Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Nền Giáo Dục Việt Nam - Mai Thanh Truyết


Chương trình Tiếng Nói Da Vàng
Nguyên Do và Thách Thức trong Giáo Dục Việt Nam
Ngọc Minh: Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều nghịch lý trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ những yếu tố trên tạo ra rất nhiều thách thức mà những người quản lý đất nước không thể bỏ qua nếu còn mang trái tim Việt. Do đó, việc cần phải có những thay đổi cần thiết và rốt ráo với một quyết tâm cải sửa những sai lầm hiện có, mới hy vọng làm thay đổi đất nước. Ts có ý kiến gì về các nghịch lý của vấn đề nầy.
Mai Thanh Truyết: Thưa anh Ngọc Minh, chính sách “xã hội hóa giáo dục” của VN đã được khơi mào ngay từ khi Bộ luật Giáo dục ban hành năm 2005 trở đi. Kể từ mốc thời gian nầy, chúng ta có thể nhận biết ngay sự thất bại của chính sách trong phần hội luận tuần trước về “Hiện trạng giáo dục Việt Nam”. Trong chính sách nầy, Nhà nước sẽ giữ vai trò quyết định trong việc phát triển công tác giáo dục (mission of education), trực tiếp điều hành sự đa dạng trong các thể loại trường ốc và cơ cấu giáo dục như giáo trình, học cụ, nhân viên giảng huấn v.v…Thêm nữa, Nhà nước còn khuyến khích, khởi xướng, và khích lệ tất cả các tổ chức, gia đình, và mọi công dân quan tâm đến giáo dục, …để cùng hoàn thành mục tiêu giáo dục trong một môi trường lành mạnh.
Luật trên lý thuyết rất trong sáng, nhưng có thể nói trong suốt suốt thời kỳ “cai trị” miền Bắc từ năm 1954, cũng như miền Nam sau 30/4/1975, một Đạo luật bất thành văn luôn luôn hiện hữu trong tất cả chính sách giáo dục từ tuyển sinh cho đến việc chọn lựa trường ốc, từ văn bằng tốt nghiệp đại học cho đến việc phân bổ nhiệm sở, thậm chí cho đến lương bổng cùng phụ cấp …cũng còn nhiều phân biệt đối xử.
NM: Ông muốn nói chính sách phân biệt đối xử trong giáo dục VN là gì thưa Ông?
MTT: Đó là chính sách “Hồng hơn Chuyên” thưa anh.
Khi còn là học sinh, sinh viên, tầng lớp 4C tức “con cháu các cụ” hưởng đủ mọi ưu đãi của nhà trường, nào là được điểm ưu tiên trong các kỳ thi cử nhứt là khi các cậu ấm cô chiêu nầy bắt đầu vào tầng lớp “học sinh, sinh viên nồng cốt”, rồi “đối tượng Đoàn”, Đoàn, rồi đối tượng Đảng, sau cùng là Đảng.
Ngay sau khi tốt nghiệp, các cô cậu Cử lại được điền khuyết vào những vị trí béo bở vừa an toàn cho bản thân, vừa có điều kiện tiếp nối cha ông trong …bước đường vinh thân phì da và tàn phá tài nguyên cùng sinh khí của dân tộc.
Chính chính sách nầy và hệ lụy của nó làm thui chột bước phát triển của tuổi thanh niên, tương lai của một dân tộc. Một khi lý tưởng quốc gia, tình tự dân tộc đã bị đánh mất, tuổi trẻ Việt Nam tương lai sẽ mất phương hướng và Đất và Nước sẽ lùi dần vào bóng tối.
NM: Ông vừa nói tệ trạng căn bản của chính sách giáo dục, còn về các nghịch lý trong chính sách như thế nào, thưa Ông?
MTT: Đó là 5 nghịch lý: về số lượng, về phẩm chất, về phương pháp giảng dạy, về nhân viên giảng huấn, và chính sách thi cử.
NM: Xin Ông nói rõ hơn
MTT: Trước hết, về nghịch lý về số lượng, mặc dầu số trường ốc, học sinh, sinh viên, thầy cô có tăng trong theo thời gian, nhưng mức tăng trưởng không theo kịp đà gia tăng dân số. Nhu cầu Thầy Cô tăng trưởng và phân bố không đồng đều như dư thừa ở các thành phố và thiếu hụt ở các vùng xa xôi. Thành phần giáo viên ở mọi cấp là một thành phần “bán cháo phổi” bị thiệt thòi nhiều nhứt. Chính vì vậy rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không nhận nhiệm sở mà làm nhiều công việc không phù hợp với khả năng của mình. Thí dụ sinh viên tốt nghiệp sư phạm ban Anh ngữ hay Pháp ngữ thường bỏ nhiệm sở đi làm cho các công ty ngoại quốc với lương bổng gấp 10 hay 20 lần cao hơn. Đây là một thất thoát nhân lực và nguyên khí quốc gia không nhỏ.
Năm 2012, Bà Nguyễn Thị Bình, Cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có nói tới việc “chấn hưng giáo dục và bắt đầu từ người thầy”.
NM: Còn vấn đề nghịch lý về phẩm chất như thế nào thưa Ông?
MTT: Về phẩm chất, Giáo dục Việt Nam nặng về lý thuyết. Học sinh, sinh viên học ngày học đêm, quên cả tuồi trẻ mà phẩm chất vẫn kém. Người thầy vẫn còn áp dụng phương pháp từ chương “đọc, chép” và không có điều kiện hay không muốn cập nhật hóa môn giảng dạy của mình.
Về chương trình giảng dạy quá nặng nề và có nhiều tiết mục chiếm nhiều thời gian học tập mà không cần thiết như Triết học Mac Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị Mac Lênin, Lịch sử đảng công sản Việt Nam và tư tưởng HCM. Những môn học nầy hoàn toàn không giúp ích được gì trong suy nghĩ của những chuyên viên tương lai trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Có chăng các môn học trên sẽ đào tạo ra những “robot” trung với đảng và sống chết với đảng, còn đảng là còn công an… mà thôi!Hình dung chương trình học lớp 12 có 39,5 giờ trong một tuần, những tiết học như thể thao và quân sự học đường chiếm 2 giờ và các giờ sinh hoạt khác như đoàn thanh niên, học tập chính trị qua các môn học kể trên chiếm 10.5 giờ. Do đó, học sinh học chuyên môn thực sự chỉ còn có 27 giờ.Chính Nguyễn Khoa Đạo, Viện sĩ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị là “phải nhìn thằng vào sự lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam so với thế giới và so với nhu cầu của đất nước và thời đại mới”.Hoặc Ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển trong một báo cáo về tình hình giáo dục Việt Nam trước quốc hội rằng:”chất lượng giáo dục thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu, chậm đổi mới, kỷ năng thực hành và khả năng tự học của học sinh còn thấp, nạn học thêm hay dạy thêm, bằng cấp giả chưa được giải quyết, cơ chế quản lý giáo dục chưa thích hợp với nền kinh tế thị trường, việc quản lý còn nặng tính quan liêu”.Phân tích và nhận định quá chính xác, nhưng tình trạng giáo dục vẫn không thay đổi vì một cơ chế đóng băng của đảng, giống như những ngày đầu tiên CS Bắc Việt nm quyền cai trị dân, thử hỏi làm sao đất nước không lụn bại được. Thêm nữa, về nạn bằng cấp già, chính cán bộ, đảng viên từ Bộ Chính trị cho đến Trung ương đảng, người người, nhà nhà đều xài bằng cấp giả.Ngay cả một ông cựu bộ trưởng Giáo dục, Phó thủ tướng, và bây giờ là Ủy viên Bộ Chình trị tốt nghiệp Tiến sĩ ở một trường đại học ngoại quốc trong khi trường đó chỉ được thành lập 9 năm sau ngày ông tốt nghiệp!
NM: Phẩm chất giáo dục của Việt Nam như ông trình bày đã mang lại ảnh hưởng không tốt cho học sinh, sinh viên, như vậy còn phương pháp giảng dạy của hệ thống giáo dục hiện tại như thế nào thưa Ông?MTTVề phương pháp giảng dạy, có thể nói, hầu hết Thầy Cô ở Việt Nam vẫn còn áp dụng phương pháp giảng dạy “người Thầy là người phát ngôn (speaker) chánh, và học trò là người nghe “listener” chánh. Chính phương pháp nầy tạo ra một sự nhàm chán trong học tập và thúc đẩy việc học trong chiều hướng thụ động, học thuộc lòng, và học sinh không cẩn tìm hiểu hay đặt câu hỏi.
Việt Nam cần một phương pháp giảng dạy cách mạng hơn, linh động hơn trong việc đào tạo người thầy trong chiều hướng toàn cầu hóa và sau đó áp dụng cho học trò hầu mong tạo dựng được một sinh khí mới trong giáo dục.
Một nguyên nhân khác trong việc giảng dạy là người Thầy luôn bị áp lực là dạy theo giáo án, giáo trình “một cách mù quáng”, không thể thay đổi ngay cả giáo án có nhiều điểm sai đầy rẩy trong đó. Người viết đã khám phá trong kỳ thi tuyển vào Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1976, đề thi môn hóa học sai trái và thiếu nhiều dữ kiện để lý giải. Khi báo cáo lên “Ông Chủ khảo” trường thi, thì được trả lời thẳng thừng là “đừng nói ra” và buổi thi vẫn tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy, người thầy xã nghĩa là một người thầy không còn “nhân vị” nhưng luôn được chế độ gán cho danh hiệu cao quý là “kỹ sư tâm hồn”. Tâm hồn đây phải chăng là tâm hồn của một con cừu Panurge!
Thêm nữa, lớp học quá tải cũng là một nguyên nhân làm cho việc giảng dạy không có hiệu quả và cũng là một thách thức cho người thầy mỗi khí áp dụng một phương pháp giảng dạy mới và tân tiến hơn. Phương pháp học nhóm, kiểm soát liên tục, sinh hoạt học tập ngoài lớp học tạo sự sáng tạo nơi học sinh, sinh viên không thể nào được áp dụng trong điều kiện sinh viên đông đúc như hiện tại được.
NM: Còn về vấn đề nhân sự như Giáo viên, Giáo sư, điều kiện trường ốc, sách giáo khoa, cũng như việc quản lý nhà trường có theo kịp trào lưu trên thế giới hay không, thưa Ông?
MTT: Việt Nam hiện đang thiếu nhân viên giảng huấn trầm trọng cả về phẩm lẫn lượng. Rất nhiều người thầy không hội đủ điều kiện chuyên môn để giảng dạy, nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn được đứng lớp, đôi khi còn được đãi ngộ tốt hơn so với người thầy đúng nghĩa với đầy đủ chuyên môn. Tuyệt đại đa số người thầy xã nghĩa không có điều kiện nghiên cứu, hay không chịu nghiên cứu vì lười, vì có nhiều bận tâm khác v.v…hay nhứt là không có khả năng nghiên cứu! Vì thế làm sao họ có thể thăng tiến chuyên môn và truyền đạt kiến thức cho hoc sinh hay sinh viên được.
Về trường ốc và học cụ giảng dạy, đa số trường ở Việt Nam không có các phòng thí nghiệm, chỉ học “chay” mà thôi. Thư viện để tham khảo cũng là một xa xỉ ngay cả ở bậc đại học.
Xây dựng phòng ốc, tạo điều kiện cho học sinh có một môi trường học tập thích hợp sẽ khuyến khích con em chúng ta trên bước đường học vấn, và làm giảm áp lực của người thầy trong việc giảng dạy. 
Quản lý nhà trường cho đến nay vẫn là một điểm yếu của Việt Nam. Chính vì đặt năng vào sự an toàn của đảng, cho nên việc kiểm soát sinh viên, học sinh và người thầy rất khắc nghiệp. Một chính sách công an trị trong học đường chỉ còn tồn tại ở một và quốc gia độc tài mà thôi. CS Bắc Việt vẫn luôn luôn muốn cấy chủng tử sợ vào đầu người thầy và trò.
Chính sách thi cử cũng là một hạn chế bước tiến của dân tộc. Chính sách thi vào lớp 10 còn tồn tại; thi vào đại học rất phức tạp…từ đó tạo ra một gánh nặng hành chánh trong việc ra đề thi và tổ chức thi cử. Và cũng từ đó tệ trạng gian dối trong thi cử như bán đề thi, lộ đề thi, đánh “bùa” (phao), giám thị làm lơ, thầy đi ra ngoài …để cho thí sinh mặc tình quay cóp.
NM:  Thưa Ông, theo trang mạng Vietnamnet của Việt Nam khi nói về giáo dục của VNCH trước đây thì, “hình ảnh và những tư liệu về giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975 đang được chia sẻ trên các trang mạng. Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác định là: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Mô hình giáo dục này trong những năm 1970 có khuynh hướng chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Hệ thống giáo dục gồm tiểu học, trung học và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương”.
Như vậy, qua 5 nghịch lý trên, xin Ông cho biết suy nghĩ của Ông về điểm nào cần phải cải sửa ưu tiên một khi Đất và Nước thoát khỏi ách CS BV?  
MTT: Thưa anh, ngày khai trường cho niên học mới 2014-2015 vừa diễn ra vào tháng 9 vừa qua ở Việt Nam, Phụ huynh học sinh mờ mắt với 28 khoản thu điện, nước, và smartTivi v.v…Nhiều phụ huynh khối lớp 6 Trường THCS Trương Công Định, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng phản ánh việc thu 28 khoản ở trường học.

28 khoản thu này có tổng tiền gần 4,4 triệu đồng (nhiều khoản trường mới thu một kỳ): Hỗ trợ điện nước 150 ngàn Đồng, Vỡ bài tập 352 ngàn, Sổ liên lạc điện tử 100 ngàn, Học phí 420 ngàn, Xã hội hóa (?) 150 ngàn, Nước 50 ngàn, Ghề nhựa 30 ngàn, Giấy thi 30 ngàn v.v…
Ngoài các khoản thu bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế đã có trong quy định thu, nhiều khoản như sách giáo khoa, vở bài tập, đồng phục, giấy thi, photo đề thi, kỹ năng sống, xã hội hóa…theo phụ huynh là không cần thiết vì có thể tự lo. 
Có khoản thu như tiền nước: 50.000 đồng/kỳ theo phụ huynh là quá nhiều. Một năm học sinh phải đóng 100.000 đồng tiền nước. Với hơn 1200 học sinh/trường, tính ra một năm đã thu hơn 100 triệu tiền nước.
Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là, mặc dù nói giáo dục cưởng bách và miễn phí cho cấp tiểu và trung học, nhưng với việc thu quá nhiều học phí như trên, thì việc sĩ số học sinh giảm dù mức tăng trưởng dân số tăng điếu đặn là một nghịch lý cần phải giải quyết.
Hơn nữa, đầu năm học này, rất nhiều vụ lùm xùm bất ổn xảy ra với các trường đại học tư thục, dân lập, những vụ việc kiện tụng nhà trường mua bán bằng cấp, những bất đồng trong sinh hoạt khoa học, chuyện nhà trường chiếm dụng tiền học phí của sinh viên...
Xin trích từ một tin trong nước, “Tinh thần chung toát lên từ những câu chuyện này, đó là niềm tin giữa người học (với tư cách là đối tượng thụ hưởng phúc lợi, người tiêu dùng) vào nền giáo dục đang bị lung lay, mất mát trầm trọng. Và điều đau đớn nhất, người dân ngày càng nhận ra, những lao tâm khổ …từ việc ứng phó với vô vàn cải cách trong giáo dục thời gian qua hóa ra chẳng đem lại hiệu quả nào thực chất cả. Những thay đổi chỉ làm cho đời sống học hành của con em họ thêm xáo trộn, ngổn ngang, hoang mang chứ không làm gia tăng những giá trị thực cho tương lai xã hội”.
Để kết luận cho buổi hội luận hôm nay, có thể nói, trong điều kiện giáo dục ở Việt Nam hiện tại, phẩm chất giáo dục vẫn là chìa khóa mở ra và giải tỏa tất cả những vấn nạn cùng các thách thức cho Việt Nam. Phẩm chất giáo dục phải được cải tổ và khai triển từ bậc tiểu học cho đến trung học đ nhứt cấp và đệ nhị cấp. Và giáo dục đại học cũng cần theo tiêu chuẩn và mục tiêu khai phóng và khoa học để mong thâu ngắn cách biệt về trình độ so với các sinh viên trên thế giới, nhứt là trong lãnh vực nghiên cứu
Một khi phẩm chất giảng dạy tăng lên, việc học thêm hay học trường tư lập sẽ giảm bớt. Từ đó, tình trạng chênh lệch cán cân kinh tế trong xã hội có thể được thâu ngắn hơn qua việc giáo dục phổ cập vào đại chúng.   
Các cơ quan thiện nguyện, người dân cần đóng góp vào việc cải thiện phẩm chất giáo dục như trợ giúp tài vật trong việc mở mang trường ốc và hạ tầng cơ sở, cấp học bổng cho sinh viên học sinh nghèo hay học giỏi.
Cần lưu tâm nhiều hơn đối với những dân tộc thiểu số, cũng như thiết lập một chương trình giảng dạy riêng cho họ vì người thiểu số không có điều kiện như trẻ con Việt được nói và nghe tiếng Việt qua miệng lưỡi người mẹ.
Sau cùng, chính sách giáo dục xã nghĩa cần phải được thay thế bằng một chính sách thông thoáng hơn đặt nền tảng Giáo dục theo mục tiêu rõ ràng là: Dân Tộc – Nhân Bản – Khai Phóng – Khoa Học và nhứt là không còn bóng dáng công an để thực hiện chuyên chính vô sản trong học đường nữa.
Thân chào Quý thính giả của Chương trình Tiếng Nói Da Vàng. Trong phần Hội luận tới, chúng tôi sẽ nói đến giáo dục đại học và các hướng cần phải thay đổi như thế nào cho thích hợp với tiến trình toàn cầu hóa trên thế giới.
Mai Thanh Truyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét