Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

“Bộ Qui Tắc Ứng Xử” cho người Hà Nội - Thanh Trúc RFA

Inline image 1

Chấp hành nội qui, tôn trọng, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ … là những điểm chính trong bộ khung qui tắc ứng xử  đã được Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội thông qua, hiện đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào thí điểm năm 2015 này.

Đó là bản tin trên VNExpress phát hành trong nước  hôm 7 tháng Giêng với tựa đề  Bộ Qui Tắc Ứng Xử Cho Người Hà Nội, áp dụng cho 6 nhóm đối tượng gồm cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng.
Mỗi nhóm sẽ có những qui tắc riêng, thí dụ nhóm người dân nơi công cộng thì cần phải chấp hành nội qui hay qui định, phải tôn trọng, thân thiện, văn minh , lịch sự, đoàn kết, chia sẻ, bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường.
Với nhóm doanh nghiệp thì cần tôn trọng đạo đức kinh doanh, coi trọng chữ tín, công bằng, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Bản tin của VNEpress cũng nói lãnh đạo ngành văn hóa thủ đô cho rằng Bộ Qui Tắc Ứng Xử không phải văn bản qui phạm nên nói bắt buộc thực   hiện thì không chính xác. Tuy nhiên, các giai đoạn tiếp theo của đề án sẽ đưa ra những chế tài với các hành vi ứng xử không đúng qui tắc, ví dụ vứt rác ra đường, nói tục vân vân…
Nó hơi buồn cười! Chẳng lẽ Hà Nội có qui tắc ứng xử của người Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì có qui tắc ứng xử của thành phố Hồ Chí Minh, rời  Hải Phòng là qui tắc ứng xử của người Hải Phòng, Nghệ An thì có qui tắc ứng xử của người Nghệ An?
Tôi nghĩ người Việt Nam có truyền thống như thế nào tốt thì chúng ta có cách giáo dục để phát huy truyền thống ấy, cái gì không hay thì chúng ta có cách giáo dục để thay đổi. Mỗi  cơ quqn, doanh nghiệp , trường học hay một đại học vân vân…hay là quân đội có qui tắc của quân đội, công an có qui tắc của công an. Đề ra qui tắc riêng cho người Hà Nội rồi các thành  phố khác thì sao?
Đó là ý kiến của giáo sư Văn Như Cương, nguyên hiệu trưởng  trường Lương Thế Vinh:
Đề ra qui tắc ứng xử có vẻ như người Hà Nội hiện nay ứng xử là bát nháo hẳn lên,  không có gì vào khuôn mẫu cả?  Chẳng có việc gì làm thì bịa  ra  chuyện vừa mất thì giờ vừa chẳng ra làm sao, cho nên tôi nói rằng chuyện trời ơi đấy hỡi này rồi chẳng đi đến đâu. Ở Việt Nam chỗ nào càng cấm thì càng nhiều, nơi công cộng thì một lời khuyên là không nên hút thuốc lá thì hút lại càng nhiếu,  dưới biển Cấm Đổ Rác  là đầy một  đống rác, Cấm Họp Chợ đề cái biển to tướng thì ở dưới là họp chợ.  Đấy những chuyện như thế thường không có tác dụng gì mấy.
Dịch giả, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, ông  Đinh Gia Hưng, hiện là giảng viên Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng, tán đồng quan điểm của giáo sư Văn Như Cương. Điều cần thiết, ông nói, là tìm về cái di sản cũng như văn hóa là vốn liếng đã có sẵn:
Không nhất thiết phải làm bộ qui tắc mà phải chăm lo từ cái gốc của giáo dục. Cái di sản của cha ông của văn hiến mình để lại tôi nghĩ nó căn cơ chứ nó không giải quyết trên những Bộ Qui Tắc Ứng Xử có tính cách thời cuộc như vậy, nó không phải là nền tảng của xã hội Việt Nam.
Trong giáo dục học đường, nhà văn Đinh Gia Hưng nói tiếp, đã có những giáo trình về mặt  giáo dục công dân, có những hoạt động ngoại khóa , thể hiện rõ trong sự xuất phát của nhà trường:
Cụ thể là ban giảng huấn,  cán bộ nhà trường, các em học sinh và môi trường hoạt động chung thì nó đã định hình nên cái phẩm chất như vậy rồi. Có nghĩa là mình đã thừa hưởng thành quả giáo dục công dân từ xưa tới nay, vấn đề là  phải thực sự hiểu và thực hành, đó mới là mấu chốt., không phải cần bộ qui tắc nào mới đâu.
Đạo đức xã hội xuống cấp
Đối với giáo sư Phạm Phụ, giảng viên cao cấp những lớp bồi dưỡng và đào tạo hiệu trưởng hiệu phó cho các đại học trong nước, Bộ Qui Tắc Ứng Xử phản ảnh sự lo âu trước vấn đề xuống cấp đạo đức của xã hội. Nêu những thí dụ cụ thể, ông phân tích:
Inline image 2
Một người nghiện đang đi lang thang ở Hà Nội. AFP photo
Đó là vấn để của cả nước chứ không phải chỉ Hà Nội đâu, nhưng ông Hà Nội làm như vậy để hy  vọng là cải thiện chút nào hay chút ấy. Dù sao Hà Nội cũng là thủ đô, có cái truyền thống gọi là người  Tràng An nhưng thật ra bây  giờ xuống cấp lắm rồi. Bây  giờ nhà càng cao lên thì đạo đức càng thấp  xuống. Cách đây bốn năm năm người ta đã nói  như vậy rồi.
Gần  đây, thông qua báo  chí thông qua TV có điều tra là học sinh tiểu học nói dối bao nhiêu phần trăm, lên trung học bao nhiêu phần trăm. Học sinh Cấp Một lên Cấp Hai nói dối nhiều hơn, lên Cấp Ba nói dối nhiều hơn nữa, mà càng lên thì tỷ lệ nói đối nhiều càng lớn. Người lớn nói dối nhiều quá thì các em cũng nói dối nhiều, quá buồn đi chứ. Còn tình trạng là đánh nhau thì mấy em xung quanh đứng nhìn và cổ vũ chứ không can ngăn nữa.
Cách đây hai năm cũng  có một trường tư lớn ở thành phố Hồ Chí Minh ra  qui chế không được bận  áo hở cổ, không được mang dép thế này thế khác … viết thành bảng  dựng trước cổng như cái trò hài hước thôi. Ra qui tắc không ăn thua gì đâu, đó là hình thức đối phó mà tôi nghĩ chẳng cần thiết. Gia đình phải kết hợp với nhà trường thế nào để mà giáo dục con em chứ còn ra bộ qui tắc với người lớn thì còn có ý nghĩa chứ với các em chỉ là cách đối phó thôi. Không xả rác không nói tục là chuyện phải giáo dục thường xuyên trong trường chứ bây giờ còn thêm qui tắc nữa để làm gì?
Anh Nguyễn Trọng Thắng, một doanh nhân trẻ ở Hà Nội, bây giờ mới nghĩ tới Bộ Qui Tắc Ừng Xử cho người Hà Nội thì cũng hơi muộn nhưng mặt khác thì có còn hơn không:
Tại thực ra bây giờ phong thái nó suy đồi quá, trong thời điểm này thì người ta muốn vực dậy cái phong thái của người Hà Nội mà nó mai một nhiều qua rồi.  Bây giờ hình ảnh những người đi ngoài đường, hình ảnh những cơ quan công quyền có thể thấy được thì nó rất là xấu.
Ở Hà Nội bây giờ dân nội thành và dân nguyên gốc Hà Nội  ít, mà không phải ai gốc Hà Nội cũng là người có văn hóa cả. Chẳng hạn đi ngoài đường thì hiện tượng bóp còi xe này, ăn nói xách mé không giúp đỡ người khác này,  nơi công cộng thì hút thuốc lá và khạc nhổ này. Nơi  công quyền thì người làm hành chính hống hách này, tại các cửa khẩu thì những người có chức năng cho mình cái cảm giác họ đang ban phát ơn huệ . Tất cả những hiện tượng như người làm công trình, làm giao thông đều cố gắng gây sự phiền toái cho những người khác. Tất  cả những cái đấy đều ảnh hưởng không tốt đến bộ mặt của thủ đô.
Anh Nguyễn Trọng Thắng còn cho rằng lãnh đạo Hà Nội muốn biến thủ đô làm nơi đầu tầu xứng đáng của nếp sống văn minh họ thường tuyên truyền  năm này qua năm khác:

Inline image 3
Người dân uống cà phê vỉa hè Hà Nội. AFP photo

Chẳng qua muốn vực đậy muốn làm phong trào thì phải bắt nguồn từ nơi nào đây, Chẳng hạn phong trào ngày trước là 141bắt cái đám đua xe đầu xanh đầu đỏ chạy lung tung bát nháo, đánh nhau ngoài đường mà từ khi có phong trào 141 thì chuyện phức tạp Hà Nội tự nhiên giảm hẳn đi. Phải bắt nguồn từ nơi mà người ta cảm thấy có thể chấp nhận được. Nếu  cả nước thì phong trào quá rộng, phạm vi làm và khả năng thì hơi khó. Nếu trong phạm vi nhỏ, nơi kích thích lòng tự hào của người ta thì có thể đạt hiệu quả cao. Hà Nội là nơi có thể đạt kết quả tốt nhất. Đáng ra họ phải tập trung xây dựng hình ảnh của chính những người trong bộ máy công quyền nhà nước trước hết, sau đấy mới  đến người dân.
Anh Nguyễn Văn Thái, bạn trẻ Hà Nội thích du lịch qua nhiều quốc gia trên thế giới bất cứ lúc nào có thể, hiện là nhân viên tiếp thị cho một công ty  lữ hành và quốc tế ở thủ đô, nhìn nhận vấn đề qua hai cách;
Thứ nhất về Bộ Qui Tắc Ứng Xử thì em nghĩ cái này thuộc về nền tảng dân trí, nền tảng văn hóa giáo dục. Kể cả trường hợp ban hành ra mà trong xã hội Việt Nam nói chung là ý thức người dân chấp hành cũng không phải là cao cho lắm. Cho nên  em không nghĩ rằng khi ban hành thì người dân, đặc biệt người Hà Nội, sẽ chấp hành một cách nghiêm ngặt, em không nghĩ rằng ngày một ngày hai sự ứng xử văn minh của người Hà Nội sẽ được cải thiện. Em nghĩ thay đổi văn hóa nó cần một thế hệ chứ không thể ngày một ngày hai. Đó là nhận xét thứ nhất.
Nhận xét thứ hai của bạn Nguyễn Văn Thái là là vấn đề về người Hà Nội. Theo bạn từ xưa đến nay nếu mà gọi người Hà Nội lịch lãm thì cũng chỉ một bộ phận của các tầng lớp Hà Nội thôi chứ thật ra hình ảnh người Hà Nội cũng vô vàn:
Hiện tại dân số Hà Nội vào tầm 5 triệu thì người gốc Hà Nội chỉ khoảng  một phần tư, còn ba phần tư đều là người tứ xứ, cho nên nói rằng ứng xử văn minh của người Hà Nội thì em nghĩ nó hơi bó hẹp quá. Khi mà kinh tế và xã hội của Việt Nam phát triển nhanh , kể cả môi trường ngoại nhập nữa, thì nó phát sinh những tư tưởng những suy nghĩ mới và phát sinh ra những cách ứng xử mới. Ví dụ  cách đây 20 năm rõ ràng toàn xe đạp thì thời điểm đó giao thông không nhiều như bây giờ. Chính vì giao thông nhiều mà dẫn đến ách tắc và người dân không chấp hành ý thức giao thông. Em nghĩ không chỉ ở Hà Nội mà ngay cả những thành phố lớn là cái phong cách ứng xử chưa được văn mình cho lắm nếu so với những nước tư bản trên thế giới. Đấy là lý do vì sao chính phủ Việt Nam ban hành Bộ Qui Tắc Ứng Xử. Tất nhiên đúng là có sự xuống cấp  trong quá trình phát triển cho nên có nhu cầu gọi là “quốc tế hóa” những qui chuẩn về văn minh cả cho những cái đã xuống cấp và cả những cái theo giòng phát triển xã hội nó đã phát sinh ra.
Giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học và Xã Hội ở Hà Nội, cho biết tin Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội thông qua Bộ Qui Tắc Ứng Xử cho người Hà Nội và sắp đưa ra thí điểm năm nay khiến ông ngạc nhiên không ít:
Có thể dùng chữ buồn cười trong trường hợp này cũng được. Không biết là họ có làm thật  hay có mấy cái anh nào đấy anh thiếu việc rồi mát trời anh ra anh làm thì tôi không rõ. Mỗi một lĩnh vực sinh hoạt thì có qui định, qui tắc, qui ước của nó cả rồi. Trên thực tế xã hội vận hành bình thường thì có những qui ước thành văn và những qui ước không thành văn. Chứ còn tự nhiên nhân danh hành chính mà ra những qui tắc ứng xử cho cả dân thành phố thì tính khả thi của nó như thế nào, nếu người ta không chấp hành thì nó ra làm sao?
Thực ra thì  đạo  đức xã hội xuống cấp một cách đáng ngại , chuyện ấy báo chí nói hàng ngày và cũng đáng buồn, đáng phê phán, đáng phẫn nộ. Chỗ nào  cũng có vấn đề nhức nhối cả, nhưng mà phải điều chỉnh bằng cách khác. Xã hội có cơ chế bình thường của nó, không nên nghĩ thêm ra cái gì nữa. Việc dạy đạo đức thì  cứ ở nhà trường hoặc  ở những lĩnh vực hợp lý, còn một cơ quan chính quyền đưa ra  những qui tắc ấy thì không cần thiết mà dẫm chân lên các tổ chức khác.
Không vất rác , không nhổ bậy thuộc  về qui ước nội bộ, còn không nói tục  thuộc về văn hóa và có cái điều chỉnh của nó. Có thể ghi nhận là họ đã thấy thực tế bức xúc và họ muốn có ý kiến thì cũng hoan nghênh tinh thần ấy, nhưng không có nghĩa là nhân danh công quyền mà ra những qui định như thế thì  tác dụng của nó không đi đến đâu. Cách làm như vậy không đúng chức năng, không đúng phạm vi cũng không đúng khả năng  có thể thực hiện được. Làm như thế đúng là người ta nhận thức vị thế của người at nó cũng hơi buồn cười. Chỉ có thể nói đến như thế thôi.
Đó là ý kiến của một số người gồm nhà giáo, chuyên gia xã hội và người dân thường về Bộ Qui Tắc Ứng Xử cho người Hà Nội mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố đang chờ duyệt lần cuối trước khi đưa ra thí điểm trong năm nay.
Cũng trên báo VNEpress hôm 15 tháng Giêng  có bản tin  chính phủ ra nghị uyết ngăn chận sự xuống cấp đạo đức xã hội. Đây là đề tài sẽ được những quan tâm trong nước đào sâu trong mục Đời Sống Nguời  Việt Khắp Nơi kỳ sau.

Video: Qui tắc hành xử cho người Hà Nộihttps://www.youtube.com/watch?x-yt-cl=84503534&v=klh9D6jj2jQ&feature=player_embedded&x-yt-ts=1421914688

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét