Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Con Ốc, Cái Tăm & Cây Đũa - S.T.T.D Tưởng Năng Tiến


Chúng ta đã sản xuất được ốc vít, phải khẳng định như thế.
Trong tiếng Việt “con ốc” với “con vít ” là một, nếu chúng đều nằm trong thùng đồ nghề sửa xe. Còn trên bàn ăn thì hai con tuyệt nhiên không có liên hệ gì (ráo) với nhau.
 
Sở dĩ có chuyện hơi rắc rối như vậy bởi con ốc có nguồn gốc từ phương Tây. Khi  mới đến Việt Nam, có người thấy mặt (liền) đặt tên nó là “con ốc” vì trông cũng hơi giông giống.
 
Nhưng ốc có nhiều loại (ốc biển, ốc núi, ốc khe, ốc ao, ốc suối, ốc vườn, ốc ruộng…) với hình dạng và tên gọi khác nhau: ốc dừa, ốc gạo, ốc hương, ốc lác, ốc leng, ốc ma, ốc nhồi, ốc vòi voi, ốc sên, ốc móng tay, ốc bươu vàng, ốc mỡ, ốc đỏ, ốc ngựa, ốc vú nàng, ốc bàn tay, ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc tù, ốc trám, ốc bùn, ốc mượn hồn… Ngó bộ cũng lộn xộn dữ nên có kẻ (bèn) gọi nó là con vít – gần như cách phát âm chữ “vis” trong tiếng Pháp.
 
Tưởng như vậy là êm chuyện nhưng dân Việt Nam, ở vùng biển, không chịu vậy. Mấy chả nghe nói tới con vít là nghĩ ngay đến một loại rùa biển, mang khìa nước dừa để nhậu chơi, chớ không phải là … con ốc.
 
Do đó – có lúc, và tuỳ nơi – con ốc còn được gọi là con đanh vít, hay đinh vít. Cũng có khi, cho nó chắc ăn, người ta dùng danh từ kép: con ốc - vít.
 
Việt Báo.VN – số ra ngày 7 tháng 10 năm 2005 – có đăng một  một bản tin rất ngắn (và hơi buồn) về ốc:
 
 “Chúng Ta Chưa Tự Làm Ðược Cái Ðinh Vít” 
 
“Mỗi năm kinh phí cho hoạt động NC&PT lên tới 200 triệu USD. Chúng ta cũng đã có trên 1,4 vạn tiến sĩ và 1,6 vạn thạc sĩ. Đây là niềm tự hào bởi con số này cao gấp gần năm lần so với Thái Lan và gần 6 lần so với Malaysia. Nhưng nhìn lại trên góc độ hiệu quả thì thật đáng buồn … dù có hàng chục luận án tiến sĩ về tôi thép và cơ khí nhưng trong nước vẫn chưa tự làm được con ốc cho xe máy, ô tô đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren).”
 
Mười năm sau, hồi đầu tháng 10 năm nay, Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bất ngờ (và mạnh miệng) tuyên bố: “Chúng ta đã làm được ốc vít.” Thiệt là một thành quả vĩ đại chưa từng thấy.
 
Cả nước mừng muốn chết luôn! Biến cố lại xẩy ra đúng với dịp lễ mừng 60 năm “Giải Phóng Thủ Đô” nên Đảng và Nhà Nước cho bắn pháo bông ăn mừng quá trời quá đất.
 
Báo Dân Trí hớn hở loan tin: “Mặc dù 21h đêm nay (10/10), các điểm bắn pháo hoa của Hà Nội mới ‘khai hỏa’, nhưng ngay từ chập tối dòng người đã đổ về những điểm này. Cả biển người chờ đón giây phút hân hoan cùng màn pháo hoa trên bầu trời...”
 
Ai cũng vui như Tết, trừ blogger  Cánh Cò:
 
Câu nói xuất hiện vào năm 2014, sau hơn ba phần tư thế kỷ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần 40 năm sau khi Sài gòn hoàn toàn giải phóng.
 
"Con ốc vít" ấy là một sự thật não nề xứng đáng đứng bên cạnh "con tự do" cũng ê chề không kém.
 
Cái mà cả hệ thống từng rêu rao là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nay đã trần truồng nằm phơi trên các trang báo đảng lẫn báo dân. "Con ốc vít" trở thành best seller trên một thị trường được xem là phát triển ngoạn mục nhất nhì Đông Nam á.
 
"Con ốc vít" hiền lành, vô hại nay bỗng dưng bị lật lên lật xuống xem xét từng chi tiết. Mà lạ lắm, không thấy chi tiết nào đáng chú ý cả vì nó cũng như hàng tỷ con ốc trong guồng máy kinh tế này, nhưng khi một con trong cái đám hàng tỷ con ấy mang quốc tịch Việt Nam thì sự tự sướng lên tới mức ngất ngây như khuôn mặt ửng hồng của ông bộ trưởng.
 
Một con ốc vít không phải là tất cả nhưng cũng cho thấy cố gắng không ngừng của nhà nước, rất chú ý tới nền công nghiệp nước nhà.Chỉ có điều, người dân lại tưởng ông Bộ trưởng đánh lừa họ vì không lẽ sau bao nhiêu năm mà chế độ chỉ làm được một con ốc vít?
 
Coi: thằng chả khó tính dữ hông? Mấy năm trước thì than phiền: “Có trên 1,4 vạn tiến sĩ và 1,6 vạn thạc sĩ... có hàng chục luận án tiến sĩ về tôi thép và cơ khí nhưng trong nước vẫn chưa tự làm được con ốc cho xe máy, ô tô đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren).” Nay thành tích đã đạt được thì lại buông thõng một câu, nghe mà phát chán: “Không lẽ sau bao nhiêu năm mà chế độ chỉ làm được một con ốc vít?”
 
Được thế thì đã phúc!
 
Tôi e là bác Cánh Cò còn chưa biết rằng mấy con ốc vít của Việt Nam được làm ra  chỉ để chưng chơi, cho vui mắt, chứ không có giá trị thị trường vì “chi phí năng xuất thấp” và “giá thành quá cao” – vẫn theo như (nguyên văn) lời của ông Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
 
Sản xuất ra ốc vít mà gía mắc hơn mua thì mất công làm chi cho má nó khi. Hãy nghe lời khuyên của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh (trình bầy trước Bộ Chính Trị) từ năm 2009:
 
“Tại sao thằng Nhật Bản nó không làm máy bay? Không phải là công nghiệp của nó không làm được máy bay đâu. Mà bởi vì là nó làm cái máy ảnh kỹ thuật số nó lãi nhiều hơn. Chứ máy bay không có nhôm, không có thứ này khác, nó làm làm gì. Chứ không phải thằng Nhật Bản là thằng ngu, thằng khờ, đến mức nó không làm được máy bay. Nó làm được khối, nó làm được máy bay chiến đấu của nó khá ra phết chứ không phải là ít đâu. Thế nhưng mà những gì mà nó cho rằng không cạnh tranh được thì không làm, làm cái khác, thế thôi.
Cái khác là cái gì đây cà?
 
Cái đinh nhá? Đinh mà cứ đóng là vẹo ngay và giá thành lại cao hơn đinh nhập khẩu thì cũng hỏng bét.
 
Thôi thì đành quay về tay nghề (tiểu công nghệ) truyền thống của cha ông, không dây vào những “công nghiệp nặng” như chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước, như trước nữa.
 
Ta làm cái tăm và cái đũa vậy. 
 
Tưởng vậy nhưng cũng không phải vậy.
 
Trên báo Hà Nội Mới, số ra ngày 15 tháng chín năm 2014, ông Cù Xuân Trường buồn bã cho hay:
 
 Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu cả chục nghìn tấn đũa tre, tăm tre từ Trung Quốc. Với một đất nước "đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn", liệu đây có phải là câu chuyện bình thường? Phải chăng chiếc tăm, đôi đũa của nước ngoài được chế tạo bằng một loại "công nghệ" đặc biệt và có những "công năng" sử dụng vượt trội so với chiếc tăm, đôi đũa của ông bà ta để lại từ xa xưa?
 
Vì chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích việc đầu tư sản xuất nên giá thành một gói tăm, đôi đũa của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc? Vì các doanh nhân Việt Nam quen thói "làm ngay, ăn ngay"? Hay là vì rừng tre Việt Nam đã cạn kiệt đến mức không còn đủ nguyên liệu cho sản xuất?
Riêng về câu hỏi cuối thì trang VEF (Vietnam Economic Forum) đã có câu trả lời, từ lâu rồi:
 
 “Hàng ngàn tấn tre nguyên liệu không kể non hay già đã được thương lái Trung Quốc tận thu tại các vùng trồng tre vào năm 2010, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Tăm tre Bình Minh (Hà Nội), cho biết. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tre trong nước như tăm tre, đũa tre... khi ấy đã rơi vào tình cảnh đói nguyên liệu.
 
Cùng thời gian trên, báo Hải quan đưa tin, 1.118 tấn tăm tre được nhập qua các cảng vào Việt Nam, chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan. Các doanh nghiệp trong nước lúc này lại đau đầu với một khó khăn khác: tìm đầu ra cho sản phẩm khi phải cạnh tranh khốc liệt với tăm tre nhập khẩu giá rẻ...
 
Đó là chưa kể, trồng tre cũng là trồng rừng, có tác dụng bảo vệ môi trường, khí hậu. Khai thác tre quá mức cũng không khác nào tàn phá rừng.
 
Đã đến lúc, các doanh nghiệp trong nước phải tìm cho mình hướng đi mới...”
 
Còn hướng (mẹ) nào nữa mà tìm?
 
Không làm được con ốc vít, không làm được cây tăm, cây đũa thì biết làm gì để sống?
 Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Đại Học Quốc Gia Singapore.
Ảnh: eduvision.vn
 
Chuyện mưu sinh, kể ra, cũng không khó khăn chi lắm – ở Việt Nam – theo nhận định của tiến sĩ  Vũ Minh Khương:
 
“Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế đẹp và nhiều tài nguyên quý giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống xênh xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân golf và dân ta sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày” Mỗi chúng ta, dù sao hãy cùng trả lời một câu hỏi day dứt: Dân tộc Việt Nam ta hôm nay có đủ lòng quả cảm “chặt cầu để tiến lên không?”
 
Chớ còn ảo tưởng gì nữa về cái “cầu XHCN” mà không chặt mẹ nó đi cho xong nợ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét