Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Tưởng Niệm ông Phạm Văn Tươi tức Nhà báo Tú Xe

TƯỞNG NIỆM THÂN PHỤ CA SĨ MARY LINH TỨC Ô. PHẠM VĂN TƯƠI - NHÀ BÁO TÚ XE (TỦ SÁCH HỌC LÀM NGƯỜI) 30 NĂM VỀ CÕI XA
Ảnh Ông Phạm Văn Tươi lúc vừa sang Mỹ định cư
Ảnh Ông Phạm Văn Tươi lúc vừa sang Mỹ định cư

     Trong một buổi trò chuyện về câu chuyện sách báo ngày xưa ở Saigon, ký giả Trọng Minh tiết lộ với người viết thân phụ nữ ca sĩ Mary Linh là Ông Phạm Văn Tươi, nhà xuất bản Tủ Sách Học Làm Người. Điều này, khiến tôi càng thêm nóng lòng muốn liên lạc ngay với người ca sĩ có biệt danh “Tiếng Hát Sầu Đông” vì chị Mary Linh từng hát bài này của Khánh Băng thật hay. Từ Cali gọi sang Houston thăm chị, hỏi về chuyện người bố nổi tiếng từng là chủ nhà xuất bản nhiều cuốn sách giáo dục thật bổ ích, chị xác nhận là có thật. Không những thế, tôi còn khám phá một điều, Ông cụ thương cậu con trưởng nam là Phạm Cao Tùng mới sinh được vài tuổi, đã lấy tên con làm biệt hiệu khi viết sách. Năm 1978 khi còn ở lại Saigon, tôi có người bạn thân tên T.A, cô quen với anh Tùng, vì vậy có đôi lần tôi và T.A ghé lên tiệm may Adam của anh Tùng ở Quận 1 Sàigòn thăm hỏi nhau. Cuối năm 1979 tôi vượt biển sang Mỹ nghe tin Anh Tùng và T.A lấy nhau rồi sang Pháp, tôi rất mừng và mong sao có ngày gặp lại 2 người bạn này.
     Trở lại chuyện Ông Phạm Văn Tươi và tủ sách Học Làm Người thì Ông bà có tất cả 4 người con: Trưởng nữ Angela Phạm Trương, thứ nữ Phạm Thục Nữ, trưởng nam Phạm Cao Tùng, thứ nam Phạm Bạt Hổ.. Theo lời anh Phạm Cao Tùng, trưởng nam nhà họ Phạm cho biết: “Nhà văn, nhà báo Phạm Văn Tươi chủ trương giáo dục thế hệ trẻ bằng sức khỏe (Bắp Thịt Trước Đã) và đời sống tinh thần bằng những cuốn sáng Học Làm Người. Hơn thế nữa, Ông đã phổ biến văn chương bình dân như Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc.. bằng những cuốn sách bỏ túi. Ông ấn hành được 54 ấn phẩm giáo dục mãi đến năm 1956, công việc xuất bản mới ngừng hoạt động”. Sau khi ngừng xuất bản sách, Ông chuyển sang làm báo, đầu tiên phát hành tờ báo Mới,sau về làm tờ báo hàng ngày Hôm Nay với biệt danh Tú Xe chuyên châm biếm, phê bình thời sự cũng như về chính trị của các đảng phái. Sách của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi và cả tuần báo Mới nữa cũng tương đối ít lỗi, nhờ in ở nhà in Maurice. Ông Giám đốc nhà in này là học giả Lê Thọ Xuân. Ông đích thân sửa ấn cảo, làm việc rất chu đáo, thường sửa lỗi giùm cho tác giả. Theo lời ca sĩ Mary Linh, tên Tú Xe là nói lái từ chữ tiếng Pháp “C’est tout”.  Tuy nhiên, chủ trương của Ông lại đơn thân và tự phát nên không được nghe theo, cuối cùng dân tộc VN phải gánh chịu cảnh tương tàn trong bao nhiêu năm khói lửa.
     Ông Phạm Văn Tươi, có tên thánh là Joane Baotixita, sinh năm 1917 và lìa trần lúc 1 giờ sáng ngày 23 tháng 3 năm 1984. Ông được an táng tại nghĩa trang Hội Tobia Houston TX ngày 26 tháng 3 năm 1984 dưới quyền chủ lễ của linh mục Vincent Nguyễn Hữu Dụ và Linh Mục Abraham Hồ Sỹ Thuyên. Ông qua đời với nhiều hoài vọng chưa được thực hiện hết. Tinh thần giáo dục và hiến thân cho thế hệ trẻ vẫn còn mãi trong ước mơ của Ông.
     Theo một tài liệu ghi nhận: “Chắc chúng ta nhiều người biết về Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi với loại sách "học làm người" .Người đứng đầu nhà xuất bản này là học giả Phạm Cao Tùng .Ông đã có một số tác phẩm dịch và viết về thể loại này như :
1.Người lịch sự.
2.Tôi có thể nói thẳng với anh
3.Làm nên .
4.16 định lý về doanh nghiệp .
5.Biết người.
6.Con đường hạnh phúc.
7.Nghệ thuật bán hàng.
8.Bắp thịt trước đã.
9.Lập thân với hai bàn tay trắng.
10. Muốn nên người.
"How To Win Friends And Influence People -1936" của nhà văn và cũng là diễn giả Dale Carnegie do Simon & Schuster xuất bản tính đến nay đã 77 năm, nhưng vẫn được xem là "túi khôn" của nhân loại, và là một trong số những quyển sách nổi tiếng nhất thế giới được tờ New York Times bình chọn suốt 10 năm. Ngay khi vừa ra đời, chỉ trong vòng vài tháng "HowTo Win Friends And Influence People" đã tái bản 17 lần, được dịch sang hầu như tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới. Tại Việt Nam tác phẩm này dohọc giả Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch thành "Đắc Nhân Tâm," nhà xuất bản Phạm Văn Tươi ấn hành năm 1951, cũng được tái bản nhiều lần và là quyển sách gối đầu giường của nhiều thế hệ”.
    Nói thêm về Tủ Sách Học Làm Người, thì nhà báo Trà Giang có lần đã viết: “Có thể nhiều người sẽ phản đối “Làm gì có dòng văn học Học làm người?”. Tuy nhiên, cách đây 20 năm (1994), chính học giả Hoàng Xuân Việt đã định danh rằng: “Nếu từ trước chúng ta đã có những dòng văn học: Bình dân, Hán-Nôm, Quốc ngữ, Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí, Tự Lực văn đoàn thì thiết tưởng dòng văn họcHọc làm người tự nó đã được khẳng định. Bởi vì một dòng văn học muốn tự khẳng định phải gồm có nội dung tư tưởng xuất sắc, hình thức diễn tả độc đáo… Loại sáchHọc làm người đã bàng bạc từ thời xa xưa, điển hình qua ngòi bút của thiền sư Vạn Hạnh, văn hào Nguyễn Trãi, bác học Trương Vĩnh Ký, nhà luân lý Trần Lục… Rồi được hệ thống thành quy mô trong tủ sách Học làm người, được khai sáng bởi ông Phạm Văn Tươi từ năm 1950. Qua nửa thế kỷ sàng lọc, sách Học Làm Người đã có khoảng 360 tác phẩm, trong số đó tủ sách Phạm Văn Tươi đã chiếm 54 ấn phẩm. Ông Phạm Văn Tươi là người mở đầu việc viết và xuất bản loại sách Học làm người ở Sài Gòn từ đầu những năm 1950. Thế hệ các tác gia kế tiếp hòa vào dòng chảy này là các học giả Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê và nhất là Hoàng Xuân Việt”.
      Riêng về trường hợp nhà văn Nguyễn Hiến Lê, Ông có khoảng 100 tác phẩm được phát hành trước 1975. Mặc dù đã quá cố tròn 30 năm nhưng ảnh hưởng của Ông còn khá lớn lao. Để biết thêm sự biết ơn của nhà văn Nguyễn Hiến Lê dành cho Ông Phạm Văn Tươi và Tủ Sách Học Làm Người thế nào, xin đọc đoạn viết sau đây của Hoàng Anh Tuấn (BBC).
“Nhưng con số tác phẩm chỉ là một khía cạnh của Nguyễn Hiến Lê. Một khía cạnh khác là cụ viết rất nhiều thể loại: ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, địa lý, giáo dục, du ký, tiểu sử, và sách “học làm người”. Đối với chúng ta, hậu duệ của cụ lớn lên trong văn hóa nặng chuyên môn, điều này nghe khá đặc biệt. Nhưng nó không lạ lùng với thế hệ trí thức của cụ Lê.
    Họ là thế hệ trưởng thành trong hai thập niên cuối thời thuộc địa, cũng chuyên môn nhưng rộng rãi hơn về đọc, viết, và suy tưởng. Họ lớn lên và hấp thụ không khí văn hóa thành thị sôi nổi như nhóm Tự Lực Văn Đoàn và báo Phụ Nữ Tân Văn trong thập niên ba mươi, hay các nhóm Thanh Nghị, Tri Tân, và Hàn Thuyên trong thập niên bốn mươi. Đây là thời điểm rất nhiều bàn cãi và tranh luận trong nhiều lãnh vực về đường hướng và tương lai Việt Nam. Bầu không khí có nhiều lúc gây cấn, nhưng không eo hẹp hạn chế, mà ngược lại mở mang nhãn quan về xã hội, cá nhân, và đời sống hiện đại.
    Rồi họ viết báo in sách trong những năm cuối thập niên bốn mươi và đầu thập niên năm mươi. Thời điểm này nổi bật nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp và hình thành hai chế độ Nam Bắc: quân sự và chính trị. Còn văn học, nghệ thuật, và văn hóa thường bị đặt phía dưới. Nhưng thời điểm này có một số người làm văn hóa, nhất là tại Sài Gòn, bắt đầu gây dựng sinh lực mới về văn hóa và xã hội, tiếp nối phát triển của văn hóa tiền chiến.
     Họ là những người đã có tiếng tại Hà Nội nhưng vào Nam trong thời kỳ 1945-1954 như Nguyễn Vỹ và Lê Văn Siêu. Họ cũng là người gốc miền Nam và luôn sống trong Nam như Nguyễn Duy Cần và Phạm Văn Tươi. Hòa hợp Nam Bắc thời kỳ này rất ư quan trọng và làm đường cho phát triển văn hóa miền Nam sau 1954.
     Về Nguyễn Hiến Lê, thời điểm này quan trọng vì cụ gặp được Ngô Trọng Hiếu và Phạm Văn Tươi. Cụ Hiếu, một nhân vật chính trị trong chính quyền VNCH sau này, trợ giúp tiền bạc in quyển sách đầu tay của cụ Lê tại Long Xuyên. Rồi quyển sách dẫn tác giả đến cụ Tươi trên Sài Gòn. Dưới sự điều khiển của cụ Tươi, một loạt sách nhãn hiệu “học làm người” được phát hành qua những tay viết khá mới mẻ, nhất là Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, và Phạm Cao Tùng. (Phạm Cao Tùng không phải ai xa lạ, mà là bút danh của Ông Phạm Văn Tươi.) Mặc dù cụ Lê chỉ hợp tác với nhà xuất bản Phạm Văn Tươi vài năm, cụ luôn ngưỡng mộ và mang ơn sự chăm chút của cụ Tươi, một người tiên phong mở mang văn hóa miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp thuộc địa qua độc lập”.
    Nhờ nhiều lần du học sang Pháp từ những năm 1942 đến 1956, Ông Phạm Văn Tươi nhiều lần có dịp truyền bá thể dục thẩm mỹ từ Bắc ra Nam hoặc áp dụng nghệ thuật cắt may âu phục từ ngoại quốc đem về quê nhà nên 2 cửa tiệm may đồ của gia đình Ông, tiệm may Adam và Jan rất đông khách và nổi tiếng. Ông còn nghiên cứu bài Tarot và rất nổi tiếng ở Saigon. Một trong những bài thơ Ông viết mà Ông thích thích nhất, đó là bài Nếu Mai Kia Tôi Có Chết, xin được trích đăng thay cho lời kết bài này.
Nếu mai kia tôi có chết
Xin đừng ai nhỏ lệ tiếc thương
Tất cả những ân huệ đời ban tôi đã hưởng
Chớ đặt tôi nằm yên nơi lòng đất
Hãy dựng tôi lên! Dựng tôi lên
Để còn phụ tát bể đau thương
Nếu.. một mai tôi có chết
Yêu thương suốt đời tôi nguyện sống
Chẳng dám hờn ai, chẳng hận ai
Bạn tiễn đưa? Xin chỉ tặng cánh hồng
Để tôi còn tạ tặng những người trong mộ.. (Tú Xe)
     Ba mươi năm đã trôi qua. Biết rằng không có gì tồn tại mãi với thời gian, nhưng cũng không thể nào dễ dàng lấy đi những kỷ niệm đẹp mà nhiều người từng in dấu trong ký ức của họ. Với tôi và một số bằng hữu, tủ sách Học Làm Người với những cuốn Đắc Nhân Tâm, Người Lịch Sự.. mãi mãi là chiếc gối êm đầu giường mỗi khi nằm xuống nghĩ về thời thơ ấu của đời mình.. Xin cám ơn Ông đã cho tôi sống lại những phút giây tuổi thơ tươi đẹp đó.. Xin được thắp nén nhang tưởng nhớ đến Người, 30 năm Ông rời cõi này về một phương trời xa thăm thẳm.
Ông Phạm Văn Tươi lúc 32 tuổi (chụp năm 1949) chụp cùng với vợ.
Ông Phạm Văn Tươi lúc 32 tuổi (chụp năm 1949) chụp cùng với vợ.

Nhà ông Phạm Văn Tươi ngày Tết, Xuân 1964. Từ trái sang phải: Phạm Bạt Hổ (con út), Mary Linh, vợ chồng Angela Phạm Trương (trưởng nữ) và Ông Bà Phạm Văn Tươi
Nhà ông Phạm Văn Tươi ngày Tết, Xuân 1964. Từ trái sang phải: Phạm Bạt Hổ (con út), Mary Linh, vợ chồng Angela Phạm Trương (trưởng nữ) và Ông Bà Phạm Văn Tươi

Từ phải sang trái: Ông Phạm Văn Tươi, Mary Linh và chồng, phía sau người áo trắng là Phạm Bạt Hổ, cạnh là Phạm Cao Tùng cùng gia đình. Thân mẫu của Ông Phạm Văn Tươi ngồi phía trước. Ảnh chụp Xuân 68
Từ phải sang trái: Ông Phạm Văn Tươi, Mary Linh và chồng, phía sau người áo trắng là Phạm Bạt Hổ, cạnh là Phạm Cao Tùng cùng gia đình. Thân mẫu của Ông Phạm Văn Tươi ngồi phía trước. Ảnh chụp Xuân 68

Đám cưới Mary Linh năm 1968. Trong ảnh có chị lớn Angela Phạm Trương, có cô dâu Mary Linh và chú rể, và ông bà Phạm Văn Tươi
Đám cưới Mary Linh năm 1968. Trong ảnh có chị lớn Angela Phạm Trương, có cô dâu Mary Linh và chú rể, và ông bà Phạm Văn Tươi

Ảnh chụp ngày Tết 1969 tại nhà Ông Phạm Văn Tươi. Từ trái sang: Phạm Cao Tùng, vợ chồng mary Linh, Ông bà Phạm Văn Tươi và phía trước là thân mẫu Ông Phạm Văn Tươi
Ảnh chụp ngày Tết 1969 tại nhà Ông Phạm Văn Tươi. Từ trái sang: Phạm Cao Tùng, vợ chồng mary Linh, Ông bà Phạm Văn Tươi và phía trước là thân mẫu Ông Phạm Văn Tươi


Những cuốn sách được in từ Nhà Xuất Bản Phạm Văn Tươi (Học Làm Người)Những cuốn sách được in từ Nhà Xuất Bản Phạm Văn Tươi (Học Làm Người)altaltaltaltalt
Trích Sinh hoạt báo Viet Tide

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét