Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

LÊ VĂN KHOA: NGƯỜI ANH QUÝ MẾN - PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG

Picture
 
  Những bài báo và nhiều bài viết đã xuất hiện trên net, trên đài phát thanh, truyền hình từ trước 1975 bên Việt-Nam và sau này ở hải ngoại hoặc những bài nói trước thính giả của nhiều diễn giả trước đây và hiện nay về tài năng của một nhân vật mang tên Lê Văn Khoa rất nhiều và đa dạng. Vì Lê Văn Khoa hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà ở lĩnh vực nào Lê Văn Khoa cũng được đánh giá “xuất sắc”. Vì thế, khi tôi gọi Lê Văn Khoa trống trơn, có vẻ rất bất lịch sự đối với một nhân vật nổi tiếng của cộng đồng Việt-Nam

 
Thật ra tôi gọi “Lê Văn Khoa” với niềm tự hào và kính trọng như khi gọi  “Strauss”, “Beethoven”, “Mozart”, “Chopin”, “Schubert”, “Paganini”, “Picasso”, “Van Gogh”, “Victor Hugo”, “Jean-Paul Sartre”, Francoise Sagan”, Khái Hưng”, Nhất Linh” vậy.
Lần đầu tiên khi tôi liên lạc với ông, tôi gọi ông là “Giáo Sư”, là “Thầy” thì được “Thầy” bảo: “Đừng gọi thế mà chỉ gọi là ‘Anh’ thôi cho thân mật!” 
Tôi biết ông Anh Lê Văn Khoa của tôi tuổi Quý Dậu (Con gà Trống) và tôi tuổi  Bính Tý (con chuột nhắt) cách nhau ba tuổi, như vậy anh là “con gà trống” cất tiếng gáy chào  mặt trời trước tôi hơn một ngàn ngày, nên từ đó anh là “Người Anh Quý Mến Của Tôi”.
 Qua những lần gặp mặt, điện đàm, liên lạc bằng thư từ, email… với anh, tôi thu nhận thêm những kiến thức uyên bác quý giá rất có ích cho sự ham hiểu biết về âm nhạc, nhiếp ảnh, văn chương, hội họa, nghệ thuật của tôi. Tôi tự nhủ: LÊ VĂN KHOA trở thành LES (số nhiều trong tiếng Pháp) “BÁCH KHOA  TOÀN THƯ để tôi tham khảo, học hỏi mỗi khi cần. Và hôm nay trong một cuốn sách mà nhiều người ghi lại một vài “kỷ niệm” về hoặc với anh, tôi cũng viết một bài góp phần với mọi người.
Tôi biết anh Lê Văn Khoa có vài lần đến thăm thành phố mà tôi chào đời nên nhắc lại vài sinh hoạt âm nhạc, nghệ thuật mấy chục năm trước trong thành phố này. 
Tôi sinh ra ở một thành phố nhỏ trên dãi đất chữ S của nước Việt Nam mà địa danh là một tên gọi theo tiếng ngoại quốc thật là kỳ lạ. 
Người Pháp (thực dân) chỉ chọn đặt tên riêng cho hai thành phố của Việt Nam  là “Ville de Tourane” và “Ville de Faifo” để gọi nơi tôi sinh ra.  Cho đến gần cuối năm 1945, hai thành phố này mới được mang tên Việt: Tourane trở thành Thái Phiên, sau đổi thành Ðà Nẵng. Ville de Faifo đổi thành Hội An, rồi thị xã Hội An, xã Hội An và nay mang tên thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam .
Thập niên 1940’s, thành phố mang tên Tây Faifo được một nhạc sĩ người Việt gốc Hoa là La Hối (tên thật La Doãn Chánh) sinh năm 1920  thành lập hội Hiếu Nhạc Hội An đầu tiên (Société Philharmonique de Faifo), mà ông là Sáng Lập Viên kiêm  Hội Trưởng. 
 Hội viên là các nhạc sĩ trẻ tại địa phương như Lê Trọng (tức Lê Trọng Nguyễn sau này) tác giả Nắng Chiều, Chiều Bên Giáo Đường, Sao Đêm, Cát Biển, Bến Giang Đầu . . , Dương Minh Ninh với nhạc phẩm Đường Chiều, Gấm Vàng . . . do nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản thập niên 50's, Lan Ðài với nhiều nhạc phẩm như Chiều Thương Nhớ… ,nhiều tập nhạc và sách dạy cách đàn guitare, đàn Hạ Uy Di, đàn Ukulele, sách dạy Sáng tác ca khúc,  Hồ Vân Thiết, Huỳnh Phụng, Dương Minh Hòa, Trương Ðình Quang. . . còn nhiều vị nữa mà tôi không nhớ tên, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm, đã in ấn và phổ biến rộng rãi trong thập niên 50's-70's tại Việt Nam.
Hàng tuần, các nhạc sĩ trong hội tổ chức những buổi hòa nhạc miễn phí để giúp vui bà con trong thành phố rất bé nhỏ này. Ban nhạc chỉ gồm có một piano, một accordéon,  hai violons, một saxophone, một clarinet, vài guitares, banjo, banjo alto, mandoline, contre-basse và dàn trống….” toàn cây nhà lá vườn” (một nhạc sĩ sử dụng 2 hay 3 nhạc cụ thay đổi để đỡ nhàm chán thính giả). Tôi chỉ là một trong những thính giả đó. May lắm, có khi được cho ngồi ghế bên cạnh nhạc sĩ đàn piano để giúp ông chuyển trang nhạc vì tôi vỏ vẻ đọc được notes nhạc.
Nhạc khúc trình tấu mở đầu luôn luôn là nhạc phẩm LE PRINTEMPS ET LA JEUNESSE của nhạc trưởng LA HOY (xem như nhạc hiệu của ban nhạc)  
Vì trong ban nhạc các nhạc công đang được nhạc sĩ LA HỐI hướng dẫn sáng tác ca khúc cũng chưa có tác phẩm nên ban nhạc hòa tấu những nhạc phẩm tây phương thịnh hành thời đó như Beau Danube Bleu, One Day When We Were Young, Princesse Zardas, Serenata, Ave Maria, Serenade de Schubert, Come Back to Sorriento, Flots du Danube, Tango Chinois, cùng một số  nhạc Trung Hoa, Nhật bản thịnh hành… vân vân.
           Tôi bắt đầu học nhạc lý cao hơn qua các sách nhạc nhập cảng từ Pháp mà thân phụ tôi là chủ nhân nhà sách Phi Anh từ 1950 tại Hội An. Tthường xuyên nghe những dĩa nhạc classique, symphonies của Beethoven, Mozart, Haydn, Schubert, Mendelssohn, Tchaikovsky, Brahms, Rachmaninoff…, tham khảo sách dạy nhạc lý bằng tiếng Pháp ở các thư viện.
 Năm 1952 tôi ghi danh học hàm thụ âm nhạc, hòa âm và sáng tác ca khúc ở lớp dạy âm nhạc  Universelle (Paris, France), sau đó tôi bắt đầu viết một vài ca khúc ngắn như Mùa Hoa Phượng Vỹ (1956), Men Nhạc Chiều (1956), Ép Hoa Giữ Làm Tin (1956), Sài-Giang Dạ Khúc (1956), Đêm Trăng Trên Sông Sài (1956), Lưu Luyến (1957), Vũ Khúc Ngày Xanh (1957), Niềm Tin Bất Diệt (1957: được giải thưởng khuyến khích âm nhạc 1958), Thanh Niên Cộng Hòa Việt Nam Hành Khúc (1958: được giải thưởng khuyến khích âm nhạc 1959), Hè Đồng Quê (1958), Người Mẹ Học Đường (1959), Tình Tháng Năm (1959), Cành Hoa Sim (1959), Mừng Ngày Tươi Sáng (1959), Em Vẫn Đợi Ngày Về Của Anh (1962) sáng tác trước khi tôi lên đường nhập ngũ động viên Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị tại Liên trường Võ Khoa Thủ-Đức (1963), đã được các ban nhạc Vô Tuyến Việt Nam như Hoa Đăng,Võ Đức Thu, Vũ văn Tuynh …ở Saigon, ban nhạc đài phát thanh Quân Đội, ban nhạc đài phát thanh Huế nhiều lần trình bày. 
Tôi cũng viết vài nhạc khúc ngắn không lời…nhưng tự cảm thấy vẫn chưa tới đâu nên ngưng sáng tác. 
        

Picture
   Thời còn trẻ tôi rất thích đi nghe hòa tấu nhạc ở Saigon và Huế trong thập niên 50's - 60's.  Đa số những bản nhạc từ Tây phương như nhạc của gia đình Stauss, nhạc của Chopin, Schubert, Schuman. Mãi đến thập niên sau 1950’s mới nghe nhiều ca khúc gọi là Tân Nhạc Việt Nam (sau 1954 khi nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từ ngoài Bắc di cư vào Nam).
Ðầu thập niên 1950’s đọc báo chí từ Hồng Kông gửi sang, tôi rất vui khi biết tin bản nhạc “Le Printemps Et La Jeunesse” của nhạc sĩ La Hoy được thính giả Hồng Kông yêu cầu nhiều nhất và số dĩa nhựa bán ra cho thính giả các nước Á Châu có Hoa Kiều trú ngụ tăng lên rất cao. Khi sáng tác, tác giả đặt tên nhạc khúc bằng tiếng Pháp mà lời ca được thi sĩ Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hoa, tên là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên (về sau ông này làm giáo sư Hoa ngữ tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn). Nhờ nhạc có nét Tây Phương và lời bằng tiếng Trung Hoa, nên người Trung Hoa hiểu và thích.
     Năm 1946, đoàn ca vũ nhạc kịch Anh Vũ từ thủ đô Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, Nam Việt Nam. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn trực chỉ Hội An. Mặc dù lúc đó Hội An đang bị mưa to gió lớn ngập lụt dâng cao quốc lộ số 1 từ Đà Nẵng vào Hội An.
       Đoàn Anh Vũ được sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An nên đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội An để trình diễn vở kịch Tục Lụy của nhà văn Khái Hưng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết nhạc. 
      Ông Võ Đức Diên là trưởng đoàn và trong đoàn có thi sĩ Thế Lữ (và vợ là Song Kim, một nữ kịch sĩ có tài), nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.
Khi đến thành phố Hội An, các nhạc sĩ đồng hành với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát muốn liên lạc với nhạc sĩ La Hối. Đến nơi mới biết La Hối không còn nữa. Gia đình cố nhạc sĩ La Hối cho biết: “Ngày 1 tháng Tư, năm 1945, La Hối và 9 đồng chí bị Nhật bắt giam vài tháng trước đó, đã đem ra xử chém tại núi Phước Tường, gần phi trường Đà Nẵng và chôn chung một hố”.  
             La Hối (1920-1945) khi bị xử tử mới có hai mươi lăm tuổi. Ông đang yêu đời, yêu nước, và đang sáng tác một số tình ca và nhạc khúc hùng mạnh chống phát xít Nhật.
           Thi sĩ Thế Lữ xin phép gia đình họ La để đặt lời ca cho nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse, thành lời ca tiếng Việt “Xuân và Tuổi Trẻ”
          Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, nhạc sĩ Văn Chung soạn vũ điệu, Thế Lữ đạo diễn. 
           Thế là nhạc khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của cố nhạc sĩ La Hối được cất cao giọng hát bằng tiếng Việt lần đầu tiên tại nhà hát Phan Hương trên đường Minh Hương, thị xã Hội An. Về sau chính trên khu đất này, một hý viện hiện đại 1200 chỗ ngồi do thân phụ tôi dựng lên để thay thế nhà hát cũ, đó là hý viện Phi Anh, khi tên đường đổi thành Phan Châu Trinh.
Nhờ có lời ca bằng tiếng Việt, nhạc khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối được cộng đồng người Việt ưa thích nên đem phổ biến rộng rãi từ ngày ấy và chúng ta hát hiện nay mỗi khi xuân về cùng với Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Ðến cuối thập niên 1950’s nhạc phẩm Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn lại được nhiều người Hoa và người Nhật thích nên họ tự động đặt lời ca bằng tiếng Hoa cho ca sĩ Kỷ Lộ Hà hát, tiếng Nhật cho ca sĩ Midori Satsuki hát.
Khi đến trình diễn tại Saigon và Đà Nẵng một vị đại diện ban tổ chức mới gặp đươc tác giả Nắng Chiều bèn xin phép được phổ biến các lời ca này. 
Thời gian này, tôi dạy học cùng trường trung học Nguyễn Duy Hiệu tại Quảng Nam với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nên có dịp hỏi nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn về thù lao tác quyền. Anh Lê Trọng Nguyễn cười: “Chẳng có xu teng nào nhưng ‘moa’ vui vì họ phổ biến và thích nhạc của ‘moa’, như vậy là quý rồi!”
Tôi hỏi tiếp một câu nữa: “Anh Nguyễn có đọc và hiểu lời ca họ viết bằng Hoa Văn và Nhật Bổn Ngữ không?”
Anh Lê Trọng Nguyễn cười và nói: “Có ai thông dịch ra tiếng Việt đâu mà ‘moa’ hiểu. ‘Moa’ chỉ cần thính giả người biết tiếng Hoa, tiếng Nhật nghe, còn Nắng Chiều tiếng Việt hay Evening Sunshine thì đã có người hát và hiểu rồi!”
Được vui khi biết ca khúc Việt Nam mà được phổ biến ở ngoại quốc. Nhưng ca khúc bị hạn chế bởi lời ca. Nếu thính giả ngoại quốc không hiểu lời ca thì nhạc khúc cũng chẳng ai biết nếu không có giai điệu thật quyến rũ.
         Nhờ học hỏi thêm về lịch sử âm nhạc thế giới, tôi được biết diễn tiến thành hình của các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới. 
Nhà soạn nhạc MOZART là một trong số ít thiên tài thần đồng âm nhạc trên thế giới: :mới 5 tuổi ông đã viết nhạc và diễn tấu những nhạc khúc thuộc loại cao cấp của ông. Suốt cuộc đời ông đã viết 18 “masses”, 21 “concertos, 41 “symphonies”. Ngoài ra ông cũng viết 12 “operas” mà 2 trong số tác phẩm này được nhiều người biết là ”The Marriage of Figaro’ Và ‘ The Magic Flute’.
         Thời Mozart, “Classical Orchestra” (giữa thế kỷ 18- đầu thế kỷ 19, (chính xác hơn từ 1750-1830) chỉ có vài loại đàn dây (Strings), hai Oboes và hai  Horns. Sau đó được thêm vài loại nhạc cụ như flutes, clarinets, bassoons, trumpets và kettledrums (Tympani).
         Đến thời kỳ “Romantic Orchestra” (1830-1910) dàn nhạc hòa tấu lớn dần, thêm nhiều nhạc cụ mới, nhạc sĩ trình tấu tăng nhiều thêm và để phù hơp với “ban nhạc giao hưởng” (đại hòa tấu) với các nhạc cụ thuộc loại Srings ( dàn Dây), Woodwind ( dàn Gỗ), Brass  (dàn Đồng) và Percussion (bộ Gõ). 
Tiếp theo là thời kỳ “Modern Symphony Orchestra” hình thành sau Thế giới Đại chiến lần thứ I.
Dàn nhạc đại hòa tấu ngày nay phải có tối thiểu từ 90 nhạc công trở lên với nhiều nhạc cụ cồng kềnh, to lớn bên cạnh có thêm một dàn Chorus (hợp xướng) cũng rất nhiều người nên phải có sân khấu trình diễn to rộng thích hợp.
Nhạc trưởng Thomas Beecham (1879-1961) đã đưa một nhận xét “ There are two golden rules  for an orchestra: start together and finish together”.
Vì thế phải cần có conductor (nhạc trưởng) xuất sắc để chỉ huy điều khiển khi hòa tấu với những nhạc cụ hiện đại rất đa dạng và phát ra những âm thanh chính xác và tuyệt vời.
        Tôi ước mong có nhạc sĩ Việt Nam viết các Symphonies, Concertos, Suite des valses, Sonates…. chẳng hạn để các dàn nhạc lớn hòa tấu, trình diễn cho nhạc giới hoàn vũ thưởng thức vì tôi hiểu “Orchestral music is one of the glories of the world” như lời của Georg Solti (1912-1997) đã viết.
Cho mãi đến 1991 khi sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi rất vui khi biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã từ lâu đi theo con đường mà tôi hằng mơ ước và bước đầu ông đã có “tiếng vang” trong nhạc giới Hoa Kỳ và thế giới. 
Viết nhạc, dù loại ca khúc phổ thông hay nhạc giao hưởng hòa tấu… mà chỉ trên “giấy nhạc” để xem thì cũng “như không”. Phải soạn hòa âm, phối khí và có dàn nhạc trình tấu thì mới gọi là “sinh ra đời một nhạc phẩm”, nếu không được như thế, chỉ là “hoài thai một nhạc khúc” thôi.
Anh Lê Văn Khoa của tôi “cả gan cùng mình” mới thực hiện được ước muốn từ lâu của “hai anh em”.
Năm 2005 khi dĩa nhạc Symphony Việt Nam 1975 do Kyiv Symphony Orchestra & Chorus do Nữ Nhạc Trưởng Alla Kulbaba điều khiển, được phát hành khắp nơi, tôi là một trong những người yêu nhạc Việt được chung vui.
       Qua dĩa nhạc SYMPHONY VIETNAM 1975 này, tôi được nghe bản nhạc cổ của Việt Nam “liu, tồn, liu, sán, u…” mà thân phụ tôi đã hát để ru tôi ngủ lúc tôi còn bé. Thân phụ tôi sử dụng đàn nguyệt rất nhuần nhuyễn mỗi khi các bạn bè của ông đem nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn gáo, đàn nhị…đến nhà tôi hòa tấu cổ nhạc Việt Nam để giải trí.
Bình Bán Vắn được diễn tả hào hứng trong phần mở dầu (Introduction) và xem như “nhản hiệu trình tòa” bảo đảm một trăm phần trăm “nhạc phẩm chính gốc Việt Nam” cho toàn thế giới âm nhạc. 
Ước mơ của Lê Văn Khoa muốn đưa cổ nhạc Việt Nam vào dòng nhạc bác học và hiện đại thế giới đã thành hình với Phương Oanh độc tấu đàn Thập Lục cũng gọi là Đàn Tranh, Kim Đồng độc tấu đàn Ðộc Huyền còn gọi là Đàn Bầu. 
Các nhạc sĩ trình tấu này cũng là con cưng quý giá của Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại vì họ là tinh hoa, sử dụng nhạc cụ dân tộc Việt Nam tuyệt vời.
Những nhạc khúc Bình Bán Vắn, Hát Hội Trăng Rằm, Ru Con (Lý Bốn Mùa, Lý Giao Duyên) rồi kết thúc bằng Ca Ngợi Tự Do do ban hợp xướng Ukraine, đã dưa Symphony Việt Nam 1975 vào chỗ đứng tốt trong âm nhạc hoàn vũ.
Tuy chưa phải là một trong những dàn nhạc đại hòa tấu lớn nhất của thế giới hiện nay, nhưng cũng là một trong những dàn nhạc đại hòa tấu tầm cỡ quốc tế xuất sắc đã từng nhiều lần đi trình diễn nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều lần được chào đón tại Hoa-Kỳ và đã từng trình diễn ở Carnegie Hall (New York).
         Ngoài nhạc symphony nói trên, nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn hội nhập với dòng nhạc giao hưởng Tây Phương hiện đại của thế giới qua các tác phẩm sáng giá như: Joy, Dream, Remembrance, Dream Of My Homeland, Serenade, Lullaby, Memory…
Nghe Joy của anh, tôi tưởng như nghe dòng nhạc thành Vienna của gia đình Strauss ngày nào.
Nghe Memory (sáng tác của Lê Văn Khoa và Ngọc Hà) qua giọng ca Soprano của  Ngọc Hà diễn tả rất hay, rất tình cảm như khi tôi thưởng thức  ca khúc Solvieg’s Song, một nhạc khúc tình cảm buồn của Grieg do dàn nhạc Vienna Symphony Orchestra diễn tấu vậy.
Rồi những tác phẩm viết riêng cho Piano của Lê Văn Khoa do Lydmila Chychuk độc tấu như: The Dragonfly, Evening Breeze, Music In The Air, In The Pond, Cut The Tree To Build A Boat, Elegiac, A Night In VietNam, đã đưa tôi về với điệu dân ca biến cải của cổ nhạc Việt qua nhạc cụ Tây phương.
Còn nữa, cầm thủ Irina Starodub đàn piano với dàn nhạc trong nhạc phẩm Evening,
Romance for Piano and Orchestra, nhiều nhạc phẩm độc tấu Violon, Cello với dàn nhạc, nhiều ca khúc với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng và Ngọc Hà hát Lullaby (Ngủ Đi Em) với Kyiv Symphony và Chorus). 
Nghe Song Of The Black Horse do hai nhạc sĩ song tấu dương cầm rất giống tiếng ngựa phi đường xa rộn ràng như ngày xưa tôi xem phim “cao bồi” phi ngựa đuổi theo “mọi da đỏ” vậy.
The Rice Drum do nhạc sĩ người Ukraina độc tấu bằng đàn Bandura, một nhạc cụ của dân tộc Ukraina mà nghe rất Việt Nam. 
Gần đây nhất, năm 2012 Lê Văn Khoa đã hoàn tất rất tuyệt vời một “việc làm để đời” khi anh soạn hòa âm, phối khí bản “Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa” cho dàn nhạc đặc biệt của phủ Tổng Thống Ukraina “The Ukranian Presidential Orchestra” do nhạc trưởng Serhiy Zilitarev chỉ huy hòa tấu. 
 Anh đã đích thân đến tận nước Ukraina bên Đông Âu để thực hiện việc khó khăn này. Ðây là việc mà không phải công dân nào, nhạc sĩ Việt Nam nào cũng có thể cống hiến cho Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa được.
Anh Lê Văn Khoa ngày nay tuy tuổi đã khá cao nhưng tôi vẫn nhìn anh với nhân dáng một “Sói Con”, năng nổ trong Đoàn Hướng Ðạo Việt Nam mà cách đây mấy mươi năm tôi đã sinh hoạt, ở đầu thập niên 1940’s, với tinh thần “Sắp Sẵn” và lời hứa “mỗi ngày làm ít nhất một việc thiện”. Lê Văn Khoa vẫn giữ được Lời Tuyên Hứa đó. 
Ngoài ra, anh cũng là người rất “khiêm cung” đối với bạn bè đúng như những nguyên tắc cơ bản trong một bài giảng của một vị giáo sư tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đã dạy tôi trong môn học Tương Quan Nhân Sự ngày tôi còn trẻ.
Khi tôi đang ngồi gõ những dòng chữ này vào máy vi tính, dòng tư tưởng của tôi bỗng vọt ra khỏi đề tài tôi đã chọn. “Nó” muốn bắt tôi đi “lạc đề”.
Tôi nghĩ đến những giáo sư người Việt tài năng trước đây từng giảng dạy về các ngành chuyên khoa cho học sinh, sinh viên các trường trung học, đại học trong nước trước biến cố 1975, nay vì hoàn cảnh chính trị, “chính thể tại Việt Nam đổi khác” họ phải sống lưu vong tại hải ngoại. Đó là sự mất mát, thiệt thòi cá nhân nhưng cũng được bù lại nhiều thuận lợi hơn khi tại ngoại quốc có nhiều trường đại học danh tiếng hoặc các trung tâm nghiên cứu giúp họ thuận tiện khi muốn tiếp tục học hỏi, nghiên cứu lên trình độ cao.  Họ đôi lúc lấy làm tiếc là kiến thức của họ bây giờ không giúp gì thêm cho sinh viên tại quê nhà như họ mong muốn.
Những tiến sĩ, giáo sư, bác học, khoa học gia, nhân tài về nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh đang sinh hoạt, giảng dạy tại hải ngoại dù muốn đem kiến thức của mình truyền đạt cho thế hệ đàn em tại quê nhà đang cần học hỏi, thu nhận kiến thức thì “không được phép” của chính quyền độc tài trong nước tiếp nhận.
Một đôi lần tôi có dịp hầu chuyện với những vị thầy cũ của tôi thì được các thầy cho biết: "Dù đang là giáo sư tại đại học danh tiếng tại hải ngoại, hàng ngày đang giảng dạy cho sinh viên đủ màu da, sắc tộc…. nhưng nếu được đứng trước sinh viên tại quê nhà để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức thì họ vẫn sung sướng hơn vì đạt được ước nguyện từ khi bước vào nghề “phấn trắng, bảng đen".
Thầy tôi: Giáo sư Lê Hữu Mục, Học Giả, Nhạc Sĩ, Tiến sĩ Văn Khoa, chuyên khảo Hán Nôm, tuy đã gần tuổi 90, đang nội trú trong nhà nghỉ hưu tại Montreal, Canada, vẫn không quên công việc quen thuộc hàng ngày là lo hoàn tất bộ sách HÁN NÔM và tiếp tục nghiên cứu văn chương, sáng tác ca khúc… cũng ước mong có dịp phổ biến những nghiên cứu của mình cho học giới tại quê nhà. 

Trong một lần nghe phỏng vấn trên đài phát thanh Úc Châu có tiếp vận, nghe nữ phỏng vấn viên Phiến Đan hỏi giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, một nhân vật nổi tiếng của người Việt tại hải ngoại:"Sau nhiều năm dạy học ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước khác, có bao giờ giáo sư nghĩ đến một ngày kia đất nước thanh bình, quê hương của chúng ta không còn bóng cộng sản, giáo sư có thể về lại trường xưa, đứng trên bục gỗ để đem những điều hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ Việt hay không?"
Câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Tiến sĩ Khoa học Hàng Không và Không Gian (Hoa Kỳ), Tiến sĩ Quốc Gia Toán Học (Pháp), cựu Giáo Sư trường Ðại Học Michigan với danh hiệu rất cao quý "Professor Emeritus of Aerospace Engineering", Hội viên Hàn Lâm Viện Hàng Không Không Gian Pháp, Hội viện Hàn Lâm Viện Hàng Không Không Gian Hoa Kỳ, mà người nghe câu trả lời ai cũng cảm động về lòng yêu quốc gia dân tộc của một người con Việt đang sống lưu vong xứ người: “…đó là điều mình tha thiết, ấp ủ từ lâu trong lòng. Nhưng không biết bao giờ thì cảnh thanh bình thực sự đó mới trở lại với quê hương?.”
Tôi nghĩ có lẽ anh Lê Văn Khoa của tôi, trong lĩnh vực nghiên cứu và phổ biến âm nhạc giao hưởng, hoặc các sáng tác ảnh nghệ thuật cũng đã nghĩ tới và chắc anh cũng tiếc là “sinh ra không phùng thời!” và cũng tâm niệm giống như ước vọng của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và nhiều nhân tài khác của người Việt tại hải ngoại.
Tôi được biết tại Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng quốc gia “Vietnam National Symphony Orchestra” đã trình tấu nhạc giao hưởng kể từ 1959 đến nay, đã đi lưu diễn nhiều lần ở vài nước lớn tại Á Châu như Nhật Bản, Trung Hoa.... nhưng có bao nhiêu tác phẩm giao hưởng do nhạc sĩ Việt sáng tác được giới thiệu với nhạc giới thế giới?
Tôi cầu xin ơn trên ban nhiều phúc lành cho Lê Văn Khoa và mong ước những tác phẩm âm nhạc và ảnh nghệ thuật của người Anh quý mến của tôi được giới thưởng ngoạn trên toàn thế giới chú ý và trân quý.
 
©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG (San Jose, USA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét