Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA TS LÊ HIỂN DƯƠNG VỀ "GIẢI PHÓNG MIỀN NAM"


Kính chào ông Lê Hiển Dương –
tiến sĩ, cựu hiệu trưởng Đại Học Đồng Tháp,
Thưa Ông, bài báo ngày đầu năm 2012 vô tình tôi được đọc là bài “GIẢI PHÓNG” Nỗi kinh hoàng của người dân Nam Việt, bài viết này là của Ông. Bài được đăng trên Hải ngoại phiếm đàm Online ngày 05/01/2012, cuối bài viết có ghi trọn vẹn tên tác giả cùng học vị và chức vụ. Học vị cùng chức vụ và nhất là qua bài viết của ông, cho tôi biết ông đã một thời là cán bộ giáo dục của nhà nước cộng sản hiện thời Việt Xã Nghĩa, còn tôi cũng xin vài dòng được nói về mình. Tôi một người tù mà các người cộng sản chiến thắng, gọi xách mé là sĩ quan Ngụy của 36 năm trước, trên bước đường tù biệt xứ đã hai lần, tôi đươc hân hạnh đi ngang qua thành phố Vinh của ông. Khi chúng tôi đọc xong bài của ông viết, tôi biết ông là người như thế nào, những gì ông suy nghĩ khiến chúng tôi mến ông, và thấy cần phải viết vài dòng xin được thưa chuyện cùng ông, những dòng chữ đậm là tôi xin phép ông được ghi lại những gì ông đã viết.
Không giấu gì ông, ban đầu sau khi đọc xong bài ông viết, tôi định cho nó qua, nhưng câu kết của ông như níu tôi lại, khiến tôi thấy nên nói chuyên với ông thì quí hơn, vì mấy khi ta gặp được người như ông. Ông Dương ạ câu kết ông viết Chẳng biết người dân Việt nam từ nay còn dùng cụm từ “trước ngày giải phóng” hay “ sau ngày giải phóng” để định mốc thời gian nữa không… Riêng tôi, tôi cảm thấy quá căm thù nhân loại bởi đã bịa ra từ ngữ “giải phóng” mà chi để dân Việt chúng tôi vì nó mà phải khổ lụy đến dường này. Câu này làm tôi thấy chúng ta tuy là kẻ Nam người Bắc, nhưng vô tình lại chung phận là nạn nhân, nạn nhân của kẻ bợm, chúng sống bằng sự lừa lọc dối trá, sự trí trá đó khiến biết bao người “sinh bắc tử nam” mất con, mất chồng, mất cha, mất anh mất em bởi họ đã vào chiến trường và không bao giờ trở về nữa”.
Đó là phần không may cho dân miền Bắc, còn miền Nam như ông thấy đó và ông đã viết “là tù đày, là cải tạo nơi rừng thiêng nước độc, là mất vợ mất con, mất nhà cửa ruộng vườn, mất bao nhiêu người thân trên biển cả và mất hết tự do dân chủ nhân quyền và mất luôn cả tổ quốc!”. Để rồi những kẻ bợm CS đó chúng đoạt lấy tất cả, những gi của người dân hai miền Nam-Bắc nước ta, từ cơ bản quyền làm người đến của cải vật chất, chúng dìm đời sống người dân cả nước xuống tận bùn đen, còn sự tồn vong của đất nước thì đang trong tình trạng treo chỉ mành. Trong những cái chúng cướp đoạt của đất nước, có cả 16 tấn vàng là số vàng thuộc tài sản quốc gia, mà chính phủ VNCH để lại, chúng đã chia chác nhau số vàng này, và cái tận cùng bỉ ổi là chúng lại tuyên truyền là chính quyền miền nam đã lấy số vàng đó. Nhưng nay tất cả người dân VN đều biết như ông viết, kẻ lấy số vàng 16 tấn không ai khác hơn là 16 tên chóp bu bộ chính trị CSVN “Giải phóng miền nam” thực sự có mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên và cả sự thịnh vượng nữa với gia sản có thể đột ngột tăng lên cả 16 tấn vàng ròng… nhưng tất nhiên chỉ cho một thiểu số trong xã hội, chỉ chừng 16 người trong tổng số non 50 triệu dân lúc bấy giờ thôi…”, Cám ơn ông thật nhiều Ông Lê Hiểu Dương ạ, sự thực cuối cùng vẫn là sự thực.
 Sau ngày 30 tháng 04 năm 75, trước khi chúng tôi bị đưa ra miền bắc để lưu đày, các “ông cộng sản” đã nói với chúng tôi về thiên đường cộng sản xã hội chủ nghĩa miền bắc như sau: Miền Bắc XHCN không có người nghèo kẻ giàu, không có nhà cao tầng, và cũng không có nhà lá, tất cả đều nhà gạch giống như nhau, ý nói kiểu nhà cư xá hay chung cư,- Không có kẻ rách rưới, mà kẻ khác thì dư thừa tơ lụa, tất cả đều bận kaki Nam định thoải mái. Miền bắc XHCN vật chất thì nhiều vô kể, không thiếu một thứ gì, còn trong Nam toàn thể dân chúng, và ngay cả trong trại, tất cả mọi người phải sống trong khó khăn thiếu thốn, đó là do tàn dư của chế độ tư bản Mỹ Ngụy để lại, rồi đây miền Bắc sẽ chi viện cho miền Nam(?). Nghe nói vậy cũng có nhiều anh em tù tin, xã hội cộng sản mà, tất cả đều bình đẳng, cái ăn, cái mặc, cái ở đều như nhau, chủ thuyết của Mác Lê, chả mong muốn xây dựng một nhà nước, một xã hội theo mô hình như thế là gì (!).
Nhưng cũng như ông nói, ông nhận ra sự thật khi vào nam,“Chúng tôi đi từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được thế nào là lavabo là hố xí tự hoại, bởi cả thành phố Vinh, cả tỉnh Nghệ An chúng tôi hay thậm chí cả miền Bắc XHCN lúc bấy giờ chỉ sử dụng hố xí lộ thiên, để còn dùng nguồn “phân Bắc” này để canh tác, để tăng gia sản xuất theo sáng kiến kinh nghiệm cấp nhà nước của đại tướng Nguyễn Chí Thanh”. Thì sự thật phũ phàng cũng đến với chúng tôi, khi chúng tôi vượt qua cầu Hiền Lương, trên bước đường lưu đày lên mạn ngược, lần đó qua cầu Hiền Lương là vào khoảng 10 giờ sáng, đây đất Đồng Hới nào thấy đâu nhà gạch, Quảng Bình quê ta nào thấy đâu giàu đẹp. Cả một vùng xác xơ đều khắp với những mái tranh vách đất tiêu điều, dọc đường thỉnh thoảng một vài ngôi nhà xây, đấy là những nhà gạch duy nhất mà chúng tôi thấy, nhìn kiểu dáng kiến trúc cho thấy chúng đã có từ thời Pháp. Cái nhiều mà chúng tôi thấy được trên chuyến đi là khẩu hiệu, suốt chuyến đi hai bên đường không biết cơ man nào là khẩu hiệu, đều là khẩu hiệu màu đỏ máu, chữ vàng, to có nhỏ có, dài có ngắn có, ca ngợi hết lời tình hữu nghị Việt Hoa, như răng với môi, như anh với em, tình đồng chí đời đời bền vững. Ngoài ra cũng không ít những cái suy tôn họ Hồ, họ Mao, Các Mác, Lê Nin, tất cả các chữ dao to búa lớn như vĩ đại, vô địch, quang vinh.v.v…đều được đem ra dùng tối đa.

Cũng ngay trong lần đầu diện kiến dung nhan thiên đường cộng sản đó. Xe vừa vào tới Đồng Hới, thì đậu tập trung chờ lịnh bên đường, tình cờ giờ tan trường, những trẻ học trò tò mò đứng nhìn đoàn xe bít bùng. Học sinh là mầm non đất nước, tương lai của cả một dân tộc, mà dường như những đứa trẻ này, thiếu ăn như lủ tù chúng tôi hay sao?, mà nhìn chúng gầy và xanh quá, quần áo chúng luộm thuộm rách rưới. Vậy mà chúng lại đang sống trong cái thiên đường XHCN, do đảng cộng sản quang vinh tể trị… cái khăn quàng màu máu trên cổ chúng, nói thêm một điều nữa, Chúng là cháu ngoan họ Hồ. Chúng đang học tập và theo gương Bác vĩ đại của chúng, nhưng không hiểu lý do gì mà nhìn chúng thảm quá, như phường ốm đói. Đấy ông Dương thấy không, tôi có khác mấy chi ông khi ông đặt chân vào miền Nam như ông nói, “Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi xe qua khỏi vùng chiến sự Quảng Trị, đến Huế, đến Đà Nẵng.. rồi Nha Trang, Sài Gòn rồi về Miền Tây, đến thị trấn Cao Lãnh, đâu đâu cũng lầu đài phố xá chứ có tường đất mái tranh như ở thành phố Vinh chúng tôi đâu!”.
Ông Lê Hiển Dương mến, quê ông là Vinh, quê ngoại tôi cũng là Vinh, nhưng tôi không sống ở đó, tôi chỉ được cái hân hạnh đi ngang qua thành phố Vinh hai lần, năm 1975 trong lúc chuyển tù từ nam ra bắc. Và năm 1981 sau khi TQ đánh vùng phía bắc sáu tỉnh biên giới, chúng tôi đựơc di dần vào trong, chuyến xuôi nam bất đắc dĩ, mà nhà nước cộng sản không muốn tí nào, tôi biết chắc như thế. Họ muốn chúng tôi phải vùi thân nơi núi rừng tây bắc họ mới vui, lý do gì thì ông thừa biết phải không ông Dương, những gì ông nói ra cho thấy ông rất thành thật, vì những gì ông làm cho chúng tôi tại Vinh. Thì tại các nơi khác người dân nơi ấy cũng làm theo một cách như ông, vì đó là chính sách chung của Đảng, ông ném đá thì họ cũng ném đá, thậm chí có người xấn xổ nhổ nước bọt vào chúng tôi. Thoạt đầu thì chúng tôi khó chịu vì sự lỗ mãng của họ, nhưng khi thấy những nụ cười đểu của bọn cán binh áp tải, thì chúng tôi nhận ra ngay đấy là những gì người dân bị “make up”, hoàn cảnh chúng tôi lúc đó, không khác gì cảnh trong những thước phim tài liệu “đấu tố” cải cách ruộng đất năm nào.
 Ông nói “những tháng tiếp theo đó, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy hàng đàn hàng lủ bọn ngụy quyền ác ôn, bị sự trừng phạt của chính quyền cách mạng, của nhân dân miền Bắc và của chính chúng tôi… Số là mỗi tuần một lần, chúng tôi được chính quyền và ban giám hiệu nhà trường thông báo, vào những ngày giờ có những ô tô của cục quân pháp, chuyển tù cải tạo là những sỹ quan, ngụy quyền ác ôn của chính quyền Mỹ Thiệu đi ngang qua địa phương, để đến các trại cải tạo ở mạn ngược. Cùng với đồng bào địa phương, mỗi sinh viên chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ cơ số đá trứng nhặt từ đường ray xe lửa, để khi đoàn xe tù đi ngang qua, là hô hào toàn dân trút những trận mưa đá lên đầu những tên ngụy quyền ác ôn này, bởi chúng có quá nhiều nợ máu với nhân dân, với đất nước…Và sau mỗi lần trừng trị bọn ngụy quyền ác ôn đó, chúng tôi đều có hội họp, báo công và được tuyên dương khen thửơng, được kết nạp vào đoàn, được vinh dự đứng vào hang ngũ của đảng, vì đã đả thương được bao nhiêu sỹ quan ngụy quyền đó. Tất nhiên là cũng có nhiều buổi họp báo công, chúng tôi cũng bị phê bình kiểm điểm vì đã không có trường hợp thương vong nào được ghi nhận trong những vụ “tập kích” đó…”
Nay đã hơn ba mươi sáu năm, sau ngày oan nghiệt của vận nước, muốn hay không muốn chúng ta cũng phải thấy, Nam hay Bắc đều là nạn nhân của bọn cộng sản vong nô, chúng tôi không trách ông đâu Ông Dương ạ. Thứ nhất vì cái thành thật của ông làm chúng tôi mến, thứ đến là đã có người xin lỗi chúng tôi thay cho ông rồi, những người làm việc tạ lỗi với chúng tôi là những người nghèo bán hàng rong tại nhà ga thành phố Vinh của ông. Chúng tôi cảm được cái ray rứt trong lòng ông qua câu ông viết “Kết thúc 4 năm đại học với vô số những cuộc tập kích để ném đá vào những xe chuyển tù, rồi chúng tôi cũng tốt nghiệp đại học…”.Nên chúng tôi xin mạn phép gởi đến ông một đoạn ký sau đây để ông đọc, mà thấy được rằng cái thật luôn tỏa sáng và làm rung động lòng người, cũng tựa như cái thật của ông đã làm cho chúng tôi mếm.
XUÔI NAM….
…Ðoàn tàu vẫn tiếp tục lăn bánh, hướng về nam với rộn rã của tiếng bánh xe gõ nhịp trên đường ray, tấm bảng cắm bên đường cho thấy ga kế tiếp là nhà ga Vinh. Thành phố Vinh là quê ngoại của Mẹ tôi, thuở còn nhỏ Mẹ theo Ngoại nhiều lần về Vinh. Nhận xét về quê của mẹ sau bao nhiêu năm nhìn lại, trong lần ra bắc thăm nuôi tôi, Mẹ bùi ngùi nói không có gì thay đổi, tất cả vẫn như xưa, có chăng là mọi vật cũ đi theo thời gian mà thôi. Còn tôi tuy biết Vinh là quê ngoại, nhưng trong tôi, sau năm 75 trong chuyến lưu đày ra xứ bắc, tôi cũng đã qua đây vào một đêm, nhưng tình cảm lần đầu tiên đó, không phải thứ tình cảm bồi hồi nao nao, khi đi qua chốn mà mình biết đó là quê mẹ.
Ðêm đó qua đây lúc trời đã tối, nhà ga tỉnh lẻ, tôi nhìn qua vách xe, trong ánh sáng vàng đèn trứng vịt mù mờ, vài người bán hàng rong hỏi vọng vào trong xe, mời chúng tôi mua bánh. Vài anh tù vô tình trả lời họ, và thế là sau khi họ biết chúng tôi là tù miền nam, thì những viên đá nhặt từ đường ray ném tới tấp vào thùng xe, kèm theo lời chửi thô tục, nghe đâu có vài anh tù ở xe phía trước vì tò mò, thò đầu ra khỏi tấm bạt để nhìn cho rỏ, đã nhận ngay viên đá củ đậu vào đầu, máu ra ướt áo. Cán bộ sau đó qua sự việc này để mà lên lớp chúng tôi, anh ta nói do thấu triệt chính sách khoan hồng nhân đạo, mà đảng đã giáo dục, nên nhân dân chỉ ném đá mà thôi, nếu không có đảng dạy, thì nhân dân đã cắt cổ chúng tôi rồi(?).
Ðoàn xe từ từ vào ga, kinh nghiệm của lần ra, nay lần về phải cẩn trọng, chúng tôi không muốn ăn đá củ đậu. Chúng tôi giữ im lặng, không trả lời bất cứ tiếng mời mua hàng, hay tiếng gõ vào thành tàu của người mua đồ cũ… Bánh mật… mía… chuối… ai mua không?… Quần áo cũ… đồ cũ… ai bán không?… khung cảnh nhà ga ồn hẳn lên, với lời rao của kẻ mua người bán, và đặc biệt là trong toa càng lặng tiếng, thì người mua kẻ bán đứng dưới đường ray càng gào to.
Bổng quản chế áp tải tù, chúng được lịnh cho phép nghỉ giải lao, chúng í ới gọi nhau vào nhà ga để chè lá, thấy thế các người mua bán rong, vội ùa đến gần con tầu hơn, áp sát miệng vào khe hở thành toa mà rao to. Một anh mua đồ cũ, vô tình rao đúng chỗ của anh Khanh “mù” ngồi, anh Khanh xuất thân võ bị Ðàlạt và cận nặng, nên anh em thêm chữ mù sau tên anh mà gọi cho vui. Máu tếu nổi lên anh Khanh hỏi: -Có bộ đồ tù rách mua không?… Một bất ngờ và ngỡ ngàng đến với chúng tôi, thay vì là câu chửi thề, hay chuyện gì đó như ném đá, để đáp lại câu nói của anh Khanh như chúng tôi nghĩ, thì lại là tiếng reo vui thật to: -Tầu chở tù về Nam bà con ơi… sau đó qua các khe hở của vách tầu… chuối, mía được nhét vào cho chúng tôi, thật tôi không tin những gì tôi thấy. Bấy giờ buổi sáng trời vừa nắng lên khoảng chín giờ sáng, đâu phải đêm đen đâu mà không thấy những gì đang diễn ra trước mắt mình. Từ khe hở ngay chỗ tôi, tôi cũng được một cái bánh mật, bánh còn ấm nóng, đây là bánh của người dân quê xứ Nghệ, làm từ bột trộn với đường mật, gói lá chuối xong đem hấp hay luộc, đường mật mà trong nam ta gọi là đường chảy hay đường thùng.
Ăn bánh mật hơi giống như ăn bánh ếch trong nam, không ngon bằng bánh ếch, vì nó không có nhân. Nhưng quí vị ạ, miếng bánh mà tôi đưa vào miệng , tôi ngậm nó mà nghe ngọt tận tâm can, tôi không muốn nuốt vì sợ mất, mất những gì đang đến với tôi trong suy nghĩ, trong cảm xúc. Tới đây chắc quí vị nghĩ là tôi càn rở ăn nói lung tung chăng, không đâu, cảm xúc đang trào dâng trong tôi, thật ngọt ngào và ấm áp lắm. Ngày nào cộng sản tuyên truyền, gọi chúng tôi là lính đánh thuê, chúng tôi là dã thú, ăn gan uống máu người. Ðưa chúng tôi ra Bắc, chúng thật an tâm, chúng tôi mà trốn trại ư?, tai mắt nhân dân, sẽ giúp chúng bắt chúng tôi lại dễ dàng, nhưng sau đó chúng biết chúng lầm, dưới ánh mặt trời làm sao chúng che đậy mãi cái gian manh của chúng.
Và hôm nay theo thời gian, đã xóa sạch những gì cộng sản bôi bẩn chúng tôi. Từ ngay trong lòng người dân, người dân của phần đất Xô Viết Nghệ Tỉnh, mà cộng sản cai trị giáo dục họ từ những năm đầu họ Hồ du nhập chủ thuyết cộng sản vào Việt nam. Nay chúng tôi đã có chỗ, chổ chúng tôi là trong lòng những người dân nghèo bán rong, người mua đồ cũ, họ chia sẻ cho chúng tôi những gì họ có, trong nhà ga này, nhà ga Vinh, quê ngoại tôi, mà hơn năm năm về trước, họ ném vào chúng tôi bằng những viên đá xanh, to bằng nắm tay, mà họ nhặt từ đường ray. Những gì cộng sản tuyên truyền, nhồi sọ người dân quê Ngoại tôi, hay nói chung là cả miền Bắc, nay đã bị cái thật đánh gục.
Chuyến xuôi nam này, quả đúng với câu niềm vui nối tiếp niềm vui, hôm nay người dân ga Vinh họ chuyền qua khe hở vách toa tàu, những lóng mía, những quả chuối lẻ, cùng bánh mật, những thứ này là vốn liếng của kẻ nghèo, mua bán hàng rong trong sân ga. Bằng chính rổ cơm của gia đình, họ đãi chúng tôi, những người tù miền nam, mà chính quyền cộng sản gọi là Ngụy. Nguyên do đâu sự việc này xảy đến?. Lý do gì mà tình cảm, của những người nghèo cùng khổ này, dành cho chúng tôi?. Chúng tôi chưa từng gặp họ, họ ở lại Bắc, chúng tôi xuôi Nam, bao giờ biết găp lại?, rổ hàng của họ ít ỏi lắm, mỗi người chỉ dăm quả chuối, dăm lọn mía, ít bánh mật. Cái gì đã thôi thúc, khiến họ cho đi?, phải là một cái gì đó mãnh liệt lắm. Gần sáu năm trong nhà tù cộng sản tại miền bắc, trong khoảng thời gian này tôi đã nhìn thấy quá nhiều biến đổi từ mọi phía, mọi lãnh vực, từ người dân đến cán binh, cán bộ cộng sản. Những sắt máu giáo điều không còn giá trị đối với mọi người, những son những phấn tô lục chuốc hồng, cho chế độ XHCN đã lã chã rơi, lộ nguyên trạng những gì bọn chúng cố dấu. Một câu nói trong Kinh Thánh: “Những gì của César hãy trả lại cho César” thật đúng cho cả hai bên, cho chúng tôi và cho cả cộng sản.
Bọn cán bộ áp tải đã trở lại, con tàu kéo còi từ từ chuyển bánh, qua khe hở tôi dõi nhìn, những người mua bán hàng rong trong sân ga, cho đến mãi khi không còn nhìn thấy cả họ lẫn nhà ga. Trời vào trưa nắng thật đẹp, mây có che thì chỉ một lúc nào thôi, sau đó trời vẫn lại rực rỡ như xưa….
VIỆT NHÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét