Cộng sản lúc đó là giấc mơ thế giới đại đồng, chống cảnh người bóc lột người, xoá bỏ quyền tư hữu, không còn khoảng cách giàu nghèo. Với chiêu bài đẹp đẽ và lý tưởng như thế, cộng sản đã chinh phục một nửa dân số thế giới và ba phần tư diện tích địa cầu. Nhưng con số các nạn nhân của cộng sản còn đông đảo và khốc liệt hơn cả thời kỳ chiến tranh.
Chống độc tài Giải phóng nô lệ
Các nhà độc tài như Stalin va Mao trạch Đông đã tiêu diệt chính nhân dân của họ tàn khốc còn hơn cả độc tài phát xít Đức hay quân phiệt Nhật đối xử với kẻ thù. Cuộc chiến đấu cho nhân quyền trong chính các quốc gia cộng sản và phần còn lại của thế giới tự do đã khởi đầu ngay từ năm 1950 kéo dài suốt nửa sau của thế kỷ thứ 20.
Việt Nam và nhân quyền
Trong giai đoạn đau thương đó, Việt Nam là nạn nhân của một cuộc chiến tranh kéo dài tràn ngập máu xương. Nhân danh cuộc chiến dành độc lập và thống nhất đất nước, cộng sản Việt Nam hoàn toàn không đếm xỉa đến nhân quyền, tự do dân chủ. Với chủ trương độc tài triệt để, Việt cộng đã chiến thắng vào tháng 4-1975. Phe quốc gia miền Nam và đồng minh Hoa Kỳ đã thua trong cuộc chiến lâu dài nhất, tốn kém nhất và tệ hại nhất sau thế chiến. Và lịch sử ghi nhận đây là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ đầu tiên kể từ khi tuyên ngôn nhân quyền ra đời.
Vào tháng 12 năm 1981 ngay tại San Jose cộng đồng người Việt tổ chức họp mặt để tuyên dương bản quốc tế nhân quyền, cá nhân chúng tôi đã viết bài dành cho chủ đề mà thế giới đã hãnh diện ban hành để xác định quyền làm người.
Trong bài viết này chúng tôi có đề cập đến hoàn cảnh hết sức đau thương của dân Việt thời kỳ 75-80, giai đoạn tối tăm khốn nạn nhất của đất nước sau khi cộng sản chiến thắng. Cũng chính vào giai đoạn đó, với thành tích phản bội hoàn toàn bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cộng sản Hà Nội đã được thế giới đón chào gia nhập Liên Hiệp Quốc như 1 thành viên anh hùng.
Để kết luận bài viết cá nhân, chúng tôi phản ánh suy tư của anh chị em hải ngoại thời kỳ đó, còn quan tâm đến đất nước, chúng tôi nghĩ rằng con đường trở về phải là con đường chiến đấu võ trang.
Đó là lý do bên ngoài từ Âu châu, Úc châu và Mỹ châu đồng bào đã hô hào ủng hộ cho các chiến sĩ phục quốc tìm đường trở lại quê nhà. Sau 30 tháng tư 1975, những người di tản tỵ nạn cộng sản từ 75 đến 80 đều nghĩ rằng muốn phục quốc phải dùng võ lực.
Đường về nước phải trở lại Đông Nam Á. Từ Âu châu Trần Văn Bá trở về cũng không quân Mai văn Hạnh. Xâm nhập Cà Mâu và thất bại. Võ Đại Tôn từ Úc châu trở về Hạ Lào và bị bắt. Tướng hải quân Hoàng Cơ Minh từ Hoa Kỳ trên đường về cũng hy sinh tại Hạ Lào. Qua thập niên 90 hải ngoại thay đổi đường lối tranh đấu. Đấu tranh chính trị, văn hóa và dùng cả văn nghệ.
Trải qua kinh nghiệm các cuộc cách mạng chống Cộng tại Âu châu, một quan niệm mới được ghi nhận. Hải ngoại yểm trợ cho trong nước đấu tranh. Tại Nga sô và Đông Âu, chính những người cộng sản đứng lên lật đổ cộng sản. Những người Nga tự do, Ba lan tự do, Hung gia Lợi tự do đều sẵn sàng yểm trợ cho chính những người cộng sản nổi lên chống chính quyền cộng sản. Kết quả chính tổng thư ký lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản Nga phá tan đảng cộng sản Sô Viết.
Bây giờ đến lượt Việt Nam Tự do cũng yểm trợ cho người cộng sản và dân chúng trong nước đứng lên chống nhà nước cộng sản. Mới đây Dân Sinh Media có phỏng vấn 1 kháng chiến quân hiện cư ngụ tại Canada. Anh là thuyền nhân tỵ nạn đã có giấy tờ vào Mỹ nhưng quyết định ở lại Thái Lan, gia nhập kháng chiến quân Trần văn Bá kết nạp đoàn viên từ các trại tỵ nạn. Anh được giao cho nhiệm vụ đi mở đường cùng 7 anh em trong toán tiền sát. Lọt vào miền Cà Mâu rồi qua lại Thái Lan báo cáo. Tiếp theo chuyến trở về chính thức mới bị bắt toàn bộ anh em. Ra tòa lãnh án ở tù và sau cùng lại thoát ra để định cư tại Canada.
Phải nói chuyện với anh em mới biết được tâm tư và hoàn cảnh của kháng chiến quân thời kỳ đó. Các anh đã tìm đường gai góc mà đi với tâm tư nặng lòng yêu nước và khí phách phi thường. Đi theo con đường giải phóng quê hương, nhưng cũng chính là 1 phương cách chiến đấu cho nhân quyền tại quê nhà.
Cuộc chiến ngày nay
Đã 40 năm sau khi miền Nam thất thủ, đã 66 năm từ khi tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời, cuối năm 2014 chúng tôi gặp lại đề tài nhân quyền tại San Jose. Tổ chức mang danh Mạng lưới nhân quyền Việt Nam họp mặt và trao giải cho các chiến sĩ được tuyên dương.
Trong 1 buổi lễ trang trọng với 200 người tham dự. Một cộng đoàn tôn giáo và 2 cá nhân được nhận chung số hiện kim là 10 ngàn. Tất cả đều còn ở trong nước. Số tiền có thể là còn khiêm nhường, nhưng ý nghĩa lớn lao. Cuộc đấu tranh đã được biết đến. Năm 1981 khi tổ chức biểu tình nhân quyền tại San Francisco lần đầu tiên, tôi không thể ngờ rằng ngày nay đã có các chiến sĩ nhân quyền ở trong và ngoài ngục tù tại Việt Nam. Cuộc tranh đấu, xuống đường, vào tù, ra khám được công khai trên màn trời tin tức toàn thế giới.
Cầu nguyện cho Nhân Quyền
Trong buổi phát giải của mạng lưới nhân quyền tại San Jose vào tháng 12 năm 2014 lại có cả các cá nhân từng được tuyên dương nhiều năm trước hiện diện. Quý vị này, trong các hoàn cảnh đặc biệt đã được can thiệp trả tự do và hiện diện tại Hoa Kỳ.
Trong dư luận của anh em ta tại hải ngoại vẫn có 1 số quyết liệt nghi ngờ, chống đối và có 1 số khác đặt kỳ vọng quá nhiều.
Một phóng viên báo Mỹ hỏi tôi qua chuyện bên lề. Chúng tôi trả lời rằng các nhà đấu tranh cho tự do nhân quyền tại Việt Nam hiện nay dù xuất thân trong hàng ngũ cộng sản cũng đều là chiến sĩ thực sự. Có thể hoàn cảnh và lý do hành động khác nhau nhưng hoàn toàn không phải là dối trá. Suốt bao năm qua, Cộng sản chủ trương và đầu độc toàn dân sống trong nghi ngờ.
Chúng ta không nên để nọc độc của sự nghi ngờ làm hư hỏng niềm tin vào sự trong sáng của tinh thần đấu tranh. Tuy nhiên, sự chống đối nghi ngờ của anh em hải ngoại cũng nằm trong quyền tự do ngôn luận. Trong thế giới cộng sản, nghi ngờ là thanh toán tù đầy. Qua thế giới tự do, ai cũng có quyền bầy tỏ sự ngờ vực. Với các bạn tù đày cộng sản qua được xứ tự do, các ý kiến nghi ngờ hay đánh phá cũng chỉ là những thử thách mà anh chị em phải vượt qua. Lịch sử cuộc chiến quốc cộng Việt Nam đẫm máu tương tàn. Không thể dễ dàng rũ bỏ hận thù trong lòng tất cả mọi người. Thái độ ứng xử của các nhân vật đã từng đấu tranh trong tù đày cộng sản nay qua đất tự do, khi gặp gỡ các giới chức Hoa Kỳ, khi tiếp xúc cộng đồng người Việt dù công khai ngoài công luận hay giới hạn giữa các thân hữu, thẩy đều phản ánh bản lãnh và khả năng của con người. Hãy đóng trọn vai trò của 1 chiến sĩ nhân quyền.
Cá nhân chúng tôi, không nghi ngờ quý vị và cũng không kỳ vọng ở các bạn quá nhiều. Với tư cách là 1 người làm công việc xã hội, đã đón biết bao nhiêu thuyền nhân, HO, đoàn tụ, con lai,... tôi nghĩ rằng các chiến nhân quyền từ Việt Nam qua đây, các bạn đã làm tròn nhiệm vụ. Đã trải qua đủ đau thương, tù đầy, bất công, vất vả, hiểu lầm.
Còn sống được đến ngày nay rất cần thời gian lắng đọng để tìm hiểu cộng đồng Việt tại hải ngoại.
Cuộc sống ở đất nước này là phải trở lại với các nhu cầu rất thực tế thường lệ. Phương tiện chuyển vận, công ăn việc làm, anh ngữ, housing, welfare, cell phone liên lạc, máy điện toán để tiếp tục tìm hiểu về thế giới cũng như về quê hương bỏ lại.
Nếu đồng hương hải ngoại chúng ta, mỗi ngày đều phải có nhu cầu thường lệ phải giải quyết để sinh tồn thì không nên đòi hỏi người khác tiếp tục đội đá vá trời. Sau khi họp hành gieo tiếng ác, tạo nghi ngờ, tra vấn, đặt vấn đề hay chỉ dạy phương thức đấu tranh, giao trách nhiệm lớn lao vào tay người mới đến, thẩy đều không thực tế. Một vài ông bạn của chúng ta đã từng nói rằng. Mỹ đưa qua thì Mỹ phải nuôi. Hơn một triệu đồng hương Việt Nam sau gần 40 năm tại Hoa Kỳ, ngày nay đã hiểu rõ là không phải như thế. Đã qua đất này thì dù bạn được bộ ngoại giao, hay tòa đại sứ đưa qua thì chuyện cơm áo đường dài vẫn là vấn nạn muôn đời của công dân thế giới tự do.
Nhà hiền triết thời xưa đã nói rằng "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân." Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người ta.
Đặt câu hỏi: "Sao không ở lại trong nước mà tranh đấu?"
Hay thách đố: "Sao không về nước mà đấu tranh?"
Những ngôn ngữ lạ lùng như thế không phải là văn chương của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Trong bài Kinh nhân văn của thế giới không có sự nghi ngờ, không có vấn đề chụp mũ, không có bút chiến tàn nhẫn kéo tư tưởng của con người xuống hàng súc vật.
Nhân ngày quốc tế nhân quyền tháng 12-2014 tôi xin gửi lời ca ngợi Mạng lưới nhân quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ. Quý vị đã bền bỉ đi con đường chính nghĩa trên 10 năm qua. Đem lại ánh sáng lương tri khích lệ cho các chiến sĩ nhân quyền tại Việt Nam. Khởi đi từ 2002, tổ chức 13 năm trên khắp thế giới vào dịp sinh nhật của bản tuyên ngôn nhân quyền. Công việc của quý vị thắp lửa cho lương tâm chúng tôi, đem ánh sáng vào hầm tối giam giữ các bạn tù chính trị tại Việt Nam, giữ niềm hy vọng cho tương lai dân tộc.
Chủ nghĩa cộng sản thực sự đã tàn lụi tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nhưng di sản của Mác Lê để lại là các chế độ độc tài, độc đảng mang danh xã hội chủ nghĩa với hình dáng dân chủ giả hiệu nhưng thực sự là Maifia cầm quyền . Trước sau những chính quyền như thế sẽ bị đào thải nhưng không phải bằng bạo lực.
Từ trăm năm trước Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo với các tư tưởng bất hủ: "Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn." . Cộng sản Việt Nam đã từng đề cao một khẩu hiệu hết sức sai lầm: Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Phần chúng tôi xin thưa rằng: Chống Cộng không phải là chống cả quê hương.
Giao Chỉ, San Jose.
Phần Tài Liệu: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam mở ra Giải Nhân Quyền từ năm 2002 “nhằm tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam, còn nhằm bày tỏ sự liên đới của người Việt khắp nơi đối với những cá nhân và đoàn thể đã và đang dấn thân bảo vệ quyền làm người của người dân Việt Nam.” Tổ chức đã tuyên dương những nhà tranh đấu hàng đầu cho nhân quyền tại VN như sau:
2002: HT Thích Quảng Độ và LM Nguyễn Văn Lý.
2003: Quý Ông Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn và BS Phạm Hồng Sơn.
2004: Ông Phạm Quế Dương và BS Nguyễn Đan Quế.
2005: Cụ Lê Quang Liêm, LM Phan Văn Lợi và Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ.
2006: Quý Ông Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết.
2007: GS Hoàng Minh Chính, LS Lê Thị Công Nhân và LS Nguyễn Văn Đài.
2008: Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Bán Nguyện San Tự Do Ngôn Luận.
2009: Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và Mục Sư Nguyễn Công Chính.
2010: Ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động công đoàn Đoàn Huy Chương.
2011: TS Cù Huy Hà Vũ và nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh.
2012: Cô Phạm Thanh Nghiên, nhà báo Tạ Phong Tần và cô Huỳnh Thục Vy.
2013: LS Lê Quốc Quân, Ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (tổ chức ngày 8-12-2013 tại Paris).
2014: tức là lần thứ 13 Giải Nhân Quyền Việt Nam và kết quả được Ban Tổ Chức công bố như sau:
1. Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam - 2. Nhà tranh đấu Nhân Quyền LS. Nguyễn Bắc Truyển - 3. Hai nhạc sĩ Việt Khang và 4. Trần Vũ Anh Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét