Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Bài về Lịch sử Triều Nguyễn

Đồng tiền cổ với bốn chữ “Duy 
Bài đọc suy gẫm: “Nước dơ lấy gì mà rửa? “vua Duy Tân, tuy nhỏ tuổi nhưng là người có chí lớn, có tinh thần dân tộc,  trước cảnh nước mất nhà tan đã trả lời:” nước dơ, phải lấy máu mà rửa”.
Bài viết về vua Duy Tân đã hy sinh mối tình đầu cho đại cuộc ra sao (Lịch sử dân tộc Việt Nam cận đại) và triều Nguyễn do tác giả Cao Văn Tâm (Công Binh) sưu tầm và tóm lược.  Hình ảnh chỉ là minh họa.
 Ảnh chụp vua Duy Tân năm1907.
 
Vua Duy Tân 1899 -1945, trị vì 1907 – 1916.
Vua Duy-Tân còn rất trẻ, nhưng rất thông minh và có khí khái của một ông vua. Sau ngày đăng quang, Duy-Tân đã hoàn toàn thay đổi, nên một nhà báo Pháp đã phát biểu: “Un jour de trône a complètement changé la figure d’un enfant de 8 ans” (Một ngày lên ngôi đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một cậu bé 8 tuổi). Duy-Tân, ”Một Anh Hùng Dân Tộc!” Năm 17 tuổi, Ngài đã hy
sinh mối tình đầu, rồi hy sinh ngai vàng để dấn thân vào cuộc khởi nghĩa ngày 3 tháng 5, 1916; Cuộc khởi nghĩa bị tiết lộ nên thất bại, Ngài phải chịu cảnh lưu đầy đi đảo La Réunion, gần Phi-Châu. Duy-Tân cũng là 1 trong 3 vị vua (Hàm-Nghi, Thành-Thái, Duy-Tân) đã nối tiếp nhau nổi lên chống ngoại xâm để nhận lấy cảnh lưu đầy! Thế mà sự nghiệp của các vị vua này lại không mấy chúng ta biết đến. Có lẽ vì trong thời kỳ đô hộ, những tài liệu liên quan đến cách mạng, liên quan đến chống ngoại xâm không mấy ai giám lưu giữ để truyền bá về sau.
DUY-TÂN VỚI NHỮNG CHÍ KHÍ CỦA MỘT ÔNG VUA:
Duy-Tân là một ông vua rất thương dân và được lòng dân.
- Năm 1908, miền Trung thường hay có loạn, chống thuế . . . Vua lúc ấy mới 9 tuổi mà đã biết phán với triều thần rằng: Nếu trong nước hay có loạn là vì dân thiếu thốn và đói. Ta phải có kế hoạch “tăng gia sản xuất” để có thêm lương thực. Riêng ta, lương của ta mỗi tháng 500$. Từ nay ta chỉ nhận 200$ thôi, còn 300$, ta giao cho các thầy tùy nghi giúp cho đồng bào đang đói.
-Thượng thư Hồ-Đắc-Trung là người thường hay gần bên vua. Có lần vua tỏ ra không vui hỏi: Thày nghĩ sao về người Pháp cai trị chúng ta? Hồ-Đắc-Trung tâu: chúng ta là người bị trị còn biết nói sao! Xin Hoàng-Thượng hãy thận trọng, cố gắng học hành, đường còn dài, còn nhiều vận hội sau này.
- Năm 1912, nghe tin khâm sứ Joseph Mahé mở chiến dịch tìm vàng. Ông lấy tượng vàng đặt trên lầu chùa Thiên-Mụ và đem người tới đào mả vua Tự-Đức để lấy vàng bạc, châu bắu. Duy-Tân đã thân hành tới để ngăn chặn, nhưng không kịp. Duy-Tân rất giận và gửi thư cho chính phủ Pháp yêu cầu khiển phạt viên chức lộng hành này. Thơ nhờ viên toàn quyền chuyển qua Pháp. Nhưng viên toàn quyền đã không chuyển mà đích thân đem thơ vào hoàng cung đưa cho hoàng-thái-hậu, mẹ lớn của vua coi (Bà là con gái cần-chánh đại-học-sĩ Nguyễn-Thân. Tuy bà không có con, nhưng bà vẫn có một thế lực lớn trong triều). Bà đòi vua tới, la rầy và bắt vua phải xin lỗi viên toàn-quyền. Dù không có lỗi, nhưng là một ông vua có hiếu nên phải nghe theo lời mẹ.
- Đầu năm 1914, Duy-Tân họp các quần thần để chọn người đi Pháp, trình bầy và cùng chính phủ Pháp sửa đổi bản hiệp ước Patenôtre ký ngày 6 tháng 6, 1884 mà Ngài cho là bất công và Pháp đã vi phạm nhiều. Nhưng không ai dám nhận sứ mạng này. Việc này cũng tới tai hoàng-thái-hậu, bà lại gọi và la rầy nhà vua.
- Một hôm khác vua phàn nàn: Không có một ông thượng thư nào chịu nghe ta cả, ta là vua chỉ “làm vì” thôi! Trong khi ấy có thượng thư Nguyễn-Hữu-Bài nghe được liền tâu: Tâu Hoàng-Thượng, có phải Ngài muốn đánh Pháp ư? Nhưng Ngài lấy gì mà đánh? Ngài không có quân đội! Ngài cũng không có tài chánh! Ngài đánh bằng gì? Vua Duy-Tân suy nghĩ một lúc rồi nói lớn: Lúc này nước Pháp đang có chiến tranh với Đức (Từ 1914), đây là lúc ta phải khuyến khích dân cùng đứng dậy đòi độc lập cho nước nhà.
- Năm nhà vua 15 tuổi, Ngài triệu tập tất cả 6 đại thần trong phụ-chánh, đòi các vị phải ký vào biên bản về những sai trái của Pháp để đích thân nhà vua đem qua tòa khâm sứ, nhưng các đại thần sợ Pháp kiếm chuyện làm khó dễ nên không ai dám ký, và phải cầu cứu hoàng-thái-hậu can gián nhà vua. Từ đó nhà vua không những có ác cảm với Pháp, mà còn có ác cảm với triều thần của Ngài.
VUA DUY-TÂN VỚI MỐI TÌNH ĐẦU DANG DỞ:
Sư bà Diệu-Không, ái nử út của thượng thư Hồ-Đắc-Trung kể trong hồi ký rằng: Năm 1914, vua Duy-Tân ra nghỉ mát ở Cửa-Tùng, Quảng-Trị. Thân sinh tôi là Hồ-Đãc-Trung theo hầu. Nhà vua lúc ấy khoảng 15 tuổi, muốn có bạn trẻ cùng lứa chơi, nên truyền thân sinh tôi dẫn anh chị em chúng tôi theo. Hai anh tôi 15 và 16 tuổi, chị tôi 13 tuổi, tôi 10 tuổi. Thân sinh tôi căn giặn chúng tôi phải giữ phép “vua tôi”. Không được cười đùa nhiều như đối với người dân thường. Nhưng nhà vua lại rất dung dị, bình dân. Ngài gọi 2 anh tôi bằng “anh”, gọi tôi bằng “em”. Ngài ít nói chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa với 2 anh tôi và tôi, Ngài chỉ nhìn chị tôi mà không nói gì. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ. Chúng tôi rất mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thân sinh chúng tôi quở mắng.
Tôi nhớ một hôm chơi bắt còng (dạ tràng), thi xem ai bắt được nhiều. Nhưng Ngài bắt được con nào, Ngài thả ngay con ấy. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi, Ngài bảo: bắt chúng lên cạn chúng sẽ chết. Chi bằng thả chúng tự do bơi lội, ta nhìn xem cũng vui rồi. Thế là chúng tôi cũng đua nhau thả hết. Ngài lấy làm thích thú khi thấy những con còng tự do bơi lội. Ngài nói với 2 anh tôi: Nếu có ai bắt nhốt chúng ta, chắc chúng ta sẽ khổ lắm! Vì khi mất tự do là mất tất cả! Nói vậy rồi Ngài thở dài, kém vui. Nhưng ngay sau đó Ngài lại vui đùa lại. Mùa nghỉ hè mãn, “vua tôi” bịn rịn lúc chía tay. Chị tôi nhìn Ngài ứa lệ. Ngài bảo nhỏ tôi: Em ra dỗ chị đi, rồi sang năm chúng ta lại gặp nhau mà!
Năm sau hè đến, chị tôi không được đi. Thân sinh tôi bảo: con gái đã lớn, con phải ở nhà với mẹ. Thế là chị tôi phải ở nhà, chị khóc sưng cả mắt. Khi ra đến Cửa-Tùng, gặp lại chúng tôi Ngài hỏi: Sao thiếu mất một người? Tôi tâu: Mẹ tôi bắt chị tôi ở nhà, chị khóc sưng cả mắt . . . Ngài nói: Thật là tội nghiệp cho chị ấy!
Mãn hè ít ngày, một hôm có một quan thị vệ đến nhà xin ảnh chị tôi đem vào cung cho 2 ngài thái-hậu (Mẹ lớn và mẹ đẻ) xem mặt. Sau một tuần, 2 ngài thái-hậu đòi thầy mẹ tôi vào hầu. Sau đó tôi thấy kiệu vua tới nhà tôi, mang theo đôi bông tai và đôi vòng vàng – đó lá lễ hỏi của nhà vua dành cho chị tôi. Thầy mẹ tôi qùy lễ bái lãnh. Chị tôi cũng ra lậy tạ ân vua hạ cố.
Nhưng chuyện bất ngờ sẩy ra: Một hôm thầy tôi ở triều về, gọi mẹ tôi vào phòng, nói chuyện thật nhỏ. Nghe tiếng nói ngập ngừng như cố nén một nỗi buồn trong lòng. Năm ấy tôi 12 tuổi, cũng đã có ý, giả bộ không biết gì, xô cửa bước vào. Thấy thầy mẹ tôi mắt đỏ hoe. Thầy tôi bảo tôi ra gọi chị tôi vào. Thấy chị tôi thầy tôi bảo: Con đi lấy đôi vòng vàng và đôi bông tai ra đây để mẹ con đem vào cung dâng lại cho nhà vua, vì Ngài muốn từ hôn. Chị tôi nghe chết điếng cả người, mặc dù chỉ còn 2 tháng nữa là lễ nạp phi (lễ cưới). Chị đứng lúc lâu mới chạy đi lấy đồ vàng và đưa cho tôi đem vào cho thầy tôi, chứ chị không vào.
Thân sinh tôi còn nói, vua ban rằng: Thày hãy an ủi con gái thày và gả ngay cho người khác, đừng để cô ấy buồn tội nghiệp! Thày nên hiểu vì tôi thương gia đình thày nên tôi mới từ hôn với người mà tôi đã thương mến từ mấy năm nay. Thân sinh tôi nói thêm: Ngài còn bảo tôi tìm cho Ngài một thiếu nữ khác mà do tôi chọn. Bà xem có ai đáng giới thiệu không? Mẹ tôi đáp: Có con gái ông phụ-đạo Mai-Khắc-Đôn. Tuy không đẹp lắm, nhưng có đức hạnh tốt. Ông vào tâu thử xem.
Một tuần sau, lễ hỏi của nhà vua lại đem đến nhà ông phụ-đạo Mai-Khắc-Đôn và ngày 30 tháng 1, 1916; là lễ nạp-phi (lễ cưới) được tổ chức trọng thể tại bộ lễ.
VUA DUY-TÂN VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA NGÀY 3 THÁNG 5, 1916:
NHỮNG LỰC LƯỢNG THAM DỰ:
1/ Mười mấy ngàn lính Việt do Pháp tuyển mộ và huấn luyện để gửi qua Pháp cho chiến tranh Pháp-Đức, phần lớn đã được ta kết nạp. Họ sẵn sàng tiếp ứng cho cách mạng.
2/ Viên đại tá lính Lê-Dương (Légion Étrangère) gốc người Đức, đang chỉ huy hơn 3,000 lính mộ. Ông ta đã được Trần-Quang-Trứ (thư ký tòa khâm-sứ Pháp), thuyết phục và lôi cuốn. Ông ta sẵn sàng hợp tác với cách mạng (Vì Đức đang có chlến tranh với Pháp, nên lúc này người Đức ở đâu cũng không thích Pháp).
3/ Trần-Đại-Trình ở tòa khâm sứ Pháp, đang chỉ huy mấy chục lính gác ở đây sẽ quay súng và hiệp với cách mạng.
4/ Một đội quân Nam-Ngãi hiệp cùng dân quân vùng phụ cận kinh thành, bao vây tòa khâm sứ Pháp và bắt tay với Trần-Đại-Trình ở bên trong.
5/ Các tỉnh: Quảng-trị, Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, Đà-Nẵng, Hội-An, Tam-Kỳ, Bình-Định, ngoài lực lượng lính mộ của Pháp mà ta đã kết nạp, còn có nghĩa quân được võ trang bằng vũ khí từ tòa lãnh sự Đức ở Bangkok đưa vào.
6/ Tôn Thất Đệ, Nguyễn Quang Siêu chỉ huy các đội thị vệ bảo vệ nhà vua.
7/ Phan-Bội-Châu (Người đã đề xướng phong trào “Đông-Du” và tổ chức “V.N. Quang Phục Hội”), đang ở Trung-Hoa đã bí mật gửi mai-sơn Nguyễn-Thượng-Hiền sang Thái-Lan, liên lạc với tòa lãnh sự Đức. Tòa lãnh sự Đức ở đây ủng hộ cho cách mạng 10,000 tiền Thái-Lan, và khuyến khích, nếu hoạt động mạnh, có tiếng vang mà chính phủ Đức nghe tới sẽ có viện trợ chính thức nhiều hơn.
8/ Kỳ Bộ Quang-Phục-Hội của Phan-Bội-châu do Thái-Phiên phụ trách đã hoạt động mạnh, và từ năm 1914 Pháp có chiến tranh với Đức. Đây là cơ hội thuận lợi để dân ta vùng lên tranh đấu dành độc lập.
9/ Cờ khởi nghĩa, nền đỏ với 5 ngôi sao trắng, ý nghĩa “Ngũ Tinh Tụ Tĩnh” lấy ở Kinh-Dịch ra.
Trần-Cao-Vân và Thái-Phiên thuộc Việt-Nam Quang-Phục-Hội, giả người đi câu, vào Thành-Nội, bí mật gặp vua để trình bầy kế hoạch. Vua Duy-Tân chấp thuận toàn bộ kế hoach. Ngài chỉ lo nếu Pháp sớm đưa 3,000 lính mộ ở đồn Mang-Cá mà cách mạng đã kết nạp, xuống tầu qua Pháp, nên Ngài hối thúc hành sự sớm. Ngày khởi nghĩa định vào 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5, 1916. Trần-Cao-Vân và Thái-Phiên hiệp với Tôn-Thất-Đệ và Nguyễn-Quang-Siêu đưa vua tạm rời khỏi hoàng thành.
Nhưng chẳng may, trước đó một ngày, một tên lính khố xanh tên Võ-An, là lính ở dinh án sát Quảng-Ngãi, có người anh cũng là lính và đã được cách mạng kết nạp nên biết ngày khởi nghĩa. Hắn căn giặn người em phải cẩn thận ngày đó. Rồi người em (Võ-An) tỏ ra bối rối, lo sợ lộ ra mặt. Án sát Phạm-Liễu thấy khác thường nên gạn hỏi. Hắn sợ nên đã khai ra. Phạm-Liễu báo cáo cho công sứ De Tastes. De Tastes mật điện cho khâm sứ ở Huế bấy giờ là Francois Charles (Là cha nuôi của Bảo-Đại sau này). Francois Charles ra lệnh thu hết súng và cấm trại lính người Việt. Mặt khác điện cho các tỉnh đề phòng.
Trần-Quang-Trứ, người có công chiêu dụ được viên đại tá gốc Đức, và lính đồn Mang-Cá, thấy thâu súng và cấm trại lính người Việt, đoán việc đã bại lộ. Đêm khuya Trứ tìm đến bến Thương-Bạc, ở đây Trứ gặp Trần-Cao-Vân và thấy nhà vua đã cải dạng thành thường dân. Trứ thấy chuyện thực sự bại lộ nên tìm cách lo cho bản thân. Trứ trở về, lén vào toà khâm sứ tố cáo và chỉ đường đi của nhà vua.
Trong khi Trần-Cao-Vân và Thái-Phiên . . . định đưa vua tới một địa điểm bí mật, nhưng phải nghỉ khuya ở một ngôi chùa bên núi Ngũ-Phong gần Nam-Giao. Đến sáng, khi nhà vua và đoàn tùy tùng sửa soạn lên đường thì có sự xuất hiện của Le Fol, đổng lý văn phòng tòa khâm sứ. Có Sogny, chánh mật thám Huế. Có Lanneluc là giám binh với mấy chục lính khố xanh, có Trần-Quang-Trứ – tất cả tới bắt nhà vua. Bên triều đình có Võ-Liêm, thuộc bộ lễ. Có Hồ-Hành là đội cơ với gần chục lính tới đón vua về.
Le Fol (nói giỏi tiếng Việt) thấy vua trịnh trọng ngả mũ: Tâu Hoàng-Thượng, ngài ngự  gíá dạo chơi xong rồi chứ? Duy-Tân bình thản, nhún vai đáp: Các ông chả hiểu được đâu! Trần-Quang-Trứ cũng tiến tới: Tâu Hoàng-Thượng, tôi là người cùng Trần-Cao-Vân hội kiến Hoàng-Thượng tối qua ở bến Thương-Bạc, chẳng hay Hoàng-Thượng có nhớ không? Duy-Tân nhìn Trứ một cách khinh bỉ và nói: Phải, ta nhớ ngươi, đồ phản bội! Rồi vua quay mặt đi.
Bên triều thần gặp vua mừng mừng, tủi tủi và năn nỉ vua trở về hoàng cung. Vua từ chối nói: Thà bị bắt, chứ không trở lại Hoàng cung. Lính hầu dương lọng rước, vua gạt đi và Ngài đi bộ thẳng tới chiếc xe của Pháp để chịu bắt. Pháp đưa Duy-Tân về giữ ở đồn Mang-Cá. Khâm sứ Pháp ở Huế và toàn quyền Pháp của Đông-Dương, thuyết phục vua trở lại ngai vàng, nhưng nhà vua từ chối, nói: Các ông bắt tôi phải làm vua, nhưng các ông lại không coi tôi như một ông vua.
Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đệ và Nguyễn Quang Siêu bị còng tay dẫn về Huế tống giam. Cả 4 vị bị chém ngày 16 tháng 5, 1916 tại An-Hoà, gần Huế. Tại các tỉnh cũng xẩy ra nhiều vụ xử tử và tù tội. Hàng mấy trăm người bị đầy đi Côn-Đảo và Lao-Bảo. Các tỉnh khác hưởng ứng chậm thì ít bị đàn áp.
VUA DUY-TÂN VỚI BẢN ÁN LƯU ĐẦY:
Pháp buộc triều đình phải xử án vua Duy-Tân, và triều đình đã ủy nhiệm Hồ-Đắc-Trung thảo bản án.
Mặt khác, lúc trong ngục, Trần-Cao-Vân lo cho vua bị sát hại. Ông viết thư (Trên giấy cuộn thuốc hút), trần tình với Hồ-Đắc-Trung, ông nhận lãnh hết công việc bạo động và khẩn khoản Hồ-Đác-Trung tìm cách cứu vua. cuối thư ông viết: Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thân tử biệt! Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc sơn hà còn đó, mong cho thánh thượng sinh toàn!
Sư bà Diệu-Không thuật lại lời khai của vua Duy-Tân khi bị Pháp chất vấn:
Trần-Cao-Vân: 1866 – 1016
Một trong những lẵnh tụ của VN Quang-Phục-Hội
Hỏi: Ngài nghĩ sao về mảnh giấy này của ông Trần-Cao-Vân?
Đáp: ông Trần-Cao-Vân làm chuyện lớn không thành, sợ tội tử hình, nên thư cầu cứu ông Hồ-Đắc-Trung (Lúc này Duy-Tân cũng không biết mảnh giấy Trần-Cao-Vân đã viết gì).
Hỏi: Vì lẽ gì ông Trần-Cao-Vân lại tin cậy Hồ-Đắc-Trung mà chuyển thư này cho ông ấy?
Đáp: Vì ông Hồ-Đắc-Trung hay thương người, cứu người, như ông đã cứu 42 nhà cách mạng ở tỉnh Quảng-Nam năm 1908, lúc ông đang làm tổng đốc ở đây.
Hỏi: Vì lẽ gì trước kia ngài lại từ hôn với tiểu thơ nhà họ Hồ?
Đáp: Vì tôi thương gia đình ông ấy, sợ gia đình ông ấy bị liên lụy. Hơn nữa các đồng chí của tôi khuyên tôi nên tránh xa gia đình ấy để bảo mật cho đại cuộc.
Hỏi: Ngài có bảo đảm là ông Hồ-Đắc-Trung vô tội trong vụ bạo loạn này không?
Đáp: Tôi hoàn toàn bảo Đảm cho ông ấy.
Thế là mấy ngày sau thân sinh tôi được Pháp trả tự do. Triều đinh tiếp tục ủy nhiệm thân sinh tôi thảo bản án nhà vua.
Nội dung bản án:
Vua Duy-Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh, nhưng còn cạn nghĩ. Bị những người mưu phản khích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội ngài là nặng. Song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình! Về phía chính phủ bảo hộ thì Ngài có tội phản nghịch, nhưng về phía chính phủ Nam Triều, ngài là một ông vua rất thương dân và được lòng dân. Như vậy xét về tội thì Ngài có tội với chính phủ bảo hộ. Còn đối với nhân dân Việt-Nam thì Ngài không có tội gì cả. Vậy nên xét tình mà truất phế Ngài và để Ngài được trở về với ngôi vị hoàng tử như trước. Như vậy lòng dân mới không oán than chinh phủ Pháp là khắc nghiệt.
Bản án được Pháp đồng ý, nên tuy bị đi đầy ở đảo La Réunion, gần Phi-Châu, Ngài vẫn giữ tước vị hoàng tử. Ở đảo La Réunion, Duy-Tân học vô tuyến điện, mở tiệm bán và sửa radio. Ngài cũng học văn hóa và thi tú tài ở đây. Ngài đã viết nhiều bài cho tờ Le Peuple (Nhân Dân) và tờ Le Progrés (Tiến Bộ). Trong bài “Varíations Sure Une Lyre Briées” (Những Biến Tấu Của Một Cây Thất-Huyền-Cầm Gẫy Vỡ) đã được giải nhất văn chương của Hàn-Lâm-Viện khoa học và văn chương La Réunion năm 1924.
Vua Duy Tân lúc ở đảo re’union
 
 
 Đi đầy, Ngài đưa theo đệ nhất vương phi Mai-Thị-Vàng khi bà có thai 3 tháng, nhưng rồi hư thai. Ở đây được 2 năm, bà đòi về Việt-Nam, vì không chịu khí hậu ở đây. Sau nhiều năm xa cách hoàng phi, năm 1925, Duy-Tân gửi về Việt-nam một đơn xin ly dị và một thơ cho hội đồng hoàng tộc xin chấp thuận để bà Vàng đi lấy chồng khác, khi bà ở tuổi 27. Nhưng bà Vàng không chịu ly hôn và nhất định thủ tiết cho đến khi mất ở tuổi 75.
Khi còn sống bà thường ngâm:
Gìn vàng giữ ngọc cho trong, cho vừa lòng Kẻ chân mây cuối trời!. Hay:
Dù đá có nát, nhưng vàng chẳng phai. Thủy trung, trung thủy, vẫn giữ lấy lời thủy trung!
Sau khi hoàng phi về Việt-Nam, Duy-Tân lần lượt sống với 3 phụ nữ Pháp không hôn thú (Vì bà Vàng không chịu ly hôn). Bà thứ nhất hơn Ngài 10 tuổi, có 1 con trai. Bà thứ 2 kém Ngài 13 tuổi, có 4 trai, 4 gái. Bà thứ 3 kém Ngài 24 tuổi có 1 con gái. Như vậy Duy-Tân có tất cả 10 con – 5 trai, 5 gái. Một trong những người con trai có tên là Yves Claude / Bảo-Vang. Vào tháng 4, 1987, Bảo-Vang đã mang di hài vua cha Duy-Tân từ Trung-Phi về Huế, và an táng tại An-Lãng, cạnh vua cha Thành-Thái. Bảo-Vang cưới bà Jessy Tarby, có 10 con – 7 trai, 3 gái, hiện đang sinh sống tại Nha-Trang, Khánh-Hoà, VN.
DUY-TÂN TRỞ THÀNH QUÂN BÀI LỚN CỦA DE GAULLE:
Tướng Charles De Gaulle
1890 – 1970
Tổng Thống Pháp: 1958 – 1969
Khi De Gaulle còn ở cấp tướng, ông đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của nước Pháp. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1958, De Gaulle đã trao trả độc lập cho 13 thuộc địa của Pháp ở Phi-Châu. Năm 1969 ông từ chức tổng thống khi có những cuộc biểu tình của sinh viên chống chính phủ ông, và ông qua đời năm 1970.
Khi quân Anh vào Việt-Nam (dưới vĩ tuyến 16) để giải giới quân Nhật, và lúc này cũng là lúc Pháp đã thành công việc đánh đuổi Đức-Quốc-Xã ra khỏi nước Pháp, De Gaulle liền nghĩ ngay đến Đông-Dương, một cựu thuộc địa của Pháp. Lợi dụng lúc này, De Gaulle đã gửi quân Pháp theo chân quân Anh để trở lại Đông-Dương. Khi Pháp đã vào được Đông-Dương, Duy-Tân trở thành quân bài lớn của De Gaulle. De Gaulle gặp Duy-Tân, và đã yêu cầu Ngài trở lại ngôi hoàng đế Việt-Nam, ba miền Trung, Nam, Bắc thống nhất dưới một chính phủ độc-lập, tự-do, và tự tổ chức nền kinh tế của mình. Pháp tạm đảm trách việc phòng thủ biên cương cho Việt-Nam trong một thời hạn nào đó. Như vậy để bớt gánh nặng cho VN phải tạo lập một quân đội khi mà Việt-Nam chưa đủ khả năng để duy trì và tăng trưởng nó.
Ở đây, tưởng cũng nên nhắc qua sự “thành công” của tướng De Gaulle, việc ông chống lại chính phủ Vichy đã đầu hàng và cam làm tay sai cho phát xit Đức. Nhân Lúc này, đã có nhiều thanh niên Pháp và tàn binh của chính phủ Vichy chạy ra nước ngoài. Riêng tại Anh quốc đã có gần 10 ngàn người chạy sang đây. De Gaulle cũng sang đây, ông nhờ đài phát thanh BBC London để kêu gọi tất cả thanh niên Pháp đang ở ngoài nước và trong nước hãy đoàn kết cùng ông thành “Lực Lượng Giải Phóng Quốc Gia” (National Libération Force”. Và ông đã thành công ngoạn mục. Lời kêu gọi hữu hiệu nhất của De Gaulle là: Nous avons perdu une bataille, mais nous n’avons pas perdu la guerre (chúng ta đã thua một trận đánh, nhưng chúng ta chưa thua cuộc chiến).
Lúc này, De Gaulle trở thành “thần tượng”, và là “hình mẫu” cho hoạt động cứu nước của Duy-Tân. Duy-Tân cũng đã ủng hộ De Gaulle bằng cách dùng vô tuyến điện của mình để thâu thập tin tức từ bên ngoài rồi chuyển cho lực-lượng giải-phóng Quôc-Gia của De Gaulle. Vụ này bị tiết lộ, Duy-Tân bị tù 6 tuần lễ. Vì chinh quyền La Réunion lúc đó thuộc chính quyền Vichy (đang là tay sai của Dức).
Sau khi gặp De Gaulle, Duy-Tân nói chuyện với một số Việt kiều và du học sinh tại Pháp: Người Pháp đã công nhận chúng ta là một quốc gia độc lập trong Liên-Hiệp-Pháp. Điều này không trái với quyền lợi hiện tại của quốc gia. Dần dà ta sẽ đòi thêm quyền hạn. Chúng ta biết làm gì hơn trước binh lực hùng mạnh của Pháp. Chúng ta đã thấy gương chống Pháp, mà tôi đây là nạn nhân của một lối chống nóng nẩy, vụng về.
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm tròn bổn phận khi mà tôi có thể làm cho người nông dân ở Lạng-Sơn, người nông dân ở Huế và người nông dân ở Cà-Mâu, ý thức được tình huynh-đệ của họ. Tình huynh-đệ ấy, nghĩa hợp-quần ấy được thực hiện dưới bất cứ thể chế nào: tự-do, cộng-sản hay bảo-hoàng . . . điều đó không quan trọng. Điêu quan trọng là phải cứu được dân tộc Viêt-Nam khỏi cái họa phân chia.
Tướng Charles De Gaulle đã gặp Duy-Tân và quyết định sẽ đích thân đưa Duy-Tân hồi loan vào đầu tháng 3, 1946. Nhưng chẳng may Duy-Tân tử nạn máy bay ngày 26 tháng 12, 1945 (Tức 12 ngày sau khi gặp De Gaulle). Câu hỏi: tử nạn hay mưu sát? Vì người bạn thân của Duy-Tân tên Thébault cho biết, 10 ngày trước khi rời Paris về thăm vợ con ở đảo La Réunion, Duy-Tân có tiết lộ: Tôi có linh cảm tính mạng bị đe dọa. Vì nước Anh chống lại việc tôi trở về Việt-Nam. Họ sợ các thuộc địa Anh sẽ nổi lên đòi quyền độc lập và tự trị. Họ đề nghị tặng tôi 30 triệu quan, nếu tôi từ bỏ ý định này.
Thời gian ở đảo La Réunion, Duy-Tân đã nhiêu lần xin qua cư ngự tại Pháp, nhưng đều bị từ chối. Sau này khi hồ sơ lý lịch của Duy-Tân được giải mật mới biết, bộ trưởng bộ thuộc địa Pháp đã ghi trong hồ sơ Duy-Tân rằng: . . parait difficile à acheter, extrêmement indépendent . . . intrigue pour quitter La Réunion et rétablissement trône l’annam. ( . . . Có vẻ khó thuyết phục, hết sức đôc lập . . . có mưu đồ rời khỏi đảo La Réunion và để tái lập ngôi báu ở Viêt-Nam).

Vua Hàm-Nghi: 1872 – 1943
Trị Vì: 1884 – 1885
BỐI CẢNH LỊCH SỬ THỜI PHÁP ĐÔ HỘ:
Vua Kiến-Phúc mất năm 1884, triều đình đưa em là hoàng tử Ưng-Lịch 12 tuổi lên ngôi, vương hiệu Hàm-Nghi. Khâm sứ Pháp ở Huế bấy giờ là Rheinart, khiển trách triều đình ta đã tự ý đứa Hàm-Nghi lên ngôi mà không xin phép người Pháp trước. Pháp cử đại tá Guerrier đem 600 quân và đội pháo binh hùng hậu vào Huế bắn thị uy. Triều đình ta phải thương lượng để làm lễ tân phong Hàm-Nghi lại và mời Rheinart cùng Guerrier tới dự, Pháp mới bằng lòng và rút quân cùng đội pháo binh ra Hà-Nội.
Điều này khiến triều đình ta rất bất mãn, muốn tổ chức kháng chiến chống chống Pháp. Nhưng nội bộ lại chia rẽ: bên “hoà”, bên “chiến”. Bên muốn “hoà” để được yên ổn có Trần-Tiến-Thành, Nguyễn-Hữu-Độ . . . Bên muốn “chiến” để giữ chủ quyền có Tôn-Thất-Thuyết, Nguyễn-Văn-Tường . . .
Bên “chủ chiến” với danh nghĩa “phù chánh kháng Pháp” đã hạ nhóm “chủ hoà”. Từ đó những phong trào kháng Pháp do Tôn-Thất-Thuyết cổ võ và ngầm yểm trợ đã nổi lên nhiều nơi.
Tướng De Courcy từ Hà-Nội đem 1,000 quân vào Huế, nói để hội thảo với triều đình ta, nhưng ngụ ý để bắt Tôn-Thất-Thuyết. T.T.Thuyết biết ngầm ý của Pháp nên nói ốm không đi dự hội nghị. Tướng De Courcy ra lệnh: “Ốm cũng phải nằm cáng mà tới!” Tôn-Thất-Thuyết vẫn không tới, tướng De Courcy quyết định sẽ vây bắt T.T.Thuyết vào sáng ngày 6 tháng 7, 1885. Nhưng T.T.Thuyết biết trước nên đã ra lệnh cho nghĩa binh ta tấn công đồn Mang-Cá và sứ quán Pháp ở Huế lúc 1 giờ sáng hôm ấy. Cuộc tấn công quá gấp rút, thiếu chuẩn bị nên thất bạI dễ dàng!
Tôn-Thất-Thuyết đưa vua Hàm-Nghi rời khỏi hoàng thành, xuống “Hịch” cần vương, dựng cờ kháng Pháp. Văn nhân, nghĩa sĩ nhiều nơi hưởng ứng. Nhưng những hoạt động của ta rời rạc, không thống nhất, không đồng loạt, nên từng nhóm, từng nhóm, đều bị tiêu diệt! Cuộc kháng chiến bị tan rã và chấm dứt khi tướng Phan-Đình-Phùng chết lúc ông đang lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Hương-Khê, tỉnh Hà-Tĩnh năm 1895.
Khi vua Hàm-Nghi ra khỏi hoàng thành, 3 năm sau Pháp mua chuộc được Trương- Quang-Ngọc và Nguyễn-Đình-Trình (cựu cận vệ của vua Hàm-Nghi), Pháp đã bắt được vua Hàm-Nghi ngày 1 tháng 11, 1888 và đầy đi Algérie. Ở Algérie, Pháp dành cho Ngài một biệt thự khá tiện nghi, tên “Villa Des Pins” (Biệt Thự Đồi Thông). Ở đây, cũng vì mang nặng tình cố quốc nên mỗi khi có các viên chức chính quyền hay văn nhân địa phương tới thăm viếng, Ngài luôn khăn đống áo dài thâm ra tiếp khách.
Sau một thời gían lưu đầy, Hàm-Nghi nhận ra người Pháp ở đây không đáng ghét như người Pháp thực dân ở quê nhà. Hàm-Nghi thay đổi quan điểm. Ngài bắt đầu học tiếng Pháp và Ngài học rất mau.
Năm 1904, Hàm-Nghi ở tuổi 32 cưới bà Marcelle Laloe 20 tuổi gốc Pháp, con gái chánh án toà Alger (Alger là thủ-đô của Algérie) Ngày Cưới, Hàm-Nghi cũng khăn đống áo dài thâm đóng vai chú rể. Bà Laloe lần lượt sanh cho Ngài 3 người con 2 gái, 1 trai đều mang tên Việt-Nam: Như-Mai, Như-Ly và Minh-Đức. Lớn lên đều được giáo dục tại Pháp. Sau này công chúa Như-Lý kết hôn với một quý tộc Pháp, trở thành bà bá tước De La Besse, cùng chồng sống tại lâu đài De La Nauche, làng Chabrignac, Hoàng tử Minh Đức thì vào trường võ bị “Saint Cyr” – một trường sĩ quan nổi tiếng của Pháp (Tương tự như trường “West Point“ của Hoa Kỳ). Minh-Đức đã phục vụ trong quân đội Pháp 10 năm. (Thời Pháp đô hộ VN, nhiều sĩ quan ngườI Việt đã tốt nghiệp tại trường này).
Vua Đồng-Khánh: 1864 – 1889
Trị Vì: 1885 – 1889
 
Khi vua Hàm-Nghi ra khỏi hoàng-thành năm 1885, Pháp đưa hoàng tử Ưng-Kỷ lên ngôi vương hiệu Đồng-Khánh.
Việt-Nam đã bị chia làm 3 mảnh có đời sống và thể chế riêng biệt, như: Nam-Kỳ là “thuộc địa”, mọi thể chế và đời sống giống như mẫu quốc Pháp. Bắc-Kỳ “gần như là thuộc địa” và Trung-Kỳ là “bảo-hộ” (Vì nơi đây có nhà vua). Nhưng người Pháp đã áp dụng chế độ “thuộc-địa” và “bảo-hộ” bằng một chế độ “trực-trị” rất hà khắc.
Đồng-Khánh lên ngôi còn phải ký nhượng cho Pháp mọi quyền hành ở 3 thành phố quan trọng là Hà-Nội, Hải-Phòng và Đà-Nẵng, nên 3 thành phố này cũng trở thành 3 thành phố có thể chế như Nam-Kỳ và mẫu quốc Pháp. Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, Ba thành phố này đã được toàn quyền Tsuchihashi (Nhật) trao trả cho chính quyền Trần-Trọng-Kim ngày 20 tháng 7, 1945 và trao trả Nam-Kỳ ngày 8 tháng 8, 1945.
Bốn năm sau Đồng-Khánh mất, Pháp đưa hoàng tử Bửu-Lân 10 tuổi lên ngôi, vương hiệu Thành-Thái.
Vua Thành-Thái: 1879 – 1955
Trị Vì: 1889 – 1907
Lớn lên, Thành-Thái có nhiều bất mãn và hay chống đối người Pháp. Có lần Ngài không chịu phê chuẩn một danh sách các quan chức Việt-Nam do khâm sứ Pháp Lévêque chọn. Từ đó Pháp càng khó khăn và kiểm soát Thành-Thái nhiều hơn, làm cho Thành-Thái càng bất mãn nhiêu hơn. Trước mặt người Pháp, Thành-Thái hay nóng giận, lớn tiếng. Lúc khác lại tỏ ra bất cần và thờ ơ như người đãng trí, mất trí. Dịp này Pháp đổ cớ nhà vua điên và buộc các quan trong triều dâng “Biểu” yêu cầu vua thoái vi. Tất cả các quan đều ký “Biểu”, riêng Ngô-Đinh-Khả (Thân sinh Ngô-Đình-Diệm) không chịu ký, Pháp lại áp lực triều đình cho Ngô-Đinh-Khả nghỉ hưu sớm không lương, viện cớ ngài xây thánh đường không xin phép. Ngô- Đình-Khả về sống ẩn tại nguyên quán xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Sau này Thành Thái cũng bị đi đầy cùng với Duy-Tân ở đảo La Réunion, khi Pháp biết Ngài đã liên lạc với VN Quang Phục hội.
Khi Duy-Tân và Thành-Thái đi đầy, Pháp đưa hoàng tử Bửu-Đảo lên ngôi, vương hiệu Khải-Định.
Vua Khải-Định: 1885 – 1925
(Và toàn-quyền Albert Sarraut)
Trị Vì: 1916 – 1925
Sư bà Diệu-Không tiếp: Sau này thân sinh tôi gả chị tôi cho vua Khải-Định nên vẫn được tin dùng như trước. Tuy được gả cho vua mới , nhưng tình người con gái vẫn còn lưu luyến mối tình đầu với vua cũ không nguôi!
Năm 1922, Khải-Định và hoàng tử Vinh-Thụy qua Pháp để thưởng ngoạn cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille. Dịp này, Khải Định có đòi hỏi Pháp phải cho người Việt được tham gia chính trị nhiều hơn. Nhưng không kết quả gì!. Chuyến đi này, hoàng-tử Vĩnh-Thụy (Bảo-Đại) được cựu khâm-sứ Francois Charles nhận là con nuôi cho ăn học tại một trường trung học (Lycée Condorcet) và 2 năm trường Khoa-Học Chính-Trị (École des Sciences Politiques) ở Paris.
Năm 1925, vua khải Định mất, Duy-Tân từ đảo La Réunion gửi về 2 câu điếu: Ông vội bỏ đi đâu? Bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bổ con, bỏ thày tu hát bội, bỏ tất cả trần duyên trong một lúc! Tôi may còn lại đây! Còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng hào kiệt, còn nhiều “vận-hội” giữa năm châu!
Khải Định mất, Pháp đưa hoàng tử Vĩnh-Thụy 12 tuổi (Đang học ở Pháp) lên ngôi, vương hiệu Bảo-Đại. Sau khi lên ngôi, Bảo-Đại trở lại Pháp tiếp tục học. Cho đến năm 1932, khi Bảo-Đại 19 tuổi mới trở về Việt-Nam và chính thức làm việc với tư cách một ông vua.
Vua Bảo- Đại: 1913 – 1997
Trị Vì lần thứ I: 1926 – 1945
Và lần thứ 2: 1949 – 1955
Bảo-Đại đã sắp xếp lại việc triều chính, thay đổi một số thượng thư già yếu. Hủy bỏ một số tạp tục, như thần dân không phải quỳ lậy mà được ngước nhìn khi nhà vua đi tới, quan Ta không phải quì lạy, mà chắp tay vái. Quan Tây không phải chắp tay vái mà bắt tay nhà vua. Các địa phương không phải dâng hiến gái đẹp cho nhà vua.
THẾ CHIẾN 2 VỚI NHIỀU BIẾN ĐỔI:
- Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương. Mặc dù quân Nhật đã đổ bộ vào Việt-Nam từ năm 1940, nhưng cuộc đảo chánh mãi đến 7 giờ tối ngày 9 tháng 3, 1945; mới bắt đầu (tức lúc dân Hà-Nội bắt đầu nghe tiếng súng), đến 7 giờ sáng ngày 10 tháng 3, 1945 (tức lúc hết nghe tiếng súng), do đô đốc Decoux, toàn quyền Pháp ở Đông- Dương chịu đầu hàng. Cuộc đảo chánh kéo dài 12 tiếng đồng hồ, nhưng không ai biết về “tử thương” và “bị thương” của hai bên.
- Lăm tháng sau, tức 15 tháng 8, 1945; Nhật-Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng-Minh, sau khi bị 2 trái bom nguyên tử lên đảo Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945; và đảo Nagasaki ngày 9 tháng 8, 1945.
- Việt-Minh thành công cuộc cách mạng 19 tháng 8, 1945; Cuộc cách mạng không đổ một giọt máu, vì một bên không chống lại và vua Bảo-Đại, cùng thủ tướng Trần-Trọng-Kim đã từ chối đề nghị của tư lệnh quân đội Nhật giúp chống lại Việt-Minh. Và ngày này trở thành một trong những ngày lễ lớn của đảng Cộng Sản VN (Coi thêm*).
- Hoàng đế Bảo-Đại bị ép thoái vị ngày 25 tháng 8, 1945. Lễ chính thức thoái vị và trao quốc ấn cùng thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện chính phủ Việt-Minh ngày 30 tháng 8, 1945. Sau khi thoái vị, Bảo-Đại mới biết Hồ-Chí-Minh là Nguyễn-Áí-Quốc, và Bảo-Đại đã thốt lên câu: ”Ca vaut biên le coup alors” (như thế thì củng đáng thoái vị). Phải chăng do lời nói “đẹp” này của Bảo-Đại mà ít ngày sau ông được mời làm cố vấn tối cao cho chính phủ lâm thời?
- Tháng 3, 1946; nhân dịp tham dự phái đoàn thăm viếng Trung-Hoa, nhưng sau đó Bảo-Đại không về nước, và Ngài bắt đầu sống lưu vong ở Côn-Minh, Hương-Cảng rồi Hồng-Kông. Ở nơi đây có nhiều giới chức chính trị Pháp, Mỹ và Việt gặp Ngài để rồi có ngày Ngài lên ngôi lần thứ hai.
- Duy-Tân tử nạn, nên tướng De Gaulle cũng thất bại việc đưa Duy-Tân trở lại ngôi hoàng đế Việt-Nam vào đầu tháng 3, 1946. Cho đến 3 năm sau, tức tháng 3, 1949; tổng thống Pháp Vincent Auriol cùng cựu hoàng Bảo-Đại đã ký một hiệp ước ở điện Elysée (dinh tổng thống Pháp) việc thành lập một chính phủ Việt-Nam trong Liên-Hiệp-Pháp gọi là “Quốc-Gia Việt-Nam” (État Du Việt-Nam).
*Nói thêm về ngày 19 tháng 8, 1945: Tôi (Người viết) ngày ấy còn nhỏ, không biết gì về chính trị, và các đảng phái. Nhưng những năm sau, ông Thân-Sinh tôi kể chuyện với bạn bè ông, mà tôi nghe được. Ông kể: Ngày 19 tháng 8, 1945; là ngày Quốc-Dân-Đảng tổ chức và mời đảng Cộng-Sản tham dự với tình ‘’Huynh Đệ’’ trong cùng một nước. Vì trước đó cả hai đảng: Quốc-Dân-Đảng và Cộng-Sản-Đảng đều biết đến sự hiện diện của nhau trong cùng một nước, và có cùng một mục đích chống ngoại xâm.
Ngày ấy, người của Quốc-Dân-Đảng chuẩn bị không nhiều. Chỉ thực hiện một khán đài và bài diễn văn để tuyên bố ngày “Độc-Lập của Việt-Nam“. Nhưng đảng Cộng-Sản (được mời) thì chuẩn bị nhiều và rất chu đáo. Khi cuộc mit ting bắt đầu, người của đảng Cộng-Sản lên ‘’dành’’ khán đài, cờ đỏ sao vàng dâng cao, biểu ngữ tung ra, khẩu hiệu hô lớn. Những người của Quốc-Dân-Đảng bị dành khán đài quá bất ngờ, nên không kịp có phản ứng gì. Bởi vậy cuộc mit ting trở thành của đảng Cộng-Sản – mà họ gọi đó là cuộc ‘’Cách-Mạng’’. Dân chúng ngày ấy chỉ thấy cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, khẩu hiệu và diễn văn đều là những danh từ của đảng Cộng Sản. Đặc biệt lần đầu tiên, sau 1000 năm đô hộ bởi người Tầu, 100 năm đô hộ bởi người Tây, dân chúng VN được nghe những danh từ: Dân Chủ, Cộng Hòa, Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc . . . là những danh từ rất hấp dẫn và lôi cuốn sự quan tâm, chú ý của mọi người dân – mà họ gọi đó là một “Thành Công”. Gọi tóm tắt là: “Cách-Mạng Thành-Công”.
Khi lớn lên, tôi (người viết) mới biết ông Thân Sinh tôi là một đảng viên Quốc-Dân-Đảng. Và nhớ lại từ sau ngày 19 tháng 8 ấy; ông sống trong trạng thái bồi hồi, âu lo. Tôi thắc mắc nhưng không giám hỏi. Sau này tôi được biết, tất cả đảng viên Quốc Dân Đảng, không thân thiện với chính quyền mới đều bị thủ tiêu hay hành hạ. Ông Thân Sinh tôi bị cảnh cáo (có lẽ nhờ bên ngoại. Nhưng ông Chú ruột tôi bị làm nhục bằng cách dẫn trên đường phố và giới thiệu với đồng bào bằng những lời khó nghe! (nhưng đồng bào hiểu và thông cảm).
Về những toán OSS ( Office of Strategic Services / Sở Công-Tác-Chiến-Lược / Là tiền thân của Trung-Ương-Tỉnh-Báo CIA). Ngày 16 tháng 7, 1945; một toán OSS 7 người đã nhẩy dù xuống biên giới Việt-Hoa, rồi di chuyển xuống Tân-Tạo, tỉnh Thái-Nguyên. Họ tìm gặp ông Hồ-Chí-Minh, rồi huấn luyện quân sự và yểm trợ cho những lực lượng của ông Hồ.
Hai tuần sau ngày “Cách-Mạng Thành- Công”, một cuộc mit ting ở Vườn-Hoa Ba-Đình (Sau gọi là Quảng-Trường Ba-Đình), ông Hồ-Chí-Minh lên diễn đàn đọc bản “Tuyên Ngôn Độc Lập”. Theo thiếu tá Archimedes Patti (người chỉ huy nhiều toán OSS), đã gặp ông Hồ-Chí-Minh nhiều lần, đã nói chuyện với tướng Võ-Nguyên-Giáp và tướng Chu-Văn-Tấn. Và đã giúp cho ông Hồ việc soạn thảo bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” mà ông Hồ đọc ngày 2 tháng 9, 1945. Vì thế trong bản tuyên ngôn này, đoạn đầu có những câu đã có trong bản Tuyên-Ngôn Độc-Lập của Hoa-Kỳ, đọc ngày 4 tháng 7 (Fourth July), 1776 tại Philadelphía. Những câu đó là: Tất cả mọi người sanh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
It ngày, sau khi đọc bản Tuyên-Ngôn-Độc-Lập, ông Hồ-Chí-Minh mới xác nhận với thiếu tá Allison Kent Thomas (Một trong những trưởng toán OSS) rằng, ông là người của “cộng sản quốc tế”. Từ đó ông Hồ thay đổi tư tưởng và hoạt động nghiêng hẳn về công sản. Nên Mỹ cũng chấm dứt việc huấn luyện và yểm trợ cho những lực lượng của ông Hồ, mà Mỹ yểm trợ mạnh mẽ cho Pháp ở Đông-Dương. Từ đó người ta thấy rất nhiều quân dụng và lương thực . . . mà quân đội Pháp dùng ở Đông-Dương đều có nhãn hiệu “USA”.
Bảo-Đại lên ngôi hoàng đế lần thứ 2: Ngài về nước tháng 4, 1949. Thời gian này, Ngài làm việc tại một biệt điện ở Đà-Lạt. Xung quanh nơi Ngài ở và làm việc, có một trung đoàn ngự-lâm-quân bảo vệ. Từ năm 1949 đến năm 1954, Bảo-Đại đã thay đổi 6 đời thủ tướng: Thủ tướng Nguyễn-Văn-Xuân, Nguyễn-Phan-Long, Trần-Văn-Hữu, Nguyễn-Văn-Tâm, Hoàng-Thân Bửu-Lộc và Ngô-Đình-Diệm.
Thủ tướng Ngô-Đình-Diệm là người đã chấm dứt Triều Nguyễn bắt đầu từ năm 1802, thời vua Gia-Long, và lối tiếp gồm 13 đời vua.
Ngô-Đinh-Diệm thành lập và cải tổ chinh phủ từ tháng 9, 1954. Trong thời kỳ đầu, thủ tướng Diệm không có thực quyền đối với quân đội do trung tướng Nguyễn-Văn-Hinh, tổng tư lệnh. Không những tướng Hinh không chịu dưới quyền thủ tướng Diệm, mà cả bộ máy quan chức dân sự của thủ tướng Diệm cũng tỏ ra không phục tùng ông, vì các viên chức Pháp còn nhiều, họ
Ngô-Đình-Diệm: 1901 – 1963
Thủ Tướng: 6/1954 – 10/1955
Tổng Thông: 10/1955 – 11/1963
nắm giữ các chức vụ quan trọng. Trung tướng Nguyễn Văn Hinh còn cấu kết với lực lượng Lê-Văn-Viễn (Bẩy-Viễn) chống lại chính phủ trung ương. Tướng Hinh báo cáo cho Bảo-Đại ở Pháp về những bất phục tùng của ông đối với Ngô-Đình-Diệm. Bảo Đại điện gọi ông Diệm sang Pháp trình bầy. Nhưng thủ tướng Diệm coi tướng Hinh là vấn đề của Việt-Nam, phải giải quyết tại Việt-Nam, và ông từ chối đi Pháp. Bảo-Đại liền điện về cách chức thủ tướng Diệm. Đáp lại: Ngày 4 tháng 10, 1955; thủ tướng Diệm thành lập một ủy ban “Trưng Cầu Dân Ý”. Ủy ban này họp và quyết định tổ chức bỏ phiếu truất phế Bảo-Đại vào ngày 23, tháng 10, 1955. Kết quả được công bố ngày 26 tháng 10, 1955 với gần 6 triệu phiếu “Truất Phế Bù-Nhìn Bảo-Đại” và suy tôn Ngô-Đinh-Diệm lên tổng thống của nền đệ nhất cộng hòa. Từ đó, ngày 26 tháng 10, gọi là ngày “Quốc-Khánh / Tết Độc-Lập”.
Từ khi vua Bảo-Đại bị truất phế, Ngài sống lưu vong, nay đây mai đó trên nước Pháp. Gọi là lưu vong, nhưng thực sự khi còn tại chức, Ngài đã luôn sống tại Pháp. Lúc này, Ngài sống rất phóng túng, hoang phí và không đoái hoài gì đến gia đình – vợ con.
Thời kỳ này cũng là thời kỳ bức xúc nhất của Nam Phương Hoàng Hậu. Bà muốn xa lánh kinh thành ánh sáng Ba-Lê, và cũng
Nam-Phương Hoàng-Hậu
Nguyễn-Hữu-Thi-Lan/Marie Thérèse
1926 – 1963
 
để tránh mặt giới báo chí cùng những người quen biết. Năm 1958, bà mua điền trang La Perche 160 mẫu tây, với ngôi nhà xây đá, lợp ngói, gồm 36 phòng. Ở đây bà nuôi thêm 100 con bò sữa.
Một chuyện không định mà sẩy ra. Hai bà hoàng của cuối triều Nguyễn từ đất nước
Annam xa xôi, lại ngẫu nhiên trở thành “láng giềng” ở một miền quê hẻo lánh nhưng thơ mộng của Pháp quốc – điền trang La Perche
(của NPHH) nằm cạnh lâu đài De La Nauche (của công chúa Như-Lý). Một điều lạ khác: Công chúa Như-Lý, trên quan hệ bà là cô chồng của Nam-Phương Hoàng-Hậu (Cô Bảo-Đại). Là cô cháu, là láng giềng trong suốt 5 năm, nhưng hai bà không một lần gặp mặt thăm hỏi! Năm 1963, Nam-Phương Hoàng-Hậu bị chứng viêm cuống họng cấp tính, bà nghẹt thở và đột ngột qua đời ở tuổi 49. Thi hài bà cũng được an táng tại nghĩa trang của dòng họ De La Besse. Lúc sinh tiền, hai cô cháu không một lần thăm hỏi! Nhưng “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên đám tang của Nam Phương Hoàng Hậu, cũng có mặt công chúa Như-Lý trong dòng người đưa đám.
(Người Viết mong sau này có dịp sẽ viết về “Cuộc Đời và Cuộc Tình” của Nam Phương Hoàng Hậu).
Sau này công chúa Như-Lý đã cải táng vua cha Hàm-Nghi từ Algérie về nghĩa trang này. Rồi hài cốt công chúa Như-Mai (Chị Như-Lý) và hoàng tử Minh-Đức (Em trai Như-Lý) cũng lần lượt được đưa về đây. Năm 2000, công chúa Như-Lý đã có kế hoạch cải táng vua cha Hàm-Nghi và các thành viên của triều Nguyễn ở đây về Huế, Việt-Nam, nhưng chưa kịp thực hiện thì năm 2005, công chúa Như Lý cũng qua đời. Nghĩa trang của gia đình De La Besse, làng Charbrignac, xa xôi hẻo lánh, cách Paris 500 km, hướng cực Tây-Nam Pháp quốc, không định mà trở thành “nơi an nghỉ” của một bộ phận thuộc hoàng tộc triều Nguyễn Việt-Nam.
CUỘC ĐỜI DUY-TÂN ĐÃ BAO LẦN DANG DỞ?
- Dang dở vì đã hy sinh mối tình đầu để tránh mối họa có thể sẩy ra cho gia đình người mình yêu!
- Dang dở vì đã hy sinh ngai vàng của mình cho tiền đồ đất nước.
- Dang dở vì một tai nạn (hay mưu sát) để mất đi cơ hội trở về phục vụ quốc dân!
Vài Giai-Thọai Về Duy-Tân:
- Một hôm vua Duy-Tân ra bến Phú-Vân-Lâu câu cá, có thượng thư Nguyễn-Hữu-Bài đi cùng. Ngồi lâu không có cá cắn câu. nhà vua buồn, bèn xuất khẩu một câu đối cho Nguyễn-Hữu-Bài:
- Ngồi trên nước không cầm được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần”.
Thượng thư Nguyễn-Hữu-Bài suy nghĩ một hồi lâu mới đáp:
- Nghẫm việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt tới đâu hay đó”.
- Duy-Tân có lần phê phán Nguyễn-Hữu-Bài là người cam chịu số mệnh. Nhà vua nói, theo ý trẫm sống như thế buồn lắm! Sống phải có ý chí vượt khó khăn, gían khổ thì đời mới có ý nghĩa!
- Ngày 5 tháng 12, 1992; thành phố Saint Denis, đảo La Réunion (nơi Duy-Tân / Vĩnh-San, đã bị đầy 29 năm), khánh thành một đại lộ được mang tên “Đại Lộ Vĩnh-San”.
Những lời nói đẹp của Bảo-Đại:
Trong buổi lễ thoái vị ngày 30 tháng 8, 1945; Bảo-Đại đã tuyên bố một câu nổi tiếng: “Thà làm dân một nước độc-lập còn hơn làm
vua một nước nô lệ” (Do Phạm Khắc Hòe viết trước cho Bảo-Đại).
Năm 1996, bác sĩ Pháp giải phẫu mắt cho Ngài thành công tốt, một đoàn thể chính trị tới chúc mừng cho ngài và mời Ngài tham dự đoàn thể với tư cách lãnh tụ. Nhưng Ngài khua tay nói (tiếng Pháp) như van nài: “S’il vous plait, laissez-moi vivre et mourir en paix” (Xin quý vị cho tôi được sống và chêt trong bình yên).
Sưu Tầm & Tóm Lược/Cao Văn Tâm/CB.
Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét