Ngày xưa, không biết sao tôi mê đủ thứ. Mê nhưng không có điều kiện, hoàn cảnh. Khoảng 1984, sau khi nghỉ việc ở ĐH Khoa Học vì nộp đơn đi nước ngoài, tôi ghi danh học nhiều thứ ở Hội Phụ Nữ và cả Hội Trí Thức Yêu Nước. Đa số giảng viên hai hội này là người VNCH tức người cũ. Lý do, vào thời điểm đó, Bắc Kỳ 75 với quá khứ nghèo nàn, đói khổ thì làm gì có nghệ thuật cắm hoa, nấu ăn, uốn tóc, hay cả ..IBM. Tôi ghi danh nhiều lớp.
Kỷ niệm còn đọng lại nhiều nhất là lớp ngôn ngữ Cobol vì ông thầy dậy học rất cưng cô học viên. Ông họp với nhóm nhỏ chúng tôi gồm ba học viên chơi vui với nhau, sinh nhật cho nhau và cả uống cà phê với nhau. Tiếc là không kéo dài vì sau đó mỗi học viên một ngả. Chỉ có tôi là còn duy trì hơi lâu với thầy. Tôi hay ghẹo, gọi ông là “Ông thầy” và xưng tên Couteau. Ông cũng hay gọi tôi là Couteau. Mở ngoặc, tên tôi là Quỳnh Giao. Giao hay Dao phát âm như nhau, nên tôi đã lấy bút hiệu Quỳnh Couuteau để viết Phiếm Luận cho báo Chính Luận. Tôi thích học nên bịa ra đề, tự làm bài giải rồi bắt ông thầy chấm. Tội nghiệp ông thầy của tôi. Chấm mấy bài tập cho ngôn ngữ Cobol đâu có dễ như bài tập toán. Lý do, nó có cách giải quyết vấn đề riêng. Phải suy nghĩ coi có hợp lý không. Dù bận bịu, ông thầy vẫn chịu khó giúp cô học viên. Thậm chí có hôm tôi nũng nịu đòi ông đưa đi thăm mộ bà nội tôi, ông cũng chiều.
Kỷ niệm thứ hai là lớp uốn tóc. Tôi thích chải đầu, bới tóc cô dâu chứ không thích uốn. Phải cuộn tóc từng ống nhỏ: là điều tra tấn với tôi. Cuối khóa, tôi thuê áo dài cưới, soiree cưới và mời giáo viên đến nhà bới tóc đủ kiểu cho tôi và tôi chụp hình để lại làm kỷ niệm.
Lớp học thứ ba là lớp may. Tôi cũng còn giữ những cái áo, quần bé tí tẹo tì teo, rất xinh mà tôi phải may cho lớp học. Ngày đó, tôi rất kỳ công khi ngồi đạp máy may cho những cái áo tí hon đó. Nào là áo cổ lá sen, tay phồng. Nào là áo bà ba. Rồi quần gài nút mặc với áo dài. Cô giáo không những cho điểm mười mà còn giơ tác phẩm của tôi lên cho cả lớp chiêm ngưỡng. Nói ra thật xấu hổ: để may một cái áo tí teo đó, có khi tôi mất cả ba giờ. Mở tiệm may kiểu thợ may Quỳnh Giao thì có mà lỗ vốn to!
Lớp thứ tư là lớp gia chánh. Nấu ăn là một thú vui của tôi ngày đó. Tôi lại hay “vẽ duyên” nên tác phẩm của tôi ngon như cô giáo nhưng trình bày đẹp hơn. “Vẽ duyên” là ngôn ngữ mà năm 1975, mấy bà đầu bếp ở Cơ Sở Khoa Học ở Thủ Đức nói về tôi. Chả là sau 1975, chúng tôi phải xuống Thủ đức thay phiên nhau. Khoa Lý xuống ở năm ngày thì các ông phân cho tôi và Nhã ở mục làm bếp. Khi dọn cơm, mấy món ăn của tôi được trình bầy đẹp. Mấy chị nhà bếp nói “ Cô QG hay zẽ zuyên lắm”. Tôi phải hỏi Nhã, cô bạn người Nam của tôi, zẽ zuyên là gì! Học gia chánh xong thì vào ngày giỗ, tôi trổ tài làm món Phụng Hoàng ấp trứng. Món này mệt thấy mồ vì phải rút xương gà, rồi nhồi thịt, luộc trứng. Khi cắt, mỗi khoanh có gà bên ngoài, trong là lớp trứng tráng, rồi thịt băm, một khoanh trứng vịt ở giữa rất đẹp mắt. Ngoài ra còn phải luộc trứng gà, trứng cút để làm gà con. Ổ gà là mì xào dòn. Món tủ thứ hai là bánh cuốn. Giời ạ, món này thì đắt hàng. Mẹ tôi la “Sao cô cứ bày vẽ hoài vậy”. Ơ hay, “bà giáo” này kỳ ghê. “Bà giáo” này vốn dĩ không thích gia chánh (nhưng bà nội tôi thương vì cái nếp ở, cái thông minh). Lúc đó “bà giáo” lại phải lê la vỉa hè bán cà phê. Bà có phải làm đâu nhưng thấy tôi bầy nồi, bầy khuôn, lại nấu củi, bà thấy mệt quá. Tráng bánh cuốn nóng, ăn tại chỗ rất ngon. Tôi còn nhớ, đang vác bụng bầu bé Ly, củi nóng quá trời mà mình tráng không kịp. Cu Bi ăn xong hai đĩa còn “Bà bán hàng Mẹ bán cho thêm một đĩa”. Mấy cô em gái cũng vậy. Món tủ thứ ba là bánh quế. Người Bắc hay có hộp bánh quế cho đám hỏi. Phải đổ bột vào khuôn, nướng, rồi cuộn tròn. Sao mà ngày đó tôi cũng có gan ngồi đổ hết hộp này sang hộp khác mà không ngán. Thậm chí một bà nữ hộ sinh mà tôi ngoại giao để bà giúp khi sanh bé Ly, cũng khăn gói đến nhà tôi để học làm bánh quế. Món tủ thứ tư là bánh đậu xanh kiểu Bảo Hiên Rồng Vàng. Tôi phải lấy bột đậu xanh tự làm, cho vừa khéo lượng dầu ăn, nhồi, bỏ vào khuôn. Họ hàng là cứ tha hồ ăn bánh quế, đậu xanh của tôi. Tôi cũng làm bánh dẻo Trung Thu nhưng không làm bánh nướng.
Lớp học thứ năm là lớp nghệ thuật chưng trái cây. Tôi thích lớp này lắm vì thích zẽ zuyên mà. Trái cây được tỉa hay sắp xếp kết hợp với hoa, rất đẹp. Đặc biệt tôi còn nhớ, khi tôi muốn tặng quà cho một bà bác sĩ thì bà ấy không nhận nhưng khi tôi tặng giỏ trái cây làm từ bánh đậu xanh thì ối thôi, “nàng” thích quá, đem đi khoe um sùm khắp khoa nội. Tôi phải nấu đậu xanh, cho đường, bóp nhuyễn rồi nặn thành trái chuối, mận, sơ ri, ớt. Sau đó nhúng rau câu. Đợi khô, phết mầu xanh đỏ. Lại nhúng rau câu lần hai. Với ớt thì cho cuống ớt thật vào. Trời ơi, ba loại trái trông y như thật là ớt, roi, sơ ri. Thật đến nỗi bố tôi bảo “Ơ hay, cái cô này, sao lại biếu bố ớt?!” Với trái vải thì làm từ bột ovaltine, cho vào cái lưới và vo. Khi ra, trông y như trái vải vậy. Bằng ấy trái cây làm từ đậu xanh, tôi cho vào giỏ be bé và cắm lác đác hoa cúc trắng. Trời ơi, xinh lắm đó. Tiếc là ngày xưa không như bây giờ, hễ xong một tác phẩm là chụp hình để lại làm kỷ niệm.
Lớp học thứ sáu là lớp chụp hình. Nhờ lớp này tôi còn nhớ khái niệm đâu là điểm mạnh của tấm hình. Trước kikhi chụp thì toàn cho người mẫu ở giữa. Một kỷ niệm vui là cả lớp đi du xuân theo thầy và thực tập chụp cho ông chấm điểm. Ông thầy bắt tôi ra làm người mẫu cho cả lớp chụp. Lúc đó tôi ngoài ba mươi rồi, có trẻ đâu cơ chứ. Còn tôi thì lang thang, gặp cô bé nào xinh là sà vào xin chụp ngay. Mấy chục năm sau, ở VA, tôi chụp cho Chân Như, một xướng ngôn viên của Đài Việt Nam Hải Ngọai. Thấy cô chụp mình đẹp, Chân Như bèn bắt cô đi chụp cho cậu cả. Khổ thân tôi, “bà già” mắt kém rồi mà phải lẽo đẽo theo “thằng nhỏ’ vào rừng VA chụp cho nó. Nó cứ hoạnh họe, tôi thì gắt “Cô không thấy đường. Mắt tao kém rồi, biết chưa”.
Hình tôi chụp cho Chân Như năm 2008 ở VA nè:
Ngày đó học xong, tôi cũng ít thực tập. Lý do, máy hình đắt, phim đắt, rửa hình cũng đắt. Chả như bọn trẻ bây giờ. Tha hồ học, rồi cắt, cúp, load lên face book khoe loạn xạ.
Lớp học thứ bẩy là lớp cắm hoa. Tôi mê hoa vô cùng tận. Ngắm một bông hồng đẹp là đủ cho tôi vui cả một ngày. Với nghệ thuật cắm hoa tôi học đến ba lớp. Tuy vậy, học xong cũng không có điều kiện thực hành nhiều. Lý do, ngày ấy còn nghèo chết. Tiền đâu mua hoa hoài cơ chứ.
Lớp học thứ tám là lớp Mạng Novel Net Ware. Tôi học vào năm 1999khi đang làm quản lý cho một Phòng Máy computer của một đại học tư thục. Tôi học vì cáu! Cáu vì bị cậu cả, chuyên viên coi phòng máy “gạt”. Nó gạt tôi phải thay cái này cái kia vì thấy tôi dốt. Bực mình, tôi bèn học tháo ráp máy. Khi học rồi mới thấy “phần cứng” trong computer …chả có gì!” Ngày đó, tôi lấy một máy về nhà và cứ thế thực tập. Tháo máy ra, thay card âm thanh, card màn hình, ram nhanh như chớp. Sau đó, tôi thừa thắng xông lên, học mạng Novel. Đây là lớp học computer cấp cao. Toàn người trẻ và kỹ sư, cử nhân computer. Tôi là “bà già” duy nhất của lớp. Ấy vậy mà “bà già” học giỏi. Có gì đâu, “bà già” vác một máy ở trường về, hợp với computer riêng của “bà già” ở nhà, thế là có máy chủ và máy con. Tha hồ cho bà già cứ thế mà “practice”. Ra thi, bọn trẻ còn phải hỏi “bà già” nữa đấy.
Lớp cuối cùng trước khi tôi đi Mỹ là lớp Photoshop, năm 2003. Tôi học lớp này vì lúc đó muốn làm web. Thấy web site, tôi rất mê. Kỷ niệm là ông thầy, sao tôi hay có duyên với các “ông thầy” quá nhỉ (!), tình nguyện cho cô học viên đi ké lúc về vì ông đi ngang nhà tôi. Lúc đó, tôi bán xe gắn máy vì ít đi, lại ở chung cư lầu cao. Nếu có xe gắn máy sẽ tốn tiền thuê chỗ. Đi đâu, tôi gọi xe ôm. Vì thế khi học Photoshop lượt đi thì xe ôm, lúc về cũng xe ôm nhưng một bên tôi phải trả tiền, một bên tôi được free, một bên là người bình dân và một bên là giảng viên của Khoa Học. Tôi cũng quý ông thầy này lắm. Ông rất khó tính trong lớp. Tuy vậy, dường như với học trò hay học viên Quỳnh Giao thì chả có ông thầy nào khó tính được cả. Khó tính sao được khi cô học viên luôn chăm chỉ và học có vẻ thông minh cơ mà ! Sau nữa, cô học viên cũng hay “ngoại giao” thầy bằng màn …cắm hoa của cô! Với tôi, tặng hoa có vẽ tao nhã, lịch sự, không trần tục.
Mới đây nhất, tôi tặng hoa cho teacher dạy lớp keyboard online của tôi, Maria, người Phi và có chồng Việt. Maria thích quá khi được quà xinh xắn và Maria viết cho tôi khi được xem vài kiểu cắm hoa của tôi như sau:
Hello Giao,
Good morning! How are you doing? Yes, I am much better. Thank you for asking.You are very talented! I love your work! It is more of minimalist, but your style of work has more impact. I bet you can work really well with the High-Style and the Japanese arrangements (Ikebana, Moribana, etc.) If you have time on Monday, would you like to come arrange flowers with us? Just for fun and it is not a competition. J I have Kristy Tang and Arvine Ganzon coming. If you let me know what flowers you would like to use, I will get all of those. You should still be able to go to keyboardingonline.com to practice more. J Enjoy! If I do not see you, then Merry Christmas and a Happy New Year!
Maria
Tôi nhận lời gấp. Ngày 22 tháng 12, 2014 vừa qua, tôi đến nhà Maria. Có hai người bạn làm cùng phòng với Maria cũng tới. Chúng tôi cắm hoa ở garage. Cắm xong thì ăn tối với nhau. Tôi về sớm không đi xem đèn Noel với Maria vì tôi ngại lái xe đêm khuya. Maria đã lấy bằng cắm hoa ở Golden West College từ 1994 nhưng cũng không cắm thường xuyên. Hai người kia không biết nghệ thuật cắm hoa và google tìm kiểu để cắm theo. Maria hỏi và tôi cho biết, tôi cũng không cắm thường xuyên như Maria. Một năm giỏi lắm, tôi cắm khoảng bốn lần và toàn là cắm …cho teacher. Teachers nhưng là teachers mà tôi quý cơ.
Đây là chiến lợi phẩm sau vài giờ lao động của “ bốn người Coastline Community College” :
Bốn kiểu cắm của tôi với vợ chồng Maria:
Tôi không biết tương lai tôi còn “đắm đuối” học cái gì nữa không?
Dường như Học là một hobby của tôi hay sao vậy. Nên cảm ơn Thượng Đế hay là không nhỉ?
Noel 2014
Hoàng Lan Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét