Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Tát Đìa Ăn Tết - Trần Mộng Lâm


Đìa là chỗ trũng ngoài đồng có đắp bờ để giữ nước và cá.
Tục ngữ có câu:
Nay tát đầm, Mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu.
Truyền thống của người dân vùng sông nước Cửu Long là gần đến Tết, họ tát đìa, dỡ chà, bắt cá tôm, kiếm tiền xài Tết, và có cá để dành tiếp khách.


Thời gian tát đìa thích hợp nhất là từ tháng Chạp đến tháng Hai Âm Lịch. Người nông dân tính toán rất sít sao: Dứt lúa tới đìa, dứt đìa tới ruông, đủ ăn quanh năm.

Khi tôi bị đi học tập tại vùng Đồng Tháp Mười, năm 1976-1977, chỉ cần ra đồng ruộng là nhìn thấy từng đàn cá bơi lội, cá lóc với bầy con ròng ròng, cá rô đồng, những con rùa, và các con rắn xà nẹo trên các bụi cây trên bờ, khi bơi hay chống thuyền trên các sông, rạch. Chỉ cần bước chân xuống ruộng là bắt được cá.

Tại nơi muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh này, vào những ngày cận Tết, nhà nào tát đìa là cả xóm đến cùng nhau bắt phụ. Mỗi người một việc: be bè, nhét bọng, quăng chà ra khỏi đìa, dùng đăng chặn hết các ngõ ngách không cho cá thoát ra khỏi đìa, rồi dùng gầu, dùng thùng tát đìa.

Muốn một cái đìa có nhiều cá, thì khi đào nó, phải tôn trọng các nguyên tắc, các kinh nghiệm mà người dân quê đã truyền cho nhau như ngó hướng sông, hướng gió, thế nước, cách mở miệng đìa, sao cho cá vào nhiều trong đìa. Bởi vậy mới có các ông «thầy đìa», chỉ dẫn từng ly, từng tí bí quyết đào mới mong có kết quả sau này.

Cũng như con người, chết vì danh vọng, của cải, con cá chết vì đìa sâu, rộng, lại ấm, cho nó bơi lội thải mái. Người kinh nghiệm có thể đánh giá một cái đìa có nhiều cá hay không. Thường thì bờ đìa cỏ mọc tùm lum, người ta nằm xuống, lấy tay rờ qua rờ lại coi thành bờ xem nó láng hay sần sùi. Nếu mép bờ đìa láng o, thì đìa có nhiều cá.

Nghe tiếng cá táp cũng có thể biết cá trong đìa to hay nhỏ. Cá lóc lớn khi táp mồi chỉ nghe một tiếng rất êm, nhẹ. Trái lại những con cá nhỏ lại táp mồi một cách ồn ào hơn. Ngay cả khi nhìn tăm cá trên mặt nước cũng không chắc ăn. Mặt đìa khi cá ăn móng như cơm sôi cũng chưa chắc có nhiều cá.

Tát đìa thường vào buổi sáng, khi gà vừa gáy.

Không khí một buổi tát đìa thường rôm rả khác thường. Kẻ tát, người nghỉ để hút thuốc, nói chuyện trời trăng mây nước, tâm sự vợ con, nhộn nhịp vô cùng. Thường thì những người đứng gầu chỉ làm việc chừng nửa tiếng, sau đó đổi tay. Ngày nay, có khi người ta dùng máy bơm, bơm nước, nhưng làm như vậy, mất hết vẻ quyến rũ của một ngày tát đìa thuở xa xưa, khi ông bà đi mở đất. Thật là một điều đáng tiếc nếu một ngày kia, chiếc gầu dai không còn được sử dụng nơi đồng quê. Số phận của chiếc gầu dai, một ngày nào đó, sẽ giống như số phận của chiếc cối say gió, mà ông Alphonse Daudet đã ghi lại trong văn học Pháp mà thôi.

Tát đến khi mặt trời đứng bóng là được phân nửa đìa. Cá bắt đầu động đậy dưới lớp nước đã vơi đi. Ông thầy đìa nhìn mặt nước sôi bọt, đã biết sẽ có nhiều cá lóc hay cá trê.

Chừng nửa tiếng sau là cá lóc có con to bằng bắp chuối đã hiện ra, trườn qua, trườn lại, lóc vào các chỗ cạn để tìm đường thoát. Khi đó, người chủ đìa sẽ nhẩy vội xuống bắt ngay mấy con, quăng lên bờ cho mấy cô gái, hối thúc mấy cô này đốt rơm nướng, chuẩn bị cho món cá lóc nướng trui để đãi chòm xóm đã giúp tát đìa.

Bữa cơm với cá lóc nướng trui ngon và vui hơn đán giỗ. Tiếng cười nói rổn rảng, dân làng quây quần bên nhau, đàn ông con trai ngồi chồm hỗm, đàn bà, con gái, xếp bằng. Thịt cá lóc, gỡ bằng tay, cuốn trong bánh tráng, đọt soài, bông điên diển, khế chua, rau cải trời, chấm mắm, hay nước mắm giầm chanh ớt, cay xé miệng, ăn ngon gì đâu.

Ăn uống xong họ tát tiếp cho đến khi đìa cạn. Cá phơi lưng ra. Những người đàn ông săn quần nhẩy xuống bắt cá. Đàn bà cầm đuốc để soi sáng và đuổi muỗi, hay chuyển cá lên bờ. Nào cá trê, cá lóc, lươn, rắn, rùa, ốc bươu, lúc nhúc trong lớp bùn lên tới gối,tha hồ bắt. Rắn thì thường là loại rắn hiền, rắn ri voi, ri cá, rắn bông súng. Các con cá lóc bự cắm đầu vào sình non trốn, nhiều khi phải thọc tay vào thật xâu mới kéo được chúng ra. Sau khi chủ đìa đã bắt dược khá bộn, bọn bắt cá hôi mạnh ai nấy mò, nhiều khi cũng trúng mối.

Cá bắt được cho vào bao, cho trâu kéo về. Chủ đìa chia cho các người tát đìa mỗi người một bao dể trả công. Cá được rọng lại để ăn dần qua Tết. Còn dư, đem biếu xóm giềng. Xóm giềng cũng xúm lại giúp, đánh vẩy, móc ruột. Cá nhỏ làm mắm, cá lớn , chết, phơi khô.

Người dân Đồng Tháp ăn ở với nhau hiền hòa, nhân hậu, thấm đậm tình chòm xóm láng giềng, không giống với người dân thành thị, như hiện nay, tại Sài Gòn, người ta nhiều khi dùng dao chặt tay nhau để cướp đồ.

Tháp Mười gió thổi lao xao.
Ngàn hoa điên điển rì rào trong đêm.
Hương ngàn cỏ lạ không tên.
Dâng từng bông súng, đầm sen ngọt ngào.


Tôi đã có thời gian sống tại Đồng Tháp Mười tuy tôi được sinh ra tại Miền Bắc.

Từ nhỏ đến lớn, tôi là người sống tại thành thị. Ngay khi còn ấu thơ, tôi cũng chỉ về quê, nơi ông bà nội tôi sống, trong những ngày Tết hay trong một thời gia ngắn đi tản cư, những năm cuối thập niên 40. Khi ấy, tôi chưa được 10 tuổi, nhưng cũng còn giữ lại được trong ký ức việc bắt cá nơi thôn quê.

Tát đìa, ngoài Bắc người ta gọi là tát ao. Nhà ông bà nội tôi có 2 cái ao, và khi gần Tết, cũng có những người đến tát ao để bắt cá. Khác với trong Nam, mỗi khi tát ao như vậy, cảnh tượng cũng y chang Miền Nam, nhưng thay vì bắt được những con cá lóc (ngoài Bắc gọi cá quả), thì người ta bắt được các con cá «chắm», cá mè.

Con cá mè thì tôi còn nhớ, vì có các vẩy nhỏ li ty như những hột mè, trắng lóng lánh. Còn con cá «chắm», tôi quên mất nó ra làm sao, nhưng tôi còn nhớ một điều là ông nội tôi hay ăn gỏi cá sống, chắc cũng giống như người Nhật ăn món shushi ngày nay. Trong Nam, tôi chưa thấy ai ăn cá sống bao giờ, nhưng người miền Bắc, có ăn cá sống. Tuy nhiên, việc làm gỏi cá sống rất phức tạp, cầu kỳ. Cá phải được tẩm vào các lại thính đặc biệt, và rau để ăn gỏi cá gồm 8 hay chín loại gì đó, không hơn, không kém, không gia giảm. Tôi biết điều này vì người thường làm gỏi cá cho ông tôi thường là mẹ tôi. Trong thời kỳ tôi sống nơi quê nhà, chỉ chừng 1 hay hai năm.

Ông tôi may mắn chết trước khi Cộng Sản phát động cuộc cải cách ruộng đất, nên các cụ thoát được cuộc Tố Khổ chỉ xẩy ra ít năm sau đó.

Cảnh tượng tát ao ăn Tết vẫn là một kỷ niệm rất đặc biệt, rất êm đẹp của thời thơ ấu, khi tôi còn trong nước.

Hiệp Định Genève đưa tôi vào Miền Nam năm 1954. Tôi sống tại Sài Gòn, Cần Thơ mãi tới sau 1975 mới biết đến Đồng Tháp Mười, khi tôi bị bọn giặc xâm lấn, dùng vũ khí ngoại bang, chiếm đoạt Miền Nam, và đầy ải chúng tôi đến vùng đất xa xôi này. Trong cái rủi, có cái may, là nhờ đó tôi biết khá nhiều về Đồng Tháo Mười, biết thế nào là đỉa, là muỗi, là chim bìm bịp, là cá thác lác, là cây bần, cây chàm, cây dừa nước, là rừng sậy…v.v

Và tôi biết được thế nào là người dân Đồng Tháp.

Họ hồn nhiên, hiền hòa, và không cần ai giải phóng.

Hãy đọc đoạn văn này của một người bạn gốc gác tại vùng này, nay đang sống đời lưu vong tại hải ngoại, vì giặc Công Sản:

- Đời nọ sang đời kia, ông cha chúng ta cầy quốc, lấy mồ hôi nước mắt đổ miếng ăn, có cướp giựt ai đâu. Đất Nam Việt của người Nam Việt, giải phóng cái con khỉ gì ??…..Cám ơn bác, cám ơn đảng, chúnng tôi luôn nhớ ông bà cha mẹ chúng tôi dân đồng chua, nước mặn, ăn chắc mặc dầy….«phỏng trán» chay tay dựng nên MIỀN NAM NƯỚC VIỆT .

Đó chính là đoạn tôi đọc được trong tác phẩm «Chiều chiều, ra đứng ngõ sau» của nhà văn Nguyễn Phương, Paris.

Tôi đọc tác phẩm này khi ngồi tại Montréal trong mùa Đông năm 2014, thời tiết bắt đầu lạnh, và chỉ ít bữa nữa thôi, tuyết trắng sẽ rơi đầy.Biết bao giờ tôi mới được tham dự thêm một lần một buổi Tát Đìa ăn Tết ??tại Đồng Tháp Mười.

Tất cả đã đi vào dĩ vãng, kể cả nơi chốn, và con người, những dân quê hiền lành, chất phác, nhìn con trăng hạ tuần tháng chạp, nghe gió bấc lao sao thổi về, nghĩ tới chuyện Tát Đìa Ăn Tết.

Trần Mộng Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét