Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Một chu kỳ mới Những chuyển động lớn trên toàn cầu - Nguyễn-Xuân Nghĩa

alt
Thế kỷ 21 này mới được 15 tuổi. Trong một bài kinh tế đầu năm, người viết xin cố nhìn xa hơn chân trời của ba tháng hay một năm - là viễn ảnh thông thường của các nền dân chủ theo kinh tế thị trường - mà nói đến một kỳ hạn lâu dài hơn...
Thế giới ngày nay của chúng ta có nhiều biến động xảy ra gần như cùng lúc, vào năm 2008. Mốc thời gian ấy, ta không nên quên. Ðầu năm 2008, những ai chú ý đến kinh tế thì đều thấy có gì đó không ổn trong hệ thống tài chánh Hoa Kỳ, mở đầu là việc tổ hợp Bear Sterns sụp đổ, khi kinh tế Mỹ lại vừa bị suy trầm kinh tế sau tám năm tăng trưởng.
Khi ấy, người ta chờ đón Thế Vận Hội Bắc Kinh sẽ khai mạc hoành tráng vào tám giờ tối ngày 8 Tháng Tám. Sự xuất hiện của một Trung Quốc huy hoàng đã bắt đầu. Nhưng cùng ngày hôm đó, Liên Bang Nga bất ngờ tấn công Georgia trước sự ngỡ ngàng của Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ. Người ta không ngỡ ngàng lâu vì phải nhìn về Mỹ với vụ tổ hợp đầu tư Lehman Bros. phá sản cùng nhiều đại doanh nghiệp khác của Hoa Kỳ vào trung tuần Tháng Chín, trong mấy tháng cuối của cuộc tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống Mỹ.
Vào thời điểm 2008 ấy, ít ai dự đoán là thế giới vừa qua một chuyển động lớn với ảnh hưởng sẽ kéo dài đến ngày nay...
***
Trước tiên, thế giới đã lầm khi nghĩ Hoa Kỳ là thủ phạm, hay nạn nhân, của khủng hoảng tài chánh làm kinh tế thế giới bị Tổng Suy Trầm (Global Recession 2008-2009). Sở dĩ lầm vì Âu Châu đã có “cái nhân” của khủng hoảng tài chánh còn trầm trọng hơn Mỹ. Biến động tại Hoa Kỳ chỉ là “cái duyên,” yếu tố thời cơ khiến các nhược điểm nội tại của hệ thống Âu Châu và của riêng khối Euro bùng phát vào thời điểm ấy thành một vụ khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Vụ khủng hoảng đó đang tiếp tục với việc Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro (kịch bản “Grexit”) làm hệ thống Euro và cả khối Liên Âu bị rung chuyển. Trong mấy năm tới, những mâu thuẫn về chính sách và chính trị trong nội tình Âu Châu sẽ tiếp tục phá tác.
Chính là vào lúc nguy ngập này mà Liên Bang Nga của Tổng Thống Vladimir Putin can thiệp vào Ukraine với hai thỏa thuận ngưng bắn tại Minsk vào năm ngoái và vào giữa Tháng Hai này đều không có giá trị. “Hòa ước” vừa qua đem lại lợi thế chính trị cho Nga với điều khoản Ukraine phải tu chỉnh Hiến Pháp để giành cho các địa phương thân Nga hay ly khai sẽ có thêm quyền hạn và đe dọa chính quyền trung ương tại Kyiv. Vì vậy, chuyện Ukraine sẽ chưa êm trong mấy năm tới.
Nhưng nếu nhìn vào viễn cảnh dài hơn, tới cả chục năm, thì chính Liên Bang Nga mới lâm nguy.
Về kinh tế, Nga tiếp tục lệ thuộc vào nguồn năng lượng xuất cảng là dầu thô và khí đốt, và không thể cải cách bên trong để giải quyết bài toán trường kỳ là sự co cụm dân số người Nga La Tư (Slav), da trắng, theo Chính Thống Giáo, trước đa gia tăng dân số của các sắc tộc khác.
Về chính trị, Putin không thể thỏa mãn khát vọng thịnh vượng của người dân khi niềm kiêu hãnh dân tộc nhờ việc bành trướng qua Ukraine chẳng bù đắp nổi những khó khăn kinh tế hàng ngày. Hệ thống liên bang sẽ rạn nứt trong thực tế vì nhiều sức ly tâm nội tại - và bị rạn nứt với đà gia tốc cao, mỗi năm lại càng thêm nguy ngập.
Ðấy cũng là lý do khiến Liên Bang Nga không mấy yên tâm về một nước láng giềng rộng lớn và có biên giới dài nhất với lãnh thổ Nga, là Trung Quốc. Sức ép về dân số, kinh tế và nhất là tham vọng của Bắc Kinh sẽ là bài toán cho lãnh đạo Nga trong thập niên tới.
Nhưng. trên đỉnh cao của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc bắt đầu một chu kỳ suy giảm, chậm rãi mà chắc chắn.
Các biện pháp kích thích kinh tế được ban hành từ cuối năm 2008 đem lại ảo tưởng phát triển khi sản lượng kinh tế vượt Nhật Bản năm 2010 và có thể bắt kịp Hoa Kỳ trong thập niên này. Ảo tưởng đó chỉ là bong bóng, như trái bóng đầu cơ đang xì dưới một núi nợ. Nếu bóng xì thì kinh tế chỉ bị suy trầm và giảm phát, chuyện đang xảy ra. Nếu bóng bể thì cả kiến trúc nguy nga huê dạng đó sẽ sụp đổ, với hậu quả là khủng hoảng chính trị trong thập niên này.
Về kinh tế, kể từ nay, Trung Quốc hết là đầu máy tăng trưởng hay công xưởng chế biến cho toàn cầu. Ðấy là cơ hội cho các nền kinh tế khác có thể trám vào khoảng trống. Trong “các nền kinh tế khác” tại Châu Á, Châu Phi và Trung Nam Mỹ, có trường hợp của Việt Nam. Nhưng vì Việt Nam còn cải cách chậm hơn Trung Quốc nên lại thêm một lần nữa bị lỡ cơ hội. Chuyện đã quen!
Về an ninh và quốc phòng, Bắc Kinh có thể dốc sức vào quân sự mà chỉ uy hiếp được các nước láng giềng nhỏ yếu, lại còn gây phản ứng ngược là Nhật Bản sẽ lặng lẽ tái võ trang và trở thành cường quốc cần thiết cho kinh tế và an ninh của vùng Ðông Á.
Thế còn Hoa Kỳ? Thủ phạm hình thức - bề ngoài - của những chuyển động vừa qua?
Hoa Kỳ có lãnh thổ liền lạc và trù phú, được bảo vệ bởi hai đại dương và tiếp cận với hai láng giềng không có tham vọng bành trướng mà còn là hai bạn hàng quan trọng nhất, là Canada và Mexico, nơi tiếp nhận đến 40% tổng số xuất cảng của Mỹ. Sau nạn Tổng Suy Trầm, kinh tế Mỹ đã hồi phục từ Tháng Bảy năm 2009 và dù quá chậm vẫn đang tìm lại tốc độ tăng trưởng khả quan hơn để tiếp tục là siêu cường kinh tế số một với sản lượng bằng 22% sản lượng toàn cầu.
Viết lại cho rõ: với dân số bằng 5% của thế giới, nước Mỹ sản xuất hơn 1/5 sản lượng thế giới. Và vì kinh tế Hoa Kỳ chỉ lệ thuộc vào xuất cảng có 9% của Tổng Sản Lượng GDP, nếu các khối kinh tế Âu, Tàu và Nhật có sa sút thì sự mất mát về xuất cảng của Hoa Kỳ cũng không là vấn đề nghiêm trọng. Các cường quốc kinh tế kia, như Trung Quốc, Nhật Bản hay Ðức, không được như vậy.
Một ưu thế khác của Hoa Kỳ là khả năng thay đổi nhờ cạnh tranh nên khi cả thế giới nói đến lầm than kinh tế, nước Mỹ bỗng xuất hiện thành một đại gia về năng lượng để từ nay sẽ tác động đến số cung về dầu thô và khí đốt và chi phối giá dầu của toàn cầu còn mạnh hơn khối OPEC của các nước bán dầu.
Ðã vậy, giữa những bất ổn và khủng hoảng của thế giới, “hải đảo Hoa Kỳ” là bãi đáp an toàn nhất cho tư bản của các nước. Dòng tiền tiếp tục chảy về Mỹ, làm lãi suất hạ và cổ phiếu tăng. Trong nhiều năm tới, kể cả năm nay, kinh tế Hoa Kỳ có thể gặp vài trở ngại nhỏ, nhưng nước Mỹ vẫn là một trung tâm ổn định nhất của một thế giới đa đoan và khủng hoảng.
Sức nặng kinh tế thì khả quan như vậy, an ninh lại là chuyện khác vì tâm tư bất định của người dân và chánh sách ứng phó chập chờn của chính quyền Barack Obama. Hai mối nguy gần và xa đang đe dọa toàn cầu và cần đến sự hiện diện tích cực của Hoa Kỳ. Gần là nạn khủng bố của chủ nghĩa Hồi Giáo quá khích, kết tinh mà không chỉ tập trung vào hiện tượng duy nhất là ISIL, đế chế Hồi Giáo. Xa hơn là sự bành trướng quân sự đầy tính chất phiêu lưu của Trung Quốc.
Chính quyền Obama muốn lảng tránh cả hai trách nhiệm, từ Trung Ðông qua Ðông Á, nên để lại một di sản nặng nề cho chính quyền mới, sẽ được người dân bầu lên vào cuối năm 2016.
Ðến ngày đó, chúng ta sẽ điểm lại và dự báo tiếp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét