Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Tiếng hát chiều Xuân - Truyện ngắn Điệp Mỹ Linh

Untitled-1
Đêm Văn Nghệ Liên Trường do sinh viên Việt Nam toàn tiểu bang tổ chức mừng Xuân được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người, nhất là phụ huynh.

Trong khi những ca khúc về Xuân được sinh viên tuần tự hợp ca, song ca và đơn ca, Pete Võ hé màn, nhìn ra hội trường và thấy không còn một ghế trống. Người phụ trách giới thiệu chương trình đến cạnh, báo cho Pete biết sắp đến mục đơn ca của chàng. Pete cảm thấy hơi khớp; vì đây là lần đầu tiên Pete xuất hiện trước đám đông. Nhưng, vì bất ngờ bị Dana Nguyễn cắt đứt liên lạc, Pete nghĩ chàng nên nhân cơ hội này, mượn lời ca để thể hiện tình cảm của chàng dành cho nàng. Ý nghĩ này giúp Pete trở nên bình tĩnh!
Mấy câu đầu Pete hát rất bình thường, phát âm rõ và ngân dài. Nhưng đến đoạn điệp khúc, Pete chợt cảm thấy xúc động vì nhớ những buổi chiều Dana đàn, tập cho chàng hát. Nét mặt của Pete trở nên buồn vô cùng: “…Tell me, tell me that your sweet love hasn’t died…Maybe I didn’t hold you all those lonely, lonely times…If I make you feel second best, girl, I’m sorry I was blind. You were always on my mind…”(1)
Trong khi Pete xúc động dạt dào vì tình cảm chàng dành cho Dana hơi đậm đà thì Dana chỉ cảm thấy buồn buồn; vì cả hai chỉ quen biết nhau, hơi thân mật hơn hai người bạn bình thường, chứ chưa đủ nồng độ để đưa đến yêu đương.
Lòng buồn buồn, sau khi chấm dứt phần đơn ca, Pete lẳng lặng đi ra bãi đậu xe. Ngồi trong xe, Pete dự định sẽ lái xe đi vòng vòng cho vơi buồn; nhưng chợt nhớ, trong chương trình văn nghệ cũng có phần trình diễn của Dana, Pete đổi ý. Pete chưa kịp mở cửa xe để trở lại hội trường thì điện thoại cầm tay của Pete “rung”. Vì vội vàng, không nhìn vào màn ảnh để xem số điện thoại, Pete “Hello”. Giọng nam vang lên cùng với nhiều âm thanh hỗn tạp từ đầu giây bên kia:
- Địt mẹ, mày đang ở đâu? Sao mấy tuần nay mày đ. trả lời điện thoại làm ông tưởng mày đổi số. Địt mẹ, hết tiền thì điện về để ông Cố Ngoại mày gửi tiền sang chứ sao lại trốn, hở con?
- Câm mồm, ông mà trốn chúng mày à?
- Không trốn thì đến ngay đi. Chúng nó đang ở đây, đủ cả.
Pete chưa kịp đáp chợt nghe giọng thằng nào oang oang:
- Chắc nó đang ở chỗ Đại Hội Văn Nghệ “Niên Chường” mừng Xuân.
Giọng nam đáp lời thằng nào đó mà cũng vừa nói với Pete:
- Ừ, tớ cũng nghĩ thế. Ôi giời! Mừng Xuân mừng xiết “nàm” đ. gì! Đến đây vui hơn, tụi tao chờ, nhá!
Pete hơi xiêu lòng, vì cơn ghiền bị nén mấy tuần qua. Nhưng, liền khi đó Pete nhớ đến Dana và lý do nàng không liên lạc với chàng, Pete đáp:
- Chúng mày đừng “niên nạc” với tao nữa, có được không?
- Úi giời! Sao nhát thế? Có gì thì bán bớt cái nhà mày đứng tên đó mà chơi cho “xướng” chứ xao “nại” xợ!
- Ông đ. sợ thằng nào cả.
Chẳng cần nghe đáp, Pete tắt điện thoại, trở lại hội trường.
Vừa bước vào hội trường, Pete thấy Dana đang độc tấu Violon. Dana thướt tha, uyển chuyển theo sự di động đều đặn của tay phải khi archet được đẩy lên hoặc kéo xuống. Đôi mắt của Dana khép hờ như say mê, như đắm hồn trong dòng Waltz of The Flowers của Tschaikowsky. Pete đã nghe Dana tập đàn nhạc khúc này nhiều lần, nhưng Pete không thể lãnh hội được gì; vì, theo lời khuyên của Dana và bà Lan – Bà Nội của Dana – Pete chỉ mới bắt đầu học ký âm pháp thôi. Đáng ra, Dana sẽ đàn piano cho Pete hát, nhưng, vì tình cờ biết được, sau giờ đến trường, Pete chỉ miệt mài trong những canh bạc với nhóm bạn con cháu của đại gia và “tai to mặt lớn” trong chính quyền Cộng Sản Việt Nam sang Mỹ du học, Dana chấm dứt liên lạc với chàng.
Dana chấm dứt liên lạc với Pete không phải vì lý do chính trị; vì không ai giảng giải cho nàng biết được sự khác biệt giữa Việt Nam hiện tại và Việt Nam mà gia đình nàng phải bỏ lại từ năm 1977! Dana, cũng như những người cùng thế hệ sinh tại Mỹ, không biết tiếng Việt, hoặc là cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Anh. Vì vậy, khi đàm thoại với Dana, Pete cũng phải nói tiếng Anh – dù không mấy lưu loát!
Sau khi Dana trình diễn xong, Pete đi vội vào sau hội trường để tìm nàng.
Đang cho Violin vào hộp, đậy nắp lại, Dana nghe tiếng Pete: “Hi, Dana!” Vẫn cúi gài khóa hộp đàn, Dana đáp một cách hờ hững “Hi!” Pete kiên nhẫn:
- Làm ơn cho anh giải thích.
- Có gì đâu mà giải thích. Chúng ta là bạn học cùng trường thì gặp nhau chào hỏi. Thế thôi!
- Dana, làm ơn!
- Em phải đi. Bye.
Pete muốn theo Dana ra bãi đậu xe, nhưng tự ái của một thanh niên giữ chàng lại.
oOo
Đến gần, bà Lan nhận ra cờ đỏ sao vàng của Cộng Sản Việt Nam và nhóm người mang biểu ngữ biểu tình chống Tàu Cộng trông rất trẻ. Bà Lan muốn lái xe ngang xem khoảng bao nhiêu người biểu tình; nhưng ông cảnh sát cao, to, “dềnh dàng” ra dấu, không cho xe của bà đến gần toán biểu tình. Bà Lan quẹo xe vào bãi đậu, đi bộ đến gần xem con cháu nhà ai lại dám cầm cờ Việt Cộng? Bất ngờ bà Lan nghe một giọng nữ reo vui “Ba Noi!” Bà Lan giật mình, tưởng Bà nghe nhầm; nhưng không, một bàn tay vẫy vẫy về phía Bà và giọng tiếng Anh rõ hơn:
- Hi, “Ba Noi”! Đến đây! Đến đây với chúng con.
Bà Lan tròn mắt kinh ngạc, miệng há hốc khi nhận ra cô gái đó là Dana! Bà Lan khóc, ngồi xuống bên vệ đường! Dana hoảng hốt chạy đến:
- Cái gì xảy ra cho Bà, “Ba Noi”? Hey, Pete, tới đây!
Pete “phóng” nhanh đến. Cùng với ông cảnh sát “dềnh dàng”, Pete và Dana dìu bà Lan đến gần gốc cây. Thấy bà Lan cứ khóc, Dana lo lắng:
- “Ba Noi”, Bà bị cái gì? Muốn con gọi 911 không?
- Không…
Dana đặt ngón tay lên môi, ra dấu cho bà Lan đừng nói nữa trong khi ông cảnh sát “dềnh dàng” khom xuống, hỏi bà Lan cảm thấy trong người như thế nào? Cần gọi 911 hay không? Vừa lau nước mắt bà Lan vừa đáp:
- Tôi chỉ bị xúc động mạnh. Tôi okay.
Ông cảnh sát trở lại vị trí của ông. Bà Lan nghẹn ngào:
- Dana! Tại sao con lại có mặt trong nhóm biểu tình này?
- Tại sao không? Con biểu tình chống Tàu Cộng xâm nhập vùng biển Việt Nam mà.
Thấy Pete, bà Lan khóc òa:
- Bà hiểu rồi! Bà không ngờ…
Dana quay sang Pete:
- Pete! Đến hỏi ông cảnh sát xem anh có thể đem xe vào đây để đưa “my Ba Noi” về hay không?
- Không! Bà không muốn liên hệ gì với Pete nữa. Bà không muốn Pete biết nhà.
Dana không hiểu nguyên do nào “Ba Noi” lại không thích Pete nữa; nhưng nàng nghĩ sẽ tìm hiểu sau:
- “Ba Noi”! Con bảo đảm với Bà là Pete sẽ không làm gì phương hại đến Bà.
- Con ngây thơ lắm. Con không hiểu những người đứng dưới ngọn cờ máu đó đâu!
- Cờ máu gì?
- Lá cờ mà con đã nghe lời Pete rủ rê để làm Bà gần đứng tim đó.
Dana ngạc nhiên, nhìn Pete.
Sau mấy tuần tuyệt giao với Pete, cuối cùng Dana cũng phải xuôi lòng trước sự kiên nhẫn của Pete. Pete xin nàng cho chàng cơ hội để thoát khỏi sự đam mê cờ bạc. Để tỏ thái độ tha thứ, Dana nhận lời đi chơi với Pete cùng với nhóm bạn. Khi đến địa điểm, Dana thấy nhiều cờ đỏ nhưng nàng chẳng cần để ý! Gặp nhau Pete mới cho Dana biết đây là cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học chống Tàu Cộng xâm lăng biển đảo Việt Nam. Dana tham gia vì nhận thấy đây là mục đích tốt. Bây giờ nghe bà Lan tỏ ý giận Pete, Dana cũng nghĩ nàng sẽ tìm hiểu sau:
- “Ba Noi”! Chuyện lá cờ mình nói sau.
Dana lại bảo Pete đến xin phép ông cảnh sát để đem xe vào khu vực này đón bà Lan. Pete chạy đi. Khi trở lại, Pete cho biết ông cảnh sát bảo “okay”. Sau khi nhờ Pete đi lấy xe, Dana tiếp:
- Bây giờ con đưa Bà về. Pete sẽ lái xe của Bà về và con sẽ dặn Pete đừng vào nhà. Bà nghe lời con đi. Pete sẽ không làm gì hại Bà đâu.
Trong khi Dana lái xe, bà Lan nghĩ đến khuôn mặt hiền lành của Pete. Bà Lan cảm thấy tội nghiệp và cay đắng cho thế hệ trẻ được sinh ra và phải sống trong một xã hội đạo đức suy đồi; vì hằng ngày phải tiếp xúc với những kẻ chỉ quen lọc lừa, gian dối, hung dữ và tàn bạo. Ý nghĩ này giúp bà Lan nhận ra Pete cũng chỉ là nạn nhân của một tập thể đầy ác tính. Vì vậy, khi Dana mở cửa nhà, Pete chào Bà và trao chìa khóa xe cho Bà thì bà Lan mời Pete vào nhà.
Vừa bước qua khỏi cửa, Pete cởi giày. Trong khi cởi giày, mất thăng bằng, Pete hơi nghiêng người, đụng bà Lan, nhưng Pete – theo thói quen trong xã hội Cộng Sản Việt Nam – không nói “sorry”; cũng như khi người nào cư xử tốt với họ, họ cũng không bao giờ nói cảm ơn!
Lúc quay lại để vào phòng khách, Pete thấy bàn thờ đặt nơi bệ cao, phía trên lò sưởi, ngay giữa phòng khách. Trên bàn thờ là hoa tươi, trái cây, bánh chưng và mứt. Pete chợt nhớ hôm nay là 23 tháng Chạp, ngày đưa Ông Táo về Trời. Pete hơi tò mò vì trên bàn thờ có nhiều ảnh, đủ mọi lứa tuổi chứ không phải chỉ ảnh của người già. Bất ngờ Pete nhíu mày khi ánh mắt của chàng dừng lại nơi chân dung của một người mặc quân phục trắng, trên vai mang cấp bậc sĩ quan Hải Quân V.N.C.H.: Ba gạch vàng bằng nhau, trên nền đen hoặc xanh đậm, Pete thấy không rõ.
Thấy Pete cứ chăm chú nhìn vào mấy tấm ảnh, bà Lan hỏi:
- Tấm ảnh nào làm Pete tò mò vậy?
- Cháu thấy tấm ảnh người mặc quân phục trắng trông quen quen.
- Nè, đừng đùa! Ông Nội của Dana đó.
- Cháu không dám đùa đâu ạ! Dường như cháu thấy Ông hoặc là thấy tấm ảnh tương tự như thế ở đâu đó.
- Làm sao cháu có thể thấy Ông được! Ông đã chết ở trại tù Lý Bá Sơn, vì đi lao động bị cây ngã đè mà vệ binh không đưa Ông đi bệnh viện chữa trị! Mấy mươi năm rồi, sau nhiều lần trở lại trại tù tìm xác Ông mà Bà và các con của Bà cũng tìm không ra!
- Ôi giời! Sao thảm thế!
Nhắc đến cái chết thảm thiết của chồng, Bà Lan nhớ lại lần Bà thăm nuôi Ông trước khi Ông chết. Ông kín đáo bảo Bà đưa các con về Mỹ Tho, khi “cách mạng (!)” khoan hồng ông sẽ về Mỹ Tho tìm mẹ con bà. Hiểu ý Ông, bà Lan về bán tất cả những gì có thể bán rồi đưa các con và đứa em gái 13 tuổi vượt biển.
Chiếc ghe nhỏ đưa 89 người đến hải phận Thái Lan thì bị hải tặc chận, cướp tất cả vòng vàng, thức ăn rồi hãm hiếp phụ nữ. Nhờ có người bày vẽ, bà Lan cũng như vài phụ nữ khác đã lấy dầu nhớt quẹt lên mặt và lên người, trông rất dơ bẩn và hôi hám. Đứa em gái của bà Lan – sau khi Ba và mấy em trai của bà Lan đi tù và tài sản bị Việt Cộng tịch thu – phải sống lây lất ở kinh tế mới, cơ cực, thiếu ăn, thân người gầy gò, tiều tụy, trông như đứa bé tám chín tuổi, thì lý luận: Dầu hôi quá và em là con nít, tụi hải tặc không làm gì đâu. Cô bé không chịu thoa dầu. Lúc hải tặc bắt em cùng những em bé gái và nhiều phụ nữ khác đem sang tàu của chúng, thay nhau hãm hiếp rồi giết hoặc thảy các em xuống biển thì bà Lan cũng như mọi người trên ghe chỉ biết ôm con, giấu mặt trong sự kinh hãi tột cùng!
Sau khi phá hỏng máy của chiếc ghe vượt biển, chiếc tàu hải tặc bỏ đi. Chiếc ghe khổ nạn dật dờ trên vùng biển còn lềnh bềnh xác người! Trong khi mọi người trên ghe vẫn còn hãi hùng, hoảng loạn thì một người đàn ông gục đầu trên khoan thuyền, như điên như dại, vừa cất tiếng ca khàn khàn vừa khóc: “…Chiều khô nước mắt rưng sầu, tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi! Hò ơi! Hò ơi!…Người đi trên đống tro tàn, thương em nhớ Mẹ hương vàng về đâu!… Hò ơi! Nhớ thương về phía quê nhà biết bao người sống căm thù hát rằng…”(2) Bao nhiêu năm rồi nhưng tiếng hát thê thiết, não nề trên biển xưa lúc nào cũng vang vọng trong lòng bà Lan mỗi khi kỷ niệm bị khơi dậy! Bà Lan gục đầu vào lòng bàn tay. Dana vội bước đến:
- “Ba Noi”! Bà làm sao vậy?
Bà Lan choàng tỉnh:
- Sorry! Bà bị xúc động.
Im lặng. Một chốc sau, bà Lan hỏi Pete:
- Pete! Lúc Ông mất Pete chưa ra đời thì làm thế nào Pete biết gì về Ông được?
- Vâng, Bà nói đúng. Nhưng lạ quá, cháu không hiểu.
- Vả lại, theo giọng nói và điều kiện du học của Pete, tôi nghĩ Pete sinh ra và thuộc vào gia đình khá giả, có quyền thế của người Bắc; vậy thì không lý do gì Pete thấy hoặc biết những người như Ông Nội của Dana. Thôi, Pete ngồi chơi, tôi vào nghỉ.
Pete khẩn khoản:
- Bà ơi! Cho cháu giải thích, may ra Bà có thể giúp cháu tìm được cội nguồn của cháu.
Vừa nhổm người, bà Lan vội ngồi lại:
- Cội nguồn gì?
- Cháu được sinh ra ngoài Bắc, nhưng bên Nội của cháu không phải là người Bắc. Ông Nội của cháu là sĩ quan quân đội Saigon.
- Cháu phải nói cho đúng danh xưng: Sĩ quan Quân Lực V.N.C.H.
- Vâng, sĩ quan Q.L./V.N.C.H.
- Chuyện có vẻ ly kỳ!
Pete bồi hồi nhớ lại câu chuyện mà Bố cứ lén ông Cố Ngoại, kể tới kể lui cho Pete nghe và dặn Pete phải nhớ nằm lòng…
(Câu chuyện kể của bố Pete:)
“… Sau tháng Tư 1975, Mẹ và hai con bị Việt Cộng đuổi khỏi cư xá sĩ quan mà không cho đem theo bất cứ vật dụng gì, ngoại trừ ít áo quần! Mẹ cũng không được phát tiền tử tuất của Bố nữa. Mẹ và hai con phải chui rúc trong cái chái phía sau nhà của một gia đình “Ngụy” tốt bụng. Ban ngày anh em theo Mẹ ra chợ Thị Nghè, phụ Mẹ nướng bánh tráng bán. Khi nào anh em đi ngang nơi bán quần áo hoặc sách báo cũ, thấy quân phục hoa rừng hoặc hình người nào mặc quân phục rằn ri, đứa em gái cũng chỉ và nói với anh: “Ba nè. Ba nè. Cộng bắn Ba chết rồi!”…” 
Pete vừa kể đến đây, bà Lan thoáng giật mình, tự hỏi, tại sao lại tương tự như câu nói của đứa cháu gái của Bà sau khi em trai của Bà tử trận? Trong lúc nhíu mày, Bà Lan hình dung lại khung cảnh u buồn vào hôm đám tang của người em – thiếu tá Biệt Động Quân. Bà Lan tưởng như Bà nghe được lời nói đứt đoạn từ hiệu thính viên của em Bà, khi quân nhân này kể lại với Bà – và bây giờ Bà kể cho Pete nghe:
“…Sau khi ra lệnh cho cả đơn vị sẵn sàng xung phong,.. thiếu tá… nhảy lên khỏi công sự chiến đấu. Thiếu tá vừa khom người vừa phất tay, hô ‘xung phong’ thì một quả B40 từ đâu ‘bay’ tới!…” Từ đó, đứa cháu gái của Bà, mỗi khi thấy ai hoặc hình nào có người mặc quân phục hoa rừng hoặc rằn ri bé đều ngọng nghịu nói một mình: “Ba nè! Ba nè! Cộng bắn Ba chết rồi!”…
Bà Lan vừa kể đến đây, Pete sửng sốt:
- Ôi giời! Cái chết của Ông thật là hào hùng!
Bà Lan mím môi, gật đầu:
- Ông là Biệt Động Quân mà!
Im lặng. Một chốc sau bà Lan hỏi:
- Bà Nội của hai cháu lấy cán bộ hay sao mà hai cháu phiêu bạt ra Bắc?
- Không ạ!
Những lời của Bố lại văng vẳng trong lòng Pete…
“Tối 30 của một năm nào xa lắm, sau khi cúng Ba, Mẹ đem giấu ngay tấm ảnh của Ba chụp chung với bác nào đó – vì cả hai Ông đều mặc quân phục “Ngụy” quân – rồi cắt đôi cái bánh chưng nhỏ bằng ba ngón tay, bảo hai con đến ăn. Thằng anh hỏi sao Mẹ không ăn? Mẹ bảo Mẹ bị đau răng, không nhai được. Lúc đó thằng bé ngây thơ, tin lời Mẹ. Sau này thằng bé mới hiểu là Mẹ nhịn phần bánh chưng ít ỏi đó cho anh em nó. Trong khi hai đứa bé ăn bánh chưng và Mẹ ăn cơm độn bo bo thì một người đội nón cối, quân phục thùng thình, màu “cứt ngựa” xuất hiện, hỏi thăm nhà cô Ngọc. Mẹ ngẩng lên. Nhận ra ngay đứa con gái đầu lòng mà Ông đã bỏ lại để theo Việt Cộng vào năm Mậu Thân, 1968, khi Việt Cộng tràn về, cướp phá và giết hại rất nhiều người trong làng, Ông bước hẳn vào bên trong, giọng vui mừng: “Ngọc! Con không nhận ra Ba răng con?” Mẹ giật mình: “Ui chao, Ba!” rồi Mẹ òa lên khóc. Người đàn ông cũng mủi lòng, quẹt nước mắt. Mẹ tiếp: “Dạo nớ, sau khi Ba đi, gia đình mình bị tụi hắn bắt đi, giết hết, về sau mới tìm được xác, Ba ơi!” Người đàn ông nhìn quanh như sợ ai nghe, rồi đáp: “Mấy hôm ni Ba về Gia Hội thăm mộ và tạ tội với gia tộc, với Mạ và với các em của con rồi. May mà lúc nớ thằng chồng của con đổi về Saigon, đem Mẹ con của con theo; nếu không thì e Mẹ con của con cũng không thoát được mô!” Thảm cảnh xưa bị khơi dậy, Mẹ ôm đầu, khổ sở: “Ba đã theo tụi hắn mà tại răng tụi hắn còn giết cả nhà mình? Chao ơi! Quân đoản hậu!” Người đàn ông giải thích: “Người ta giết là vì thằng Tường điềm chỉ, bảo nhà mình có người là sĩ quan Ngụy. Ba biết thằng Tường thù Ba – vì hắn cạnh tranh với Ba để bán thuốc tây lậu cho Việt Cộng – cho nên Ba trốn theo Việt Cộng cho yên thân; không ngờ hắn tìm Ba không ra, hắn trả thù gia đình mình!” Nói ngang đây, người đàn ông nhìn quanh như muốn tìm ai rồi hỏi Mẹ: “Còn thằng chi… Ba của hai đứa ni mô rồi?Đi cải tạo hay vượt biên?” Nghe nhắc đến Ba, Mẹ lại khóc: “Dạ, ảnh tử trận tại An Lộc rồi!” Ông ấy dậm chân, vò đầu, than: “Chao ôi! Răng mà nghiệt dữ ri, Trời!” Khi bớt xúc động, Mẹ xoay sang, bắt hai đứa bé khoanh tay chào ông Ngoại. Ông Ngoại dúi cho Mẹ cái gì đó rồi bảo Ông phải đi gấp, Mẹ nên dẫn hai con ra chợ muốn ăn chi thì ăn, sáng mai Ông trở lại.
Hôm sau ba Mẹ con đều ở nhà để gặp ông Ngoại. Khi ông Ngoại trở lại, Mẹ bảo anh em thằng bé ra cầu gỗ chơi để ông Ngoại và Mẹ nói chuyện. Lúc Mẹ gọi anh em thằng bé vào, thằng bé thấy Mẹ cứ khóc thút thít. Mẹ trao cho thằng bé một bao ny-lông nhỏ, không biết đựng vật gì bên trong rồi Mẹ hôn nó và bảo: “Con về ở với ông Ngoại. Ông Ngoại sẽ nuôi con ăn học. Con là trưởng nam của Ba, con phải ăn học để nối dòng cho Ba. Mẹ nuôi con không nổi, con ơi!” Mẹ nghẹn ngào khóc tức tưởi. Thằng bé vùng vằng, nhìn ông Ngoại bằng đôi mắt đầy tức giận: “Con không đi đâu hết. Con muốn ở với Mẹ.” Con bé cũng níu áo anh nó: “Đừng đi. Anh ở lại ‘dới’ em.” Giằng co một lúc, thấy vài người dừng lại, tò mò nhìn, ông Ngoại nắm chặt tay thằng bé lôi mạnh. Thằng bé trì lại. Biết không thể nào cưỡng được sức mạnh của ông Ngoại, thằng bé nín khóc, nghiêm nghị nhìn Ông, nói từng tiếng: “Ông Ngoại chờ chút”. Thằng bé đi vào phía sau tấm màn bạc thếch, nơi ba Mẹ con ngủ mỗi đêm, lấy khung hình mà Mẹ giấu sát trong vách, nhét vào lưng quần. Thằng bé bước ra, bình tĩnh hôn Mẹ, hôn em rồi nhìn ông Ngoại. Một tay bị ông Ngoại nắm, lôi đi, tay kia thằng bé cầm bịch ny-lông vừa quẹt nước mắt vừa nhìn lui…”
Kể đến đây Pete vụt đứng lên, chỉ lên bàn thờ:
- Cháu nhớ rồi! Bố cháu bảo khung hình mà Bố cháu giấu để mang theo là hình của ông Nội cháu, mặc quân phục Biệt Động Quân, chụp chung với ông Khánh, mặc quân phục Hải Quân.
Bà Lan giật mình vì “ông Khánh, mặc quân phục Hải Quân” là của chồng Bà:
- Bố cháu tên gì?
- Võ Hoàng Lân ạ.
- Bà Nội cháu tên gì?
- Trần Thị Tuyết Ngọc ạ.
- Có phải ông Nội của cháu tên Võ Hoàng Long không?
- Ôi giời! Sao Bà biết?
Bà Lan bước nhanh đến, ôm vai Pete, khóc làm Pete và Dana ngỡ ngàng nhìn nhau. Sau giây phút xúc động, bà Lan bảo:
- Ông Nội của cháu là em ruột của Bà! Bố cháu gọi Bà bằng Cô.
- Thật cháu không ngờ!
- Nhưng tại sao cháu lại có tên Pete?
- Cháu là Võ Hoàng Phúc; nhưng tụi Mỹ đọc nghe kỳ quá cho nên cháu lấy nick name là Pete.
- Cháu biết tin gì về bà Nội và em gái của Bố cháu không?
- Không ạ! Lúc Bố cháu đi lao động nước ngoài về, có tí tiền, Bố cháu trở lại chốn cũ tìm nhưng chỉ gặp toàn người Bắc dời vào cư ngụ thôi; còn người cũ thì bị đuổi đi kinh tế mới lâu rồi!
- Bây giờ Bố cháu làm gì?
- Bố cháu qua đời rồi ạ!
- Hả? Bố cháu còn trẻ quá mà!
- Khi Bố cháu sang Tiệp lao động lần thứ ba thì bố cháu bị băng đảng – cũng dân Việt mình đấy – thanh toán, không ai hiểu được nguyên do!
- Còn Mẹ cháu?
- Mẹ cháu cũng qua đời cách nay hơn một năm, vì bị khối u ở não!
- Tại sao ai cũng chết trẻ cả vậy?
- Bây giờ căn bệnh khối u ở Việt Nam nhiều người bị lắm; vì ăn thức ăn nhập cảng từ Trung quốc, chứa hàm lượng hóa học độc hại cao!
- Anh chị em của cháu thì sao?
- Cháu là con một đấy ạ!
Chợt nhớ một chi tiết quan trọng, Pete tiếp:
- Sao cháu chả thấy ảnh ông Nội của cháu trên bàn thờ?
Bà Lan đưa Pete đến trước bàn thờ rồi chỉ vào tấm ảnh của một thanh niên mặc áo dân sự, giải thích:
- Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, Ông Bà Cố của Dana sợ quá, đem mấy cuốn albums gia đình đốt hết. Đây là tấm ảnh của Ông Nội cháu mà Bà xin từ một người ngày xưa cùng học với Ông Nội của cháu tại Đại Học Kiến Trúc, trước khi Ông Nội cháu bị động viên.
- Thảo nào Ông trông trẻ quá, chả giống tấm ảnh mà Bố cháu mang theo.
Bà Lan nhìn Dana:
- Dana! Bà nghĩ rằng không thể nào con hiểu được câu chuyện giữa Pete và Bà. Đúng không?
- Dạ, đúng. Nhưng nhìn thái độ của Bà và Pete, con nghĩ rằng câu chuyện giữa hai người chắc phải gồm nhiều tình tiết cảm động lắm.
- Đúng lắm con à. Bà sẽ nói lại sự việc bằng tiếng Anh để con hiểu, nhé!
Dana “okay”. Trong khi bà Lan tóm lược sự việc để Dana hiểu sự liên hệ ruột thịt giữa Dana và Pete thì Pete tự hỏi tại sao một cụ bà cỡ tuổi bà Lan lại giỏi thế! Chả bù với bà Cố Ngoại của Pete, quê kệch, bốn phép tính cũng không biết, nhưng tính rợ thì nhanh vô cùng. Pete không hiểu được rằng Cộng Sản áp dụng chính sách ngu dân lên miền Bắc để dễ cai trị, dễ bưng bít và dễ lừa dối. Pete cũng không hiểu được rằng vì quê mùa, dốt nát và không sinh nở được cho nên bà Cố Ngoại của Pete đành phải chấp nhận nuôi Lân sau khi ông Cố Ngoại “phán” rằng: Nếu không chịu nuôi Lân thì ông lấy vợ khác – vì Ông ân hận là gia tộc của Ông đã bị chính phe Việt Cộng của Ông giết hại năm Mậu Thân!
Nghe “ba Noi” kể xong, Dana vui hẳn lên:
- Wow! Thật vậy sao? Chúng con là cousins, phải không?
- Đúng. Con và Pete là cousins, nhưng phải nghe Bà nói rõ: Văn hóa Việt Nam quan niệm rằng khi đã là anh chị em chú bác hoặc cô cậu – dù xa – thì cũng vẫn là ruột thịt, xem như là first cousins, chứ không phải như văn hóa vài nước khác xem là second cousins hoặc kissing cousins.
Dana cười vui:
- Điều đó còn tốt hơn nữa; bởi vì, bạn bè, bồ bịch có thể thay đổi nhanh chóng, còn bà con ruột thịt thì không; cũng như Pete đã nói lúc nãy, sau mấy mươi năm, Pete vẫn muốn tìm lại cội nguồn.
Bà Lan nhìn Pete:
- Cháu nghĩ như thế nào, Pete?
- Cháu chỉ biết cháu vô cùng hạnh phúc. Từ nay Bà là điểm tựa tinh thần của cháu. Từ ngày Mẹ cháu mất, cháu cứ than thầm: Nếu ông Cố Ngoại qua đời thì cháu chả còn ai trên đời!
- Bà cũng rất vui khi bất ngờ tìm lại được cháu nội của người em trai mà Bà rất thương. Tội nghiệp Long – cũng như thanh niên hai miền Nam Bắc – phải chết trẻ chỉ vì sự hiếu chiến của Cộng Sản Việt Nam!
- Thôi, tất cả đã qua rồi, Bà cũng nên quên hết đi.
- Không thể quên được, cháu à! Cháu tự hỏi xem có quốc gia nào mà sau khi được “giải phóng(!)”, được thống nhất, thì nhà tù và người tù nhiều hơn tất cả những lần quốc gia đó bị xâm lược hay không?
Từ ngày mới lớn, đã quen luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam, Pete đáp:
- Cháu mong Bà hãy đẩy lùi quá khứ để hướng về ngày mai.
- Ai gây ra cuộc chiến tàn khốc đó? Ông Nội của cháu cũng như thanh niên miền Nam chỉ chiến đấu để tự vệ. Nếu muốn đẩy lùi quá khứ thì Cộng Sản Việt Nam hãy tỏ thiện chí đối với những người đã gục ngã hoặc bị tàn phế để bảo vệ miền Nam; hãy dựng lại bức Tượng Thương Tiếc và trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Pete chẳng biết phải đáp như thế nào, đành im. Bà Lan tiếp:
- Ông Nội của cháu cũng như ông Nội của Dana đều chết vì những người đứng dưới lá cờ máu. Bà không bằng lòng và Bà cũng sẽ khuyến cáo Ba Mẹ của Dana để cháu không được phép đưa Dana đứng dưới lá cờ máu hoặc có những sinh hoạt chung với nhóm sinh viên du học từ Việt Nam.
- Cháu hiểu ạ. Và, sau khi biết rõ nguồn gốc gia đình, cháu cũng sẽ không đứng dưới lá cờ đó nữa.
Bà Lan rộn ràng vui:
- Cháu nói thật chứ? Cháu hứa chứ?
- Cháu nói rất thật lòng đấy ạ. Cháu hứa với Bà.
Ngưng một chốc, Pete tiếp:
- Bà cho cháu thắp nhang cho ông Nội của cháu.
Thắp nhang, khấn vái xong, Pete nhìn bà Lan bằng đôi mắt ươn ướt:
- Bây giờ cháu mới hiểu lý do tại sao Bố cháu cứ mãi hoài kể lại câu chuyện buồn xưa và căn dặn cháu phải nhớ nằm lòng. Thế thì, theo vai vế, Dana và cháu phải xưng hô như thế nào ạ?
Bà Lan nói tiếng Anh để Dana cùng hiểu:
- Cháu và Dana đàm thoại bằng tiếng Anh thì cũng chỉ “I và you”; nhưng, theo vai vế thì Dana là chị của cháu; vì ông Nội của cháu là em của Bà.
Pete cười, nhìn Dana:
- Hi, “big sister”!
Dana cười, vẫy mấy ngón tay“Hi!” Đột nhiên Pete nghe tiếng “kịch” rất nhỏ rồi đèn tự động tại phòng khách, phòng ăn, phòng gia đình và cửa trước sáng choang. Ánh sáng như đem đến sự ấm cúng cho ngôi nhà. Bà Lan bảo:
- Dana, đàn đi! Chúng ta cần một khúc nhạc vui trong lúc này.
Lật tập nhạc, đến ca khúc Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương, bà Lan để bản nhạc trước mặt Dana. Đôi tay của Dana tạo nên dòng luân vũ vui tươi. Bà Lan vừa hát vừa nghiêng vai theo nhịp Valse.
Không hiểu rõ về nhạc, nhưng từ khi “nhạc Vàng” của miền Nam được phổ biến ra Bắc, mỗi độ Xuân về, Pete đều nghe ca khúc Ly Rượu Mừng; nhờ vậy Pete quen với tiết tấu của dòng nhạc. Pete đến cạnh bà Lan, nhìn lời ca, hát nho nhỏ theo Bà.
Bà Lan choàng tay qua vai đứa cháu lạc loài. Hai Bà cháu vừa nghiêng vai vừa hát theo tiếng đàn rộn rã của Dana: “…Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hòa…” Không nén được xúc động, bà Lan vừa quẹt nước mắt vừa quay nhìn lên bàn thờ – chính lúc đó bà Lan tưởng như Long đang mỉm cười; vì Long thấy đứa cháu đích tôn của Long đang trong vòng tay thương yêu của Bà.
Điệp Mỹ Linh

Chú thích:
(1)) Always On My Mind của Willie Nelson.
(2) Nguyên tác lời ca Về Miền Trung của Phạm Duy khi Phạm Duy còn trong hàng ngũ Việt Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét