Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

“Phố thuốc núi” Nhà Bàng - Người Lao Động -

Hơn 40 năm qua, những cửa hàng bán các loại thảo dược vùng Bảy Núi tại thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên, An Giang) đã quá quen thuộc với khách đi đường. Nhiều người gọi đây là “phố thuốc núi” bởi có rất nhiều vị thuốc từ núi rừng.

Nằm trong nội ô thị trấn Nhà Bàng, “phố thuốc núi” là nơi tập trung nhiều cửa hiệu chuyên kinh doanh thảo dược núi rừng.
Bà Lại Thị Mỹ Lệ, người có trên 40 năm gắn bó cùng thuốc núi, kể: “Mấy chục năm trước, nơi đây chưa có nhiều cửa hiệu buôn bán thuốc núi như bây giờ. Khi đó, tôi theo người cậu ruột đi tìm thảo dược của vùng Thất Sơn về bán lại cho bà con. Sau đó, những gia đình khác cũng bắt đầu hình thức kinh doanh này và dần dần “phố thuốc núi” được hình thành”.
Hiện nay, ngoài cửa hiệu Sáu Xứng của bà Mỹ Lệ, còn có 6 - 7 cửa hiệu khác như Minh Châu, Năm My... cũng chuyên kinh doanh thảo dược.

Một góc “phố thuốc núi” Nhà Bàng
Xuất thân từ gia đình có truyền thống đông y nên bà Mỹ Lệ được thừa hưởng những kinh nghiệm quý báu về công dụng của các loại thảo dược. Đó là cơ sở để cửa hiệu Sáu Xứng của bà được nhiều khách hàng tìm đến.
Theo bà Lệ, thuốc núi cơ bản có hơn trăm vị, mỗi vị có công dụng riêng, nếu kết hợp đúng cách thì sẽ phát huy hiệu quả rất tốt.
“Đa phần là cây thuốc nam, như: Hà thủ ô, cà dâm, gấm đen, ngùi đỏ, huyết rồng... Chúng có công dụng bồi bổ cơ thể, chữa các bệnh thường gặp. Với tôi, bán thuốc núi không chỉ là kinh doanh, mà còn là y đức của người theo ngành dược” - bà Lệ chia sẻ.
Theo lời kể của bà, ngày trước người bán thuốc núi không cân ký như hiện nay. Thuốc được bó thành từng lọn và bán giá rất rẻ vì dễ tìm. Tuy nhiên, các loại thuốc núi đã giảm dần số lượng theo thời gian nên giá cả cao hơn trước, nhiều vị thuốc quý hầu như vắng bóng tại vùng Bảy Núi.
“Hiện nay, nguồn thuốc núi chủ yếu xuất phát từ Campuchia. Người dân bên đó thường hay mang sang bán cho tôi. Nếu ở đây có những cửa hiệu chuyên bán thuốc núi thì bên Campuchia cũng có những gia đình đi tìm thuốc núi theo kiểu “cha truyền con nối”. Vì vậy, về mặt giá cả, chúng tôi vẫn đảm bảo quyền lợi cho họ, đồng thời không tăng giá cao khi bán lại cho người tiêu dùng” - bà Lệ thật tình.
Bà Mỹ Lệ, người hơn 40 năm gắn bó cùng thuốc núi. Anh: THANH TIẾN
Cùng lĩnh vực kinh doanh với bà Mỹ Lệ, ông năm My cho biết, phố thuốc núi trở nên tấp nập vào mùa du lịch. Nhiều đoàn khách hành hương ghé lại tìm mua các loại thảo dược tạo nên không khí rất nhộn nhịp.
“Chúng tôi thường bán lẻ cho người dân và bỏ sỉ cho các hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, khá nhiều khách hàng ở Đồng Tháp, Kiên Giang cũng liên hệ đặt hàng. Tôi cảm thấy vui vì mình có thể sống với nghề nghiệp truyền thống của gia đình. Hiện nay, các con tôi cũng nối nghiệp cha, tiếp tục gắn bó cùng cây thuốc núi” – ông năm My bộc bạch.
Quá trình tìm kiếm cây thuốc núi rất vất vả, đòi hỏi sự nhẫn nại và am hiểu của những người chuyên sống nhờ vào chúng. Ngoài nguồn thuốc từ Campuchia, “phố thuốc núi” Nhà Bàng còn là nơi “tập kết” các loại thảo dược “xứ hòn” từ Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) hay những vị thuốc bắc từ TP. Hồ Chí Minh, như: Dứa gai, bí kỳ nam, đương quy, xuyên khung, bạch chỉ, đản sanh, ngô tất...
Hiện nay, các cửa hiệu chuyên bán thuốc núi chủ yếu chỉ qua bước sơ chế là phơi khô. Khách hàng mua về sắc uống theo hướng dẫn của người bán hoặc thầy thuốc kê toa. Chị Kim Nguyệt, một khách hàng tại cửa hiệu Sáu Xứng, chia sẻ: “Tôi vẫn thường tìm mua các vị thuốc thanh nhiệt, giải độc tại đây về nấu cho gia đình uống. Nhờ có tác dụng tốt, gia đình tôi rất tin tưởng vào những vị thuốc tự nhiên”.
Những năm gần đây, cây thuốc núi đã dần khan hiếm hơn. Điều đó ảnh hưởng không ít đến hoạt động của “phố thuốc núi” Nhà Bàng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có biện pháp phục hồi những loại thảo dược quý của vùng Bảy Núi, góp phần ổn định nguồn cung để “phố thuốc núi” Nhà Bàng mãi là “giang sơn” của thảo dược núi rừng.
Lương y Phạm Văn Năm, người có nhiều năm gắn bó cùng dược liệu, cho biết: Thuốc núi Nhà Bàng với sự phong phú về số lượng là nguồn cung cấp dược liệu quan trọng cho hoạt động khám, chữa bệnh theo đông y trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều loại dược liệu quý có tác dụng chữa nhiều bệnh được sử dụng rộng rãi, như: Dừa cạn, tía tô, diệp hạ châu... Vì thảo dược khá lành tính, không tác dụng phụ nên có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét