Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

PUTIN TÔ TẦN NƯỚC NGA - tka23 post

Tô Tần ngày nay
 
    Ngày xưa đi làm công tác như Tô Tần hay Trương Nghi, các nhà ngoại giao được vua ban cho vàng bạc châu báu, và cấp xe đưa ngựa đón. Ngày nay, các nhà ngoại giao “thời a còng” đi máy bay, xuống phi trường được trải thảm đỏ, tiếp đón một cách trọng thể. Có thể là đồng chí gặp đồng minh, có khi đôi bên bằng mặt nhưng không bằng lòng, nhưng luôn luôn các nhà lãnh đạo cấp quốc gia vẫn mặc áo thụng vái nhau, và sử dụng thứ ngôn ngữ lịch lãm với nhau – kể cả khi bất đồng về chính sách.
 
Bay từ Mạc Tư Khoa tới Brisbane để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 về thị trường tài chính và kinh tế thế giới, tổng thống Vladimir Putin của Nga đinh ninh rằng tất cả những gì ông đang làm tại Ukraine từ tháng 2/2014 đến nay là sân khấu để mình ông độc diễn, còn cử tọa bên dưới vỗ tay hay la ó, ông cóc cần. Đối thủ đáng ngại  của Putin là Obama, nhưng ông biết tổng thống Mỹ đã và đang bị trói tay với vụ đổ quân trở lại Iraq để đánh đấm với “Quốc gia Hồi giáo” (ISIS).
 
Semen Semenchenko, tiểu đoàn trưởng TĐ Donbas tình nguyện của trận Ilovaisk lịch sử.
 
Nhưng chuyến nầy Putin bị bất ngờ, đến phải “cút” khỏi Úc trước khi hội nghị thượng đỉnh chính thức bế mạc, chỉ vì gáo nước lạnh của thủ tướng Stephen Harper của Canada – quốc gia hiền như bụt với một binh lực gồm 68 ngàn quân nhân hiện dịch và 47 ngàn lính trừ bị, chuyên lo đánh đấm với tật bệnh và các công tác hòa bình thay vì gây chiến và chiếm đóng lãnh thổ.
  Thế giới đã nhiệt liệt tán dương thái độ của ông Harper khi từ chối cái bắt tay của Putin vào hôm Chủ Nhật 16/11/2014, trước mặt 18 nguyên thủ quốc gia khác của hội nghị. Jason MacDonald, phát ngôn viên của thủ tướng Canada, đã tiết lộ với phóng viên của nhật báo Úc tờ Business Insider chi tiết rằng lúc ấy ông Harper đang nói chuyện với một nhóm các nguyên thủ quốc gia khác tại một tịnh xá của hội nghị, thì ông Putin bước tới và chìa tay ra. Chuyện nầy xảy ra một hôm sau khi ông Stephen Harper đã “chào mừng” ông Tô Tần của nước Nga bằng câu nói huỵch toẹt, “Hãy đem quân của anh xéo ra khỏi Ukraine”.
 
Cái chìa tay của Putin đưa ra đúng vào lúc căng thẳng đang xẩy ra trên chiến trường Ukraine, nơi nhiều đoàn công voa gồm xe tăng, xe chở quân và xe kéo pháo lột bỏ bảng số và không mang quân kỳ đơn vị đang ầm ầm và ngang nhiên xuôi ngược trên phần lãnh thổ phía đông của nước Ukraine. Chính phủ Kiev tố cáo Nga đang phái thêm quân vào nước họ, còn phía Nga thì bai bãi chối. Thỏa ước ngừng bắn 7 điểm ký kết giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai vũ trang thân Nga, trước sự hiện diện của Tổ chức Giữ gìn an ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE: Organization for Security and Co-operation in Europe) tại Belarus hôm 5/09/2014 đã chẳng hề được thực thi, nay kể như không hề có mặt.
 
Xe tăng Con Báo 1RL232 của Nga trên lãnh thổ Ukraine (Ảnh của Stefan Huijboom)
 
7 điểm chính của bản thỏa ước gồm:
 (1) Chấm dứt các cuộc hành quân của lực lượng vũ trang, các đơn vị vũ trang, và các nhóm quân sự ở khu vực đông nam Ukraine, trong các khu vực Donetsk và Lugansk.
 (2) Triệt thoái các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine lui khỏi một khoảng cách để không còn có thể nả pháo binh hay các loại bích kích pháo vào khu vực dân cư.
 (3) Cho phép quốc tế vào theo dõi đầy đủ việc chấp hành lệnh ngừng bắn cũng như quan sát tình hình khu trái độn an toàn được thiết lập bởi lệnh ngừng bắn.
 (4) Loại trừ tất cả mọi việc sử dụng không lực vào người dân và vào khu vực dân sinh sống trong vùng xung đột.
 (5) Tổ chức trao đổi những người bị bắt trên căn bản toàn bộ của mỗi bên mà không có điều kiện tiên quyết.
 (6) Mở các hành lang nhân đạo dành cho người tị nạn, đồng thời phân phối vật dụng nhân đạo cho các thị trấn và các khu dân cư ở miền Donbas, Donetsk và Lugansk.
 (7) Tạo điều kiện để các đơn vị sửa chữa đến được các nông trang bị tàn phá trong vùng Donbas để sửa sang và tái thiết các cơ sở tiện nghi công cộng cũng như các cơ sở hạ tầng để giúp dân trong vùng có thể sống được qua mùa đông sắp đến.
 
Hành lang nhân đạo 
Trên đất nước Ukraine, Putin không những chỉ xâm lược bán đảo Crimea, xách động nổ súng để đòi tự trị và theo Nga ở miền đông, cũng như để lại dấu vân tay trong vụ hỏa tiễn Nga bắn nổ tung chuyến bay dân sự MH70 của Hàng không Mã Lai trên cánh đồng rợp hoa hướng dương của làng Torez hôm 17/07/2014, giết sạch mọi người trên tàu gồm 3 hài nhi, 280 hành khách và 15 nhân viên phi hành đoàn – trong đó có 38 công dân Úc.
      Một tháng trước ngày hội nghị, thủ tướng của quốc gia đăng cai ông Tony Abbotttuyên bố sẽ “xáp la cà” Putin khi ông nầy đến phó hội. Bên Úc có chữ “shirt-front” dùng trong môn túc cầu để diễn tả một kiểu tranh bóng hung dữ thiếu điều đá vào giò cầu thủ đối phương trên sân cỏ. Ký giả Tim Hume của CNN tường thuật rằng hôm 13/10/2014, ông Abbott đã tuyên bố với báo chí “Cứ chờ mà xem, tôi sẽ xáp la cà với ông Putin… Tôi sẽ nói rằng thưa ngài Putin, công dân Úc đã bị thảm sát. Họ bị giết bởi tay phe nổi dậy do Nga bao che, và sử dụng vũ khí do Nga cung cấp. Chúng tôi rất bất mãn về chuyện nầy. Chúng tôi chấp nhận rằng ông không chủ trương để sự việc xẩy ra như thế, nhưng nay chúng tôi đòi buộc ông phải hợp tác triệt để vào cuộc điều tra tội ác, và nếu cuộc điều tra nêu ra tên các tội phạm mà ông có ảnh hưởng, chúng phải bị vạch mặt và công lý phải được thi hành.” Ông Abbott còn nói rõ là cuộc đối thoại giữa ông với Putin trong đợt hội nghị sẽ chưa bao giờ gay cấn bằng. Dù không nói trắng ra, phía Úc hàm ý về một vụ thảm sát khác vừa xảy ra ở Ukraine nữa, dưới cái tên trơ trẽn “Hành lang nhân đạo Donbas”.
 
Xe tăng do Nga sản xuất không mang bảng số và quân kỳ đơn vị đang tuần tra trong vùng do phe nổi loạn chiếm giữ gần Donetsk ở phía đông Ukraine (Ảnh AFP)
 
Donbas – tức Донбас trong tiếng Ukraine và Донба́сс trong tiếng Nga – là lưu vực sông Donets, một vùng văn hóa, lịch sử và kinh tế của Ukraine ở phía đông nằm lọt trong lãnh thổ Nga, bao gồm phần đất trung bộ và bắc bộ của tỉnh Donetsk, cộng với phía nam tỉnh Luhansk, kèm theo mũi đất cực đông của tỉnh Dnipropetrovsk. Đây là miền đất giàu than đá, kể từ cuộc cách mạng Ukraine hồi tháng Hai đã trở thành bất ổn. Sau vụ Nga chiếm Crimea, tình hình bất ổn trở thành chiến tranh giữa phe ly khai được ủng hộ bởi các chính quyền địa phương Donetsk và Luhansk thân Ngachống lại chính quyền của chính phủ Ukraine.
 
Nói tới tỉnh Donetsk khó có ai nhớ, nhưng nói tới thị trấn bé nhỏ Ilovaisknằm cách thủ phủ của tỉnh 35km với 16 ngàn cư dân thì nhiều người biết, không vì nơi đây là điểm nối  tất cả các tuyến đường sắt, mà vì cái tên đẫm máu của nó, bắt đầu từ ngày 7/08/2014, khi quân đội Kiev bắt đầu chiến dịch tái chiếm bằng các trận đánh ác liệt như thành phố Quảng Trị của Việt Nam trong mùa hè 1972. Khi quân chính phủ vừa lọt vào được bên trong thị trấn sau hơn 10 ngày chiến đấu, tức khắc họ bị phe ly khai vây khốn. Các cuộc cận chiến trên đường phố đã xảy ra ở khắp nơi trong thị trấn, trong ngày đầu “làm chủ”, tiểu đoàn Donbas có 9 binh sĩ tử thương. Họ cầu cứu xin viện binh, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Qua hôm sau, Bộ Nội vụ ở thủ đô cho biết 25% quân số tiểu đoàn đã bị giết. Một số rất lớn đã bị bắn chết khi thấy xe cứu thương cắm cờ Ukraine nên ùa chạy ra khỏi công sự phòng thủ. Nhưng đó là xe do phe ly khai cầm lái. Đơn vị của chỉ huy trưởng kiêm sáng lập viên Semen Semenchenko và hai tiểu đoàn kia kể như bị hoàn toàn bỏ rơi. 
 
Tới ngày 24/08, các cánh quân còn sót lại của tiểu đoàn Donbas bên trong Ilovaisk tiếp tục cầm cự, nhưng họ bị bao vây hoàn toàn bởi phe ly khai, và viện binh Nga tới tăng cường cho phía nổi dậy. Lính Ukraine trông thấy quân chính quy Nga, trong tình trạng tiểu đoàn trưởng TĐ Donbas bị thương ở chân từ ngày thứ nhì của trận đánh, tiểu đoàn trưởng TĐ Dnipro bị thương vào đầu, còn tiểu đoàn trưởng TĐ Kharkiv tử trận. Hỏa lực pháo binh của phe thân Nga liên tục khai hỏa, đạn dược của phe chính phủ cạn dần, Semenchenko và các đơn vị chính phủ kia quyết định phải thương thuyết với đối phương để xin triệt thoái ra bên ngoài, qua một hành lang nhân đạo, gọi là hành lang Donbas. Yuri Beryoza, tiểu đoàn trưởng TĐ Dnipro nhanh chóng bàn bạc chi tiết với các sĩ quan chỉ huy Nga tại thị trấn về các chi tiết của hành lang nhân đạo ấy. Ông Alexander Zakharchenko, thủ tướng của chính quyền ly khai của “nước” Cộng hào Nhân dân Donetsk xác nhận thỏa hiệp đã đạt được giữa hai phe lâm chiến, phía quân Ukraine được rút ra với điều kiện phải để xe tăng, xe thiết giáp và đạn dược lại tại chỗ. Vị chỉ huy trưởng 40 tuổi của TĐ Donbas thông báo cho thuộc cấp: “Tất cả mọi quân nhân nào chưa trở thành hàng binh sẽ được phép rút ra mang theo vũ khí và quân kỳ đơn vị của mình, theo một hành lang an toàn nối thông tới hậu cứ ở bên ngoài vòng vây.” Lúc 6 giờ sáng, đoàn xe 60 chiếc chở quân chính phủ sắp hàng một bắt đầu lăn bánh rời thị trấn. Chiếc quân xa đi đầu chở thương binh và tử sĩ có gắn lá cờ trắng rất lớn. Đoàn xe chạy thật chậm qua 10 km mất một tiếng đồng hồ, bỗng bất thần bị quân Nga và quân ly khai bao vây, rồi bị nả bằng súng cối và súng đại liên. Xe nổ và cháy. Đội hình bấn loạn. Lính tráng tìm cách chạy trốn, nhưng phần lớn đã bị quân Nga và quân nổi dậy bắt giữ. Một binh sĩ Ukraine sống sót sau nầy mô tả tình hình lúc ấy chẳng khác gì một máy nghiền thịt khổng lồ. Ít nhất có 109 binh sĩ chính phủ đã bị giết trong trận phục kích, nhiều người khác bị thương, hay bị bắt làm tù binh. Chữ mà chính phủ Ukraine dùng để gọi là “thảm sát”. Một sĩ quan chỉ huy của phe ly khai cho hay ông đã bắt được 173 tù binh chính phủ gần Ilovaisk, sau khi tiếng súng của địa điểm phục kích đã lắng xuống. Ông tuyên bố sẽ dùng đám tù binh nầy làm lao công để cưỡng bức lao động, tái thiết các thị trấn trong khu vực Donbas bị tàn phá.Phía chính phủ cho biết hơn 500 binh sĩ của họ bị lực lượng thân Nga bắt. Các sĩ quan chỉ huy của phía chính phủ tuyên bố họ bị nhà nước phản bội và bỏ rơi.
 
Cuộc điều tra về thất bại của phe chính phủ tại Ilovaisk được mở ra hôm 4/09. Theo tiết lộ của Andriy Senchenko, người đứng đầu Ủy ban Điều tra, có tới 1.000 binh sĩ chính phủ tử trận trong trận tái chiếm Ilovaisk. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine ông Valeriy Heletey bị áp lực phải từ chức hôm 14/10, một phần lớn vì thiếu sót của ông ta trong vấn đề điều hợp trận đánh. 
 
Ngày 24/08 tại thủ đô Kiev, ông Petro Poroshenko, ông vua sôcôla nay đã trở thành tổng thống, hãnh diện đứng trên lễ đài danh dự khi đoàn quân 1.500 người diễn hành kiểu chân ngỗng bước qua cùng với xe thiết giáp và các giàn hỏa tiễn. Các sĩ quan tướng tá cao cấp nhất của quân đội trong các bộ quân phục uy nghi mừng ngày đất nước thoát ly khỏi cộng hòa liên bang Xô Viết . Quốc khánh năm nay còn mang một biểu tượng đặc biệt, khi mà ở miền đông phe ly khai cứ đòi tự trị để chạy theo Nga.
    Điều khôi hài là cuộc diễn hành ở Kiev cứ giống như một phiên bản thu nhỏ của cuộc diễn hành tại Công trường Đỏ kiểu Cộng sản nay đang được Putin phục hồi hàng năm để rầm rộ phô trương một nước Nga đang hồi sinh. Ông Poroshenko hứa hẹn với quốc dân về một chiến thắng trong trận đối đầu với Nga. Bán đảo Crimea đi dứt không cần một tiếng súng, nhưng đông bộ Ukraine là chuyện khác. Ông nói: “Tôi rất tin tưởng rằng cuộc chiến để bảo vệ Ukraine và cho nền độc lập sẽ kết thúc trong thắng lợi.” Đúng vào giờ phút ông vẽ vời một chiến thắng lừng lẫy ở thủ đô, thì cách Kiev 600 cây số về phía đông, một thảm họa đang xẩy ra, tiếng súng của quân lính ông thưa dần vì cạn kiệt đạn trong vòng vây Ilovaisk, và các giàn hỏa tiễn và xe thiết giáp đang ầm ầm chạy qua dưới mắt Poroshenko lẽ ra phải có mặt tại tuyến đầu để giúp các tiểu đoàn quân tình nguyện cầm cự với lính Nga, trong trận thư hùng mà 12 ngày sắp tới ông phải nhờ cựu tổng thống Leonid Kuchma đại diện để đặt bút ký lệnh ngừng bắn với đối phương.
 
Sau nhiều tháng cứ   than phiền về quân biệt động và các tay tình nguyện Nga có mặt trong hàng ngũ phe ly khai, nay những lời than phiền ấy đã dứt, sau khi lính Nga không cần phải lén lút nữa. Trung tướng Ruslan Khomchak, tư lệnh quân đội Ukraine tại mặt trận miền đông nói với tạp chí Newsweek: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, khi lính Nga thản nhiên bước qua biên giới. Rõ ràng người Nga muốn cho chúng tôi hiểu rằng vấn đề độc lập của Ukraine chẳng là cái quái gì trong mắt họ.” Đêm quốc khánh, bộ tư lệnh hành quân của tướng Khomchak đặt tại làng Mnohopillya cách thị trấn bị vây khốn 6km về phía nam đã được phe Nga “chào mừng” bằng một trận địa pháo kéo dài bốn tiếng đồng hồ không dứt, làm 10 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, và khu rừng quanh bộ tư lệnh trở thành bình địa.
 
Ở cấp quốc gia, chính phủ Kiev không có một kế hoạch phản công, mà chỉ là một cuộc hành quân chiếu lệ để “chống khủng bố”, sau khi phát giác ra mạng lưới an ninh quân đội của mình quá thiếu tinh thần chiến đấu, và đầy dẫy nội tuyến của Nga, trong khi quân lực Ukraine thiếu trang bị, ở trong tình trạng không sẵn sàng đánh trả phe ly khai thân Nga, mặc dù quân lực Ukraine gồm những tiểu đoàn tình nguyện tân lập đang lập nhiều chiến công. Trong khi phe ly khai bác bỏ trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay hành khách, các hỏa tiễn của họ cứ liên tục được dùng để bắn rơi máy bay quân sự và trực thăng của chính phủ Kiev. Mỗi khi quân chính phủ tới gần vùng chiếm đóng của phe ly khai, họ bị pháo binh Nga từ 20 hay 30 km bên kia biên giới bắn qua.
 
Hiện quân lực Ukraine với các đơn vị mỏi mệt bơ phờ đang trải dài thật mỏng trên hàng trăm cây số. Giá như được lệnh chiếm giữ Ilovaisk, lính Ukraine thừa sức cắt đứt xa lộ đang được dùng để chở đồ tiếp tế và súng đạn từ Nga sang cho phe ly khai,nhưng tình báo Ukraine cho rằng bất quá tại thủ phủ Donetsk chỉ có dăm ba tay súng du kích, và chúng được vũ trang rất tồi. Sự thực hoàn toàn ngược lại.
 
Do không đủ lính chính quy để tái chiếm Ilovaisk, chính phủ dùng các tiểu đoàn gồm các chiến binh tình nguyện , tuy không thiếu tinh thần chiến đấu, nhưng họ chuyên môn về tuần tra các vùng mới được lính chính quy tái chiếm. Ông Vyacheslav Pechenenko, một cựu đại tá cảnh sát 43 tuổi từng là một nhân viên an ninh của một siêu thị trước khi trở thành tiểu đoàn phó TĐ Dnipo, nói với báo chí “Việc chính của chúng tôi không phải là tấn công”. Bên trong Ilovaisk, phe chính phủ mai phục dọc phía tây con đường sắt chia đôi thị trấn, còn phe ly khai cố thủ nửa phía đông, đặt đám dân vô can giữa hai làn đạn. Khi các đơn vị tình nguyện kêu cứu xin viện binh, người ta chỉ thấy viện binh tới để tăng cường cho phe nổi dậy. Chính phủ Kiev không có lính để tiếp viện, mà cũng chẳng tính tới việc tiếp viện. Dù thế, tiểu đoàn Dnipro cũng bắt được nhiều chục tù binh Nga. Đám lính Nga được cấp một ngày lương khô và một ngày hỏa lực. Chúng cho biết là chúng đang thi hành cuộc tập trận ở Taganrog, trên đất Nga. Lính tình nguyện Ukraine cũng bắt sống được cả xe tăng T-72B3, loại chiến xa chỉ trang bị cho lục quân Nga. Khi Ukraine mang 9 tù binh Nga đi diễn hành ở thủ đô, Putin tuyến bố lính của ông đi lạc qua biên giới, trong khi đó, các báo cáo tình báo cho hay một đoàn xe quân sự khác đang cắt biên giới ở Novoazovsk để vào Ukraine, và một đoàn khác nữa đang tiến gần tới thành phố cảng Mariupol.
 
Số phận lính tráng của Putin trong chiến hào ở phía đông Ukraine cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Alexander Zakharchenko, một quân nhân Nga xuất thân là thợ điện, cho tạp chí Newsweek hay anh ta biết có khoảng 4.000 người Nga tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ phe ly khai, kể cả quân nhân đi phép. Nếu những phủ nhận của Putin về sự dính líu của quân đội Nga trong cuộc xung đột đẫm máu ở Ukraine là khó kiểm chứng, thì những quan tài chở xác lính Nga tử trận về nước là những điều có thực. Cô Yelena Vasilyeva, một nhà hoạt động hòa bình cho hay chỉ tính trận Ilovaisk, phía Nga tổn thất từ 1.000 tới 1.200 binh sĩ chết trận. Phần lớn họ là lính dù, quê quán ở Pskov và Kostroma. Họ còn trẻ, sang Ukraine chiến đấu, mà cứ tưởng đang tập trận trên đất nhà. Theo ghi nhận của Vasilyeva, tính đến nay đã có tới 4.000 lính Nga chết hay mất tích trong cuộc chiến tại đông Ukraine, còn phía Ukraine khoảng gấp đôi. Anh Sergei Ivanov, một cư dân Ukraine đã tản cư khỏi Luhansk khi vùng nầy bị phe ly khai chiếm, đã phát biểu: “Nếu chúng tôi là lính Đức, thì Ilovaisk là trận Stalingrad của chúng tôi.”
 
Tam thập lục kế
 
Hoặc là Putin không biết chuyện Frank Sinatra “kẹt đạn” tại Úc 40 năm trước, hoặc là có biết, nhưng cho rằng chưa biết ai mặt dày bằng ông, nên cứ đi dự hội nghị G20.
 
Ngày 9/07/1974, người danh ca kiêm diễn viên thượng thặng Hoa Kỳ 58 tuổi đổi ý tạm ngừng hưu dưỡng để hoạt động trở lại, đáp một trong các máy bay riêng của mình xuống Melbourne, để thực hiện 5 cuộc trình diễn. Khi đặt chân xuống đất Úc, không ai chờ để chào đón ông cả, làm Sinatra phải dùng một chiếc xe mượn tạm để tới chỗ diễn tập. Một nữ ký giả đã hóa trang thành Barbara Marx bám theo ông không rời nửa bước để làm phóng sự, nên bị ông gọi bằng các từ nặng nề như “người đồng dâm”, “ma cô”, “đĩ điếm” và “chỉ đáng một xu rưỡi”. Cách phát ngôn có tính cách lăng mạ của Sinatra đã làm các nghiệp đoàn lao động, hầu bàn và ký giả Úc đình công, đòi ông phải công khai xin lỗi, nhưng ông làm cao, không chịu. Câu chuyện bị xé to hơn Sinatra tưởng. Bob Hawke, người về sau là thủ tướng tới 4 nhiệm kỳ của Úc, đã tuyên bố nếu Sinatra không công khai xin lỗi, thì chỉ có lội nước biển mà về. Vì công nhân ngành giao thông vận tải đình công không chịu bơm xăng cho máy bay ông, ông phải trốn lên một máy bay hành khách để bay qua thành phố Sydney. Tại đây, ông lại bị giam lỏng trong khách sạn Boulevard, ngay cả nhân viên khách sạn cũng từ chối phục vụ. Ông định cầu xin Hải quân Mỹ tới cứu nhưng ý định không thành, cuối cùng đã phải chịu thương thuyết. Ngày 11/07, ông Hawke tới phòng Sinatra để thảo luận liên tục bốn tiếng đồng hồ, và nhà đại danh ca bằng lòng xin lỗi, chuyện mới yên.
 
Lần nầy, Vladimir Putin sắp rơi vào gót giầy của Frank Sinatra. Rất có khả năng nhân viên khách sạn cũng từ chối dọn phòng, hay công nhân phi trường không chịu bơm xăng cho máy bay Nga, để buộc ông phải trả lời về vụ hỏa tiễn Nga làm nổ máy bay Mã Lai. 
 
Chiều Chủ Nhật, khi hội nghị thượng định chưa chính thức kết thúc với bản thông cáo chung, trong khi các lãnh tụ đang cùng dùng bữa, Putin bất thần bay ra khỏi Brisbane.
 
Giải thích về lý do rời hội nghị sớm, ông nói ông cần nghỉ ngơi trước khi về nhà với công việc tất bật. Putin đã dành 30 phút để họp báo, ca tụng thủ tướng nước chủ nhà Tony Abbott đã cung cấp “một không khí làm việc tốt đẹp và hiếu khách”. Ông bảo sáng thứ Hai ông còn phải đi làm, nên hy vọng được ngủ nghỉ bốn hoặc năm tiếng đồng hồ trên tàu. Báo New Corp của Úc tường thuật rằng Putrin lẽn về sớm do nhột vì thái độ lạnh nhạt của các lãnh tụ thế giới, nhất là lời tuyến bố của thủ tướng Canada, “Tôi nghĩ là tôi sẽ bắt tay anh, nhưng chỉ có đúng một câu để nói với anh: hãy đem quân của anh xéo ra khỏi Ukraine”.
 
Trong cuộc họp báo dành cho đài truyền hình Đức, ông Tô Tần của Nga còn cho rằng “có khả năng tìm được phương thức để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, rồi thêm rằng ông lo ngại có sự đe dọa của nạn diệt chủng. Ông cũng lên án chính phủ Ukraine ưa dùng vũ lực hơn là thích đối thoại, mặc dù đúng lúc ông tuyên bố như thế, thì trên đất nước Ukraine của người ta, ông cho xe tăng kiểu mới Leopard của mình tham chiến. Chắn chắn Putin sẽ chối bay chối biến chuyện nầy, mặc dù tờ Interpreter vừa công bố tấm ảnh của nhà báo Menahem Kahana chụp được chiếc 1RL232 "Leopard" tại Torez ở phía đông Donetsk, và nhà báo Đức Stefan Huijboom bấm được ảnh xe tăng 1RL232 di hành chung với hệ thống rađa 1RL239 "Lynx".  
 
Thực tế, Nga chưa bao giờ tuân thủ bản hiệp định hòa bình ký ở Minsk hồi tháng Chín trong đó họ phải rút quân đội của họ ra khỏi vùng chiến sự – vì họ bảo họ không có mặt. Kiểu ăn nói gian manh  nầy thế giới không xa lạ. Trong chiến tranh, Hà Nội cũng nói họ không có lính ở miền nam, mà trong nam chỉ có Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Leo thang xung đột, rồi thỏa thuận không leo thang thêm để đổi chác các điều kiện vốn là chiến thuật của Cộng sản, dù ở Nga hay ở Việt Nam. Ông Kirill Rogov, một nhà phân tích chính trị ở Mạc Tư Khoa nhận xét: “Putin thích mở màn thương lượng bằng cách ném con dao lên mặt bàn trước khi mở miệng.”
 
Như thế, giữa Putin và Tô Tần, ai đểu giả và nguy hiểm hơn ai?
 
NgyThanh (Thời Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét