Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Tiếng chim khóc bên bờ hồ - Duy Xuyên


Không khó khăn gì để nhận ra Cựu Đại Tá Quân Trấn Trưởng Quân Trấn A khi ông vừa bước ra khỏi một gốc cây cổ thụ đứng sừng sững bên bờ hồ. Mỗi buổi sáng, tay cầm chiếc gậy mun, ông thong dong thả bộ dọc theo bờ hồ. Dáng ông trông nhàn hạ, linh hoạt. Dù rằng ông đã ở vào tuổi tám mươi nhưng tóc chỉ mới lốm đốm vài sợi muối tiêu. Chiếc áo khoác ngắn màu đen làm cho khuôn mặt ông cương nghị hơn ngày xưa, khi tôi đáo nhận đơn vị mới và trình diện ông, bốn mươi lăm năm trước, khi ông còn là Trung Đoàn Trưởng.
<!>
Đại Tá đưa mắt nhìn quanh như đang tìm kiếm một vật gì. Tôi bước đến giơ tay chào ông theo kiểu nhà binh.
- Chào Đại Tá! Đại Tá có khoẻ không?
Ông mỉm cười.
Một phút suy tư, như moi từng ngăn nhỏ của trí óc, ông cố nhớ lại người đang chào ông là ai.
Ngay sau đó vài giây, ông đưa tay cho tôi bắt.
- Chào anh Tâm! Đại Úy Tâm. Anh là Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn K. Con trai tôi Trung úy Mệnh Đại Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn của anh ngày xưa mà! Tôi nhớ ra rồi! Anh dạo này ra sao?
Tôi đáp:
- Vẫn bình thường thưa Đại Tá!
Tôi vừa nói xong, tay ông run run làm ông đánh rơi chiếc gậy mun và buông tiếng thở dài...

Tôi nhặt chiếc gậy trao lại cho ông, tâm sự một lát rồi vội vã chào tạm biệt. Ông mở vòng tay ôm ghì lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt ông rồi ngậm ngùi, lặng lẽ ra đi.
Đi bộ được một vòng hồ, chân tay rã rời, cả người rũ rượi nên tôi dừng lại ngay chỗ cây cổ thụ, nhưng ông Cựu Đại Tá Quân Trấn Trưởng ngày xưa đã đi mất tiêu rồi. Tôi vịn vào thân cây. Cách đây không bao lâu, Đại Tá đã đứng trầm ngâm tại đây. Một chồi non xanh tươi đang nảy chồi non. Tôi vô cùng ngạc nhiên, mới vài hôm trước, cũng ngay chỗ này là một nhánh lá còn tươi xanh, cố vươn mình trước gió. Đưa mắt nhìn quanh, ngay dưới gốc cây, chiếc lá hôm nào còn mơn mởn nay đã rụng xuống đất, gần mục nát sắp trở thành rêu phong.

Trời xuân xanh ngắt. Mặt hồ vẫn phẳng lặng, nước lăn tăn. Mấy đóa hoa sen đang khoe sắc thắm. Đưa mắt nhìn quanh hồ, tôi tìm cặp vịt trời mà ngày nào đi bộ quanh hồ, tôi cũng thấy chúng bơi lội bên những đóa sen đang bềnh bồng, lăn tăn trên sóng nước. Tìm mãi vẫn không thấy, tôi nghe đâu đó có tiếng khóc của một loài chim. Tôi nhìn quanh... một con vịt trời đang đầm mình cô đơn trong một bụi gai gần mé hồ. Nó cất tiếng kêu như trẻ thơ đang khóc. Tri giác cho tôi biết ngay, con chim bạn của nó không còn nữa, nên nó đứng khóc một mình.
Lòng buồn vời vợi. Tôi ngồi xuống trên một cái rễ cây đang nhô lên khỏi mặt đất.Trí não tôi quay về dĩ vãng. Bốn mươi lăm năm trước, Trung Úy Mệnh, con trai của ngài Đại Tá, đã bị xử bắn tại Pháp Trường Cát vì tội: "Đào ngũ trước địch quân". Hồi đó, tôi mang cấp bậc Đại Úy nhưng được phép tham dự phiên xử này, do đó tôi được nghe Trung úy Mệnh trình bày trước Toà Án Mặt Trận như sau:
... Một Trận Đánh Nảy Lửa:
- Mặt trời! Mặt trời! Tôi nghe Mặt trời 2/5. Hết!
- Hồng Hà! Hồng Hà. Mặt trời nghe Hồng Hà 1/5. Hết!
- Mặt trời! Mặt trời! Quân số địch tràn ngập! Xin cho tiếp viện!
- Hồng Hà! Hồng Hà! Cố gắng phòng thủ! Chờ lệnh! Hết!
- Rồi sau đó đại đội mất liên lạc với tiểu đoàn.

Trung Úy Mệnh trình bày trước tòa.
Dạo đó vào tháng 10, năm 1967, mưa gió tràn ngập. Nước lũ trắng xóa cả một vùng rộng mênh mông. Đại đội A của Trung Úy Mệnh đang phòng thủ trên ngọn đồi Đá Đen, một điểm quân sự trọng yếu với cao độ 105 về phía Nam của một tỉnh lỵ. Tuy nói là một đại đội nhưng thực ra quân số chỉ vỏn vẹn có 72 quân nhân. Vào thời gian này những đại đội mà cấp số còn thiếu chưa kịp bổ sung quan số thường được gọi là Đại Đội Trừ. Nhiệm vụ của đại đội do Trung úy Mệnh chỉ huy vừa là tiền đồn quan sát vừa là một chốt quân sự để trấn giữ, cản trở các lực lượng chủ lực của địch, không cho chúng có thể di chuyển từ các tỉnh thuộc Liên khu 5 (Nam Ngãi Bình Phú là 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) của Cộng Sản Bắc Việt không có khả năng hành quân di chuyển để xâm nhập người và vũ khí vào các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Địch lợi dụng mùa mưa lũ lụt không thể nào tiếp tế bằng đuờng bộ vì mực nước dâng cao các khu vực Đồng Trăng, Đất Sét.
Bầu trời thì mây giăng bốn hướng. Sương mù bao phủ cả một vùng núi trùng trùng điệp điệp, nên cũng không thể liên lạc, tiếp tế bằng máy bay quân sự. Địch quân pháo kích ngày lẫn đêm rồi dùng bộ binh tấn công vào các điểm trọng yếu. Do đó đại đội của Trung úy Mệnh phải chiến đấu đơn độc trong nhiều ngày mà lương thực và đạn dược càng lúc càng khô cạn. Truyền tin thì các máy âm thoại PCR 300 cũng mất liên lạc.

Lợi dụng vào một đêm tối trời, Trung úy Mệnh dẫn theo 2 trung đội khoảng 30 binh sĩ cố gắng mở đường máu để thoát hiểm theo chiến thuật rút lui kiểu "chân vịt". Còn lại một nửa quân số của đại đội do một thiếu úy Đại đội Phó chỉ huy để phòng thủ căn cứ địa.
Toán rút lui bị địch quân chận đánh làm tan rã và chỉ 3 người thoát chết trong đó có Trung úy Mệnh. Riêng 2 trung đội còn lại vì quân số quá ít, nên địch quân dùng chiến thuật biển người tấn công ồ ạt, tràn ngập điểm quân sự. Một số lớn binh sĩ bị tử thương và một vài quân nhân bị địch bắt sống. Tiền đồn Đá Đen tạm thời bị nằm trong tầm kiểm soát của địch quân.
Sau đó quân đội tái chiếm lại tiền đồn Đá Đen với sự hy sinh của nhiều binh sĩ.
Trung Úy Mệnh bị đưa ra Tòa Án Mặt Trận về tội “Bất tuân thượng cấp và Đào Ngũ trước địch quân”.
Sau phiên xử,Trung Úy Mệnh bị kêu án tử hình vì nhiều tội:
- Bất tuân thượng lệnh.
- Đào ngủ trước địch quân.
- Hành quân rút lui trái phép khi chưa có lệnh của thượng cấp.
Trung úy Mệnh bị đưa vào quân lao để chờ ngày thi hành án.

Thời gian chờ Sắc Lệnh của Tổng Thống ân xá theo đơn xin của tử tội. Cựu Trung Tá Trung Đoàn Trưởng, nay là Đại Tá Quan Trấn Trưởng Quân Trấn A, thân phụ của Trung úy Mệnh đã nhiều lần vào Quân Lao thăm con. Lòng ông rối beng như tơ vò song ông vẫn giữ nét mặt nghiêm trang của một người cha, một sĩ quan cao cấp trong Q.L.V.N.C.H.
Thấy đứa con trai của mình đang rơm rớm nước mắt, ông khuyên:
- Con phải can đảm lên. Phải gánh chịu những hậu quả mà con đã làm vô trách nhiệm như vậy! Ba không thể nào cứu con đuợc trong trường hợp này!
Trung úy Mệnh khóc lên thành tiếng:
- Ba! Ba phải làm bằng mọi cách cứu con. Ba nên nhờ các ông tướng T., M. và C. trình với Tổng Thống ân xá cho con.

Đại Tá gào lên từng tiếng:
- Là sĩ quan! Con không được hèn! Không khóc! Nên cư xử và hãnh diện với cầu vai mà con đã từng mang. Con phải chịu trách nhiệm trước những việc mình đã làm. Ta đây không thể cúi lưng mình xuống để xin ai, nhờ ai. Ba khuyên con đừng khóc nữa! Nước mắt chỉ nên đổ cho quê hương,Tổ Quốc! Dù khi ra nơi pháp trường, can đảm để nhận lỗi của mình để làm gương cho các đồng đội mai sau.
Ông tức nghẹn. Đứa con trai bé nhỏ của ông, ngày nào còn nũng nịu với mình mà nay mai phải ra Pháp Trường Cát.
Một tia hy vọng vừa loé lên bỗng vụt tắt! Ông nghĩ thầm:
- Mà nếu Tổng Thổng là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội có ân xá tội tử hình thì Mệnh cũng sẽ bị án tù chung thân. Mệnh cũng sẽ bị giáng cấp xuống Binh Nhì rồi cũng sẽ trở thành lao công đao binh đi tải đạn cho các đơn vị tác chiến ngoài mặt trận.

Nghĩ đến đây, ông muốn khóc! Bầu trời tưởng chừng như đổ sụp! Ông quay đi chỗ khác để đứa con trai duy nhất của ông khỏi phải thấy giọt nước mắt sắp tràn bờ mi.
Trung úy Mệnh nài nỉ cha:
- Có cách nào cứu con không ba? Còn vợ của con nữa! Loan nó sẽ ra sao??
Ông không đáp và ra về.
Chào tạm biệt đứa con trai mà ông biết chắc chắn nó không thể nào được Tổng Thống ân xá vì những thành tích trước khi nó phạm lỗi không có gì gọi là vẻ vang thì không bao giờ có cơ may được ân xá. Ông bước từng bước ra về trên tay vẫn còn cầm chặt gậy chỉ huy làm bằng mun màu đen láng bóng với nét mặt có vài vết nhăn trên trán vì những đêm mất ngủ.
Một tuần lễ sau khi nhận tin Tổng Thống không ân xá và án tử hình phải thi hành trong nay mai, ông đến thăm con và báo cho con biết án tử hình sẽ thi hành theo Quân Luật.
Trung Úy Mệnh khóc ngất vừa van xin vừa cầu cứu cha:
- Cứu con nghe cha! Con chết mất!
- Cha cũng không thể nào giành lấy sự sống của con đâu.
Trước mặt người lính gác, trước ánh mắt đau đớn của người cha, Trung Úy Mệnh quỳ xuống:
- Ba cứu con!
Ông gắt:
- Một sĩ quan hèn nhác như con thì không xứng đáng để cha hy sinh danh dự của mình để cứu lấy con.

Nhiều khi ông còn bỏ mặc cả bản thân mình để lo cho đơn vị. Và với tình yêu và lý tưởng to lớn đó của ông, đồng đội và ngay cả những quân nhân thuộc cấp cũng tin rằng ông sẽ mãi mãi là một cấp chỉ huy xứng đáng của đơn vị. Thế nhưng, bao nhiêu năm tận tụy vì quân ngũ cũng không thể giành được mạng sống của chính con mình.
Lúc này ông thực sự khóc át hẳn cả tiếng nghẹn ngào của người tử tội.
Tiếng khóc của Trung Úy Mệnh càng lúc càng nhỏ đi trong âm vang nghẹn ngào.
Bỗng chốc ông thản nhiên, ôn tồn nói:
- Mệnh! Con đừng khóc nữa! Ba đã có cách cứu con rồi!
Người tử tội im bặt tiếng khóc nức nở:
- Thật vậy sao Ba?
Ông im lặng một lúc trong khi người tử tội hối hả, van xin:
- Nói đi Ba! Cách nào! Làm sao hả Ba?
- Từ giây phút này con phải bình tĩnh. Không đuợc khóc cũng đừng van xin ai. Sáng mai khi con ra pháp trường Cát, ta sẽ lệnh cho anh Trung sĩ Tiểu đội Trưởng tiểu đội thi hành án sẽ nạp đạn mã tử cho tiểu đội của anh. Lẽ dĩ nhiên khi bắn đạn mã tử thì con sẽ không chết, nhưng con phải giả vờ khi nghe tiếng súng nổ, đầu của con phải gục về bên trái nhé! Sau đó họ sẽ vùi xác con sơ sài bằng vài xẻng đất. Nửa giờ sau ba sẽ cho người đem con về ngay quê Ngoại và Ba sẽ tìm cách đưa con qua trốn bên Lào. Ở đó, ba có quen thân với một vài lãnh tụ Lào. Họ sẽ che chở cho con và trong tương lai con sẽ là cố vấn quân sự cho họ.
Trung Úy Mệnh lau nước mắt, cúi đầu cám ơn cha.
Sáng sớm hôm sau, bình minh chưa ló dạng, một mình ông Đại Tá Quân Trấn Trưởng đã có mặt tại Pháp Trường Cát được tạo dựng trong một sân vận động vào giữa khuya để tránh sự tò mò của dân chúng quanh vùng.
Khoảng bốn giờ sáng, một thầy Tuyên Úy Phật giáo bước vào khám đuờng để làm lễ cầu siêu cho tử tội. Vị Tuyên Úy đi cùng với một sĩ quan Thi Hành Án:
Vị sĩ quan hỏi:
- Thưa ông! Ông sẽ phải thi hành án tử hình trong sáng sớm hôm nay. Vậy ông có xin được ăn điểm tâm đặc biệt với món ăn gì không? Kể cả rượu và thuốc lá?
Trung Úy Mệnh rất bình tĩnh, thản nhiên trước cái chết như sợi chỉ mành treo. Ông ôn tồn nói:
- Xin cho tôi một tách cà phê pha bằng chiếc tất của chính tôi đang mang như trong những ngày đơn vị tôi bị địch bao vây tại tiền đồn Đá Đen.
Viên chức thi hành án lạnh lùng hỏi:
- Còn gì nữa không, thưa ông?
- Cho tôi hai điếu thuốc thơm, Quân Tiếp Vụ.
Thầy Tuyên Úy nhắc lời:
- Nam mô A Di Đ à Phật! Ông không ăn sáng hay sao?
-Thưa Thầy Tuyên Úy, con đã không được ăn sáng từ lâu lắm rồi!
Người sĩ quan thi hành án nói:
- Ông vui lòng cho mượn chiếc tất của ông!
Cà phê được pha ngay trong phòng tử tội. Trung Úy Mệnh tay cầm chiếc tất, thản nhiên vắt chiếc tất cho cà phê chảy xuống rồi bỏ một cục đường, khoáy mạnh. Ông liên tưởng đến những ngày về phép. Ông và Loan vẫn thường ngồi bên nhau, cả hai đứa cùng nhìn những giọt đắng đang nhỏ xuống từng giọt trong vành ly.

Trung Úy Mệnh uống ực một hơi. Tiếng gõ mõ và tiếng tụng kinh của thầy tuyên úy vang lên. Trung úy Mệnh bị còng tay và đưa lên xe trong sự bình thản quá đỗi đã làm ngạc nhiên những người chứng kiến.
Trời đất vẫn còn trong đem tối bao trùm cảnh vật.
Án tử hình bao giờ cũng được thi hành trước khi ánh bình minh ló dạng.
Vừa ra khỏi xe, Trung Úy Mệnh nhìn quanh. Ông rất bình thản khi nhận ra cha mình đang ngồi trên một chiếc xe Jeep lùn. Sau đó, Trung Úy Mệnh bị bịt mắt và bị dẫn đến địa điểm thi hành án.
Viên trung sĩ đứng trước tiểu đội, hô to:
- Súng nạp đạn! Nạp!
Sáu người lính bồng súng lên ngang ngực. Viên trung sĩ với động tác nghề nghiệp, lấy súng cá nhân của mỗi người lính. Anh quay lưng lại tiểu đội để nạp đạn, không cho ai thấy họ đã được nạp loại đạn nào.
Cần nói rõ thêm, trong thủ tục thi hành xử bắn, một trong sáu binh sĩ sẽ được nạp bằng một viên đạn mã tử, để cho ai cũng sẽ nghĩ rằng mình đã bắn bằng đạn mã tử, để khỏi mặc cảm là mình đã giết người.
Viên trung sĩ lần lượt nạp đạn cho từng người. Ông quay về vị trí chỉ huy:
- Súng lên vai! Tư thế bắn! Sẵn sàng! Bắn!
Sáu tiếng súng Garant M1 rền vang! Đầu Trung Úy Mệnh ngã về trái.
Viên trung sĩ bước đến bên phải tử tội. Rút súng nhẹ nhàng bắn một phát súng ân huệ! Đầu Trung Úy Mệnh bật lên rồi gục đầu qua bên trái.
Viên bác sĩ quân y, bước đến khám nghiệm tử thi và ký giấy cho gia đình mang thân nhân về chôn cất.
Mọi người lần lượt ra về. Chỉ còn lại một mình Đại Tá, ông ôm xác con, nước mắt lưng tròng:
- Con can đảm lắm. Hãy hiểu cho Ba. Như thế cũng đã đủ lắm rồi.
Ông đem xác con về chôn bên bờ hồ.
Bóng dáng ông trước mặt tôi lúc đó trông thật tội nghiệp - một người cha thất vọng, bẽ bàng, vừa tủi hổ, sợ hãi, giống y hệt Trung Úy Mệnh những ngày vừa qua. Còn bây giờ có lẽ cảm xúc của ông đã chai mòn rồi. Ông đã không làm như lời ông đã hứa với con mình. Cùng là phận của người cha như nhau, vì tình phụ tử mà ông sẵn sàng giành giật mạng sống của con mình. Nhưng ông đã không làm việc ấy. Nhiều người khuyên nhủ ông nên tha thứ cho con và vì con mà vận động với các tường lãnh để trình lên Tổng Thống ân xá cho con mình, nhưng ông từ chối. Mỗi người một tư cách khác nhau.

Giờ đây ông cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái. Không phải ông không thể tha thứ cho con. Trung Úy Mệnh cũng không thể quay về quá khứ để sửa lại những sai lầm.
Sau cái chết của Trung Úy Mệnh, người vợ vừa thất vọng vừa tủi hổ bỏ về quê lấy chồng. Ông sống trong nỗi đau khắc khoải với vết thương không bao giờ lành trong lòng.
Ngài Đại Tá chỉ chờ dịp rảnh rỗi để lang thang một mình bên bờ hồ, căm hận cuộc đời đến nỗi ngài cất tiếng thở dài như tiếng khóc của một loài chim. Còn mộ của người con trai thì trong thời gian này mưa gió đang xói mòn từng mảnh như tim chàng đang hối hận vì đã để cho đơn vị của chàng bị thất trận với hàng trăm xác bạn bè gục ngã như những chiếc lá rụng quanh hồ...

Duy Xuyên

(Tacoma)

Không có nhận xét nào: