Lịch sử thành phố San Jose
Cuốn phim có tựa đề là Changing Boundaries (Biên giới đổi thay?) vừa được ra mặt tại San Jose. Trong một thời gian ngắn sẽ có bán qua DVD để quý vị biết về lịch sử của thành phố nhà quê trong thế kỷ vừa qua đã trở thành kinh đó điện tử thế giới. Trong phim này đã có sự góp mặt của các sắc dân tiêu biểu qua sự hiện diện của các chính khách dân cử địa phương. Người Âu, người Á, người Mễ, sắc dân Á châu có cả Nhật Tàu và Việt Nam đều được giới thiệu. Nhà làm phim khi phỏng vấn cô phó thị trường họ Nguyễn đã lấy khung cảnh Việt Museum, xin quý vị đón coi.
Hội Tết của giới trẻ Việt Nam
Năm nay tại San jose sẽ có 3 hội Tết. Hội Tết Fairgrounds và hội Tết Việt Nam Town sẽ tổ chức trước Tết và hội Tết của giới trẻ tổ chức sau Tết ngay tại khu San Jose History Park nơi có Viet Museum. Hội Tết trong History Park tổ chức cuối tháng hai vào ngày thứ bẩy 28 tháng 2 và chủ nhật 1 tháng 3-2015. Quý vị đi hội Tết của giới trẻ sẽ có dịp thăm Việt Museum.
Triển lãm 40 năm tại San Francisco
Trung tâm Việt ngữ Âu Cơ tại Oakland sẽ có cuộc triển lãm ghi dấu 40 năm người Việt tại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên có buổi triển lãm tại thư viện San Francisco từ 8 Jan đến 4 April.
Chương trình văn nghệ giới thiệu tai Koret Auditorium SF Public Main Library trên đường Grove từ 1pm đến 3:30 pm ngày chủ nhật Feb 8, 2015. Việt Museum đã đóng góp một số di vật và tác phẩm quý giá nhất trong cuộc triển lãm kể trên. Liên lạc Âu Cơ 415 828 4754.
Cindy Chavez, Lan Cao, Hoa Sen & Bão Tố
Ngày thứ bẩy 7 tháng 2, 2015 tại Le Petit Trianon Theatre 72 N.Est SJ sẽ có buổi ra mặt tác phẩm Anh ngữ Lotus and the Storm (Hoa sen và bão tố).Bà giám sát viên Santa Clara Chavez đứng ra bảo trợ và tổ chức. Tác giả là cô Lan Cao, con gái của đại tướng Cao Văn Viên, nguyên tư lệnh sư đoàn nhảy dù VNCH. Là vị Tổng tham mưu trưởng cuối cùng. Cô Cao, Lan đã lấy một phần hình ảnh người cha chiến sĩ đưa vào tác phẩm. Liên lạc 408 299 5025
Lễ Giỗ 30 tháng tư 2015 - 40 năm sau
Ngày thứ năm 30 tháng 4-2015 vào buổi chiều tại Viet Museum San Jose sẽ tổ chức ngày lễ giỗ 7 vị anh hùng tuẫn tiết. Lần lượt quý vị đã tự vẫn trong thời gian từ sáng 30 tháng tư đến sáng 1 tháng 5,1975 cách đây 40 năm. Ngày lễ giỗ sẽ tổ chức đúng thời điểm. Đồng thời cũng tưởng niệm tất cả các anh hùng liệt sĩ hy sinh vào những giây phút cuối cùng của cuộc chiến. Đặc biệt có sự hiện diện của tất cả các gia đình 7 vị anh hùng được ban tổ chức mời từ bốn phương về tham dự. Một ngày lễ giỗ và đồng thời cũng là một ngày lịch sử ghi dấu kỷ niệm lần thứ 40. Vào cửa tự do. Ban tổ chức mời quan khách tham dự tiệc trà. Kính mời riêng các gia đình tử sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Các gia đình có thân nhân hy sinh trên đường vượt biên cùng đến tham dự. Đây sẽ là một ngày lễ giỗ ý nghĩa nhất từ 1975 đến nay.Liên lạc Hoàng Mộng Thu.
Nước mắt trước cơn mưa
Năm 1990 giáo sư Larry Engelmann, tại San Jose đã ra mắt tác phẩm Tear before the Rain. Ông đã bỏ ra 3 năm đi khắp thế giới và Việt Nam phỏng vấn và soạn thảo một tác phẩm về những ngày cuối cùng của VNCH. Chúng tôi đã nói chuyện với tác giả và được chấp thuận dịch và xuất bản bằng Việt Ngữ. Cơ quan IRCC đã nhờ sự cộng tác của ông Nguyễn Bá Trạc dịch thuật và lần lượt đăng tác phẩm này hàng tuần trên Thời báo, San Jose do Giao Chỉ giới thiệutrong năm 1994. Qua năm 1995 toàn bộ bản dịch Nước mắt trước cơn mưa hoàn tất và nhà văn Nguyễn Bá Trạc tổ chức ra mặt sách tại San Jose. Năm nay 2015, nhân dịp ghi dấu 40 năm, chúng tôi xin trích đoạn để đăng lại từng phần chọn lọc tác phẩm danh tiếng và đau thương kể trên. Sau đây là phần giới thiệu tiểu sử của ông đại sứ Hoa Kỳ Martin, hiện đã qua đời. Ông Martin được coi là nhân vật chính điều hợp việc ra đi của người Mỹ tại Việt Nam. Xin quý vị đọc trong tài liệu sau đây chính lời của đại sứ Mỹ nói chuyện với tác giả. Lần lượt từ nay cho đến 30 tháng 4-2015 chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả 4 phương các tài liệu rất cần biết cho thế hệ sau cùng hiện tại và thế hệ tương lai vĩnh cửu. Xin liên lạc với chúng tôi giaochi12@gmail.com
Muốn nhận các tài liệu quý giá của IRCC/Viet Museum xin email địa chỉ nhận thư của quý vị về cho chúng tôi. Không cần gửi tiền. Sẽ nhận được bản liệt kê các tài liệu đó chúng tôi phổ biến.
Graham Martin, người Mỹ cuối cùng của 30 tháng tư
Tiểu sử đại sứ Mỹ tại Việt Nam Graham Martin
Ngày 24/6/1973, gần 5 tháng sau khi Hiệp định Paris ký kết, ông Graham Martin tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Martin sinh ra trong một gia đình cha làm nghề thầy tu rửa tội tại các nhà thờ Cơ đốc giáo ở bang North Carolina, được nuôi dạy theo truyền thống nghiêm khắc của gia đình. Tốt nghiệp trường cao đẳngWake Forest, trở thành phóng viên viết cho một số tờ báo nhỏ địa phương. Năm 1947, được tuyển vào ngành ngoại giao, được bổ nhiệm ngay chức tham tán hành chính trong Đại sứ Quán Mỹ ở Paris cho đến năm 1955. Thời kỳ làm việc tại Paris, Martin có điều kiện hiểu về tình hình nước Pháp và Việt Nam, đặc biệt là sau Hiệp định Geneva 1954. Năm 1963, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Thái Lan. Đây chính là thời kỳ Mỹ bắt đầu lún sâu vào cuộc khủng hoảng chiến tranh Việt Nam. Nhiệm kỳ đại sứ ở Bangkok, Martin gặp rất nhiều khó khăn vì phải đấu tranh gay gắt với một phái quân sự trong sứ quán. Tuy nhiên, theo Martin đây là thời gian may mắn nhất trong cuộc đời của ông. Khi đó, ứng cử viên tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến công cán Châu Á ghé thăm Bangkok. Đại sứ Martin đã trải thảm đỏ đón Richard Nixon. Nhờ chuyện này mà sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, Richard Nixon trả ơn Martin rất hậu hĩnh.
Năm 1966, năm thứ 3 trong nhiệm kỳ Đại sứ Mỹ ở Bangkok, Martin mất một người con trai nuôi tên Glen tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Glen là phi công trực thăng bị chết trong một cuộc hành quân ở Tây Nguyên khi máy bay trực thăng của anh ta bị bắn hạ. Martin nhận tin dữ này khi đang cùng vợ dự bữa tiệc do nhà Vua Thái Lan tổ chức. Ông đã cố giữ kín tin buồn với vẻ mặt bình thường đến mức bà Dorothy Martin vợ ông không hay biết gì, vẫn vui vẻ dự tiệc chiêu đãi. Trước đó, người con trai ruột của Martin cũng bị chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Mỹ.
Năm 1967, sau một cuộc cãi nhau với Ngoại trưởng Mỹ Dean Rust, Martin bị cách chức tại Bangkok. Nhưng chỉ một năm sau, người bạn cũ Richard Nixon trúng cử Tổng thống Mỹ đã phục hồi chức vụ cho Martin bổ nhiệm ông làm Đại sứ Mỹ tại Rome. Với quan điểm chống cộng sản, Đại sứ Martin đã tổ chức thành công cuộc đảo chính nghị trường lật đổ chính quyền cánh tả Italy năm 1972. Sau nhiệm kỳ ở Rome, dự định về nghỉ hưu đã mua một trang trại ở Tuscany. Nhưng giữa năm 1972, Henry Kissinger mời Martin làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Martin coi cuộc chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là cuộc chiến tranh về sự khác biệt ý thức hệ mà đặt cuộc chiến này trong cách nhìn thực dụng toàn cầu về sự cân bằng chiến lược giữa các siêu cường. Đại sứ Martin giao nhiệm vụ cho Al Francis, một trong những người tin cậy nhất của ông , chuẩn bị một kế hoạch di tản cho tình huống xấu khẩn cấp. Al Francis, khi đó là tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng, đã chuẩn bị một tài liệu 30 trang về các khả năng lựa chọn di tản. Trong đó quan trọng nhất là di tản bằng đường hàng không thực hiện tại sân bay dưới sự bảo vệ của các đơn vị lính thủy quân lục chiến Mỹ. Bản kế hoạch di tản đã bị sửa đi sửa lại nhiều lần. Sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, Al Francis cho biết, ông ta hoàn toàn không ngờ rằng bản kế hoạch di tản chỉ để dự phòng của mình chẳng bao lâu sau lại được đưa ra áp dụng. Nhưng có điều khác cơ bản với nội dung bản kế hoạch di tản dự thảo là trực thăng Mỹ không chỉ chở người từ sân bay mà là từ nóc tòa nhà làm việc của Đại sứ Martin.
(Trích từ Nguyễn Đại Phượng lược dịch “Decent Interval”)
Đại sứ Martin nói về những ngày cuối tại Việt Nam.
(Trích từ trang 97, bàn dịch tác phẩm Nước mằt trước cơn mưa)
Nếu có một nhân vật biết được ngọn ngành mọi việc mọi trò của những người ở đấy (Sài Gòn, Việt Nam) thì chính là tôi. Nhưng vào giờ phút cuối, có những người khác nữa làm gì, thì chịu, tôi không biết đích xác cho nổi. Một ông đã gây rối cho tôi như thế lại chính là một bạn tốt, mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Erich Von Marbod đến từ bộ Quốc phòng. (Phụ tá thứ trưởng quốc phòng) Ông ta cho không quân Việt Nam bay đi vài chiếc F-5 của họ sang Thái. Việc này trái lệnh tôi. Một mặt, chả quan hệ gì. Nhưng mặt khác, lại vô cùng hệ trọng. Bởi vì tôi đã yêu cầu Kissinger một thời hạn, tôi nói là 2 tuần.
Chúng tôi cố mang đi tất cả các nhà thầu cộng tác quốc phòng mà chúng tôi không thể rõ hết là những người ấy ở những nơi nào. Không thể bỏ họ lại mà đi. Đó là lúc cần đòi hỏi sự chậm rãi, sự thận trọng, cho nên việc Erich Von Marbod thuyết phục tướng Trần văn Minh cho mấy cái phi cơ bay sang Thái là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị dấu diếm, họ không được báo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Để làm họ dịu xuống, người ta phải phục thuốc họ. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam.
Lỗi của tôi, đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước. Đáng lẽ tôi cũng phải tống cỗ cả Polgar đi; hắn không biết trời đất gì. Hắn không xứng đáng điều khiển cơ quan tình báo ở đấy. Hắn muốn chơi trội cùng với gã Malcolm Browne bên tờ Timesvà các ông bạn Hung Gia Lợi của hắn bên Ủy hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến, rồi cả William Colby lẫn Kissinger đều nói lại với tôi việc ấy và tôi đã nói với Polgar rằng nếu anh cứ tiếp tục làm những việc như thế, tôi sẽ cắt 2 cái hòn dái nhét vào mỗi lổ tai của anh một hòn. Jim Kean đã nghe tôi nói với hắn như thế trong cầu thang máy.
Tôi đã không có gì để ân hận nhiều ngoài việc ân hận đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, giết mất vài Thủy quân Lục chiến của chúng ta. Vì vậy, đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Đây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra.
Tôi vào Tân sơn Nhất xem xét sau khi xảy ra vụ pháo kích. Hơn ba mươi năm trước, tôi đã là đại tá không quân, bổ nhiệm từ 1936, nên những chuyện phi cơ, cái gì bay được cái gì không, tôi nắm trong bàn tay. Tôi đã là tư lệnh phó sư đoàn Thái Bình Dương thời đệ nhị thế chiến, kiêm chỉ huy quân báo. Việc gì tôi làm, tôi làm cật lực, tôi nắm vững, tôi biết rõ. Buổi sáng 29/4 hôm ấy ở phi trường Tân sơn Nhất, họ bảo tôi máy bay không đáp xuống được. Chuyện này vô lý. Ra tận đấy quan sát, tôi vẫn thấy chuyện họ nói chả nghĩa lý gì, người ta chỉ cần vác một chiếc xe díp quần ra phi đại ba mươi phút là dọn sạch mọi thứ vụn vặt. Nhưng lúc ấy, quả là bên quân đội Việt Nam bắt đầu rối loạn. Chỉ huy cao cấp đã chạy, Tân sơn Nhất không còn chỉ huy nữa. Trong tình trạng này nếu máy bay đáp xuống là bị tràn ngập bởi đám đông vô kiểm soát. Chúng tôi cần dựa vào quân đội Việt Nam để di tản trong vòng trật tự, và chúng tôi cũng đã hứa với họ phút cuối sẽ bốc họ đi. Nhưng đến giây phút ấy, không còn có sự bảo vệ của họ nữa.
Vì Tân sơn Nhất hết đảm bảo được an ninh cho máy bay có cánh đáp xuống, nhưng khu vực văn phòng tùy viên Quân sự hãy còn hệ thống phòng thủ tốt, chúng tôi bèn cho trực thăng đáp xuống khu vực này thay vì Tân sơn Nhất.
Tôi liên lạc với hạm đội, và với sự khẳng định của Hoa Thịnh Đốn, tôi nói với mọi người, tôi nói với rất nhiều người Việt là: "Chúng tôi không thể đảm bảo di tản tất cả quý vị. Nhưng nếu quý vị có thể dùng thuyền ra khơi, chúng tôi vớt.” Chúng tôi đã cho tàu đậu ngoài khơi ba ngày ròng rã để vớt người đến khi tàu chật ních. Khi sĩ quan chỉ huy cho biết nếu cứ tiếp tục, có thể bị bệnh dịch đe dọa, lúc ấy tôi mới cho tàu đi. Tôi cũng ra lệnh cho 2 máy bay tại căn cứ Clark đáp xuống Vũng Tàu để bốc gia đình lính Thủy quân lục chiến Việt Nam. Đề đốc Geyler phản đối nhưng tôi gạt đi. Hai chiếc máy bay đáp xuống, hoàn tất việc bốc trong vòng mười lăm phút rồi thẳng cánh bay qua Clark. Từ giờ phút ấy, Thủy quân lục chiến thuộc quyền điều động của tôi. Họ phụ trách bảo vệ trong trường hợp chúng tôi cần di tản ra từ bải biển. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không có nhiệm vụ di tản người từ bãi biển ra. Từ nhiều tuần trước ngay việc đáp phi cơ trinh sát xuống, họ cũng không chịu, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm. Đấy, tôi đã phải đối phó công việc với những cách thức như vậy. Còn về câu chuyện cây me, thật là một câu chuyện vô nghĩa. Hạ cái cây xuống cũng là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Cây me này chả mang môt biểu tượng gì. Về chuyện này, mục đích là tôi cố giữ cho Sài Gòn một bộ mặt yên tĩnh, phải tránh mấy chuyện rối loạn đã từng xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang. Ngoài ra, quỷ thần ạ, cần gì phải chặt cái cây ấy để lấy chồ cho trực thăng? Nên tôi bảo” Để cái cây ấy yên đi” Đơn giản thế thôi. Khi cần phải chặt, chỉ mười phút là xong. Cuối cùng mọi sự cũng đã xảy ra y như vậy. Chúng tôi không muốn có một hành vi bộc lộ rằng chúng tôi đang thua chạy, để Sài Gòn phải nháo nhào lên.
Cái cây này tuyệt nhiên không biểu trưng gì cho sự có mặt của người Mỹ. Nhưng về một phương diện, Jim Kean cũng có lý khi nói vậy. Bởi vì nó là cái dấu hiệu vật chất cho thấy chúng ta sắp rời đi, nên tôi phải che đậy. Việc tôi giữ cái cây ấy chẳng có ý nghĩa thâm thúy gì như đó là biểu tượng cam kết của chúng ta cả. Vào những giây phút chót, có nhiều việc không thể làm ngơ. Về những việc này bộ trưởng quốc phòng James Schlesinger đáng phải lãnh điểm xấu. Ông tỏ ra ngu xuẩn, nhiều phần trong con người ông luôn luôn như vậy
Chúng tôi có một gã tên Stuart Herrington làm dưới quyền đại tá Madison. Gã này đang giúp việc xếp người vào trực thăng trong sân tòa Đại sứ. Gã có biết cái gì hơn là xếp người? Nhưng khổ nỗi, gã là thứ mồm loa mép giải, đáng lẽ biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Đằng này ai hỏi gì gã cũng trả lời láo lếu. Vì thế khi các phi công bay vào, họ muốn hỏi tôi còn phải chở bao nhiêu người nữa, gã Herrington mau mồm nói: "Hai ngàn hoặc hai ngàn rưởi nữa.” Ông đề đốc Noel Gayler ở ngoài hạm đội dãy nảy như gái ngồi phải cọc. Chở nhiều quá lỡ xảy ra tai nạn, ai gánh đây? Là người phụ trách công tác, ông ấy bèn áp lực khủng khiếp mà thúc chúng tôi “ Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ xong là đi quách đi, bỏ những người khác lại.” Chuyện này không được. Đây là chuyện mà tôi từ chối. Brent Scowcroft đã hứa với tôi rằng sẽ có năm mươi chuyến trực thăng cho người Việt và Đại hàn mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi đã đếm kỹ lưỡng số người khi kéo họ qua bức tường lọt vào tòa Đại sứ. Nhiều người là những nhân vật trọng yếu, có người là bộ trưởng chính phủ. Tất nhiên chúng tôi không có ý định mang họ vào rồi bỏ họ mà đi! Khốn thay, lời nói của gã Herrington với viên phi công được chuyển tới ông đề đốc, rồi chuyển tới tư lệnh Thái bình Dương, lời nói ấy chuyển vòng đến bộ trưởng quốc phòng Schlesinger ở Ngũ Giác Đài. Các tướng tham mưu thúc hối Schlesinger rằng: “ Hễ cứ hỏi là lúc nào Martin cũng bảo còn 2000 nữa, bất kể đã chở được bao nhiêu. Cứ cái đà này đến phút chót vẫn là 2000!” Trong công tác bê bết máu lửa này dựa trên lời hứa Scowcroft, chúng tôi đã phải thực sự tính toán cẩn thận: Cứ mỗi chuyến chín mươi người. Ông ấy là cố vấn an ninh của tổng thống, không tin ở ông thì tin vào trời đất quỷ thần nào? Thế rồi đột ngột họ gửi điện văn bảo: Chấm dứt. “ Chuyến trực thăng kế tiếp đến, xin ông đi cho!” Tất cà chỉ vì gã Herrington này, và sau đó anh ta lại viết sách và trở nên một đại anh hùng!
Tôi cũng lấy làm phiền về viên chỉ huy an ninh tòa đại sứ, người lãnh trách nhiệm di tản cảnh sát Việt Nam. Tôi đã giữ riêng cho họ hai cái tàu trên sông, nhưng ông ta cứ lằng nhằng muốn đưa họ ra đi sớm. Phía tướng tá Việt Nam báo cho tôi biết: Không có cách gì để duy trì trật tự trong thành phố nếu tôi rút cảnh sát Sài Gòn đi. Vì thế tôi bảo ông ta khoan lại, đợi đến ba giờ trưa hãy đi. Ông ta bực bội chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Nhưng ông ta cũng đợi được đến ba giờ trưa rồi cho cảnh sát lên tàu di tản cùng với gia đình họ. Tôi không có gì để than phiền nhiều về chiến dịch di tản này vì tổng thống và Kissinger đều đứng bên tôi, hỗ trợ tôi cho đến tận giây phút cuối cùng.
Tôi không bảo chiến dịch ấy hoàn hảo, nhưng khi duyệt xét lại, tôi có quyền hỏi: “ Ai có thể làm khác hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt ấy?”
Khi rời tòa đại sứ tôi biết đấy là giây phút lịch sử. Chắc chắn như vậy, nhưng trước đây tôi từng hỏi Hoa thịnh Đốn: “ Chúng ta có sự lựa chọn, trong sự lựa chọn đó cần phải hỏi: Sau tôi, còn những việc gì sẽ xảy ra? Đối phương sẽ lấn chúng ta hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cần phải giữ những lời cam kết của chúng ta!”
Trong lúc trực thăng bay, tôi nghĩ chúng tôi đã rũ bỏ xong. Chúng tôi mang hết người Mỹ ra đi, đó là trách nhiệm chủ yếu của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang được một số lớn người Việt trong khả năng chúng tôi. Đáng lẽ chúng tôi nên mang đi nhiều hơn nữa, chúng tôi đáng lẽ phải mang 400 con người cuối cùng ấy ra đi, nhưng rất tiếc chỉ vì sự lôi thôi đã xảy ra trong lúc rối loạn như thế thôi.
Tôi nghĩ người Mỹ có quyền hãnh diện về chiến dịch di tản. Phần tôi chẳng có gì dính liu đến chuyện phải xin lỗi cả.
Tôi đã nhận lãnh nhiều trách cứ về vụ Việt Nam. Chính vì thế mà rất lâu sau, đợi cho mọi thứ lắng xuống, tôi mới ra Quốc Hội để mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và nhận lỗi của mình, và họ đã làm như thế.
Dẫu sao tôi cũng có nhiều điều thích thú. Tôi không bao giờ lo rằng mình có thể bị giải nhiệm. Nên tôi tính nếu bị sa thải, thì sẽ về ngồi với cái máy chữ mà viết.
Áp lực của nhóm chủ hòa đã áp đặt trên hệ thống giáo dục, mà sự mù quáng của chủ trương “ đừng làm một cái gì có thể gây tranh luận hoặc bị tấn công” Đã có khuynh hướng chế ngự hệ thống giáo dục chúng ta, do đó các nhà xuất bản sách giáo khoa hoặc giả lơ chuyện Việt Nam, hoặc chỉ mô tả sơ sài nhạt nhẽo chẳng giúp ai có thể hiểu sự thực thế nào. Điểu này đáng tức cười, bởi vì về phương diện khác, nó lại là điều tốt. Thỉnh thoảng nói chuyện với sinh viên, tôi nhận ra đa số chẳng những không hiểu biết gì, mà còn cực kỳ ngây thơ về chuyện Việt Nam. Nhưng chính vì thế, họ lại có thể tìm hiểu với một quan điểm hoàn toàn khách quan. Chính vì thế, họ trở thành nhóm người duy nhất tại nước Mỹ có thể nhìn mọi sự với quan điểm khách quan ấy. Nhưng vì vậy , khi thấy được những sự kiện phô bày đầy đủ rõ rệt trước mắt, họ bực tức vì họ đã bị bưng bít, do đã bị từ chối trong việc tìm hiểu và đã chỉ được đọc một phần của cả vấn đề.
Hiển nhiên, sau này các sử gia sẽ đào sâu mở rộng hơn. Có lẽ họ sẽ đối xử rất tử tế với tôi, có lẽ còn hơn cả sự xứng đáng của tôi. Dầu vậy, chúng ta hãy còn biết bao nhiêu chuyện trời đất mà những chuyện ấy vẫn chưa từng được kể hết ra! (Hết trích)
************************
Giao Chỉ nhắn tin.
Lần lượt từ nay cho đến 30 tháng 4-2015 chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả 4 phương các tài liệu rất cần biết cho thế hệ sau cùng hiện tại và thế hệ tương lai vĩnh cửu. Xin liên lạc với chúng tôi giaochi12@gmail.com.
Muốn nhận các tài liệu quý giá của IRCC/Viet Museum xin email địa chỉ nhận thư của quý vị về cho chúng tôi. Không cần gửi tiền. Sẽ nhận được bản liệt kê các tài liệu dó chúng tôi phổ biến (CD, Books, Documents...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét