Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Ngày buồn hiu với bài hát cuối - Diệu Âm Phuong Doan

4583550938_1c6e3276da_z
 Còn 4 ngày nữa đến Lễ Giáng Sinh thì Việt Dzũng mất. Anh không kịp mừng lễ Chúa sinh ra lần thứ 55 trong đời mình, không kịp trình diễn 2 bài hát cuối cùng mà anh thu âm tại California. Hai bài hát về đức tin của anh, nỗi sợ hãi và phấn khích, trong đó có những câu hát như lời trối trăng sau cùng.

Ngày 20-12-2013 đó, mới đây mà đã một năm. Tại nghĩa trang Good Shepherd Cemetery, cỏ đã xanh quanh bia mộ. Nụ cười của anh dừng ở tại phiến đá. Bình yên hay khắc khoải, khó ai biết được. Cũng giống như Emily Bronte viết lời kết trong Đỉnh Gió Hú, rằng cỏ xanh và con mắt trần gian khó mà biết được nỗi niềm của người nằm dưới bia mộ đó, có thật sự an nghỉ hay không?
Từ ngày tháng ấy, người Việt hải ngoại ở hai miền Nam Bắc California không còn nghe được tiếng nói của Việt Dzũng trên đài phát thanh mỗi sáng. Giọng cười sảng khoái và cách đọc tin như cấu níu người nghe của anh “mời quý vị quay lại với Việt Dzũng”… như vẫn âm vang đâu đó. Vốn bởi, người ta đã quá quen thuộc sự có mặt của anh bất kỳ trong một chương trình ca nhạc hay sinh hoạt cộng đồng. Khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết về niên kỷ hồi sinh với một Việt Nam đã dựng nên bên ngoài Việt Nam, theo đó đã có những con người không thể nào quên  của lịch sử, của phận người vận nước, như Việt Dzũng.
Mấy năm trước, một lần được xem anh và ca sĩ Nguyệt Ánh hát ở Houston. Giữa chương trình đang rất sôi động, đột nhiên có khoảnh khắc Việt Dzũng buông micro, thừ người ngay trên sân khấu. Mắt anh buồn. Tôi chụp được giây phút đó, đưa cho anh xem lại và hỏi có phải anh mệt không? Anh cười, “Anh nghe bài Em có mơ một ngày về của chị Ánh, rồi tự hỏi anh có kịp về quê hương mình không”.
Việt Dzũng đầy thứ bệnh trong người. Bác sĩ nói bất cứ lúc nào trái tim hay mạch máu của anh đều có thể ngừng lại không cần lý do chính đáng. Vì vậy mà Việt Dzũng tận dụng mọi thời cơ có được trong đời mình để lăn xả vào hoạt động, để sáng tác, hát, gầy dựng một điều gì đó. “Em nghĩ anh có kịp về được Việt Nam không?”. Thật khó mà nhìn thẳng vào mắt của anh để trả lời đúng cho câu hỏi này. Dù tôi gật đầu, nhưng ánh mắt thông minh vẫn luôn đầy giễu cợt của anh như xoáy vào, im lặng và thấu hiểu. Đầu năm 2013, trong chuyến lưu diễn ở Úc, Việt Dzũng âm thầm cho in trên mặt đĩa lời chia tay khán giả ở Châu Đại Dương, nói rằng đây sẽ là chuyến lưu diễn cuối cùng của anh.
Về Việt Nam, vẫn là một trong những câu chuyện hay được gợi lên từ Việt Dzũng. Nó cũng là sự khắc khoải của rất nhiều người Việt lìa xa quê hương mà linh hồn như vẫn quẩn quanh nơi chôn nhau cắt rốn. Mỗi khi chứng kiến hay nghe về đề tài này từ những người vọng quốc, tôi vẫn hay rờn rợn trên da, thấm thía một nỗi buồn khó tả. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy, một con người vẻ như bất cần thế giới, trước khi được chính thức về nước, cũng đã từng thì thầm hỏi qua điện thoại rằng “ở Việt Nam còn ai nghe nhạc của tôi không?”. Nghe mà tê tái, không phải cho riêng ai, mà cho một dân tộc và tổ quốc quá đoạn trường.
Trong một lần đi diễn ở Sacramento, Việt Dzũng nghe đồn có một ông thầy Miên coi bói rất hay. Tò  mò, anh chạy đến gặp ông thầy, và chỉ hỏi một câu “khi nào tôi có thể về Việt Nam?”. Ông thầy không biết Việt Nam là gì, cũng chẳng màng thế sự, chau mày nói rằng “nếu ông sống qua năm tới, thì 2015 ông có thể về được”. Chuyện tưởng như đùa, nhưng Việt Dzũng đã không đi qua được ngày tháng đó. Đường về đã gần qua nắng gió, nhưng xa hơn trong trần thế.
Khi bắt đầu mệt hơn thường lệ, Việt Dzũng nhờ hoà âm gấp hai bài hát để anh hát khi còn sức. Một bài có tên Cùng đi với tôi do anh viết, và bài Đừng sợ của một tác giả trong nước. Trong bài Đừng sợ, nhạc sĩ Việt Dzũng viết lời 2 cho bài hát này, mà anh nói rằng ngẫu hứng từ các sự kiện của giới Công giáo. Còn bài Cùng đi với tôi thì lại là một ca khúc như lời từ biệt. Giọng hát anh yếu hẳn trong bài hát này, dù thu sửa nhiều lần. “Vậy thôi, anh không làm hơn được nữa rồi”, Việt Dzũng lắc đầu.
Đừng đi đằng trước xa tôi
Tôi sẽ không theo kịp bước chân người
Đừng đi đằng sau lưng tôi
Tôi sẽ lầm đường lạc lối
Một năm sau, nghe lại bài hát này. Chợt nhận ra anh đã đi rất nhanh. Đã không thể bắt kịp anh rồi.
Hai bài hát như nói thay cho cảm giác cô đơn của Việt Dzũng khi hiểu mình sắp bước vào một chuyến đi xa. Hát với mình, anh tự trấn an về một nỗi sợ mơ hồ của số phận. Anh xin được giao phó linh hồn cho Chúa. Và anh cũng như muốn nhắc mọi người rằng đừng quên người bạn đã chống đôi nạng đi cùng mọi người rong ruỗi qua mọi nẻo đường của yêu thương, lý tưởng và chia sẻ. Bài hát như lời gọi đến những ai quen biết, để bày tỏ, khi thấy không còn kịp nữa.
Nhưng lúc này, làm sao để nói cho anh biết rằng cuộc sống này bỗng buồn hiu, khi mỗi sáng không còn nghe giọng truyền thanh của anh trên Radio Bolsa. Gió đã lạnh ngày cuối năm. Giáng sinh về. Nghe lại bài hát cuối cùng của anh. Viết mảnh giấy nhỏ, đốt và để tro bay theo gió về hướng anh nằm, hướng biển Huntington Beach. Vài chữ để anh đọc: “Thật sự, buồn hiu”.
Kỷ niệm một năm ngày nhạc sĩ Việt Dzũng mất
(20-12-2013  /  2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét