Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Trại tị nạn Việt Nam ở đảo Galang trước đây có thể là địa điểm cho người Rohingya ngày nay? - VOA

 

Khu trại còn lại trong trại tị nạn Việt Nam ngày xưa trên đảo Galang, Batam, quần đảo Riau. (VOA/Anugrah Andriansyah)

Ông Abunawas nhớ rất rõ những kỷ niệm ngọt ngào trong thời gian người dân Việt Nam sống trong trại trên đảo Galang, nơi người dân địa phương chung sống hòa thuận với người tị nạn.Những ngọn cây đung đưa khi một cơn gió mạnh quét qua. Những chiếc lá đang xào xạc. Một đàn khỉ hoang sống động tụ tập giữa con đường trải nhựa gồ ghề với những bụi cây hai bên. Cảnh tượng này chào đón du khách khi họ tiếp cận trại tị nạn người Việt Nam cư ngụ ngày xưa, ở đảo Galang, Batam, thuộc tỉnh Riau Islands của Indonesia.



<!>

Trước đây, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã cho khoảng 250.000 người tị nạn Việt Nam và khoảng 5.000 người tị nạn Campuchia tạm trú trong trại được trang bị tốt này. Những người tị nạn Việt Nam chạy khỏi đất nước sau khi kết thúc cuộc chiến năm 1975, được gọi là ‘thuyền nhân’, sinh sống ở đảo Galang từ năm 1979 đến năm 1996.

Sống hài hòa với cư dân địa phương

Ông Abunawas Tanawolo là nhân chứng sống cho lịch sử đưa người tị nạn Việt Nam lên đảo Galang. Với VOA, ông kể lại kỷ niệm lần đầu đặt chân lên đảo Galang khi mới 5 tuổi vào năm 1980.

Ông Abunawas Tanawolo sống trên đảo này từ lúc 5 tuổi. Ông kể: Mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng địa phương và người tị nạn Việt Nam còn có những tác động tích cực khác, chẳng hạn như hệ thống trao đổi hàng hóa đôi bên cùng có lợi.
Ông Abunawas Tanawolo sống trên đảo này từ lúc 5 tuổi. Ông kể: Mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng địa phương và người tị nạn Việt Nam còn có những tác động tích cực khác, chẳng hạn như hệ thống trao đổi hàng hóa đôi bên cùng có lợi.

Ông Abunawas nhớ rất rõ những kỷ niệm ngọt ngào trong thời gian người dân Việt Nam sống trong trại trên đảo Galang, nơi người dân địa phương chung sống hòa thuận với người tị nạn.

“Ở đây, với sự hiện diện của người tị nạn Việt Nam, cộng đồng cảm thấy được hỗ trợ cả về kinh tế lẫn chăm sóc y tế. Chúng tôi không phải trả tiền điều trị y tế”, ông Abunawas nói khi được đài VOA phỏng vấn hôm thứ Năm (21/12).

Theo ông Abunawas, lợi ích không dừng lại ở đó. Mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng địa phương và người tị nạn Việt Nam còn có những tác động tích cực khác, chẳng hạn như hệ thống trao đổi hàng hóa đôi bên cùng có lợi.

“Cộng đồng địa phương có thể thu hoạch được cá hoặc rất nhiều rau quả và chúng tôi có thể bán cho họ. Họ có thể nhận được lượng gạo dư thừa và bán cho chúng tôi. Họ thậm chí còn cho nhiều hơn, đặc biệt là khi họ biết chúng tôi”, ông Abunawas hồi tưởng.

Trong thời gian đó, người Việt Nam sinh hoạt bình thường, bao gồm buôn bán và trồng trọt trong trại tị nạn.

Dù thời gian đã trôi qua lâu rồi, ông Abunawas vẫn nhớ rõ những kỷ niệm về thời gian cùng sống với người dân Việt Nam trên đảo Galang. Đối với người đàn ông có gia đình đến từ Flores ở miền Đông Indonesia, thời kỳ người Việt tị nạn trên đảo Galang tượng trưng cho một lịch sử ngọt ngào không thể lặp lại. Không có gì ngạc nhiên khi ông Abunawas nói tiếng Việt thành thạo.

Bệnh viện cũ của trại tị nạn Việt Nam trên đảo Galang. (VOA/Anugrah Andriansyah)
Bệnh viện cũ của trại tị nạn Việt Nam trên đảo Galang. (VOA/Anugrah Andriansyah)

“Theo thời gian, cuối cùng tôi cũng có thể giao tiếp được với người Việt Nam. Tôi sống trong doanh trại người Việt hàng ngày. Thậm chí tôi còn được một gia đình Việt Nam tị nạn nhận làm con nuôi”, ông tiết lộ.

Vẫn hài hòa bất chấp sự khác biệt

Ngày nay, cuộc sống ngày xưa của người Việt tị nạn đã trở thành một phần không thể tách rời trong lịch sử đảo Galang. Những dấu tích còn sót lại của người Việt còn tồn tại trong trại bao gồm các bệnh viện cũ, đồ trang trí cũ, doanh trại, chùa Quan Âm Tự, Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm và mộ của 503 người tị nạn Việt Nam ở nơi có tên “Nghĩa Trang”.

Ông Abunawas nói: “Ở đây từng có cửa hàng, quán cà phê, chợ và rạp chiếu phim.”

"Tạ Ơn Đức Mẹ", Galang, Batam, Quần đảo Riau. (VOA/Anugrah Andriansyah)
"Tạ Ơn Đức Mẹ", Galang, Batam, Quần đảo Riau. (VOA/Anugrah Andriansyah)

Bất chấp hoàn cảnh và văn hóa khác nhau giữa người tị nạn Việt Nam và cộng đồng địa phương trên đảo Galang, xung đột hay đụng độ chưa bao giờ xảy ra vào thời điểm đó.

Dù những người tị nạn đã ra đi từ lâu nhưng tinh thần bao dung dường như vẫn còn đọng lại ở đảo Galang.

“Cho đến bây giờ, chúng tôi ở đây vô cùng đoàn kết. Khi một người Hồi giáo qua đời, người Công giáo giúp đào mộ. Tương tự, khi một người Công giáo qua đời, người Hồi giáo cũng giúp đỡ, thậm chí còn khiêng quan tài. Chúng tôi vẫn duy trì nét văn hóa đó cho đến tận bây giờ,” ông Abunawas nói.

Ông Abunawas, người cũng là nhân viên bảo vệ cho trại tị nạn Việt Nam trước đây, cho biết cao điểm của việc hồi hương thuyền nhân là vào năm 1996.

Dù thời gian đã trôi qua rất nhiều nhưng cho đến ngày nay, nhiều người Việt tị nạn vẫn quay trở lại vùng đất này để đoàn tụ hoặc thăm viếng hoài niệm. Ông Abunawas nói: “Họ thường quay lại đây. Họ gọi cho tôi. Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Indonesia”.

Tại sao đảo Galang được chọn

Ông Dedi Arman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khu vực thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN), giải thích rằng những người tị nạn Việt Nam khi đó đến từ Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tiên họ vào Indonesia thông qua Tanjungpinang, Natuna, Tarempa và Anambas, tất cả đều thuộc tỉnh Riau Islands.

Ông nói với VOA: “Tại sao lại là đảo Galang? Bởi vì đảo Galang có vị trí chiến lược”.

Nơi chôn cất 503 người tị nạn Việt Nam trong nghĩa trang trên đảo Galang. (VOA/Anugrah Andriansyah)
Nơi chôn cất 503 người tị nạn Việt Nam trong nghĩa trang trên đảo Galang. (VOA/Anugrah Andriansyah)

Ông Dedi giải thích rằng đảo Galang được chọn làm nơi trú ẩn cho người tị nạn Việt Nam vì vào thời điểm đó, nơi đây có dân số thưa thớt. Điều này ít nhất có thể ngăn ngừa và giảm thiểu xung đột với cộng đồng địa phương.

​Ông Dedi giải thích: “Năm 1979, đảo Galang bắt đầu là nơi dành cho những người tị nạn Việt Nam. Từ năm 1979 đến 1996, đảo Galang đã trở thành một anh hùng nhân đạo trên thế giới. Những người tị nạn Việt Nam được đối xử rất nhân đạo trong thời gian họ ở đảo Galang”.

Giờ đây, trại tị nạn Việt Nam trước đây đã biến thành một địa điểm du lịch lịch sử ở thành phố Batam. Tại trại tị nạn Việt Nam trước đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến sự đóng góp của Indonesia trong việc giúp đỡ người tị nạn trên thế giới mặc dù nước này không phải là thành viên của Công ước Tị nạn năm 1951.

Hiện nay, chính phủ Indonesia đang đưa ra ý tưởng biến trại Việt Nam cũ này làm nơi trú ẩn cho người tị nạn Rohingya. Tuy nhiên, một số cư dân đảo Galang và khu vực xung quanh đã công khai bác bỏ đề nghị này.

(Bài viết nguyên thuỷ của phóng viên Anugrah Andriansyah, ban VOA Indonesian. Chuyển ngữ: Hà Vũ, VOA Tiếng Việt)

Không có nhận xét nào: