Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

GS Carl Thayer: Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao 'cây tre' - Linh Ðan VOA


Cây tre được dùng trong trang trí tại cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Hà Nội hôm 10/9/2023. Ngoại giao 'cây tre' đang giúp Việt Nam đạt được thế cân bằng trong quan hệ với các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc. Ngoại giao 'cây tre', một đường hướng đối ngoại mang dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là chiến lược ngoại giao mà Việt Nam sử dụng trong những năm qua để cân bằng quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Liệu chính sách này có giúp Việt Nam tiến xa trong thế giới ngày càng phân cực? 
<!>
Giáo sư vinh hưu Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia thuộc Đại học New South Wales, chuyên phân tích về an ninh và chính trị Việt Nam và khu vực, đưa ra nhận định của ông với VOA. Cuộc phỏng vấn đã được biên tập cho rõ nghĩa và phù hợp với độ dài của bài viết.

VOA: Trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất đón tiếp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông đánh giá thế nào về những gì mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm được? Ông có gọi đó là một thành tựu không?

GS Thayer: Vâng, tôi sẽ gọi đó là một thành tựu. Tôi có thể gọi đó là một thành công lớn và một phần là sự tình cờ. Nói cách khác, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tới Trung Quốc vào tháng 11/2022 và được Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý đáp lại bằng chuyến thăm (tới Việt Nam). Vì vậy, điều đó đã nằm trong kế hoạch và sau đó điều đáng chú ý là cuộc điện thoại của ông Biden với ông Trọng. Cả hai đồng ý trao đổi chuyến thăm nhưng điều đó đã không xảy ra. Việt Nam gửi bốn giấy mời tới ông Biden trước khi ấn định được ngày giờ cụ thể. Họ đã có được chuyến thăm của ông Biden.

Thành công đặc biệt là khi Mỹ chỉ là đối tác toàn diện trong một thời gian dài, không phải là đối tác chiến lược và hai bên, giống như một điệu nhảy chưa giờ kết thúc, sau đó họ quyết định thực hiện bước nhảy vọt về phía trước.

Việt Nam đưa Hoa Kỳ lên ngang hàng với Trung Quốc và sau đó tiếp đón Tập Cận Bình, thêm Nhật Bản và có các tiến triển khác. Vâng, đó là điểm nổi bật của năm.

VOA: Theo ông, Việt Nam làm thế nào để cùng duy trì được mối quan hệ với các quốc gia có mâu thuẫn với nhau?

GS Thayer: Trở lại năm 2003, Việt Nam đã xây dựng chính sách “hợp tác và đấu tranh” – vừa hợp tác vừa đấu tranh. Và họ có những “đối tác hợp tác” và những “đối tượng đấu tranh”. Và tôi đã đến thăm Việt Nam hai lần trong hai tháng qua, và những gì họ nói với tôi là “phải linh hoạt”.

Họ đã có lúc muốn xác định chính xác các lĩnh vực hợp tác đấu tranh giữa Mỹ với Việt Nam, giữa Trung Quốc và Mỹ - cái gì cản trở việc Việt Nam có thể tiến lên trong các mối quan hệ này. Vì vậy, [Việt Nam] trở nên linh hoạt hơn và điều đó dẫn đến sự phát triển quan hệ với Mỹ và động lực ở đó là kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Trong khi đó kinh tế toàn cầu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đang gặp rắc rối.

Cách duy nhất mà Việt Nam có thể nhìn ra được là nâng cấp và dỡ bỏ các hạn chế với các nền kinh tế hùng mạnh. Vì vậy, [nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với] Hàn Quốc năm trước là bước đi nhỏ đầu tiên. Sau đó, Việt Nam thêm Hoa Kỳ, thêm Nhật Bản và [sắp tới là] Úc vào danh sách này.

Vì vậy, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong quan điểm của Việt Nam, tìm cách tối đa hóa vị thế của mình về mặt kinh tế và thu hút các quốc gia khác tham gia vào 'bữa tiệc' của mình.

VOA: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã mô tả thành tựu đó là một phần của “ngoại giao cây tre”, thuật ngữ mang ý nghĩa “có gốc vững chắc nhưng linh hoạt”. Tờ South China Morning Post đã ca ngợi Việt Nam là “bậc thầy” trong quan hệ giữa sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc. Ông có đồng ý với điều đó không?

GS Thayer: Ông Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vào ngày 19/12 và ông đã trình bày chi tiết, tất nhiên đó là ý tưởng nổi bật của ông.

Thứ nhất, tôi nghĩ ngoại giao tre chủ yếu hướng tới khán giả trong nước. Và thứ hai, nó có một chân lý vĩnh cửu nào đó, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về chiến lược.

Vấn đề là áp dụng nó như thế nào. Một ví dụ là, với “cộng đồng chia sẻ tương lai” thì trong thông cáo chung Việt Nam không cam kết thực hiện. Việt Nam nói sẽ nghiên cứu nó về mặt nguồn lực và khả năng. Vì vậy, tôi gọi nó là “bày hàng tủ kính” theo một nghĩa nào đó.

Ông Tập Cận Bình đã phải thuyết phục người dân của mình và thuyết phục cả khu vực rằng Trung Quốc đang phát triển và mọi người đang tham gia vào các cộng đồng khác nhau của ông. Vì thế Việt Nam đã làm ở mức tối thiểu. Họ đã “uốn cong” chiến lược của mình. Họ hơi cúi mình một chút nhưng họ không cam kết với bất cứ điều gì khó. Cuối cùng, ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra năm điểm, là làm thế nào để dung hòa lợi ích quốc gia với các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam.

Có thể nói, đối với hành động xâm lược trong cuộc chiến ở Ukraine, “ngoại giao tre” của Việt Nam không giúp ích được gì. Ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam không muốn hủy hoại mối quan hệ với Nga, nhưng sẽ không bao giờ là người bạn tốt của Ukraine trong một thời gian dài.

Và nếu chúng ta nhìn vào ngoại giao “cây tre”, Việt Nam nằm trong ASEAN và Việt Nam không bỏ phiếu cùng với đa số các nước ASEAN nhưng vẫn muốn tận dụng ASEAN. Vì vậy, “ngoại giao tre” có những mâu thuẫn nội tại dù có thể nói hay rằng “Việt Nam kiên cường mà có thể uốn cong”.

[Ngoại giao cây tre] không thực sự là một định hướng chắc chắn [hay] một định hướng tuyệt đối cho chính sách đối ngoại trong tương lai.

VOA: Ông còn thấy điểm bất cập nào trong chiến lược tiếp cận này của Việt Nam?

GS Thayer: [Việt Nam] thuộc Hội đồng Nhân quyền [Liên Hợp Quốc] và Việt Nam sẽ không bỏ phiếu loại bỏ Nga. Và đối với các nền dân chủ phương Tây, sẽ là một sự nguyền rủa khi để Nga trong Hội đồng trong lúc chúng ta đang phẫn nộ vì [tình hình] Gaza.

Nhưng Ukraine là khúc dạo đầu về hành vi giết hại dân thường một cách bừa bãi bằng các cuộc tấn công của [Nga], tất nhiên không phải ở quy mô như ở Gaza, nhưng dù sao cũng là tàn sát.

Vấn đề thực sự bây giờ là sự linh hoạt hơn trong đối tượng đấu tranh [của Việt Nam] và Mỹ trở thành đối tượng hợp tác, để giúp đỡ về mặt kinh tế. Việt Nam không còn cho phép các khái niệm ý thức hệ can thiệp vào sự phát triển. Đó là kinh tế, không phải hệ tư tưởng, không phải sự liên kết. Đó là về trung tâm kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và cố gắng đạt được những mục tiêu dài hạn mà Việt Nam đã đặt ra cho mình.

VOA: Với chính sách ngoại giao “cây tre”, Việt Nam cố gắng giữ thái độ trung lập trong cách tiếp cận đa cực. Liệu điều đó có khiến Việt Nam trở thành một quốc gia bị coi là đối tác không đáng tin cậy?

GS Thayer: Không thể giữ thái độ trung lập mãi mãi. Trong những cuộc trò chuyện riêng với các nhà ngoại giao Việt Nam, họ hơi khó chịu với tôi nếu tôi nêu lên vấn đề nhân quyền, đặc biệt là trong trường hợp Ukraine. Họ nói “chúng tôi đứng về phía lẽ phải, chúng tôi đã chọn lẽ phải”.

Nếu cuộc chiến ở Ukraine và Gaza làm gia tăng sự cạnh tranh [trong thế giới đa cực], tôi nghĩ Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Chính quyền Biden có thể bị thay thế bởi [chính quyền] Trump hoặc Quốc hội Mỹ có thể tức giận với Việt Nam về một số vấn đề cụ thể, hoặc lập trường của Việt Nam sẽ là trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương với Mỹ.

Nếu đọc bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đưa ra những phân tích, chứ không đưa ra kết luận, về những diễn biến “phức tạp, khó lường” đang diễn ra trên trường quốc tế.

Nếu lấy quan điểm lâu dài của Israel đối với Việt Nam về vấn đề Gaza sẽ như thế nào?

Israel là một trong những nước hàng đầu, dù không phải là chính, nhưng là một trong bốn hoặc năm nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho Việt Nam trước cuộc xâm lược Ukraine. Vậy thì Việt Nam có mất đi nguồn cung đó không?

Và đó là một ví dụ về việc nếu chúng ta tóm gọn lại năm điểm thì ngoại giao “cây tre” đó quá trừu tượng để mô tả những gì đang xảy ra và anh không thể lúc nào cũng trung lập vì anh sẽ mất bạn bè, một số lợi ích sẽ bị ảnh hưởng.

VOA: Trong lần trả lời phỏng vấn VOA ngay sau khi Việt Nam nâng cấp với Mỹ, GS Alexander Vuving đề cập đến chính sách ngoại giao “cây tre”, nói rằng Việt Nam “phải tránh chọn bên trong cuộc chiến của các cường quốc lớn, nhưng cũng phải tham gia hoặc thậm chí tạo ra cơ chế thúc đẩy chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khả năng tự cường của mình”. Ông có đồng ý với quan điểm đó không?

GS Thayer: “Ngoại giao tre” là một từ tương đối mới, nhưng Việt Nam luôn có quan điểm không liên kết. Đó là [chính sách quốc phòng] “bốn không”.

“Ngoại giao cây tre” không phải là một ý tưởng tuyệt vời đột nhiên xuất hiện để giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Việt Nam luôn muốn đứng ngoài [tức trung lập] đó vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu.

Điểm mạnh là mọi quốc gia đều có thể hợp tác với Việt Nam và các vấn đề khác, và biết rằng Việt Nam sẽ không tham gia chống lại họ và ảnh hưởng đến vấn đề cụ thể của họ. Vì vậy, đó là một cách để tiến về phía trước.

Nhưng Việt Nam lo lắng về lệnh trừng phạt của Nga. Tôi biết có thông tin rò rỉ về nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, trong những chuyến thăm gần đây nhất của tôi, rằng Việt Nam đã ký thỏa thuận với Nga để mua vũ khí. Họ phải đáp ứng những nghĩa vụ đó.

Vâng, anh làm điều đó và anh sẽ nhận được lệnh trừng phạt từ Mỹ ngay sau khi anh nâng cấp mối quan hệ lên một đối tác chiến lược toàn diện.

Vậy đối với Gaza, cơ chế đó là gì?

Việt Nam sẽ là người đứng ngoài cuộc. Họ sẽ không phải là một bên trung tâm cho việc giải quyết hòa bình ở đó. Bạn có thể thấy Qatar, Ai Cập và các quốc gia khác đóng vai trò nổi bật hơn.

Tôi không muốn chỉ trích quá mức về ngoại giao “cây tre”. Nó thu hút trí tưởng tượng. Vâng, người Việt đã chống lại thế lực ngoại xâm và xây dựng đất nước trở lại. Xin trích dẫn di chúc của ông Hồ Chí Minh, ông nói “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Vì vậy, bạn phải ngưỡng mộ họ vì đã chống lại cuộc chiến trên không và hai lần được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Đó là những bằng chứng về vị thế quốc tế của Việt Nam nhưng hiện nay thế giới đang phân cực hơn bao giờ hết. Và tôi nghĩ việc tránh xa điều đó sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, Việt Nam sẽ mất đi sự tín nhiệm nếu không lên tiếng về các vấn đề nhân quyền. Tôi nghĩ trong trường hợp của Nga và Ukraine, đó là một ví dụ điển hình.

VOA: Vậy ông nghĩ Việt Nam có thể đi được bao xa với tình trạng không liên minh này?

GS Thayer: Việt Nam đang thúc ép trong khi Mỹ không trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường. Đồng thời với Trung Quốc, Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn để thu hút đầu tư tốt của Trung Quốc vào đây cũng như mở cửa các văn phòng thương mại và đưa nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đó là điều mà Việt Nam đang theo đuổi.

Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh hiệp ước chính thức với bất kỳ ai. Vì vậy, không có sự liên minh ở đó.

Các cơ chế mới, như sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc, được cho là sẽ kế thừa cơ chế của Mỹ. Nhưng bằng cách “bày hàng tủ kính”, Việt Nam đang đưa ra lời khen ngợi cho một số khái niệm này. Bởi vì nó không làm họ mất gì cả. [Việt Nam] không đưa ra một lập trường vững chắc và họ đang tạo ấn tượng rằng họ đang ủng hộ, hoặc ít nhất là không phản đối.

Nhưng Việt Nam chưa bao giờ thực sự tham gia “Vành đai và Con đường”, mà họ nói “Chúng tôi sẽ liên kết 'Vành đai và Con đường' với 'Hai hành lang, một vành đai kinh tế'”.

Giữ quan điểm đó thì có vẻ hời hợt nhưng sẽ không bao giờ dẫn đến sự sụp đổ tuyệt đối của việc không liên minh. Nhưng nói cách khác, nó không phải là liều thuốc chữa bách bệnh tuyệt vời.

Cho rằng “hãy dùng 'ngoại giao cây tre' và mọi thứ đều ổn”. Không phải vậy, dùng 'ngoại giao tre', nhưng thế giới, như ông Nguyễn Phú Trọng nói, đầy khốc liệt và cạnh tranh, và [ông yêu cầu] phải dự báo đúng chiều hướng phát triển tình hình.

VOA: Việt Nam sửa đổi Sách Trắng thành '4 Không' và 'một tùy'. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh trong tình huống cần đứng về phía ai đó hoặc làm điều gì đó hoặc trở thành đồng minh với ai đó khi cần thiết?

GS Thayer: Nhìn lại 2 sách trắng trước thì họ đã có '4 Không'. Nhưng điều mới là tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, Việt Nam chọn quyền sắp xếp phòng thủ của riêng mình.

Thứ nhất, họ [lúc đó] chịu sức ép khủng khiếp từ chính quyền Trump về các biện pháp trừng phạt chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua Đạo luật trừng phạt năm 2017 [CAATS]. Việt Nam được Mỹ yêu cầu cắt đứt quan hệ [với các kẻ thù của Hoa Kỳ]. Họ đã làm cho Việt Nam khá khó chịu.

Nhưng cũng có nghĩa là nước nào gây áp lực lên Việt Nam thì: “hợp tác với chúng tôi và chúng ta sẽ độc lập còn chống lại chúng tôi, thì trở thành đối tượng đấu tranh”. Khi đó họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi mối quan hệ.

Đó là một lời cảnh báo đối với các cường quốc. “Anh gây áp lực cho chúng tôi, thì chúng tôi phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”. Vì vậy, nói cách khác, đừng làm điều đó. Và Trung Quốc gia tăng áp lực ở Biển Đông, nên “chúng ta có thể phải quay sang Mỹ để được hỗ trợ thêm”.

VOA: Vậy khi tình hình chính trị quốc tế trở nên phức tạp hơn, Việt Nam có nên tiếp tục ngoại giao “cây tre”?

GS Thayer: Vâng, nhưng nó sẽ tuân theo “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình”. Không có gì sai với tuyên bố đó cả. Đó là khát vọng.

Nó có ý nghĩa khi áp dụng cho một thuộc địa cũ. Nhưng ngoại giao “cây tre”, như tôi đã nói, không phải là văn bản tuyệt vời về quan hệ quốc tế. Ngoại giao “cây tre” thực sự là về việc Việt Nam duy trì quyền tự chủ, độc lập và không liên kết.

“Ngoại giao cây tre” là ý tưởng tuyệt vời của ông Nguyễn Phú Trọng. Người dân Việt Nam đón nhận nó và nó giải thích cho những người trong Đảng Cộng sản, như tôi biết từ những cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao ở Việt Nam về 'đối tượng hợp tác và đấu tranh', rằng “Đó không phải là sự liên kết mà là sẽ hợp tác nhiều hơn với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vì lý do kinh tế. Không chống lại Trung Quốc và để Trung Quốc cạnh tranh để cung cấp tiền đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu”, điều mà dù sao thì Trung Quốc cũng đã và đang làm.

Không có văn bản nào về “ngoại giao cây tre”. Đó chỉ là một loạt các bài phát biểu mà ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra.

Không có nhận xét nào: