Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Giữa Lằn Ranh Mong Manh - ĐẶNG MỸ HẠNH

Giữa lằn ranh mong manh

Wednesday, 29 October 2014 12:34
Tác Giả 
Đặng Mỹ Hạnh

Chương mới của định mệnh

1
Tôi giống như một con ốc sên vụng về, chậm chạp trườn đi dưới sức nặng của cái vỏ. Nỗi cô đơn ốm o nằm cùng tôi bên gối trong căn phòng hotel tẻ lạnh. Mỗi khuya. Tôi thở hắt. Suy sụp. Ngã xuống đệm, chẳng buồn cởi bỏ bộ đồ nhàu nhĩ. Tôi kiệt sức ngủ thiếp từng chặp. Và gặt hái mùa ác mộng. 

Những ngày sống với sự ngược đãi của bóng tối, áp lực cảm giác làm tôi mệt mỏi. May còn bờ vai anh ở lại, thách đố mọi buồn vui trong đời. Nỗi đau buồn, giờ chỉ thuộc về ký ức; từ đoá hồng đã bị tuốt hết những cánh hoa. Chẳng còn cánh nào để ngắt!  
Sớm, tôi lấy taxi trở lại bệnh viện thăm anh. 

“Hôm nay, anh mới được y tá cho tắm,” anh khoe. Tôi đặt cái balô trên ghế, hôn lên nhúm chân tóc lún phún như đám mạ non của chồng. Cơn nắng đang làm mồi nhử bình minh ngoài cửa sổ. Tôi nghe vui với những ý nghĩ tinh quái, “Được y tá cho tắm, hay… tắm cho y tá!”   

“Đêm qua ở hotel, em ngủ có được không, honey?” Anh nắm tay tôi, chặt chịa đến lạ lùng. 

“Em ngủ đến quên cả thở.” Tôi áp tai vào ngực chồng, lắng nghe trái tim yếu ớt, vừa đủ để duy trì nhịp đập. Chợt nghe những cảm giác yêu thương chồng vợ vẫn còn lại sau nỗi lo âu thống khổ.  

Y tá Neil từ phòng Hồi Sinh ghé qua thăm anh.

“Chúc mừng, Andy. Thật khó tưởng, chỉ mới tuần trước ông còn ngắc ngoải trong phòng Hồi Sinh.” Neil bước đến, vỗ nhẹ vào vai anh, thân mật như gặp lại một người bạn cũ. Cái nháy mắt toát lên những thắc mắc, “Nè Andy, ông sẽ mong đợi điều gì xảy đến với trái tim mới mẻ của mình? Những cú shot với cái máy ảnh? Hay một bữa ăn tối thịnh soạn?”

Đôi chân gầy dãn ra, môi anh nhích một nụ cười hạnh phúc, “Là tất cả, Neil à. Là tất cả. Tôi chân thành biết ơn mỗi phút giây tôi được sống.” Anh dần nhận diện, mạch nguồn của cuộc sinh tồn. Bạn bè, đồng nghiệp, và những người thân yêu - như củi lửa chồng chất những ngọn lửa ấm. Và có khi, chỉ là những gương mặt bên lề đời, vẫn đầy những ân cần đáng quý.

alt

“We can fix broken hearts”

2
Mỗi ngày, nhìn anh kiên nhẫn nuốt trọn vốc thuốc từ tay cô y tá, tôi chẳng thể kiềm nổi cơn lợm cổ. 

“Có lúc, anh cảm giác mình như cái bao đựng chì, chầm chậm chìm xuống đáy sông…,” anh mệt mỏi xoay tròn cổ tay có đeo vòng nhựa ghi tên và số của bệnh nhân.  Ánh mắt như gợi lên những ký ức không hình thù, như bị cất giấu ở đâu đó. Tôi nhìn thấy anh nhô lên, và thoát khỏi chính định mệnh đã dìm anh xuống. 

“Không em ở đây, anh gặp ác mộng thường đêm. Anh lo cho em, honey. Không biết em ở hotel một mình có sao không? Em hốc hác quá!” ánh nhìn anh chua xót. 

“Em không sao, honey. Có anh trong đời sống- với em giờ đây- là một phép mầu,” tôi đang khước từ cái màu vàng của những mảnh rời lẻ đôi. Có những nỗi đau cần phải chôn vùi, một cách thầm lặng, trước khi nó biến thành những giọt nước mắt nóng hổi. 

3
Tiếp tân hotel gọi báo, tôi đã quên gia hạn thêm vài ngày trọ. Chết tiệt! Tôi lạc mãi cái nhịp điệu một dài hai ngắn. Đầu óc bập bềnh cơn lãng trí tệ hại. 

“Chúng tôi cần ưu tiên phòng cho khách mới, mong bà thông cảm,” người quản lý hotel nhã nhặn.

“Tôi biết, nhưng tôi chẳng đầu óc để tìm kiếm một cái hotel khác. Tôi chỉ cần khoảng cách ngắn nhất để đến bệnh viện mỗi ngày thăm chồng. Tôi chẳng đến đây để nghỉ mát, xin ông hiểu cho…” Nỗi cực lòng, nỗi sợ hãi, nỗi sầu vô tận. Tôi chẳng thể nhớ mình đã bộc bạch điều gì. Hay cái vẻ thống thiết của tôi đã dấy động sự thương cảm của người đời? Cái đêm sau đó khi trở về hotel. Một tấm thiếp trên bàn, kèm theo một lon đậu phọng, một thỏi kẹo chocolate, một cái bánh ngọt, và lời chúc, “Bà Hanna, cầu chúc ông nhà sớm  khỏe mạnh và trở lại với cuộc sống.” 

Bụi, khi bật đèn lên. Chẳng thấy gì ngoài lớp bụi. Và con người, cũng như sự vật, có những ẩn kín đóng kín dưới lớp bụi dày. Tôi gọi điện thoại xuống phòng tiếp tân, cảm ơn người quản lý khách sạn tên John đầy tử tế. 

4
Ngày anh rời viện, đời tôi như cơn nắng hửng màu. Không còn hình ảnh của một người đàn bà ôm nỗi cô đơn đứng nhìn con tàu ra khơi. Chẳng còn những giọt nước mắt đắm chìm vào những đêm khuya. 

Bên ngoài, nắng tụ những luồng nóng, táp lưỡi ngoài cửa sổ căn phòng trọ. Anh như một cái cây eo xèo đang gắng thu nhận dưỡng chất từ không khí. Tấm thân gầy guộc chỉ vừa rời giường bệnh đã lên cơn run rẩy. Tôi dìu anh đến giường, đắp chăn, vặn heat. Cặp cẳng tong teo thò ra từ hai ống short đang đình công đòi cái quần dài.

“Em cần đi mua cho anh cái quần dài và áo tay dài, sẽ về liền.” Tôi cẩn thận đắp lại tấm chăn cho anh. 

“Em đừng đi lâu, anh lo lắm,” anh bày tỏ, như chạm vào sự vắng mặt của tôi đã làm anh bất an. 

Tôi trấn an anh, cảm giác trầm tĩnh với chính mình. Bình an trong ân sủng của cuộc đời.

“Đừng nói về đến Mỹ mà không tìm mua được cái quần dài,” tôi lầm bầm, bước ra khỏi hotel, cắm đầu thẳng bước. Con đường nhựa thấp thỏm. Ngày sắp cạn. Bầu trời xám dần.

alt

Greyhound - chuyến xe bus gần 40 giờ đồng hồ từ FL về đến Dallas.

5
Rõ ràng, số phận có nhiều cách đùa cợt. Cái chết là vô tận những cánh đồng. Và sự sống là mênh mông những ngọn đồi. Những thử thách vẫn đang sát hạch tôi và anh. Thế nhưng cuộc đời, sẽ chẳng bao giờ hét lên, “Ôi, mẹ kiếp!”

Ngày kế tiếp. Y tá đến hotel thay băng cho bệnh nhân. Tôi hốt hoảng nhìn cái vết mổ như con rết dài chạy thẳng từ ức xuống rốn. Thần chết có trưởng giả đôi chút, và sử dụng thẻ trả góp sự sống trên mỗi phần đời. Mười tỉ cuộc đời của mỗi con người, quá nhiều những câu chuyện dẫn người ta đến cái chết.

Đêm đầu tiên ở hotel, chẳng thể chung nhau một giấc ngủ say. Cơn đau đớn. Cơn khủng hoảng cộng lại thành một cơn mớ đầy những chuỗi âm thanh ú ớ trong anh. Tôi rùng mình, sự sợ hãi và nỗi đau khổ, tôi thủ vai  kẻ sầu bi trong tấn bi kịch đã nhàm. Chẳng biết bao lâu, anh mới thoát được quỹ đạo của nỗi đau đớn này.

Tôi thức giấc mỗi sớm lúc 6 giờ để lấy điểm tâm cho anh. Tập đi. Phụ tắm rửa. Nỗi lo anh quá đói, quá no, quá lạnh, quá giờ thuốc, quá yếu sức… Bệnh viện như nhà trọ. Hotel là nhà. Một tuần nghỉ mát trở thành cơn ác mộng, kéo dài thành một tháng đằng đẵng xa nhà. Giờ đây, tôi biết rằng đôi chân mình đang trở nên mệt mỏi. 

Khốn quẫn đến kiệt quệ. Tôi thèm một giấc ngủ sâu quá đỗi.   

6
Không được phép lên máy bay sau 6 tuần lễ đầu rời viện. Nỗi túng quẫn chẳng khác bị vướng vào cái mạng nhện khủng hoảng vô hình. Thời gian đã không là tiền bạc và trở gánh nặng triền miên. Đã có lúc, tôi ước ao, chiếc Air Ambulance lại chẳng thể chở  anh về thẳng Dallas. Đỏ mặt hay nín lặng. Tôi thực sự mong ngày về nhà như sản phụ mong đẻ. 

Văn phòng bác sĩ chuyên khoa tim mạch gọi điện thọại cho biết, anh sẽ có cuộc hẹn tái khám, sớm hơn dự tính một tuần lễ. Hai nhân vật đau buồn trong cốt truyện bi thương, chẳng thể háo hức hơn khi nhận được tin vui giữa giờ tuyệt vọng. 

“Mọi thứ đều ổn cả. Ông có thể ngao du bình an bằng xe bốn bánh để về nhà,” bác sĩ David đưa cái nháy mắt hóm hỉnh, lạc quan về phía anh. 

7
Tôi phải nức nở thú nhận rằng, sự hối hả trước một chặng đường dài là một thử thách kinh nghiệm cực kỳ “đau khổ” trong đời. Trái tim tôi vẫn se thắt khi mường tượng tai ương vẫn có thể xảy ra khi hành động trật chìa. 40 giờ đồng hồ lây lất. Lên xe xuống… trạm (bus). Cơn khủng hoảng vẫn như một con ngựa bất kham làm tôi đuối sức, cảm giác có thể quỵ vó bất kỳ lúc nào.   

Thoát lậu những nỗi bất hạnh. Tôi thấy được sự khác nhau giữa đen và trắng. Giữa đầy và trống rỗng. Giữa chết và sống. Tôi tỉnh dậy giữa một thiên đường của ngày. Bàn tay tôi đang nắm giữ một thứ hạnh phúc vô giá - Một tình yêu bất tử trong cuộc đời. 

Tôi vẫn gắng sức phiêu lưu cùng anh đến trang cuối của định mệnh. 

alt

Và con tim đã vui trở lại. Người mang trái tim mới... sửa - Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh - ở Airshow Dallas, cuối tháng 10, 2014

ĐMH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét