Ông ta đột nhiên thức giấc và thấy mình tỉnh ngủ ngay lập tức. Mới chỉ có 4 giờ sáng thôi, là giờ mà cha cuả ông vẫn thường gọi ông dậy để giúp việc vắt sữa bò. Cái thói quen dậy sớm vẫn cứ bám theo ông ta mãi ! 50 năm rồi còn gì, và người cha cũng đã mất 30 chục năm qua, thế mà ông ta vẫn thức dậy vào lúc 4 giờ sáng. Thông thường thì ông ta sẽ xoay mình rồi ru giấc ngủ trở lại, nhưng hôm nay là buổi sáng Giáng sinh, ông không muốn ngủ nữa.
Tại sao ông ta cảm thấy mình tỉnh táo như thế? Dĩ vãng chợt trở về với ông, một việc dễ dàng vào lúc lớn tuổi như thế này. Lúc đó ông mới có 15 và còn sống trong trang trại với cha. Ông yêu cha cuả ông. Nhưng đó là điều mà ông không biết cho đến một ngày kia, một vài ngày trước lễ Giáng Sinh, ông tình cờ nghe ông bố nói chuyện với bà mẹ.
"Mary, tôi không muốn gọi thằng Rob dậy sớm như thế này. Nó đang ở tuổi lớn nhanh và cần ngủ nhiều. Bà thử nhìn nó mà xem, cứ để nó ngủ! Tôi sẽ cố làm một mình."
"Ôi, ông không làm được đâu, ông Adam." Giọng nói của bà mẹ có vẻ dứt khoát. "Nó không còn là một đứa bé nữa. Bây giờ là tới phiên nó lo việc gia đình."
"Ừa," người cha nói cách chậm rãi. "Nhưng tôi chẳng muốn đánh thức nó dậy tí nào."
Khi nghe vậy, một cái gì đó nói cho ông biết: cha cuả ông yêu ông lắm! Ông chưa hề nghĩ ra điều đó, thường cho rằng tình phụ tử là thường tình. Và cả hai người, cha và mẹ ông, cũng chẳng bao giờ nói lên sự yêu thương con cái của họ - Họ có thời giờ đâu mà nói. Ở trang trại thì luôn luôn có rất nhiều việc phải làm lắm.
Từ khi ông biết người Cha yêu thương mình, thì ông không còn ngập ngừng mỗi buổi sáng hoặc để gọi dậy lần thứ hai. Ông bật dậy ngay, dù ngã lên ngã xuống trong cơn ngái ngủ, và mặc quần áo vào, dù đôi mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng đã thức.
Rồi sau đó vào một đêm trước Giáng sinh lúc ông đi ngủ, khi ông mới lên mười lăm, ông đã nằm suy nghĩ ít phút về việc cuả ngày hôm sau. Nhà ông nghèo, hầu như mọi sự vui nhộn thì chỉ quanh quẩn ở cái việc ăn thịt con gà tây mà họ đã nuôi và cái bánh nướng nhân thịt mà bà mẹ làm. Các cô em sẽ tặng vài món quà do họ tự đan lấy và bà mẹ và ông bố chỉ mua một cái gì đó mà họ cần, có lẽ là một chiếc áo ấm, nhưng cũng có thể là một cái gì khá hơn, như một cuốn sách chẳng hạn. Và ông thì cũng để dành cho mỗi người một cái gì đó.
Ông đã ước ao rằng, lúc Giáng Sinh 15 tuổi đó, là ông có một món quà tốt hơn cho cha mình. Thông thường thì, ông sẽ đi đến các cửa hàng tạp hoá bán những món đồ 10 xu và tìm mua một cái cà vạt. Và như vậy thì cũng đủ, cho đến lúc này, một đêm trước Giáng sinh, khi ông nằm suy nghĩ. Ông nhìn ra cửa sổ cuả chiếc phòng ở trên gác lửng dành cho con trai, các ngôi sao chiếu sáng thật là sáng.
"Bố à", ông nhớ đã từng hỏi hồi còn rất bé, "Máng cỏ là gì vậy?"
"Chỉ là một cái chuồng," Cha của ông trả lời, "giống như cuả nhà mình."
Chuá Giêsu đã sinh ra trong một cái chuồng, và đám mục đồng đã đến đó...
Tư tưởng về cái chuồng chợt xuyên qua trái tim ông giống như một lưỡi dao sáng bàng bạc. Tại sao ông không tặng cho cha mình một món quà đặc biệt, ngay tại cái chuồng? Ông có thể dậy sớm, sớm hơn bốn giờ sáng, và ông có thể lén vào cái chuồng và vắt hết sữa bò. Ông muốn làm điều đó một mình thôi, từ việc vắt sữa đến lau chùi, để sau đó, khi cha ông đi vắt sữa thì mọi việc đã xong xuôi rồi. Và cha ông sẽ biết là ai làm việc đó. Ông cười đắc ý một mình trong khi nhìn lên những vì sao. Quyết định như thế rồi, ông lại lo không để cho mình ngủ quên.
Ông thấp thỏm thức dậy tới 20 lần, mổi lần bật que diêm nhìn đồng hồ - nửa đêm, rồi 01:30, rồi 02:00 giờ.
Vào lúc 2:45g ông đứng dậy mặc quần áo. Rón rén xuống cầu thang, cẩn thận không đạp vào miếng gỗ thường kêu cót két, và lén ra khỏi nhà. Những con bò nhìn ông ta, mắt còn buồn ngủ nhưng ngạc nhiên. Bây giờ còn quá sớm cho cả chúng nữa.
Ông chưa hề vắt sữa một mình bao giờ, nhưng lần này sao mà dễ dàng thế. Ông cứ suy nghĩ về việc cha ông sẽ ngạc nhiên như thế nào. Này, ông ấy sẽ tới phòng ngủ gọi ông dậy, nói rằng ông ấy sẽ đi chuẩn bị trước trong lúc Rob mặc quần áo. Ông bố sẽ đi ra chuồng bò, mở cửa, và sau đó, đi tìm hai chiếc thùng rỗng. Nhưng những chiếc thùng không còn ở đấy và cũng không còn rỗng, chúng đã được đặt ở nhà sữa và đã đầy.
"Mèn đéc ơi... " ông ta sẽ nghe được ông bố kêu lên như thế.
Ông tủm tỉm cười và vắt sữa đều đặn, hai dòng suối sữa đổ xô vào thùng, xùi bọt và bốc mùi thơm.
Công việc trôi chảy một cách dễ dàng hơn ông nghĩ. Vắt sữa lần này không chỉ là một việc vụn vặt. Nó còn là một cái gì khác, một món quà cho người cha, người yêu ông. Ông kết thúc, hai thùng đã đầy, ông đậy nắp lại và đóng cửa căn nhà sữa cẩn thận, xem xét kỹ lưỡng cái chốt cửa.
Về đến phòng thì ông chỉ còn có ít phút để cưởi quần áo và nhảy vào giường trong bóng tối, ngay sau đó thì ông nghe tiếng chân người cha đi lên. Ông kéo chăn phủ lên đầu và cố nín những hơi thở dồn dập. Cánh cửa mở.
"Rob!" Cha ông gọi. "Thức dậy thôi, con, dù là Giáng sinh."
"Ơ ơ-phải," ông nói giọng ngái ngủ.
Cánh cửa đóng lại và ông vẫn cứ nằm im, cười một mình. Chỉ vài phút nữa thì cha ông sẽ biết. Tim cuả ông nhảy múa như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.
Những giây phút trôi qua hầu như dài vô tận - mười, mười lăm, ông không biết là bao nhiêu - rồi ông nghe tiếng chân của cha một lần nữa. Cửa mở và ông vẫn nằm im.
"Rob!"
"Vâng, thưa bố--"
Cha ông cười, một tiếng cười thổn thức kỳ lạ.
"Bay tưởng Bay lừa được Ta hả?" Cha ông đã đứng cạnh giường, lục lọi tìm ông, kéo tấm chăn ra.
"Quà Giáng sinh mà bố!"
Ông cảm thấy cha ông ôm chặt lấy ông, da riết. Ông cảm thấy cánh tay của người cha vòng quanh ông. Trời tối nhưng họ vẫn nhìn thấy nhau.
"Con à, cảm ơn con. Không có ai làm một việc đẹp như vậy--"
"Oh, bố, bố phải biết - Con muốn tốt!" Những lời nói phát ra tự nhiên. Ông không biết nói gì. Trái tim cuả ông tràn trề thương yêu.
Ông đứng dậy và mặc quần áo một lần nữa và họ cùng đi xuống cây Giáng sinh. Thật là một Giáng sinh, và tim của ông lại gần như bùng nổ một lần nữa vì e thẹn và tự hào khi cha ông kể lại cho bà mẹ và các đứa em nghe rằng ông, Rob, đã tự dậy một mình.
"Đây là món quà Giáng sinh đẹp nhất cuả bố, bố sẽ nhớ mãi, con à, nhớ hằng năm vào sáng Giáng sinh, suốt đời."
Họ nhớ mãi, bây giờ thì cha ông đã chết, ông vẫn còn nhớ một mình: cái bình minh đầy ân sủng cuả ngày Giáng Sinh ấy, chỉ một mình với những con bò trong chuồng, ông đã tạo ra món quà đầu tiên cuả một thứ tình yêu đích thực.
Giáng sinh này, ông định viết một tấm thẻ cho vợ ông và nói với bà ấy là ông yêu bà ấy nhiều lắm, kể ra thì lâu lắm rồi ông chưa nói với vợ như vậy, mặc dù ông yêu vợ đặc biệt, còn nhiều hơn cả lúc còn trẻ. Ông cũng có cái may mắn là có bà vợ yêu thương ông. A, niềm vui đích thực của cuộc sống, khả năng yêu. Tình yêu vẫn còn sống trong ông, vẫn còn đó.
Đột nhiên ông khám phá ra rằng tình yêu cuả ông sống được bởi vì nó đã sinh ra trong cái ngày khi ông biết rằng cha mình yêu mình. Đúng thế: Chỉ tình yêu mới có thể đánh động được tình yêu. Và ông vẫn có thể tặng món quà tình yêu một lần nữa và một lần nữa. Vậy thì sáng hôm nay, buổi sáng Giáng sinh này, ông sẽ tặng quà cho người vợ yêu quý của ông. Ông sẽ viết nó xuống một lá thư cho bà ấy đọc và giữ mãi mãi. Ông đi đến bàn của ông và bắt đầu viết bức thư tình cho vợ ông: Em yêu quí của anh.. .
Thật là hạnh phúc, một Giáng Sinh hạnh phúc!
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Pearl Sydenstricker Buck (26 tháng 6 -1892 - 6 tháng 3 - 1973), có tên Tàu là Sai Zhenzhu (Trại Chân Châu,) là một nhà văn Mỹ đoạt giải văn chương Nobel 1938 nhờ ở những tác phẩm cổ võ sự cảm thông giữa các nền văn hoá, đặc biệt là giữa hai nền văn hoá Đông Phương và Tây Phương.
Là con gái của một mục sư Tin Lành, bà sống qua thời thanh thiếu niên ở Trung Quốc. Khi hoạt động xã hội, bà mở cô nhi viện ở Nam Hàn, đặt văn phòng xã hội ở Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Bà cho biết từng mê say đọc Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử và Hồng Lâu Mộng, và học viết văn theo cái nhìn nghệ thuật cuả người Trung Hoa.
Những câu chuyện cuả bà phát huy cái tinh thần mà bà mô tả khi nhận giải thưởng Nobel, bà nói " Ở Trung Quốc, quan niệm viết văn khác với nghệ sĩ phương Tây: 'viết cho nông dân, họ sẽ nói về đất, viết cho người lớn tuổi, nói về hòa bình, cho phụ nữ, nói về con trẻ, và cho thanh niên, nói về tha nhân' ".
Dù văn chương không 'hoa mỹ' như các tác giả Mỹ đương thời, bà vẫn là người Mỹ đầu tiên lãnh giải văn chương Nobel, bà kết luận khi nhận giải như sau: "Tôi được dạy để viết cho đại chúng. Nếu có hàng triệu người đọc một tờ báo, thì, tôi muốn câu chuyện của tôi in ở đó thay vì in ở trong một tạp chí thượng lưu chỉ có một vài người đọc."
Câu chuyện 'Buổi sáng Giáng sinh (Christmas Day in the Morning) ', sáng tác năm 1955, là một câu chuyện ấm cúng, đầy tính chất Á Đông, nói về một món quà cuả một đứa con trai tặng cho ông bố trong khung cảnh miền quê cuả Hoa Kỳ.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Pearl Sydenstricker Buck (26 tháng 6 -1892 - 6 tháng 3 - 1973), có tên Tàu là Sai Zhenzhu (Trại Chân Châu,) là một nhà văn Mỹ đoạt giải văn chương Nobel 1938 nhờ ở những tác phẩm cổ võ sự cảm thông giữa các nền văn hoá, đặc biệt là giữa hai nền văn hoá Đông Phương và Tây Phương.
Là con gái của một mục sư Tin Lành, bà sống qua thời thanh thiếu niên ở Trung Quốc. Khi hoạt động xã hội, bà mở cô nhi viện ở Nam Hàn, đặt văn phòng xã hội ở Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Bà cho biết từng mê say đọc Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử và Hồng Lâu Mộng, và học viết văn theo cái nhìn nghệ thuật cuả người Trung Hoa.
Những câu chuyện cuả bà phát huy cái tinh thần mà bà mô tả khi nhận giải thưởng Nobel, bà nói " Ở Trung Quốc, quan niệm viết văn khác với nghệ sĩ phương Tây: 'viết cho nông dân, họ sẽ nói về đất, viết cho người lớn tuổi, nói về hòa bình, cho phụ nữ, nói về con trẻ, và cho thanh niên, nói về tha nhân' ".
Dù văn chương không 'hoa mỹ' như các tác giả Mỹ đương thời, bà vẫn là người Mỹ đầu tiên lãnh giải văn chương Nobel, bà kết luận khi nhận giải như sau: "Tôi được dạy để viết cho đại chúng. Nếu có hàng triệu người đọc một tờ báo, thì, tôi muốn câu chuyện của tôi in ở đó thay vì in ở trong một tạp chí thượng lưu chỉ có một vài người đọc."
Câu chuyện 'Buổi sáng Giáng sinh (Christmas Day in the Morning) ', sáng tác năm 1955, là một câu chuyện ấm cúng, đầy tính chất Á Đông, nói về một món quà cuả một đứa con trai tặng cho ông bố trong khung cảnh miền quê cuả Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét