La Pagode, quán cái chùa và những đầy Saigon kỷ niệm. Getty images (1972).
Đúng là cường điệu khi tôi lấy tựa bài viết này nhái theo tác phẩm “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của tác giả Erich Maria Remarque – người Đức, viết năm 1929, năm thế giới bước vào Đại chiến lần II. - Dịch giả tài hoa Phạm Trọng Khôi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhà xuất bản Lá Bối in tại Saigon năm 1969 – năm chiến sự Cao nguyên trung phần Việt Nam bùng nổ dữ dội. (Bắc quân gọi là mặt trận Tây nguyên). 50 năm trước, trong một lần người Lính rừng về phép, đôi giầy sô còn lem màu đất đỏ, tôi dắt tay “mối tình đầu” đi bát phố, người nữ sinh áo trắng lớp đệ Tứ mua tặng chàng “quan một vốn dòng thư sinh” cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Đó là cuốn tiểu thuyết phản chiến kể về câu chuyện tình thời chinh chiến. Nó bày bán lền khên ở đại lộ sách Lê Lợi. Ý người đẹp muốn tôi nơi cánh rừng heo hút, nơi quả đồi trơ vơ, mong cho chàng được “yên tĩnh”. Tôi hỏi, em đã đọc nó chưa? - Dạ chưa!
<!>
Tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Đức Erich Maria Remarque: “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Bìa sách (trái) của nhà xuất bản Lá Bối Saigon in năm 1969; bìa phải sách có tựa đề “Phía tây không có gì lạ” do Đông A và NXB Văn Học tái bản năm 2000.
Dạo hàng sách chán, chúng tôi dắt tay nhau vào rạp Rex xem phim “Romeo và Juliet”. Chuyện tình bi kịch mãnh liệt của đại văn hào Ăng Lê William Shakespeare. Thời ấy, Saigon, cái gọi là tình yêu nó lãng mạn không thể tưởng tượng nổi, nó trong như tờ giấy trắng, gan góc lắm cũng chỉ đến mức nắm tay người yêu mà thôi. Ôi, cái lằn ranh đỏ tình yêu thời ấy nó bao trùm người trai thời loạn. Trong ánh sáng mờ ảo của màn ảnh đại vĩ tuyến, thoang thoảng mùi thơm từ tóc. Thân tôi tê cứng.
Rời rạp xinê, hai đứa tôi ghé vào quán cái chùa – “La Pagode”. Cái quán mà nhà văn Văn Quang viết rằng “Nói đến La Pagode, Givral, Brodard… chắc chắn những người đã từng sống, từng ghé qua Sài Gòn chưa ai quên. Nhất là những văn nghệ sĩ, nhà báo, dân biểu, thường ngồi ở đấy làm nơi trao đổi tin tức nghề nghiệp. Còn một số lớn khách du lịch, sĩ quan, quân nhân, công tư chức làm việc tại “thủ đô miền Nam” và các bạn trẻ Sài Gòn thập niên 60-75 cũng hay lui tới nơi này.”
Ông nhà văn nổi tiếng của Saigon quên khuấy mấy ông lính từ miền xa về thành phố. À! Hóa ra cái thành phố này không phải của bọn “mán về thành”. Nó là cái ghetto của bọn con cái nhà giầu, của bọn trốn quân dịch, của bọn văn nghệ sĩ triết gia dằn vặt giữa gió đông gió tây bề bộn giữa chiến tranh và hòa bình, của bọn chính khách ba hoa chích chòe áo mão cân đao rượu nồng gái đẹp. Bọn Lính rừng đi chỗ khác chơi.
Saigon về đêm với những cái villa hách xì xằng kênh kiệu chẳng khác bao nhiêu cái xóm nhà lá kênh đen tối om nồng nặc. Ta cũng như ai dắt tay em đi dạo phố phường hưởng làn gió mát từ bến sông Bạch Đằng. Quanh đây ánh đèn neon lập lòe xanh đỏ hộp đêm thơm lừng các em ca ve váy bó váy xòe mông tròn cún cỡn khoác tay các chú GI. Ôi tội nghiệp những tối cao nguyên mịt mùng dưới chiến hào và đại bác. Mặt trận miền tây trong hồn tôi không bao giờ chịu yên tĩnh.
Trên môi đọng lại vị ngọt ly nước chanh đường, tôi bước đến cái máy hát ở trong góc quán cái chùa bỏ vào ít đồng rồi nhấn nút. “A Time for Us - A time for us, some day there'll be, when chains are torn by courage born of a love that's free, A time when dreams so long denied can flourish, a we unveil the love we now must hide …”. Em ngoan ngoãn yên lặng ngồi bên tôi, thỉnh thoảng em ngượng ngùng đưa mắt ngó quanh, xếp lại ngay ngắn tà áo viền hoa đài các. Tôi lại nhấn nút, “Love Story, tiếng hát Elvis Phương - Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ … Ôi biết nói gì? Cuộc tình lớn quá …”. Tôi lại nhấn nút, tiếng hát liêu trai Thanh Thúy, “Mưa buốt lạnh trong đêm, đứng trên thềm ga vắng, hắt hiu ngọt đèn vàng em tiễn anh, mưa ướt mềm đôi vai biết bao điều chưa nói, biệt ly sầu vời vợi có gì vui … Khi tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm … Quyến luyến anh còn đứng chưa lên đường …”.
Tôi thật không muốn trở về đơn vị chút nào. Tôi ngụp lặn trong tình yêu say đắm mê man. Tôi bâng khuâng dâng lên mặc cảm lẫn khoe khoang đôi giầy trận lấm bùn giữa thủ đô hoa lệ. Bỗng chốc hai tháng lương quan một bay cái vù. Bộ vó nghênh ngang của chàng sĩ quan măng trẻ đính cổ mai vàng xụi lơ như cái bóp xẹp lép. Tôi ảo não nghĩ tới những ngày cơm sấy khô khốc kinh niên.
Rồi ngày vui cũng qua mau. Tôi phải trở về rừng thôi. Ngày trở về đơn vị, em đứng trên sân ga hắt hiu ngọn đèn vàng tiễn chân tôi. Tưởng tượng ra cảnh chia ly ôi sao não nùng – “biệt ly sầu vời vợi có gì vui”. Tôi rõ là vớ vẩn. Đơn vị tôi đóng quân tít trên quả đồi cao ngàn mét quanh năm làm bạn với gió núi mưa rừng làm quái gì mà xe lửa sân ga bò lên tới đó để mà sầu vời vợi. Nhưng làm sao tôi quên được, ngày em tiễn tôi ra phi trường, “từ nay cách xa nghìn trùng, người em bé bỏng, tầu bay cánh vươn mịt mùng, đường bay não nùng …”. Hỡi em, người nữ sinh áo trắng tuổi mười lăm, tôi đã đi vào khung trời mênh mông, “tôi sẽ ra đi nặng hành trang đó, đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, đem mối thương yêu vào niềm thương nhớ, tôi sẽ ra đi chẳng mong ngày về ...”- (PD).
Tôi chẳng mong ngày về phép sau cái chiều mùa hè năm ấy. Mùa Hè định mệnh của hai đứa. Tôi thẫn thờ buông lơi tấm thân ngà ngọc ôm ấp châu báu Saigon trên căn gác xép. Tôi không thể dấn vết chân son sâu vào tờ giấy trắng trinh nguyên. Vì em tôi không thể. Nét mực tím ngày nào còn nằm im trong ngực túi áo jacket. Người Lính rừng xa tắp uống ly nước chanh đường ở quán cái chùa chợt đắng thân phận cô đơn giữa ánh sáng thành đô. Tôi linh cảm tình tôi sẽ không giữ được chân em.
Và đó cũng là lần đi phép cuối cùng tôi trả lại em – tình đầu. Em thuộc về hoa lệ. Em đã thuộc về hoa lệ. Em thuộc về mơ ước. Một ngày nào đó em sẽ thật xa tôi. Đôi mắt em xa vắng ở quán cái chùa nắng hè dìu dập còn vương đâu đó. Mặc. Đời đời tôi vẫn cám ơn em – nhớ và nhớ em đến tận cùng chân mây ở khung trời khói lửa đang vùi dập người Lính đi kích đêm rình rập dưới cơn mưa lạnh buốt trên ngọn đồi gió hú.
Mặt trận Cao nguyên không yên tĩnh. Chúng tôi – những người Lính lo âu và sẵn sàng bóp cò. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn năm watt phát ra từ cục pin cũ máy truyền tin PRC-25, hình bóng em ảo ảnh trên những trang sách lật qua lật lại “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”, giờ nó đã nát nhàu dưới căn hầm dã chiến toát mùi khí lạnh bốn bề vách đất đỏ lòm. Thức giấc vì tiếng đại bác phòng ngự chát chúa nửa đêm, tôi bật dậy viết cho em lá thư tình quê mùa không tem.
Tôi là lính. Đừng yêu tôi em nhé
Em là gió. Là sương pha mắt ướt
Em là mây. Sà nóng pháo đam mê
Là ánh sáng. Tóc xõa gối ngổn ngang
Là góc tối. Tương tư đồn biên giới
Là rì rào. Ngóc ngách chảy về xuôi.
Em tôi và Người Lính Đóng Đồn Phương Đông
Nhớ năm nào em bỏ phố lên rừng
Cả bầu trời nức nở đón chân em
Sét không gian nổ ngang tai như sấm
Lật chiến hào môi hồng nhạt vấn vương.
Tối cao nguyên sao trên rừng ngơ ngác
Lỗ châu mai rực sáng hỏa châu đêm
Quân đâu!
Áp trại phu nhân ngay tức khắc
Đón nàng về hầm chiến đấu biên cương
Của cải rừng thiêng có gì ngon mang ra đãi
Mời em! Mời em!
Ai bảo rằng bọn lính rừng thiếu phong nhã hào hoa.
Tôi là lính. Đừng yêu tôi em nhé
Em là gió. Là sương pha mắt ướt
Em là mây. Sà nóng pháo đam mê
Là ánh sáng. Tóc xõa gối ngổn ngang
Là góc tối. Tương tư đồn biên giới
Là rì rào. Ngóc ngách chảy về xuôi.
Tôi không thấy ngọn đuốc tình yêu trong mắt em
Trong bóng đen sâu thẳm lẩn khuất mầm mơ hồ hủy diệt
Trong đôi mắt tồi tàn của cái đồn nhỏ xíu trên quả đất này
Đang chứng kiến cuộc báo thù vĩ đại của loài người.
Một sự thật não lòng
“Tổ khúc xe tăng” của Tchaikovsky?
Không!
Máu. Máu em tôi đỏ lòm dưới bánh xe xích sắt
Máu. Máu em tôi đỏ lòm dưới bánh xe xích sắt
vấy máu Budapest, vấy máu Praha, vấy máu Ukraina,
xích xe tăng nghiền nát áo tự do
máu Hà Nội, máu Saigon
máu tiền đồn loang trên hè phố
máu người lính già gác ngôi đền phương đông cứu độ chúng sinh
không còn dấu vết như làn sương sớm.
Tôi là lính. Đừng yêu tôi em nhé.
Lý Kiến Trúc
viết từ California
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét