn có những cuộc chia ly. Chia ly với ngư...
ời. Chia ly với cảnh. Chia ly với đất. Rồi thời gian trôi qua vì tình quê hương người ta trở lại. Có thể trở về nơi chốn cũ bằng chiếc vé máy bay nhẹ tênh, mà cũng có thể trở về với một hành trang tư tưởng nặng trĩu, qua chính ngòi bút của mình, trải dài trong từng trang giấy như bà Thảo Hoàng đã ghi lại dòng đời của mình trong tác phẩm: Theo Vận Nước Nổi Trôi.

Chúng ta sẽ cùng tác giả đến tỉnh Thái Bình, một thành phố khang trang với cánh đồng ruộng lúa mênh mông, bát ngát, bãi biển trong xanh. Đó là quê ngoại của bà Thảo Hoàng, làng Lễ Nghĩa. Nơi đây, Cuộc sống người dân có một cuộc sống an hòa. Trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ …thu nhập thêm cho ngân sách gia đình. Bà thuộc gia đình buôn bán, trung lưu. Nhưng nạn đói năm Ất Dậu, rồi tiếp theo đó là chiến tranh Thế giới lần thứ 2 chấm dứt 1945, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống dân miền Bắc trong đó có tỉnh Thái Bình. Người dân rời bỏ làng quê tản mát khắp nơi. Gia đình bà Hoàng tản cư lên Hà Nội...

Mỗi một con người hình như ai cũng mang trong hồn mình quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi một thời lớn lên trong mái ấm gia đình. Quê hương nhỏ bé, êm đềm nhưng giàu những hình ảnh, kỷ niệm của quá khứ. Là một phần thịt xương, một cái gì thiêng liêng nhất trong lòng. Nào đã hết, biến cố 1975 ập tới. Bà đã lênh đênh tám hướng trên biển với bao hiểm nguy, tưỏng chừng như tuyệt vọng . Nhưng cuối cùng được đặt chân lên một quần đảo thuộc Indonesia, vùng đất tự do. Sau đó định cư tại Pháp, học lại và xây dựng sự nghiệp tại Pháp, trước khi sang MỸ.

Trước những ngày xẩy ra biến cố bi thảm 1975, đất nước của chúng ta, nói rõ hơn, miền Nam của chúng ta dường như đã được báo trước bằng những tín hiệu đau thương. Không, không phải chỉ là những tín hiệu. Mà đó là điều mà chúng ta cảm nhận được, trong văn thơ của miền Nam sau 1954, và hôm nay thấp thoáng trong những trang sách Theo Vận Nước Nổi Trôi, bà Thảo Hoàng đã viết. Đó là sự thật, sự thật người ta nhìn thấy hàng ngày. Sự thật trong ngay chính gia đình tác giả.

Cuộc chiến tranh, dù thế nào cũng phải kết thúc. Và với những gì đang diễn ra, nó khó có thể kết thúc một cách bình thường. Hiểu như vậy, nhưng người ta cũng không thể tưởng tượng được nó sẽ chấm dứt như thế nào. Trước đó hai muơi năm, người ta trải qua cái lần chiến tranh bằng cuộc chia cắt đất nước. Hàng triệu người đã phải rời bỏ miền Bắc ra đi khởi đầu từ Hà Nội. Cái giấc mơ người ta mang theo trong lòng là sẽ có ngày trở lại. Trở lại Hà Nội, không phải chỉ như một thành phố người ta yêu mến. Mà cuộc trở lại ấy còn có ý nghĩa hàn gắn lại đất nước, chắp nối lại giềng mối, quá khứ, tiến tới tương lai.
 
Tôi yêu cái thật, cái giản dị trong văn phong của bà Thảo Hoàng. Cuốn sách này có thể giúp cho những ai muốn tìm hiểu vế đất nước, con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trong ý tưởng ấy, tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm với quý vị độc giả, những người còn yêu chữ nghĩa Việt Nam, yêu quê hương Việt Nam xa cách muôn trùng…
Bích Huyền Cali tháng 2-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét